Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Tông Thư Il Rapido Sviluppo (Sự Phát Triển Nhanh Chóng) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 24-10-2005)

Administrator
2018-09-23 10:11 UTC+7 23
TÔNG THƯ IL RAPIDO SVILUPPO (SỰ PHÁT TRIỂN NHANH CHÓNG) CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II GỞI TỚI GIỚI HỮU TRÁCH TRUYỀN THÔNG Ngày 24 Tháng 01 Năm 2005 *** Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ***   1. Sự phát triển kỹ thuật nhanh chóng trong lãnh vực truyền thông chắc chắn là […]


TÔNG THƯ IL RAPIDO SVILUPPO

(SỰ PHÁT TRIỂN NHANH CHÓNG)

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

GỞI TỚI GIỚI HỮU TRÁCH TRUYỀN THÔNG

Ngày 24 Tháng 01 Năm 2005

***

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

***

 

1. Sự phát triển kỹ thuật nhanh chóng trong lãnh vực truyền thông chắc chắn là một dấu chỉ cho sự tiến bộ trong xã hội chúng ta ngày nay. Khi nhìn những phát minh này trong sự tiến hóa liên tục, những lời lẽ tìm thấy trong Sắc Lệnh của Công Đồng Chung Vatican II “Inter Mirifica” (Giữa Những Điều Kỳ Diệu), đã được vị tiền nhiệm của tôi, vị tôi tớ Chúa Phaolô VI, công bố ngày 4/12/1963, xem ra càng thích hợp hơn: “Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, tài năng con người, đặc biệt là trong thời đại chúng ta, đã đưa ra những sáng tạo kỹ thuật diệu kỳ. Giáo Hội, mẹ chúng ta, đặc biệt lưu tâm đến những phát minh trực tiếp động đến tinh thần con người cũng như những gì mở ra những đại lộ mới cho việc truyền thông dễ dàng tin tức, ý tưởng và các định hướng”.[1]

I. TIẾN BỘ PHONG PHÚ SAU SẮC LỆNH “INTER MIRIFICA”

2. Sau hơn bốn mươi năm công bố văn kiện này, có lẽ thật thích hợp để suy tư về những “thách đố” mà các phương tiện truyền thông đặt ra đối với Giáo Hội, một Giáo Hội mà như Đức Phaolô VI đã nói “sẽ có lỗi trước mặt Chúa nếu không tận dụng các phương tiện mạnh mẽ này”.[2] Thật vậy, Giáo Hội không chỉ được mời gọi để sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng hầu truyền bá Tin Mừng, nhưng hơn bao giờ hết, còn phải hội nhập thông điệp cứu độ này vào trong “nền văn hóa mới” do những phương tiện truyền thông mạnh mẽ này tạo ra và khuếch trương lên. Giáo Hội dạy chúng ta rằng việc sử dụng những kỹ thuật và công nghệ truyền thông đương đại là một phần tích hợp trong sứ mạng của Giáo Hội trong ngàn năm thứ ba.

Với nhận thức này, cộng đoàn Kitô hữu đã chọn những bước tiến đáng kể trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông cho thông tin tôn giáo, cho việc rao giảng Tin Mừng và dạy giáo lý, cho việc đào tạo các mục tử trong địa hạt này, và cho việc giáo dục một trách nhiệm trưởng thành nơi những người sử dụng và những người tiếp nhận các phương tiện truyền thông đa dạng.

3. Công việc tân phúc âm hóa đối diện với nhiều thách đố trong một thế giới dồi dào các tiềm năng truyền thông. Vì thế, tôi đã muốn nhấn mạnh trong thông điệp “Redemptoris Missio” (Sứ Vụ Đấng Cứu Thế) rằng đồi Arê [3] đầu tiên của các thời đại tân tiến là thế giới của truyền thông với khả năng thống nhất nhân loại và chuyển hóa nhân loại thành “một làng toàn cầu”, theo cách nói thường được dùng. Các phương tiện truyền thông đã đạt đến một tầm quan trọng đến độ trở thành phương tiện chủ yếu để hướng dẫn và kích thích các hành vi cá nhân, gia đình và xã hội của nhiều người. Chúng ta đang đối diện với một vấn đề phức tạp, vì chính nền văn hóa, không kể nội dung của nó, nảy sinh từ chính sự tồn tại của các phương thế truyền thông mới với những kỹ thuật và từ vựng cho đến nay vẫn chưa biết được.

