Sứ Điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông Của ĐGH Benedict XVI – Năm 2011
SỨ ĐIỆP
NGÀY QUỐC TẾ TRUYỀN THÔNG LẦN THỨ 45
CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICT XVI
Chúa Nhật 05 Tháng 06 Năm 2011
***
***
“Chân lý: việc loan báo và cuộc sống đích thực ở kỷ nguyên kỹ thuật số”
Anh chị em thân mến,
Nhân dịp Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 45, tôi ao ước chia sẻ một vài suy tư, được gợi lên do một hiện tượng đặc trưng của thời đại chúng ta: sự bùng nổ truyền thông xuyên qua mạng lưới Internet. Ngày càng luôn có niềm tin phổ biến hơn rằng, cũng như cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo nên một sự thay đổi sâu xa trong xã hội xuyên qua những khám phá mới mẻ được đưa vào trong chu trình sản xuất và trong đời sống của người lao động, thì cũng thế ngày nay, sự biến đổi sâu xa thành hành động trong phạm vi truyền thông đang hướng dẫn dòng chảy những thay đổi văn hóa và xã hội lớn lao. Các công nghệ kỹ thuật mới không chỉ thay đổi phương thức giao tiếp, nhưng còn chính việc giao tiếp nữa, bởi thế, chúng ta có thể khẳng định rằng chúng ta đang tham dự vào một sự biển đổi văn hóa rộng lớn. Với một hệ thống phổ biến thông tin và kiến thức như thế, nảy sinh một cách thức học hỏi và suy tư mới mẻ, với những cơ hội mới mẻ thiết lập các mối tương quan và xây dựng sự hiệp thông.
Người ta nghiên cứu các mục tiêu không thể hình dung trước đây, chúng khơi lên sự kinh ngạc do những khả năng mà các phương tiện mới mang lại và, đồng thời, luôn đòi hỏi cách cấp bách hơn nữa một sự suy nghĩ nghiêm chỉnh về ý nghĩa của việc truyền thông trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Điều đó đặc biệt rõ ràng khi đối diện với những tiềm năng phi thường của mạng lưới Internet và sự phức tạp của những ứng dụng của nó. Như mọi hoa trái khác của sự tài tình của con người, những công nghệ kỹ thuật truyền thông mới phải phục vụ cho thiện ích toàn diện của nhân vị và cho toàn thể nhân loại. Được sử dụng cách khôn ngoan, chúng có thể đóng góp vào việc làm thỏa mãn khát khao ý nghĩa, chân lý và hiệp nhất mà vẫn là khát vọng sâu xa của con người.
Trong thế giới kỹ thuật số, việc truyền tải thông tin thường luôn có nghĩa là đưa chúng vào trong một mạng lưới xã hội, nơi mà sự hiểu biết được chia sẻ trong bối cảnh những trao đổi cá nhân. Sự phân biệt rõ ràng giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ thông tin được tương đối hóa và việc truyền thông có khuynh hướng không chỉ là một cuộc trao đổi các dữ kiện, nhưng còn luôn hơn nữa là một sự chia sẻ. Sự năng động này đã đóng góp vào việc đánh giá mới mẻ về truyền thông, trước tiên được xem như là đối thoại, trao đổi, liên đới và tạo nên các tương quan tích cực. Mặt khác, điều đó vấp phải một số giới hạn tiêu biểu của việc truyền thông kỹ thuật số: tính phiến diện của việc tương tác, khuynh hướng chỉ truyền thông một vài khía cạnh thế giới nội tâm của mình, nguy cơ rơi vào một thứ xây dựng hình ảnh bản thân mà có thể dẫn đến sự tự mãn.
