Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 17. Lời thưa “xin vâng” của Đức Maria khởi đầu giao ước mới

Administrator
2019-11-27 15:13 UTC+7 5
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh Bài 17: Lời thưa “xin vâng” của Đức Maria khởi đầu giao ước mới Giáo Hội mà các ngôn sứ loan báo và diễn tả tiên trưng nơi hình ảnh dân Israel, có Thiên Chúa là Đức lang quân, nay được mặc khải trong mầu nhiệm Nhập thể. […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 17: Lời thưa “xin vâng” của Đức Maria khởi đầu giao ước mới

Giáo Hội mà các ngôn sứ loan báo và diễn tả tiên trưng nơi hình ảnh dân Israel, có Thiên Chúa là Đức lang quân, nay được mặc khải trong mầu nhiệm Nhập thể. Tại buổi tiếp kiến chung thứ Tư ngày 4 tháng 12, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Giáo Hội. Trong bài này, Đức Thánh Cha trình bày về mối tương quan phu – phụ nơi Thiên Chúa và dân của Người, tiên trưng cho mối tương quan giữa Đức Kitô và Giáo Hội.

1. Kinh Thánh Cựu ước đã nói về mối tương quan vợ chồng giữa Thiên Chúa và Isarel Dân Người. Trong phần III của sách Ngôn sứ Isaia, chúng ta đọc thấy những lời như sau: “Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất” (Is 54,5). Điểm giáo lý Giáo Hội như bí tích hiệp thông với Thiên Chúa (mysterium ecclesiae – Mầu nhiệm Giáo Hội, xc. LG 1) đưa chúng ta trở lại với thực tế xưa kia về giao ước của Thiên Chúa với dân Israel – dân được tuyển chọn, là sự chuẩn bị cho mầu nhiệm nền tảng của Giáo Hội, một sự nối dài mầu nhiệm Nhập Thể. Điều này đã được đề cập trong những bài giáo lý trước đó. Hôm nay, chúng tôi muốn làm nổi bật thực tế giao ước của Thiên Chúa với dân Israel, giao ước đã được các ngôn sứ trình bày như dây liên kết hôn nhân. Khía cạnh đặc biệt này nơi tương quan của Thiên Chúa với Dân cũng có giá trị biểu tượng và là sự chuẩn bị cho một khế ước hôn nhân giữa Đức Kitô và Giáo Hội, Dân Mới của Thiên Chúa, Israel mới đã được thiết lập nhờ lễ hy sinh trên thập giá của Đức Kitô.

2. Ngoài bản văn Isaia vừa được trích dẫn phía trên, chúng ta cũng tìm thấy những bản văn khác trong Kinh Thánh Cựu ước nói về mối tương quan giao ước của Thiên Chúa với dân Israel như một tương quan hôn nhân. Tiêu biểu là những bản văn được tìm thấy trong sách ngôn sứ Hôsê, Giêrêmia và Êdêkien. Bằng lối so sánh mạnh mẽ, các ngôn sứ đã tố cáo dân được tuyển chọn giống như một người vợ không chung thủy và ngoại tình. Ngôn sứ Hôsê diễn tả: “Hãy đưa mẹ các ngươi ra toà, đưa nó ra toà đi! Vì nó không phải là vợ của Ta, và Ta không phải là chồng của nó” (Hs 2,4), ngôn sứ Giêrêmia cũng nói cách tương tự: “Thế nhưng, người đàn bà thất trung với bạn mình làm sao, thì hỡi nhà Israel, các ngươi cũng thất trung với Ta như vậy” (Gr 3,20). Thêm nữa, nhìn vào sự bội tín bất trung hết lần này đến lần khác của dân Israel đối với Luật giao ước, đặc biệt là tội thờ ngẫu tượng, ngôn sứ Giêrêmia đã thêm lời quở trách: “Nhưng ngươi đã đàng điếm với bao nhiêu tình nhân, lại còn mong trở về với Ta nữa! Đức Chúa phán (Gr 3,1). Ngôn sứ Êdêkien nói: “Thế mà ngươi đã cậy có nhan sắc, ỷ vào danh tiếng của ngươi để đàng điếm và hoang dâm với mọi khách qua đường” (Ed 16,15; xc. 16,29,32).