Thời đại của chúng ta là một thời đại của truyền thông toàn cầu trong đó biết bao thời giờ con người dành ra hay ít nhất là phải đối diện với các tiến trình khác nhau của truyền thông đại chúng. Tôi giới hạn chỉ đề cập đến sự hình thành nhân cách và lương tâm, sự diễn dịch và tổ chức các quan hệ tình cảm, sự nhịp nhàng của các giai đoạn giáo dục và đào tạo, sự mở rộng và khuếch tán các hiện tượng văn hóa, và sự phát triển của đời sống xã hội, chính trị và kinh tế.

Các phương tiện truyền thông đại chúng có thể và phải đề cao công lý và tình liên đới trong viễn kiến chân thật và đúng đắn về sự phát triển con người bằng cách tường thuật chính xác và trung thực, phân tích toàn bộ các tình huống và vấn đề, và đưa ra một diễn đàn cho các ý kiến khác nhau. Một phương thế đúng đắn về luân lý trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng đầy uy lực phải được đặt trong bối cảnh của việc thực hành trưởng thành quyền tự do và trách nhiệm, được xây dựng trên nền tảng tối cao là sự thật và công lý.

II. SUY TƯ TIN MỪNG VÀ DẤN THÂN TRUYỀN GIÁO

4. Thế giới truyền thông đại chúng cũng cần đến ơn cứu độ của Chúa Kitô. Để phân tích với con mắt đức tin những tiến trình và giá trị truyền thông, nhận thức sâu hơn về Thánh Kinh chắc chắn có thể trợ giúp như một “quy tắc cao cả” cho việc truyền thông một sứ điệp không chóng qua, nhưng thật căn bản vì giá trị của thông điệp này.

Lịch sử ơn Cứu Độ tường thuật và ghi lại truyền thông của Thiên Chúa với loài người, một sự truyền thông sử dụng tất cả mọi hình thức và cách thế thông đạt. Con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa để mặc lấy mạc khải thánh thiện và để bước vào một cuộc đối thoại thân tình với Ngài. Vì tội lỗi, khả năng đối thoại này đã bị đổi thay ở cả cấp độ cá nhân lẫn xã hội, và nhân loại phải chịu đau khổ, và sẽ còn tiếp tục chịu khổ đau, đó là kinh nghiệm cay đắng cho sự vô tri và ly khai. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ rơi con người, nhưng ban chính Con Ngài (x. Mc 12:1-11) cho thế gian. Trong Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, truyền thông tự nó mang lấy một ý nghĩa cứu sộ sâu sắc: chính vì thế, trong Thánh Thần, nhân loại được trao ban khả năng để nhận lãnh ơn cứu độ, để công bố và làm chứng cho ơn cứu độ trước thế giới.

5. Truyền thông giữa Thiên Chúa và nhân loại vì thế đạt đến sự viên mãn nơi Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể. Hành vi yêu thương qua đó Thiên Chúa mạc khải chính mình cho nhân loại, kết hiệp với lời đáp trả là đức tin của nhân loại, tạo nên một cuộc đối thoại đầy ơn ích. Chính vì lý do này, khi chúng ta đưa ra theo một nghĩa nào đó lời thỉnh cầu của các môn đệ “Lạy Thầy, xin dạy bảo chúng con”, chúng ta có thể xin Chúa giúp chúng ta hiểu được cách thế truyền thông với Thiên Chúa và với người khác qua các phương tiện truyền thông đại chúng diệu kỳ. Trong ánh sáng của loại truyền thông quả quyết và rõ ràng như thế, các phương tiện truyền thông cung cấp một cơ may đến với con người ở mọi nơi, vượt qua mọi chướng ngại của thời gian, không gian và ngôn ngữ; trình bày nội dung đức tin trong những cách thế đa dạng nhất có thể nghĩ ra được; và đem đến cho tất cả những ai tìm kiếm khả năng tiến vào cuộc đối thoại với mầu nhiệm của Thiên Chúa, Đấng được mạc khải trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô.

