Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 31: ĐỨC KITÔ NÂNG HÔN NHÂN LÊN HÀNG BÍ TÍCH

Administrator
2019-12-12 15:30 UTC+7 5
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 31:  ĐỨC KITÔ NÂNG HÔN NHÂN LÊN HÀNG BÍ TÍCH Ngang qua bí tích Hôn nhân, Đức Kitô ban cho đôi bạn ân sủng để sống trung tín với nhau và để nuôi dạy con cái trong đức tin Kitô giáo Tại buổi Tiếp kiến chung vào […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 31:  ĐỨC KITÔ NÂNG HÔN NHÂN LÊN HÀNG BÍ TÍCH

Ngang qua bí tích Hôn nhân, Đức Kitô ban cho đôi bạn ân sủng để sống trung tín với nhau và để nuôi dạy con cái trong đức tin Kitô giáo

Tại buổi Tiếp kiến chung vào thứ Tư, ngày 6 tháng Năm, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý với đề tài Giáo Hội như một cộng đoàn tư tế và bí tích. Trong bài thứ 31 của loạt bài giáo lý, ngài nói về Hôn nhân Kitô giáo và vai trò của bí tích này trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Đây là bài phát biểu của Ngài.

1. Theo Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội là một “cộng đoàn tư tế”, với “bản chất thiêng liêng và cơ cấu” được hiện thực hóa qua các bí tích, trong đó bí tích Truyền chức và Hôn phối có một vai trò đặc biệt.

Về bí tích Truyền chức thánh, chúng ta đọc thấy trong Hiến chế Lumen gentium như sau: “Những tín hữu đượ̣c lãnh nhận chức thánh được thiết định nhân danh Đức Kitô để nên mục tử chăn dắt Giáo Hội bằng lời và ân sủng của Thiên Chúa”; Về bí tích Hôn phối hiến chế viết: “nhờ sức mạnh của bí tích Hôn Phối, các đôi vợ chồng Kitô hữu biểu thị và chia sẻ mầu nhiệm tình yêu hiệp nhất và chung thủy giữa Đức Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,32), họ giúp nhau đạt tới sự thánh thiện trong đời sống Hôn nhân” (Lumen gentium, số 11).

Chúng tôi sẽ dành riêng bài giáo lý hôm nay cho bí tích Hôn phối và sẽ nói về chức tư tế thừa tác sau.

2. Trong bài giáo lý trước, chúng tôi nhắc lại phép lạ đầu tiên mà Đức Giêsu đã thực hiện tại tiệc cưới Cana. Ý nghĩa của phép lạ này vượt xa sự kiện được ghi lại. Theo Tin mừng, Đức Giêsu đã thực hiện phép lạ này nhằm “bày tỏ vinh quang của Người ” (Ga 2, 11). Mặc dù ý nghĩa ấy vượt xa sự kiện được ghi lại, nhưng qua đó chúng ta cũng có thể khám phá ra quan điểm của Đức Giêsu đối với tình yêu vợ chồng và thể chế Hôn nhân, cũng như ý định của Ngài nhằm đem lại ơn cứu độ cho gia đình, khía cạnh nền tảng của xã hội loài người. Ngài ban cho rượu mới như biểu tượng của tình yêu mới. Khung cảnh ở Cana nói lên rằng, đời sống Hôn nhân thật sự bị đe dọa một khi tình yêu đôi lứa không còn. Qua bí tích Hôn phối, Chúa Giêsu Kitô tiết lộ một phương thế hiệu quả của chính Ngài, ngang qua lòng trắc ẩn, nhằm trợ giúp và thêm sức cho tình yêu đôi lứa cũng như ban cho họ sức mạnh của niềm tin. Chúng ta cũng có thể nói rằng phép lạ mà Đức Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài là một dấu chỉ cho thấy tầm quan trọng của Hôn nhân trong kế hoạch cứu độ và khai sinh Giáo Hội của Thiên Chúa.

Cuối cùng, chúng ta cũng khẳng định rằng, sáng kiến của Đức Maria khi thỉnh cầu và đạt được dấu lạ tại Cana báo trước vị thế tương lai của Mẹ trong đời sống Hôn nhân Kitô hữu: sự hiện diện nhân từ, sự chuyển cầu và giúp đỡ hầu vượt thắng những thách đố trong đời sống gia đình.

3. Trong ánh sáng của tiệc cưới Cana, giờ đây chúng tôi muốn mời gọi anh chị em hướng về bí tích Hôn nhân, chủ đề của bài giáo lý này. Thật vậy, chức tư tế phổ quát được thi hành cách đặc biệt trong đời sống Hôn nhân Kitô giáo. Bởi vì chính đôi bạn là thừa tác viên của bí tích này.

Như Công đồng khẳng định: “trong bí tích Hôn nhân, đôi bạn tự hiến cho nhau với ý thức và tự do”. Hành vi nhân linh ấy được nâng lên thành phẩm giá của bí tích. Chính đôi bạn là thừa tác viên trao ban bí tích cho nhau qua việc bày tỏ sự ưng thuận của mỗi người.

Bí tích tỏ lộ giá trị của sự tự do ưng thuận của người nam và người nữ. Đó là long trọng tuyên bố và bày tỏ tình yêu dành cho nhau.

