Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Tông Huấn Pastores Dabo Vobis (Đào Tạo Linh Mục Trong Hoàn Cảnh Ngày Nay) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 25-03-1992) – (4)

Administrator
2018-09-23 10:12 UTC+7 27
TÔNG HUẤN PASTORES DABO VOBIS VỀ VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II GỞI GIÁM MỤC ĐOÀN, HÀNG GIÁO SĨ  VÀ TOÀN THỂ GIÁO HỮU SAU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NGÀY 25 THÁNG 03 NĂM 1992 *** *** CHƯƠNG VI CHA KÊU MỜI CON KHƠI […]


TÔNG HUẤN PASTORES DABO VOBIS

VỀ VIỆC ĐÀO TẠO LINH MỤC TRONG HOÀN CẢNH HIỆN NAY

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

GỞI GIÁM MỤC ĐOÀN, HÀNG GIÁO SĨ  VÀ TOÀN THỂ GIÁO HỮU

SAU THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

NGÀY 25 THÁNG 03 NĂM 1992

***

***

CHƯƠNG VI

CHA KÊU MỜI CON KHƠI THẮM LẠI ƠN HUỆ

MÀ THIÊN CHÚA ĐÃ ĐỔ XUỐNG NƠI CON

 

Những lý do thần học của việc đào tạo trường kỳ

70. “Cha kêu mời con khơi thắm lại ân huệ mà Thiên Chúa đã đổ xuống nơi con” (2 Tm 1,6).

Lời thánh Tông Đồ Phaolô nói với Timôthê có thể áp dụng thích hợp cho việc đào tạo trường kỳ mà tất cả các linh mục được kêu gọi thực hiện nhân danh “ân huệ của Thiên Chúa” đã lãnh nhận ngày thụ phong. Lời ấy giúp chúng ta hiểu được tất cả sự thật và căn nguyên của việc đào tạo trường kỳ cho các linh mục. Một bản văn khác của Phaolô, gởi cho cùng một Timôthê, cũng giúp chúng ta hiểu điều ấy :”Con chớ khinh màng ân huệ thiêng liêng có ở nơi con, ân huệ mà cộng đoàn niên trưởng đã chuyển theo việc đặt tay. Con hãy để tâm vào đó. Hãy dồn trọn vẹn con người con vào đó, để cho những thành tựu của con được mọi người thấu tỏ. Hãy thận trọng về chính mình và về công việc giáo huấn : cứ kiên trì trong những sự việc ấy. Hành động như thế là con tự cứu thoát chính mình, cả con và những người đón nghe con nữa” (1 Tm 4,14-16).

Như người ta nhen nhúm lại ngọn lửa dưới đám tro Thánh Tông Đồ van xin Timôthê “khơi thắm lại” ân huệ thần thiên, đón nhận ân huệ ấy mà không bao giờ đánh mất hoặc quên đi sự “mới mẻ trường tồn” đặc biệt cho từng ân huệ của Thiên Chúa, Đấng làm mới lại mọi sự (x. Kh 21.5), và do đó, sống ân huệ ấy trong tất cả sự tươi mát và vẻ đẹp ban đầu.

“Khơi thắm lại” ân huệ thần thiêng không chỉ là chu toàn một bổn phận được uỷ thác cho trách nhiệm cá nhân của Timôthê, cũng không chỉ là hiệu suất do nỗ lực của ký ức và của ý chí mang lại. Đó là thành quả do sự năng động ân sủng chỉ thuộc về ân huệ của Thiên Chúa. Thật ra, chính Thiên Chúa khơi thắm lại chính ân huệ của Ngài, hay nói đúng hơn, giải thoát nguồn phong phú phi thường của ân sủng và của trách nhiệm mà ân huệ Ngài ẩn chứa.

Nhờ tác dụng của bí tích là sự tuôn đổ Thánh Thần Đấng thánh hiến và sai phái, linh mục nên đồng hình dạng với Đức Giêsu Kitô, Đầu và Mục Tử của Giáo Hội, và linh mục được sai đi để thi hành thừa tác vụ mục tử. Bởi đó, mãi mãi và không bao giờ phai, linh mục được ghi ấn tín trong hữu thể của mình với tư cách là thừa tác viên của Đức Giêsu và của Giáo Hội. Linh mục hội nhập vào một tình trạng sống trường kỳ không thể đổi thay và đàm nhận một thừa tác vụ mục tử, thừa tác vụ này, vì bén rễ trong hữu thể của linh mục và đưa vào cuộc trọn vẹn đời sống của linh mục, chính nó cũng trường kỳ. Bí Tích Truyền Chức Thánh chuyển ban cho linh mục ân sủng bí tích, làm cho linh mục chẳng những tham dự vào “quyền năng” và vào “thừa tác vụ” cứu độ của Đức Giêsu, mà còn vào “tình yêu” của Ngài. Ân sủng ấy đồng thời bảo đảm cho linh mục có được mọi ơn hiện sủng sẽ được ban cho linh mục mỗi khi cần thiết và hữu ích, để linh mục chu toàn tốt đẹp thừa tác vụ mình đã lãnh nhận.

Như thế, việc đào tạo trường kỳ tìm được nền tảng đặc thù và động cơ nguồn cội của mình trong sự năng động của bí tích Truyền Chức Thánh.

Chắc chắn không hề thiếu lý do, ngay cả trên bình diện nhân linh, để kêu mời linh mục tham gia vào việc đào tạo trường kỳ. Việc đào tạo trường kỳ là một đòi hỏi của sự tăng trưởng con người nơi linh mục : mỗi một cuộc đời là một cuộc hành trình lần bước liên lỉ tiến tới sự trưởng thành vốn đòi buộc phải không ngừng đào tạo. Hơn nữa, đó còn là một đòi hỏi của thừa tác vụ linh mục, nếu xét thừa tác vụ ấy theo bản chất tổng quát, phổ cập với mọi nghiệp vụ khác, như việc phục vụ tha nhân. Ngày nay, không có nghề nghiệp nào, không có con đường dấn thân nào và không việc làm nào mà lại không đòi hỏi phải cập nhật hoá liên tục để vẫn đạt được hiệu năng. Sự đòi buộc phải “bám sát” bước đi của lịch sử lại là một lý do nhân linh nữa để biện minh cho việc đào tạo trường kỳ.

Thế nhưng, tất cả những nguyên do ấy và các nguyên do khác đều được thâu tóm và phân loại bởi những lý do thần học đã được nhắc tới trên đây và sắp được đào sâu trong phần kế tiếp.

Do bản chất là “dấu chỉ”, đặc tính của mọi bí tích, bí tích Truyền Chức Thánh có thể được coi như và thật sự là Lời của Thiên Chúa : đó là Lời của Thiên Chúa, Đấng mời gọi và sai phái, đó là biểu hiện mãnh liệt nhất của ơn gọi và của sứ vụ linh mục. Nhờ bí tích Truyền Chúc Thánh, Thiên Chúa mời gọi ứng sinh “bước tới” chức linh mục trước mặt Giáo Hội.

Lời mời “hãy đến và theo Ta” của Chúa Giêsu được công bố trọn vẹn và dứt khoát trong nghi thức cử hành bí tích của Giáo Hội Ngài ; lời mời ấy được biểu lộ và truyền đạt bằng tiếng nói của Giáo Hội, trên môi miệng của giám mục, khi ngài cầu nguyện và đặt tay. Và trong đức tin, linh mục đáp lại lời mời của Chúa Giêsu : “Này đây, con xin đến và con xin theo Ngài”. Lúc đó, lời đáp trả, sự chọn lựa cơ bản mới chỉ khởi đầu, lời ấy còn phải được tái bộc lộ và tái khẳng định theo dòng năm tháng bằng muôn vàn lời đáp trả khác, lời nào cũng được bén rễ và cũng được nên sinh động nhờ tiếng “xin vâng” của ngày thụ phong.

Trong chiều hướng ấy, hẳn nhiên có thể nói về một ơn gọi “trong” chức linh mục. Thực ra, Thiên Chúa tiếp tục mời gọi và sai gởi khi Ngài tỏ lộ kế hoạch cứu độ của Ngài trong diễn tiến đời sống của linh mục, trong những biến cố của đời sống Giáo Hội và xã hội. Chính trong lối nhìn này mà ý nghĩa của việc đào tạo trường kỳ được nhận diện: việc đào tạo trường kỳ là cần thiết để có thể phân định và bước theo ơn gọi thường hằng hoặc thánh ý của Thiên Chúa. Chính bởi đó mà ngay cả sau khi Đấng Phục Sinh đã uỷ thác đoàn chiên của Ngài cho Phêrô, Thánh Tông Đồ Phêrô vẫn được mời gọi để bước theo Đức Giêsu : “Đức Giêsu nói với Phêrô: “Con hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy. Quả thật, quả thật, Thầy nói cho con hay, khi con còn trẻ, con tự thắt dây lưng cho mình, con muốn đi đâu thì đi ; nhưng khi con về già, con sẽ giang tay ra, người khác sẽ thắt dây lưng cho con và sẽ dẫn con đi nơi mà con không muốn”. Qua đó, Ngài muốn ám chỉ cách mà Phêrô sẽ phải chết để làm vinh danh Thiên Chúa. Nói thế rồi, Ngài bảo Phêrô : “Hãy theo Thầy”” (Ga 21,17-19). Như vậy, có lời mời “Hãy theo Ta” luôn đi kèm với đời sống và sứ vụ của người tông đồ. Lời mời “hãy theo Ta” đó xác quyết lời mời gọi và sự đòi buộc phải trung thành cho đến chết (x. Ga 21,22), lời mời đó cũng có thể ám chỉ một cuộc nối gót theo Đức Kitô bằng cách trao hiến trọn vẹn chính mình qua việc tử đạo (214).

Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã trình bày lý do chứng tỏ sự cần thiết của việc đào tạo trường kỳ và biểu lộ bản chất sâu xa của việc đào tạo ấy, khi các ngài đánh giá việc đào tạo trường kỳ như là “sự trung thànhđối với thừa tác vụ linh mục và như là “một tiến trình hoán cải liên tục” (215). Chính Chúa Thánh Thần, được ban trong bí tích, là Đấng nâng đỡ linh mục trong sự trung thành ấy, sự trung thành đi kèm với linh mục và động viên linh mục trong tiến trình hoán cải liên tục. Ân huệ của Chúa Thánh Thần không thay thế, nhưng cổ võ tự do của linh mục, để linh mục cộng tác một cách có trách nhiệm vào việc đào tạo trường kỳ, xét như là trọng trách được giao phó cho linh mục, và để linh mục đảm nhận việc đào tạo ấy. Với cách thức ấy, đào tạo trường kỳ vừa là biểu hiện vừa là điều kiện của việc linh mục trung thành với thừa tác vụ và hơn nữa, với chính con người mình. Như thế, đào tạo trường kỳ là tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô và là sự nhất quán đối với chính mình. Nhưng đó cũng là một động tác tình yêu đối với Dân Thiên Chúa mà linh mục là người tôi tớ phục vụ. Cũng có thể coi đó thực sự là một hành vi công bằng : linh mục phải thanh thoả điều ấy, linh mục được mời gọi công nhận và thăng tiến “quyền lợi” cơ bản của Dân Thiên Chúa, là quyền được đón nhận Lời Chúa, các bí tích và việc phục vụ bác ái : ba yếu tố làm thành nội dung nguồn cội và không thể giản lược của thừa tác vụ linh mục. Đào tạo trường kỳ là cần thiết để cho linh mục có thể đáp lại một cách thích ứng quyền lợi ấy của Dân Thiên Chúa.

Linh hồn và hình dạng của việc đào tạo trường kỳ dành cho linh mục chính là đức ái mục vụ. Là Đấng ban đức ái mục vụ cho linh mục, Chúa Thánh Thần hướng dẫn linh mục và sát cánh với linh mục trong việc hiều biết ngày càng sâu rộng hơn về mầu nhiệm Đức Kitô mà sự phong phú vốn không thể dò thấu (x. Ep 3,14-19), và, bằng cùng một động tác, trong việc hiểu biết về mầu nhiệm chức tư tế Kitô hữu. Cũng chính đức ái mục vụ ấy thúc đẩy linh mục quan tâm ngày càng bén nhạy hơn đến những mong chờ, những nhu cầu, những vấn đề và những tâm tình của những người hưởng nhờ thừa tác vụ của mình : tất cả những điều ấy trong những tình huống cụ thể, cá nhân, gia đình và xã hội của họ.

