Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Công đồng Vaticanô II và lời kêu gọi mọi người nên thánh

Administrator
2022-02-14 00:14 UTC+7 28
Fernando Retamal Fuente Trích Thời sự Thần học, số 82 (tháng 11/2018) trang 79-109. Đây là một bài thuyết trình tại Hội nghị thần học ở Đại Học Navarra (Pamplona, Tây ban nha) về “Sứ mệnh của người giáo dân trong Hội thánh và trong thế giới” (22-24 tháng 4 năm 1987). Tác giả – một […]

Fernando Retamal Fuente

Trích Thời sự Thần học, số 82 (tháng 11/2018) trang 79-109.

Đây là một bài thuyết trình tại Hội nghị thần học ở Đại Học Navarra (Pamplona, Tây ban nha) về “Sứ mệnh của người giáo dân trong Hội thánh và trong thế giới” (22-24 tháng 4 năm 1987). Tác giả – một giáo sư thần học tại đại học Công giáo Chile (1931-2010), phân tích bản văn Chương V Hiến chế tín lý về Hội thánh Lumen gentium, bàn về ơn gọi nên thánh của tất cả các Kitô hữu, đối chiếu với các đoạn văn khác của công đồng, kèm theo những lời giải thích của các giáo hoàng Phaolô VI và Gioan Phaolô II.

Nội dung:  I. Sự thánh thiện. – II. Những chiều kích của sự thánh thiện (A/ Đức Kitô. B/ Giáo hội. C/ Cánh chung). – III. Sự thánh thiện duy nhất và đa dạng. – IV. Chiều kích nhân bản của sự thánh thiện. – V. Những con đường nên thánh. – VI. Các lời khuyên Tin mừng. – VII. Kết luận.

Nguồn: “Llamada universal a la santidad en el Concilio Vaticanô II.

https://repositorio.uc.cl/bitstream/handle/11534/…/000674335.pdf?…1

———————————-

Đạo lý của công đồng Vaticanô II về lời kêu gọi tất cả mọi người nên thánh là bản tóm lược đơn giản và cao siêu nhất của toàn bộ giáo huấn mục vụ, và là kết luận thực tiễn nhất cho việc áp dụng Tin mừng vào đời sống.

Lời mời gọi này bắt nguồn từ ý định của Thiên Chúa muốn cho tất cả mọi người được cứu độ (x. 1Tm 2,4-6). Công đồng viết: “Tất cả mọi người đều được mời gọi kết hiệp với Đức Kitô, Đấng là ánh sáng thế gian, là cội nguồn, là sức sống và là cùng đích của tất cả chúng ta” (Lumen gentium, 3). Hội thánh, được sinh ra từ Mầu nhiệm Vượt qua, là sự thể hiện trong lịch sử nhân loại kế hoạch cứu độ vĩnh cửu của Thiên Chúa. Do đó, bất cứ ai được tháp nhập vào Hội thánh nhờ bí tích thanh tẩy, đều được kêu gọi hãy làm cho ơn gọi Kitô-hóa được thành hiện thực và trở nên sung mãn: “Được trao ban nhiều phương tiện cứu độ dồi dào và cao quí như thế, tất cả các Kitô hữu, dù trong hoàn cảnh hay bậc sống nào, cũng đều được Chúa kêu gọi, để mỗi người mỗi cách, vươn tới sự thánh thiện trọn hảo như chính Chúa Cha là Đấng trọn lành” (Lumen gentium, 11c)[1].

Trong giáo huấn này, chúng ta nhận ra những điều mới và cũ (“nova et vetera”) được nói trong Phúc âm (x. Mt 13,52), vì là sự lặp lại một đạo lý cổ điển trong những bối cảnh mới và những chân trời rộng lớn hơn.

Bài nghiên cứu của chúng tôi dựa trên giáo huấn của Công đồng Vaticanô II, được bổ túc bởi những giáo huấn của các vị giáo hoàng kế tiếp.

I. SỰ THÁNH THIỆN

Như đã biết, lời kêu gọi mọi người nên thánh được nói ở Chương V của Hiến chế Lumen gentium (số 39-42), và cũng được công đồng đề cập ở những đoạn khác nữa [2].

Trong các bản văn của công đồng, chúng ta không tìm thấy chỗ nào định nghĩa chính thức về “sự thánh thiện”, mặc dù có thể gặp những yếu tố góp phần vào việc mô tả nó. Các chú thích số 2 và số 4 của bản văn chung kết (lấy lại từ các lược đồ chuẩn bị) cung cấp những nguồn để truy lục về nguồn mạch của bản văn[3].

Trong những năm sau công đồng, ĐTC Phaolô VI đã đề cập đến đề tài trong buổi tiếp kiến chung vào ngày 14-6-1972[4]. Dựa theo thánh Tôma Aquino (S.Th. II-II, 81,8), ngài lưu ý rằng tuy hai ý niệm “phụng thờ” (religio) và “thánh thiện” (sanctitas) khác biệt nhau, nhưng không thể nào thực hành nếu tách rời nhau[5], và kết luận: một Kitô hữu chân chính không thể nào chấp nhận sự tục hóa như một chương trình sống[6].

ĐTC Gioan Phaolô II trở lại với vấn đề này trong các buổi tiếp kiến chung vào ngày 11 và 18 tháng 12 năm 1985[7].

Sự thánh thiện của Thiên Chúa được tỏ lộ như là triệt để loại trừ mọi hình thức xấu xa và là sự thiện tuyệt đối: Thiên Chúa, là sự thiện vô biên tự tại, cũng chính là sự thiện của các thụ tạo, xét vì chúng nhận lãnh sự thiện từ nguồn sung mãn của Ngài. Lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Các con hãy nên trọn hảo, giống như Cha trên trời là Đấng trọn hảo” (Mt 5,48) nhắm đến sự toàn hảo của Thiên Chúa theo nghĩa luân lý, nghĩa là sự thánh thiện như vừa nói (loại bỏ tội lỗi và sở hữu điều thiện). Điều này đã được phát biểu trong Cựu ước (Lv 19,2: Hãy nên thánh thiện, vì Ta, Thiên Chúa của các người, là Đấng Thánh), và được lặp lại trong 1 Pr 1,15. Vì thế, thụ tạo cần phải hòa hợp ý muốn của mình với luật luân lý.

Trong Cựu ước, dù trước khi có tội nguyên tổ (St 2,16) hoặc sau khi nguyên tổ phạm tội (Xh 20,1-20), Thiên Chúa tự mặc khải như là nguồn mạch của Luật luân lý, như là chính sự Thánh thiện. Trong Tân ước, Chúa Giêsu đã mặc khải tiệm tiến nhưng rõ ràng về một chiều kích mới của sự thánh thiện: Thiên Chúa là Đấng Thánh bởi vì Ngài là Tình yêu:

– hoàn toàn xa cách sự xấu luân lý;

– đồng nhất với sự thiện cách tuyệt đối, bởi vì Ngài là chính sự thiện.

Do bởi ước muốn : sự Quan phòng, qua đó Ngài tiếp tục nâng đỡ công trình tạo dựng; sự cứu chuộc và công chính hóa, nhờ đó Thiên Chúa thông ban ơn công chính của Ngài nơi mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, và biểu lộ tấm lòng của Người Cha nơi các dụ ngôn về lòng thương xót, đặc biệt là dụ ngôn về người con phung phí (Lc 15,11-32)[8].

Những điều vừa rồi giúp chúng ta hiểu rõ giáo huấn của Công đồng:

Thiên Chúa là Tình yêu; ngài là nguồn gốc và khởi đầu của sự thánh thiện mà Ngài kêu gọi chúng ta, do quyền năng của Thánh Linh được thông ban cho những người được cứu chuộc nhờ cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu Kitô.

Sự hiện diện sinh động của Thần khí Chúa khiến cho tình yêu thần linh mặc lấy tình yêu nhân loại (Rm 5,5) và giúp cho nó sống đức mến: đức mến là ân huệ tiên khởi và không thể nào thiếu vắng, là mối dây hoàn thiện và là sự viên mãn của lề luật, “điều động, tạo năng lực và làm cho mọi phương thế thánh hóa đạt đến thành quả cuối cùng. Do đó, lòng mến Chúa và yêu người là dấu xác nhận người môn đệ đích thực của Đức Kitô” (…). “Một số tín hữu được gọi để làm chứng cho tình yêu cao cả ấy bằng sự tử đạo, đặc biệt là trước mặt những kẻ bách hại mình” (Lumen gentium số 42 a-b. “Vì thế rõ ràng là tất cả các Kitô hữu, bất cứ trong bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi vươn đến đời sống Kitô hữu viên mãn và sự trọn hảo của đức mến” (số 40 a-b).

Qua những lời này, Công đồng muốn khẳng định rằng mục tiêu mở ra cho các tín hữu không chỉ là một sự thánh thiện đại khái, nhưng là thái độ anh dũng trong việc đi theo Chúa Kitô. Việc nhấn mạnh điểm này là do lời yêu cầu của nhiều nghị phụ trong các lần phát biểu tại nghị trường, bởi vì các ngài không muốn trình bày một khuôn mẫu thánh thiện “hạng nhì” dành chung cho các tín hữu[9].