Nhất là các bạn trẻ đang sống sự thay đổi truyền thông này, với tất cả những lo âu, những mâu thuẫn và tính sáng tạo riêng của những người nhiệt thành và tò mò mở ra cho những kinh nghiệm mới mẻ về cuộc sống. Sư liên can luôn lớn lao trên vũ đài kỹ thuật số công cộng, vũ đài được tạo nên bởi những gì người ta gọi là các mạng xã hội, dẫn đến thiết lập những hình thức tương quan liên vị mới mẻ, ảnh hướng quan niệm về bản thân và do đó, không thể tránh khỏi, đặt ra câu hỏi không chỉ về tính lương thiện của hành động của bản thân, nhưng còn cả về tính đích thực của hữu thể. Sự hiện diện trên các không gian ảo có thể là dấu chỉ của một sự tìm kiếm gặp gỡ bản thân đích thực với người khác nếu người ta chú tâm tránh những nguy hiểm của chúng, những nguy hiểm ẩn náu trong một thứ thế giới song song, hay việc nghiện thế giới ảo. Trong việc tìm kiếm chia sẻ, “tình bạn”, người ta đang đối diện với thách đố đích thực, trung thực với chính mình, không nhượng bộ cho ảo tưởng xây dựng cách giả tạo “hình dáng” công cộng của mình.
Các công nghệ kỹ thuật mới cho phép người ta gặp gỡ nhau bên kia những biên cương của không gian và của các nền văn hóa, (và) như thế khai mào cả một thế giới tình bạn tiềm tàng hoàn toàn mới mẻ. Đây là một cơ hội to lớn, nhưng cũng bao hàm một sự chú ý lớn lao hơn và một ý thức đối với những nguy cơ có thể. Ai là “tha nhân” của tôi trong thế giới mới này? Phải chăng không có nguy hiểm ít hiện diện với những người mà chúng ta gặp gỡ trong đời thường của chúng ta? Phải chăng không có nguy cơ lơ đễnh hơn, bởi vì sự chú ý của chúng ta bị phân mảnh và bị hút mất trong một thế giới “khác” với thế giới trong đó chúng ta đang sống? Chúng ta có thời gian thực hiện một sự phân định phê bình các chọn lựa của chúng ta và có thời gian nuôi dưỡng các tương quan nhân bản mà thực sự sâu xa và bền vững không? Điều quan trọng là luôn tự nhắc nhớ rằng việc tiếp xúc ảo không thể và không được thay thế cho việc tiếp xúc nhân vị trực tiếp với những con người ở mọi bình diện của cuộc sống của chúng ta.
Ngay cả trong kỷ nguyên kỹ thuật số, mỗi người được đặt đối diện với sự cần thiết là một người chân thành và có suy nghĩ. Vả lại, những năng động của các mạng xã hội cho thấy rằng một người luôn được bao hàm nơi những gì nó truyền thông. Khi người ta trao đổi nhau những thông tin, thì người ta đã chia sẻ về chính mình, về thế giới quan của họ, về những hy vọng, lý tưởng của họ. Kết quả là cũng có một phong cách hiện diện Kitô hữu trên thế giới kỹ thuật số: nó được cụ thể hóa trong một hình thức truyền thông lương thiện và cởi mở, có trách nhiệm và tôn trọng người khác. Truyền thông Tin Mừng xuyên qua các phương tiện truyền thông mới có nghĩa là không chỉ lồng vào những nội dung tôn giáo thẳng thắn nơi các nền của các phương tiện đa dạng, nhưng còn làm chứng cách mạch lạc, trong hình dáng kỹ thuật số của mình và nơi cách thức truyền thông, những chọn lựa, những ưu tiên, những phán đoán cần được hòa hợp với Tin Mừng cách sâu xa, ngay cả khi người ta không nói về điều đó cách minh nhiên. Vả lại, ngay cả trong thế giới kỹ thuật số, không thể có loan báo sứ điệp mà không có một chứng tá hài hòa về phía người loan báo nó. Trong những bối cảnh mới và với những hình thức diễn tả mới, người Kitô hữu một lần nữa được mời gọi đưa ra một câu trả lời mà lý do hy vọng nơi người ấy đòi hỏi (x. 1Pr 3,15).