Như thế, mục tiêu của việc đào tạo trường kỳ chính là : một phương án tự do vàcó ý thức để đáp ứng sự năng động của đức ái mục vụ và của Chúa Thánh Thần, Đấng là nguồn mạch chính yếu và là giá đỡ nâng thường hằng của phương án ấy. Hiểu như thế, đào tạo trường kỳ là đòi buộc nội tại của ân huệ ngày thụ phong và của thừa tác vụ bí tích như đã lãnh nhận. Đào tạo trường kỳ được nhìn nhận là cần thiết mãi mãi, bất cứ lúc nào. Dầu vậy, ngày nay, đó là một công việc thật sự bức bách, chẳng những do bởi sự biến đổi mau lẹ những điều kiện xã hội và văn hoá của những con người và những dân tộc mà linh mục được sai đến để thi hành thừa tác vụ linh mục, nhưng còn do bởi “công cuộc phúc âm hoá mới” đang là trách vụ khẩn thiết của Giáo Hội vào cuối thiên niên kỷ thứ hai này.

Những lý do thần học của việc đào tạo trường kỳ

71. Việc đào tạo trường kỳ dành cho các linh mục, triều hoặc dòng, là một sự nối dài hết sức tự nhiên và hoàn toàn cần thiết đối với tiến trình cơ cấu hoá nhân cách linh mục đã khởi sự và khai triển ở chủng viện, hoặc tại cơ sở tôn giáo, trong thời gian đào tạo để được phong chức.

Điều hết sức quan trọng là phải nhận thức và tôn trọng mối liên hệ nội tại giữa việc đào tạo trước ngày thụ phong với việc đào tạo kế tiếp về sau. Bởi vì nếu có sự gián đoạn hoặc thậm chí sự đối nghịch giữa hai giai đoạn đào tạo thì tức khắc sẽ xảy đến những hậu quả trầm trọng đối với hoạt động mục vụ và đối với sự hiệp thông huynh đệ giữa các linh mục với nhau, nhất là giữa những linh mục thuộc lứa tuổi khác nhau. Đào tạo trường kỳ không phải là lập lại việc đào tạo đã thành tựu nơi chủng viện để rồi chỉ ôn lại và nới rộng bằng những áp dụng mới mẻ hơn. Với một nội dung và nhất là với những phương thức tương đối mới mẻ, việc đào tạo trường kỳ được khai triển như một thực thể sinh động và toàn diện. Việc đào tạo trường kỳ vừa bén rễ trong nền đào tạo đã lãnh nhận ở chủng viện vừa đòi hỏi những thích nghi, những cập nhật hoá và những tu chinh, nhưng không vì thế mà gây những rạn nứt hoặc chỉ đi tìm những giải pháp bảo tồn tính liên tục.

Đàng khác, việc đào tạo trường kỳ được dụ liệu ngay từ thời gian ở chủng viện. Cần phải động viên sự quan tâm và lòng khao khát của các linh mục tương lai bằng cách chỉ dạy cho họ về sự cần thiết, về những lợi ích và về tinh thần của việc đào tạo trường kỳ và bằng cách bảo đảm cho họ có được những điều kiện để thực thi việc đào tạo ấy.

Bởi vì nối dài việc đào tạo ở chủng viện, đào tạo trường kỳ không chỉ nhắm đến một thái độ gọi là hành nghề nhờ thực tập những kỹ thuật mục vụ mới mà thôi. Đúng hơn, việc đào tạo trường kỳ phải gìn giữ sao cho cả một tiến trình liên tục nhằm tấn tới trong sự trưởng thành được sống động và toàn vẹn, bằng cách trau dồi từng chiều kích của nền đào tạo (nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ) cũng như trau dồi mối tương quan chặt chẽ và đặc loại giữa các chiều kích ấy với nhau trong đức ái mục vụ.

72. Một khía cạnh đầu tiên của công việc trau dồi nói trên liên quan đến chiều kích nhân bản của nền đào tạo linh mục. Linh mục cần phải lớn lên trong việc tiếp xúc thường ngày với người khác và trong việc chia sẻ cuộc sống với họ mỗi ngày ; linh mục cần phải trau dồi tính nhạy bén nhân bản để nhờ đó có thể hiểu được những nhu cầu và đón nhận những lời kêu cứu, có thể trực giác những yêu cầu không được phát biểu thành lời, có thể chia sẻ những mối hy vọng và những nỗi mong chờ, có đủ khả năng gặp gỡ từng người và đối thoại với mọi người . Trên tất cả, trong khi am hiểu và chia sẻ, nghĩa là trong khi biến thành của mình kinh nghiệm khổ đau của con người dưới mọi hình thức, từ cơ bần đến bệnh tật, từ lạc loài đến ngu dốt, từ cô đơn đến đủ loại nghèo đói vật chất hoặc tinh thần, linh mục làm cho kinh nghiệm nhân bản của mình được nên phong phú, biến nó thành chính hiệu hơn và xuyên thấu hơn trong một tình yêu ngày càng gia tăng và nồng nhiệt với con người.

Để cho nền đào tạo nhân bản của mình được triển nở, linh mục đón nhận trợ lực từ nơi ân sủng của Đức Giêsu Kitô : thực vậy, đức ái của Vị Mục Tử Nhân Lành chẳng những được biểu lộ nơi ơn cứu độ ban cho con người nhưng còn nơi việc chia sẻ cuộc sống với con người ; Ngôi Lời khi hoá nên “xác phàm” (x. Ga 1,14) đã muốn nếm cảm niềm vui và nỗi khổ, nghiệm biết sự mệt mỏi, chung chia những xúc động, đỡ đần những phiền lụy. Bằng cách sống như một người giữa muôn người và với muôn người, Đức Giêsu Kitô nêu lên một phương cách biểu lộ toàn vẹn nhất, chính hiệu nhất và hoàn hảo nhất về những gì là nhân bản : chúng ta thấy Ngài chung chia niềm vui tại tiệc cưới Cana, thường xuyên lui tới một gia đình thân thiết, trả lại cho cha mẹ những đứa con bị bệnh hoặc phải chết, khóc thương Lagiarô…

Linh mục phải làm sao để tính bén nhạy nhân bản của mình được nên phong phú nhờ vào một kinh nghiệm ngày càng lớn rộng hơn và để cho Dân Thiên Chúa có thể nói về mình một cách tương tự như tác giả thư gởi tín hữu Do thái đã nói về Đức Giêsu : “Không phải chúng ta có một vị thượng tế bất lực, không cảm thông được những nỗi yếu hèn của chúng ta, trái lại, Ngài đã nếm chịu mọi thử thách, giống như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4,15).

Chiều kích thiêng liêng trong việc đào tạo linh mục là một đòi buộc của đời sống mới theo tinh thần Tin Mừng mà linh mục được mời gọi một cách đặc loại do Chúa Thánh Thần được ban cho linh mục trong bí tích Truyền Chức Thánh. Bằng cách thánh hiến linh mục và làm cho linh mục nên đồng hình dạng với Đức Giêsu Kitô Đầu và Mục Tử, Chúa Thánh Thần tạo một mối dây liên kết ngay trong chính hữu thể của linh mục ; mối dây liên kết ấy cần phải được cảm nhận và sống một cách cá vị, nghĩa là với ý thức và tự do, bằng một đời sống hiệp thông và yêu thương ngày càng phong phú hơn và bằng một sự thong phần vào những tâm tình và thái độ của Đức Giêsu Kitô ngày càng lớn mạnh và triệt để hơn. Trong mối dây liên kết giữa Chúa Giêsu với linh mục, về phương diện hữu thể và tâm lý, bí tích và đạo đức, có chất chứa nền tảng và đồng thời sức mạnh cần thiết cho “đời sống trong Thần Khí” và cho “tính triệt để Tin Mừng” mà linh mục được mời gọi hướng tới, mà việc đào tạo trường kỳ về phương diện thiêng liêng cổ võ. Việc đào tạo ấy cũng cần thiết cho thừa tác vụ linh mục, nhằm làm cho thừa tác vụ ấy được chính hiệu và được sai nở về mặt thiêng liêng, Thánh Charles Borromée tự hỏi : “Có phải người tự hiến thân để chăm sóc các linh hồn không?” Và ngài đã trả lời như sau trong một bài diễn văn ngỏ với các linh mục : “Cha đừng vì những điều ấy mà khinh thường việc chăm sóc đến chính mình và đừng xả thân cho người khác đến độ không còn gì là của mình và không còn gì cho mình. Chắc hẳn cha phải tưởng nhớ đến các linh hồn mà cha là mục tử, thế nhưng cha đừng quên chính mình. Các cha thân mến, các cha hãy hiểu rằng không có gì cần thiết hơn cho chúng ta bằng việc suy niệm là việc phải đi trước, phải đồng hành và phải đuổi theo tất cả mọi hoạt động của chúng ta, như lời của ngôn sứ : tôi sẽ ca hát và tôi sẽ suy niệm (x Tv 100,1). Hỡi cha, nếu cha ban phát các bí tích cha hãy suy niệm điều cha làm. Nếu cha cử hành thánh lễ, cha hãy suy niệm điều cha dâng tiến. Nếu cha đồng thanh xướng hát ca vịnh, cha hãy suy niệm xem mình đang nói với ai và nói điều gì. Nếu cha hướng dẫn các linh hồn, cha hãy suy niệm về máu đã thanh tẩy họ. Và ước chi mọi việc được thực hành giữa anh em với nhau trong đức ái (1 Cr 16,14). Như thế chúng ta sẽ có thể thắng vượt những khó khăn mà chúng ta gặp mỗi ngày, và những khó khăn thì không phải là ít. Hơn nữa, đó chính là điều mà trách vụ được uỷ thác cho chúng ta đòi buộc. Nếu chúng ta xử sự như vậy, chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để sinh hạ Đức Kitô nơi chúng ta và nơi người khác” (216).

Cách riêng, đời sống cầu nguyện cần phải được “cải tổ” liên lỉ nơi linh mục. Kinh nghiệm dạy rằng, trong lãnh vực nguyện ngắm, không thể chỉ cậy dựa vào những gì mình đã đắc thủ. Chẳng những hằng ngày phải tái chiếm đoạt sự trung thành bề ngoài trong những giờ khắc cầu nguyện, nhất là những lúc đọc Phụng Vụ Các Giờ Kinh và những giờ khắc được dành cho sự lựa chọn riêng tư mà không có nhịp điệu phụng vụ nâng đỡ, nhưng còn phải đặc biệt tái huấn luyện sự truy tầm trong kiên nhẫn một cuộc gặp gỡ thật sự và cá vị với Đức Giêsu, một cuộc đối thoại tín thác với Chúa Cha và một kinh nghiệm thẳm sâu về Chúa Thánh Thần.

Có thể áp dụng một cách đặc loại cho các linh mục được mời gọi hướng đến đức ái trọn hảo và bởi đó đến sự thánh thiện điều mà Thánh Tông Đồ Phaolô quả quyết khi nói về các tín hữu, rằng họ phải đạt tới chỗ “trở nên Con Người thành toàn, trong sức mạnh của tuổi tác, hầu thể hiện sự viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13) ; chính thừa tác vụ mục tử của các linh mục cũng đòi buộc các linh mục phải nên những mẫu gương sống động cho mọi tín hữu.

Chiều kích trí thức của việc đào tạo cũng đòi phải được đeo đuổi và trau dồi suốt đời sống linh mục, cách riêng bằng việc học hỏi và bằng nỗ lực cập nhật hoá (“aggiornamento”) nghiêm chỉnh và cần cù về văn hoá. Thông phần vào sứ vụ ngôn sứ của Đức Giêsu và hội nhập vào trong mầu nhiệm Giáo Hội, thầy dạy chân lý, linh mục được mời gọi tỏ lộ cho nhân loại dung mạo của Thiên Chúa và dồng thời dung mạo đích thực của con người trong Đức Giêsu Kitô (217). Tuy nhiên, để thực hiện điều đó, chính linh mục cũng phải kiếm tìm dung mạo ấy và chiêm ngắm dung mạo ấy với tâm tình ngưỡng mộ và yêu mến (x. Tv 26,8 ; 41,2). Chỉ bằng cách đó linh mục mới có thể giúp người khác cũng nhận ra. Cách riêng, theo đuổi việc học thần học là điều tất yếu để linh mục có thể chu toàn một cách trung thành thừa tác vụ Lời Chúa, loan báo Lời Chúa mà không lầm lẫn hoặc không mơ hồ, phân biệt Lời Chúa với những quan điểm chỉ thuần tuý là nhân loại, cho dẫu có lừng danh hoặc lan rộng đến đâu. Linh mục nhờ đó sẽ có thể thực sự đặt mình vào trong công việc phục vụ Dân Thiên Chúa và giúp cho Dân ấy, cho tất cả những ai yêu cầu, nhận ra niềm hy vọng Kitô giáo của mình (1 Pr 3,15). Ngoài ra, “nhờ chuyên chăm học hỏi thần học một cách có ý thức và kiên trì, linh mục đạt tới mức độ thấm nhuần sự phong phú chính hiệu của Giáo Hội dưới một dạng thức vững chắc và cá vị. Từ đó linh mục có thể chu toàn sứ vụ trong đó có bổn phận phải giải đáp những khúc mắc về giáo lý công giáo chính hiệu, phải thắng vượt khuynh hướng – của chính mình và của người khác – phản đối hoặc có thái độ tiêu cực đối với Huấn Quyền và truyền thống” (218).

