Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 19. Đức Kitô yêu thương Giáo Hội, Hiền thê của Người

Administrator
2019-11-29 15:19 UTC+7 6
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh Bài 19: Đức Kitô yêu thương Giáo Hội, Hiền thê của Người Thánh Phaolô sử dụng hình ảnh tình yêu hôn nhân để diễn tả mối tương quan của Đức Kitô với hiền thê là Giáo Hội. Hôm nay, thứ Tư ngày 18 tháng Mười Hai, Đức Thánh […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 19: Đức Kitô yêu thương Giáo Hội, Hiền thê của Người

Thánh Phaolô sử dụng hình ảnh tình yêu hôn nhân để diễn tả mối tương quan của Đức Kitô với hiền thê là Giáo Hội. Hôm nay, thứ Tư ngày 18 tháng Mười Hai, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài giáo lý về Giáo Hội của mình với việc giải thích cách thánh Phaolô diễn tả Giáo Hội như hiền thê của Đức Kitô.

1. Thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Đức Kitô yêu thương Giáo Hội và hiến mình vì Giáo Hội” (Ep 5,25). Chúng ta có thể thấy, lối nói loại suy về tình yêu hôn nhân, vốn được thừa hưởng từ các ngôn sứ trong cựu ước, tái xuất hiện trong lời giảng của Giaon Tẩy giả. Lối so sánh này một lần nữa đã được Đức Giêsu sử dụng, được ghi lại trong Tin Mừng và một lần nữa được thánh Phaolô áp dụng. Trong bài giáo lý tuần trước, chúng ta đã nhắc đến việc Đức Kitô được thánh Gioan và Tin Mừng giới thiệu như là Chàng Rể. Đức Kitô là Lang quân của Giáo Hội, Dân mới Thiên Chúa. Từ những lời của Đức Kitô và vị tiền hô của Người, lối nói loại suy này từ thời giao ước cũ được tái sử dụng để loan báo rằng thời gian đã tới hồi viên mãn. Những biến cố trong cuộc vượt qua làm cho lời của các ngôn sứ được tròn đầy ý nghĩa. Dựa vào những sự kiện đó, thánh Phaolô đã hoàn toàn có lý khi viết lá thư gửi cộng đoàn Êphêsô “Đức Kitô yêu Giáo Hội và hiến mình vì Giáo Hội”. Những lời này trong Thư vọng lại các lời của ngôn sứ trong Cựu ước, các ngài đã sử dụng phương thức loại suy để nói về tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Người tuyển chọn là Israel. Ít là cũng có một ngụ ý cho thấy Đức Giêsu áp dụng lối diễn tả như thế để tự mặc khải chính mình như chàng rể, các tông đồ đã dùng những lời này để rao giảng cho các cộng đoàn Giáo hội sơ khai. Đặc tính Hôn nhân và khả năng cứu chuộc nhân loại là hai chiều kích thánh Phaolô đào sâu khi nói về tình yêu của Đức Giêsu Kitô: “Đức Kitô hiến mình vì Giáo Hội”

2. Giáo huấn này càng rõ ràng hơn nếu chúng ta hình dung rằng thư Êphêsô liên kết trực tiếp tình yêu phu phụ của Đức Kitô dành cho Giáo Hội với Bí tích kết hợp người nam và người nữ trong hôn nhân. Chúng ta đọc thấy mấy lời như sau: “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Giáo Hội và hiến mình vì Giáo Hội; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Giáo Hội bằng nước và lời hằng sống (ám chỉ bí tích rửa tội), để trước mặt Người, có một Giáo Hội xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền (Ep 5,25-27). Đào sâu hơn một chút nữa, trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, chúng ta nhận thấy, thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự cao cả của mầu nhiệm kết hợp này, bởi vì thánh Phaolô nhấn mạnh “tôi muốn nói về Đức Kitô và Giáo Hội” (Ep 5,32). Điều cốt yếu nơi những lời rao giảng của thánh Phaolô là tình yêu hôn nhân của Đấng Cứu Chuộc đối với Giáo Hội của Người được phản ánh trong tình yêu hôn nhân Kitô giáo: Nhờ tình yêu mãnh liệt, tràn đầy ân sủng, Đức Kitô thông ban sự sống mới cho mọi thành phần của Giáo Hội.

3. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô, khi triển khai ý tưởng của mình, đã đề cập đến đoạn trích từ sách Sáng Thế khi nói về sự kết hợp giữa người nam và người nữ: “Cả hai sẽ trở nên một xương một thịt” (Ep 5,31; St 2,24). Thánh Phaolô đã dựa vào ý của đoạn (St 2,24) mà viết thêm: “vì thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Giáo Hội (Ep 5,28-29).

Có thể nói rằng, tình yêu hôn nhân theo cái nhìn của thánh Phaolô luôn tuân theo quy luật bình đẳng, người nam và người nữ đáp ứng những đòi hỏi của nhau trong Đức Kitô Giêsu (xc. 1Cr 7,4). Tuy nhiên, khi thánh Phaolô nhận xét: “chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Giáo Hội, chính Người là Đấng cứu chuộc Giáo Hội, thân thể của Người” (Ep 5,23) thì sự bình đẳng giữa hai người được nêu bật, bởi vì họ có được một trật tự trong tình yêu. Tình yêu của chồng dành cho vợ là sự tham dự vào tình yêu của Đức Giêsu dành cho Giáo Hội. Đức Giêsu, Chàng rể của Giáo Hội đã đi bước trước trong tình yêu, vì Người đã hoàn tất công trình cứu chuộc (xc. Rm 5,6; 1Ga 4,19). Do đó, Đức Giêsu cũng là đầu của Giáo Hội – thân thể Người; thân thể ấy đã được Người cứu chuộc, chăm sóc và yêu thương khôn tả.