Việc dấn thân làm chứng cho Tin Mừng trong kỷ nguyên kỹ thuật số đòi hỏi mọi người đặc biệt chú tâm đến những khía cạnh của sứ điệp này mà có thể thách đố một số lo-gíc tiêu biểu của trang web. Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng chân lý mà chúng ta tìm cách chia sẻ không rút tỉa giá trí của mình từ “sự nổi tiếng” của nó hay từ số lượng truy cập. Chúng ta phải làm cho biết chân lý trong tình toàn vẹn của nó, hơn là tìm cách làm cho nó có thể chấp nhận, có lẽ “bằng cách làm dịu nó đi”. Nó phải trở nên một lương thực hằng ngày chứ không phải một quyến rũ chốc lát. Chân lý của Tin Mừng không phải là điều gì đó có thể là đối tượng tiêu thụ, hay của một sự vui hưởng nông cạn, nhưng là một ân huệ đòi hỏi sự đáp trả tự do. Ngay cả khi được công bố trong không gian ảo của mạng lưới, nó luôn đòi hỏi nhập thể vào thế giới thực và trong mối tương quan với những khuôn mặt cụ thể của anh chị em mà chúng ta chia sẻ cuộc sống đời thường. Bởi thế, những tương quan nhân loại trực tiếp vẫn luôn là nền tảng trong việc truyền tải đức tin!
Dù sao, tôi muốn mời gọi các Kitô hữu hiệp nhất với nhau cách tin tưởng và với óc sáng tạo có ý thức và trách nhiệm trong mạng lưới các tương quan mà kỷ nguyên kỹ thuật số đã làm cho khả thể. Không chỉ để thỏa mãn ao ước hiện diện, nhưng còn bởi vì mạng lưới này là một bộ phận của cuộc sống con người. Trang web đóng góp vào sự phát triển của những hình thức mới mẻ và phức tạp hơn của nhận thức trí tuệ và tâm linh, của xác tín chia sẻ. Ngay cả trong phạm vi này, chúng ta được mời gọi loan báo đức tin của chúng ta rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ con người và lịch sử. Đấng mà trong Ngài mọi sự tìm thấy sự thành toàn của mình (x. Ep 1,10). Việc công bố Tin Mừng đòi hỏi một hình thức truyền thông tôn trọng và thận trọng, kích thích tâm hồn và chất vất lương tâm; một hình thức nhắc nhớ phong cách của Chúa Giêsu Phục Sinh khi ngài trở nên người đồng hành với các môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24,13-35), mà dần dần được dẫn đến sự hiểu biết mầu nhiệm xuyên qua sự gần gũi và đối thoại với họ, để làm nổi lên cách tinh tế những gì đã có trong tâm hồn họ.
Xét đến cùng, chân lý mà chính là Chúa Kitô là câu trả lời trọn vẹn và đích thực cho ao ước tương quan, hiệp thông và ý nghĩa này của con người mà lộ ra ngay cả trong sự tham gia đông đảo vào các mạng xã hội đa dạng. Bằng cách chứng tỏ những xác tín sâu xa hơn của mình, các tín hữu mang lại một đóng góp quý báu để trang web không trở nên một dụng cụ giảm thiểu con người thành những phạm trù, một dụng cụ tìm cách thao túng họ về mặt xúc cảm hay cho phép kẻ mạnh độc quyền hóa các ý kiến của những người khác. Trái lại, các tín hữu khuyến khích mọi người duy trì sống động những vấn đề muôn thuở của con người, mà chứng tỏ lòng ao ước sự siêu việt và nỗi nhớ quê hương của nó đối với những hình thức sống đích thực, đáng được sống. Chắc chắn chính áp lực thiêng liêng nhân bản sâu xa này nằm ở đằng sau sự khao khát chân lý và hiệp thông của chúng ta và thúc đẩy chúng ta truyền thông cách liêm khiết và lương thiện.
Nhất là tôi mời gọi các bạn trẻ dùng đúng sự hiện diện của họ trên đấu trường kỹ thuật số. Tôi nhắc lại cuộc hẹn gặp của tôi với họ vào Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Madrid sắp tới mà sự chuẩn bị nó phải nhờ nhiều đến những thuận lợi của các công nghệ kỹ thuật mới. Đối với các nhà hoạt động truyền thông, tôi cầu xin Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Thánh Francis de Sales, quan thầy của họ, ban cho họ khả năng luôn thực hiện công việc của họ với một lương tâm cao cả và với một ý thức chuyên nghiệp chu đáo. Tôi gởi đến mọi người Phép Lành Tòa Thánh của tôi.
Ban hành tại Vatican, ngày 24 tháng 01 năm 2011,
ngày lễ Thánh Francis de Sales.
+ BENEDICTUS XVI
Giáo Hoàng
– Lm. Giuse Trần Đức Anh, O.P.,
chuyển ý từ nguyên bản tiếng Italia.