Tổng Quan Và Nhận Định Về Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Của Tình Yêu)
Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.
Tông huấn Amoris Laetitia được ký vào ngày 19-03-2016, lễ thánh Giuse, giáp ba năm Đức Thánh Cha Phanxicô nhậm chức mục tử của Giáo Hội, và được phát hành qua cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 08-04-2016. Các cơ quan truyền thông đã loan tin và phổ biến bản tóm lược vắn tắt do chính văn phòng thư ký Thượng Hội Đồng đã soạn. Trên thực tế, người ta chỉ chú trọng những đoạn giật gân và bỏ qua nhiều đoạn ý nghĩa. Bài viết này muốn giới thiệu Tông huấn với cái nhìn tổng quan, nhằm cho thấy sự phong phú của nó, và được chia gồm 3 phần: 1/. Nhận xét từ bên ngoài; 2/. Nội dung; 3/. Vài ghi nhận.
I. NHẬN XÉT TỪ BÊN NGOÀI
Nếu được mời đi tham quan một ngôi nhà mới xây, chắc hẳn trước khi vào nhà, chúng ta sẽ dừng lại để có cái nhìn tổng thể cũng như khung cảnh của nó. Chúng ta cũng làm như vậy đối với văn kiện này, nhìn sơ qua: 1/. Tên gọi; 2/. Bố cục; 3/. Những nguồn mạch.A. Tựa đề
Liên quan đến tựa đề, nên ghi nhận hai điều:
1/. Amoris Laetitia được dịch sang các ngôn ngữ khác là “niềm vui” (la joie, the joy, la gioia, la alegria) của tình yêu; nhưng trong nguyên bản Latin, “Laetitia” thì khác với tựa đề của Tông huấn trước đây (Evangelii) Gaudium cũng là “niềm vui”. Trong năm phụng vụ, có hai Chúa Nhật “Vui mừng” (chủ tế có thể mặc phẩm phục màu hồng) nhưng mang tên khác nhau: Chúa Nhật III mùa Vọng được đặt tên là “Gaudete”, còn Chúa Nhật IV mùa Chay là “Laetare”. Phải chăng tiếng Latin phong phú về niềm vui hơn các ngôn ngữ khác? Đó là nói đến các ngôn ngữ châu Âu, chứ tiếng Việt thì dồi dào lắm: vui vẻ, vui tươi, vui mừng, hân hoan, hoan hỉ, hoan lạc,.v.v…
2/. Chủ đề của văn kiện không phải là “Hôn Nhân và Gia Đình”, nhưng là “Về tình yêu trong gia đình”. Điểm nhấn là “tình yêu” (amor)! Tình yêu nào? Ở đây, danh từ “amor” bao hàm cả “caritas”/“agape”, theo nghĩa được thánh Phaolô phân tích ở Chương 13 của Thư thứ nhất gửi Corintô (được Tông huấn chú giải trong chương Bốn). Tuy nhiên, trong đời sống gia đình, “tình yêu” không chỉ có chiều kích siêu nhiên mà thôi, nhưng còn có tình cảm, giác quan nữa. Dù sao, dưới khía cạnh kỹ thuật, bởi vì từ “gia đình” được lặp lại nhiều lần (428 lần trong bản tiếng Italia); “hôn nhân” (189 lần). Mặt khác, có nhiều từ được dùng nhiều lần: “Thiên Chúa” (205 lần); “tình yêu” (377 lần); “Đức Giêsu” (67 lần);“Giáo Hội” (151 lần);“Đức tin” (102 lần). Ngoài ra, tên gọi của chính Tông huấn này, Amoris Laetitia,được viết tắt là “AL”.
B. Bố cục
Văn kiện gồm 325 số (khá dài, so với Tông huấn Evangelii Gaudium gồm 288 số; Tông huấn về gia đình Familiaris Consortio của Thánh Gioan Phaolô II chỉ có 86 số). Xem ra, Đức Giáo Hoàng Phanxicô giảng thì ngắn, nhưng viết thì dài (trái với vị tiền nhiệm là Đức Giáo Hoàng Benedict XVI)! Ngay từ nhập đề, tác giả yêu cầu hãy đọc thong thả, chứ đừng hấp tấp (AL, số 7). Nội dung được phân phối không đều đặn trong 9 chương. Sau Nhập đề (7 số), văn kiện đi thẳng vào các chương, chứ không xuyên qua các phần, và không có Kết luận (chỉ có một kinh nguyện kết thúc).
1/. Dưới ánh sáng của Lời Chúa (8-30): 22 số.
2/. Thực tại và những thách đố của các gia đình (31-57): 26 số.
3/. Cái nhìn hướng lên Đức Giêsu: ơn gọi của gia đình (58-88): 30 số.
4/. Tình yêu trong hôn nhân (89-164): 75 số. Đây là chương dài nhất.
5/. Tình yêu trở nên phong phú (165-198): 33 số.
6/. Vài viễn tượng mục vụ (199-258): 59 số.
7/. Củng cố việc giáo dục con cái (259-290): 31 số.
8/. Đồng hành, phân định và hòa nhập (291-312): 21 số.
9/. Linh đạo hôn nhân và gia đình (313-325): 12 số. Chương này ngắn nhất, kết thúc với một kinh nguyện.
Vậy có một thứ tự luận lý nào giữa các chương không? Thiết tưởng có thể vạch ra thứ tự như sau:
Văn kiện mở đầu bằng Lời Chúa (Chương 1), soi sáng mọi thực tại của con người. Những Chương kế tiếp dựa theo thứ tự: “Xem – Xét – Làm” (Thứ tự này đã được áp dụng trong bản tường trình kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2015).
– Xem: Thực trạng hôn nhân và gia đình hôm nay (Chương 2).
– Xét: Đạo lý của Giáo Hội về hôn nhân, Tình yêu, Sinh sản (Chương 3-5; Lẽ ra Chương 1 nên để ở đây).
– Làm: Mục vụ hôn nhân (Chương 6), qua các giai đoạn (chuẩn bị kết hôn; những năm đầu tiên; những khó khăn; già nua bệnh tật). Giáo dục con cái (Chương 7). Những trường hợp rối ren (Chương 8). Linh đạo (Chương 9).
Các cơ quan truyền thông chỉ chú trọng đến Chương 8 (cách riêng là các số 296-300)! Thật là đáng tiếc, bởi vì đó không phải là trọng tâm! Dù sao, nếu có thời giờ thì hãy thong thả nghiền ngẫm toàn thể văn kiện (tôi đã tải từ internet của Vatican xuống máy vi tính, đếm được 89 trang khổ A4, cộng thêm các endnotes là 107 trang), tuy không cấm lựa chọn (như chính tác giả đã gợi ý ở số 7): các đôi hôn nhân có thể chọn Chương 4 và Chương 5; những người làm mục vụ nên chú trọng đến Chương 6; và Chương 8 cần được các mục tử lưu ý.