Mối tương quan giữa đầu và thân thể không xóa bỏ sự hỗ tương có trong đời sống hôn nhân nhưng làm cho tương quan đó bền chặt hơn. Chính xác hơn, điều đó muốn nói đến quyền năng ân sủng của Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu luôn dành phần ưu tiên cho người được cứu chuộc là Giáo Hội. Thánh Phaolô là nhân chứng, đã nhiều lần truyền dạy điểm cốt lõi của mầu nhiệm Giáo Hội: Giáo Hội là hiền thê của Đức Kitô, Đấng cứu chuộc.

4. Qua cách nói và lối viết của mình, thánh Phaolô như thể là một học giả hay một người đã chứng kiến tận mắt những sự kiến đó chứ không phải là một chứng nhân đơn thuần và thờ ơ. Trong những lá thư của mình, thánh Phaolô xuất hiện như một người bị thu hút tột cùng trong nhiệm vụ khắc sâu chân lý. Thánh Phaolô trong bức thư thứ hai gửi cộng đoàn Côrintô, đã viết: “vì anh em, tôi ghen cái ghen của Thiên Chúa, bởi tôi đã đính hôn anh em với một người độc nhất là Đức Kitô, để tiến dâng anh em cho Người như một trinh nữ thanh khiết” (2Cr 11,2). Trong đoạn trích trên, thánh Phaolô giới thiệu mình như một người cao trọng nhất, người có mối quan tâm nồng cháy để khích lệ sự chung thủy của cộng đoàn đối với Đức Giêsu. Thậm chí, thánh nhân còn nói: “Nhưng tôi sợ rằng như xưa con rắn đã dùng mưu chước mà lừa dối bà Evà thế nào, thì nay trí lòng anh em cũng dần dần đâm ra hư hỏng, mất sự đơn sơ đối với Đức Kitô như vậy” (2Cr 11,3). Đó là cái ghen của thánh Phaolô.

5. Trong thư thứ nhất thánh Phaolô gửi cho cộng đoàn Côrintô, chúng ta cũng thấy những ý tưởng tương tự như đã được viết cho cộng đoàn Êphêsô và thư thứ hai gửi cho cộng đoàn Côrintô mà chúng ta đã lướt qua ở phần trên. Thánh Phaolô viết: “Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!” (1Cr 6,15). Tại đây, chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp những lời của ngôn sứ tố cáo dân không chung thủy đối với giao ước cũ, đặc biệt là việc tôn thờ ngẫu tượng. Không giống như các ngôn sứ thời xưa, dùng cách nói ẩn dụ diễn tả việc dân không trung tín với lề luật Thiên Chúa, thánh Phaolô đã thẳng thắn nói tôn thờ ngẫu tượng là mại dâm với một kỹ nữ, và ngài tuyên bố, những người đó không xứng đáng là một Kitô hữu. Thật không thể tưởng tượng được một Kitô hữu thuộc về Đức Kitô lại bán rẻ bản thân mình làm bạn với kỹ nữ. Tiếp đó, thánh Phaolô đã làm rõ một điểm quan trọng nữa là: quan hệ giữa con người với kỹ nữ chỉ xảy ra ở cấp độ xác phàm, và vì vậy có sự tách biệt giữa thể xác với tinh thần. Nhưng, sự kết hợp giữa Đức Giêsu và Giáo Hội thì diễn ra ở cấp độ thần khí và điều đó cũng đòi hỏi một tình yêu thuần túy tương ứng. Thánh Phaolô viết: “Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người” (1Cr 6,16-17). Các ngôn sứ đã sử dụng lối nói ẩn dụ để lên án việc coi thường và phản bội tình yêu Thiên Chúa nơi dân Israel. Ở đây, thánh Phaolô kêu gọi dân chú ý đến sự hợp nhất nên một với Đức Kitô là yếu tố cốt yếu của giao ước mới và đòi hỏi những hành vi của Kitô hữu phải tương hợp trong giao ước mới này: “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người”.

6. “Kinh nghiệm” biến cố Vượt Qua và “kinh nghiệm” của lễ Ngũ tuần là cần thiết để hiểu ý nghĩa của tình yêu hôn nhân mà các ngôn sứ muốn nhắm đến. Thánh Phaolô đã nhận thức được kinh nghiệm kép này nơi cộng đoàn Giáo Hội sơ khai, khi các tín hữu lãnh nhận từ nơi các môn đệ không chỉ là những lời hướng dẫn mà cả sự chia sẻ sống động trong mầu nhiệm đó. Đến lượt mình, thánh Phaolô đã làm sống lại và đào sâu hơn kinh nghiệm này, trở thành sứ giả đức tin cho các cộng đoàn Côrintô, Êphêsô và tất cả các giáo đoàn mà ngài viết thư. Đó là một sự giải thích tuyệt vời kinh nghiệm của thánh Phaolô về tương quan hôn nhân giữa Đức Kitô và Giáo Hội: “anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (1Cr 6,19).

7. Chúng ta kết thúc bài giáo lý hôm nay với cái nhìn đức tin như thế, vốn thôi thúc chúng ta ước ao được một kinh nghiệm tuyệt vời như thế: Giáo Hội là hiền thê của Đức Kitô. Giáo Hội thuộc về Đức Giêsu với tư cách là hiền thê trong Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn đưa Giáo Hội tới “nguồn ơn cứu độ” (Is 12,3) và thánh hóa Giáo Hội, thúc đẩy Giáo Hội dùng tình yêu đáp trả tình yêu.

Chia sẻ