Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

MA QUỶ HỌC – MỤC II. SATAN TRONG LỊCH SỬ THẦN HỌC

Administrator
2023-03-02 20:26 UTC+7 31
Phan Tấn Thành MỤC I. KINH THÁNH MỤC III. SUY TƯ THẦN HỌC Mục II. Satan trong lịch sử thần học ————– I. Các giáo phụ A. Các sư phụ trên sa mạc B. Các giáo phụ mục tử II. Thần học kinh viện Các thiên thần có thể phạm tội không? Tội gì? Hình […]

Phan Tấn Thành

MỤC I. KINH THÁNH

MỤC III. SUY TƯ THẦN HỌC

Mục II. Satan trong lịch sử thần học

————–

I. Các giáo phụ

A. Các sư phụ trên sa mạc

B. Các giáo phụ mục tử

II. Thần học kinh viện

Các thiên thần có thể phạm tội không? Tội gì? Hình phạt ra sao? Bản tính sự dữ?

III. Huấn quyền

A. Trước Latêranô IV

B. Công đồng Latêranô IV

C. Từ Latêranô IV đến Vaticanô II

D. Công đồng Vaticanô II

————–

Trong bài trước chúng ta đã khảo sát những đoạn văn Kinh thánh (Cựu ước và Tân ước) bàn về ma quỷ. Hôm nay chúng ta tiếp tục theo sự tiến triển của Ma-quỷ-học trong lịch sử thần học. Tuy nhiên, trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng cần nêu lên hai nhận xét quan trọng: một là về từ ngữ, hai là về phương pháp.

– Xét về từ ngữ, trong bài trước, chúng tôi đã lưu ý rằng hạn từ “ma quỷ” trong tiếng Việt không đồng nghĩa với Satan trong Kinh thánh. Trong tiếng Việt, “ma” bao hàm cả các “hồn ma” (linh hồn con người đã khỏi xác) hoặc “yêu tinh”, nhưng vấn đề này không được Kinh thánh bàn đến. Satan (diabolus) có nghĩa là “đối thủ”, và trong Tân ước, được hiểu về đối thủ của Thiên Chúa, chứ không liên hệ gì với loài ma[1].

– Xét về phương pháp, “Ma quỷ học” dịch hạn từ Demonologia trong tiếng Latinh. Theo nguyên ngữ Hy-lạp, logia không bao hàm một “môn học” hệ thống, mà chỉ có nghĩa là “lời lẽ, lý luận”. Trên thực tế, chúng ta đừng mong tìm thấy một “khảo luận hệ thống” về Satan trong thần học, nhưng có thể thu thập rất nhiều “lý luận” hoặc diễn từ về Satan trong lịch sử thần học Kitô giáo. Chúng tôi xin chia mục này làm ba phần: 1/ Các giáo phụ. 2/ Thần học kinh viện. 3/ Huấn quyền. Trong hai phần đầu, chúng ta rảo qua những quan điểm khác nhau liên quan đến nguồn gốc và hoạt động của các ma quỷ; những quan điểm này thuộc bình diện ý kiến, chứ không thuộc về đức tin. Trái lại, phần thứ ba phát biểu những đạo lý của Hội thánh; như sẽ thấy, những tuyên bố trong lãnh vực này không nhiều lắm[2].

I. Các giáo phụ

Nói chung, các giáo phụ thích bàn về các thiên thần hơn là về ma quỷ. Ma quỷ được nhắc đến ngay từ các tác phẩm của các tông phụ (x. T. Clêmentê Rôma, T. Inhaxiô Antiôkia, T. Policarpô; Mục tử Hermas) khi các ngài khuyên các tín hữu hãy tránh xa các lạc giáo là cạm bẫy của ma quỷ. Dù sao, nên biết là tuy nhìn nhận sự hiện hữu của ma quỷ và tác dụng tai hại đối với các tín hữu; nhưng các giáo phụ cũng cũng nhấn mạnh rằng chúng không thể thắng được những người tin vào quyền năng của Chúa Kitô.

Khi bàn về các “lời lẽ” của các giáo phụ liên quan đến ma quỷ, thiết tưởng nên phân biệt hai nhóm: một nhóm thiên về khía cạnh tu đức, một nhóm thiên về khía cạnh suy tư thần học.