C. Nguồn mạch
Trước khi đặt chân vào nhà, chúng ta hãy đặt câu hỏi cho ông kỹ sư: vật liệu xây dựng mua ở đâu vậy? Văn kiện này có đến 391 chú thích ở cuối (không kể những trưng dẫn Kinh Thánh) mang những nguồn khác nhau. Chúng ta có thể xếp đặt các nguồn mạch theo từng nhóm như sau:
1/. Một đặc trưng của Đức Thánh Cha Phanxicô là tính tập đoàn Giám mục (collegialità, sinodalità). Tông huấn trưng dẫn hai bản văn đúc kết hai khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2014 (Relatio synodi, 52 lần) và năm 2015 (Relatio finalis, 84 lần);[1] thêm vào đó là các văn kiện của các Hội Đồng Giám Mục: CELAM, Mexico, Kenya, Australia, Colombia, Italia, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Chile.
2/. Các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm: Piô XI, “Casti connubii”; Piô XII, “Mystici Corporis Christi”; Phaolô VI, “Humanae vitae” (2 lần + 4 lần được trưng dẫn trong những văn kiện khác); Thánh Gioan Phaolô II, “Huấn giáo về tình yêu” (23 lần) và “Familiaris Consortio” (21 lần + 6 lần ở văn kiện khác); Benedict XVI, “Deus Caritas Est” (9 lần + 1 lần ở văn kiện khác); Phanxicô, “Evangelii Gaudium” (16 lần +1 lần ở văn kiện khác) và “Huấn giáo về gia đình” (50 lần).
3/. Công Đồng Vatican II (22 lần + 6 lần ở văn kiện khác); Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (13 lần + 2 lần ở văn kiện khác).
4/. Các Giáo phụ: Thánh Lêô Cả; Thánh Augustin.
5/. Các nhà thần học Trung cổ và Cận đại: Thánh Tôma Aquinô (19 lần);[2] Thánh Đaminh (1 lần ở số 258 khi nói về cái chết); Alexander Hales; Thánh Inhaxio Loyola (3 lần); Thánh Roberto Bellarmino; Thánh Gioan Thánh giá.
6/. Các văn sĩ Hiện đại: Joseph Pieper, Antonin Sertillanges O.P., Gabriel Marcel, Erich Fromm, Thánh Teresa Lisieux, Dietrich Bonhoeffer, Jorge Luis Borges, Octavio Paz, Mario Benedetti, Martin Luther King.
Bây giờ chúng ta có thể bước vào nhà được rồi.
II. NỘI DUNG
Ngay từ những số mở đầu, tác giả muốn “chuẩn bị tinh thần” để người đọc biết được chủ ý của mình, để đừng đòi hỏi quá đáng rồi lại đâm ra thất vọng.
Tình hình của các đôi hôn nhân và gia đình trên thế giới rất phức tạp, và Huấn quyền không thể giải quyết được hết mọi tình tiết (AL, số 3). Như sẽ thấy, điều này đòi hỏi các mục tử (Giám mục và linh mục) phải sử dụng đến sự “phân định” cho mỗi trường hợp cụ thể (AL, số 300).Cần phải tránh hai thái cực: một bên cố gắng bảo vệ đạo lý chính thống đến nỗi quên mất những con người cụ thể; bên kia, muốn giải quyết những hoàn cảnh cụ thể nhưng không quan tâm đến đạo lý (AL, số 2).
Ai cũng biết là có nhiều đôi hôn nhân tan vỡ, và văn kiện muốn nghiên cứu vấn đề ấy. Tuy nhiên, ta đừng dừng lại ở những điểm tiêu cực ấy, nhưng hãy cố gắng “loan báo Tin Mừng”, nêu bật những khía cạnh cao đẹp của tình yêu trong gia đình (x. AL, số 57-58). Đàng khác, trong Năm Thánh của Lòng Chúa Thương Xót, cần phải thi hành lòng thương xót với những ai chưa thực hiện được lý tưởng hoàn thiện của hôn nhân (x. AL, số 38; 306).
CHƯƠNG MỘT: LỜI CHÚA
Khi bàn về hôn nhân và gia đình, các văn kiện Giáo Hội thường trưng dẫn những chương đầu của sách Sáng Thế, để khám phá ra ý định của Đấng Tạo Hóa về hôn nhân. Tông huấn Amoris Laetitia mở rộng nhãn giới, trình bày gia đình trong đời sống hằng ngày, với những mặt phải và mặt trái của nó.
A. Vẻ đẹp của gia đình êm ấm thuận hòa
Chương Một mở đầu với một bức tranh của gia đình đầm ấm được mô tả trong Thánh Vịnh 128. Từ đó, bước vào phân tích những tương quan giữa vợ chồng, và cha mẹ với con cái.
Tình yêu vợ chồng: hình ảnh Thiên Chúa, biểu tượng của mầu nhiệm thông hiệp giữa Ba Ngôi, cũng như của Đức Kitô với Hội Thánh và của sự kết hiệp giữa linh hồn với Thiên Chúa (AL, số 10-11).
Con cái tạo nên “nhà cửa” theo tâm thức của người Do Thái (Tv 127), hình ảnh của tổ ấm Giáo Hội: nơi giáo dục đức tin. Gia đình là nơi con cái lãnh nhận các giá trị đạo đức, học biết các bổn phận thảo hiếu đối với cha mẹ. Đồng thời, cha mẹ cũng cần học hỏi nơi con cái, để khám phá ơn gọi riêng của chúng (AL, số 12-17).
B. Đau khổ và nước mắt
Kinh Thánh không bỏ qua bộ mặt trái của gia đình, ngay từ những trang đầu: những cảnh xung đột, chém giết giữa anh chị em, cũng như những cảnh tang chế trong gia đình (AL, số 18-22); thêm vào đó, ta còn đọc thấy những câu chuyện vất vả làm ăn, cũng như những tệ nạn xã hội mà các gia đình cùng chia sẻ trong cuộc sống hằng ngày (AL, số 23-26).
C. Tin Mừng của Đức Kitô
Đức Kitô đã chia sẻ những vui buồn của gia đình, đã trải nếm cảnh di cư khi còn nhỏ, đã tham gia tiệc cưới, đã chứng kiến những đám tang. Người đã mang lại một tia sáng mới, đó là tình yêu trao hiến, tình yêu lân tuất, biết tha thứ. Tình yêu được diễn tả qua những cử chỉ âu yếm mà chúng ta cần khám phá lại (AL, số 27-28). Tân ước còn trình bày những khuôn mẫu của tình yêu nơi mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, nơi thánh gia Nazareth (AL, số 29-30). Những điểm này sẽ còn được khai triển trong chương Ba (AL, số 61-66).
CHƯƠNG HAI: THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA CÁC GIA ĐÌNH
Chương này được chia làm hai mục: 1/. Thực trạng (số 32-49); 2/. Những thách đố (số 50-57).