II. NHỮNG CHIỀU KÍCH CỦA SỰ THÁNH THIỆN KITÔ GIÁO

Khi nghiên cứu sự thánh thiện theo giáo huấn của Công đồng, chúng tôi nhận ra hai chiều kích: quy về Chúa Kitô và quy về Hội thánh. Trong chiều kích Hội thánh, chúng tôi lại thấy bao gồm thêm chiều kích cánh chung nữa.

A. Sự thánh thiện quy về Chúa Kitô

Qua những cách diễn tả khác nhau trong chương V của Lumen gentium, ta thấy nổi bật chiều kích Kitô của sự thánh thiện. Đức Giêsu Kitô, cùng với Chúa Cha và Thánh Linh “được ca tụng là Đấng thánh duy nhất” (số 39), “thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, Đấng khởi xướng và Đấng hoàn tất sự thánh thiện của cuộc đời”. Việc tái sinh do phép thánh tẩy, biến con người trở nên con cái Thiên Chúa, được thông phần vào bản tính thiên linh và do đó “thật sự là thánh” do sáng khởi của Thiên Chúa chứ không do công trạng của con người. Những người đã lãnh nhận phép thánh tẩy trở nên “môn đồ của Đức Kitô” và nhờ ơn Chúa giúp, họ phải “giữ gìn và hoàn thành sự thánh thiện đã nhận lãnh” (số 40). Ngoài ra, các Kitô hữu là những kẻ “từ muôn đời đã được Thiên Chúa biết đến và định cho trở nên giống với hình ảnh Con của Ngài, ngõ hầu Người trở nên trưởng nam giữa vô vàn các em” (Rm 8,29); do đó “ai bảo mình ở lại trong Người thì cần phải đi theo con đường mà Người đã đi” (1Ga 2,6), – nghĩa là “được Thần khí của Chúa dẫn dắt và vâng theo tiếng của Chúa Cha, tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý, đi theo Đức Kitô, khó nghèo, khiêm nhường và vác thập giá, để được thông dự vào vinh quang của Người … mỗi người tùy theo những ân huệ và phận vụ riêng của mình” (số 41). Tuy rằng chứng tá cao cả của tình yêu, tức là sự tử đạo, là một ân huệ được ban cho một vài người, nhưng tất cả đều cần phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt loài người và đi theo Người qua con đường thập giá: những phương thế khác nhau để nên thánh, kể cả việc thực hành các lời khuyên Phúc âm, không có mục đích nào khác ngoài việc họa lại trong mỗi người hình ảnh của Người Con (x. số 4). Vì vậy Đức Giêsu Kitô không những là nguyên nhân mẫu mực và tác thành của sự thánh thiện cho mọi tín hữu, nhưng nhất là nguyên nhân mô thể của sự thánh thiện: đó là ý nghĩa của các thuật ngữ mà thánh Phaolô sử dụng “mặc lấy Đức Giêsu Kitô” (Gl 3,27), “ở trong Đức Kitô Giêsu” (1Cr 1,4.30; Cr 5,17 vv.)[10]. Những dòng cuối cùng của số 40 lặp lại cho các tín hữu tính cách quy hướng về Đức Kitô của ơn gọi nên thánh:

– Xét theo bản chất nội tại (“bước theo chân Người và nên giống hình ảnh Người”);

– Xét theo động lực (“khi biết vâng phục ý Cha trong mọi sự”);

– Xét theo cách thức thể hiện sâu xa nhất (“hiến dâng chính mình để tận tâm làm vinh danh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân”).

B. Chiều kích Hội thánh của sự thánh thiện

Phù hợp với những đoạn mở đầu của hiến chế Lumen gentium, số 39 bắt đầu với khái niệm “Ecclesia de Trinitate et ad Trinitatem”: Đức Kitô, Con Thiên Chúa (Đấng cùng với Chúa Cha và Thánh Linh được chúc tụng là Đấng Thánh duy nhất), đã yêu dấu Hội thánh như hiền thê của mình, đã hiến thân để thánh hóa Hội thánh (…) và đổ tràn ân huệ Thánh Linh cho Hội thánh để làm vinh danh Thiên Chúa”.

Như thế Hội thánh là sự thể hiện trong thời gian ý định cứu độ của Thiên Chúa, Đấng đã muốn cho nhân loại gọi Ngài là “Cha”, bởi vì họ sống nhờ Đức Kitô, nhờ Lời và Thần khí của Người..

Công đồng Vaticanô II trình bày Hội thánh như một sự hiệp thông.

– Hình ảnh Kinh thánh về Hội thánh như là Thân thể hữu hình của Đức Kitô được hiển vinh, nêu bật sự hiệp thông sức sống giữa Người là Nguyên thủ và các phần tử. Sự khác biệt về chức vụ và đặc sủng biểu lộ sự phong phú của các ân huệ Thánh Linh, Đấng cấp ban đức mến để kết hợp các thành phần của Thân Thể nên một. “Tất cả mọi chi thể phải nên giống Đức Kitô cho đến khi Người được hình thành trong họ” (Lumen gentium, 7).

– Hình ảnh Dân Thiên Chúa, được Công đồng Vaticanô II tái khám phá như nền tảng căn bản của Giáo hội, diễn tả chiều kích cộng đồng và đồng thời là chiều kích cá vị của đời sống mới trong Đức Kitô. Những đặc trưng của Dân này tương ứng cho toàn thể đoàn dân cũng như cho mỗi phần tử: phẩm giá và tự do của con cái Chúa, nơi đó Thánh Linh ngự như trong tâm hồn như là trong đền thờ; luật lệ là giới răn yêu thương như Đức Kitô yêu thương chúng ta…; cứu cánh là quảng bá vương quốc Thiên Chúa. Đức Kitô đã thiết lập để trở nên mối hiệp thông của sự sống, đức mến và chân lý, và như là khí cụ để cứu chuộc mọi người (x. Lumen gentium, 9). Hội thánh có những phương thế do Đức Kitô thiết lập để tăng trưởng và củng cố đời sống mới: những phương thế ấy – lời Chúa, các bí tích … – là gia sản của Hội thánh, một cộng đoàn cứu độ trong Đức Kitô. Tuy dù một vài tín hữu, do bí tích Truyền chức thánh được đặt làm tác viên, nhưng tất cả, các mục tử và các giáo dân, đều thông dự và hưởng nhờ ơn tái sinh trong Đức Kitô và các phương tiện mà Hội thánh ban phát. Ngoài ra, Thánh Linh còn tác động trong Hội thánh qua các hiện sủng và đặc sủng được phân phát tùy theo ý của Ngài (1Cr 1,11): các vị mục tử có phận sự phân định chứ không tập trung hoặc dập tắt những ân huệ được ban phát để xây dựng cộng đoàn (x. Lumen gentium, 12; Apostolicam actuositatem, 3 – 4).

“Chúng tôi tuyên xưng không thể sai lầm rằng Hội thánh là thánh thiện” (Lumen gentium, 39) và “Mẹ của các thánh”[11]: nơi Hội thánh, cũng tương tự phần nào như Ngôi Lời nhập thể, có sự kết hợp giữa yếu tố thần linh, siêu việt, với yếu tố nhân loại, lịch sử: “Hội thánh cũng gồm bởi những người tội lỗi đồng thời là thánh thiện và cần được thanh luyện, không ngừng tiến tới trong con đường hối cải và canh tân” (Lumen gentium, 8c).

Người Kitô hữu được kêu gọi nên thánh, vừa là cánh đồng tại đó sứ mệnh của Hội thánh được thể hiện cách tiệm tiến vừa là nơi mà thực tại tội lỗi xuất hiện. Không nên tránh né sự thật ấy, cũng chẳng để cho nó gây cớ vấp phạm, nhưng hãy biết dùng nó như lý do để không ngừng hoán cải trở về với Đấng “tuy không mắc tội lỗi, nhưng đã đến để đền bù các tội lỗi của dân Người” (Lumen gentium, 8c)[12].

Toàn thể Dân Chúa và mỗi phần tử đều được thông phần vào sứ mệnh của Đức Kitô, vào chức vụ làm vua và tư tế của Người (x. Kh 1,6;5,9-10). “Chúa Giêsu, Đấng được Chúa Cha thánh hóa và sai đến thế gian (Ga 10,36), đã cho tất cả Nhiệm thể của Người được thông phần vào việc xức dầu mà Người đã lãnh nhận từ Thánh Linh; thật vậy, trong Người, tất cả các tín hữu được đặt vào hàng tư tế thánh thiện và vương giả, hiến dâng lên Thiên Chúa những lễ tế thiêng liêng nhờ Đức Kitô, và tuyên xưng quyền năng của Đấng đã gọi họ ra khỏi tối tăm để bước vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền. Vì thế, không có chi thể nào không thông phần vào sứ mệnh của toàn thân, trái lại mỗi chi thể đều phải tôn vinh Chúa Giêsu trong tâm hồn và làm chứng về Người với tinh thần ngôn sứ” (Presbyterorum ordinis, 2a).

