Sứ Điệp Ngày Thế Giới Các Bệnh Nhân Của ĐGH Phanxicô – Năm 2014
SỨ ĐIỆP
NGÀY THẾ GIỚI CÁC BỆNH NHÂN LẦN THỨ XXII
CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ
Ngày 11 Tháng 02 Năm 2014
***
***
“Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16)
1. Nhân Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ XXII, như chủ đề của năm nay là Đức tin và Đức ái: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16), cách đặc biệt tôi muốn gởi đến cho tất cả các bệnh nhân và tất cả những người đang giúp đỡ và chăm sóc cho họ. Anh chị em bệnh nhân thân mến, Giáo Hội nhận thấy nơi anh chị em sự hiện diện đặc biệt của Chúa Kitô đau khổ. Nói như vậy vì: có Chúa Giêsu ở bên cạnh và thậm chí đang ở trong đau khổ của chúng ta, Đấng mang lấy gánh nặng đau khổ cùng với chúng ta và mạc khải cho nó một ý nghĩa. Khi Con Thiên Chúa bị treo trên Thập giá, Người đã hủy diệt sự cô đơn của đau khổ và đã chiếu soi vào sự tối tăm của nó. Vì thế, chúng ta được đặt trước mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, Đấng đổ trên chúng ta niềm hy vọng và lòng can đảm: Hy vọng, vì trong chương trình tình yêu của Thiên Chúa, cũng như trong đêm tối của khổ đau, Người mở cho ta ánh sáng phục sinh; và lòng can đảm để đối diện với mọi bất hạnh trong hoàn cảnh của nó, để kết hiệp với Người.
2. Con Thiên Chúa làm người đã không cất khỏi kinh nghiệm nhân loại bệnh tật và đau khổ, nhưng Người đã mang tất cả nơi mình, Người đã biến đổi và chỉnh đốn nó. Chỉnh đốn, để bệnh tật và đau khổ không còn là lời cuối cùng nữa, nhưng thay vào đó là một cuộc sống viên mãn; Biến đổi, vì trong sự kết hiệp với Chúa Kitô thì những cái tiêu cực có thể trở nên thiết thực hơn. Chúa Giêsu là con đường, và cùng với Thánh Thần của Người chúng ta có thể bước theo Người. Như Cha đã trao nộp Con vì tình yêu, và Con đã hiến mình cũng vì tình yêu thì cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải yêu thương tha nhân như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, bằng cách trao ban cuộc sống cho anh em mình. Niềm tin vào Thiên Chúa nhân lành sẽ trở nên tốt đẹp, niềm tin vào Chúa Kitô chịu đóng đinh sẽ trở nên sức mạnh của tình yêu cho đến tận cùng và cho cả kẻ thù. Thử thách của đức tin thực sự nơi Chúa Kitô là tự hiến mình cho tha nhân, cách đặc biệt cho những người không xứng đáng, những người đau khổ, và những người bị bỏ rơi.
3. Trong sức mạnh của Phép Rửa và Thêm Sức, chúng ta được mời gọi tuân theo Chúa Kitô, người Samaritano nhân hậu của tất cả những người đau khổ. “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Ðức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1Ga 3,16). Khi chúng ta tiếp cận những người đang cần sự chăm sóc với sự dịu dàng, chúng ta đem đến niềm hy vọng và nụ cười của Thiên Chúa vào trong những mâu thuẫn của thế gian. Hiến dâng cách quảng đại cho tha nhân sẽ trở thành mô hình cho các hành động của chúng ta, chúng ta dành một khoảng trống cho Thánh Tâm Chúa Kitô, để từ đó chúng ta được sưởi ấm, như thế chúng ta đang góp phần mình cho Nước Chúa trị đến.
4. Để lớn lên trong sự dịu dàng, trong đức ái và trong sự thanh khiết, chúng ta có mẫu gương Kitô giáo hướng dẫn cho ta cái nhìn chắc chắn. Đó là Mẹ của Chúa Giêsu và là Mẹ chúng ta, Mẹ để ý đến tiếng Thiên Chúa, đến những người túng thiếu và đến những khó khăn của con cái Mẹ. Đức Maria được thúc đẩy do lòng thương xót Thiên Chúa, Đấng đã trở nên xác phàm nơi Mẹ, đã quên mình, vội vã lên đường từ Galilê đến Giuđêa để gặp gỡ chị Elisabeth; Gần bên Con của mình, ở tiệc cưới Cana Mẹ đã can thiệp khi thấy thiếu rượu; Mẹ đã mang trong tâm hồn mình, cuộc lữ hành thật dài của cuộc sống, những lời của ông già Simêon tiên báo một lưỡi gươm sẽ đâm thấu linh hồn Mẹ, và Mẹ đã kiên dũng đứng dưới chân thập giá của Chúa Giêsu. Mẹ biết cách thực hiện con đường này thế nào và vì vậy Mẹ là Mẹ của tất cả các bệnh nhân và những người đau yếu. Chúng ta có thể chạy đến với Mẹ bằng lòng sùng kính hiếu thảo, chắc chắn Mẹ sẽ giúp đỡ chúng ta, sẽ nâng đỡ chúng ta và không bỏ rơi chúng ta. Mẹ là Mẹ của Đấng chịu đóng đinh Phục sinh: Mẹ ở bên cạnh các thập giá của chúng ta và cùng đi với chúng ta hướng đến sự phục sinh và hướng đến cuộc sống viên mãn.
5. Thánh Gioan, người môn đệ đứng dưới chân thập giá với Mẹ Maria, làm chúng ta nhớ đến các suối nguồn của đức tin và đức ái, nhớ đến trái tim của Thiên Chúa là “tình yêu” (1Ga 4,8.16), nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không thể yêu mến Thiên Chúa nếu chúng ta không yêu thương anh em mình. Người đứng dưới Thập giá với Mẹ Maria, hãy học cách yêu thương như Chúa Giêsu. “Thập giá chắc chắn là tình yêu trung thành của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu vĩ đại bước vào trong tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho chúng ta, bước vào trong đau khổ của chúng ta và đem đến cho chúng ta sức mạnh để mang lấy nó, bước vào trong sự chết để chiến thắng sự chết và cứu rỗi chúng ta… Thập giá của Chúa Kitô cũng mời gọi chúng ta hãy để mình bị lây nhiễm bởi tình yêu này, dạy cho chúng ta luôn nhìn đến tha nhân với lòng từ bi và yêu thương, nhất là người đau khổ, người đang cần sự nâng đỡ”.[1]
Tôi phó thác Ngày Thế Giới Bệnh Nhân này nhờ lời bầu cử của Đức Maria, giúp những bệnh nhân sống đau khổ của mình trong sự kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, và nâng đỡ những người đang chăm sóc cho họ.
Tôi ưu ái ban Phép Lành Tòa Thánh cho tất cả mọi người, các bệnh nhân, những nhà hoạt động y tế và các thiện nguyện viên.
Ban hành tại Vatican, ngày 06 tháng 12 năm 2013.
+ FRANCISCUS
Giáo Hoàng
– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,
chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia và Pháp.
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Bài suy niệm chặng Đường Thánh Giá với giới trẻ, Rio de Janeiro, Brazil, Ngày 26-07-2013.