A. Các sư phụ trên sa mạc

Nhóm thứ nhất được gặp thấy nơi các đan sĩ. Theo một giả thuyết được nhiều người chấp nhận, nguồn gốc đời sống đan tu bắt đầu từ khi các cuộc cấm đạo chấm dứt. Trước đây, Kitô giáo bị Đế quốc Roma ngăn cấm; các tín hữu ý thức rằng việc đi theo Đức Kitô không chỉ đòi hỏi sự chiến đấu chống lại tội lỗi mà còn bao hàm việc sẵn sáng chịu chết để làm chứng cho đức tin. Nhưng từ khi Kitô giáo được Đế quốc nhìn nhận làm quốc giáo, thì các tín hữu không những được tự do thi hành đức tin mà còn được hưởng nhiều ưu đãi. Thế nhưng một số tín hữu nghĩ rằng hoàn cảnh chính trị thuận lợi chưa hẳn đã giúp cho đức tin được tăng triển, ngược lại, có thể khiến cho lòng nhiệt thành suy giảm. Đứng trước nguy cơ ấy, một số tín hữu đã rút lên sa mạc để tiếp tục nếp sống khắc khổ, nhằm duy trì chí khí của các bậc tiền bối. Từ đây, họ sẽ không chiến đấu với các lực lượng chống đối tôn giáo như trước, nhưng là chiến đấu với ba kẻ thù là ma quỷ, thế gian, xác thịt. Họ chọn lựa sống trong sa mạc, biểu tượng của sự thiếu thốn vật chất, đòi hỏi nhiều hy sinh; sa mạc cũng là biểu tượng của chốn tĩnh mịch để cầu nguyện; đồng thời sa mạc cũng là nơi biểu tượng của cuộc chiến đấu chống với ma quỷ, theo gương Chúa Giesu vào lúc bắt đầu thi hành sứ vụ.

Trong bối cảnh này, văn chương các đan sĩ trên sa mạc kể lại rất nhiều điển tích về sự chiến đấu chống lại ma quỷ. Ma quỷ có thể được hiểu về một đối thủ ở bên ngoài con người hoặc về một khuynh hướng ngay bên trong nội tâm con người. Chúng ta lấy một thí dụ điển hình nơi thánh Antôn ẩn sĩ (k.250-356). Trong tiếu sử của ngài do thánh Athanasiô kể lại, Antôn bị ma qủy tấn công ngay khi bước vào đời tu, qua những cám dỗ gợi lên những khoái lạc ngoài thế giân; qua cấp thứ hai, ma quỷ gợi lên những khoái cảm ngay từ trong thân thể, tức là các đam mê dục vọng; đến cấp thứ ba thì ma qủy xuất đầu lộ diện để tấn công trực tiếp vào Antôn[3]. Đời tu được coi như một cuộc kháng chiến trường kỳ chống lại ma quỷ, được Evagrius Ponticus (k.345-399), xếp đặt hệ thống thành tám “tà kiến” (logismoi: mê ăn, dâm dục, tham lam, phiền nào, nóng giận, chán nản, hám danh, tự phụ).  Cùng với việc phân tích bản chất các tà kiến, tác giả cũng kê ra những phương dược để kháng cự. Ngoài việc cầu nguyện, phương thế hữu hiệu nhất để diệt các tà kiến là tập luyện các nhân đức đối lập (chẳng hạn chống tính mê ăn bằng đức tiết độ, chống tính tự phụ bằng đức khiêm nhường[4].

Dù sao, chúng ta đừng nên quên rằng việc chiến đấu chống lại ma quỷ không phải là độc quyền của các đan sĩ. Thực vậy, việc đối kháng với ma quỷ nằm trong bản chất đời sống Kitô hữu, bởi vì vào lúc rửa tội, họ đã cam kết từ bỏ ma quỷ và các quyến rũ của nó. Thánh Phaolô đã có lần nhắc nhở các tín hữu Ephêsô (6,10-17): “Sau cùng, anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người.  Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ.  Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.  Bởi đó, anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa ; như thế, anh em có thể vận dụng toàn lực để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối.14 Vậy hãy đứng vững : lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính,  chân đi giày là lòng hăng say loan báo tin mừng bình an ;  hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần.  Sau cùng, hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa”.

B. Các giáo phụ mục tử

Khuynh hướng thứ hai đề cập đến ma quỷ trong bối cảnh hộ giáo, nghĩa là bênh vực đức tin chống lại các lạc thuyết. Vào thời ấy, thế giới Hy-lạp và Roma biết đến nhiều học thuyết liên quan đến các thiên thần và ma quỷ, cũng như những tục lệ ma thuật, bói toán. Cách riêng, các giáo phụ để ý  đến thuyết nhị nguyên được phổ biến nơi nhiều triết học và tôn giáo.