A. Thực trạng
Một lần nữa, cần nhìn đến mặt phải và mặt trái của gia đình (huy chương nào cũng có mặ trái). Ngày nay, người ta ý thức hơn về tương quan ngôi vị và sự san sẻ trách nhiệm; nhưng việc quá đề cao tự do cá nhân dẫn đến thái độ chủ quan, độc đoán, không dám ra khỏi mình để trao hiến cho người khác, hoặc cam kết sự chung thủy lâu bền (AL, số 33). Văn hóa hiện đại hướng đến hưởng thụ hơn là nỗ lực hy sinh (AL, số 39). Nhiều chính phủ chủ trương hạn chế sinh sản, triệt sản, phá thai (AL, số 40), nhưng lại không tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc kiến tạo gia đình, chẳng hạn như công ăn việc làm cho các bạn trẻ (AL, số 44). Cũng cần thêm những khó khăn gây ra bởi cảnh nghèo đói, chiến tranh, di dân (AL, số 46; 49). Tông huấn cũng dành những đoạn cho những thành phần yếu ớt của gia đình: các thiếu nhi (AL, số 45), những người khuyết tật (AL, số 47), những người cao tuổi (AL, số 48).
B. Những thách đố
Vài thách đố được kể ra: cha mẹ không có thời giờ dành cho việc giáo dục đức tin cho con cái (AL, số 50). Nạn ma túy, rượu chè, cờ bạc, trở nên nguyên nhân hoặc hậu quả của bạo hành trong gia đình và ngoài xã hội (AL, số 51). Chính sách cổ động cho hôn nhân đồng tính chắc hẳn đưa tới sự phá hoại thể chế gia đình (AL, số 52). Những hủ tục của xã hội cổ truyền (đa thê, hôn nhân đã được dàn xếp trước, kết hôn thử nghiệm,…) không còn thích hợp với thời đại; tuy nhiên, những phản ứng chống lại khuôn mẫu cổ truyền cũng không cải tiến định chế này (AL, số 53). Những số cuối của chương Hai (AL, số 54-56) đề cập đến những vấn đề liên quan đến phụ nữ (bạo hành, khai thác tính dục, buôn bán thân xác); cũng như người nam (sự vắng mặt thể lý, tìm cảm, tri thức và tinh thần trong đời sống gia đình); và đặc biệt là ý thức hệ Gender muốn phá hủy sự khác biệt giữa giới tính nam nữ.
CHƯƠNG BA: ƠN GỌI GIA ĐÌNH
Như đã nói trong phần Giới thiệu, Tông huấn đi theo lược đồ của tiến trình: “Xem – Xét – Làm”. Sau khi đã “Xem” ở chương Hai, bây giờ là “Xét”, trước hết là đạo lý về hôn nhân và gia đình trong Kinh Thánh (phần lớn đã được đề cập trong chương Một) và truyền thống Giáo Hội, được chia làm 6 mục.
A. Đức Giêsu khôi phục lại dự án nguyên thủy (AL, số 61-66)
Hôn nhân là một ân huệ tốt đẹp của Thiên Chúa, chứ không phải là điều gì xấu xa. Đức Giêsu nhấn mạnh đến đặc tính bất khả phân ly của hôn nhân (Mt 19,6), đã cứu chuộc hôn nhân, cho nó mang biểu tượng của giao ước giữa Thiên Chúa với nhân loại. Người đã chia sẻ những vui buồn (tiệc cưới) và tang tóc của các gia đình. Người cũng đã tiếp đón những người phụ nữ ngoại tình, và mang lại ơn tha thứ cho họ.
Thánh Gia Nazareth đã trở thành một gương mẫu cho biết bao gia đình, và kể cả đề tài của linh đạo của các tu sĩ (AL, số 65-66).
B. Gia đình trong các văn kiện của Giáo Hội (AL, số 67-70)
Tông huấn điểm qua những văn kiện của Giáo Hội, bắt đầu từ Công Đồng Vatican II: Hiến chế Gaudium et spes (số 47-52) và Lumen Gentium (số 11: Giáo Hội gia thất); Đức Giáo Hoàng Phaolô VI: Thông điệp Humanae vitae (tình yêu và sinh sản), Tông huấn Evangelii Nuntiandi (Gia đình và Giáo Hội); Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Thư gửi các gia đình, và đặc biệt là Tông huấn Familiaris Consortio; Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI, Thông điệp Deus caritas est (số 2 và 11) và Caritas in veritate (số 44, về tình yêu gia đình và sự xây dựng xã hội).
C. Bí tích Hôn Nhân (AL, số 71-75)
Tông huấn nhắc lại đạo lý của Giáo Hội về Bí tích Hôn Nhân, dựa theo các văn kiện Tòa Thánh vừa nói. Hôn nhân là một ơn gọi, để làm dấu hiệu cho tình yêu của Đức Giêsu với Hội Thánh (AL, số 72). Người hiện diện và đồng hành với đôi bạn. Sự kết hợp vợ chồng trở thành một “huyền nhiệm”, con đường tăng trưởng ân sủng. Tông huấn nhắc lại đạo lý của truyền thống Latin, theo đó vợ chồng là tác nhân của Bí tích, mặc dù cũng nhìn nhận rằng truyền thống Đông phương làm nổi bật hơn vai trò của Thánh Linh qua sự chúc lành.
D. Dấu vết của “Lời” và những hoàn cảnh bất toàn (AL, số 76-79)
Đi từ nguyên tắc là Đức Kitô đã kiện toàn các định chế thiên nhiên, các nghị phụ muốn nhìn nhận các giá trị của hôn nhân “tự nhiên” nơi các nền văn hóa và các tôn giáo khác (các thiện hảo của hôn nhân: duy nhất, bất khả ly, mở rộng đến sự sống), bởi vì chúng cũng chứa đựng những mầm mống của “Lời”, mặc dù chưa được xếp ngang hàng với Bí tích. Tiến thêm một bước nữa, Tông huấn cũng muốn nhìn nhận giá trị của các hôn nhân “tự nhiên” của các Kitô hữu (những người không kết hôn trong nhà thờ), đặc biệt khi nó đã được vượt qua những thử thách. Số 79 yêu cầu một sự “phân định” của các mục tử; điều này sẽ được khai triển trong chương Tám.
E. Truyền sinh và giáo dục (AL, số 80-85)
Hôn nhân là sự hiệp thông tình yêu giữa hai vợ chồng; tuy vậy, nó không khép kín giữa hai người, nhưng mở rộng ra đời sống mới. Việc sinh sản con cái là một sự thông dự vào hành vi tạo dựng của Thiên Chúa. Đối lại, con cái có quyền được sinh ra trong một bầu khí tình yêu của cha mẹ. Vào thời nay, quyền sống bị vi phạm bởi những chính sách phá thai, trợ tử.
Một trong những thách đố mà cha mẹ phải đương đầu là việc giáo dục con cái. Đây là một nghĩa vụ và quyền lợi của cha mẹ. Tiếc rằng, vai trò này đã bị hạn chế do điều kiện sinh sống, cũng như do các chính sách giáo dục hoặc các phương tiện truyền thông. Giáo Hội có bổn phận trợ giúp cha mẹ trong việc giáo dục, cách riêng trong lãnh vực tôn giáo.
Hai đề tài truyền sinh và giáo dục sẽ còn được khai triển trong các chương Năm và chương Bảy.