4. Công đồng cũng nói rằng, qua bí tích Hôn phối đôi vợ chồng Kitô hữu “biểu thị và chia sẻ mầu nhiệm tình yêu hiệp nhất và chung thủy giữa Đức Kitô và Giáo Hội (x. Ep 5,32)” (x. Lumen gentium, số 11)

“Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động đem lại ơn cứu rỗi của Giáo Hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiên cường trong nhiệm vụ cao cả làm cha mẹ. Bởi đó, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như thể được thánh hiến bằng một bí tích riêng biệt, để đảm nhận các bổn phận và sống đúng phẩm giá bậc sống của họ”. (Gaudium et spes, số 48)

Điều cuối cùng của đoạn trích trên rất quan trọng, vợ chồng Kitô hữu “như thể được thánh hiến bằng một bí tích riêng biệt”. Rõ ràng, điều này cho thấy cách thức đôi vợ chồng thi hành chức tư tế của họ như tất cả những ai đã nhận Phép rửa và Thêm sức.

5. Với chức tư tế phổ quát của Hội Thánh, sự chia sẻ đặc biệt này có thể giúp đôi vợ chồng đạt tới sự thánh thiện. Thật vậy, qua bí tích Hôn phối họ nhận được sức mạnh nhằm hoàn thiện những bổn phận của đời sống gia đình và tiến tới sự thánh thiện của Hôn nhân. Công đồng nói rằng, “họ giúp nhau đạt tới sự thánh thiện trong đời sống Hôn nhân cũng như trong việc đón nhận và giáo dục con cái, và họ cũng nhận được những ơn riêng trong bậc sống và vai trò của họ giữa đoàn Dân Thiên Chúa (x. 1Cr 7,7)”. (Lumen gentium, số 11)

6. Bí tích Hôn phối hướng đến con cái. Đó là một thiên hướng bẩm sinh nơi bản chất con người. Công đồng nói, “Tự bản chất, chính định chế Hôn nhân và tình yêu vợ chồng qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh cao quý của Hôn nhân.” (Gaudium et spes, số 48)

Nhờ bí tích này, đôi vợ chồng được thêm sức mạnh trong niềm tin, tình yêu và lòng quảng đại trong việc chu toàn bổn phận đón nhận và nuôi dạy con cái. Bí tích ấy cũng là nguồn gốc phát sinh ân sủng để củng cố và hoàn thiện thiên hướng tự nhiên cũng như đánh dấu tâm lý của đôi vợ chồng.  Khi thực thi bổn phận đó, đôi vợ chồng nhận thức được sứ mệnh của mình là những người đang “cộng tác và diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa”. (Gaudium et spes, số 50)

Nhận ra việc đang cộng tác trong công trình sáng tạo và nhờ tình yêu thúc đẩy, đôi vợ chồng nhận thức rõ hơn về đặc tính thiêng liêng của việc truyền sinh. Song song đó, họ được thêm sức để định hướng tình yêu của mình đến bổn phận lưu truyền sự sống.

7. Công đồng còn mời gọi hướng đến bổn phận giáo dục con cái của đôi vợ chồng. Thật vậy, chúng ta đọc thấy trong Gaudium et spes: “Về phần đôi vợ chồng, bởi đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ, sẽ tận tâm chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo, vì họ là những người đầu tiên phải đảm nhận bổn phận này.” (Gaudium et spes, số 48). Hơn nữa, Hiến chế Lumen gentium cũng nói về định hướng này: “Trong gia đình như Giáo Hội tại gia, nhờ lời dạy dỗ và gương lành, cha mẹ là những người rao giảng đức tin đầu tiên cho con cái” (Lumen gentium, số 11). Sau đó, Công đồng làm sáng tỏ bổn phận này của cha mẹ, là những thành viên của Hội Thánh, cộng đồng tư tế và bí tích.

Rõ ràng, đối với người Kitô hữu, giáo dục là món quà đẹp nhất mà cha mẹ có thể trao cho con cái. Đó cũng là dấu chỉ đích thực và cao quý nhất của tình yêu vợ chồng. Nó đòi buộc đôi vợ chồng phải có một niềm tin chân thành, nhất quán và một đời sống phù hợp với niềm tin đó.

8. Công đồng cũng khẳng định rằng sự kết hợp thân xác, như là “hành vi tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái, đòi buộc đôi vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và thúc đẩy họ kết hợp với nhau bất khả phân ly” (Gaudium et spes, số 48). Sự trung tín và kết hợp ấy, bắt nguồn từ “những ơn đặc biệt của ân sủng và tình thương” (Gaudium et spes, số 49), được trao ban qua bí tích Hôn phối. Theo gương mẫu tình yêu của Đức Kitô dành cho Hội Thánh, đôi vợ chồng “mãi mãi trung thành yêu thương nhau nhờ sự tự hiến cho nhau” (Gaudium et spes, số 48). Đó cũng là sức mạnh ẩn chứa trong ân sủng của bí tích Hôn phối.

9. Cuối cùng, “mỗi gia đình Kitô hữu, vì xuất phát từ Hôn nhân, là hình ảnh và được tham dự vào giao ước yêu thương giữa Chúa Kitô và Hội Thánh, nên sẽ biểu hiện trước mặt mọi người sự hiện diện sống động của Đấng Cứu Thế trong thế giới và bản chất đích thực của Giáo Hội qua tình yêu, qua sự quảng đại chấp nhận sinh sản con cái, qua nếp sống hợp nhất và trung tín của đôi vợ chồng, cũng như qua sự cộng tác thân ái của mọi thành phần trong gia đình.” (Gaudium et spes, số 48).

Vì thế, không chỉ từng thành viên riêng lẻ nhưng toàn thể gia đình Kitô hữu, bao gồm cha mẹ và con cái, được mời gọi làm chứng cho sự sống, tình yêu và hiệp nhất. Đó cũng là bản chất đích thực của Hội Thánh, một cộng đoàn thánh thiêng được thiết lập và hiện hữu nhờ tình yêu của Đức Kitô.

Chia sẻ