Ngôi Lời Nhập Thể đã để lại cho chúng ta một thí dụ về cách thế truyền thông với Chúa Cha và với nhân loại, trong những lúc yên lặng và tĩnh tâm, cũng như khi rao giảng mọi nơi mọi chốn trong mọi cách thế. Ngài giải thích Thánh Kinh, tỏ mình ra qua các dụ ngôn, qua các cuộc trò chuyện ấm cúng dưới mái gia đình, qua các lời dạy bảo nơi quảng trường, trên hè phố, trên bờ hồ và trên đỉnh núi. Gặp gỡ cá nhân với Ngài không để lại trong ta sự thờ ơ nhưng kích thích lời đáp trả: Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10:27).

Tuy nhiên, có một lúc tột đỉnh mà việc truyền thông này trở nên sự hiệp nhất hoàn toàn: đó là cuộc gặp gỡ Thánh Thể. Qua việc nhận ra Đức Giêsu nơi “ cử chỉ bẻ bánh” (x Lc 24:30-31), các tín hữu tự thấy mình bị thúc giục phải công bố cái chết và sự phục sinh của Ngài, và trở nên chứng nhân vui mừng và can đảm cho Vương Quốc của Ngài (x. Lc 24:35).

6. Nhờ ơn Cứu Chuộc, khả năng truyền thông của các tín hữu được chữa lành và canh tân. Gặp gỡ với Đức Kitô biến họ thành những tạo vật mới và cho phép họ trở nên một phần của dân tộc, mà khi chết trên Thánh Giá, Ngài đã giành được nhờ máu của Ngài; và đưa họ vào cuộc sống thân mật của Ba Ngôi Thiên Chúa, một sự truyền thông liên tục xoay tròn về sự hoàn thiện và tình yêu vô hạn giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Truyền thông thấm nhiễm vào các chiều kích của Giáo Hội, một Giáo Hội được mời gọi để công bố cho tất cả mọi người sứ điệp vui mừng của ơn cứu độ. Vì lý do này, Giáo Hội sử dụng các cơ hội do truyền thông đại chúng đem đến như những cách thế được trao ban theo sự quan phòng của Thiên Chúa hầu tăng cường hiệp nhất và để việc công bố Lời Ngài được rộng rãi hơn.[4] Các phương tiện truyền thông cho phép biểu tỏ tính chất hoàn vũ của Dân Chúa, giúp cho việc trao đổi giữa các Giáo Hội địa phương mạnh mẽ và tức thời hơn, nuôi dưỡng nhận thức chung và sự hợp tác với nhau.

Chúng ta cám tạ Chúa vì sự hiện diện của những phương tiện truyền thông mạnh mẽ, mà nếu được sử dụng bởi các tín hữu có đức tin chân thật trong sự tuân phục ánh sáng của Thánh Thần, sẽ tạo điều kiện cho sự truyền thông của Tin Mừng và làm cho các mối giây hiệp nhất giữa các cộng đoàn giáo hội trở nên hiệu quả hơn.

III. MỘT THAY ĐỔI NÃO TRẠNG VÀ CANH TÂN MỤC VỤ

7. Giáo Hội tìm thấy nơi các phương tiện truyền thông một sự trợ giúp quý báu cho việc truyền bá Tin Mừng và các giá trị tôn giáo, cho việc cổ võ đối thoại, sự hợp tác đại kết và liên tôn, và cho cả sự bảo vệ những nguyên tắc cứng rắn thiết yếu cho việc kiến tạo một xã hội tôn trọng phẩm giá con người và chú ý đến thiện ích chung. Giáo Hội sẵn lòng sử dụng những phương tiện truyền thông này để đưa ra những thông tin về chính mình và mở rộng các biên giới truyền giáo, giáo lý và đào tạo, trong khi xem việc sử dụng chúng như một lời đáp trả cho lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).

Đây chắc chắn không phải là một sứ vụ dễ dàng trong một thời đại như thời đại chúng ta hiện nay, trong đó tồn tại xác tín cho rằng thời của những điều chắc chắn đã chìm sâu trong quá khứ. Thật vậy, nhiều người tin rằng nhân loại phải học cách sống trong bầu khí thống trị bởi sự vô nghĩa, bởi sự tạm bợ và chóng qua.[5] Trong bối cảnh đó, các phương tiện truyền thông có thể được dùng “để công bố Tin Mừng hay bắt Tin Mừng phải câm nín trong lòng người”.[6] Điều này đặt ra một thách đố nghiêm trọng với các tín hữu, đặc biệt các bậc cha mẹ, các gia đình và tất cả những ai có trách nhiệm trong việc đào tạo trẻ em và người trẻ. Những cá nhân trong Giáo Hội có năng khiếu đặc biệt để hoạt động trong ngành truyền thông cần phải được khích lệ với sự cẩn trọng và khôn ngoan mục vụ, sao cho họ có thể trở thành những nhà chuyên nghiệp có thể đối thoại với thế giới bao la của các phương tiện truyền thông đại chúng.