Các số 10-12 của Lumen gentium giải thích sự thông dự của mỗi tín hữu vào sứ mệnh của Đức Kitô qua các chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế[13]. Chính trong khung cảnh của thực thể bí tích thánh tẩy mà phát sinh ơn gọi nên thánh, như là sự phát triển của mầm mống mà sự tái sinh trong Đức Kitô đã tác động nơi người tín hữu. Đó là lý do mà hiến chế đã xen vào đoạn văn ở cuối số 11 mà chúng tôi đã trưng dẫn khi bắt đầu bài viết này.

Việc đáp trả ơn gọi này, qua việc trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa, cũng bao hàm chiều kích truyền giáo và đại kết: “…qua việc sống xứng đáng với ơn phúc được Thiên Chúa kêu gọi, khi thi hành các chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương đế mà Thiên Chúa trao ban, cộng đồng Kitô hữu trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian…” (Ad gentes, 15b). Đời sống trong tình bác ái – dấu chỉ của sự thánh thiện Kitô giáo – giúp cho chúng ta hân hoan nhìn nhận hoạt động của Thánh Linh ở bên ngoài biên cương thể chế của Giáo hội Công giáo, nơi các anh em ly khai: “Các tín hữu công giáo hãy hoan hỉ nhìn nhận và trân trọng các điều thiện hảo thực sự Kitô giáo, phát xuất từ gia sản chung, được gặp thấy nơi các anh em ly khai. Thật là công bình và phải đạo nhìn nhận những sự phong phú của Đức Kitô và các hoạt động nhân đức trong cuộc đời của những người làm chứng của cho Đức Kitô, lắm khi đến mức độ đổ máu. Thiên Chúa thật là tuyệt vời và đáng chúc tụng trong mọi công việc của Ngài” (Unitatis redintegratio, 4 h-g; Lumen gentium, 8b;15). Tình bác ái này cũng gây ra nỗi đau buồn vì những chia rẽ giữa các Kitô hữu, và thúc đẩy chúng ta khiêm tốn hoán cải để tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn (x. Unitatis redintegratio, 6-9).

— Tình thương của Thiên Chúa cũng được tỏ lộ qua ân sủng tác động cách vô hình trong thâm tâm của tất cả mọi người thành tâm thiện chí (x. Cv 10,34-­35): “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người và chỉ có một ơn gọi tối hậu cho hết mọi người, vì vậy chúng ta tin rằng Thánh Linh ban cho tất cả mọi người cơ hội để thông dự vào mầu mầu nhiệm Vượt qua, theo đường lối mà duy chỉ mình Chúa biết” (Gaudium et Spes, 22e; xf. Lumen gentium, 16; Ad gentes, 11-12; Nostra Aetate, 2b).

Tiến trình thánh hóa của người Kitô hữu, khi làm chứng cho sự hiện diện của Đức Kitô trên thế giới, cũng mang khuôn mặt loan báo Tin mừng[14]. Hội thánh tăng trưởng hoặc chịu tổn thất tùy vào mức độ mà các tín hữu sống có trung thực với ơn gọi của bí tích thanh tẩy hay không: “Các chi thể của Thân Thể ấy được nối kết và liên hệ với nhau (x. Ep 4,16) đến độ chi thể nào không hoạt động theo chức năng của mình cho sự lớn mạnh của toàn thân, phải bị xem là vô dụng đối với Hội thánh cũng như đối với chính mình” (Apostolicam actuositatem, 2a).

Bên trong chiều kích Hội thánh của sự thánh thiện, chúng ta nhận thấy đặc tính cánh chung của nó, gắn liền với bản chất của Hội thánh. Điều này được nói rõ ở số 48 của Lumen gentium. Vương quốc Thiên Chúa đang hiện diện cách huyền nhiệm trên đời này; chừng nào Chúa đến nó sẽ đạt đến sự toàn thiện (x. Gaudium et Spes, 39). “Sự viên mãn của thời gian đã đến và sự canh tân vũ trụ đã được quyết định và cách nào đó đã được hiện thực ở đời này, bởi vì Hội thánh trên trần thế đã được trang điểm bằng sự thánh thiện đích thực, mặc dù còn bất toàn”. Lòng mến Chúa và yêu người đã tạo ra dây liên kết tất cả những người thuộc về Đức Kitô vì họ đã được Thánh Linh chiếm hữu. Những người lữ hành trên trần gian ngước mắt nhìn lên những kẻ, cũng là người như chúng ta, đã họa lại trung thực hình ảnh của Đức Kitô: cuộc đời của các ngài thúc đẩy chúng ta hăng say đi tìm thành đô tương lại và đi theo con người an toàn nhất, giữa những biến chuyển của thời hiện tại. Nơi các ngài, chính Thiên Chúa tỏ lộ sự hiện diện của Ngài, và thánh nhan của ngài cống hiến cho chúng ta một dấu chỉ của vương quốc (x. Lumen gentium 50). Giữa hàng các thánh nhân, sáng chói nhất là Đức Trinh nữ Maria, mà Hội thánh chiêm ngưỡng như là hình ảnh mà một ngày kia mình sẽ đạt được. Được tôn vinh cả xác và hồn, Đức Thánh mẫu đi trước dân Thiên Chúa còn đang lữ hành và chuyển cầu trong những cuộc giao tranh. Mẹ là dấu chỉ hy vọng chắc chắn và đầy an ủi, cho đến khi ngày Chúa đến (Lumen gentium, 68; Sacrosanctum conci­lium, 103). Đức Trinh nữ Maria chí thánh, do sự kết hiệp khác thường với Chúa Giêsu sẽ mãi là mẫu gương của sự thánh thiện trọn vẹn và chìa khóa để hiểu được mầu nhiệm Hội thánh[15].

Đặc trưng cánh chung này cũng đi kèm theo những con đường nên thánh tùy theo những chức vụ và hoàn cảnh cụ thể khác nhau của các tín hữu[16].

III. SỰ THÁNH THIỆN DUY NHẤT VÀ ĐA DẠNG

Bởi vì ơn gọi nên thánh bắt nguồn từ sự tái sinh trong bí tích thánh tẩy cho nên nó trở thành đặc trưng của mọi Kitô hữu. Một trong những công lao của công đồng Vaticanô II là vạch ra những yếu tố siêu nhiên thuộc về bản chất của mọi tín hữu như là nền tảng cho những suy tư về các chức vụ khác nhau trong Dân Thiên Chúa.

Sự thông dự vào sứ mệnh của Đức Kitô – dưới các chiều kích tư tế, ngôn sứ và vương đế – nằm trong các bí tích khai tâm, vì thế hiện hữu nơi tất cả mọi tín hữu. Nhờ được tháp nhập vào Đức Kitô là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x. Lc 1,35; Ga 10,36), các tín hữu được thánh hiến cho Thiên Chúa; điều này mang lại ý nghĩa cho chức tư tế phổ quát của các người đã được thanh tẩy. Sự thông dự này khác với sự thông dự vào sứ mệnh của Đức Kitô do hiệu năng của bí tích Truyền chức thánh, nhờ đó người lãnh bí tích được liên kết với Đức Kitô, Thủ lãnh của Hội thánh, và nhờ đó họ làm hiện diện Đức Kitô Thủ lãnh trong cương vị là tác viên bí tích, phục vụ Lời Chúa, mục tử của Dân Chúa.

Do đó, ơn gọi nên thánh bén rễ trong “bản thể Kitô hữu” (esse), chung cho tất cả những người đã được thanh tẩy, cần được thể hiện ra “hành động Kitô hữu” (agere), qua những chức vụ và hoàn cảnh khác nhau của mỗi người được đặt trong Hội thánh. Sự khác biệt này không hàm ngụ một sự bất toàn nào hết, bởi vì nó nằm trong cấu trúc của Dân Thiên Chúa như một xã hội hữu cơ trên đường lữ thứ trần gian. Cho dù có những nhiệm vụ và ơn gọi, xét về mặt khách thể, được xem như ở trên những người khác, nhưng điều này không tạo ra cơ sở để so sánh giữa từng cá nhân trên hành trình nên thánh.

Trên thực tế, hiện nay vẫn còn những điều kiện sinh sống của xã hội khiến cho việc thể hiện đời sống thánh thiện trở nên khó khăn (chúng ta hãy nghĩ đến những quốc gia kém phát triển về kinh tế của đa số nhân loại), vì thế Giáo hội và các con cái của mình cần nỗ lực góp phần vào việc thăng tiến môi trường sinh sống và làm việc, ngõ hầu sao cho phù hợp với nhân phẩm, nhờ đó họ dễ hoàn thành ơn gọi của mình hơn.

Tóm lại, xét theo bản chất, sự thánh thiện là một; nhưng xét theo những cách thức diễn tả thì sự thánh thiện đa dạng, dựa theo những chức vụ và những đặc sủng trong Hội thánh. Đây là ý nghĩa của cụm từ “una sanctitas” mà chúng ta gặp thấy trong các bản văn của công đồng.