Một sự kiện không thể chối cãi được là trên đời này có sự dữ (dưới các hình thức tội lỗi, bệnh tật, chiến tranh, chết chóc). Sự dữ bắt nguồn từ đâu? Thuyết nhị nguyên trả lời rằng vũ trụ bắt nguồn từ hai nguyên lý: một nguyên lý tốt (thần Thiện, nguồn gốc của mọi sự tốt lành) và một nguyên lý xấu (thần Ác, nguồn gốc của mọi sự dữ). Hai ông thần ấy luôn kình địch, chống đối nhau, và loài người chúng ta là nạn nhân (“Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”). Tuy nhiên, đức tin công giáo dạy rằng chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, vì thế không thế nào chấp nhận có hai vị “Chúa tể”. Như vậy, phải giải thích nguồn gốc sự dữ thế nào? Chẳng lẽ sự dữ bắt nguồn bởi Thiên Chúa? Nói như vậy là phạm thượng: đời nào Thiên Chúa nhân lành lại làm ra sự dữ? Như vậy câu trả lời chỉ có thể là: sự dữ bắt nguồn từ Satan, một đối thủ của Thiên Chúa. Satan là thụ tạo, do Thiên Chúa dựng nên chứ không phải là Thiên Chúa. Ai dựng nên Satan? Satan nguyên là một thiên thần tốt lành, nhưng hắn đã nổi loạn chống lại Thiên Chúa, và trở thành ác thần. Hắn nổi loạn lúc nào và như thế nào? Kinh thánh không nói gì, vì thế các giáo phụ tìm cách  trả lời. Chúng ta dễ mường tượng rằng các ý kiến không đồng nhất, bởi vì mang tính cách giả định. Vấn đề trở nên rắc rối thêm khi một vài giáo phụ dựa trên một ngụy thư mang tên là Sách Henoch (hay Khanoc)[5], một nhân vật được nhắc đến trong thư của thánh Giuđa (câu 14-15), được coi là tổ phụ thứ bảy sau nguyên tổ Ađam: “Ông đã tuyên sấm về họ rằng: Này Chúa đến giữa muôn vàn thần thánh của Người, để xét xử mọi người, và kết án mọi kẻ vô luân về tất cả các việc vô luân của họ, về tất cả những lời hỗn xược quân tội lỗi vô luân đã nói phạm đến Người”. Câu chuyện vô luân lại được móc nối với đoạn Sáng thế 6,1-4 (Các thiên thần trên trời – nguyên văn: “con trai của Thiên Chúa” – phạm tội dâm dục với con gái dưới trần thế).

Không ít giáo phụ trong những thế kỷ đầu tiên đã chấp nhận ý kiến đó (vì tưởng lầm là Sách thánh, chẳng hạn như Tertullianô bên Tây phương (De virginibus velandis 7) và Athenagoras bên Đông phương (Legatio 24). Nhưng về sau, các giáo phụ không chấp nhận việc giải thích đoạn Sáng thế theo hướng đó (xc. Gioan Kim khẩu, Homilia 22 in Gen. 2), và Augustino (Quaestionum in Heptateuchum 1.3). Mặt khác, tuy không chấp nhận tội dâm dục như là lý do của sự sa ngã của các thiên thần, nhưng dựa theo đoạn văn Sáng thế nói trên, vài giáo phụ cho rằng các ma quỷ đồi trụy đã bị hủy diệt sau trận lụt hồng thủy, nhưng linh hồn của chúng lại trở thành các ngẫu tượng được thờ lạy trong các tôn giáo[6].

Dù sao, không phải tất cả các giáo phụ đều dựa theo sách Henoch để giải thish nguồn gốc tội của các thiên thần. Còn nhiều giả thuyết khác nữa. Chẳng hạn như thánh Giustinô tử đạo cho rằng thiên thần đã sa đoạn khi cám dỗ bà Eva (Dialogus cum Tryphone 124); ở chỗ khác thì ông đồng hóa Leviathan (nói ở Is 27,1) với Satan (Dial. 112). Mặt khác, tuy chấp nhận nguồn gốc các ma quỷ là các thiên thần phạm tội dâm dục với loài người, nhưng Athenagoras cho rằng tội riêng của thủ lãnh Satan là sai phạm trong việc quản trị, nghĩa là không biết điều hành vật chất đúng cách (Legatio 24).

Ông Origen là người đưa ra nhiều ý kiến độc đáo hơn cả và gây ảnh hưởng nơi nhiều tác giả khác. Ông đồng hóa Lucifer vua Babylonia được nói ở Is 14,12–15 và vua Tyrô (Ed 28,12–19) với Satan, và giải thích nguồn gốc tội lỗi của Satan là tính kiêu ngạo (bởi vì làm thế nào mà thiên thần là loài thiêng liêng có thể phạm tội xác thịt được!)

Sau khi phạm tội, ma quỷ bị trục xuất khỏi thiên đình. Họ sống trên không trung cho đến tận thế. Duy chỉ có ông Origen mới chấp nhận cho ma quỷ trở lại vào ngày tận thế.

Mặt khác, một tác giả đội tên Đionysiô Areopagita đã vinh thăng các “quyền lực” nói trong thư của thánh Phaolô lên hàng “phẩm thiên thần”, và từ đó họ được Kinh Tiền tụng sát nhập vào ca đoàn thiên quốc (“Các Dũng thần, Bệ thần, Quản thần, Quyền thần”) không ngừng chúc tụng Thiên Chúa.