8. Thông hiểu về các phương tiện truyền thông không chỉ giới hạn trong phạm vi những người có khiếu về lãnh vực này, nhưng phải bao gồm toàn thể cộng đoàn Giáo Hội. Như đã nêu ở trên, Kitô hữu cần chú ý đến nền văn hóa truyền thông họ đang sống để có thể diễn đạt các khía cạnh khác nhau của đức tin: từ Phụng Vụ, là hình thái diễn đạt hoàn bị và căn bản nhất về truyền thông với Thiên Chúa và với tha nhân, đến Giáo Lý, là điều luôn hướng đến con người đắm chìm trong ngôn ngữ và văn hóa thời nay.

Hiện tượng truyền thông hiện nay thúc đẩy Giáo Hội thực hiện một sự tái duyệt mục vụ và văn hóa, để có thể thích ứng được với thời đại của chúng ta. Hơn ai hết, các mục tử phải gánh lấy trách nhiệm này. Mọi điều khả thi đều phải được đưa ra thực hiện để Tin Mừng có thể thấm nhiễm vào xã hội, kích thích con người lắng nghe và chấp nhận thông điệp của Tin Mừng.[7] Về điểm này, những người được thánh hiến thuộc các cơ cấu chuyên sử dụng các phương tiện truyền thông có một trách nhiệm đặc biệt. Được đào tạo về linh đạo và chuyên môn cho mục đích này, những cơ cấu này, “phải sẵn sàng đưa ra những trợ giúp, bất cứ khi nào thích hợp về phương diện mục vụ […] để bù đắp cho việc sử dụng không thích hợp các phương tiện truyền thông; nâng cao phẩm chất các chương trình này; đề cao những nội dung tôn trọng luật luân lý, phong phú về nhân bản; và cổ võ các giá trị Kitô Giáo”.[8]

9. Các phương tiện truyền thông quan trọng đến độ mười lăm năm trước đây tôi đã nhận định thật là không may khi phó thác hoàn toàn việc sử dụng chúng cho những sáng kiến của các cá nhân hay những nhóm nhỏ, và đề nghị rằng các phương tiện truyền thông phải được dứt khoát đưa vào các chương trình mục vụ.[9] Cách riêng, các kỹ thuật mới đang tạo ra nhiều cơ hội cho truyền thông cần phải phục vụ cho việc quản trị mục vụ và tổ chức các hoạt động khác nhau của cộng đoàn Kitô Giáo. Một thí dụ điển hình ngày nay là Internet không chỉ đưa ra các tài nguyên để thông tin phong phú hơn nhưng còn thay đổi cách thế con người tương tác với truyền thông.[10] Nhiều Kitô hữu đang sử dụng khí cụ này cách sáng tạo, tìm hiểu các tiềm năng của nó để trợ giúp các nghiã vụ truyền giáo và giáo dục, cũng như truyền thông nội bộ, quản trị và chăn dắt. Tuy nhiên, bên cạnh Internet, các phương tiện truyền thông mới khác, cũng như các phương tiện truyền thông truyền thống, cần phải được dùng đến. Các nhật báo và tuần báo, các ấn phẩm đủ loại, và các chương trình truyền hình và truyền thanh Công Giáo vẫn còn là những phương tiện hữu dụng trong nhãn giới hoàn chỉnh về truyền thông Giáo Hội.

Trong khi nội dung truyền thông hiển nhiên là phải được thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của các nhóm khác nhau, mục tiêu luôn luôn phải là làm cho quần chúng nhận thức về các chiều kích đạo đức và luân lý của thông tin.[11] Cũng vậy, điều quan trọng là cần phải bảo đảm sao cho những nhà chuyên môn về truyền thông nhận được sự đào tạo và sự chú ý mục vụ cần thiết để họ có thể đương đầu với những căng thẳng đặc biệt và những tình huống luân lý nan giải nảy sinh trong công việc hàng ngày. Rất thường là những người nam nữ này “thành tâm muốn biết và thực thi điều gì là chính đáng về luân lý và đạo đức” và trông mong sự hướng dẫn và nâng đỡ của Giáo Hội.[12]

