Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

SUY NIỆM VỚI THÁNH TÔMA AQUINÔ – TỪ LỄ THĂNG THIÊN ĐẾN LỄ HIỆN XUỐNG 1

Administrator
2024-05-13 15:00 UTC+7 29
Bài 1: Chúa Giêsu lên trời Chúng ta buộc phải tin rằng Đức Kitô đã sống lại; hơn nữa, chúng ta phải tin rằng Người đã lên trời vào ngày thứ bốn mươi. Vì thế kinh Tin kính nói rằng: Người đã lên trời. Việc Chúa lên trời có ba điểm đáng suy xét: a) […]

Bài 1: Chúa Giêsu lên trời

Chúng ta buộc phải tin rằng Đức Kitô đã sống lại; hơn nữa, chúng ta phải tin rằng Người đã lên trời vào ngày thứ bốn mươi. Vì thế kinh Tin kính nói rằng: Người đã lên trời. Việc Chúa lên trời có ba điểm đáng suy xét: a) đây là một việc siêu phàm; b) hợp lý; c) và hữu ích.

I. SỰ LÊN TRỜI CỦA ĐỨC KITÔ LÀ MỘT VIỆC SIÊU PHÀM

Sự thăng thiên của Chúa Giêsu là điều siêu phàm bởi vì Người đã lên trời. Điều này có thể được giải thích theo ba cách:

1. Người đã lên cao hơn mọi tầng trời vật chất. Thánh Phaolô nói rằng: “Người… đã lên cao hơn tất cả mọi tầng trời” (Ep 4,10). Đức Kitô là kẻ đầu tiên đã thực hiện điều ấy, bởi vì cho đến nay các thân thể trần thế chỉ có ở dưới đất này, ngay cả ông Ađam cũng sống ở địa đàng dưới đất.

2. Người đã lên cao hơn mọi tầng trời thiêng liêng, tức là lên trên tất cả mọi bản tính thần thiêng, như thánh Phaolô viết trong thư gửi Êphêsô (1,20-22): “Chúa Cha đã đặt Đức Kitô ngự bên hữu Ngài ở trên trời, lên trên mọi Vương công, Quyền uy, Dũng lực, Thống trị, và lên trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai; và Ngài đã đặt tất cả mọi sự dưới chân Đức Kitô”.

3. Thậm chí Đức Kitô còn lên tới ngai tòa của Chúa Cha. Ngôn sứ Đaniel nói về Người (Đn 7,13): “Kìa, có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến; Người tiến lại gần bên Đấng Lão Thành”. Thánh Marcô cũng khẳng định (16,19): “Nói xong, Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”. Khi nói đến Bên hữu thì đừng hiểu theo nghĩa đen nhưng phải hiểu theo nghĩa bóng. Thật vậy, khi nói rằng “Người ngự bên hữu Thiên Chúa” thì chúng ta nghĩ đến Thiên tính của Đức Kitô hoàn toàn ngang hàng với Chúa Cha; nhưng khi nghĩ đến nhân tính của Người, thì hiểu là Đức Kitô được hưởng những ân huệ tột đỉnh. Đó là điều mà ma quỷ đã ao ước khi nói: “Ta sẽ lên trời, ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa; ta sẽ ngự trên núi Hội Ngộ, chốn bồng lai cực bắc. Ta sẽ vượt ngàn mây thẳm, sẽ nên như Đấng Tối Cao” (Is 14,13-14). Nhưng chỉ một mình Đức Kitô mới đạt tới độ cao đó; và vì thế, chúng ta tuyên xưng: Người đã lên trời và ngự bên hữu Chúa Cha. Thánh vịnh cũng nói về Đức Kitô (110,1): “Sấm ngôn của Đức Chúa ngỏ cùng Chúa Thượng tôi: ‘Bên hữu Cha đây, con lên ngự trị’”.