II. Thần học kinh viện

Thần học kinh viện đào sâu đạo lý của các giáo phụ và tìm cách trình bày các đề tài cách mạch lạc hệ thống, thành khảo luận, hoặc lồng trong những bộ tổng luận thần học. Các câu hỏi then chốt thường được nêu lên là: Bản tính của ma quỷ ra sao (ma quỷ vốn là các thiên thần, nhưng vì phạm tội nên đã trở thành ma quỷ)? Họ đã phạm tội gì? Hình phạt như thế nào? Họ có quyền hành gì trên thế giới không? (Đừng quên rằng ma quỷ chỉ là thụ tạo chứ đâu phải là Thiên Chúa!).

Việc suy tư lý thuyết cũng kèm theo những ưu tư mục vụ. Như sẽ thấy dưới đây, vào thời này, huấn quyền đã lên tiếng long trọng tại công đồng Latêranô IV (năm 1215), bởi vì Giáo hội phải đương đầu với thuyết nhị nguyên tái xuất hiện nơi các lạc giáo Cathari và Albigeois[7].

Thần học kinh viện gồm nhiều trường phái và khuôn mặt khác nhau, chẳng hạn như trường Saint-Victor ở Paris, Dòng Phan-sinh (Alexandre Hales, T. Bonaventura, Duns Scotus), Dòng Đa-minh (T. Alberto, T. Tôma Aquino).

 Để có một ý tưởng về đường hướng làm việc của kinh viện, chúng ta lấy một khuôn mẫu nơi thánh Tôma Aquinô. Thánh nhân bàn về các ma quỷ trong nhiều tác phẩm: Chú giải Sententiae của Petrus Lombardus, Summa Theologiae, Summa Contra gentiles đề cập đến tội lỗi và những hình phạt của ma quỷ; còn vấn đề sự dữ thì được xét đến trong Quaestio disputata de Malo và chú giải De Divinis Nominibus của Ps.Dionisius[8].  Như vậy là có bốn vấn đề chính được bàn đến.

1/ Lỗi lầm của các thiên thần là kiêu ngạo. Thiên thần không muốn đón nhận hạnh phúc siêu nhiên như môt ân huệ của Thiên Chúa, nhưng muốn tự mình thủ đắc. (Kiêu ngạo là thế đó). Ma quỷ là một loài thiêng liêng cho nên không thể phạm những tội gây ra bởi dục vọng. Tội đặc thù của loài thiêng liêng hệ ở chỗ lầm lẫn hoặc sai lầm về điều tốt và điều xấu. Con người bị sai lầm là bởi mê muội của giác quan, còn thiên thần sai lầm là vì không tùng phục kế hoạch của Thiên Chúa trong việc thực hiện kế hoạch hoàn thiện bản thân. Hành động kiêu ngạo không diễn ra ngay cùng lúc với sự hiện hữu nhưng là vào một thời gian sau đó. Thiên thần thứ nhất phạm tội vì ở cấp cao, và hoàn hảo hơn các vị khác cho nên sinh ra kiêu ngạo. Còn những thiên thần khác thì bị thuyết phục phạm tội. Cũng nên biết là khác với nhiều nhà thần học đương thời, thánh Tôma chủ trương rằng các thiên thần hoàn toàn thiêng liêng, không có xác thể.

2/ Hình phạt

Sau khi phạm tội, các thiên thần đã phải lãnh hình phạt. (a) Trí tuệ ra mờ tối, không phải theo nghĩa là giảm bớt khả năng tự nhiên, nhưng theo nghĩa là không thể hiểu biết những điều cao siêu của mầu nhiệm Thiên Chúa; (b) ý chí suy yếu, theo nghĩa là không thể nào thay đổi ý muốn xấu khi đã phạm tội; (c) đau đớn, không phải về giác quan và cảm xúc (bởi vì không có) nhưng là đau đớn vì đi ngược lại ý chí sai trái của mình.

3/ Hành động

Ma quỷ tác động trên loài người, qua những cuộc cám dỗ, theo chương trình khôn ngoan của Thiên Chúa. Ma quỷ chỉ hành động bên ngoài con người, qua những giác quan và óc tưởng tượng, nhưng không thể tác động trực tiếp đến ý chí của con người; con người luôn có tự do. Ma quỷ không biết những sự việc sẽ xảy đến trong tương lai, nhưng có thể đoán được, dựa theo sự móc nối giữa hậu qảu với các nguyên nhân hoạt động. Ma quỷ khong biết trực tiếp tư tưởng của con người, nhưng có thể đoán được qua những dầu hiệu xuất hiện bên ngoài. Ma quỷ không thể làm phép lạ (theo nghĩa chặt, tức là những sự việc không tuân theo định luật tự nhiên), nhưng có thể làm biến đổi các vật thể, hoặc tạo ra ảo giác.