IV. TRUYỀN THÔNG ĐẠI CHÚNG, NHỮNG NGÃ TƯ CỦA CÁC ĐẠI VẤN NẠN XÃ HỘI

10. Giáo Hội, dưới ánh sáng của ơn cứu độ được Chúa trao phó, cũng là thầy dạy của nhân loại, nhận thức nghĩa vụ của mình đóng góp cho một sự hiểu biết tốt hơn về những dự phóng và những trách nhiệm liên quan đến những phát triển hiện nay trong ngành truyền thông. Đặc biệt vì chúng ảnh hưởng đến lương tâm của các cá nhân, hình thành não trạng, và quyết định quan điểm trước các sự việc, thật quan trọng để nhấn mạnh một cách mạnh mẽ và rõ ràng rằng truyền thông đại chúng là một gia sản cần phải được bảo vệ và đề cao. Truyền thông đại chúng cần được đặt trong khuôn khổ đã được hình thành ban đầu về những quyền hạn và nghĩa vụ, dù theo quan điểm về trách nhiệm đào tạo và luân lý, hay bởi ràng buộc về luật pháp và các luật lệ.

Phát triển tích cực của truyền thông nhằm phục vụ thiện ích chung là trách nhiệm của mỗi một người.[13] Vì những liên hệ gần gũi của truyền thông với kinh tế, chính trị và văn hóa, cần phải có một hệ thống quản lý có thể bảo vệ vị trí trung tâm và phẩm giá của con người, địa vị cao trọng của gia đình như một đơn vị căn bản của xã hội và quan hệ chính đáng giữa các thành viên trong gia đình.

11. Chúng ta đối diện với ba vấn đề căn bản: cơ chế, dự phần và đối thoại.

Trước hết, rất nhiều việc liên quan đến cơ chế là cần thiết để bảo đảm rằng truyền thông đại chúng được hiểu rõ và được sử dụng cách thông minh và thích hợp. Những từ vựng mới do các phương tiện truyền thông đưa vào xã hội thay đổi cả các tiến trình học hỏi lẫn phẩm chất của các mối quan hệ giữa con người với nhau, đến nỗi nếu không có một cơ chế thích hợp, các phương tiện truyền thông đại chúng này đi đến chỗ lèo lái và uốn nắn mạnh mẽ con người hơn là phục vụ họ. Điều này đặc biệt đúng nơi những người trẻ, là lứa tuổi có khuynh hướng tự nhiên hướng về các sáng tạo kỹ thuật, và do đó cần sự giáo dục tốt hơn về việc sử dụng có trách nhiệm và thiết yếu các phương tiện truyền thông.

Điều thứ hai, tôi muốn kêu gọi sự lưu tâm của chúng ta đối với vấn đề thủ đắc các phương tiện truyền thông và sự dự phần đồng trách nhiệm trong việc quản lý các phương tiện này. Nếu các phương tiện truyền thông đại chúng là thiện ích cho tất cả mọi người, thì hơn bao giờ một cách thế mới phải được tìm ra – bao gồm cả việc phải dùng đến các biện pháp về luật pháp thích hợp – để hiện thực hóa việc dự phần thực sự của tất cả mọi người trong việc quản lý chúng. Một nền văn hóa đồng trách nhiệm cần phải được nuôi dưỡng.

Cuối cùng, không thể quên những khả năng to lớn của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc cổ võ đối thoại, trong việc trở nên phương tiện cho sự hiểu biết lẫn nhau, tình liên đới và hòa bình. Các phương tiện truyền thông là một tài nguyên mạnh mẽ cho thiện ích nếu được dùng để nuôi dưỡng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc; chúng cũng có thể là “những vũ khí” hủy diệt nếu được dùng để gieo rắc bất công và xung khắc. Vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Chân Phước Gioan XXIII, đã cảnh cáo cách tiên tri về những hiểm họa này trong Thông điệp “Pacem in Terris” (Hòa Bình Tại Thế).[14]

