Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thời sự Thần học; số 106, Tháng 11/2024

Văn phòng Học Viện
2024-11-19 15:27 UTC+7 655
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra định hướng mục vụ cho năm 2025 là: “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Số báo này muốn góp phần vào việc suy tư chủ đề ấy. “Truyền thông” vừa có nghĩa là “loan báo” vừa có nghĩa là “sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội”, được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi như diễn đàn mới cho việc truyền giáo.

CHỦ ĐỀ : THẦN HỌC TRUYỀN THÔNG

tsth-106-1732004465.jpg

LỜI GIỚI THIỆU

Trong kỳ họp tháng 9 năm nay, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đề ra định hướng mục vụ cho năm 2025 là: “Cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Số báo này muốn góp phần vào việc suy tư chủ đề ấy. “Truyền thông” vừa có nghĩa là “loan báo” vừa có nghĩa là “sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội”, được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi như diễn đàn mới cho việc truyền giáo.
Thực ra, “thần học truyền thông” có thể hiểu theo nhiều nghĩa: 1/ Học cách sử dụng các phương tiện truyền thông vào việc loan báo Tin Mừng. 2/ Học cách suy tư và diễn tả đức tin bằng ngôn ngữ công nghệ truyền thông hiện đại. 3/ Bản chất của thần học là truyền thông, bởi vì dựa trên nền tảng của mặc khải Kitô giáo mà cốt yếu là Thiên Chúa tự thông ban mình cho nhân loại.
Các bài viết được xếp chung quanh ba mục như sau:
- Khái niệm: Truyền thông là gì? (bài 1) Thần học truyền thông được hiểu như thế nào? (bài 2).
- Lịch sử: Việc loan báo Tin Mừng dựa theo sự tiến triển của các phương tiện truyền thông (bài 3). Các văn kiện Tòa Thánh từ sau công đồng Vaticanô II về các phương tiện truyền thông (bài 4)
- Suy tư: Thần học và truyền thông (bài 5). Cybertheology (bài 6). Những thách thức lớn của truyền thông kỹ thuật số đối với mục vụ (bài 7). Linh đạo nhà truyền thông (bài 8)
Mục lịch sử chú ý đến các “phương tiện truyền thông”; mục suy tư tìm hiểu “ngôn ngữ truyền thông”, đừng kể bài cuối cùng trở về với nền tảng của truyền thông Kitô giáo.

1. Truyền thông là gì?

Hạn từ “truyền thông” được dùng để chuyển dịch từ “communication” trong ngôn ngữ châu Âu. Tuy nhiên xét theo nguyên ngữ, communication không chỉ có nghĩa là thông tin mà còn hàm ngụ chia sẻ, hiệp thông (communion) tiến đến việc kiến tạo cộng đoàn (community). Không dễ gì đưa ra một định nghĩa về truyền thông kể từ khi nó trở thành đối tượng của “các khoa học truyền thông” với những phương pháp tiếp cận khác nhau: xã hội học, tâm lý học, ký hiệu học, lịch sử, địa lý. Việc truyền thông không chỉ giới hạn vào phạm vi ngôn ngữ nhưng còn bao trùm toàn thể sinh hoạt của con người: “Con người là truyền thông – Không ai là không truyền thông” (Paul Watzlawick)

2. Thần học truyền thông. Những lối tiếp cận

Theo cha Franz Eilers SVD., thuật ngữ Thần học truyền thông có thể hiểu theo 3 nghĩa:
a) Theology of (social) communication: thần học về truyền thông; rửa tội cho các phương tiện truyền thông, sử dụng vào việc phục vụ sứ mạng của Hội Thánh. Đây là lối tiếp cận thường gặp thấy trong các văn kiện Tòa Thánh.
b) Communicative Theology: thần học có tính truyền thông, tìm cách diễn đạt mặc khải bằng ngôn ngữ của văn hóa thời đại.
c) Communication Theology, thần học truyền thông: Đọc toàn bộ lịch sử cứu độ Kitô giáo dưới lăng kính truyền thông (Thiên Chúa Tam vị, mặc khải, nhập thể, Hội thánh). Thần học truyền thông nhìn toàn thể Thần học dưới nhãn quan truyền thông. Vì vậy “Truyền thông” trở thành một nguyên tắc từ đó chúng ta nhìn toàn bộ thần học.

3. Việc loan báo Tin Mừng từ góc nhìn công nghệ của Horsfield-Mc Luhan

Cha Edson Armando Real SVD nhìn lại việc loan báo Tin Mừng theo lịch sử tiến triển các phương tiện truyền thông, theo 5 chặng: 1/ Truyền miệng; 2/ Chữ viết; 3/ In ấn; 4/ Điện tử (phát thanh, điện ảnh, truyền hình); 5/ Loan báo Tin Mừng nhờ kỹ thuật số.

