Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 112. GIÁO HỘI HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU CHÍNH LÀ SỰ HỢP NHẤT TRỌN VẸN

Administrator
2020-08-08 00:20 UTC+7 39
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh Bài 112. GIÁO HỘI HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU CHÍNH LÀ SỰ HỢP NHẤT TRỌN VẸN Từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã dấn thân hết mình cho công cuộc đại kết và lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh. “Sự hợp nhất Giáo Hội được diễn tả […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 112. GIÁO HỘI HƯỚNG TỚI MỤC TIÊU CHÍNH LÀ SỰ HỢP NHẤT TRỌN VẸN

Từ Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội đã dấn thân hết mình cho công cuộc đại kết và lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh. “Sự hợp nhất Giáo Hội được diễn tả như lòng trung thành với Đức Kitô, được duy trì và bảo vệ bởi sự hiện diện của Đức Maria”.

1. Dấn thân cho sứ vụ đại kết có tầm quan trọng hàng đầu của mọi Kitô hữu. Chúng ta biết rằng trong Bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã tha thiết cầu xin cho sự hợp nhất của các môn đệ: “xin cho tất cả được nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ được nên một trong Chúng ta và để thế gian tin rằng Cha đã sai Con” (Ga 17,21).

Đức Giêsu đã không do dự để thưa lên với Chúa Cha ban cho các môn đệ “được hoàn toàn nên một” (Ga 17,23) mặc cho những khó khăn và thử thách mà Đức Giêsu biết trước sẽ xảy đến với các môn đệ. Thậm chí, ngay trong Bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã nhận ra sự chia rẽ rạn nứt này nơi nhóm Mười Hai. Và Người thấy trước những điều sẽ xảy ra trong các cộng đoàn Kitô hữu giữa một thế giới rộng lớn và đa dạng. Tuy nhiên, Đức Giêsu cầu xin sự hợp nhất trọn vẹn cho những ai đi theo Người. Đức Giêsu đã hiến dâng mạng sống mình cho ước vọng hợp nhất này.

Vì vậy, sự hợp nhất chính là món quà Thiên Chúa ban cho Giáo Hội. Thánh Cyrianô viết: “một dân được quy tụ bởi sự hợp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (De Orat. Dom., 23, PL 4, 536). Thêm nữa, Giáo Hội là “một mầu nhiệm thánh thiêng, tìm thấy khuôn mẫu và nguyên lý cao vời trong sự hợp nhất Ba Ngôi của một Thiên Chúa duy nhất là Cha và Con trong Chúa Thánh Thần” (UR, 2).

Trong thực tế, chúng ta thấy sự hợp nhất trọn vẹn trong cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên quy tụ sau ngày lễ Ngũ Tuần: “các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42); và “các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32).

2. Lần đọc những trang Công vụ Tông đồ kể về kinh nghiệm sống của cộng đoàn tiên khởi, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy rằng sự nhất trí và hòa hợp lúc bấy giờ là nhờ sự hiện diện của Đức Maria (x. Cv 1,13-14). Trong số những phụ nữ có mặt nơi cuộc tụ họp đầu tiên, chỉ riêng Đức Maria được thánh Luca nhắc đến bằng tên gọi. Thánh Luca không quên xác định bà Maria là “Mẹ của Đức Giêsu”. Nhờ thế, sự hiện diện của Đức Maria như dấu chỉ và tác động mạnh mẽ đến sự hiệp thông. Tước hiệu này đã đặt Đức Maria vào vai trò làm Mẹ mới mà Chúa Giêsu đã tỏ lộ trên Thập giá. Vì vậy, trong hoàn cảnh này không thể không nhắc tới sự hợp nhất Giáo Hội được diễn tả như sự trung thành với Đức Kitô. Sự hiện diện của Mẹ giúp củng cố và duy trì sự hợp nhất trong Giáo Hội.

Giá trị căn bản của sự hợp nhất trong Giáo Hội sơ khai sẽ không bao giờ mất đi. Công đồng Vaticanô II nhắc lại: “Đức Kitô đã thiết lập một Giáo Hội và chỉ một Giáo Hội mà thôi” (UR, 1). Tuy nhiên, phải chân nhận rằng, sự hợp nhất ban đầu này đã bị tổn thương nghiêm trọng trong suốt chiều dài lịch sử.

Ngày nay, tình yêu của Đức Kitô phải thúc đẩy các Kitô hữu cùng nhau nhìn lại quá khứ, quay lại con đường hiệp nhất với một sức sống mới.