4/ Vấn đề sự dữ

Dựa theo triết học của Platon, thánh Tôma chủ trương rằng sự dữ (hiểu như là đối lập với sự thiện) thì không hiện hữu tự nó, nhưng chỉ xảy ra “cách ngẫu nhiên” (per accidens), theo nghĩa là thiếu sót một điều thiện hảo nào đó. Sự dữ bám vào một cái tốt. Mù là điều xấu, bởi vì mắt không hoạt động; giả như một vật nào  không có mắt (chẳng hạn cục đá) thì làm chi có chuyện mù! Nói cho cùng, duy một mình Thiên Chúa mới có tất ca mọi thiện hảo và không có gì bất toàn, cho nên không có sự dữ. Các thụ tạo đều mang những cấp độ hoàn hảo khác nhau, vì thế có sự thiếu sót, nhưng tất cả đều hướng về một cứu cánh tốt chung cho toàn thể. Không có sự dữ tuyệt đối. Ma quỷ không xấu tự bản chất: chúng được Thiên Chúa dựng nên như hữu thể tốt lành; nhưng chúng đã ra xấu vì đã hành động thiếu sót, nghĩa là chiều theo sự thiện riêng cùa mình, chứ không theo sự thiện mà Thiên Chúa muốn.

Nên lưu ý là quan điểm của thánh Tôma cũng như của các nhà thần học khác chỉ là những ý kiến riêng tư, không mang tính ràng buộc. Chúng tôi sẽ còn trở lại với tư tưởng thánh Tôma trong các mục sắp tới khi cố gắng tổng hợp những ý kiến khác nhau của các nhà thần học (từ các giáo phụ cho đến thời cận đại) liên quan đến sự hiện hữu, sự sa ngã, hình phạt của các thiên thần, cũng như tác động của ma quỷ trong thế giới.

Bây giờ chúng ta bước sang phần khác có giá trị ràng buộc hơn, đó là các tuyên ngôn của Huấn quyền.

III.  Huấn quyền

Chúng ta hãy rảo qua các tuyên ngôn của huấn quyền qua những giai đoạn sau: 1/ Trước công đồng Latêranô IV (1215). 2/ Công đồng Latêranô IV. 3/ Từ Latêranô IV đến Vaticanô II. 4/ Từ công đồng Vaticanô II. Như vậy, hai dấu mốc quan trọng là công đồng Latêranô IV và Vaticanô II.

A. Trước Latêranô IV

Chỉ có vài tuyên ngôn của các công đồng hoặc công nghị địa phương, chẳng hạn như:

– Công nghị Constantinopolis (năm 543) chống lại thuyết của nhóm Origène (Đức Kitô cũng chịu đóng đinh cho ma quỷ, và chúng sẽ hoán cải: Denzinger-Schonmetzer 409; 411);

– Công nghị Braga ở Bồ đào nhau (năm 561) lên án nhóm Manikê và Priscilla (ma quỷ không do Thiên Chúa tạo dựng; chúng tự phát từ hỗn mang và tối tăm; chúng không do ai tạo nên nhưng lại là nguồn gốc của mọi sự dữ (DS 457-458.462-463).

B. Latêranô IV (1215)

Công đồng Lateranô IV đã đưa ra định tín De fide catholica chống lại nhóm Albigeois và Cathari, chủ trương nhị nguyên (DS 800):

Chúng tôi tin vững vàng và tuyên xưng khẳng khái rằng chỉ có một Thiên Chúa thật … Cha, Con và Thánh Thần; ba ngôi vị trong một bản tính… Một nguyên uỷ của vũ trụ, Đấng dựng nên tất cả mọi vật, hữu hình và vô hình, thiêng liêng và vật thể, nghĩa các loài thiên thần và thể chất (…) và loài người ra như chia sẻ cả hai loài ấy, bởi vì gồm bởi linh hồn và thể xác. Satan (diabolus) và các ma quỷ (alii daemones) đã được Thiên Chúa tạo dựng theo bản tính tốt lành, nhưng chúng trở nên xấu cho chính mình. Còn con người phạm tội do Satan xúi giục.

Công đồng chỉ giới hạn vào những điểm cốt yếu của đức tin: (i) Thiên Chúa đã Đấng Tạo dựng mọi loài hiện hữu, hữu hình và vô hình; (ii) ma quỷ do Thiên Chúa tạo dựng như là thiên thần nhưng trở thành xấu do tội của mình. Công đồng không đi vào những chi tiết khác (họ đã phạm tội gì? Có bao nhiều vị đã sa ngã?).

B. Từ công đồng Lateranô IV đến Vaticanô II

1. Không có định tín nào quan trọng, nhưng chỉ có vài phi bác những lầm lạc

– chống lại Wycliff chủ trương Thiên Chúa cũng phải vâng theo ma quỷ  (Công đồng  Constance năm 1415: DS 1156).

– chống lại Miguel de Molinos về sức ép của ma quỷ trên thân thể của vài người đạo đức để thúc đẩy phạm tội (Bộ Thánh vụ năm 1687: DS 2241).

