Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 42: HÀNG GIÁM MỤC LÀ NHỮNG SỨ GIẢ CỦA TIN MỪNG

Administrator
2020-01-03 15:10 UTC+7 6
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 42: HÀNG GIÁM MỤC LÀ NHỮNG SỨ GIẢ CỦA TIN MỪNG Khi giảng dạy công khai và dứt khoát đạo lý của Giáo Hội trong sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng, hàng Giám mục được hưởng năng quyền bất khả ngộ Tại buổi Tiếp kiến chung […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 42: HÀNG GIÁM MỤC LÀ NHỮNG SỨ GIẢ CỦA TIN MỪNG

Khi giảng dạy công khai và dứt khoát đạo lý của Giáo Hội trong sự hiệp nhất với Đức Giáo hoàng, hàng Giám mục được hưởng năng quyền bất khả ngộ

Tại buổi Tiếp kiến chung vào thứ Tư, 4 tháng Mười Một, Đức Thánh Cha tiếp tục nói về phận vụ của hàng Giám mục trong Giáo Hội. Buổi nói chuyện hôm nay là bài thứ 42 trong loạt bài giáo lý về Giáo Hội, ngài mô tả phận vụ của hàng Giám mục như là thầy dạy đức tin. Sau đây là bài phát biểu của ngài.

1. Chúng tôi đã nói đến những hướng dẫn của Công đồng Vaticanô II về sứ vụ của hàng Giám mục, cả với tư cách là một Tập đoàn hay cá nhân từng Mục Tử được bổ nhiệm vào các Giáo phận khác nhau. Giờ đây, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những yếu tố căn cốt của sứ vụ này, theo giải thích của Công đồng. Yếu tố đầu tiên là thẩm quyền rao giảng Lời của Thiên Chúa. Công đồng nói: “Rao giảng Tin Mừng là nhiệm vụ hàng đầu trong các nhiệm vụ chính yếu của các Giám mục.” (Lumen gentium, số 25)

Rao giảng Lời của Thiên Chúa là trách vụ trước nhất được trao phó cho hàng Giám mục, như được trao phó cho các Tông đồ. Ngày nay, hơn bao giờ hết, Giáo Hội ý thức sự cần thiết của công cuộc loan báo Tin mừng, vì ơn cứu độ các linh hồn cũng như nhằm thiết lập và lan rộng cộng đoàn Giáo Hội. Giáo Hội luôn nhớ lời của thánh Phaolô: “Vì: Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi? Như có lời chép: Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng!” (Rm 10,13-15)

2. Cũng vì lý do đó, Công đồng nói: “các Giám mục là những người loan truyền đức tin”, và vì thế, các ngài làm cho đức tin của Dân Chúa lớn mạnh và trổ sinh hoa trái (x. Lumen gentium, số 25).

Trình bày đạo lý theo những cách thức phù hợp với nhu cầu của thời đại

Tiếp đến, Công đồng liệt kê những trách nhiệm của các Giám mục liên quan đến nhiệm vụ “sứ giả”: đưa ra chỉ dẫn tâm linh cho giới trẻ và người trưởng thành; giảng dạy chân lý mạc khải, mầu nhiệm toàn vẹn của Đức Kitô; nhắc nhở mọi người về những giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt là những điều dễ gây nghi ngờ hay chỉ trích. Chúng ta đọc thấy trong Sắc lệnh Christus Dominus như sau: “Khi thi hành phận vụ giáo huấn, các Giám mục loan báo cho mọi người biết Tin Mừng Chúa Kitô, bằng cách mời gọi họ đón nhận đức tin hoặc củng cố họ trong đời sống đức tin nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, đây là công việc cao cả nhất trong các phận vụ chính yếu của các Giám mục; các ngài phải trình bày cho mọi người mầu nhiệm toàn vẹn của Chúa Kitô, nghĩa là những chân lý mà nếu không biết, là không biết Chúa Kitô, và cũng phải trình bày cho họ con đường đã được mạc khải để tôn vinh Thiên Chúa và nhờ đó đạt đến hạnh phúc muôn đời.” (CD, số 12)