12. Suy tư về vai trò “của công luận trong Giáo Hội” và “của Giáo Hội trước công luận” nảy sinh nhiều điều đáng quan tâm. Trong một cuộc gặp gỡ với các chủ bút các ấn bản Công Giáo, vị tiền nhiệm đáng kính của tôi, Đức Piô XII, khẳng định rằng đời sống của Giáo Hội sẽ thiếu đi điều gì đó nếu Giáo Hội không cho một ai có ý kiến. Ý tưởng tương tự cũng đã được lặp lại trong nhiều dịp khác,[15] và trong Giáo Luật cũng công nhận quyền phát biểu ý kiến cá nhân trong một số điều kiện nhất định.[16] Trong khi đúng là các sự thật đức tin không thể để ngỏ cho bất cứ những diễn dịch tùy tiện nào, và sự tôn trọng những quyền của người khác đặt ra những giới hạn nội tại trên sự diễn đạt các phán đoán của ta, thật sự vẫn có chỗ trong giới Công Giáo cho việc trao đổi các ý kiến trong một cuộc đối thoại tôn trọng công lý và sự cẩn trọng.

Truyền thông cả trong nội bộ cộng đoàn Giáo Hội, lẫn giữa Giáo Hội và thế giới nói chung, đòi hỏi một sự cởi mở và một bước tiến mới trước các vấn đề đang phải đối diện liên quan đến thế giới truyền thông. Việc truyền thông này cần hướng đến một cuộc đối thoại xây dựng để cổ võ cho một công luận được thông tin đúng đắn và sáng suốt trong nội bộ cộng đoàn Kitô hữu. Giáo Hội, cũng như các cơ cấu và các tập thể khác, có nhu cầu và có quyền quảng bá các hoạt động của mình. Tuy nhiên, khi cần thiết, Giáo Hội phải bảo đảm một sự riêng tư thích hợp, mà không làm ảnh hưởng đến việc truyền thông đúng thời điểm và cần thiết về các biến cố của Giáo Hội. Đây là một trong các lãnh vực trong đó sự hợp tác giữa giáo dân và các Mục Tử thật cần thiết, như Công Đồng đã nhấn mạnh cách thích đáng: “Giáo Hội trông chờ nhiều điều lớn lao kỳ diệu nảy sinh từ cuộc đối thoại quen thuộc này giữa giáo dân và nhà lãnh đạo tinh thần của họ: mong đợi nơi giáo dân một ý tưởng được củng cố về trách nhiệm cá nhân; một lòng nhiệt thành được canh tân; một sự sẵn sàng áp dụng tài năng của họ vào các đề án của các vị lãnh đạo tinh thần. Mặt khác, Giáo Hội chờ mong nơi các nhà lãnh đạo tinh thần, với sự trợ giúp kinh nghiệm của giáo dân, có thể đi đến những quyết định rõ ràng hơn và khôn ngoan hơn liên quan đến cả các vấn đề thiêng liêng lẫn thế tục. Bằng cách này, toàn thể Giáo Hội, được củng cố bởi mỗi một thành viên của mình, có thể hoàn thành hiệu quả hơn sứ vụ của mình cho cuộc sống của thế giới”.[17]

V. ĐỂ TRUYỀN THÔNG VỚI QUYỀN NĂNG CỦA THÁNH THẦN

13. Thách đố lớn nhất của thời đại chúng ta đối với các tín hữu và tất cả những người thiện chí là làm sao duy trì được sự truyền thông trung thực và tự do để giúp củng cố tiến bộ toàn diện trên thế giới. Mọi người cần biết cách nuôi dưỡng một nhận thức tinh tế và một sự cảnh giác thường xuyên, trong khi phát triển một khả năng quan yếu lành mạnh liên quan đến sức mạnh thuyết phục của các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cũng trong lãnh vực này, những tín hữu tin vào Đức Kitô biết rằng họ có thể trông cậy nơi sự phù trợ của Thánh Thần. Sự phù trợ này cần thiết hơn tất cả khi ta xét đến mức độ lớn lao mà những trở ngại nội tại đối với truyền thông có thể bị nhân rộng ra bởi các chủ nghĩa, bởi lòng tham muốn lợi lộc và quyền lực, và bởi những đố kỵ và mâu thuẫn giữa các cá nhân và các tập thể, cũng như sự yếu đuối của nhân loại và những rắc rối trong xã hội. Những kỹ thuật tiên tiến làm gia tăng đến mức đáng kể tốc độ, số lượng và khả năng thâm nhập của truyền thông, nhưng tất cả những thứ đó không tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sự trao đổi tế nhị diễn ra giữa những trí óc, những tâm hồn, là tính chất đặc thù của loại truyền thông phục vụ cho tình liên đới và yêu thương.