Nếu giáo huấn của công đồng được hấp thụ đúng đắn thì người ta sẽ không còn đồng hóa sự thánh thiện như một sự hoàn hảo luân lý và đạo đức lạ thường mà rất ít người đạt tới; trái lại, công đồng muốn rằng sự thánh thiện là một con đường bình thường được mở ra cho tất cả mọi người, và hơn nữa, là một yêu sách của lòng trung thành với bí tích thánh tẩy mà mình đã nhận lãnh. ĐTC Phaolô VI đã có lần than rằng: “Thật đáng tiếc vì người ta thường đem hạnh các thánh ra làm khuôn mẫu cho sự thánh thiện”[17].

Để tóm lại những điều đã trình bày trên đây, chúng tôi xin trưng dẫn chính đoạn văn của công đồng: “Trong những hình thức và trách vụ đa dạng của cuộc sống, sự thánh thiện duy nhất được vun trồng bởi tất cả những ai biết hành động nhờ Thần khí của Chúa và (…) bước theo Đức Kitô (…). Tuy nhiên, tùy theo ân huệ và phận vụ riêng của mình, mỗi người phải nhất quyết tiến tới trên con đường đức tin sống động, một đức tin khơi dậy đức cậy và hoạt động nhờ đức ái”. (Lumen gentium, 41a; Apostolicam actuositatem, 3b; 4b, vv[18])

IV. CHIỀU KÍCH NHÂN BẢN CỦA SỰ THÁNH THIỆN

Con đường nên thánh mang những đặc trưng của định luật Nhập thể của Đức Kitô và của Hội thánh, có sự phối hợp cả hai chiều kích:

– Một bên là ân huệ về phía Thiên Chúa là Đấng kêu gọi;

– Bên kia là sự đáp trả cá nhân, tự do, được nâng đỡ bởi ơn thánh.

Sự phối kết giữa tác động của Thiên Chúa và sự hợp tác của con người được nhắc đến nhiều lần, để loại trừ tàn tích của thuyết Pêlagiô cũng như thuyết an tĩnh (quietismo)[19]. Không như sự khác biệt về chức vụ và đặc sủng được ban cấp “tùy theo sự phân phối của Đức Kitô” (x. Ep 4,7), sự đáp trả của mỗi người mang theo khả năng của sự bất toàn và tội lỗi, và nói cho cùng, đây là yếu tố khác biệt giữa mỗi cá nhân trong sự hiệp thông của đức mến.

Cho dù lịch sử của việc đáp trả cá nhân thế nào đi nữa, nền tảng hữu thể của sự thánh thiện vẫn tồn tại (ấn tích của bí tích thanh tẩy là dấu chứng của ơn huệ Thiên Chúa được ban cấp hoàn toàn không do công lao của con người, và sẽ không bao giờ rút lại) và có thể phục hồi và lại tác động. Sự kiện tội lỗi trong cuộc đời cá nhân cho thấy cuộc đối thoại cứu độ vừa mang tính cách bi đát vừa chứa đựng niềm hy vọng: “Ở đâu tội lỗi lan tràn, ở đây ân sủng còn chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

Vào thời cận đại, công đồng Trento đã tái khẳng định đạo lý về công trạng, để trả lời cho những luận để của phái Cải cách. Đối với họ, công trạng của con người xem ra làm giảm nhẹ vai trò của ơn thánh. Công đồng dạy rằng con người có thể góp phần vào sự công chính hóa bằng cách hợp tác với ơn Chúa. Con người không phải là nguyên nhân tác thành của sự nên thánh, nhưng góp phần vào sự chuẩn bị cho tiến trình này.

“Tâm lý con người không tẩy chay khái niệm về sự hoàn bị; trái lại, con người cảm thấy bị thu hút bởi lý tưởng ấy… Con người nuôi dưỡng trong con tim mình lý tưởng muốn trở thành siêu nhân” (ĐTC Phaolô VI)[20].

Con người, xét như là một chủ thể tự do, vẫn khát khao phát triển bản thân của mình. Khuynh hướng tự nhiên này được nâng cao trong trật tự ân sủng: các khả năng tự nhiên được thanh lọc khỏi những mối dây ràng buộc của tội lỗi, và được thúc đẩy giăng cánh bay cao để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân: “Phàm ai đi theo Đức Kitô là con người hoàn bị thì càng kiện toàn phẩm giá con người của mình” (Gaudium et Spes, 41a)[21]. Trên con đường thăng tiến này, con người nâng cao trật tự tự nhiên, qua việc tạo ra một công cuộc giải phóng trần thế khỏi những ràng buộc của tội lỗi trong lãnh vực xã hội. Thật thú vị khi ủy ban soạn thảo hiến chế Lumen gentium đã tự ý thêm vào một câu ngắn ngủi trong bản văn cuối cùng, nói lên ý tưởng này: “Sự thánh thiện này cũng giúp phát huy một lối sống nhân bản hơn trong xã hội trần thế” (Lumen gentium, 40b)[22].

Những đề tài này gợi lên sự hòa điệu tuyệt vời giữa Giáo hội và thế giới loài người, “chỉ có thể nhận thấy trong đức tin”, mà công đồng Vaticanô II đã phác họa trong hiến chế Gaudium et Spes (các số 40-45), và được chứng tỏ qua cuộc đời của bao nhiêu vị thánh.

V. NHỮNG CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Ơn gọi nên thánh được thể hiện nơi các tín hữu qua muôn ngàn hoàn cảnh khác nhau, tùy theo môi trường sinh sống: “Ơn Chúa Thánh Linh được ban dưới nhiều hình thức: có những người được kêu gọi để làm chứng tỏ tường cho nỗi khát vọng ấy luôn sống động trong gia đình nhân loại, một số khác được mời gọi để hiến thân phục vụ con người trong phạm vi trần thế, dùng sự phục vụ ấy để làm nên chất liệu xây dựng Nước Trời” (Gaudium et Spes, 38).

Trong thời gian tranh luận tại công đồng, khi bàn đến đề tài này, nhiều nghị phụ đã yêu cầu xác định rõ hơn đến các tác vụ và những hoàn cảnh đặc trưng của đời sống Hội thánh. Đó là nguồn gốc của việc thêm số 41 vào hiến chế Lumen gentium.

a. Trước hết, bản văn nói đến các giám mục, linh mục và phó tế cũng như các ứng sinh chuẩn bị lãnh chức thánh[23]: trong vài dòng ngắn ngủi, bản văn tóm tắt một mối ưu tư thường xuyên của Giáo hội, mà những năm hậu cộng đồng sẽ khai triển thành nhiều văn kiện và kế hoạch.

Trong các nguồn mạch của linh đạo hàng giáo sĩ, công đồng trưng dẫn tấm gương của Đức Kitô, vị mục tử nhân lành đã hiến mình cho đoàn chiên, ơn sủng của bí tích Truyền chức, các công tác của chức vụ được nuôi dưỡng nhờ sự chiêm niệm, sự hiệp thông phẩm trật, đặc biệt là với giám mục của mình. “Tất cả các chủ chăn hãy nhớ rằng, qua cách cư xử hằng ngày và thái độ ân cần của mình, các ngài phải tỏ lộ cho thế gian khuôn mặt của Hội thánh, qua đó, người khác sẽ thẩm định về sức mạnh và chân lý của sứ điệp Kitô giáo” (Gaudium et Spes, 43e)[24].

Trong hàng giáo sĩ, thiết tưởng cũng nên nhắc đến các phó tế vĩnh viễn: họ kết nạp điều kiện giáo luật giáo sĩ với những nếp sống giáo dân tùy theo nghề nghiệp và gia đình.

b. Tiếp đến, Công đồng hướng đến các giáo dân được giám mục mời gọi tham gia toàn phần – hoặc trong một thời gian hoặc suốt đời – cho những hoạt động hoặc thể chế của Giáo hội, đôi khi qua một công tác chuyên nghiệp. Điều này cũng được nói đến trong Hiến chế Gaudium et Spes, 88b và sắc lệnh Apostolicam actuositatem,

c. Trong hàng ngũ các giáo dân, công đồng lần lượt bàn đến các đôi vợ chồng và cha mẹ Kitô hữu, những quả phụ và người độc thân, những người lao động, những người bệnh tật, những người nghèo, những người chịu thử thách hoặc chịu bách hại vì công lý: đó là những con đường mới cho các mối phúc thật của Tin mừng.

Thoạt tiên xem ra bản văn không minh nhiên nhắc đến điều kiện đặc trưng của giáo dân, tức là “trần thế” (x. Lumen gentium, 31). Tuy nhiên, đoạn chót của số 41 cho thấy công đồng đang nói về họ: họ cần tỏ lộ trước mặt mọi người, kể cả bằng việc dấn thân vào các công việc trần thế, tình yêu mà Thiên Chúa đã yêu thương thế giới” (xem thêm Gaudium et Spes, 43d).