2. Công đồng Firenze tuyên bố rằng không có người nào sinh ra mà được thoát khỏi sự thống trị của ma quỷ nếu không nhờ đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người … Nhờ bí tích thánh tẩy, các nhi đồng được lôi kéo khỏi sự thống trị của ma quỷ và trở nên con cái Thiên Chúa (Decretum pro Jacobitis 1442: DS 1347.1349). Do đó, ơn cứu chuộc được giải thích như là việc giải thoát khỏi sự thống trị của ma quỷ.

3. Công đồng Trentô tuyên bố rằng những kẻ phạm tội thì làm nô lệ cho ma quỷ (x . Decretum de peccato originali, năm 1546: DS 1511; Decretum de sảcramento paenitentiae, năm 1551: DS 1668).

4. Công đồng Vaticanô I (năm 1870) lặp lại giáo huấn của Lateranô II là các thiên thần do Thiên Chúa dựng nên (Const. Dei Filius: DS 3002).

D. Công đồng Vaticanô II

1. Công đồng không dành một văn kiện nào cho ma quỷ. Ma quỷ được nhắc đến 18 lần, rải rắc trong nhiều văn kiện và dưới nhiều danh xưng[9]. Ma quỷ được bàn trong bối cảnh lịch sử cứu độ (GS 37) và lịch sử của mỗi người (LG 16: GS 13a). Ma quỷ là kẻ dụ dỗ, xúi giục con người khước từ Thiên Chúa. Hai lần tham chiếu khi bàn đến Đức Maria là Eva mới (LG 55.63). Nhiều tham chiếu khi nói đến Đức Kitô, Đấng đã chiến thắng sự dữ (GS 2b), giải thoát con người khỏi quyền lực Satan, khỏi thủ lãnh của thế gian (SC 6; AG 3; GS 22; GS 13b). Việc xua đuổi ma quỷ là dấu hiệu của Nước Chúa đang đến (LG 15; AG 14 chú thích). Trong bối cảnh truyền giáo, công đồng nói đến hoạt động của Hội thánh chống lại ma quỷ (LG 17; AG 9b. 14b; DH 11b). Sau cùng, các Kitô hữu được mời gọi hãy chiến đấu chống lại hoạt động của tối tăm, chống lại các thần khí xấu (LG 35a), với những khí giới của Thiên Chúa (LG 48d).

2. Sau công đồng Vaticanô II, vì có những trào lưu phủ nhận sự hiện hữu của ma quỷ, cho nên Huấn Quyền đã phải can thiệp[10]:

– ĐGH Phaolô VI: Kinh Tin kính của Dân Thiên Chúa (1968). Bài giảng lễ ngày 29/6/1972. Những bài huấn từ nhân các buổi tiếp kiến chung vào ngày 15/11/1972 và 23/2/1977.

– Bộ Giáo lý đức tin là cho phát hành văn kiện nguyên bản tiếng Pháp Foi chrétienne et démonologie đăng trên báo L’Osservatore Romano ngày 26/6/1975. Đây không phải là một văn kiện chính thức, nhưng là một bài nghiên cứu do Bộ uỷ thác cho một chuyên viên ẩn danh. Văn kiện không được đăng trong công báo Acta Apostolicae Sedis nhưng có thể đọc trên mạng internet[11]. Sự hiện hữu của ma quỷ được khẳng định dựa trên các bản văn Kinh thánh, các giáo phụ, huấn quyền. Phụng vụ cũng được trưng dẫn như là luận cứ của đức tin Kitô hữu về sự hiện hữu của ma quỷ[12]. Tuy nhiên, văn kịên cũng nhìn nhận rằng trong quá khứ trong hiện đại, nhiều khi người ta đã phóng đại nhiều chuyện về ma quỷ, kích thích óc tưởng, sự sợ hãi. Sứ điệp Kitô giáo không phải là sợ hãi ma quỷ hoặc hoả ngục, nhưng là sứ điệp của tín thác và hân hoan vào sự chiến thắnc của Chúa Phục sinh. Ma quỷ có thể khêu gợi, dụ dỗ, nhưng không thể cưỡng bách ý chí của chúng ta. Chúng ta có thể thắng được ma quỷ, cách riêng nhờ sự cầu nguyện.

– ĐGH Gioan Phaolô II đã dành một loạt bài huấn từ để trình bày về ma quỷ khi giải thích kinh Tin kính trong những buổi tiếp kiến chung ngày 13 và 20/8/1986.

– Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo bàn đến Satan và ma quỷ ở nhiều bối cảnh khác nhau: sự sa ngã các thiên thần (số 391-395), sự sa ngã của nguyên tổ (số 397) và hậu quả của nó (số 407), được tóm lại ở các số 413-415. Cuộc đời của Đức Giêsu: cuộc cám dỗ (số 538-539), việc trừ quỷ và thiết lập Nước Thiên Chúa (số 550); công cuộc cứu chuộc bao hàm sự chiến thắng ma quỷ (số 635 và 1086). Sứ mạng của Hôi thánh tiếp nối sự chiến đấu ma quỷ (số 856). Satan được nhắc đến trong bí tích Thánh Tẩy (số 1237), trong một vài tội thuộc phần luân lý (số 2538), và lời nguyện cuối cùng của kinh Lạy Cha (số 2851-2853). Ở số 2851, sách Giáo lý nhấn mạnh rằng ở đây chúng ta không chỉ cầu xin được cứu thoát khởi “sự dữ” (trừu tượng) nhưng là “Kẻ Dữ, kẻ Ác” (một ngôi vị). Chúng tôi sẽ bàn rộng đạo lý của sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trong phần kết luận của loạt bài này.

Tóm lại, những điều cốt yếu của đức tin công giáo về các ma quỷ không nhiều:

1/ Sự hiện hữu của ma quỷ: đó là một thực thể, chứ không chỉ là biểu tượng của sự dữ trên thế giới.

2/ Các ma quỷ là thụ tạo, chứ không phải là tự hữu (chống lại thuyết nhị nguyên).

3/ Ma quỷ được dựng nên như là thiên thần tốt lành, nhưng trở thành quỷ do tội mà họ đã phạm (xc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 391, trích dẫn Latêranô IV). Tuy nhiên, huấn quyền không nói họ phạm tội như thế nào, và đã bao nhiêu vị sa ngã. Vì thế, cần phải phân biệt hai lãnh vực: đức tin và thần học. Khía cạnh thần học sẽ được nghiên cứu trong mục tới.

4/ Do sự phản nghịch, ma quỷ phải luận phạt trong hoả ngục (x. Mt 25,41). Theo sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 393), tội của họ không được tha thứ không phải vì Chúa không tỏ lòng khoan nhân, nhưng là do quyết định bất khả kháng của họ. Thánh Tôma giải thích là loài thiên thần hiểu biết trực tiếp (chứ không lý luận như loài người) cho nên họ cũng quyết định chắc chắn như đinh đóng cột, không thể nào rút lại nữa. Một lần nữa, cần phân biệt giữa đức tin và giải thích thần học.

Để kết thúc bài này, xin được lưu ý ba điểm.

1/ Cần phân biệt những chân lý đức tin (dựa trên Kinh thánh và Huấn quyền) và những quan điểm của các nhà thần học (mang tính giả thuyết), nhất là đừng lẫn lộn giữa niềm tin Kitô giáo với những niềm tin thuộc dân gian hoặc các tôn giáo khác. Một thí dụ cụ thể là Kinh thánh nói đến Satan, chứ không đụng đến các loài yêu tinh ma quái vốn được truyền tụng trong các cổ tích, tiểu thuyết, phim ảnh.

2/ Đối lại, không thiếu những chủ trương bài bác sự hiện hữu của ma quỷ, cho đó chỉ là sản phẩm của óc tưởng tượng. Chúng ta có thể trưng dẫn vài thí dụ của các triết gia châu Âu ngay từ thế kỷ XVII: Thomas Hobbes (tác phẩm Leviathan, 1651), Baruch Spinoza (Tractatus theologico-politicus, 1670). Gần chúng ta hơn nữa, không thiếu nhà chú giải Kinh thánh tìm cách “giải huyền” ma quỷ, điển hình là Rudolph Bultmann (1844-1976): Satan chỉ là biểu tượng của Sự dữ được nhân cách hóa. Điều trớ trêu là trong khi có những người cho rằng  chuyện thần thánh quỷ ma thuộc về thời buổi mê tín, không còn phù hợp với não trạng khoa học hiện đại, thì tại các xã hội công nghệ tiên tiến lại phổ biến hiện tượng ma thuật bói toán, đó là chưa kể các nhóm tôn thờ Satan[13].

3/ Đức tin Kitô giáo luôn luôn chống lại thuyết nhị nguyên (chủ trương sự hiện hữu của hai nguyên lý điều hành vũ trụ: Thiện và Ác). Chỉ có một Thiên Chúa, còn Satan là thụ tạo, ở dưới quyền hành của Ngài. Tại sao Ngài để cho nó hoạt động? Thật không dễ tìm ra câu trả lời, nhưng chúng ta tin chắc rằng Satan không ở ngoài tầm kiểm soát của Thiên Chúa: nó không thể tự do tung hoành theo ý muốn, nhưng chỉ trong giới hạn mà Thiên Chúa đã ấn định.

————–

[1] Thiết tưởng cũng nên biết là daimon trong văn hóa Hy-lạp không hoàn toàn có nghĩa xấu. Về sau này, khi được dùng như là tương đương với diabolos theo Kinh thánh thì nó mới mang nghĩa tiêu cực; khi dịch sang các ngôn ngữ khác cũng vậy (demonio tiếng Tây-ban-nha, démon tiếng Pháp, devil tiếng Anh).