Tuy nhiên, phải nói rằng, những lời lên án của các ngôn sứ không chứa đựng sự cự tuyệt hoàn toàn và dứt khoát dành cho người vợ ngoại tình, nhưng những lời tuyên phán của các ngôn sứ chứa đựng lời mời gọi để thay đổi, và kèm theo đó là lời hứa sẽ đón nhận lại người vợ hư hỏng nếu nàng thật lòng ăn năn. Ngôn sứ Hôsê nói: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức Chúa.” (Hs 2,21-22). Cùng một cách đó, ngôn sứ Isaia cũng nói: “Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy” (Is 54,7-8).

3. Những lời tuyên phán nơi các ngôn sứ vượt ra ngoài ranh giới lịch sử của Israel và vượt quá chiều kích xã hội và tôn giáo của một dân không tuân giữ giao ước đã ký kết. Trong viễn cảnh của giao ước mới, dân sẽ nhận ra được điều gì đó sẽ đến trong tương lai. Chúng ta có thể thấy những điều đặc biệt này trong sách ngôn sứ Giêrêmia: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,33). Về phần mình, ngôn sứ Êdêkiel cũng tuyên phán những điều tương tự, sau lời hứa rằng những người bị đi đày bên Ai Cập sẽ được hồi hương: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta. Lúc ấy, chúng sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng” (Ed 11,19-20).

4. Việc hiện thực lời hứa một giao ước mới được bắt đầu với Đức Maria. Biến cố truyền tin là mặc khải đầu tiên cho thấy chương trình của Thiên Chúa được thực hiện. Thật thế, tại thời điểm đó, chúng ta được nghe người trinh nữ thành Nazarét đáp lại lời mời gọi của tổng lãnh thiên thần, bằng sự vâng phục của đức tin vào kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa, để cứu độ loài người, thông qua biến cố Nhập Thể của Ngôi Lời. Việc Con Thiên Chúa xuống thế làm người muốn nói rằng những lời loan báo về Đấng Mêsia của các ngôn sứ nay đã thành hiện thực, và đó cũng chẳng khác gì buổi sơ khai của Giáo Hội như dân giao ước mới. Đức Maria nhận ra chiều kích to lớn của sứ điệp Mêsia nơi những lời mời gọi của sứ thần Gabriel. Mẹ đón nhận và đã dùng lời xin vâng để đáp lại. Thánh Luca dường như muốn nhấn mạnh chiều kích này qua cuộc đối thoại giữa tổng lãnh thiên thần và Đức Maria, và qua những lời ca khen Magnificat.

5. Cuộc đối thoại giữa tổng lãnh thiên thần với Đức Maria và thánh thi Magnificat cho thấy sự khiêm nhường của Mẹ và cũng cho thấy Mẹ sống niềm mong chờ ngày thành toàn lời hứa thiên sai cho dân Israel mãnh liệt thế nào. Những lời ngôn sứ về giao ước hôn nhân giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn đã được đức Maria gìn giữ và luôn suy gẫm trong lòng, được lặp lại nhiều lần ở những thời khắc khác nhau, thánh Luca ghi lại. Chính Đức Maria đã muốn trở thành hình ảnh cụ thể vị hiền thê luôn trung thành, hoàn toàn tận hiến cho với Đức Lang quân chí thánh của mình. Do đó, Mẹ trở thành khởi điểm của dân Israel mới (dân được Thiên Chúa ký kết bằng giao ước mới). Trong cuộc đối thoại biến cố truyền tin lẫn trong lời kinh Magnificat, Đức Maria không trực tiếp sử dụng điều gì đặc biệt để ám chỉ về mối tương quan phu – phụ, nhưng điều Đức Maria muốn diễn tả vượt xa liên kết hôn nhân. Mẹ xác tín và nhấn mạnh một sự tận hiến dành cho Thiên Chúa. Những điều đó Mẹ đã tuân giữ suốt cuộc đời của mình. Lời Mẹ thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” (Lc 1,34), như muốn nói: Tôi là một trinh nữ đã tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa và tôi không có ý định rời bỏ Đấng Lang quân của lòng mình, bởi vì tôi nghĩ, Thiên Chúa cũng không muốn điều đó xảy ra – Người là Đấng hay ghen tương và nghiêm khắc đối với ai chối bỏ Người, vì vậy hãy bền tâm kêu cầu lòng thương xót nơi Người!

