Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 24: Lời mời gọi nên thánh là điểm cốt yếu đối với Giáo Hội

Administrator
2019-12-04 15:00 UTC+7 5
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh Bài 24: Lời mời gọi nên thánh là điểm cốt yếu đối với Giáo Hội Lời mời gọi hiệp thông trong sự thánh thiện của chính Thiên Chúa và đặc tính tư tế của Dân Thiên Chúa được mặc khải dứt khoát trong giao ước mới của Đức […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 24: Lời mời gọi nên thánh là điểm cốt yếu đối với Giáo Hội

Lời mời gọi hiệp thông trong sự thánh thiện của chính Thiên Chúa và đặc tính tư tế của Dân Thiên Chúa được mặc khải dứt khoát trong giao ước mới của Đức Kitô. Hôm nay, thứ Tư ngày 12 tháng Hai, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội của mình với câu hỏi: Bằng cách nào các tín hữu trong Giáo Hội sống trong một cộng đoàn hiệp thông thánh thiện.

1. Đức Chúa phán với ông Môsê: “”Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ítraen và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19,1-2).

Lời mời gọi sống thánh thiện thuộc về bản chất của Giao ước Thiên Chúa với dân trong Cựu ước. “Vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Hs 11,9). Thiên Chúa trong tự bản chất của mình đã là Đấng Thánh, Đấng ngàn trùng Chí Thánh (xc. Is 6,3), đã đến gần với con người là dân Người tuyển chọn, để họ có thể được thông phần vào sự thánh thiện vinh quang của Người. Thực ra, từ khởi đầu, lời kêu gọi nên thánh và hiệp thông với sự thánh thiện của Thiên Chúa đã nằm trong giao ước của Thiên Chúa với con người: “Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh (Xh 19,6). Trong sách Xuất hành, sự hiệp thông và chức tư tế thừa tác nơi những người được tuyển chọn đã được liên kết chặt chẽ với nhau trong sự thánh thiện của chính Thiên Chúa. Đó là một mặc khải từ rất sớm về sự thánh thiện của chức tư tế, và điều này sẽ được hoàn trọn trong giao ước mới nhờ máu Đức Kitô đổ ra, khi “những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Điều này đã được Đức Giêsu nói tại Sychar, khi trò truyện với người phụ nữ Samari bên giếng nước (xc. Ga 4,24)

2. Vì vậy, Giáo Hội là mầu nhiệm hiệp thông trong sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng là “sự hiệp thông huynh đệ giữa các thánh”, là một trong những ý tưởng then chốt trong thư thứ nhất của thánh Phêrô. Chính Chúa Giêsu Kitô là nguồn mạch của sự hiệp thông và thánh hiến nơi con người và tất cả công trình sáng tạo đều bắt nguồn từ sự hiến tế của Đức Giêsu. Thánh Phêrô viết rằng: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh” (1Pr 3,18). Vì hy lễ của Đức Kitô, hy lễ chứa đựng sức mạnh thánh hóa con người và mọi thụ tạo, nên thánh tông đồ Phêrô đã trình bày: “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của con chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô” (1Pr 1, 18-19). Theo nghĩa này, thánh tông đồ Phêrô nói rằng: “Anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa” (1Pr 2,9; xc. Xh 19,6). Nhờ vào hy tế tinh tuyền của Đức Kitô, chúng ta được tham dự vào sự thánh thiện của Thiên Chúa và đạt được “sự hiệp thông huynh đệ trong sự thánh thiện”.

3. Thánh Phêrô viết rằng: “Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1Pr 2,21). Bước theo Đức Giêsu Kitô có nghĩa là làm sống lại trong chính đời sống chúng ta sự thánh thiện mà chúng ta đã được lãnh nhận nhờ ơn thánh hóa nơi bí tích rửa tội; nghĩa là tiếp tục nhận ra trong chính đời sống của chúng ta “lời cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô” (1Pr 3,21); điều đó có nghĩa là có khả năng làm vinh danh Thiên Chúa trước thế gian và đặc biệt là trước dân ngoại (xc. 1Pr 2,12; 3,1-2) qua những việc lành. Theo thánh Phêrô Tông đồ, điều này là việc “dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô” (1Pr 2,5); và cũng là “việc xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng … những viên đá sống động … làm hàng tư tế thánh” (1Pr 2,5)

“Chức tư tế thánh” được tỏ bày trong việc dâng những lễ tế thiêng liêng có khuôn mẫu đích thực và trọn hảo nơi hiến tế của chính Đức Giêsu Kitô. Thánh Phêrô còn thêm: “thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác” (1Pr 3,17). Trong cách thức này, Giáo Hội được mọi người nhận ra như một cộng đoàn hiệp thông trong sự thánh thiện. Nhờ Đức Giêsu và thông qua tác động của Chúa Thánh Thần, sự hiệp thông nơi Dân Mới của Thiên Chúa đáp ứng đầy đủ lời mời gọi của Thiên Chúa: “Hãy nên Thánh, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh”.