Đức mến – điều cốt yếu của sự thánh thiện – không phải chỉ gặp thấy nơi những sự kiện quan trọng, nhưng tiên vàn trong cuộc sống thường nhật” (Gaudium et Spes, 38). Đây là con đường chung cho giáo sĩ và giáo dân cũng như cho tất cả mọi thứ linh đạo Kitô giáo; tuy vậy, nghĩa vụ này trở nên cấp bách hơn trong ơn gọi của các giáo dân, bởi vì sứ mệnh của họ (tức là linh đạo của họ) hệ tại thúc đẩy việc biến đổi và thánh hiến thế giới cho Thiên Chúa (Lumen gentium, 31, 34; Apostolicam actuositatem, đặc biệt số 2 và 4).

Công đồng cũng cảnh giác nguy cơ tách rời sự thánh thiện ra khỏi đời sống thường nhật- nguy cơ này dễ xảy ra cho các giáo dân sống giữa đời, và đó là sự sai lầm trầm trọng: “Sự phân rẽ giữa đức tin và cuộc sống thường ngày của nhiều người phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta (…). Không được tạo nên sự đối nghịch giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp xã hội và đời sống tôn giáo. Đối với người Kitô hữu, xao lãng bổn phận trần thế tức là xao lãng bổn phận đối với người thân cận và hơn nữa là đối với chính Thiên Chúa, gây nguy hại cho phần rỗi đời đời của mình” (Gaudium et Spes, 43a). Vì thế, trong những yếu tố của linh đạo giáo dân, cần phải kể đến sự chuyên môn nghề nghiệp, được thực hành theo tinh thần Kitô giáo, và sự phán đoán của lương tâm sáng suốt (x. Apostolicam ac­tuositatem, 5).

Những tình huống cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của các giáo dân rất là đa dạng, chứ không theo một khuôn khổ nề nếp như các giáo sĩ và tu sĩ. Vì thế hành trình nên thánh của các giáo dân khá phức tạp; điều này đòi hỏi họ không những cần phải tìm hiểu ý Chúa, và cân nhắc điều mà Công đồng gọi là “dấu chỉ thời đại”. Chính vì nhu cầu cấp bách ấy mà các giáo dân cần được nuôi dưỡng bởi những nguồn mạch chính yếu của đời sống Kitô giáo: “Chỉ có ánh sáng đức tin và việc suy niệm Lời Chúa mới có thể giúp chúng ta nhận ra được Chúa ở mọi nơi và trong mọi lúc, ‘nơi Ngài chúng ta sống, hoạt động và hiện hữu’ (Cv 17,28); đồng thời cũng giúp chúng ta tìm biết thánh ý Chúa trong mọi biến cố, nhận ra Đức Kitô nơi mọi người dù là thân quen hay xa lạ, cũng như biết thẩm định đúng đắn về ý nghĩa đích thực và giá trị của các thực tại trần thế, trong bản chất của chúng và trong tương mối tương quan với cứu cánh của con người” (Apostolicam actuositatem, 4c)[25].

Về phần mình, các linh mục hãy sẵn sàng lắng nghe các giáo dân, phân định các ước nguyện của họ trong tình huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong những lãnh vực hoạt động trần thế, ngõ hầu cùng với họ khám phá các dấu chỉ của thời đại[26]. Dù sao, thái độ này cũng nằm trong ơn gọi của linh mục: “Dưới ánh của đức tin, được nuôi dưỡng bởi việc suy niệm lời Chúa, các ngài có thể tra cứu các dấu chỉ của ý Chúa và những sự can thiệp của ơn thánh vào trong những biến cố của cuộc đời…” (Presbyterorum ordinis, 18b).

Thực ra, trong cuộc truy tầm này, các giáo dân cũng như giáo sĩ thi hành một bổn phận của Hội thánh là “tìm hiểu tường tận những dấu chỉ thời đại và giải thích những dấu chỉ ấy dưới ánh sáng Tin mừng; như vậy Hội thánh mới có thể đưa ra câu giải đáp thích hợp với từng thế hệ cho những thắc mắc muôn thuở của con người” (Gaudium et Spes, 4a). Đức tin dạy cho chúng ta biết rằng Thần khí Chúa tràn ngập vũ trụ và hướng dẫn hành trình của Dân Thiên Chúa: những biến cố, yêu sách và ước nguyện mà các Kitô hữu chia sẻ với các người khác trở nên ngôn ngữ hùng hồn đối với ai có đức tin: “Đức tin soi sáng mọi sự và tỏ bày chương trình của Thiên Chúa trên toàn thể ơn gọi của con người” (Gaudium et Spes, 11).

Vào thời điểm mà sự thăng tiến phụ nữ trở thành một dấu chỉ rõ rệt (Thông điệp Pacem in terris) và gợi lên nhiều hoạt động đa dạng, thiết tưởng không phải là thừa khi nhắc lại rằng những gì mà Công đồng Vaticanô II đề cập về giáo dân thì cũng được áp dụng cho cả nam lẫn nữ, bởi vì tất cả chúng ta đều là một trong Đức Kitô Giêsu (x. Gl. 3,28; Lumen gentium, 32b[27].

Ngày nay đạo lý này đã trở thành hiển minh, nhưng trong quá khứ cũng đã phải vất vả mới được chấp thuận. Trong số những người tiên phong cần phải nhắc thánh François de Sales, với tác phẩm “Dẫn nhập vào đời sống đạo đức”, được trưng dẫn trong thông điệp Rerum ómnium của ĐTC Piô XI (26-1-1923), và chú thích số 4 của Chương V Hiến chế Lumen gentium. Một nhân tố khác có nhiều ảnh hưởng đến linh đạo các giáo dân là phong trào Công giáo tiến hành, thúc đẩy các hội viên hãy đối chiếu mỗi ngày giữa tinh thần Phúc âm và các hoàn cảnh đời sống hằng ngày. Chúng ta cũng không quên thánh Josemaría Escrivá de Balaguer, vị linh mục đã coi công việc nghề nghiệp như là “công việc của Thiên Chúa” (Opus Dei) đối với các giáo dân, đã chuẩn bị cho đạo lý của công đồng[28].

Trong giai đoạn hậu công đồng, ý thức này đã được bộc lộ và khai triển dưới nhiều hình thức đạo lý và thực hành, cách riêng là các phong trào và hiệp hội được thành lập đó đây. Đó thực là những trường học gây ý thức và giáo dục về chức tư tế phổ quát của các tín hữu, dựa trên ơn gọi của bí tích thánh tẩy. Nhờ đó sẽ tăng thêm các giáo dân, ý thức về trách nhiệm của mình, tiến đến sự trưởng thành Kitô hữu”[29]. Công đồng cũng đã nói: “Trong số các hiệp hội, tiên vàn phải quan tâm đến những tổ chức nhằm cổ võ và nuôi dưỡng sự hòa hợp giữa đức tin và đời sống thường ngày của các thành viên” (Apostolicam actuositatem, 19a).

Ở đây, ta cũng thấy rõ hơn vai trò của các mục tử trong Hội thánh. Linh mục là nhà giáo dục đức tin, và cần phải lo sao cho bản thân và các tín hữu được dẫn dắt bởi Thánh Linh, vun trồng ơn gọi sống phù hợp với Tin mừng, thực hành đức mến chân thành và năng động, biết sử dụng sự tự do của con cái Chúa. Các hiệp hội, đời sống phụng vụ, tất cả cơ cấu của Giáo huấn cần phải nhắm đến việc giúp cho các tín hữu được trưởng thành trong đời sống đức tin (x. Presbyterorum ordinis, 6 và 9)[30].

VI. CÁC LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM

Số 42 kết thúc chương V của Lumen gentium, đề cập đến các phương thế nên thánh: Lời Chúa, các bí tích và phụng vụ nói chung, cầu nguyện, từ bỏ mình và thực hành các nhân đức: “Đức mến (…) điều động, tạo năng lực và làm cho mọi phương thế nên thánh đạt đến mục đích cuối cùng. Do đó, thái độ mến Chúa yêu người là dấu chỉ xác nhận người môn đệ đich thực của Đức Kitô”.

Trong số những phương thế ấy có các lời khuyên Phúc âm. Xét theo nguồn gốc, các lời khuyên bắt nguồn từ Chúa Giêsu “non praecipiente, sed consulente” (Chúa không truyền mà chỉ khuyên, theo học thuyết của cha Francisco Suarez, S.J.). Việc tuyên giữ các lời khuyên theo cách thức chế định là con đường riêng cho những người đã được kêu gọi; nhưng các nhân đức kèm theo các lời khuyên ấy là gia sản chung của tất cả mọi tín hữu. Vì thế các lời khuyên có những áp dụng chung cho tất cả mọi tín hữu, liên quan đến việc sử dụng các tài sản và vật dụng trần thế một cách điều độ, với tinh thần tự do và siêu thoát, và tôn trọng bản chất và cứu cánh của mỗi loài thụ tạo.

Đề tài về đời sống thánh hiến đã chiếm nhiều thời giờ trong lúc soạn thảo bản văn và cuối cùng đã được đưa sang chương VI của Lumen gentium.

Người ta muốn tránh thuật ngữ “bậc trọn lành” (status perfectionis, dưới hai dạng thức acquirendae của các tu sĩ, và acquisitae của các giám mục), thường gặp thấy trong các sách giáo khoa trước công đồng, vì không muốn bị hiểu lầm là những ai không gia nhập “bậc” ấy thì được xếp vào sự trọn lành hoặc thánh thiện ở “bậc nhì”[31].