F. Gia đình và Giáo Hội (AL, số 86-88)
Gia đình là nơi đầu tiên mà con người có cảm nghiệm về Giáo Hội như hiệp thông tình yêu. Giáo Hội là gia đình của các gia đình. Mối liên hệ hỗ tương giữa đôi bên có thể diễn tả như sau: Giáo Hội là một thiện hảo cho gia đình; gia đình là một thiện hảo cho Giáo Hội.
CHƯƠNG BỐN: TÌNH YÊU TRONG GIA ĐÌNH
Đây là chương dài nhất của Tông huấn, và nói được là trọng tâm của văn kiện, được loan báo ngay từ tựa đề. Chương này được chia làm bốn mục.A. Tình yêu trong đời sống thường nhật (AL, số 90-119)
Dựa theo 1Cr 13,4-7, Mục thứ nhất mô tả 13 đặc tính của tình yêu: nhẫn nhục (số 91-92), từ tâm (số 93-94), không ghen tị (số 95-96), không khoe khoang tự đắc (số 97-98), nhã nhặn (số 99-100), vị tha (số 101-102), không tức giận (số 103-104), biết tha thứ (số 105-108), vui với người khác (số 109-110), không chấp nhất (số 111-113), tin tưởng (số 114-115), hy vọng (số 116-117), chịu đựng (số 118-119). Đây là một bài chú giải thực tế về “Agape” không chỉ trong đời sống vợ chồng, mà còn trong mọi tương quan với người khác.
B. Tình yêu vợ chồng (AL, số 120-141)
Ngoài cốt lõi “Agape”, tình yêu vợ chồng còn bao gồm nhiều khía cạnh khác: tình cảm, âu yếm, tính dục. Dĩ nhiên, cần phân biệt cái gì là nòng cốt bền vững, cái gì là cảm xúc có thể tăng giảm. Mặt khác, cũng cần ý thức rằng, lý tưởng là một chuyện (Bí tích diễn tả tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội Thánh), nhưng lý tưởng ấy không thể đạt được cách chớp nhoáng, song đòi hỏi một tiến trình lâu dài (AL, số 121).
Tình yêu vợ chồng là tình bạn, mang tính trao hiến hoàn toàn và độc chiếm. Sự độc nhất và bền vững nằm trong bản chất của tình yêu chứ không do một luật lệ bên ngoài áp đặt. Ngoài hai đặc tính cốt yếu vừa kể, tình yêu vợ chồng còn mang theo niềm vui (AL, số 126), vẻ đẹp (AL, số 127-130), dám cam kết và tin tưởng (AL, số 131-132), chấp nhận thực tại và không ngừng đổi mới (đừng ngại lặp lại các lời “làm ơn”, “xin lỗi”, “cám ơn”: AL, số 133). Một phương thế để duy trì và tăng trưởng tình yêu là “đối thoại”. Tông huấn đã dành các số 136-141 cho đề tài này. Đối thoại đòi hỏi vài kỹ năng, chẳng hạn như: biết lắng nghe (kiên nhẫn, dành thời gian, lựa lời lẽ,v.v…).
C. Tình yêu và cảm xúc (AL, số 142-162)
Tông huấn đi sâu hơn vào những khía cạnh tâm lý của tình yêu vợ chồng: những cảm xúc (“Passio” trong tiếng Latin không phải là “đam mê” mà là “cảm xúc”) tựa như: hoan lạc, thích thú. Trong bối cảnh ấy, văn kiện đề cập đến khía cạnh tính dục (AL, số 150-152). Dù sao, đừng nên quên rằng, các cảm xúc (cũng như tính dục) cần được giáo dục, bởi vì có nguy cơ là mình chỉ tìm cách thỏa mãn thú vui của mình, và biến người khác thành dụng cụ thỏa mãn dục vọng, và không đếm xỉa đến phẩm giá của họ (AL, số 153-157).
Tuy tình yêu vợ chồng được coi là biểu tượng của tình yêu, nhưng chưa phải là tất cả tình yêu. Có người chọn sự độc thân (và trinh khiết vì Nước Trời) để diễn tả tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Tình yêu vợ chồng cũng như người sống độc thân đều có nguy cơ rơi vào tình trạng lệch lạc, khi chỉ đi tìm sự thỏa mãn cá nhân, và làm mất sự trao hiến cho người khác (AL, số 158-162).
D. Tình yêu trải qua dòng thời gian (AL, số 163-164)
Trải qua dòng thời gian, có lẽ những khía cạnh cảm xúc của tình yêu sẽ giảm dần, nhưng không vì thế mà tình yêu phai nhạt: hai người cảm thấy gắn bó với nhau hơn, vì đã từng chia sẻ bao nhiêu vui buồn cay đắng của cuộc đời.
Như đã nói ở đầu, riêng chương Bốn đã đủ để trở thành một quyển huấn giáo về tình yêu vợ chồng. Đề tài “tình yêu” còn được tiếp tục trong chương kế tiếp.
CHƯƠNG NĂM: TÌNH YÊU TRỞ NÊN PHONG PHÚ
Chương Bốn vừa rồi đề cập đến tình yêu giữa vợ chồng. Chương Năm này mở rộng tình yêu đến sự sống mới là con cái, và từ đó bàn đến gia đình. Nên ghi nhận một sự thay đổi trong cách trình bày về “mục đích” của hôn nhân trong các văn kiện của Giáo Hội. Cho đến Công Đồng Vatican II, “mục đích” thứ nhất của hôn nhân là sinh sản và giáo dục con cái; mục đích thứ hai là vợ chồng trợ giúp nhau. Hiến chế Gaudium et spes đã thay đổi thứ tự: hai người nam nữ lấy nhau vì yêu nhau và muốn tạo dựng một cộng đồng yêu thương; kết quả của tình yêu trao hiến cho nhau là con cái. Con cái chính là hoa trái của tình yêu giữa cha mẹ, vì thế cần được đón nhận với tình yêu.
A. Đón nhận đời sống mới (AL, số 166-177)
Tình yêu vợ chồng dẫn đến sự sinh sản con cái. Nhưng không nên chỉ nhìn con cái như là “sản phẩm” hình thành do ý muốn của cha mẹ làm ra: chúng cần được đón nhận như là hồng ân tình yêu của Thiên Chúa nữa.
Tông huấn theo dõi tiến trình sinh hạ con cái, về phía người mẹ cũng như về phía người cha, trong thời gian mang thai với những phập phồng và vui tươi (AL, số 168-171), cũng như khi đứa trẻ đã chào đời, và phân tích những đòi hỏi của thiên chức làm mẹ (AL, số 173-174) và làm cha (AL, số 175-177).
B. Mở rộng vòng tay (AL 178-186)
Tình yêu vợ chồng mở rộng đến con cái. Tuy nhiên, những đôi vợ chồng không có con cái không vì thế mà mất ý nghĩa: họ hãy nghĩ đến việc nhận con nuôi, hoặc giúp đỡ những trẻ em không có cha mẹ. Dù sao đi nữa, gia đình cần mở rộng đến những tương quan xã hội rộng hơn, quan tâm đến các gia đình túng thiếu, chia sẻ cho họ những gì cần thiết cho nhu cầu vật chất và tinh thần.