II. SỰ LÊN TRỜI CỦA ĐỨC KITÔ LÀ MỘT ĐIỀU HỢP LÝ

Sự lên trời của Đức Kitô là một điều hợp lý bởi vì Người được nâng lên trời vì ba lý do:

1. Trời xứng hợp với Đức Kitô theo bản tính của Người, vì rằng mỗi hữu thể trở về nơi xuất phát là điều hợp với bản tính. Thế mà Đức Kitô phát xuất bởi Thiên Chúa, là Đấng vượt trên tất cả mọi vật. Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ (Ga 16,28): “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian; bây giờ Thầy lìa bỏ thế gian và đến cùng Chúa Cha”. Và Người cũng tuyên bố với ông Nicôđêmô rằng (Ga 3,13): “Không ai đã lên trời, ngoại trừ kẻ từ trời mà xuống, đó là Con Người, Đấng thuộc về trời”. Và mặc dù các Thánh lên trời, nhưng họ không lên giống như cách thức mà Đức Kitô đã lên trời, bởi vì Đức Kitô đã lên trời do chính quyền năng của Người, trong khi đó các Thánh đã được đưa lên ra như là do Đức Kitô lôi kéo. Vì thế chúng ta thưa với Người (Dc 1,3): “Lạy Chúa, xin hãy kéo con theo Ngài”. Hoặc cũng có thể nói rằng ngoại trừ Đức Kitô không có ai đã lên trời. Thật vậy, Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, còn các Thánh lên trời bởi vì các ngài là những chi thể của Người. Chúa Giêsu đã có lần nói với các Tông đồ (Mt 24,28): “Xác chết nằm đâu, diều hâu tụ đó”.

2. Trời xứng đáng với Đức Kitô vì chiến thắng của Người. Thật vậy, Người được cử đến thế gian để chiến đấu với ma quỷ và Người đã khuất phục được nó; vì vậy Người xứng đáng được tôn vinh lên trên tất cả mọi sự: “Ta đã thắng và ngự bên Cha Ta trên ngai của Người” (Kh 3,21).

3. Sau cùng, Đức Kitô đáng ở trên trời vì sự khiêm hạ của Người. Thật vậy, không bao giờ có sự khiêm hạ nào lớn bằng sự khiêm hạ của Đức Kitô, Đấng mặc dù là Thiên Chúa nhưng đã chọn trở nên người phàm, Đấng mặc dù là Ngôi Lời nhưng đã chọn mặc lấy hình dáng của người tôi tớ, vâng lời cho đến chết (x. Pl 2,7), và xuống âm phủ. Do đó Người xứng đáng được tôn vinh lên tận trời cao, đến ngai Thiên Chúa, bởi vì sự khiêm hạ là con đường dẫn tới sự suy tôn, như Chúa đã dạy: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11). Và trong thư gửi tín hữu Êphêsô (4,10), thánh Phaolô cũng khẳng định: “Đấng đã xuống cũng chính là Đấng đã lên cao hơn mọi tầng trời”.

III. SỰ LÊN TRỜI CỦA ĐỨC KITÔ LÀ ĐIỀU HỮU ÍCH

Sự lên trời của Đức Kitô là điều hữu ích về ba phương diện:

1. Thứ nhất, Chúa Giêsu lên trời để dẫn đưa chúng ta về trời: bởi vì chúng ta không biết đường nên Người đã chỉ đường cho chúng ta: “Người đã lên để mở đường đưa họ tiến lên” (Mk 2,13). Kế đó, Người lên trời để đảm bảo rằng chúng ta có thể chiếm hữu Nước Thiên đàng, như Người đã nói với các Tông đồ : “Thầy đi dọn chỗ cho anh em” (Ga 14,2).

2. Thứ hai, để mang lại cho chúng ta lòng tin tưởng. Thật vậy, Người đã lên trời để chuyển cầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha: “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho loài người” (Hr 7,25). Thánh Gioan cũng khẳng định điều này: “Chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha, đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1 Ga 2,1).

3. Thứ ba, việc Chúa lên trời có ích cho chúng ta bởi vì thu hút lòng yêu mến của chúng ta, như Chúa nói: “Vì kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6,21), và để chúng ta có thể khinh chê những của cải thế trần. Vì thế, thánh Phaolô viết (Cl 3,1): “Nếu anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, thì anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới”.

(Giải thích Kinh Tin kính)

Chia sẻ