Khi phê chuẩn những hình thức chế định của việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm, Giáo hội nhìn nhận nơi đó có một đặc sủng của Thánh Linh. Vì thế Giáo hội bảo vệ và cổ vũ đặc trưng của các hội dòng. Chứng tá của các tu sĩ khước từ các công việc trần thế nêu bật cho mọi người thấy chiều kích cánh chung của Nước Thiên Chúa (“không thuộc về thế gian này”: Ga 18,36); chứng tá đó cũng cần thiết như các giáo dân dấn thân đem men của Tin mừng vào các thực tại trần thế.

Việc chấp nhận sống các lời khuyên Phúc âm bằng một ràng buộc pháp lý bền vững theo một hình thức được Giáo hội chuẩn nhận, nhắm đến việc hoàn tất sự thánh hiến đã khởi đầu từ bí tích thanh tẩy, và đi vào con đường tự hiến của Đức Kitô cho Chúa Cha để mưu cầu ơn cứu độ cho nhân loại. “Hàng ngũ này, tuy không nằm trong cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng gắn chặt không thể chối cãi được với đời sống và sự thánh thiện của Hội thánh” (Lumen gentium, 44d).

VII. KẾT LUẬN

Trong lời kêu gọi mỗi người và toàn thể Hội thánh tiến đến sự thánh thiện, ta thấy tỏ lộ hơn mầu nhiệm cứu độ trong giai đoạn trần thế và mục tiêu cao cả mà trái tim con người có thể ước mơ:

“Sự hoàn thiện mà đời sống Kitô giáo mở ra trước mắt chúng ta không phải là điều gì quái gở, lỗi thời hoặc không thể nào đạt được. Thật thế, con người luôn khát mong nên hoàn thiện, tuy chưa được thỏa mãn trên đời này; con người cố gắng sửa mình, và trong tâm tình khiêm tốn, cố gắng đáp lại tiếng gọi và sự thúc giục của ân sủng, nhờ cầu nguyện và hy vọng. Nhờ đó, con người đã cảm nghiệm hạnh phúc ngay từ bây giờ, giữa những tình cảnh đau khổ của cuộc đời. Nhờ đạo lý của Đức Kitô và các bí tích của Thánh Linh là Đấng Thánh hóa, cũng như nhờ tác vụ hiệp nhất và bác ái, Hội thánh trợ giúp và hướng dẫn chúng ta và trỏ cho chúng ta thấy cùng đích là Đức Kitô, Đấng là Đường, Sự thật và Sự sống” (ĐTC Phaolô VI)[32].

——————————–

[1] “Lời kêu gọi nên thánh được coi như tiêu điểm đặc biệt nhất của giáo huấn Công đồng và như mục đích cuối cùng của Công đồng” (ĐGH Phaolô VI, Tự sắc “Sanctitas clarior” (19-3-1969). Dẫn nhập: AAS 61 (1969), 149-150.

[2]  Thí dụ ngay trong Hiến chế Lumen gentium : “Mặc dù trong Hội thánh, không phải tất cả mọi người đều cùng đi theo một con đường như nhau, nhưng tất cả đều được kêu gọi nên thánh, và đã nhận được một đức tin như nhau nhờ sự công chính của Thiên Chúa” (số 32c); “Tất cả mọi người trong Hội thánh, hoặc thuộc hàng giáo phẩm cũng như những kẻ được họ coi sóc, cũng đều được kêu gọi nên thánh” (số 39); “Tất cả mọi tín hữu, dù thuộc bất cứ bậc sống hay hoàn cảnh nào, đều được kêu gọi đạt đến sự sung mãn của đời sống Kitô hữu và sự trọn lành của đức ái” (số 40); “tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi và thậm chí có nghĩa vụ phải luôn tìm kiếm sự thánh thiện và trọn lành trong bậc sống của mình” (số 42 e).

[3] Chú thích tương đương ở các lược đồ chuẩn bị đã nói rõ ràng như sau: “Perfectus est ille, cui nihil in ordine morali deest; cuius plenitudinis Deus ipse est exemplar. Cf. Iac. 1,4: “ut sitis perfecti et integri, in nullo deficientes”; ib. 3,2. Kế đó là quy chiếu về sách Didaché, 1,4 và 6,2: Funk, Patres Apostolici, trang 4 và 16 và  Thánh Ignatius tử đạo, Ad Eph, 15,2: Funk, p. 224 (hai trưng dẫn này không được lấy lại trong bản văn cuối cùng). “Secundum Origenem, Comm. Rom. 7,7: PG 14,1124 A, perfectio est similitudo cum Christo, quando quis se per omnia Verbo ac Sapientiae Dei ita coaptavit, ut in nullo prorsus ab eius similitudine decolor haberetur”. “Secundum Ps.-Macarium, De Oratione, 11: PG 34,861, perfectio, qua significatur plena et absoluta puritas a malis affectibus per participationem boni Spiritus, ómnibus a Domino praecipitur. Pro S. Thoma, Summa Theol. II-II-q. 184,a.3, perfectio per se et essentialiter consistit in caritate, qua secundum totam suam plenitudinem est de praecepto”. Chú thích còn trưng dẫn nguyên văn một vài giáo huấn về ơn gọi nên thánh, được đưa vào bản văn cuối cùng (chú thích số 4): hai quy chiếu về các thông điệp của DTC Pio XI, nhưng bỏ qua trích dẫn đoạn sách của thánh  François de Sales: Introduction à la vie dévote, L. 1, c. 3.

[4] La Documentation Catholique, 1972, pp. 609-610.

[5] Thánh Tôma dựa trên tầm nguyên của “thánh thiện” dựa theo tiếng Hy-lạp và La-tinh. Tiếng Hy-lạp agios có nghĩa là “không có đất”, nghĩa là thanh sạch; tiếng Latinh, sanctum, santitum nói lên sự vững bền đã được luật pháp ấn định. Vì thế, như thánh Isiđorô Sevilla giải thích, “thánh thiện” (sanctus) nói lên sự thanh sạch, hy lễ đã được thanh tẩy nhờ máu (sanguine tinctus). Do đó, cả hai đều liên quan đến sự phụng tự (religio), xét vì điều gì được dùng vào sự phụng tự cần phải thánh thiện; sự thanh sạch cần thiết cho tinh thần của con người hiến mình cho Thiên Chúa (x. Hr 12,14: “Hãy gắng nên thánh thiện, vì nếu không thánh thiện thì không ai sẽ được thấy Chúa”). Còn sự bền vững cũng tìm thấy sự nâng đỡ cuối cùng ở nơi Thiên Chúa, vì Ngài là nguyên ủy đệ nhất, và con người cần phải gắn bó bền chặt với Ngài (x. Rm. 8.38-39: “dù sống hay dù chết … không gì tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Đức Kitô Giêsu”). Do đó cả hai khái niệm đều xứng hợp với sự thánh thiện, nhờ đó con người được thánh hiến cho Thiên Chúa. Thánh Tôma kết luận: “Unde sanctitas non differt a religione secundum essentiam, sed solum ratione. Nam religio dicitur secundum quod exhibet Deo debitum famulatum in iis quae pertinent specialiter ad cultum divinum, sicut in sacrificiis, oblationibus et alia huiusmodi; sanctitas autem dicitur secundum quod horno non solum haec, sed aliarum virtutum opera refert in Deum, vel secundum quod horno se disponit per bona opera ad cultum divinum” (1.c.). Hẳn nhiên, ở đây thánh Tôma không nói đến sự thánh thiện do ơn thánh sủng, nhưng là sự thánh thiện xét như là nhân đức giúp ta giữ điều cần tuân hành để thờ phượng Chúa (nhân đức thờ phượng).

[6] Ibid. (x. Chú thích số 4). ĐTC Phaolô VI nhiều lần trích dẫn tư tưởng này của thánh Tôma Aquino. Lần đầu tiên trong buổi tiếp kiến ngày 7-7-1965. Sau khi đã nói đến “sự thánh thiện như là tình trạng nguyên tuyền, bắt nguồn từ ân sủng, cho phép gọi là “thánh” những người đã được thanh tẩy và trung thành với ơn gọi Kitô hữu, ĐTC nói rằng “có thể đạt đến một thái độ luân lý hướng tới sự trọn hảo hơn, tìm cách tăng trưởng trong sự hòa hợp với ý Chúa và thậm chí trong chính sự thánh thiện của Chúa”. Sau khi nhắc đến đạo lý của thánh Tôma đã được nói đến ở chú thích trên đây, ĐTC kết luận rằng sự thánh thiện “tuy là điều cao siêu, nhưng đối với tất cả các Kitô hữu, nó là một lệnh truyền, và có thể thi hành được” (x. La Documentation Catholique, năm 1965, coIs. 1348-1349). ĐTC lại trưng dẫn đoạn văn trên đây của thánh Tôma khi đề cập đến sự thánh thiện cấu trúc của Hội thánh : “Hội thánh là thánh thiêng và nhắm đến sự thờ phượng Thiên Chúa và tuân hành ý Chúa” (Buổi tiếp kiến chung ngày 4-11-1972: La Documentation Catholique, năm 1972, tr. 1003).