Phương diện mục vụ trong việc đào tạo trường kỳ đã được Thánh Tông Đồ Phêrô diễn tả một cách hoàn chỉnh : “Mỗi người trong anh em hãy tùy theo ơn mình đã lãnh nhận mà phục vụ lẫn nhau, như những người quản lý thành thạo về ân sủng muôn hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10). Để mỗi ngày sống theo ơn đã lãnh nhận, linh mục phải ngày càng rộng mở, sao cho đức ái mục vụ của Đức Giêsu Kitô, được Chúa Thánh Thần ban cho khi lãnh nhận bí tích, biến thành của mình. Cũng như toàn thể hoạt động của Chúa đều là hoa trái và là dấu chỉ của đức ái mục vụ của Ngài, sinh hoạt thừa tác vụ của linh mục cũng phải như vậy. Đàng khác, đức ái mục vụ là một hồng ân nhưng đồng thời cũng là một bổn phận, một ân sủng và một trách nhiệm đòi chúng ta phải trung thành ; vì thế cần phải đón nhận đức ái mục vụ và sống sự năng động của đức ái mục vụ cho đến tận những đòi hỏi triệt để nhất. Cũng chính đức ái mục vụ ấy, như đã được đề cập, khuyến khích và thúc đẩy linh mục ngày càng am hiểu hơn hoàn cảnh thiết thực của những người nam và nữ mà mình được sai đến, phân định những tiếng kêu mời của Thần Khí trong những hoàn cảnh lịch sử mình trải qua, cuối cùng tìm kiếm những phương pháp thích ứng nhất và những cách thế hữu ích nhất để thi hành thừa tác vụ của mình ngày hôm nay. Như thế, đức ái mục vụ làm sinh động và nâng đỡ những nỗ lực nhân linh của linh mục để cho hoạt động mục vụ của linh mục được thích nghi, khả tín và hiệu nghiệm. Để được như vậy cần có một nền đào tạo mục vụ trường kỳ.

Hành trình lần bước tiến tới sự trưởng thành chẳng những đòi linh mục phải không ngừng trau dồi tất cả mọi chiều kích ấy của nền đào tạo, nhưng còn là và nhất là đòi linh mục phải biết làm cho chúng thấm nhập trọn vẹn một cách hoà điệu, đến độ dần dà đạt tới sự thống nhất nội tâm mà đức ái mục vụ sẽ làm cho them kiên vững. Quả vậy, đức ái mục vụ chẳng những phối hợp và thong nhất các phương diện khác biệt của nền đào tạo với nhau nhưng còn chuyển ban cho các phương diện ấy phẩm chất đặc loại của nền đào tạo linh mục xét như là linh mục, nghĩa là như hình ảnh xuyên thấu và sống động, như bí tích của Đức Giêsu Mục Tử Nhân Lành.

Việc đào tạo trường kỳ giúp cho linh mục thắng vượt mối cám dỗ đưa thừa tác vụ của mình đến chỗ lấy chủ trương duy hoạt động làm cùng đích, để cho thừa tác vụ bị xâm chiếm một cách vô ngã bởi đủ loại sự việc, cho dẫu có thiêng liêng và linh thánh đến đâu, hoặc còn giản lược thừa tác vụ thành một thứ việc làm của công chức phục vụ cho tổ chức giáo sĩ. Chỉ có việc đào tạo trường kỳ mới giúp cho linh mục bảo toàn được mầu nhiệm mà linh mục cưu mang nơi chính mình bằng một tình yêu không chểnh mãng hầu mưu ích cho Giáo Hội và cho nhân loại.

Ý nghĩa sâu xa của việc đào tạo trường kỳ

73. Tính dị biệt và tính bổ túc lần nhau của các chiều kích trong việc đào tạo trường kỳ giúp chúng ta hiểu rõ hơn ý nghĩa sâu xa của việc đào tạo ấy : giúp đỡ linh mục để cho con người và hành động của linh mục luôn rập theo tinh thần và đường lối của Đức Giêsu Mục Tử Nhân Lành.

Chân lý đòi phải hành động ! Thánh Giacôbê khuyến cáo chúng ta về điều đó : “Anh em hãy đem Lời Chúa ra thực hành. Đừng làm như thế anh em là những người chỉ biết nghe suông để rồi lừa dối chính mình” (Gc 1,22). Các linh mục được mời gọi “thể hiện sự thật” của chính con người mình, hay nói cách khác sống căn tính và thừa tác vụ của mình trong Giáo Hội và cho Giáo Hội, bằng một đời sống “trong đức ái” (x. Ep 4,15). Các linh mục được kêu mời mỗi ngày một nêu cao ý thức về ân huệ của Thiên Chúa và không ngừng ghi nhớ ân huệ ấy. Đó chính là lời thánh Phaolô căn dặn Timôthê: “Con hãy bảo vệ lấy tồn kho quý giá nhờ vào sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần ngự trong chúng ta” (2 Tm 1,14).

Trong một bối cảnh về học thuyết Giáo Hội như đã được gợi lên nhiều lần, có thể đánh giá ý nghĩa sâu xa của việc đào tạo trường kỳ dành cho linh mục bằng cách dựa vào sự diện và hoạt động của linh mục trong Giáo Hội xét như là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ.

Trong Giáo Hội xét như là “mầu nhiệm”, linh mục được mời gọi dùng phương thế đào tạo trường kỳ để bảo tồn và phát huy trong đức tin ý thức về sự thật toàn vẹn và đáng kinh ngạc của con người mình : linh mục là tôi tớ của Đức Kitô và là người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. 1 Cr 4,1). Thánh Phaolô yêu cầu một cách rõ rệt các Kitô hữu phải nhìn coi ngài theo căn tính ấy, và chính ngài là người trước tiên sống với ý thức về ân huệ cao cả đã lãnh nhận từ nơi Chúa. Mỗi một linh mục cũng phải làm như vậy nếu muốn ở mãi trong sự thật của con người mình. Thế nhưng chỉ có đức tin, chỉ có cái nhìn với đôi mắt của Đức Kitô mới làm cho điều ấy trở thành khả thi.

Trong chiều hướng ấy, có thể nói rằng đào tạo trường kỳ nhắm làm cho linh mục thật sự nên một tín hữu và ngày càng trở thành tín hữu hơn, làm cho linh mục luôn nhận ra mình đúng như trong sự thật với đôi mắt của Đức Kitô. Linh mục phải canh phòng sự thật ấy bằng một tình yêu tri ân và tươi vui. Linh mục phải canh tân đức tin của mình trong khi thi hành thừa tác vụ linh mục, phải nhận biết mình là tôi tớ của Đức Giêsu Kitô và là bí tích của tình yêu Thiên Chúa đối với con người, mỗi khi linh mục làm trung gian và khí cụ sống động để ban phát ân sủng của Thiên Chúa cho loài người. Linh mục cũng phải nhìn nhận cùng một sự thật ấy nơi những người anh em đồng sự, bởi vì đó chính là nguyên lý giúp cho linh mục biết quí trọng và yêu thương các linh mục khác.

74. Trong Giáo Hội xét như là “hiệp thông”, việc đào tạo trường kỳ giúp cho linh mục phát huy ý thức để nhận ra rằng thừa tác vụ của mình xét cho cùng được phối trí để qui tụ gia đình của Thiên Chúa trong tình huynh đệ lấy đức ái làm sức sống, và để dẫn dắt gia đình ấy đến với Chúa Cha nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần (219).

Linh mục cần phải tấn tới trong ý thức về mối hiệp thông sâu xa nối kết linh mục với Dân Thiên Chúa ; linh mục không những đứng “trước” Giáo Hội, nhưng trước hết và trên hết, ở “trong” Giáo Hội. Linh mục là anh em giữa những người anh em. Được mặc lấy phẩm giá và tự do của những người làm con Thiên Chúa trong Con Duy Nhất nhờ bí tích Rửa Tội, linh mục là chi thể của cùng một thân thể duy nhất của Đức Kitô (x Ep 4,16). Ý thức về mối hiệp thông ấy thức đẩy linh mục khơi dậy và phát huy tinh thần đồng trách nhiệm trong cùng một sứ vụ cứu độ duy nhất, bằng cách mau mắn và vui lòng biểu dương những đặc sủng và những nhiệm vụ mà Chúa Thánh Thần phân phối cho các tín hữu để xây dựng Giáo Hội. Trước hết và trên hết, chính trong việc chu toàn thừa tác vụ mục tử, như đã được phối trí do tự bản chất để mưu ích cho Dân Thiên Chúa, mà linh mục cần phải sống và chứng tỏ mối hiệp thong sâu xa của mình với mọi người. Như Đức Phaolô VI đã viêt, “chính vì muốn trở nên những mục tử, những người cha và những người làm thầy mà chúng ta cần phải hoà mình trở nên anh em của mọi người. Bầu khí của đối thoại phải là tình bạn. Hơn nữa, phải là sự phục vụ” (220).

Một cách đặc loại hơn, linh mục được mời gọi phát huy ý thức để nhận ra mình là thành phần của Giáo Hội địa phương, nơi mà mình đã nhập tịch, nghĩa là đã được tháp nhập bằng một mối dây vừa pháp lý, vừa thiêng liêng và vừa mục vụ. Một ý thức như thế giả thiết linh mục phải có một lòng yêu mến đặc biệt đối với Giáo Hội của mình và đồng thời làm cho lòng yêu mến ấy được phát triển. Thật ra, Giáo Hội địa phương chính là đối tượng sống động và thường hằng của đức ái mục vụ mà linh mục phải để cho hướng dẫn đời sống mình. Quả vậy, đức ái mục vụ hướng dẫn linh mục chia sẻ lịch sử và kinh nghiệm sống của Giáo Hội địa phương mình, với những gì là phong phú và nững gì là dòn mỏng, những khó khăn và những hy vọng, và đồng thời làm việc cho Giáo Hội ấy để Giáo Hội ấy được tăng trưởng. Vì đã lãnh nhận rất nhiều từ nơi Giáo Hội địa phương mình và trong khi tích cực tham gia vào việc xây dựng Giáo Hội ấy, mỗi một linh mục liên kết với các anh em đồng sự của mình, để nối dài hoạt động mục vụ của những vị tiền nhiệm. Chính vì đòi buộc tự bản chất của đức ái mục vụ đối với Giáo Hội địa phương của mình cũng như đối với tương lai thừa tác vụ của mình, linh mục phải dấn thân chăm lo làm sao để, một cách nào đó, có được một người kế nhiệm trong chức linh mục.

Linh mục cũng cần phải phát huy ý thức về sự hiệp thông vốn tồn tại giữa các Giáo Hội địa phương khác nhau, một sự hiệp thông bén rễ trong chính hữu thể của các Giáo Hội xét như là Giáo Hội đang sống tại địa phương mình cùng một cuộc sống như Giáo Hội duy nhất và phổ quát của Đức Kitô. Một ý thức như thế về sự hiệp thông liên-Giáo-Hội sẽ cổ võ “sự trao đổi các ân huệ”, khởi đầu bằng các ân huệ sống động và cá vị là chính các linh mục. Do đó, phải có thái độ ứng sẵn, và hơn nữa phải có sự dấn thân quảng đại để có thể thực hiện việc phân phối giáo sĩ cho công bằng (221). Trong số các Giáo Hội địa phương ấy, cần phải nhắc đến những Giáo Hội “vì thiếu tự do nên không có được những ơn kêu gọi riêng cho mình”, cũng như đến “những Giáo Hội vừa mới thoát khỏi cảnh bách hại và những Giáo Hội Nghèo, từ lâu và do sự chiếu cố của nhiều người, đã lãnh nhận sự giúp trong một tinh thần huynh đệ và hiện còn đang lãnh nhận sự trợ giúp” (222).

Giữa lòng mốit dây hiệp thông Giáo Hội, linh mục được mời gọi ngày càng tăng trưởng, nhờ việc đào tạo trường kỳ, trong tư cách thành viên của linh mục đoàn hiệp nhất với giám mục. Linh mục đoàn thật sự là một mầu nhiệm ; linh mục đoàn quả là một thực thể siêu nhiên bởi vì bén rễ trong bí tích Truyền Chức Thánh. Nguồn mạch và cội rễ của linh mục đoàn, “nơi” sinh ra và tăng trưởng của cộng đoàn, là ở đó. Quả thực, “nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, các linh mục được gắn liền với Đức Kitô Linh Mục Duy nhất bằng một mối dây cá vị và bất khả phân. Việc phong chức được ban hành cho các linh mục như là những cá nhân, những các linh mục được hội nhập vào trong mỗi hiệp thông của toàn thể linh mục đoàn cùng với giám mục (Lumen gentium , GH số 28 ; Presbyterorum ordinis, ĐT số 7-8)” (223).

