Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Giới thiệu sách: Sự trở về của ĐỨC CHÚA, sự trở về của Ít-ra-en

Văn phòng Học Viện
2025-05-19 09:30 UTC+7 116

Kính thưa quý độc giả.

Cuộc sống con người là hành trình trở về với Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, từ hai con người đầu tiên cho đến Ít-ra-en trong suốt dòng lịch sử của mình, đã bao lần họ bất trung với ĐỨC CHÚA khiến các ngôn sứ phải kêu gọi sự trở về. Nhưng tự sức mình, liệu con người có khả năng trở về? Đó là hành động của con người hay tiên vàn là của Thiên Chúa. Thực vậy, các ngôn sứ chính là tiếng nói, là hành động của Thiên Chúa để đưa con người trở về.

Sự trở về của Đức Chúa đóng một vai trò thiết yếu trong thần học ngôn sứ, cách riêng là thần học của Hô-sê, vì nó nhấn mạnh đến tính ưu việt của tình yêu Thiên Chúa trên mọi sự dữ, thậm chí vượt xa sự ngoan cố bất trung của dân Người.

Đối với Hô-sê, chỉ có sự tha thứ kỳ diệu của Thiên Chúa, chứ không phải sáng kiến của con người, mới có thể đem lại niềm hy vọng trở về và hòa giải.

Sự tha thứ được Thiên Chúa ban tặng thực sự là tác nhân cho sự trở về của con người: Người là nhân vật chính của sự trở về.

 

Học viện Thần học Đa Minh xin giới thiệu đến quý độc giả cuốn sách của tác giả Linh mục Giu-se Nguyễn Đình Chiến, OP.,

SỰ TRỞ VỀ CỦA ĐỨC CHÚA VÀ SỰ TRỞ VỀ CỦA ÍT-RA-EN

bia-sach-1747366978.jpg

LỜI GIỚI THIỆU

 Tiếp nối một nghiên cứu trước đây về sách Hô-sê – “Vì Ta muốn lòng nhân”: ḥeseḏ trong sách Hô-sê (Hà Nội: Hồng Đức, 2021) –, quyển sách này sẽ bàn về một chủ đề khác, liên quan đến một hình thức văn chương đặc thù: đó là rîḇ ngôn sứ.

Lời rîḇ ngôn sứ, vì tự thân chứa đựng những đặc điểm riêng, nên được các ngôn sứ năng dùng hơn những thể loại văn chương khác. Đây là một lối văn phỏng theo ngôn ngữ pháp lý, mà nhờ nó, các ngôn sứ công bố những sấm ngôn tựa như một cuộc cãi lộn giữa ĐỨC CHÚA và dân Ít-ra-en, trong đó Người thường đóng vai nguyên cáo. Hình thức cấu trúc của thể loại này chủ yếu gồm hai phần: tố cáo tội lỗituyên bố hình phạt. Chúng lần lượt làm thành khía cạnh xét xử của lời ngôn sứ, đi liền trước các sấm ngôn hy vọng và hứa hẹn, được gọi là khía cạnh cứu độ. Ơn cứu độ dành cho Ít-ra-en chính là kết quả chung cuộc mà lời ngôn sứ nhắm đến sau nhiều giai đoạn gây cấn của cuộc cãi lộn.

Sách được chia thành sáu chương. Chương I sẽ trình bày tổng quát về lịch sử nghiên cứu thể loại rîḇ ngôn sứ đã được nhiều nhà nghiên cứu thực hiện. Sau khi xác định những đặc điểm căn bản của thể loại này (cấu trúc, nội dung, và bối cảnh), chúng ta sẽ trình bày quan điểm cá nhân muốn hiểu thể loại này như một tiến trình rập khuôn theo “cuộc xung đột quyền lợi”.

Ba chương tiếp theo được dành riêng cho công việc chính, tức là nghiên cứu thể loại rîḇ ngôn sứ trong sách Hs. Trước hết, chúng ta cần xem xét việc biên tập sách và những đặc điểm văn chương của sách. Tiếp đến sẽ là khảo sát chi tiết cấu trúc sách, được thấy trùng khớp với diễn biến của tiến trình rîḇ ngôn sứ (chương II).

Chủ đề thần học của sách Hs khá phong phú với điểm cốt lõi mà Hô-sê muốn nêu bật là tình yêu Thiên Chúa trong tương quan với Ít-ra-en. Việc mở rộng nghiên cứu cho toàn bộ sách – không giới hạn vào một vài đoạn tiêu biểu – sẽ giúp chúng ta có được những bằng chứng thuyết phục về một Thiên Chúa yêu thương không mệt mỏi, về một dân bướng bỉnh và nổi loạn: đó là ẩn dụ của tương quan vợ-chồng (2,4-25), tương quan cha-con (11,1‑7), sự trở về của ĐỨC CHÚA (11,8-9), lời hứa cứu độ dành cho Ít-ra-en tội lỗi (14,5-9), … Theo đó, các chương III, IV, và V sẽ tập trung phân tích chú giải chi tiết ba lời rîḇ ngôn sứ của Hô-sê dựa trên cấu trúc được đề nghị.

Chương VI và cũng là chương cuối sẽ triển khai đề tài “trở về” dưới ánh sáng của rîḇ ngôn sứ và trên nền tảng của thuật ngữ šûḇ được hiểu như là “sự trở về” hay “sự hoán cải”. Chúng ta sẽ thấy trong sách Hs ý tưởng sự trở về của ĐỨC CHÚA và của Ít-ra-en trong tương quan qua lại, theo nghĩa tích cực và tiêu cực. Đó sẽ là cái šûḇ trừng phạt và cái šûḇ phục hồi từ phía ĐỨC CHÚA, trong khi cái šûḇ tố cáo và cái šûḇ hoán cải sẽ được thể hiện nơi Ít-ra-en. Động từ šwḇ xuất hiện 25 lần trong toàn bộ sách Hs theo bốn nghĩa trên đây, đặc biệt trong ba đoạn cuối (3,5; 11,11; 14,2.3.5.8) của ba phần tương ứng (1,2–3,5; 4,1–11,11; 12,1–14,9). Theo đó, šwḇ sẽ được chứng minh như là leitmotiv của lời ngôn sứ Hô-sê, và sẽ ghi dấu cấu trúc bốn nhịp cổ điển của lịch sử giao ước: “tội lỗi của Ít-ra-en, hình phạt đáng chịu, hy vọng được mong đợi, và sự cứu thoát chung cuộc”.

Quý độc giả muốn tìm hiểu có thể liên hệ mua sách tại:

– Thư viện Đa Minh, 90 Nguyễn Thái Sơn, P.3, Q. Gò Vấp, Tp.HCM,  Đt: (+84) 28 6682 6150, Email: thuviendaminh@gmail.com

Website: https://thuviendaminh.net/

 

Chia sẻ