3. Chính các bản văn Tân ước cho chúng ta thấy rằng, ngay từ những ngày đầu của Giáo Hội đã có sự chia rẽ giữa các Kitô hữu. Thánh Phaolô đã đề cập đến mối bất hòa trong cộng đoàn Côrintô (x. 1Cr 1,10-12). Thánh Gioan khiển trách những người giảng dạy đạo lý sai lạc (x. 2Ga 10), những kẻ đòi giữ vị thế cao trọng trong Giáo Hội (x. 3Ga 9-10). Cái khởi đầu đau buồn này của vẫn luôn được lặp lại trong mọi thời, với việc hình thành những nhóm muốn tách ra khỏi Giáo Hội Công giáo, nổi lên các cuộc ly giáo, các lạc thuyết, và sự ra đời của các Giáo Hội “biệt lập”. Những cộng đồng Kitô hữu này không hiệp thông với các Giáo Hội khác và với cả Giáo Hội hoàn vũ, vốn được tập hợp như “một đoàn chiên” dưới sự chăm sóc của “một mục tử” là Đức Kitô (Ga 10,16) qua vị đại diện là Đức Giáo Hoàng.

4. Phong trào đại kết bắt nguồn từ việc đối chiếu hoàn cảnh lịch sử đó với luật hiệp nhất của Tin Mừng. Phong trào này nhằm khôi phục sự hợp nhất hữu hình giữa tất cả các Kitô hữu để “thế giới quay về với Tin Mừng và nhờ đó được cứu rỗi, và về với vinh quang Thiên Chúa” (x. UR, 1). Công đồng Vaticanô II đã đưa ra tầm quan trọng của phong trào này. Với những người tham gia phong trào, nó chỉ ra cách thức đưa đến mối dây hiệp thông đức tin vào Chúa Ba Ngôi và vào Đức Kitô, và lòng khao khát về một Giáo Hội duy nhất và phổ quát (x. UR, 1). Nhưng, nhiệm vụ đại kết đích thực cũng mời gọi mọi Kitô hữu hãy để cho ước muốn chân thành về sự hiệp nhất thúc đẩy, và dỡ bỏ mọi định kiến cản trở những bước tiến trong việc đối thoại bác ái trong chân lý.

Công đồng trình bày nhận định khác biệt về diễn tiến các cuộc phân ly trong lịch sử. “Nhiều Cộng đoàn lớn đã tách khỏi sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công giáo, đôi khi do sai lỗi của những người ở cả hai bên” (UR, 3). Đây là khởi điểm của những cuộc phân ly. Rồi sau đó, tình hình thay đổi: “Những người được sinh ra và tiếp nhận niềm tin vào Chúa Kitô trong các Cộng đoàn ấy, không thể bị kết tội chia rẽ và Giáo Hội Công giáo vẫn tôn trọng, yêu thương họ như anh em” (UR, 3).

Với Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội Công giáo cam kết cách dứt khoát theo đuổi con đường nghiên cứu đại kết, lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần Chúa. Con đường đại kết đã trở thành con đường của Giáo Hội.

5. Chúng ta phải lưu ý thêm rằng, theo Công đồng, những người đã tách khỏi Giáo Hội Công giáo vẫn hiệp thông cách nào đó với Giáo Hội cho dù không được trọn vẹn. Thực tế, những người tin vào Chúa Kitô và đã lãnh nhận bí tích Rửa tội thành sự đáng được con cái Giáo Hội nhìn nhận như là “anh em trong Thiên Chúa” cho dù trong giáo lý, kỷ luật hoặc cơ cấu tổ chức vẫn có những khác biệt (UR, 3). Chúng ta có thể liên kết với họ qua những yếu tố có giá trị cao quý khác, chẳng hạn “Lời Chúa trong Sách Thánh; đời sống ân sủng; đức tin, đức cậy, đức mến, với những ân huệ thiêng liêng khác của Chúa Thánh Thần, và những yếu tố hữu hình khác nữa” (UR, 3). Tất cả những điều này “tồn tại trong Giáo Hội Công giáo” (LG, 8) và là gia sản của Giáo Hội duy nhất của Chúa Kitô.

Thậm chí ngay cả đối với công cuộc loan báo Tin Mừng và thánh hóa, Công đồng bày tỏ thái độ chân thành và tôn trọng. Điều đó khẳng định rằng, trên thực tế, các Giáo Hội và những cộng đồng ly khai ấy vẫn không hoàn toàn mất đi ý nghĩa và giá trị trong mầu nhiệm cứu độ. “Thánh Thần của Chúa Kitô vẫn dùng họ như những khí cụ mang lại ơn cứu rỗi” (UR, 3).

Tất cả những điều vừa đề cập chứa đựng một lời mời gọi khẩn thiết cho sự hợp nhất trọn vẹn. Đây không đơn thuần là việc thu thập tất cả di sản thiêng liêng rải rác nơi những cộng đồng Kitô giáo để hình thành một Giáo Hội hoàn hảo hơn, như thể đây là Giáo Hội tương lai mà Thiên Chúa mong muốn. Nhưng đúng hơn, một Giáo Hội hoàn hảo là Giáo Hội mà Thiên Chúa đã thiết lập và biểu lộ trong biến cố Ngũ Tuần. Đây là mục tiêu hướng tới mà tất cả mọi người phải phấn đấu, nổ lực trong hy vọng, cầu nguyện, hoán cải và cả trong đau khổ làm phát sinh giá trị từ thập giá Chúa Kitô.

Chia sẻ