C. Đời sống trong gia đình (AL, số 187-198)
Mục cuối cùng của chương Năm là bàn đến những tương quan trong gia đình, hiểu theo nghĩa rộng của gia đình cổ truyền, nghĩa là bao gồm nhiều thế hệ. Trước hết là mối tương quan giữa cha mẹ và con cái (AL, số 188-190): con cái phải thảo hiếu với cha mẹ, nhưng cha mẹ cũng phải tôn trọng sự tự lập của con cái, đặc biệt khi chúng đã kết hôn. Kế đó là tương quan với các ông bà, những người già cả, nơi lưu giữ ký ức của gia đình (AL, số 191-193). Sau cùng, tình huynh đệ (AL, số 194-195), trường học để con người học biết sống với các phần tử trong xã hội. Tại nhiều xã hội cổ truyền, gia đình còn mở rộng đến họ hàng thân thích, tạo ra mối liên đới, chia sẻ cho nhau những vui buồn, thịnh đạt cũng như túng thiếu của các phần tử (AL, số 196-198).
CHƯƠNG SÁU: VÀI VIỄN TƯỢNG MỤC VỤ
Sau khi đã “Xem” (chương Hai), “Xét” (từ chương Ba đến chương Năm), phần còn lại bước sang “Làm”. Chương Sáu phác họa những hướng tổng quát; chương Bảy bàn về vấn đề giáo dục con cái; chương Tám đề cập đến những trường hợp rối ren. Chương Chín nhắm đến việc nên thánh.
Chương Sáu gồm 5 mục, trình bày những đường hướng mục vụ gia đình trải qua các giai đoạn tiến triển, từ lúc chớm nở cho đến khi lìa đời. Trong vấn đề này, Tông huấn chỉ gợi lên vài nét tổng quát, còn những chi tiết cụ thể được dành cho sáng kiến của các Giáo Hội địa phương.
A. Loan báo Tin Mừng gia đình (AL, số 200-204)
Mục thứ nhất phác họa vài nét tổng quát của công cuộc loan báo Tin Mừng cho các gia đình. Việc rao giảng cần đi sát với những đòi hỏi thực tế của mỗi địa phương. Dĩ nhiên, những chủ thể tiên khởi của công việc này là chính các gia đình, đặc biệt nhờ chứng tá sống động của mình. Dù sao, môi trường cổ điển cho việc loan báo là các giáo xứ; ngoài các giáo xứ, cần nói đến các phong trào, các hội đoàn, các cộng đoàn cơ bản. Các chủng sinh (những linh mục tương lai) cần được huấn luyện về đời sống gia đình, nhờ sự hỗ trợ của chính các gia đình. Ngoài ra, cũng cần nhờ đến các giáo dân chuyên viên trong các ngành y học, luật pháp, tâm lý, xã hội học.
B. Chuẩn bị cử hành hôn nhân (AL, số 205-216)
Mục thứ hai dành cho việc chuẩn bị các bạn trẻ cử hành hôn nhân, qua những chặng “Xa” – “Gần” – “Trực Tiếp”. Nếu cần, phải “can” họ đừng kết hôn khi thấy những thiếu sót trong sự hiểu biết về những đòi hỏi của hôn nhân, hoặc chưa đủ hiểu biết lẫn nhau (AL, số 209-210).
C. Đồng hành những năm đầu tiên đời sống hôn nhân (AL, số 217-230)
Trên đây, trong chương Bốn, Tông huấn đã nói đến tính năng động của tình yêu hôn nhân (AL, số 163-164). Thật vậy, ngày kết hôn chưa phải là tuyệt đỉnh của tình yêu, cũng chẳng phải là tuyệt đỉnh của Bí tích. Các cặp tân hôn cần phải được chuẩn bị để tiến triển luôn mãi. Trên thực tế, sau những ngày thơ mộng của lễ kết hôn, những khó khăn mới bắt đầu nảy sinh. Vì thế, các giáo xứ cần nghĩ đến những kế hoạch mục vụ để giúp họ vượt qua những khó khăn ấy, qua những buổi gặp gỡ, những cuộc đồng hành tâm linh. Các đôi tân hôn cũng được khuyến khích tham gia vào sinh hoạt giáo xứ, cũng như tăng trưởng đời sống tâm linh.
D. Những khủng hoảng (AL, số 231-252)
Mục thứ bốn giúp các đôi vợ chồng đương đầu với những khủng hoảng. Cần xem cuộc khủng hoảng như một thách đố, và hãy đối diện chứ đừng tránh né (AL, số 234). Có nhiều thứ khủng hoảng: có những thứ xảy ra khá thông thường trong mọi đôi hôn nhân, có những thứ mang tính riêng tư (AL, số 235-236). Cần khám phá ra nguyên nhân, đôi khi bắt nguồn từ sự thiếu trưởng thành tâm lý, hoặc từ những vết thương thời niên thiếu. Sự khủng hoảng có thể trở thành cơ may để trưởng thành hơn, để quảng đại tha thứ hơn.
Tuy nhiên, có những hoàn cảnh bắt buộc phải ly thân hay ly hôn (AL, số 241-246). Các mục tử cần phân định từng hoàn cảnh, và tìm cách đồng hành với họ, cách riêng là quan tâm đến các con cái của những vợ chồng ly hôn. Vấn đề này sẽ còn được bàn trong chương Tám.Sau cùng, Tông huấn cũng quan tâm đến vài hoàn cảnh khó khăn: những đôi vợ chồng khác tín ngưỡng, tôn giáo (AL, số 247-249), những gia đình có một phần tử có khuynh hướng đồng tính (AL, số 250-251),[3] những gia đình đơn chiếc (AL, số 252).
E. Tang tóc (AL, số 253-258)
Mục cuối của chương Sáu đề cập đến cảnh tang chế trong gia đình. Các mục tử cần gần gũi những gia đình gặp cảnh mất mát người thân. Đức tin mở ra những viễn ảnh mới về cuộc sống bên kia cái chết. Điều này có thể giúp những người mất đi người thân biết tìm ra những lẽ sống, một khi đã mất người bạn trăm năm.
CHƯƠNG BẢY: CỦNG CỐ VIỆC GIÁO DỤC CON CÁI
Chương Năm đã đề cập đến việc sinh sản con cái như là hoa trái của tình yêu. Chương Bảy này nói đến việc giáo dục con cái. Tuy ngắn (chỉ 31 số), nhưng chương này cũng được chia thành 7 mục.
A. Con cái ở đâu?
Cha mẹ thường đặt câu hỏi: “Con cái ở đâu?”, ra như muốn biết xem hiện chúng đang ở đâu hoặc đang làm gì. Nhưng bên cạnh chuyện biết “nơi vật lý” của con cái, cha mẹ cần biết “nơi tâm lý” của chúng, nghĩa là mức độ trưởng thành của chúng, để giúp cho chúng được trưởng thành (AL, số 260-262).