[7] X. L’Osservatore Romano (ấn bản Tây-ban-nha) 15-12-1985 ; 22-12-1985.

[8] Khi trình bày giáo huấn của mình, ĐTC Gioan Phaolô II đã dựa những lần Thiên Chúa tỏ hiện trong Cựu ước, qua các biểu tượng Lửa Ánh quang vốntỏ bày sự xa cách cũng như sự sáng ngời của “Đấng Thánh”, vừa không thể đến gần như vừa hấp dẫn, cũng như sự mặc khải của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô qua sắc thái mới của Thập giá.

[9] X. Gaudium et Spes, 38. Rất nhiều đoạn văn của công đồng Vaticanô II đề cập đến đức mến như là sự hiện diện sinh động của Thánh Linh trong đời sống của Hội thánh và của các tín hữu. Chúng ta có thể nhận thấy điều này khi tra cứu các bản mục lục đề tài của Công đồng. Giáo huấn này cũng được gặp thấy trong giáo huấn của ĐTC Phaolô VI: “Tình yêu của con người, được linh hoạt bởi tình yêu thần linh là đức mến, chứa đựng bí quyết của sự hoàn thiện. Mệnh lệnh thứ nhất và lớn nhất của Đức Kitô là yêu mến Thiên Chúa và tha nhân (x. Mt 22,38; Summa Theologica II-II, 184,2). Đó là sự thánh thiện mà Phúc âm dạy chúng ta và khiến nó có thể thực hiện được”: Tiếp kiến chung ngày 9-7-1975 (La Documentation Catholique, 1975, p. 703. S.C. pro Clericis: Directorium catechisticum generale (11-4-1971), AAS 64 (1972), pp. 136-137. Trong bản tường trình liên quan đến số 50 của Dự thảo cuối cùng của Lumen gentium, ban soạn thảo viết như sau:

De caritate heroica. Sermo est de caritatis aliarumque virtutum heroico exercitío quod consistit in fideli, iugi et constanti proprii status munerum et officiorum perfunctione (Cf. Benedictus XV, Decretum approbationis virtutum in Causa beatificationis et canonizationis Serví Dei Joannis Nepomuceni Neumann, Episcopi Philadelphiensis (…), AAS 14 (1922), p. 23 (Trưng dẫn các văn kiện khác). Caritatem theologicam in virtutum christianarum exercitio singulare prorsus et praeeminens habere momentum (ideoque circa ipsam in Causis beatificationis et canonizationis prae ceteris ómnibus esse investigandum) egregie explicat PROSPER LAMBERTINI (Benedictus XIV) qui a pluribus Summis Pontificibus “Magister” hac in re est appellatus .

Nên biết là trong bản văn được công bố, chú thích tương ứng ở số 50 không còn nhắc minh thị đến đức mến nữa, mà chỉ nói đến “praeclarum virtutum christianarum exercitium …”.

[10] ĐTC Gioan Phaolô II đã lấy lại giáo huấn này, khi nhắc đến Đức Kitô, Đấng ban Thần khí, được biểu lộ khi lãnh phép rửa ở sông Gio-đan và trong mầu nhiệm vượt qua: “Trong dấu chỉ này, chính Đức Giêsu Kitô, đầy quyền năng và Thần khí, đã tỏ mình ra như là nguyên nhân của sự thánh thiện của chúng ta, Chiên Thiên Chúa” (18-1-1981): L’Osservatore Romano, ấn bản tiếng Tây ban nha ngày 25-1-1981, tr. 12; Thông điệp  “Dominum et vivificantem” (18-5-1986), các số 19-24.

[11] “Hội thánh là một tia sáng từ trời chiếu xuống thế gian. Hội thánh là thánh trong kế hoạch của Thiên Chúa và trong nhiệm cục ơn thánh. Tư tưởng về “Giáo hội thánh thiện” giúp chúng ta tìm thấy ý tưởng nguyên khởi, lý tưởng ở nơi nguyên quán và quê hương vĩnh viễn, là chính Thiên Chúa tạo thành, Thiên Chúa tình yêu, và liên kết sự thánh thiện của Hội thánh với vẻ đẹp phản ánh khuôn mặt đích thực của nhân loại. Vẻ đẹp là gì nếu không phải là sự tỏ lộ của Thánh Linh? Và chúng ta gặp thấy sự tỏ lộ ấy ở đâu nếu không phải là nơi nhân loại được biến thành Thân Thể của Đức Kitô và Đền thờ của Thánh Linh?” (ĐTC Phaolô VI, buổi tiếp kiến chung ngày 20-10-1971).

[12] Về tội lỗi trong Hội thánh: x. Gaudium et Spes, 43f; Unitatis redintegratio, 4f. Đứng trước một bầu khí của những cuộc phản kháng chống đối sau khi bế mạc công đồng, ĐTC Phaolô VI cố gắng đọc ra một dấu chỉ của lòng khao khát muốn sống ơn gọi Kitô hữu chân chính (tuy khát vọng đó không lúc nào cũng được diễn tả cách trung thực), không muốn Hội thánh bị đồng hóa với các thế lực trần thế (Tiếp kiến chung ngày 20-10-1971). ĐTC nói thêm rằng cần phân biệt một bên là sự yếu đuối gắn liền với thân phận con người hoặc do thiếu đào tạo tâm linh, và Chúa sẵn sàng ân cần đón nhận và tha thứ; và bên kia là nếp sống tầm thường, họa theo lối sống thế tục. Lối sống như vậy là “làm rỗng ý nghĩa của Thập giá đối với Kitô giáo” (Tiếp kiến chung ngày 14-6-1972).

[13] Thật ra các số 10-12 của Lumen gentium trình bày sự thông dự của các tín hữu vào chiều kích tư tế và ngôn sứ  của sứ mệnh Đức Kitô. Sự thông dự vào chiều kích vương đế (đặc biệt bằng đời sống bác ái và các công tác tông đồ) sẽ được diễn giải trong chương IV của Lumen gentium khi bàn về các giáo dân.

[14] X. ĐTC Phaolô VI, Tông huấn Evangelii nuntiandi (8-12-1975), đặc biệt các số 41 và 76.

[15] “. . . Thực thể Hội thánh không chỉ hạn chế vào cơ cấu phẩm trật, phụng vụ, các bí tích, các định chế pháp lý. Bản chất sâu xa và nguồn gốc tiên khởi của hiệu lực thánh hóa cần phải tìm thấy nơi sự kết hiệp với Chúa Kitô; sự kết hiệp mà chúng ta không thể hình dung nếu gạt bỏ Thân mẫu của Ngôi Lời nhập thể, Đấng mà Chúa Kitô đã muốn liên kết chặt chẽ với Người vì phần rỗi của chúng ta (…) Sự hiểu biết đạo lý công giáo chân thật về Đức Maria là một chìa khóa để hiểu biết mầu nhiệm của Đức Kitô và của Hội thánh” (ĐTC Phaolô VI, Diễn từ kết thúc giai đoạn III của công đồng Vaticanô II (21-11-1964), in: AAS, 56 (1964), 1014.

[16] Mầu nhiệm của các Mục tử – là một trong những yếu tố then chốt cho sự thánh hóa của họ – tìm thấy ý nghĩa tràn đầy nơi việc đi tìm vinh quang của Thiên Chúa, và sự tăng trưởng đời sống siêu nhiên nơi loài người; tất cả những điều này bắt nguồn từ mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô, và sẽ được hoàn tất trong cuộc quang lâm vinh hiển, khi Người trao vương quyền lại cho Chúa Cha (Presbyterorum ordinis, 2d; x. Lumen gentium, 26, cuối).

Các tín hữu giáo dân, sống giữa thực tại trần thế, và họ được thánh hóa trong và nhờ các thực tại ấy: cũng như các bí tích tiên báo thế giới mai hậu, các giáo dân cũng được đặt làm những kẻ tuyên xưng đức tin vào những thực tại mà chúng ta trông mong (x. Hr 11,1) khi họ liên kết đời sống theo đức tin với việc tuyên xưng cũng đức tin ấy (Lumen gentium, 35b; Apostolicam actuositatem, 4e). Điều tương tự cũng có thể nói về ơn gọi hôn nhân: ‘Gia đình Kitô hữu công bố lớn tiếng các nhân đức của Nước Chúa cũng như niềm hy vọng vào cuộc sống hạnh phúc mai sau” (Lumen gentium, 35c).

Đời sống thánh hiến bằng các lời khuyên Tin mừng: “Xét vì Dân Thiên Chúa không có đô thành vững bền ở dưới thế, nhưng đang đi tìm đô thành tương lai, vì thế khi giải gỡ người tu sĩ khỏi những lo lắng trần gian, bậc tu trì đã tỏ lộ cách rõ ràng hơn cho mọi tín hữu thấy gia sản trên trời đã hiện diện ngay dưới trần gian này, vừa làm chứng rằng ơn cứu chuộc của Đức Kitô đã đem lại một đời sống mới và vĩnh cửu, lại vừa tiên báo sự phục sinh tương lai và vinh quang của Nước trời” (Lumen gentium, 44c; x. 31b).