4. Các văn kiện Tòa Thánh về truyền thông từ sau công đồng Vaticanô II

Bài này liệt kê những văn kiện của các giáo hoàng (thông điệp, tông huấn, đặc biệt là các sứ điệp hằng năm nhân ngày Thế giới truyền thông), và các cơ quan của giáo triều (đặc biệt là của Bộ Truyền thông).

5. Thần học và truyền thông (Jean Bianchi - Henri Bourgeois)

Có nhiều lối tiếp cận mối tương quan giữa thần học và truyền thông, nhưng không phải tất cả đều là “thần học về truyền thông”. Vì thế, cần phải xác định: (1) Quy chế của thần học về truyền thông; (2) Các lãnh vực căn bản của thần học về truyền thông. (3) Thần học truyền thông và các thực hành truyền thông.

6. Thần-học-mạng trong kỷ nguyên cách-mạng-số và tác động của nó đối với Kitô giáo

Cybertheology là một thuật ngữ mới được cha Antonio Spadaro S.J. chế ra từ năm 2012 và được lưu hành trong Giáo hội Công giáo. Bên Tin Lành, thuật ngữ Digital Theology thông dụng hơn. Cả hai từ đều muốn nói đến việc suy tư thần học trong thời kỹ thuật số. Đây không chỉ là vấn đề chuyển dịch ngôn ngữ, nhưng suy nghĩ về sự thay đổi tư duy về đức tin và đời sống đạo do ảnh hưởng của kỹ thuật số. Trong bài này, sau khi giải thích các khái niệm “thần học mạng” và “văn hóa kỹ thuật số”, cha Timothy Barga nói đến một sự hoán cải (metanoia) kỹ thuật số cũng như những thách thức của một Giáo hội online.

7. Những thách thức lớn của truyền thông kỹ thuật số đối với mục vụ

Trong bài diễn văn dành cho các đặc trách Truyền thông của Hội đồng các Giám mục châu Âu, cha Antonio Spadaro, S.J. nêu lên 6 thách thức: 1) Từ mục vụ trả lời sang mục vụ câu hỏi; 2) Từ mục vụ tập trung vào nội dung sang mục vụ tập trung vào con người; 3) Từ mục vụ truyền đạt sang mục vụ chứng tá; 4) Từ mục vụ tuyên truyền sang mục vụ gần gũi; 5) Từ mục vụ của ý tưởng sang mục vụ của câu chuyện; 6) Một mục vụ chú trọng đến đời sống nội tâm và tính tương tác.

8. Đời sống tâm linh của người truyền thông Kitô giáo

Bài viết của cha José Martínez de Toda, S.J. (+20-9-2024) có thể được coi như tổng hợp những khía cạnh khác nhau của số báo này. Theo tác giả, người truyền thông Kitô giáo phải nắm vững kỹ thuật truyền thông vừa phải thành thạo nội dung sứ điệp Kitô giáo. Sứ điệp Kitô giáo tự bản chất mang tính truyền thông bởi vì bắt nguồn từ việc Thiên Chúa tự thông ban mình cho nhân loại. Người truyền thông Kitô giáo không chỉ truyền đạt một mẩu tin, nhưng nhất là chuyển đạt cảm nghiệm đức tin của mình. Người truyền thông là một chứng nhân cho cảm nghiệm về sự giao tiếp với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện.

Học viện Thần học Đa Minh

NỘI DUNG

- Lời giới thiệu, tr. 7-14.

- Truyền thông là gì ? Những khái niệm căn bản, Tsth, tr. 15-21.

- Thần học truyền thông : Những lối tiếp cận, Franz-Josef Eilers, tr. 22-46.

- Lịch sử việc loan báo Tin Mừng từ góc nhìn công nghệ của Horsfield-Mcluhan, Edson, Armando Real Sánchez, tr. 47-82.

- Các Văn kiện Tòa thánh về Truyền thông từ Công đồng Vaticanô II, Tsth, tr. 83-92

- Thần học và truyền thông, Jean Bianchi - Henri Bourgeois, tr. 93-108.

- Thần học mạng trong kỷ nguyên cách mạng số và tác động của nó đối với Kitô giáo, Timothy Barga, tr. 109-142.

- Sáu thách thức lớn của truyền thông kỹ thuật số đối với mục vụ, Antonio Spadaro, tr. 143-152.

- Đời sống tâm linh của người truyền thông Kitô giáo, Jose Martínez de Toda, tr. 153-198.

Chia sẻ