B. Huấn luyện luân lý cho con cái
Cha mẹ có thể giao cho trường học việc huấn luyện trí thức, nhưng không thể nào khoán trắng việc huấn luyện luân lý; nhờ gương sáng, nhờ việc giới thiệu các giá trị, và đặc biệt là việc giáo dục lương tâm, nhằm giúp cho các em biết quyết định hành động cách sáng suốt, tự do (AL, số 263-267).
C. Chế tài để thôi thúc
Hình phạt có vai trò quan trọng trong việc giáo dục; nhưng cần làm cho con cái nhận ra rằng, hình phạt do tình yêu thúc đẩy, và nhắm giúp cho con cái biết sử dụng tự do một cách có trách nhiệm (AL, số 268-274).
D. Kiên nhẫn và thực tế
Việc giáo dục luân lý đòi hỏi sự kiên nhẫn, biết chờ đợi sự tiến triển tiệm tiến, cũng như tìm hiểu những chướng ngại do một nguồn gốc tâm lý sâu xa (AL, số 271-273).
E. Đời sống gia đình như môi trường giáo dục
Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, để lại nhiều dấu ấn lâu dài trong đời người. Trong hoàn cảnh hiện nay, việc giáo dục cần chú ý đến việc huấn luyện ý chí, để biết lựa chọn và chờ đợi thời gian, trước những sự lôi cuốn của quảng cáo, muốn có mọi sự ngay tức khắc. Gia đình cũng là trường học gia nhập vào cộng đồng xã hội, biết quan tâm đến tha nhân. Đối lại, xã hội – cách riêng cộng đồng Giáo Hội – góp phần hữu hiệu với cha mẹ trong việc giáo dục con cái (AL, số 274-279).
F. Giáo dục giới tính
Tông huấn dành các số 280-286 cho việc giáo dục giới tính, chỉ ra ý nghĩa của nó là khám phá ý nghĩa của tình yêu chân chính, với khả năng chế ngự bản năng, trước nguy cơ hạ giá giới tính cũng như phẩm giá con người.
G. Thông truyền đức tin
Giáo dục trong gia đình Kitô giáo không chỉ giới hạn vào khía cạnh nhân bản, luân lý, nhưng còn mở rộng đến đời sống đức tin, đã được lãnh nhận từ khi lãnh Bí tích Rửa Tội. Việc giáo dục đức tin được thực hiện bằng nhiều cách, đặc biệt bằng việc cầu nguyện. Gia đình sống đức tin cũng sẽ trở thành những người loan báo Tin Mừng tình yêu cho những người ngoài gia đình (AL, số 287-290).
CHƯƠNG TÁM: ĐỒNG HÀNH, PHÂN ĐỊNH VÀ HÒA NHẬP SỰ MỎNG MANH
Chương này cũng ngắn, chỉ 21 số, nhưng đã thu hút sự chú ý của dư luận hơn cả, cũng như gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian họp Thượng Hội Đồng Giám Mục. Tựa đề đã nêu lên ba động từ (đồng hành / phân định / hòa nhập: accompagnare / discernere / integrare) nói lên thái độ cần áp dụng khi đương đầu với những hoàn cảnh mỏng manh, phức tạp và rối ren. Chương này bắt đầu với vài nhận định căn bản (AL, số 291-292): lý tưởng về sự thánh thiện của hôn nhân là một chuyện, thực tế là một chuyện khác, xét vì tính yếu đuối của con người. Giáo Hội gặp thấy các bệnh nhân nhiều hơn là người lành mạnh, và vì thế cần phải thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặt khác, trong những trường hợp “rối ren”, ta cũng cần phân định các tình huống khác nhau. Thật ra, chương này thuộc về “Xét” (bởi vì đưa ra những tiêu chuẩn phán đoán) hơn là “Làm”, và gồm 5 mục.
A. Sự tiệm tiến trong mục vụ (AL, số 293-295)
Đối chiếu với sự hoàn thiện của Bí tích Hôn Nhân, chúng ta gặp thấy nhiều hoàn cảnh bất toàn: những người chỉ sống chung mà không có hôn thú, những người chỉ kết hôn dân sự, những đôi vợ chồng tuy là “rối” xét theo Giáo luật nhưng có những đặc tính chung thủy và giáo dục con cái với trách nhiệm. Giáo Hội cần phải đồng hành với tất cả các con cái của mình, tìm cách giúp họ tăng trưởng về nhân bản và tâm linh.B. Phân định những hoàn cảnh “rối ren” (AL, số 296-300)
Tính từ “irregolare” có thể dịch là “bất quy tắc, bất hợp lệ”, nghĩa là không phù hợp với quy tắc, chuẩn mực (regola); nhưng tôi xin dùng từ ngữ thông dụng là “rối ren” bởi vì không chỉ diễn tả một hoàn cảnh “mất trật tự” nhưng nhất là “phức tạp”, vì thế đòi hỏi một sự phân định (discernere). Mục này mở đầu bằng việc nêu lên hai nguyên tắc ứng xử:
1/. Đừng xét đoán vội vàng khi đứng trước những tình trạng phức tạp (rối ren).
2/. Lòng thương xót của Thiên Chúa đưa tới sự hòa nhập (integrare) chứ không loại trừ (emarginare): Giáo Hội cần nhắm đến sự hòa nhập các con cái của mình, thay vì loại trừ họ, đừng kể khi chính họ tỏ ra ngoan cố. Đừng quên rằng tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa xót thương không do công trạng của mình.
Nguyên tắc thứ nhất: Một thí dụ về sự “rối ren” của những người ly dị và tái hôn.[4] Có những người đã sống trong tình trạng này từ lâu năm, đã chung thủy với nhau và chu toàn với bổn phận làm cha mẹ; không thể bảo họ hãy cắt đứt tình trạng này! Có những người đã cố gắng hết sức để cứu vãn hôn nhân thứ nhất nhưng không thành công, và trong thâm tâm họ nghĩ rằng hôn nhân này vô hiệu. Những trường hợp ấy thì khác với những người đã ly dị vì đã không chu toàn nghĩa vụ hôn nhân.
Nguyên tắc thứ hai: Những người ly dị và tái hôn vẫn là phần tử của Giáo Hội; họ cần được hòa nhập, tham gia vào các sinh hoạt của Giáo Hội (chứ không chỉ giới hạn vào việc được hay không được rước lễ). Cũng phải lưu tâm đến việc giáo dục đức tin của con cái họ.
Ý thức về sự phức tạp của vấn đề, Tông huấn không chủ trương đề xuất một quy tắc Giáo luật có thể áp dụng cho tất cả mọi hoàn cảnh, nhưng kêu gọi các mục tử hãy sử dụng sự biện phân mục vụ (AL, số 300).