4. Nơi thánh Phaolô, chúng ta cũng tìm thấy những lời giáo huấn tương tự. Ngài viết cho giáo đoàn Rôma: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12,1). “Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về, anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa” (Rm 6,13). Theo thánh Phaolô, hành trình từ sự chết đến sự sống được thực hiện thông qua bí tích Rửa tội. Đó là thanh tẩy trong cái chết của Đức Kitô. Thật thế, chúng ta được mai táng “với Đức Kitô. Bởi thế, cũng như Đức Kitô đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,3-4).

Thánh Phêrô nói về “những viên đá sống động” xây lên “ngôi đền thờ thiêng liêng”, tương tự, về phần mình, thánh Phaolô cũng sử dụng hình ảnh ngôi nhà khi ngài nói: “Anh em là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1Cr 3,9), và tiếp đó, Ngài còn khuyên cộng đoàn Côrintô: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16). Sau nữa, Ngài còn thêm ý này nhằm trả lời cho chính câu hỏi của mình đặt ra: “Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,17).

Hình ảnh đền thờ kêu gọi mọi người để ý đến việc đóng góp của mọi Kitô hữu vào trong sự thánh thiện của Thiên Chúa, đến “sự hiệp thông” của mọi người trong sự thánh thiện mà hiệp thông là kết quả hoạt động của Chúa Thánh Thần. Ở một đoạn văn khác, thánh Phaolô đã nói về những người tin “là được đóng ấn Thánh Thần” (xc. Ep 1,13). Thiên Chúa, Đấng đã xức dầu cho chúng ta [nghĩa là, đã chứng thực chúng ta trong Đức Kitô] cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 1,21-22).

5. Theo những lời hai vị tông đồ, sự hiệp thông vào sự thánh thiện của Thiên Chúa có nghĩa là việc chúng ta được thánh hóa bởi Chúa Thánh Thần, nhờ hy tế của Đức Kitô. Sự thông hiệp này được diễn tả qua việc dâng hiến lễ thiêng liêng, theo gương Đức Kitô. Theo cách này, sự hiệp thông thực thi “chức tư tế thánh”. Nó được củng cố nhờ sứ vụ Tông đồ, mà sứ vụ ấy nhắm đến điều thánh Phaolô nói tới là “để hiến lễ” của các tín hữu, “được Thiên Chúa chấp nhận và được Thánh Thần thánh hóa” (Rm 15,16). Vì vậy, nhờ vào “tác động của Thánh Thần” và thông qua sứ vụ thánh mà Giáo hội sản sinh hoa trái. Việc hiệp thông trong sự thánh thiện được biến thành trách nhiệm tông đồ nơi các tín hữu để phục vụ ơn cứu độ toàn thể nhân loại.

6. Giáo huấn của thánh Phêrô Tông đồ và thánh Phaolô được nhắc lại trong sách Khải Huyền. Trong quyển sách này, chúng ta đọc thấy, ngay sau lời chào “ân sủng và bình an” (Kh 1,4), là những lời hoan chúc tung hô dành cho Đức Kitô: “Đức Giêsu đã yêu mến chúng ta và lấy máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa là Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. A-men!” (Kh 1,5-6). Trong việc tung hô này, Giáo Hội diễn tả lòng biết ơn của mình và hân hoan, ngang qua việc thánh hóa và thánh hiến tư tế mà Đức Kitô đã hoàn thành bằng “máu của chính Người”. Ở một đoạn khác trong sách Khải huyền, chúng ta đọc thấy rõ ràng việc thánh hiến này được dành cho tất cả mọi người không phân biệt nam, nữ, “muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân” (Kh 5,9-10). Sau đó, đoàn người không thể đếm này được miêu tả như những người “đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9) và “họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người” (Kh 7,15).

Về phần mình, thánh Phêrô Tông đồ viết thư nhằm trình bày sự hiệp thông trong sự thánh thiện của Thiên Chúa, qua việc Đức Kitô như nền tảng của Giáo Hội trên địa cầu. Còn trong sách Khải Huyền, tác giả đưa ra một lối nhìn cánh chung của sự hiệp thông các thánh trong Thiên Chúa. Đó thật sự là một mầu nhiệm nơi Giáo Hội trên trời, nơi đó, tất cả sự thánh thiện trên trái đất đều quy tụ, tiến lên trên con đường trong trắng và hoán cải. Thánh Tôma Aquinô trong tổng luận thần học đã viết: bí tích rửa tội là điểm khởi đầu đời sống thánh thiện, cùng với ân sủng mà bí tích mang lại và ấn tín mà bí tích ghi vào tâm hồn người lãnh nhận, chiếu theo chức tư tế của Đức Kitô bị đóng đinh và trao cho người lãnh nhận bí tích quyền được chia sẻ trong chức tư tế (ST III, q.63, a.3). Nơi Giáo Hội trên trời, sự hiệp thông thánh thiện sẽ được soi sáng bởi vinh quang của Đức Kitô phục sinh.

Chia sẻ