Nguồn cội bí tích ấy phản ánh và nối tiếp trong việc thi hành thừa tác vụ linh mục : từ mầu nhiệm đến thừa tác vụ. “Sự hiệp nhất giữa các linh mục với giám mục và giữa các linh mục với nhau không phải được thêm như thể từ bên ngoài vào trong bản chất tách biệt của công việc phục vụ, sự hiệp nhất ấy biểu lộ yếu tính của công việc phục vụ, yếu tính ấy chính là sứ vụ của Đức Kitô Linh Mục đối với đoàn dân được quy tụ trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi” (224). Nhờ sống tình hiệp nhất linh mục trong tinh thần đức ái mục vụ, các linh mục nên nhân chứng cho Đức Giêsu Kitô, vì chính Ngài cũng đã cầu nguyện với Chúa Cha “để cho mọi người được nên một” (Gs 17,21).

Diện mạo của linh mục đoàn chính là diện mạo của một gia đình thật sự và của một mối tình huynh đệ không phải với những ràng buộc máu thịt nhưng với những ràng buộc do ân sủng của Chức Thánh. Ân sủng ấy xâm chiếm và nâng cao những mối tương quan nhân loại, tâm lý, cảm tính, bằng hữu và thiêng liêng giữa các linh mục với nhau; ân sủng ấy biểu lộ khắp mọi nơi và tỏ hiện cụ thể trong những hình thức tương trợ tinh thần và vật chất đa dạng nhất. Tình huynh đệ linh mục không loại trừ một ai ; dầu vậy, trong chiều hướng lựa chọn theo tinh thần Tin Mừng, linh mục có thể và phải dành những ưu tiên cho người nào đang cần giúp đỡ và cần khích lệ nhất. Tình huynh đệ ấy “dành một sự quan tâm đặc biệt đối với các linh mục trẻ, duy trì một thái độ đối thoại chân tình và huynh đệ với những linh mục thuộc lứa tuổi trung bình hoặc cao niên cũng như đối với những linh mục nào vì lý do này hay lý do khác đang phải đương đầu với những khó khăn. Còn về những linh mục đã rời bỏ thừa tác vụ hay không còn trung thành với thừa tác vụ, tình huynh đệ ấy cũng không bỏ rơi họ nhưng ngược lại dõi theo họ với một sự chú tâm còn huynh đệ hơn” (225).

Những linh mục dòng sống và làm việc trong một Giáo Hội địa phương, với một tước hiệu khác, cũng thông phần vào cùng một linh mục đoàn duy nhất. Nguyên chỉ sự hiện diện của họ cũng đã làm giàu cho tất cả các linh mục. Các đặc sủng riêng biệt và đa dạng của họ vừa mời gọi các linh mục tấn tới trong nỗ lực thấu hiểu chức linh mục, vừa góp phần động viên các linh mục và sát cánh với các linh mục trong việc đào tạo trường kỳ. Một khi được đi đôi với lòng quý chuộng chân thành, luôn tôn trọng tính chất đặc thù của từng Hội Dòng và của từng truyền thống tu đức, ân huệ dòng tu trong cộng đoàn giáo phận nới rộng chân trời làm chứng Kitô giáo và bằng nhiều cách, góp phần làm cho nền tu đức linh mục nên phong phú. Ân huệ dòng tu đóng vai trò ấy, đặc biệt trong những gì liên can đến tương quan thoả đáng và ảnh hưởng hỗ tương giữa những giá trị của Giáo Hội địa phương với những giá trị của toàn thể Dân Chúa. Về phía mình, các tu sĩ phải chú tâm duy trì một tinh thần hiệp thông Giáo Hội thật sự, một sự tham gia chân tình vào vận hành của giáo phận và vào những lựa chọn mục vụ của giám mục, bằng cách tự nguyện hiến dâng đặc sủng riêng của mình hầu xây dựng mọi người trong đức ái (226).

Cuối cùng, chính trong bối cảnh của Giáo Hội hiệp thông và của linh mục đoàn mà người ta có thể vững vàng hơn cả để đương đầu với vấn đề cô đơn của linh mục, là vấn đề đã lôi cuốn sự chú ý của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng. Có một sự cô đơn vốn thuộc về kinh nghiệm của mọi linh mục và vốn là hoàn toàn bình thường. Nhưng cũng có một nỗi cô đơn nãy sinh bởi đủ loại khó khăn và từ đó lại dẫn đến những vấn đề khác. Trong chiều hướng ấy, “sự tham gia tích cực vào linh mục đoàn giáo phận, những tiếp xúc thường đều với giám mục và với các linh mục khác, sự cộng tác hỗ tương, đời sống chung hoặc huynh đệ giữa các linh mục với nhau, cũng như tình bạn và những mối quan hệ chân tình với những người giáo dân tích cực dấn thân trong các giáo xứ, đều là những phương thế rất hữu ích để thắng vượt những hiệu quả của nỗi cô đơn mà đôi khi linh mục phải cảm nếm” (227).

Cô đơn không chỉ tạo nên những khó khăn ; cô đơn còn mang lại những thuận lợi cho đời sống linh mục. “Một khi được đón nhận với tinh thần tận hiến và tinh thần tra vấn trong tình thân mật với Chúa Giêsu Kitô, cô đơn có thể hỗ trợ cho việc nguyện ngắm và việc học hỏi, cũng như còn có thể giúp cho sự thánh hoá và sự tăng triển con người” (228). Chúng ta đừng quên rằng cô đơn, dưới một hình thức nào đó, là điều cần thiết cho việc đào tạo trường kỳ. Đức Giêsu đã thường tìm cách rút lui để cầu nguyện trong cô tịch (x. Mt 14,23). Khả năng chịu đựng sự cô đơn hữu ích là điều kiện thiết yếu cho việc duy trì đời sống nội tâm. Ở đây, phải hiểu là một sự cô đơn làm nơi lưu trú cho Chúa Kitô hiện diện, để rồi Chúa Kitô, trong ánh sáng của Thần Khí, đưa chúng ta đến tiếp xúc với Chúa Cha. Trong chiều hướng ấy, điều cần thiết là phải tạo thinh lặng và phải tìm được những nơi chốn và những thời gian “hoang địa” dành cho việc đào tạo trường kỳ về mặt trí thức, thiêng liêng và mục vụ. Cũng trong chiều hướng ấy, có thể quả quyết rằng hễ ai không biết sống nỗi cô đơn của mình cho tốt đẹp thì cũng không có khả năng để sống mối hiệp thông đích thực và huynh đệ.

75. Điểm nhắm của việc đào tạo trường kỳ là phát huy nơi linh mục ý thức về sự tham gia của mình vào sứ vụ cứu độ của Giáo Hội. Trong Giáo Hội “sứ vụ”, việc đào tạo trường kỳ dành cho linh mục chẳng những là một điều kiện cần thiết, nhưng còn là một phương thể tất yếu để thường xuyên khơi thắm lại cảm thức về sứ vụ và để bảo đảm cho sứ vụ được thực hiện một cách trung thành và quảng đại. Việc đào tạo như thế giúp linh mục nhận ra được tất cả tính nghiêm trọng của một sự đòi buộc cũng đồng thời là một ân sủng diệu vời mà linh mục không thể dửng dưng. Cũng như thánh Phaolô, linh mục phải có thể nói được rằng: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là một tước hiệu để tôi lấy làm vinh dự ; đó là một sự khẩn thiết được ký thác cho tôi. Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” (1 Cr 9,16). Việc đào tạo ấy giúp cho linh mục cũng nhận ra được nỗi bức xúc trong những thỉnh nguyện minh nhiên hay không minh nhiên của những con người mà Thiên Chúa không ngơi mời gọi lãnh nhận ơn cứu độ.

Chỉ nhờ vào một việc đào tạo trường kỳ thoả đáng, linh mục mới được nâng đỡ trong sự trung thành thiết yếu và dứt khoát đối với thừa tác vụ của mình. Như thánh Phaolô Tông Đồ đã viết: “Tất cả những gì người ta đòi hỏi nơi những người quản lý [các mầu nhiện của Thiên Chúa], đó là nhận ra được họ là người trung thành” (1 Cr 4,2). Dẫu cho những khó khăn gặp phải có như thế nào, ngay cả trong những hoàn cảnh nghiệt ngã nhất hoặc trong một trạng thái mỏi mệt dễ dàng hiểu được, linh mục vẫn phải trung thành với tất cả nghị lực mà mình sẵn có và phải cứ như thế cho đến trọn đời. Chứng từ của Phaolô phải là một gương mẫu và là một nguồn khích lệ cho mọi linh mục, ngài đã viết cho các Kitô hữu ở Corintô : “Chúng tôi không hề nên cớ vấp phạm cho một ai về một điều gì, để thừa tác vụ của chúng tôi khỏi bị đàm tiếu. Ngược lại, trong mọi sự, chúng tôi chứng tỏ mình như những thừa tác viên của Thiên Chúa : nhờ một lòng kiên vững lớn lao trong gian nan, trong khốn khó, trong hoảng hốt, trong roi vọt, trong tù ngục, trong biến loạn, trong kiệt lực, trong canh thức, trong chay kiêng ; nhờ một lòng trong trắng, một trí thông hiểu, một đức nhẫn nại, một sự dịu dàng, một thần khí thánh thiện, một đức ái không giả bộ, lời nói chân thật, quyền năng của Thiên Chúa ; nhờ những khí giới công chính vừa công vừa thủ ; trong vinh dự và ô nhục, trong tiếng xấu và tiếng tốt ; bị coi như đồ trí trá nhưng lại chân thật ; bị coi như đồ vô danh nhưng lại nổi tiếng ; như những người giẫy chết, nhưng này chúng tôi vẫn sống ; như những kẻ bị trừng phạt, nhưng lại không bị xử tử; như những người phiền muộn, nhưng chúng tôi lại luôn vui sướng ; như những kẻ nghèo nàn, nhưng chúng tôi lại làm cho biết bao người nên giàu có ; như những người bần cùng, nhưng chúng tôi lại sở hữu mọi sự” (2 Cr 6,3-10).

Cho mọi lứa tuổi và trong mọi điều kiện sinh sống

76. Việc đào tạo trường kỳ, chính bởi vì nó là trường kỳ, phải luôn luôn không thiếu vắng trong đời sống các linh mục, vào mọi lứa tuổi và trong mọi điều kiện sinh sống, bất kể mức độ trách nhiệm trong Giáo Hội. Dĩ nhiên, đồng thời, cần phải chú trọng đến những khả năng và những đặc tính tương ứng với sự khác biệt tuổi tác, các điều kiện sinh sống và các chức vụ đảm nhiệm.

Đào tạo trường kỳ trước hết là một bổn phận đối với các linh mục trẻ. Với những cuộc gặp gỡ theo hạn kỳ thường đều xứng hợp và theo một chương trình được sắp xếp có hệ thống nhằm nối dài những gì là nghiêm minh và vững chắc trong nền đào tạo đã lãnh nhận ở chủng viện, việc đào tạo trường kỳ dần dà hướng dẫn các linh mục trẻ hiểu và sống nguồn phong phú của “hồng ân” Thiên Chúa, của chức linh mục. Việc đào tạo này cũng giúp họ bày tở những khả năng thích ứng với thừa tác vụ, cùng với các linh mục khác, bằng một sự hoà nhập ngày càng thâm tín và có trách nhiệm hơn vào linh mục đoàn và bởi đó vào mối hiệp thông và tinh thần đồng trách nhiệm với tất cả các anh em đồng sự của mình.

Vừa mới ra trường khỏi chủng viện mà đã phải đương đầu với những giờ khắc học hỏi và gặp gỡ mới nữa, người linh mục trẻ dễ cảm thấy “ngán”, và điều này có thể hiểu được. Thế nhưng, cần phải loại trừ quan niệm hoàn toàn sai lạc và nguy hại cho rằng việc đào tạo linh mục đã chấm dứt khi rời bỏ chủng viện.

Khi cùng tham gia vào những buổi gặp gỡ để được đào tạo trưòng kỳ, các linh mục trẻ sẽ tạo cho nhau một sự nương tựa hỗ tương bằng việc chia sẻ kinh nghiệm và suy tư về phương cách diễn đạt lý tưởng linh mục một cách cụ thể, như họ đã luyện tập trong những năm tháng ở chủng viện. Đồng thời, việc họ tích cực tham gia vào những buổi gặp gỡ của linh mục đoàn với mục đích đào tạo sẽ có thể là gương sáng và là nguồn khích lệ cho những linh mục khác lớn tuổi hơn. Thật vậy, họ sẽ nhờ đó mà chứng tỏ tình yêu của mình đối với toàn thể linh mục đoàn và chứng tỏ niềm hăng say của mình trong việc đáp ứng nhu cầu của Giáo Hội địa phương là nhu cầu phải có những linh mục được đào tạo hẳn hoi.