C. Những hoàn cảnh giảm khinh (AL, số 301-303)
Mục này ôn lại vài nguyên tắc căn bản thuộc luân lý cơ bản, về trình độ quy trách của một hành vi. Một người có thể làm một hành vi trái nghịch với luật Chúa: khách quan mà nói, người ấy đã phạm tội; nhưng xét dưới khía cạnh chủ quan, luân lý chấp nhận những hoàn cảnh giảm bớt trách nhiệm, chẳng hạn như: vì thiếu ý thức, cưỡng bách, sợ hãi, tập quán, đam mê.[5]
Đồng thời, sau khi đã nhận ra những hoàn cảnh giảm khinh vừa nói, sự phân định mục vụ cũng cần giúp cho hối nhân biết vượt qua các hạn chế, để đạt đến sự trưởng thành.
D. Những quy luật và sự phân định (AL, số 304-306)
Đến đây, Thánh Tôma Aquinô được “mời” đến để góp ý. Theo ngài, trong lãnh vực luân lý, các nguyên tắc khá rõ ràng và chắc chắn ở cấp độ tổng quát; nhưng đến khi đi vào từng hoàn cảnh cụ thể, thì không hẳn lúc nào cũng có thể đưa ra một quy luật chính xác.[6]
Nhìn một cách tích cực hơn, người mục tử cần tìm cách để mỗi người biết cách mở rộng ra cho tác động của ơn thánh Chúa, Đấng dẫn đưa mỗi người theo một con đường riêng. Bên trên các luật lệ, đừng quên chỗ đứng của đức mến, có khả năng thanh luyện mọi tội lỗi.
E. Luận lý của lòng thương xót (AL, số 307-312)
Mục cuối cùng của chương Tám trở lại với nguyên tắc đã phát biểu nhiều lần. Giáo Hội cần trình bày lý tưởng của Tin Mừng với tất cả những yêu sách của nó. Đồng thời, Giáo Hội cũng phải rao giảng lòng thương xót của Thiên Chúa, và trở nên những tác viên của lòng thương xót: đừng lên án vội vã, nhưng thông cảm với những sự dòn mỏng của con người.
Như đã nói ở đầu, chương này được dành đặc biệt cho các vị mục tử: Giám mục, linh mục (cha xứ cũng như cha giải tội).
CHƯƠNG CHÍN: LINH ĐẠO HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH
Chương này ngắn nhất (AL, số 312-325:13 số), không phải tại vì linh đạo hôn nhân quá nghèo nàn, nhưng vì đã được nói nhiều trong những chương trước rồi, đặc biệt là chương Ba. Ở đây, Tông huấn chỉ muốn tóm lại vài nét đặc trưng, trong bốn mục.
A. Linh đạo hiệp thông siêu nhiên
Đặc trưng thứ nhất là sự hiệp thông. Gia đình là nơi sống sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa ngự trị. Chính trong tình yêu giữa đời sống thường nhật mà các phần tử thực hiện ơn gọi nên thánh (AL, số 314-316).
B. Kết hợp cầu nguyện dưới ánh sáng Phục sinhĐời sống gia đình có những lúc vui, lúc buồn. Các phần tử nên kết hiệp chúng với mầu nhiệm Thập giá và Phục sinh của Đức Kitô; đặc biệt trong những buổi cầu nguyện chung cũng như tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật (AL, số 317-318).
C. Linh đạo của tình yêu độc hữu và tự do
Yêu nhau suốt đời không phải là chuyện dễ. Mỗi ngày, vợ chồng cần lặp lại lời hứa chung thủy với nhau. Chính qua tình yêu dành cho người bạn trăm năm mà người tín hữu thể hiện tình yêu của Thiên Chúa. Mặt khác, một khi biết rằng, người bạn trăm năm thuộc về Thiên Chúa còn hơn là thuộc về mình, người tín hữu sẽ tập sống tình yêu cách thanh thoát (AL, số 319-320).
D. Linh đạo của việc chăm sóc, an ủi và khích lệ
Nói tóm lại, đôi hôn nhân diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cho nhau. Gia đình trở nên Bí tích, dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa. Người tín hữu tập nhìn thấy Đức Giêsu hiện diện nơi những người trong gia đình. Từ đó, gia đình chiếu tỏa tình yêu của Thiên Chúa cho những người chung quanh (AL, số 321-325).
III. VÀI NHẬN XÉT
Sau khi Tông huấn được ban hành, một câu hỏi thường được nêu lên là: “Có gì mới lạ?”. Câu trả lời thường nghe được là: “Về đạo lý, không có gì thay đổi”;[7] chỉ có thay đổi về mục vụ thôi. Thế còn “việc “rước lễ” của các người ly dị và tái hôn thì sao (đạo lý hay mục vụ)?”. Về điểm này, Tông huấn không trả lời trực tiếp (AL, số 300), tuy có trưng dẫn những quyết định của huấn quyền trước đó (AL, số 302, chú thích 345). Thực ra, sự phân biệt giữa “đạo lý” (doctrina) và “mục vụ” (pastoralis) không phải là đơn giản. Đàng khác, nếu mục vụ mà không đặt nền tảng ở trên đạo lý thì sẽ ra thế nào? Thay vì trả lời dựa theo sự phân biệt giữa hai lãnh vực vừa kể, chúng ta đi tìm một hướng khác.
1/. Theo thiển ý, điều mới mẻ thứ nhất là sự khiêm tốn của huấn quyền. Chúng ta nhận ra điều này ngay từ lúc mở đầu (AL, số 3). Nhiều vấn đề phức tạp đòi hỏi thời giờ để suy nghĩ. Sự phức tạp một đàng do những quan niệm văn hóa khác nhau trên thế giới (đa văn hóa); đàng khác, do những hoàn cảnh khác nhau của mỗi người. Do vậy, ra một quy luật mang tầm áp dụng phổ quát cho tất cả mọi trạng huống là điều thiếu khôn ngoan (AL, số 298).
2/. Điều mới mẻ thứ hai là thay đổi phương pháp tiếp cận vấn đề. Lối tiếp cận cổ điển là trình bày chân lý tuyệt đối (phương pháp hữu thể luận: ontologica): cái gì đúng, cái gì sai, cái gì được phép, cái gì không được phép. Lối tiếp cận mới mang tính cách “hiện sinh” (existentialis): đề ra lý tưởng là một chuyện, sống lý tưởng ấy là chuyện khác. Trên thực tế, có bao nhiêu người đã đạt đến lý tưởng? Thật là khó nói, nhưng điều chắc chắn là đa số chưa đạt đến lý tưởng: Giáo Hội phải quan tâm đến những hoàn cảnh đó, và khuyến khích họ hãy cố gắng tiến lên (chứ không nên lên giọng khiển trách hoặc xua đuổi họ). Sự hoàn thiện là một tiến trình tiệm tiến (AL, số 303). Từ đó, chân lý cần được trình bày thế nào để có thể bao gồm cả những lúc thăng trầm của cuộc đời: lý tưởng cần phải đi sát với cuộc sống (AL, số 36-37). Tông huấn mang giọng văn của kinh nghiệm cuộc sống. Có lẽ không phải là tình cờ khi Tông huấn được giới thiệu với báo chí nhờ Hồng y Christoph Schönborn O.P.: ngài không giấu diếm rằng, cha mẹ của ngài là đôi vợ chồng ly dị tái hôn, và ông bà nội cũng đã ly dị. Nói khác đi, ngài đã hiểu thế nào là tình cảnh của những kẻ “bị loại trừ” do hôn nhân rối ren.