[17] Tiếp kiến chung ngày 14-7-1971 (La Documentation Catholique, 1971, p. 703). Khi tôn phong chân phúc cho tu sĩ Ignacio de Santhia, dòng Phanxicô Capuxinô, ĐTC nói: “Chúng tôi muốn nêu bật rằng sự trọn lành không có nghĩa là khác thường mà là bình thường. Vị thánh là mẫu gương cho chúng ta không phải tại vì ngài khác biệt với chúng ta, nhưng nói được là ngài rất gần gũi với chúng ta và đáng cho chúng ta bắt chước” (17-4-1966: La Documentation Catholique, 1966, col. 688). Xem thêm bài diễn văn của ĐTC Gioan Phaolô II dành cho Hội đồng Tòa thánh đặc trách các giáo dân, ngày 7-6-1986 (L’Osservatore Romano, tiếng Tây-ban-nha ngày 19-10-1986, p. 20.

[18] Trách nhiệm này đã được Bộ giáo luật phát biểu thành một nghĩa vụ chung cho tất cả các tín hữu. Điều 210: “Tất cả mọi tín hữu phải cố gắng, tùy theo điều kiện của mỗi người, sống đời thánh thiện, cũng như giúp Hội thánh tăng gia và cổ võ sự thánh thiện”. Đây là một nghĩa vụ luân lý – được bảo vệ trong Giáo Hội – từ đó phát sinh những nghĩa vụ và quyền lợi khác, chẳng hạn như: điều 213 (quyền được lãnh nhận Lời Chúa và các bí tích); điều 214 (quyền được bảo vệ các hình thức linh đạo khác nhau); điều 217 (quyền được đào tạo nhân bản và Kitô giáo), v.v… Những quyền lợi này sẽ được xác định trong bộ giáo luật.

[19] Chẳng hạn các bài huấn giáo của ĐTC Phaolô VI trong các buổi tiếp kiến chung ngày 14-7-1971 (La Documentation Catholique, 1971, p. 703); ngày 4-11-1972 (íbid., 1972, p. 1003); ngày 9-7-1975 (ibid., 1975, p. 703).- Chú thích của người dịch: Thuyết “an tĩnh” (quietismus) là tên đặt cho một phong trào tâm linh thế kỷ XVII-XVIII (ở Tây-ban-nha, Pháp, Ý), chủ trương thái độ “phó mặc” cho Thiên Chúa dìu dắt, ra như để phản ứng lại những trào lưu khổ chế cho rằng sự thánh thiện đòi hỏi nhiều cố gắng của con người. Cách thức diễn tả dễ gây ra hiểu lầm là con người không cần bận tâm với việc chiến đấu chống lại tội lỗi và thực hành nhân đức nữa. Nên biết là đối với ĐTC Phanxicô, ngày nay hai nguy cơ trong việc nên thánh được mang tên khác: ngộ giáo và tân pelagiô (x. Tông huấn Gaudete et exsultate, chương Hai, số 35-62).

[20] Buổi tiếp kiến chung ngày 9-7-1975. Xem chú thích 19.

[21] Chiều kích này được nhắc đến khi bàn về đời sống thánh hiến qua các lời khuyên Phúc âm (Lumen gentium, 46b).

[22] ĐTC Gioan Phaolô II đã trình bày sự hòa hợp giữa khía cạnh tự nhiên và siêu nhiên nơi người Kitô hữu hướng đến sự thánh thiện như thế này: “Thánh nhân là con người chân chính, mà chứng tá cuộc sống thu hút, chấn vấn, bởi vì con người của họ tỏ lộ sự hiện diện của Đức Kitô, Con Thiên Chúa (…). Đức Kitô là con người toàn hảo, và đời sống Kitô hữu cố gắng nhờ Người mà nâng cao chiều kích của con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, va được tái tạo trong tình yêu trọn hảo (…). Sự thánh thiện mang theo một sự mới mẻ trong đời sống, khởi đi từ sự kết hiệp thân mật với Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô trong Thánh Linh, thấm nhập vào hết mọi hoàn cảnh nhân sinh, hết mọi nếp sống, hết mọi cuộc dấn thân, hết mọi tương quan với trần thế, với con người, với Thiên Chúa” (Diễn từ dành cho Hội đồng Giáo hoàng đặc trách giáo dân ngày 7-6-1986: L’Osservatore Romano, ấn bản Tây-ban-nha ngày 19-10-1986, p. 20).

[23] Vào thời kỳ họp công đồng Vaticanô II, các chủng sinh cũng được gọi là giáo sĩ; ngày nay duy chỉ những ai lãnh chức phó tế mới được gọi là “giáo sĩ”.

[24] Công đồng bàn về linh đạo các linh mục trong sắc lệnh Presbyterorum ordinis, đặc biệt trong các số 12-21. Trong số những sáng kiến sau công đồng, cần phải nhắc tới các lá thư của ĐTC Gioan Phaolô II gửi các linh mục trên toàn thế giới hằng năm nhân dịp ngày thứ Năm tuần thánh.

[25] Trong bài diễn văn dành cho Hội đồng giáo hoàng về các giáo dân đã nói trên đây, ĐTC Gioan Phaolô II đã lặp lại tầm quan trọng giáo huấn của công đồng Vaticanô liên quan đến việc nên thánh, đó là: khám phá sự hiện diện của Đức Kitô nơi con tim của mỗi người, nơi những khát vọng của các nền văn hóa, nơi các nhu cầu và hy vọng của các dân tộc.

[26] X. Presbyterorum ordinis, 9b; Lumen gentium, 37. Bộ giáo luật coi thái độ này của các mục tử như là một quyền lợi đích thực của các tín hữu: x. điều 212 §1.

[27] Trong việc tìm ra những đường hướng thích hợp để đưa phụ nữ vào các hoạt động tông đồ của Giáo hội, chúng ta nên nhớ lại những lời của ĐTC Phaolô VI: “Người loan báo Tin mừng biết rằng, đối với phụ nữ cũng như đối với bất cứ ai, thánh thiện là sự thăng tiến phong phú nhất”. Bộ Loan báo Tin mừng, Tài liệu “Vai trò của người phụ nữ trong công cuộc loan báo Tin mừng (19-11-1975: Enchiridion Vaticanum, vol.V, n9 1574). Xem thêm ĐTC Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris dignitatem (15-8-1988).

[28] “Tìm Chúa trong việc làm mỗi ngày”: đây là tựa đề một bài suy niệm của Hồng y Albino Luciani về linh đạo của thánh Escrivá de Balaguer, một tháng trước khi được bầu làm Giáo hoàng Gioan Phaolô I (Il Gazzetino, Venezia, 25-7-1978).

[29]  Thư của Phủ Quốc vụ khanh Tòa thánh gửi đại hội lần thứ 26 của các tổ chức Công giáo quốc tế, Barcelona 7-12 tháng 3 năm 1985 (L’Osservatore Romano, ấn bản Tây-ban-nha, ngày 2-3-1986, tr 9). Trong thư này có đoạn viết: “Quý vị hãy tin chắc rằng đời sống tâm linh và sự dấn thân xã hội, sự hiệp thông trong Hội thánh và sự hiện diện trong thế giới, không phải là những thực thể đối nghịch, nhưng bổ túc cho nhau chứ không thể nào tách rời. Cần phải coi như là hai yêu sách của đời sống Kitô hữu, không giảm thiểu bên nào (… ). Những cơ cấu, chương trình, phương pháp của quý vị phải trở nên những kênh đào để đón nhận và cổ võ các trào lưu thánh thiện. Các hiệp hội của quý vị cần giúp cho mỗi phần tử sống ơn gọi Kitô hữu cách triệt để (..). Những thời điểm canh tân Giáo hội và đóng góp vào văn hóa các dân tộc đã chẳng là những thời điểm nảy lên những trào lưu và những chứng nhân thánh thiện đó sao?” .

[30] Trong số những dự phóng của ĐTC Gioan Phaolô II, nên ghi nhận các nỗ lực nhằm mở rộng những chiều hướng hoạt động mới trong các giáo xứ : “Giáo xứ là một cộng đoàn mà mục đích là làm cho ơn gọi phổ quát nên thánh trở thành con đường cho mỗi người và tất cả chúng ta, con đường của cuộc đời và đồng thời của từng ngày” (Bải giảng tại giáo xứ thánh Giuse đường Trionfale, Roma, ngày 18-1-1981 : L’Osservatore Romano, ấn bản Tây-ban-nha ngày 25-1-1981, trang 2 và 12.

[31] Nên ghi nhận là đoạn này cũng như Sắc lệnh Perfectae caritatis sử dụng vài từ ngữ đôi khi thiếu chính xác, và phải chờ đến Bộ Giáo luật ban hành năm 1983 mới có một khái niệm rõ ràng hơn về đời sống thánh hiến.

[32] Tiếp kiến chung ngày 14-7-1971 (La Documentation Catholique, 1971, p. 704).

Chia sẻ