Để sát cánh với các linh mục trẻ trong giai đoạn đầu tiên hết sức tế nhị của đời sống linh mục và của thừa tác vụ, điều phù hợp hơn bao giờ hết, nếu không nói là tối ư cần thiết cho ngày hôm nay, đó là phải tạo lập một cơ cấu nâng đỡ đặc biệt với những cố vấn và những giáo sư thích ứng. Ở đó, các linh mục trẻ sẽ tìm gặp, dưới một thể thức có cơ cấu và có chuyển tiếp, một nguồn nương tựa cần thiết để bắt đầu công việc phục vụ của mình. Trong những buổi gặp gỡ đều đặn tương đối lâu giờ và thường xuyên, có khi với khuôn khổ đời sống cộng đoàn và cùng ở với nhau, cần phải tạo cho các linh mục trẻ có được những thời khắc quí giá dành cho việc nghỉ ngơi, cầu ngyện, suy tư, trao đổi huynh đệ. Họ sẽ nhờ đó mà bảo đảm cho mình, ngay từ buổi đầu, có được sự quán bình theo tinh thần Tin Mừng trong đời sống linh mục. Nếu các Giáo Hội địa phương không thể tự mình phục vụ cho các linh mục trẻ trong lĩnh vực này, điều xứng hợp là các Giáo Hội lân cận phải hiệp nhất lại với nhau để cùng nhau rút ra những tài nguyên cần thiết và soạn thảo những chương trình thích đáng.

77. Đối với những linh mục thuộc lứa tuổi trung bình, việc đào tạo trường kỳ cũng là một bổn phận. Thật ra, họ có thể vì chính lý do tuổi tác mà rơi vào vô số những liều lĩnh, chẳng hạn một chủ trương hoạt động thái quá hoặc một thái độ ù lì trong việc thi hành thừa tác vụ. Hoặc còn có thể đó là mối cám dỗ quá tin ở sức mình đến nỗi cho rằng từ nay kinh nghiệm mà cá nhân mình đã cảm nhận không còn cần phải so đọ với bất cứ điều gì hoặc bất cứ ai. Điều thường xảy ra đó là, trong những trường hợp như thế, linh mục phải chịu đựng một nỗi chán chường nguy hại trong lòng, dấu hiệu của một tình trạng vỡ tan ảo mộng mà linh mục phải cam chịu khi đương đầu với những khó khăn và thất bại. Việc đào tạo trường kỳ cung cấp giải pháp cho tình trạng này : không ngừng duyệt xét thế quân bình bản thân cũng như hoạt động của mình, thường xuyên điều nghiên những dộng lực thúc đẩy và những phương thế cho sứ vụ của mình. Nhờ đó, linh mục sẽ duy trì được một tinh thần thức tỉnh và sẵn sang đáp ứng đối với những thỉnh nguyện cứu độ mỗi ngày một mới mẻ mà rất nhiều người giãi bày cho linh mục, “người của Thiên Chúa”.

Việc đào tạo trường kỳ cũng phải đạt thấu các linh mục cao niên, thường được gọi là niên trưởng, các vị này chiếm một khối lượng đông đảo nhất trong linh mục đoàn nơi một số Giáo Hội. Linh mục đoàn phải chứng tỏ lòng biết ơn của mình đối với các ngài về công việc phục vụ trung thành mà các ngài đã chu toàn cho Đức Kitô và cho Giáo Hội, và phải sống tình liên đới với các ngài bằng cách chú trọng tới thân phận của các ngài. Đối với các linh mục này, việc đào tạo trường kỳ sẽ không phải là vấn đề học hỏi, thảo luận và cập nhật văn hoá cho bằng một sự củng cố thanh thản và an hoà về vai trò mà các ngài vẫn được mời gọi đóng góp trong linh mục đoàn. Vai trò ấy sẽ được xác định chẳng những nhờ việc theo đuổi thừa tác vụ mục tử, có khi dưới những hình thức khác, nhưng còn nhờ khả năng mà kinh nghiệm sống và kinh nghiệm làm việc tông đồ mang lại cho các ngài, đó là chính các ngài trở thành những vị thầy và những nhà đào tạo của các linh mục khác.

Cả những linh mục, vì mệt mỏi hay bênh tật, đang phải sống trong một tình trạng yếu nhược về thế lý hoặc rã rời về tinh thần, cũng có thể được việc đào tạo trường kỳ trợ giúp. Nhờ việc đào tạo này, họ được khuyến khích tiếp tục phục vụ Giáo Hội một cách thanh thản và can trường, không tự cô lập mình khỏi cộng đoàn hay khỏi linh mục đoàn, giản lược hoạt động bên ngoài để hiến mình cho những sinh hoạt thuộc tương quan mục vụ và tu đức bản thân nhờ đó có thể bảo vệ lẽ sống và niềm vui trong chức linh mục. Cách riêng, việc đào tạo trường kỳ sẽ giúp họ giữ cho niềm xác tín mà chính họ đã ghi tạc nơi các tín hữu được sống động, rằng họ luôn mãi là những thành phần tích cực trong việc xây dựng Giáo Hội, đặc biệt nhờ vào sức mạnh do họ kết hiệp với Đức Giêsu Kitô chịu đau khỏ và do biết bao anh chị em khác trong Giáo Hội đang thông phần vào cuộc khổ nạn của Chúa. Cùng với những người ấy, họ lặp lại bằng cuộc sống kinh nghiệm của thánh Phaolô như ngài đã nói : “Tôi tìm gặp niềm vui trong những đau khổ mà tôi phải chịu vì anh em, và tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong những thử thách Đức Kitô đã chịu vì Thân Thể Ngài, tức là Giáo Hội” (C1 1,24) (229).

Những người chịu trách nhiệm về việc đào tạo trường kỳ

78. Những điều kiện hiện đại của thừa tác vụ linh mục, thường thường và ở nhiều nơi, không tạo dễ dàng cho một cuộc dấn thân nghiêm minh vào việc đào tạo trường kỳ. Sự gia tăng những trọng trách và những công việc phục vụ phải đảm nhận, sự phức tạp của đời sống nhân linh nói chung và của các cộng đoàn Kitô hữu nói riêng, chủ trương duy hoạt động và tình trạng kiệt quệ vốn đang đánh dấu nhiều môi trường trong xã hội ngày nay, tất cả những yếu tố ấy thường chiếm mất thời giờ của linh mục cũng như năng lực cần thiết để linh mục “chăm lo cho chính mình” (x. 1 Tm 4,16).

Vì thế mọi người cần phải tăng thêm phần trách nhiệm để thăng vượt những khó khăn ấy và để nhận ra nơi những khó khăn ấy sự thách đố phải soạn thảo và thực hiện một cuộc đào tạo trường kỳ hầu đáp ứng thoả đáng hồng ân cao cả của Thiên Chúa cùng những thỉnh nguyện và đòi buộc hệ trọng của thời đại chúng ta.

Những người chịu trách nhiệm về việc đào tạo trường kỳ phải thuộc về Giáo Hội “hiệp thông”. Như vậy, chính là toàn thể Giáo Hội địa phương, dưới sự dẫn dắt của giám mục, có trách nhiệm thôi thúc và thiết lập những thể loại dị biệt cho việc đào tạo trường kỳ của các linh mục. Bởi vì các linh mục không phải làm linh mục cho chính mình, nhưng là cho Dân Chúa. Bởi đó, trong khi bảo đảm cho các linh mục có được sự trưởng thành về mặt nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ, việc đào tạo trường kỳ mang lại hiệu quả là một thiện ích mà người hưởng dùng chính là Dân Chúa. Ngoài ra, chính việc thực hành mục vụ cũng dẫn tới một sự trao đổi hỗ tương, bền bỉ và sai nở, giữa đức tin của các linh mục với đức tin của các tín hữu. Được điều hành và vận dụng một cách khôn ngoan, sự chia sẻ đời sống giữa linh mục và cộng đoàn tạo thành một đóng góp cơ bản cho việc đào tạo trường kỳ. Đàng kác, sự đóng góp ấy không chỉ giản lược vào một giai đoạn hạn chế hoặc vào một sáng kiến riêng lẻ, những trải dài suốt thừa tác vụ và đời sống linh mục.

Thật vậy, kinh nghiệm Kitô giáo của những người đơn sơ và khiêm nhượng, khí thế thiêng liêng của những con người say mê Thiên Chúa, đức tin được thể hiện một cách can trường nơi những Kitô hữu dấn thân vào các loại trách nhiệm xã hội và dân sự, tất cả những điều ấy đều được linh mục đón nhận và, trong khi đem chiếu dọi vào đó ánh sáng của công việc phục vụ linh mục, chính linh mục tìm được của ăn thiêng liêng vô cùng quý giá. Cả những nghi hoặc, những khủng hoảng và những do dự khi phải đối đầu với những hoàn cảnh cá nhân hay xã hội thuộc đủ loại, hoặc còn phải kể đến những cám dỗ từ khước hay tuyệt vọng vào giờ phút khổ đau, bệnh tật, kề cận cái chết, nói tóm lại, tất cả những khó khăn mà con người gặp phải trên con đường đức tin đều được linh mcụ cảm nhận bằng cuộc sống. Linh mục chia sẻ những khó khăn ấy như một người anh em và chịu đựng một cách chân thành trong tâm hồn mình. Khi đi tìm những giải đáp cho người khác, linh mục không ngừng được đưa dẫn để trước hết tìm được giải đáp cho chính mình.

Như thế, toàn thể Dân Chúa, trong hết mọi thành phần, có thể và cần phải mang lại một sự trợ giúp quí báu cho việc đào tạo trường kỳ của các linh mục. Trong chiều hướng ấy, họ phải để cho các linh mục có thời giờ học hỏi và cầu nguyện, chỉ yêu cầu nơi các linh mục những gì liên quan đến mục đích của việc các ngài được Đức Kitô uỷ thác chớ không yêu cầu những điều gì khác, sau hết cộng tác với các ngài trong những lãnh vực khác nhau của sứ vụ mục tử bằng một sự chú tâm đặc biệt đối với những gì qui hướng về sự thăng tiến con người và về việc phục vụ trong đức ái. Họ phải duy trì với các linh mục những cuộc tiếp xúc nồng nhiệt và huynh đệ và phải khơi dậy nơi các ngài niềm ý thức rằng trách nhiệm của các ngài không phải là “cai quản đức tin” nhưng đúng hơn là “góp phần tạo niềm vui” cho tất cả các tín hữu (x. 2 Cr 1,24).

Trách nhiệm của Giáo Hội địa phương như vừa được trình bày trong công việc đào tạo các linh mục phải được vận dụng một cách cụ thể và đặc loại tuỳ theo những thành phần khác nhau làm thành Giáo Hội ấy, khởi đầu bằng chính linh mục.

79. Hiểu theo một nghĩa nào đó, từng linh mục một phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm về việc đào tạo trường kỳ của mình trong Giáo Hội. Bổn phận trung thành với ân huệ của Thiên Chúa và với sụ năng động của việc hoán cải thường nhật phát xuất từ chính ân huệ, như được bén rễ trong bí tích Truyền Chức Thánh, là bổn phận mà trong thực tế mỗi một linh mục phải tự mình gánh mang. Các qui tắc hoặc các tiêu chuẩn của quyền bính Giáo Hội về vấn đề này, cũng như gương sáng của các linh mục khác không đủ để làm cho việc đào tạo trường kỳ có sức lôi cuốn, nếu như mỗi một linh mục không tự mình xác tín về sự khẩn thiết của việc đào tạo ấy và không tự quyết định để đề cao giá trị của những cơ hội, những thời giờ và những phương thức dành cho việc đào tạo ấy. Đào tạo trường kỳ bảo tồn sự “tươi trẻ” cho tinh thần, điều mà không một ai có thể áp đặt từ bên ngoài nhưng mỗi người phải không ngừng kín múc nơi chính mình. Chỉ người nào luôn nuôi sống khát vọng học tập và lớn lên. người đó mới có được sự “tươi trẻ” ấy.