3/. Như một hệ luận, điều mới mẻ thứ ba của văn kiện là lời kêu gọi các mục tử (Giám mục, linh mục, cha giải tội) hãy biết “phân định” (discernimento, có khi cũng được dịch là “biện phân” hoặc “cân nhắc”) những tình tiết khác nhau, chứ đừng “vơ đũa cả nắm”. Không thể nào đồng hóa tất cả những tình trạng “rối ren” với tội “ngoại tình”, một lối giải thích Tin Mừng cách vội vã (Mc 10,11-12): hẳn nhiên, người có vợ mà đi ăn nằm với người khác là ngoại tình; nhưng người đã ly dị mà kết hôn với người khác thì không thể đơn giản ghép vào tội ngoại tình, khi mà họ kết hôn theo dân luật, chung thủy với người bạn mới và đã dưỡng dục con cái đàng hoàng. Cần phải cân nhắc những lý do gì đã đưa họ đến tình trạng ly dị (AL, số 298),[8] và những hoàn cảnh có thể giảm nhẹ trách nhiệm (AL, số 300). Đề tài “phân định” được bàn rộng ở các số 300-312.
4/. Một hệ luận nữa là Giáo Hội cần thay đổi (hoán cải) đường lối mục vụ: cần hòa nhập hơn là loại trừ, cần phải gần gũi với những gia đình “rối ren”, giúp họ đến gần với Thiên Chúa, thay vì lên án buộc tội. Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, chứ không phải là thẩm phán xử án (Đức Giêsu đã cư xử thế nào với thiếu phụ Samaria và người phụ nữ ngoại tình?). Dù sao, các mục tử (đặc biệt là các cha giải tội) hãy kiên nhẫn đi vào “tòa trong”, tòa của lương tâm, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa, chứ đừng dừng lại ở bộ mặt cơ chế của “tòa ngoài” (tuy là cần thiết đối với Giáo Hội). Không phải tất cả những người “rối ren” đều ở trong tình trạng tội trọng, mất ơn nghĩa với Chúa (AL, số 301; x. số 243-244). Giả như họ đã phạm tội trọng đi nữa, vai trò của người mục tử là dẫn họ trở về với Chúa, chứ không phải là đóng cửa vĩnh viễn (AL, số 305).5/. Nhìn chung, giọng văn của Tông huấn mang tính lạc quan (niềm vui của tình yêu). Trước những cảnh hôn nhân tan vỡ, thay vì trách móc thời thế, Tông huấn tìm cách trình bày vẻ đẹp của tình yêu, và cố gắng tăng cường những đường hướng mục vụ, ngõ hầu giúp các tín hữu sống ơn gọi cao quý ấy (AL, số 307). Như đã thấy, mục vụ này không chỉ giới hạn vào việc giảng dạy giáo lý chuẩn bị hôn nhân, nhưng còn qua những chương trình tư vấn dành cho các bạn trẻ và những đôi tân hôn (AL, số 205tt; 217tt). Trong công tác này, các cha xứ cần được sự giúp đỡ của các chuyên gia, đặc biệt nhờ chính các đôi hôn nhân.
Khỏi nói ai cũng biết, cộng đồng Dân Chúa (cách riêng các mục tử và thần học gia) đã đón nhận Tông huấn này với những thái độ khác nhau. Khuôn khổ của bài nhận định này không cho phép “điểm báo” những ý kiến “bênh vực”và những ý kiến “chống lại”, cách riêng là chương Tám, khi phải dung hòa lòng thương xót với chân lý.[9] Một ý kiến phê bình xem ra nặng hơn cả, đó là Tông huấn Amoris Laetitia đã phớt lờ Thông điệp Veritatis Splendor của Thánh Gioan Phaolô II khi đụng đến các vấn đề thuộc môn luân lý căn bản! May thay, Thánh Tôma Aquinô đã được đưa ra “chắn đạn”. Dù sao, trong Năm Thánh của Lòng Chúa Thương Xót, hy vọng đôi bên sẽ gặp nhau, như lời Thánh Vịnh 84,11: “Misericordia et veritas obviaverunt sibi; iustitia et pax osculatae sunt” (bản dịch của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh hơi thoát: “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ, hòa bình công lý đã giao duyên”. Nhưng nếu dịch sát nghĩa thì phải nói: “Lân tuất và chân lý đã gặp nhau, công lý và hòa bình đã hôn nhau”).
Tu viện Mân Côi, ngày 19 tháng 4 năm 2016.
[1] Khóa họp ngoại thường của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới (5-19/10/2014) “về những thách đố của mục vụ gia đình trong khung cảnh loan báo Tin mừng”, kết thúc với một bản tường trình “Relatio Synodi” (thay vì các kiến nghị “propositiones” như trước đây). Khóa họp Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới thường lệ (4-25/10/2015) về “Chúa Giêsu Kitô mạc khải mầu nhiệm và ơn gọi của gia đình” cũng kết thúc với một bản tường trình “Relatio Finalis” (gồm 3 phần, 11 Chương, 94 số) thay cho kiến nghị. Tông huấn đã trích dẫn hầu như nguyên văn nhiều đoạn của bản “Relatio Finalis”.
[2] Thánh Tôma Aquinô không những được Tông huấn trưng dẫn nhiều nhất, nhưng còn được “cầu cứu” khi phải giải quyết những vấn đề khúc mắc nhất, chẳng hạn như khi bàn về giá trị của tình yêu (AL 99; 102; 120; 123; 126; 127), hoặc sự phức tạp trong các phán đoán luân lý trong hoàn cảnh cụ thể (AL 304).
[3] Cần phải phân biệt hai vấn đề: 1/. Hôn nhân giữa các người đồng tính; Giáo Hội chống lại những chủ trương cho phép hôn nhân đồng tính bởi vì trái ngược với bản tính hôn nhân (AL, số 251). 2/. Trong gia đình, có những phần tử đồng tính, cần nâng đỡ họ (AL, số 250).
[4] Đừng quên rằng còn có nhiều thứ “rối ren” khác nữa: đôi nam nữ sống chung không có hôn thú, hôn nhân đồng tính, hôn nhân dân sự chứ không theo Giáo luật,…
[5]Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1735; 2352.
[6]x. St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae I-II, q. 94, art. 4.
[7] Đúng thế. Đạo lý cổ truyền về hôn nhân không thể nào thay đổi: hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ (không thể nào chấp nhận hôn nhân đồng tính), với mối dây bền vững; đối với các Kitô hữu, hôn nhân là một Bí tích.
[8]Trưng dẫn từ Tông huấn Familiaris Consortio, số 84-85.
[9] Trong ngôn ngữ chuyên môn của thần học, người ta gọi là vấn đề “giải thích” (hermeneutica) bản văn. Có nhiều người không đồng ý với đường lối mà Tông huấn Amoris Laetitia giải thích các bản văn huấn quyền trước đó, đặc biệt các chú thích ở các số 329; 336; 351.