Đồng thời, Công đồng kêu gọi hàng Giáo Hội trình bày đạo lý này theo cách thức phù hợp với nhu cầu của thời đại: “Các Giám mục phải trình bày đạo lý Kitô giáo cách thích hợp với những nhu cầu của thời đại, nghĩa là giúp giải đáp những khó khăn và những vấn nạn đang đè nặng và gây nhiều bất an cho con người. Các ngài không chỉ bảo vệ nhưng còn dạy cho các tín hữu biết bênh vực và truyền bá đạo lý đó.” (CD, số 13)

3. Giảng dạy giá trị đích thực của mỗi người, của nhân loại cũng như của “những thực tại trần thế” là điều cần thiết trong công cuộc rao giảng dưới ánh sáng mầu nhiệm Đức Kitô. Công đồng khuyến khích các Giám mục “phải làm cho mọi người hiểu rằng, theo kế hoạch của Thiên Chúa Tạo Hóa, chính các thực tại trần thế và các tổ chức nhân loại cũng được xếp đặt hướng đến sự cứu rỗi con người, và do đó chúng có thể góp phần không nhỏ trong việc kiến tạo Thân Thể Chúa Kitô. Vì vậy, theo giáo huấn của Giáo Hội, các ngài phải dạy cho mọi người biết quý trọng những giá trị của nhân vị, tự do và sự sống thể xác; của gia đình cùng với đặc tính duy nhất và bền vững của Hôn nhân cũng như việc sinh sản và giáo dục con cái; giá trị của cộng đồng dân sự với các luật lệ và ngành nghề; của lao động và nghỉ ngơi, của các loại hình nghệ thuật và những khám phá kỹ thuật; giá trị của sự nghèo khó cũng như sự sung túc; sau cùng các ngài phải trình bày những phương thế giải quyết các vấn đề hệ trọng liên quan đến việc sở hữu, gia tăng và phân phối hợp lý những của cải vật chất, vấn đề hòa bình và chiến tranh cũng như mối bang giao huynh đệ giữa các dân tộc.” (CD, số 13)

Những điều nói trên đây là chiều kích lịch sử và xã hội của công cuộc rao giảng và của chính Tin mừng Đức Kitô, được truyện lại nhờ việc rao giảng của các Tông đồ. Chúng ta không nên ngạc nhiên việc rao giảng ngày hôm nay thuộc về bản chất xã hội và lịch sử của con người, mặc dù việc rao giảng này được thực hiện cách phù hợp trong tầm mức luân lý và tôn giáo. Mối quan tâm đến tình trạng của con người, trong đó khoảng cách kinh tế, xã hội và chính trị đang là điều nhức nhối và đau buồn, biến thành nỗ lực không ngừng nhằm mang lại sự giúp đỡ cho mỗi cá nhân và từng dân tộc, nhờ ánh sáng và tình yêu của Tin Mừng.

Các Giám mục phải giáo huấn trong sự hiệp nhất với Giám mục Rôma

4. Người tín hữu nên tuân phục giáo huấn của các Giám mục trong tinh thần đức tin. Công đồng nói: “Các Giám mục khi dạy dỗ trong sự thông hiệp với Giám mục Rôma, phải được mọi người kính trọng như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo; phần các tín hữu phải tùng phục phán quyết của Giám mục về đức tin và phong hoá được công bố nhân danh Đức Kitô, cũng như phải gắn bó với ngài bằng thái độ tuân phục trong tinh thần đạo đức.” (Lumen gentium 25)

Rõ ràng, Công đồng chỉ định rằng điều kiện thiết yếu làm cho giáo huấn của các Giám mục có giá trị, buộc phải tuân phục là các ngài nói trong sự hiệp thông với Giám mục Rôma. Chắc chắn, mỗi Giám mục có khả năng riêng và trình bày đạo lý của Chúa theo cách thức của mình. Tuy nhiên, giáo huấn là một phần của công cuộc rao giảng đạo lý của Chúa được trao phó cho Giáo Hội, cho nên các ngài phải luôn hiệp thông với vị thủ lãnh hữu hình của Giáo Hội bằng cả lý trí và ý chí.