Trách nhiệm của giám mục và, cùng với ngài, của linh mục đoàn là cơn bản. Trách nhiệm của giám mục đặt nền tảng trên sự kiện các linh mục lãnh nhận chức linh mục vụ từ nơi ngài và cùng chia sẻ với ngài mối quan tâm mục vụ đối với toàn thể Dân Chúa. Ngài chịu trách nhiệm về một nền đào tạo trường kỳ nhằm giúp các linh mục biết quảng đại trong việc trung thành với ân huệ và thừa tác vụ mình đã lãnh nhận, như lòng mong ước và đồng thời “quyền lợi” của Dân Thiên Chúa : có linh mục. Trách nhiệm ấy dẫn giám mục tới chỗ, cùng với linh mục đoàn, thiết lập và tổ chức một chương trình đào tạo trường kỳ, không coi đó là một việc làm tuỳ tiện, chừng mực nhưng là một dự án được soạn thảo kỹ lưỡng và được tiến hành qua từng giai đoạn theo những phương thức nhất định. Giám mục phải thi hành trách nhiệm của mình, chẳng những bằng cách bảo đảm cho các linh mục dưới quyền mình có được nơi chốn và thời gian dành riêng cho việc đào tạo trường kỳ, nhưng còn bằng cách chính mình hiện diện ở đó và cùng tham gia một cách thâm tín và nồng nhiệt. Trong nhiều trường hợp, điều thích đáng và thậm chí cần thiết là các giám mục thuộc những giáo phận kề cận nhau hay thuộc cùng một miền tông đồ cần phải ăn ý với nhau và kết hiệp những nỗ lực của mình lại với nhau để có thể đưa ra những đề nghị tốt đẹp hơn, thực sự bổ ích cho việc đào tạo trường kỳ, chẳng hạn những khoá tu nghiệp Thánh Kinh, thần học và mục vụ, những tuần lễ sống cộng đoàn, những buổi thuyết trình theo chu kỳ, những thời gian dành cho việc suy tư và đánh giá phương hướng mục vụ của linh mục đoàn và của cộng đoàn Giáo Hội.

Giám mục phải thi hành trách nhiệm của mình bằng cách cũng yêu cầu sự đóng góp có thể có từ phía các phân khoá và các học viên thần học và mục vụ, các chủng viên các cơ quan hiệp hội – gồm có linh mục, tu sĩ, giáo dân – dấn thân cho việc đào tạo linh mục.

Trong Giáo Hội địa phương, một vị thế quan trọng được dành cho các gia đình. Với tư cách là “Giáo Hội tại gia”, các gia đình thực ra là điểm quy chiếu cụ thể cho đời sống của các cộng đoàn Giáo Hội được các linh mục thôi thúc và hướng dẫn. Cách riêng, cần phải ghi chú vai trò của chính gia đình linh mục. Cùng hiệp thông ý hướng với linh mục, gia đình có thể mang lại cho sứ vụ của linh mục một sự đóng góp độc đáo và quí giá. Gia đình là cái nôi của ơn gọi mà gia đình đã che chở và nâng đỡ bằng một nguồn cậy dựa thiết yếu để cho ơn gọi ấy được lớn lên và được phát triển. Như đã sẵn sang thực hiện kế hoạch của Chúa Quan Phòng nhằm làm nảy mầm ơn gọi theo ý Ngài, gia đình của linh mục, nguồn trợ lực thiết yếu cho linh mục được lớn lên và phát triển, vẫn phải luôn mãi là chứng nhân trung thành, vừa hết mức tôn trọng một người con đã chấp nhận hiến thân cho Thiên Chúa và đồng loại, vừa khuyến khích linh mục trong sứ vụ, cùng chia sẽ sứ vụ với linh mục và cùng gần gũi với linh mục một cách tận tuỵ và thận trọng.

Thời giờ, hình thức và phương thế dành cho việc đào tạo trường kỳ

80. Nếu như mọi giờ khắc đều là “thời gian thuận tiện” (x 2 Cr 6,2) để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cho linh mục lớn lên trong kinh nghiệm, trong việc học hỏi và trong ý thức về những trách nhiệm mục vụ của mình, thì dầu vậy vẫn có những giờ khắc “biệt đãi”, ngay cả đó là những giờ khắc thông thường và đã được tiên liệu trước.

Ở đây, trước hết cần phải nhắc tới những buổi gặp gỡ giữa giám mục với linh mục đoàn, hoặc có tính cách phụng vụ ( cách riêng cuộc đồng tế Thánh Lễ làm phép Dầu ngày thứ Nam Tuần Thánh ) hoặc có tính cách mục vụ và văn hoá nhằm trao đổi nhận định về sinh hoạt mục vụ hoặc nhầm học hỏi một số vấn đề thần học đã được ấn định.

Cũng có những buổi gặp gỡ thiêng liêng giữa các linh mục, như những cuộc cấm phòng, những ngày tĩnh tâm và tu đức, v.v.. Đó là những cơ hội để tăng trưởng về mặt thiêng liêng và mục vụ, để cầu nguyện lắng đọng hơn và lâu giờ hơn, để quay về với những cội rễ của con người linh mục, để hâm nóng lại những động lực khơi nguồn cho sự trung thành và cho khí thế mục vụ.

Những buổi gặp gỡ để học hỏi và suy tư chung với nhau cũng mang tầm mức quan trọng. Chúng dự liệu để tránh tình trạng nghèo nàn về văn hoá và tình trạng chai cứng về những lập trường dễ dãi trong lãnh vực mục vụ, là hậu quả của sự lười biếng trí thức. Chúng bảo đảm cho có được một tổng hợp dày công suy nghĩ hơn về những yếu tố đa tạp trong đời sống thiêng liêng, văn hoá và tông đồ : chúng mở rộng trí óc và con tim hơn trước những thách đố mới của lịch sử và trước những tiếng gọi mời mà Chúa Thánh Thần gióng lên cho Giáo Hội.

81. Rất nhiều kiểu cộng tác và phương thế có thể giúp ích để cho việc đào tạo trường kỳ trở nên một kinh nghiệm sống tốt đẹp hơn cho các linh mục. Trong số những kiểu cộng tác và phương thế ấy, có thể nhắc tới những hình thức sống chung giữa các linh mục với nhau, là những hình thức vẫn thường có trong lịch sử Giáo Hội, với những thể loại và cường khác biệt nhau. “Ngày nay, không thể không yêu cầu cho có những hình thức ấy, nhất là giữa những linh mục sống và dấn thân mục vụ trong cùng một nơi. Đời sống chung của hàng giáo sĩ như thế, hữu ích cho đời sống và hoạt động mục vụ, tạo cho mọi người, cả linh mục và giáo dân, một gương mẫu chói sáng về đức ái và hiệp nhất” (230).

Một hình thức tương trọ khác có thể được cung ứng do các hiệp hội linh mục, nhất là các tu hội đời linh mục với tính chất trực thuộc giáo phận nhờ đó các linh mục kết hiệp chặc chẽ hơn với giám mục. Các tu hội ấy quy định “một bậc sống toàn hiến trong đó, nhờ những lời khấn và những mối dây ràng buộc linh thánh khác, các linh mục cam kết thực hành những lời khuyên Phúc Âm trong đời sống mình” (231). Tất cả mọi hình thức “huynh đệ linh mục” được Giáo Hội công nhận đều hữu ích cho đời sống thiêng liêng cũng như cho đời sống tông đồ và mục vụ.

Thực hành việc linh hướng cũng đóng góp rất nhiều cho việc đào tạo trường kỳ của các linh mục. Đây là một phương thế cổ điển vẫn luôn giữ mãi được giá trị, chẳng những nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc đào tạo thiêng liêng, nhưng còn giúp cố võ và nâng đỡ cho sự trung thành và lòng quảng đại bền bỉ trong việc thi hành thừa tác vụ linh mục. Như Đức Phaolô VI đã viết trước khi lên Giáo hoàng, “việc linh hướng đóng một nhiệm vụ rất cao đẹp và có thể nói thiết yếu đối với nền giáo dục luân lý và thiêng liêng dành cho giới trẻ, những con người mong ước tìm hiểu và theo đuổi ơn gọi của mình một cách hết mực chân tình, không phân biệt ơn gọi loại nào. Việc linh hướng giữ mãi tầm quan trọng ích lợi cho mọi lứa tuổi và mọi cuộc đời, mỗi lúc chúng ta đến với những soi dẫn và lòng bác ái của một vị cố vấn đạo đức và khôn ngoan, để rồi cầu xin sự kiểm nghiệm đường ngay lối thẳng của chúng ta, cũng như sự sưởi ấm chúng ta trong việc quảng đại chu toàn những bổn phận. Đây là một phương thế sư phạm rất tế nhị nhưng mang một giá trị rất cao cả. Đây là một nghệ thuật sư phạm và tâm lý đòi người hành xử phải có tinh thần trách nhiệm cao độ ; đây là một việc tập luyện thiêng liêng đòi người lãnh nhận phải nghiêm trọng và tin cậy” (232).

Ta sẽ ban cho cá ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (Gr 3,15)

82. Cho đến hôm nay, lời hứa ấy của Thiên Chúa vẫn đang sống động và hình thành trong Giáo Hội, và Giáo Hội ý thức rằng, từ muôn thưở, chính Giáo Hội được diễm phúc thụ hưởng những lời tuyên sấm ấy. Ngày ngày, Giáo Hội nhìn thấy lời hứa ấy được thực hiện khắp nhiều nơi trên địa cầu; hơn nữa, nơi nhiều tâm hồn con người, nhất là nơi những người trẻ. Khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba,Giáo Hội ao ước rằng, lý do những nhu cầu nghiêm trọng và bức bách của Giáo Hội cũng như những nhu cầu của thế giới, lời hứa ấy của Thiên Chúa được ứng nghiệm một cách mới mẻ hơn, rộng lớn hơn, sâu đậm hơn và hữu hiệu hơn, với một sự tuôn đổ phi thường Thần Khí của Ngày Lễ Hiện Xuống.

Lời hứa của Chúa khơi dậy trong lòng Giáo Hội một kinh nguyện, một lời cầu xin khiêm tốn, nồng nhiệt và tin cậy vào tình yêu của Chúa Cha ; cũng như Ngài đã sai Đức Giêsu Mục Từ Nhân Lành, sai các Tông Đồ, những người kế vị các ngài và đông đảo các linh mục: cũng vậy, Ngài vẫn tiếp tục biểu lộ cho con người ngày nay sự trung tín và lòng nhân hậu của Ngài.

Giáo Hội luôn ở trong tư thế sẵn sàng đáp lại ân sủng ấy. Giáo Hội biết rằng ân huệ của Thiên Chúa đòi buộc một lời đáp trả quảng đại và đồng tâm nhất trí : toàn thể Dân Chúa phải không ngơi cầu nguyện và làm việc cho các ơn gọi linh mục. Các ứng sinh linh mục phải chuẩn bị một cách có ý thức để lãnh nhận và sống ân huệ của Thiên Chúa, tin chắc rằng Giáo Hội và thế giới rất cần đến mình. Họ phải say mê Đức Kitô Mục Tử Nhân Lành, uốn nắn con tim mình theo con tim của Ngài và, noi gương Ngài, sẵn sàng rảo bước trên các nẻo đường thế giới để công bố Đức Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống cho mọi người.

Tôi xin gởi đến các gia đình một lời kêu gọi đặc biệt : xin các bậc cha mẹ, cách riêng những người làm mẹ, hãy quảng đại để ban tặng cho Chúa những người con của mình được Chúa mời gọi tiến tới chức linh mục; xin hãy vui mừng cộng tác vào tiến trình ơn gọi của con cái, đoan chắc rằng, bằng cách ấy, sẽ làm cho sự sai nở của Kitô giáo và của Giáo Hội, cũng là của mình, được nên lớn mạnh hơn và sâu rộng hơn và sẽ nghiệm biết, một cách nào đó, hạnh phúc của Đức Trinh Nữ Maria : “Trong số các phụ nữ, người được diễm phúc, hoa quả lòng người thật đáng chúc tụng” (Lc 1,42).

Với những người trẻ hôm nay, Tôi muốn nhắn nhủ điều này : các bạn hãy ngoan nguỳ hơn nữa đối với Thần Khí, hãy để cho vang vọng lên trong lòng các bạn những nỗi mong chờ lớn lao của Giáo Hội và của nhân loại, đừng ngại mở rộng tâm trí các bạn trước lời mời gọi của Chúa đang hướng thẳng về phía các bạn và hãy đáp lại một cách hăng say lời Ngài đề nghị nối gót theo Ngài cho đến cùng.

Giáo Hội đáp lại ân sủng bằng việc các linh mục cam kết thực hiện việc đào tạo trường kỳ theo như đòi hỏi của phẩm vị và trách nhiệm đã được trao ban cho họ trong bí tích Truyền Chức Thánh. Tất cả các linh mục đều được mời gọi truy nhận tính khẩn cấp đặc biệt nơi việc đào tạo của họ trong thời buổi hiện tại : “công cuộc phúc âm hoá mới” cần có những nhà rao giảng mới, những linh mục dấn thân sống chức linh mục như một con đường nên thánh.

