Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II: Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh – Bài 13

Administrator
2019-11-13 00:51 UTC+7 5
BÀI 13: HỘI THÁNH LÀ DÂN MỚI CỦA THIÊN CHÚA Sáng kiến của Thiên Chúa trong việc tuyển chọn Israel như là lời tiên báo về Hội Thánh, Dân mới của Thiên Chúa được trả bằng giá máu của Con Chiên. Trong buổi tiếp kiến chung ngày 6 tháng Mười Một, Đức thánh cha tiếp […]

BÀI 13: HỘI THÁNH LÀ DÂN MỚI CỦA THIÊN CHÚA

Sáng kiến của Thiên Chúa trong việc tuyển chọn Israel như là lời tiên báo về Hội Thánh, Dân mới của Thiên Chúa được trả bằng giá máu của Con Chiên.

Trong buổi tiếp kiến chung ngày 6 tháng Mười Một, Đức thánh cha tiếp tục bài giáo lý về Hội Thánh. Trong bài thứ 13 của loạt bài này, ngài nói đến việc Dân của Thiên Chúa trong Cựu Ước được kiện toàn như thế nào trong Tân Ước. 

1. Theo chương trình và theo phương pháp đã chọn, chúng ta cũng bắt đầu bài giáo lý này bằng cách đọc một đoạn trong hiến chế Lumen gentium như sau: “Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện…. Người đã thiết lập giao ước, từng bước dạy bảo họ – bằng cách bày tỏ chính mình và ý định của mình qua lịch sử – và thánh hoá họ để dành riêng cho mình” (LG, 9). Chủ để của bài giáo lý trước là Dân Thiên Chúa trong giao ước cũ. Nhưng Công đồng lập tức nói thêm rằng: “Tuy nhiên, tất cả những điều ấy chỉ là chuẩn bị và là hình bóng của giao ước mới và hoàn hảo sẽ được ký kết trong Đức Kitô, và của mạc khải trọn vẹn do chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể mang đến” (LG, 9). Toàn bộ đoạn trích này từ hiến chế về Hội Thánh của Công đồng mở đầu chương II với tựa đề “Dân Thiên Chúa”. Thật vậy, theo Công đồng, Hội Thánh là Dân Thiên Chúa trong giao ước mới. Đây là ý tưởng đã được thánh Phêrô trình bày với các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi: “Xưa anh em chưa phải là một dân, nay anh em đã là Dân của Thiên Chúa” (1Pr 2,10).

2. Trong thực tế lịch sử và trong mầu nhiệm thần học, Hội Thánh phát xuất từ Dân Thiên Chúa trong giao ước cũ. Mặc dù được gọi bằng hạn từ “qahal” (nghĩa là, cuộc hội họp), nhưng từ Tân Ước, rõ ràng, Hội Thánh là Dân Thiên Chúa được thiết lập theo cách thức mới nhờ Đức Kitô và nhờ Chúa Thánh Thần.

Thánh Phaolô viết trong thư thứ 2 gửi tín hữu Côrintô rằng: “Vì chính chúng ta đ là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, như lời Người phán: Ta sẽ đến cư ngụ và đi đi lại lại giữa họ. Ta sẽ là Thiên Chúa của họ, và họ sẽ là dân riêng của Ta” (2Cr 6,16). Dân Thiên Chúa được thiết lập theo cách thức mới mẻ, vì tất cả những ai tin vào Đức Kitô đều tham dự vào dân ấy, “không còn chuyện phân biệt” Do Thái hay không Do Thái (x. Cv 15,9). Thánh Phêrô nối rõ điều này trong sách Công vụ Tông đồ rằng: “Ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người” (Cv 15,14). Và thánh Giacôbê tuyên bố rằng: “Những lời các ngôn sứ cũng phù hợp với điều ấy” (Cv 15,15).

Quan điểm này cũng được thánh Phaolô khẳng định trong lần đầu ở thành phố Côrintô, khi người nghe Đức Kitô nói: “Đừng sợ! Cứ nói đi, … vì Thầy ở với anh; không ai tra tay hại anh được, vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này” (Cv 18, 9-10). Cuối cùng, sách Khải huyền tuyên bố: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ” (Kh 21,3).

Tất cả những lời này cho thấy, ngay từ đầu, Hội Thánh ý thức về tính kế tục và, cũng như tính mới mẻ nơi chính mình là Dân của Thiên Chúa.