6. Đức Maria nhận thức rõ về sự không chung thủy của mọi người, và mẹ muốn bản thân mình trở thành một nàng dâu luôn trung thành với người bạn đời thiêng liêng, người mà mẹ luôn hằng yêu mến. Sứ thần loan báo với Mẹ về một giao ước mới đầy bất ngờ mà Thiên Chúa muốn ký kết với toàn thể nhân loại, như việc một người mẹ đồng trinh nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, người trinh nữ làng quê Nazarét trở thành mẹ của Con Thiên Chúa mà vẫn còn đồng trinh. Mầu nhiệm Nhập Thể hoàn thành thiên chức làm mẹ của Đức Maria, được thực hiện cách trọn vẹn bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Đây là sự khởi đầu của giao ước mới được kí kết trong Đức Kitô, với tư cách đấng phu quân nối kết toàn thể nhân loại với chính Người và gọi đó là Giáo Hội của mình, như dân phổ quát của giao ước mới.

7. Vào thời điểm Nhập Thể, Đức Maria với tư cách là Mẹ Đồng Trinh, trở thành hình ảnh của Giáo Hội trong cả hai tư cách vừa là người nữ đồng trinh vừa là người mẹ. Công đồng Vatican II đã giải thích: “Trong mầu nhiệm Giáo Hội, chính Giáo Hội cũng được gọi cách hợp pháp là Mẹ và Trinh Nữ, Ðức Nữ Trinh Maria đi tiên phong, tỏ ra là một người mẹ và một trinh nữ gương mẫu tuyệt vời và hiếm có” (LG 63). Ngay từ đầu, sứ thần được Thiên Chúa gửi đến đã dành cho Đức Maria lời chào “hãy mừng lên”. Lời chào này đã được các ngôn sứ lặp lại nhiều lần trong cựu ước: “Nào thiếu nữ Xion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi” (Dcr 9,9). “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi. Án lệnh phạt ngươi, Đức Chúa đã rút lại, thù địch của ngươi, Người đã đẩy lùi xa. Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi, chính là Đức Chúa. Sẽ chẳng còn tai ương nào khiến ngươi phải sợ. Ngày ấy, người ta sẽ bảo Giêrusalem: Này Xion, đừng sợ, chớ kinh hãi rụng rời.” (Xp 3,14-17). “Hỡi đất đai, đừng sợ, hãy hoan hỷ vui mừng, vì Đức Chúa đã làm những việc lớn lao. Hỡi thú vật ngoài đồng, chớ sợ, vì đồng cỏ trong hoang địa lại xanh tươi, cây cối đơm hoa kết trái, cây vả, cây nho cho quả dồi dào. Hỡi con cái Xion, hãy vui mừng hoan hỷ vì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chính Người đã ban cho anh em mưa đầu mùa bởi vì Người thành tín. Người cũng cho mưa rào đổ xuống trên anh em, mưa đầu mùa và mưa cuối mùa như thuở trước. Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi, Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi. Vì ngươi, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng” (Ge 2,21-23)

Vì thế, trước ngưỡng cửa của Tân ước, Đức Maria và Giáo Hội là sự hoàn thành những lời của các ngôn sứ. Người ta thậm chí nói rằng ở ngưỡng cửa này, Giáo Hội được tìm thấy nơi Đức Maria, còn Đức Maria hiện diện trong và như chính Giáo Hội. Đó là một trong những kỳ công của Thiên Chúa, là đối tượng niềm tin của chúng ta.

Chia sẻ