Lời hứa của Thiên Chúa bảo đảm cho Giáo Hội của Ngài không phải có được bất cứ những mục tử nào nhưng những mục tử “như lòng Ngài mong ước”. “Lòng mong ước” của Thiên Chúa đã được mạc khải một cách trọn vẹn cho chúng ta trong lòng mong ước của Đức Kitô Mục Tử Nhân Lành. Ngài đã luôn chạnh lòng xót thương đoàn ngũ dân chúng và đã ban cho họ bánh sự thật, bánh tình yêu và bánh sự sống (x. Mc 6,30-44). Ngài yêu cầu những con tim khác cũng phải chung nhịp đập — những con tim linh mục — : “Các người hãy cho họ ăn” (Mc 6,37). Nhiều người đang cần phải ra khỏi tình trạng vô danh và ra khỏi sự sợ hãi ; họ cần được nhận biết và được gọi bằng tên của họ, được bước đi an toàn trên những nẻo đường cuộc sống, được tìm gặp nếu như bị lạc lối, được đón nhận ơn cứu độ như là quà tặng tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa ; đó chính là điều Đức Giêsu, Vị Mục Tử Nhân Lành, thực hiện; đó chính là điều các linh mục thực hiện cùng với Ngài.

Ở đoạn chót của Tông Huấn này, Tôi hướng ánh mắt tôi về phía đông đảo các chủng sinh và linh mục, tại khắp các miền trên thế giới, ngay cả trong những điều kiện khó khăn nhất và đôi khi bị thảm nhất, để nhìn thấy họ vẫn luôn vui vẻ trong nỗ lực trung thành với Chúa, vẫn không ngừng phục vụ đoàn chiên của Chúa và hằng ngày hiến dâng cuộc đời mình để cho đức tin, niềm trông cậy và đức ái được tăng triển trong tâm hồn và trong đời sống của những người nam và nữ thời đại chúng ta.

Anh em linh mục rất thân mến, sở dĩ anh em xả thân như vậy là bởi vì chính Chúa, với sức mạnh của Thần Khí Ngài, đã mời gọi anh em làm cho kho tàng vô giá là tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành được hiện diện trong những chiếc bình sành là cuộc đời khiêm tốn của anh em.

Hiệp thông với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, nhân danh tất cả các giám mục trên thế giới và toàn thể cộng đoàn Giáo Hội, Tôi muốn bày tỏ trọn niềm tri ân mà chắc hẳn là chính đáng đối với lòng trung thành của anh em và công việc phục vụ của anh em (233).

Tôi cầu chúc tất cả anh em được ơn canh tân mỗi ngày ân huệ của Thiên Chúa mà anh em đã lãnh nhận do việc đặt tay, ơn hưởng nhờ nguồn khích lệ nơi tình bạn sâu xa là tình bạn nối liền anh em với Đức Giêsu và hiệp nhất anh em lại với nhau, ơn cảm nếm niềm vui vè sự tăng trưởng của đoàn chiên Thiên Chúa hướng về một tình yêu ngày càng lớn rộng hơn đối với Ngài và đối với mọi người, ơn bảo tồn niềm xác tín thanh thản rằng Đấng đã khởi sự nơi anh em công trình tốt đẹp chắc hẳn sẽ đưa công trình ấy đến chỗ hoàn thành cho tới ngày của Đức Kitô Giêsu (x. Ph 1,6); hiệp nhất với mọi người và với từng người trong anh em, Tôi trao gởi lời nguyện cầu của Tôi cho Đức Maria, người mẹ và nhà giáo dục của các linh mục chúng ta.

Tất cả mọi khía cạnh trong nền đào tạo linh mục đều có thể đem gán cho Đức Maria, như một người phàm, hơn tất cả mọi người phàm khác, đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa ; Đức Maria đã hoá nên nữ tì và môn đệ của Lời Chúa đến độ cưu mang trong lòng mình và trong dạ mình Ngôi Lời làm người để rồi ban tặng Ngài cho nhân loại; Đức Maria đã được mời gọi để trở thành nhà giáo dục của vị linh mục duy nhất và vĩnh cửu, vị linh mục này đã tự nguyện sống ngoan nguỳ và đã từng phục quyền làm mẹ của Ngài. Nhờ gương sáng và sự chuyển cầu của Ngài, Đức Trinh Nữ vẫn tiếp tục chăm lo cho các ơn gọi và đời sống linh mục trong Giáo Hội được hưng thịnh.

Chính vì thế, là linh mục, chúng ta được mời gọi vun trồng nơi chúng ta một lòng sung kính dịu hiền và bền vững đối với Đức Trinh Nữ Maria, giãi bày về Ngài bằng cách bắt chước các nhân đức của Ngài và bằng cách thường xuyên cầu xin Ngài.

 

Lạy Đức Maria,

là Mẹ của Đức Giêsu Kitô và là Mẹ của các linh mục,

Xin hãy nhận lấy tước hiệu mà chúng con gán cho Mẹ

để ngợi ca chức quyền thánh mẫu của Mẹ

và để kề bên Mẹ chiêm ngắm chức linh mục

của Con mẹ và của các con cái Mẹ,

lạy Thánh Mẫu của Thiên Chúa !

Lạy Mẹ Đức Kitô,

Mẹ đã tặng ban cho Đấng Mêsia Linh Mục một thân thể xác phàm

Nhờ được Thánh Thần xức dầu

để cứu độ người nghèo và cứu độ những con người

có trái tim tan nát,

xin hãy gìn giữ các linh mục trong trái tim mẹ và trong Giáo Hội,

Lạy Mẹ Đấng Cứu Độ !

Lạy Mẹ đức tin,

Mẹ đã sánh bước tới Đền Thờ

cùng với Con người,

là sự ứng nghiệm của những lời hứa

như đã được ngỏ với cha ông chúng con,

xin hãy trao gởi các linh mục của Con Mẹ

cho Thiên Chúa Cha, để làm vinh danh Ngài,

lạy Hòm Bia Giao Ước !

Lạy Mẹ Giáo Hội,

tại Phòng Tiệc Ly, giữa các Môn Đệ,

Mẹ đã cầu nguyện với Thánh Thần

cho Dân mới và cho các vị Mục Tử của Dân mới,

Xin hãy làm cho hàng linh mục

được dư tràn các ân huệ,

lạy Nữ Vương các Tông Đồ !

Lạy Mẹ Đức Giêsu Kitô,

Mẹ đã ở với Ngài vào lúc khởi đầu cuộc sống

và sứ vụ của Ngài,

Mẹ đã tìm kiếm Ngài, khi Ngài đang làm Thầy giữa đám đông,

Mẹ đã đứng kề bên Ngài, khi Ngài được nâng lên khỏi mặt đất,

hoàn tất mọi sự để trở nên hy lễ duy nhất vĩnh cửu,

xin hãy đón nhận những kẻ được Chúa mời gọi,

khi họ cất những bước đầu tiên trên nẻo đường của họ,

xin hãy che chở cho sự tăng triển của họ,

xin hãy sát cánh với những người làm con mẹ

trong đời sống và trong thừa tác vụ,

lạy Mẹ là Mẹ các linh mục!

Amen.

 

 

Ban hành tại Rôma, gần Đền Thờ Thánh Phêrô,

ngày 25 tháng 3 năm 1992, vào ngày đại lễ Truyền Tin,

năm thứ mười bốn triều Giáo Hoàng của Tôi.

+ Gioan Phaolô II

Giáo Hoàng

 

 

(Chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp

trong báo Osservabore Romano số 15 ngày 14-04-1992)

 

 

——————

1) Propositio 2.

2) Diễn văn bế mạc Thượng Hội Đồng (27/10/1990), số 5 báo Osservatore Romano, (28/10/1990).

3) X. Propositio 1.

4) X. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, GH, số 28; Sắc lệnh về Thừa tác vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, LM; Sắc lệnh về đào tạo các linh mục Optatam totius, ĐT.

5) Ratio fundamentalis institutionis Sacerdotalis (6/01/1970) : AAS 62 (1970), tr.321-384.

6) Diễn văn bế mạc Thượng Hội Đồng (27/10/90), số 3 : 1.c.

7) Như trên, số 1: 1.c.

8) Sứ Điệp của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng gởi Dân Chúa (28/10/1990), III: Osservatore Romano, 29-30/10/1990.

9) Kinh Truyền Tin (14/01/1990), số 2 : Osservatore Romano, 15-16/01/1990.

10) Như trên, số 3 : 1.c.

11) X. Propositio 3.

12) Bài giảng của Đức Phaolô VI nhân khoá họp thứ IX CĐ Vat.II (7/12/1965): AAS 58 (1966), tr.55.

13) X. Propositio 3.

14) X. Như trên.

15) X. Thượng Hội Đồng các Giám Mục về việc đào tạo các linh mục trong hoàn cảnh hiện nay – “Lineamenta” (1989), số 5-6.

16) Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes, MV số 4.

17) X. Thượng Hội Đồng Giám Mục, Phiên họp khoáng đại thường kỳ VII, Sứ Điệp của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng gởi Dân Chúa (28/10/1990), 1 : 1.c.

18) Diễn văn bế mạc của Thượng hội Đồng (27/10/1990), số 4 : 1.c. ; x. Thư gửi các linh mục nhân ngày Thứ Năm Tuần Thánh 1991 (10/3/91): Osservatore Romano, 15/3/1991.

19) X. Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, GH; Sắc lệnh về Thừa tác vụ và đời sống linh mục Optatam totius, LM; Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo. Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis (6/1/1970) : 1.c, tr 321-384; Thượng Hội Đồng Giám Mục, phiên họp khoáng đại thường kỳ II, 1971.

20) Propositio 7.

21) CĐ Vat.II, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, GH số 5.

22) Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christifideles laici (30/12/1988), số 8 : AAS 81 (1989), tr.405; X. Thượng Hội Đồng Giám Mục, Phiên họp khoáng đại ngoại thường II, 1985.

23) X. Propositio 7.

24) X. Công Đồng Vat, II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 7-8.

25) X. Công Đồng Vat. II, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, GH, số 1.

26) X. Propositio 7.

27) X. Như trên.

28) Propositio 7.

29) Thượng Hội Đồng Giám Mục, phiên họp khoáng đại thường kỳ VIII, Việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay – “Instrumentum loboris”, số 16; x. Propositio 7.

30) Kinh Truyền Tin (25/2/1990) : Osservatore Romano, 26-27/2/1990.

31) X. Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 7-9.

32) Như trên số 8; x. Propositio 7.

33) X. Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM số 9.

34) Công Đồng Vat. II, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, GH, số 10.

35) X. Propositio 7.

36) Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 10.

37) Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 20.

38) X. Propositio 12.

39) Sứ điệp của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng gởi Dân Chúa (28/10/1990), III : 1.c.

40) Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, GH, số 40.

41) Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 12.

42) Sermo 340,1 : PL 38,1483.

43) Như trên : 1.c.

44) X. Propositio 8.

45) X. Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 2; 12.

46) X. Propositio 8.

47) Sermo Morin Guelferbytanus, 32,1; PLS 2, 637.

48) Sách lễ Roma, Ca Hiệp Lễ chúa nhật thứ tư Mùa Phục Sinh.

49) X. Tông Thư, Mulieris dignitatem. Phẩm giá của phụ nữ (15/8/1988), số 26 : AAS 80 (1988), tr. 1715-1716.

50) Propositio 7.

51) Bài giảng dịp tôn thờ Thánh Thể tại Séoul (7/10/1989), số 2: Insegnamenti XII/2 (1989), tr. 785.

52) Thánh Augustinô, In Iohannis Evangelium Tractatus, Khảo luận về Tin Mừng Gioan 123,5 : CCL 36,678.

53) Với các linh mục tham dự đại hội do Hội Đồng Giám Mục Ý khởi xướng (4/11/1980) : Insegnamenti III/2 (1980), TR. 1055.

54) Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục Presbyterorum ordinis, LM, số 14.

55) Như trên.

56) Như trên.

57) X. Phaolô VI, Tông Huấn về việc rao giảng Tin Mừng Evangelii nuntiandi (8/12/1975), số 75 : ASS 68 (1976), tr. 64-67.

58) X. Propositio 8.

59) Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 12.

60) In Iohannis Evange-lium Tractatus, 123, 5 : 1.c.

61) X. Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, số 12.

62) Như trên, số 5.

63) X. Công Đồng Trentô, Decretum de justificatione, Sắc lệnh về sự công chính hoá, chương 7; Decretum de sacramentis, Sắc lệnh về các bí tích, khoản 6 (DS 1529;1606).

64) Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 12.

65) Thánh Augustinô, Sermo de Nat. Sanct. Apost. Petri et Pauli sx Evangelio in quo ait : Simon Iohannis diligis me?: Bibliotheca Casinensis, in “Miscellanea Augustiana”, Quyển I phát hành do G.Morin, o.s.b., Roma, Typ. Polygl. Vat., 1930, tr.404.