3. Trong Cựu Ước, Israel đã là Dân của Thiên Chúa nhờ sự chọn lựa và sáng kiến của Người. Tuy nhiên, dân này bị giới hạn trong một đất nước. Dân mới của Thiên Chúa lại vượt qua được giới hạn này. Dân này bao gồm mọi người của mọi nước, mọi ngôn ngữ, mọi chủng tộc, như Công đồng nói: “Đức Kitô đã thiết lập giao ước mới trong máu Người (x. 1Cr 11,25); Người kêu gọi đoàn người gồm cả Do Thái và dân ngoại để họ nên một, không phải theo huyết nhục nhưng là trong Thần Khí, và đây chính là Dân mới của Thiên Chúa” (LG, 9). Nền tảng của tính mới mẻ này – tính phổ quát – chính là công trình cứu chuộc mà Đức Kitô thực hiện. Người “đã chịu khổ hình ngoài cửa thành, lấy máu mình mà thánh hoá toàn dân” (Hr 13,12). “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (Hr 2,17).

4. Như thế, dân của giao ước mới đã được thành hình. Giao ước này đã được các ngôn sứ của Cựu Ước loan báo, đặc biệt là Giêrêmia và Êdêkiel. Sách ngôn sứ Giêrêmia viết: “Này sẽ đến những ngày –sấm ngôn của Đức Chúa– Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới” (Gr 31,31). “Đây là giao ước Ta sẽ lập với nhà Israel sau những ngày đó – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,33).

Ngôn sứ Êdêkiel mạc khải rõ hơn về viễn cảnh đổ tràn Thánh Thần, thi hành giao ước mới: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành” (Ed 36,26-27).

5. Đặc biệt, từ Thư thứ nhất của thánh Phêrô, Công đồng đã rút ra giáo huấn về Dân Thiên Chúa trong giao ước mới như là sự kế tục dân của giao ước cũ: “Những ai tin kính Đức Kitô, những người được tái sinh không phải bởi mầm mống hư nát, nhưng bất diệt nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống (x. 1 Pr 1,23), không phải bởi xác thịt nhưng bởi nước và Thánh Thần (x. Ga 3,5-6), nay được thiết lập nên ‘giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, những người xưa chưa phải là một dân, nay đã là dân của Thiên Chúa (1 Pr 2,9-10)” (LG, 9). Như anh chị em đã thấy, cùng với thánh Phêrô, giáo huấn này của Công đồng nhấn mạnh đến tính kế tục của Dân Thiên Chúa với Dân của giao ước cũ, nhưng theo một nghĩa nào đó, Dân này lại tỏ lộ điều hoàn toàn mới mẻ của một dân được thiết lập nhờ công trình cứu chuộc của Đức Kitô, được tách ra (tức là, được chuộc lấy) nhờ máu của Con Chiên.

6. Công đồng mô tả sự mới mẻ của “dân thiên sai có vị thủ lãnh là Đức Kitô, ‘Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để chúng ta được nên công chính’ (Rm 4,25)… Phận vị của dân này là phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ. Luật của họ là giới răn mới: yêu thương như chính Đức Kitô đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13,34). Cùng đích của họ là Nước Thiên Chúa đã được chính Thiên Chúa khởi sự trên trần thế, và phải được trải rộng hơn nữa cho tới khi được nên hoàn tất vào lúc tận cùng thời gian, khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta xuất hiện (x. Cl 3,4), và ‘cả mọi tạo vật cũng sẽ được giải thoát khỏi tình trạng hư nát, được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang’(Rm 8,21)” (LG, 9).

7. Đây là cách thức Hội Thánh được mô tả là Dân của Thiên Chúa trong giao ước mới (x. LG, 9), là hạt nhân của nhân loại mới được mời gọi tham dự vào dân mới này. Công đồng nói thêm: “Chính dân tộc thiên sai ấy, tuy chưa thực sự bao gồm toàn thể nhân loại và thậm chí chỉ là một đoàn chiên nhỏ, lại chính là hạt mầm đầy năng lực của sự hợp nhất, của niềm hy vọng và ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Được Đức Kitô thiết lập để đi vào hiệp thông sự sống, bác ái và chân lý, dân tộc này cũng được Người sử dụng như khí cụ để cứu chuộc mọi người, và được sai đi vào thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (x. Mt 5,13-16)” (LG, 9).

Chúng ta sẽ dành bài giáo lý tiếp theo cho chủ đề căn bản và hấp dẫn này.

Chia sẻ