5. Khi các Giám mục của Giáo Hội giảng dạy cách công khai và xác tín một đạo lý đức tin và phong hóa, thì với thẩm quyền giáo huấn, các ngài có được đặc ân bất khả ngộ. Công đồng cũng nhấn mạnh: “Tuy từng Giám mục riêng rẽ không được hưởng đặc ân bất khả ngộ, tuy nhiên, khi các ngài đồng thuận trong một phán quyết phải được tuân giữ cách tuyệt đối, thì dù đang phân tán khắp nơi trên thế giới, nhưng vẫn duy trì sự hiệp thông với nhau và với Đấng kế vị thánh Phêrô trong lúc chính thức dạy dỗ về đức tin và phong hoá, các ngài công bố cách bất khả ngộ giáo lý của Đức Kitô. Điều này còn rõ ràng hơn khi cùng nhau nhóm họp trong một Công Đồng chung, các ngài là những tiến sĩ và thẩm phán về đức tin và phong hoá đối với Giáo Hội phổ quát, nên phải tuân theo các định tín của các ngài với sự vâng phục của đức tin.” (Lumen gentium 25)

6. Với tư cách là thủ lãnh của Tập đoàn Giám mục, chỉ duy Giám mục Rôma được hưởng đặc ân bất khả ngộ. Chúng tôi sẽ nói về chủ đề này ở bài giáo lý tiếp theo. Giờ đây, chúng ta tiếp tục bản văn Công đồng về các Giám mục: “Ơn bất khả ngộ được hứa cho Giáo Hội cũng hiện diện nơi Giám mục đoàn khi các ngài thực thi quyền giáo huấn tối thượng cùng với Đấng kế vị thánh Phêrô. Giáo Hội không thể không chấp nhận những phán quyết đó, vì được tác động bởi cùng một Thánh Thần, nhờ đó toàn thể đoàn chiên Đức Kitô được bảo vệ và phát triển trong sự hợp nhất của đức tin.” (Lumen gentium 25)

Chúa Thánh Thần, Đấng bảo đảm cho những giáo huấn của Giám mục đoàn là chân lý không thể sai lầm, cũng bảo trợ cho đức tin của Giáo Hội thông qua ân sủng. Hiệp nhất trong đức tin là do hoạt động của Chúa Thánh Thần, linh hồn của Giáo Hội.

7. Công đồng cũng nói thêm: “Ơn bất khả ngộ mà Chúa Cứu Thế đã muốn ban cho Giáo Hội của Người khi xác định giáo thuyết về đức tin và phong hóa, trải rộng đến tất cả những gì có trong kho tàng mạc khải thần linh mà Giáo Hội phải bảo toàn cách cẩn trọng và phải trình bày cách trung thành. Vị Giám mục Rôma, Thủ lãnh của Giám mục đoàn, hưởng ơn bất khả ngộ đó do chức vụ của mình khi, với tư cách là chủ chăn và thày dạy tối cao của mọi tín hữu, là người củng cố đức tin anh em mình (x. Lc 22,32), ngài công bố giáo thuyết về đức tin và phong hoá bằng một phán quyết tuyệt đối. Vì lẽ này, thật hợp lý khi nói rằng những xác quyết của ngài là không thể sửa đổi do tự bản chất chứ không phải do sự đồng ý của Giáo Hội, vì những điều đó được công bố dưới sự bảo trợ của Chúa Thánh Thần mà Chúa đã hứa ban cho ngài trong thánh Phêrô, như vậy, không cần ai khác chuẩn nhận và không phải nại tới một phán quyết nào khác.” (Lumen gentium 25)

Tất cả Giám mục phải bảo toàn kho tàng đức tin

8. Cuối cùng, Công đồng căn dặn: “kho tàng mạc khải thần linh phải bảo toàn cách cẩn trọng và phải trình bày cách trung thành.” (Lumen gentium 25)

Vì thế, toàn thể Giám mục đoàn kết hiệp với Giám mục Rôma có trách nhiệm liên tục và trung thành bảo vệ kho tàng mạc khải thần linh được Đức Kitô trao phó cho Hội Thánh. Thánh Phaolô nhắc nhở môn đệ Timôthy “hãy bảo toàn giáo lý đã được giao phó cho anh” (1Tm 6,20), và giao phó cho ông trách vụ mục tử cho Giáo Hội ở Êphêsô (x. 1Tm 1,3). Là những Giám mục của Giáo Hội Công giáo, tất cả chúng ta phải ý thức trách nhiệm này. Tất cả chúng ta đều biết rằng, nếu trung thành bảo vệ “kho tàng” này, chúng ta sẽ luôn có thể duy trì sự toàn vẹn đức tin của Dân Chúa, và đảm bảo những chân lý mạc khải ấy sẽ được lan truyền khắp thế giới ngày nay và trong các thế hệ tương lai.

Chia sẻ