66) X. Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 4-6; 13.

67) X. Phaolô VI, Tông Huấn về việc Rao giảng Tin Mừng, Evangelu nuntiandi (8/12/1975), số 15 : 1.c; tr. 13-15.

68) X. Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải, Dei Verbum, MK, số 8; 10.

69) Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 5.

70) Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng, Hoà Giải và Thống Hối, Reconciliatio et paenitentia (2/12/1984), số 31, VI : AAS 77 (1985), tr. 265-266.

71) Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 6.

72) X. Công Đồng Vat. II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, GH, số 42.

73) X. Propositio 9.

74) Công Đồng Vat, II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 15.

75) X. như trên.

76) Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, Lumen Gentium, GH, số 42.

77) Tông Huấn về Gia đình, Familiaris consortio (22/11/1981), số 16 : AAS 74 (1982), tr.98.

78) Propositio 11.

79) Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 16.

80) Như trên.

81) Propositio 8.

82) X. Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 17.

83) Propositio 10.

84) Như trên.

85) X. Thánh Bộ đặc trách các tu sĩ và các Tu Hội đời và Thánh Bộ đặc trách các giám mục, Những Chỉ Dẫn dành cho các mối quan hệ hỗ tương giữa các giám mục và tu sĩ trong Giáo hội, Mutuae relationes (14/5/1978), số 18: AAS 70 (1978), tr. 484-485.

86) X. Propositiones 25,38.

87) X. Công Đồng Vat. II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, Lumen Gentium, GH, số 23.

88) Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 10; x. Propositio 12.

89) Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Chuộc, Redemptoris missio (7/12/1990), số 67 : AAS 83 (1991), tr. 315-316.

90) Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 10.

91) Bài giảng cho 5000 linh mục đến từ khắp thế giới (9/10/1984), số 2 : Insegnamenti VII/2 (1984), tr. 839.

92) Diễn văn bế mạc Thượng Hội Đồng (27/10/1990), số 5: 1.c.

93) X. Propositio 6.

94) X. Propositio 13.

95) X. Propositio 4.

96) Công Đồng Vat. II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, Lumen Gentium, GH, số 9.

97) Như trên.

98) Thánh Cyprianô, De dominica Oratione, 23 : CCL 3/A, 105.

99) X. Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về tông đồ giáo dân, Apostolicam actuositatem, TĐ, số 3.

100) Propositio 5.

101) Kinh Truyền Tin (3/12/1989), số 2: Insegnamenti XII/2 (1989), tr.1417.

102) Sứ điệp ngày quốc tế thứ V cầu cho ơn gọi linh mục (19/4/1968) : Insegnamenti VI (1968), tr.134-135.

103) X. Propositio 5.

104) X. Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, Lumen Gentium, GH, số 10; sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 12.

105) X. Propositio 13.

106) Công Đồng Vat. II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 16.

107) Sách lễ Roma, Lời Nguyện đầu lễ trong thánh lễ cầu cho ơn thiên triệu linh mục.

108) X. Công Đồng Vat. II, Hiến Chế về Phụng Vụ, Sacrosanctum Concilium, PV, số 10.

109) Propositio 15.

110) Như trên.

111) X. CIC, Giáo Luật khoản 220 : không ai […] được phép xâm phạm quyền bảo tồn bí mật của bất cứ ai; x. thêm khoản 642.

112) Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, LM, số 2.

113) X. Công Đồng Vat.II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các giám mục trong Giáo hội, Christus Dominus, GM, số 15.

114) X. Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 2.

115) Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 6.

116) Như trên, số 11.

117) X. Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 2.

118) Propositio 14.

119) Propositio 15.

120) X. propositio 16.

121) Sứ Điệp Ngày Quốc Tế Thứ XXII cầu cho ơn gọi linh mục (13/4/1985), số 1 : AAS 77 (1985), tr. 982.

122) Sứ điệp của các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng gởi Dân Chúa (28/10/1990), IV : 1.c.

123) Propositio 21.

124) X. Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 11; Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 3: Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis (6/1/1970), số 51 : 1.c., tr. 356-357.

125) X. Propositio 21.

126) Thông điệp Redemptor hominis (4/3/1979), số 10 : AAS 71 (1979), tr. 274.

127) Tông Huấn Familiaris Consortio (22/11/1981), số 37: 1.c. tr. 128.

128) Như trên.

129) Propositio 21.

130) X. Công Đồng Vat. II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et Spes, MV, số 24.

131) X. Propositio 21.

132) Propositio 22.

133) X. Thánh Augustinô, Conf. I, 1 : CSEL 33,1.

134) Thượng Hội Đồng Giám Mục, Phiên họp khoáng đại thường kỳ lần VIII, Việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay – “Instrumentum laboris”, số 30.

135) Propositio 22.

136) Propositio 23.

137) Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 8.

138) Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải, Dei Verbum, MK, số 24.

139) Như trên, số 2.

140) Như trên, số 25.

141) Kinh Truyền Tin (4/3/1990), số 2-3 : Osservatore Romano, 5-6/3/1990.

142) Công Đồng Vat. II, Hiến Chế về Phụng Vụ, Sacro santum Concilium, PV, số 14.

143) Thánh Augustinô, In Iohannis Evangelium Tractatus 26,13 : 1.c. 266.

144) Phụng Vụ Các Giờ Kinh, Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Kinh Chiều II, antiphona (Tiền xướng) trước kinh Magnificat.

145) X. Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 13.

146) Kinh Truyền Tin (1/7/1990), số 3: Osservatore Romano, 2-3/7/1990.

147) Propositio 23.

148) Như trên.

149) X. như trên.

150) Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 9.

151) Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Ratio fundamentalis institutionis sacerdotalis, ĐT, số 10.

152) Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 10.

153) Như trên.

154) X. Thư gởi tất cả các linh mục trong Giáo Hội nhân ngày thứ Năm Tuần Thánh 1979 (8/4/1979) : Insegnamenti II/1 (1979), tr. 841-862.

155) Propositio 24.

156) Công Đồng Vat. II, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 15.

157) Propositio 26.

158) X. Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 16.

159) Việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay – “Instrumentum laboris”, số 39.

160) X. Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Thư gởi các giám mục về việc giảng dạy triết học trong các chủng viện (20/1/1972).

161) “Desideravi inteliectu videre quod credidi et multum disputavi et laboravi”, De Trinitate XV,28 : CCL 50/A, 534.

162) Diễn văn cho các tham dự viên Tuần Lễ Thánh Kinh thứ XXI tại Ý (25/9/1970) : AAS 62 (1970), tr. 618.

163) Propositio 26.

164) “Fides, quae est quasi habitus theologiae” In Lib. Boetii de Trinitate V, 4, đến 8.

165) Thánh Tôma, In I Sentent. q. I, a : 1-5.

166) X. Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn thị về ơn gọi của thần học gia trong Giáo hội, Donum veritatis (24/5/1990), số 11; 40 : AAS 82 (1990), tr. 1554-1555; 1568-1569.

167) Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 14.

168) Itinerarium mentis in Deum, Prol. số 4 : Opera omnia, Tomus V, Ad Claras Aquas (1981), tr. 296.

169) Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 16.

170) Thông Điệp về các vấn đề xã hội, Sollicitudo rei socialis (30/12/1987), số 41 : AAS 80 (1988), tr. 571.

171) X. Thông Điệp Bách Chu Niên, Centesimus annus (1/5/1991), số 54 : AAS 83 (1991), tr. 859-860.

172) Thánh Bộ Giáo lý Đức Tin, Huấn Thị về ơn gọi của thần học gia trong Giáo Hội, Donum veritatis (24/5/1990), số 21 : 1.c., tr.1559.

173) Propositio 26.

174) Chẳng hạn Thánh Tôma Aquinô viết: “Phải bám vào quyền bính của Giáo Hội hơn là vào quyền bính của Augustinô, của Hiêrônimô hay của một tiến sĩ nào khác” (S.T.,II-II,10,12); và hơn nữa, không ai có thể mượn quyền của Hiêrônimô, của Augustinô hay của một vị tiến sĩ nào khác để bào chữa cho mình chống lại quyền bính của Phêrô (x.S.T.,II-II, 11,2-3).

175) Propositio 32.

176) X. Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế Redemptoris missio (7/12/1990), số 67: 1.c., tr 315-316.

177) X. Propositio 32.

178) Propositio 27.

179) Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totiuis, ĐT, số 4.

180) Công Đồng Vat.II, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, Lumen gentium, GH, số 48.

181) Explanatio Apocalypsis, Lib.II, 12 : PL 93, tr. 166.

182) X. Propositio 28.

183) Như trên.

184) Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 9; x. Gioan Phaolô II, Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng Christifideles laici (30/12/1988), số 61 : 1.c tr 512-514.

185) Propositio 28.

186) X. Như trên.

187) X. Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế, Redemptoris missio (7/12/1990), số 67-68 : 1.c., tr. 315-316.

188) X. Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 4.

189) Propositio 20.

190) Như trên.

191) Như trên.

192) Như trên.

193) Diễn văn cho các học sinh và cựu học sinh Trường Capranica (21/1/1983): Insegnamenti VI/1 (1983), tr. 173-178).

194) Propositio 20.

195) Như trên.

196) X. Propositio 19.

197) Như trên.

198) In Iohannem Evangelistam Expositio, c.21, lect.V, 2.

199) Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 3.

200) X. Propositio 17.

201) X. Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo, Ratio Fundamentalis institutionis saerdotalis (6/1/1970), số 19: 1.c., tr 342.

202) Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 7.

203) Propositio 29.

204) Như trên.

205) X. Propositio 23.

206) X. Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christifideles laici (30/12/1988), số 61; 63 : 1.c tr. 512-514; 517-518, Tông Thư Mulieris dignitatem (15/8/1988), số 29-31: 1.c., tr.1721-1729.

207) X. Propositio 29.

208) Propositio 30.

209) Như trên.

210) X. propositio 25.

211) Diễn văn ngỏ với các linh mục tương cận với phong trào “Hiệp Thông và Giải Phóng” (12/9/1985): AAS 78 (1986), tr. 256.

212) X. Propositio 25.

213) Cuộc gặp gỡ với các đại biểu hàng giáo sĩ Thụy Sĩ ở Einsieden (15/6/1984), số 10 : Insegnamenti VII/1 (1984), tr. 1798.

214) X. Thánh Augustinô, In Iohannis Evangelium Tractatus, 123,5 : 1.c., 678-680.

215) X. Propositio 31.

216) Thánh Charles Borromée, Acta Ecclesiae Mediolanensis, Milan (1559), tr. 1178.

217) X. Công Đồng Vat. II, Hiến Chế về Mục Vụ Giáo Hội trong thế giới ngày nay, Gaudium et spes, MV, số 22.

218) Thượng Hội Đồng Giám Mục, phiên họp khoáng đại thường kỳ VII, Việc đào tạo các linh mục trong hoàn cảnh hiện nay, “Instrunentum laboris” (1990), số 55.

219) X. Công đồng Vat. II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 6.

220) Thông Điệp Ecclesiam suam (6/8/1964), III : AAS 56 (1964), tr. 647.

221) X. Thánh Bộ Giáo Sĩ, Những Chỉ Dẫn dành cho việc thăng tiến sự hợp tác hỗ tương giữa các Giáo Hội địa phương với nhau và đặc biệt dành cho việc phân phối giáo sõ thích ứng hơn, Postquam Apostoli (25/3/1980) : AAS 72 (1980), tr. 343-364.

222) Propositio 39.

223) Propositio 34.

224) Như trên

225) Như trên

226) X. Propositio 38; Công Đồng Vat. II, Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 1; Sắc lệnh về việc đào tạo linh mục, Optatam totius, ĐT, số 1; Thánh Bộ đặc trách các Tu Sĩ và các Tu hội đời và Thánh Bộ đặc trách các giám mục, Những Chỉ Dẫn dành cho mối quan hệ hỗ tương giữa các giám mục và các Tu sĩ trong Giáo hội, Mutuae relationes (14/5/1978), số 2; 10 : 1.c., tr. 475; 479-480.

227) Propositio 35.

228) Như trên

229) X. Propositio 36.

230) Thượng Hội Đồng Giám Mục, Phiên họp khoáng đại thường kỳ VIII, Việc đào tạo linh mục trong hoàn cảnh hiện nay, “Instrumentum laboris” (1990), số 60; x. Công Đồng Vat.II, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các giám mục trong Giáo hội, Christus Dominus, GM, số 30; Sắc lệnh về thừa tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum ordinis, LM, số 8; CIC, Giáo Luật, khoản 550,2.

231) Propositio 37.

232) G.N Montini, Thư mục vụ về cảm thức luân lý, 1961.

233) X. Propositio 40.

 

 

Chia sẻ