[2] Thư mục. Thông tin dồi dào nhất là mục từ “Démon” trong Dictionnaire de Spiritualité, Beauchesne Paris 1955, tome III, col.141-238 do 5 tác giả biên soạn (Stanislas Lyonnet, Jean Daniélou, Antoine Guillaumont, Claire Guillaumont,  François Vandenbroucke). Ngoài ra, Johann Michl  “Satan” trong Encyclopedie de la foi, Cerf Paris, 1965, vol.IV, 191-200. Jeffrev Burton Russell, Satan. The early Christian tradition, Ithaca London, 1981. Id. Lucifer. The Devil in the Middle Ages, Ithaca London, 1984.

[3] Xc. Phan Tấn Thành, Truyền thống tâm linh trong các Giáo hội Đông Phương (Đời sống tâm linh, tập V), NXB Phương Đông, TPHCM 2017, trang 50-55.

[4] Xc. Sách đã dẫn, trang 276-286.

[5] Có lẽ được viết vào khoảng năm 170-64 trước CN.

[6] Người ta đặt cơ sở cho thuyết này trên thánh vịnh 95,5 theo bản dịch Vulgata “Omnes dii gentium daemonia”. Bản dịch mới đã sửa lại “Omnes dii gentium inania”: Chư thần các nước  đều là hư ảo (chứ không phải là ma quỷ).

[7] Thời Trung cố, bên châu Âu, thiên thần và ma quỷ được đề cập trong tín ngưỡng dân gian, trong nghệ thuật cũng như trong các ngành ma thuật; nhưng chúng tôi không muốn đụng đến vấn đề này.

[8] Bốn tác phẩm này ra đời vào những giai đoạn khác nhau: 1/ Chú giải Sententiae (Lib.II, dist.2-11) soạn khoảng 1252-1256. – 2/ Summa Contra Gentiles (II, c.46-65) vào những năm 1261-1262. – 3/ Summa Theologiae (I pars , qq.44-119 bàn về việc tạo dựng) vào những năm 1266-68. – 4/ Quaestio disputata De Malo, năm 1267. Nên biết là thánh Tôma bàn về ma quỷ trong toàn bộ khảo luận về các thiên thần trong Summa Theologiae. Trước hết, tác giả bản về bản tính các thiên thần (I pars, qq.50-53); hoạt động tri thức (qq.54-58) và ý muốn (qq.59-60). [Bản tính các thiên thần không thay đổi sau khi sa ngã]. Kế đó là sự tạo thành bởi Thiên Chúa (q.61), ơn gọi (q.62), sự sa ngã (q.63-64). Sau cùng là tác động của thiên thần đối với nhau (q.106-109), đối với thế giới vật chất (q.110), đối với loài người (q.111-114).

[9] SC 6: satanas; – LG (7 lần): 5 daemonia; 16 Malignus; 17 daemon; 35 mundi rectores tenebrarum harum, spiritualia nequitiae; 48 diabolus; 55 serpens; 63 serpens antiquus. – DH: 11 potestates Deo adversae.- AG (4 lần): 3 potestas tenebrarum ac satanae; 9 diabolus, daemon; 14 potestas tenebrarum; 14 nota 19: daemon, tenebrae.- GS (5 lần): 2 malignus; 13a malignus; 13b princeps huius mundi. 22 diabolus; 37 potestates tenebrarum.

[10] Điển hình là tác phẩm của Herbert Haag, Farewell to the Devil (nguyên bản tiếng Đức xuất bản năm 1969). Satan được coi như là biểu tượng của sự dữ trên thế giới (Sự Dữ được nhân cách hoá, cũng tựa như Sự chết được nhân cách hóa thành Tử thần). Cũng nên biết là vào những năm sau công đồng, một luồng tư tưởng thêm một biểu tượng mới của sự dữ nơi  “tội xã hội”, hoặc “cơ cấu tội lỗi”.  Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nhắc đến đề tài này ở số 1869. ĐGH Gioan Phaolô II giải thích trong tông huấn Reconciliatio et paenitentia  số 16, và thông điệp Sollicituo rei socialis  số 36.

[11]www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_19750626_fede-cristiana-demonologia_fr.html

[12] Đừng kể những sách cổ xưa, ngay trong những sách phụng vụ được duyệt lại sau công đồng cũng còn nhắc đến Satan, chẳng hạn như phụng vụ các bí tích khai tâm (lời từ bỏ Satan). Chúng tôi sẽ trở lại trong mục Năm.

[13] Những tội trái nghịch điều răn thứ nhất không thuộc về dĩ vãng xa xưa nhưng vẫn hiện hành: thờ ngẫu tượng, bói toán, ma thuật hay pháp thuật, mang bùa, chiêu hồn. Xc. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2112-2117.

Chia sẻ