Xuyên suốt lịch sử ơn cứu độ, Đức Kitô đã tự trình bày Ngài với chúng ta như là “nhà truyền thông” của Chúa Cha: “Thiên Chúa, trong những ngày sau hết này, đã nói với chúng ta qua Con Ngài” (Dt 1:2). Ngôi Lời hằng sống hóa thành nhục thể, trong khi truyền thông về chính Ngài, luôn luôn chứng tỏ sự tôn trọng đối với những ai lắng nghe, dạy bảo họ hiểu biết về tình trạng và những nhu cầu của mình, động lòng trắc ẩn trước những đau khổ họ phải chịu, mạnh mẽ dạy bảo họ chỉ những điều họ cần lắng nghe mà không áp đặt hay tương nhượng, lừa phỉnh hay lèo lái. Đức Giêsu dạy rằng truyền thông là một hành vi luân lý, “Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Tôi nói cho các người hay: đến Ngày phán xét, người ta sẽ phải trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án; và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” (Mt 12:35-37).

14. Thánh tông đồ Phaolô có một thông điệp rõ ràng cho những ai dự phần trong truyền thông (các chính trị gia, những nhà truyền thông chuyên nghiệp, những khán giả), “Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau… Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4:25,29).

Với những ai hoạt động trong ngành truyền thông, đặc biệt với những tín hữu đang dự phần trong lãnh vực quan trọng này của xã hội, tôi gởi đến anh chị em lời mời gọi, mà từ đầu sứ vụ Mục Tử Giáo Hội Hoàn Vũ, tôi đã muốn gởi đến toàn thế giới “Đừng sợ!”.

Đừng sợ những kỹ thuật mới! Chúng nằm “trong số những điều kỳ diệu” — “inter mirifica” — mà Thiên Chúa đặt để trong tay chúng ta để khám phá, sử dụng và công bố sự thật, cũng là sự thật về phẩm giá của chúng ta về vận mệnh của chúng ta như là con cái của Ngài, những người thừa tự Vương Quốc vĩnh cửu của Ngài.

Đừng sợ bị thế gian chống đối! Đức Giêsu đã bảo đảm với chúng ta, “Thầy đã chiến thắng thế gian!” (Ga 16:33).

Đừng sợ ngay cả với sự yếu đuối và bất toàn của chúng ta! Thầy Chí Thánh đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 18:20).

Hãy truyền thông sứ điệp của Đức Kitô về hy vọng, ơn sủng và tình yêu, trong khi giữ cho sống động, trong thế giới đang qua đi này, triển vọng vĩnh cửu của thiên đàng, một triển vọng mà không phương tiện truyền thông đại chúng nào có thể trực tiếp truyền thông, “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2:9).

Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã ban cho chúng con Ngôi Lời hằng sống, Mẹ đã giữ những lời không lay chuyển của Ngài trong lòng, con xin phó dâng hành trình của Giáo Hội trong thế giới hôm nay cho Mẹ. Xin Đức Mẹ giúp chúng con truyền thông bằng mọi phương tiện vẻ đẹp và niềm vui của cuộc sống trong Đức Kitô, Đấng Cứu Độ chúng con.

Tôi ưu ái ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em!

 

 

Ban hành từ điện Vatican, ngày 24 tháng Giêng năm 2005,

Lễ Thánh Phanxicô Đệ Salê, Bổn Mạng Các Ký Giả.

+ IOANNES PAULUS II

Giáo Hoàng

 

 

 


[1] Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh “Inter Mirifica” (Giữa Những Điều Kỳ Diệu), số 1.

[2] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông huấn “Evangelii Nuntiandi” (Loan Báo Tin Mừng Trong Thế Giới Mới) (8/12/1975): AAS 68 (1976), pp. 45.

[3] Chú thích riêng của người dịch: Đồi Arê (Areopagus) nơi người Hy Lạp tụ họp bàn chuyện chính sự.

[4] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn “Christifideles Laici” (Ơn Gọi và Sứ Vụ Giáo Dân Trong Đời Sống Giáo Hội) (30 Tháng 12, 1988), số 18-24: AAS 81 (1989), pp. 421-435; x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Huấn thị mục vụ “Aetatis Novae” (Feb. 22, 1992), số 10: AAS 84 (1992), pp. 454-455.

[5] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp “Fides et Ratio” (Đức Tin và Lý Trí) (14/9/1998), số 91: AAS 91 (1999), pp. 76-77.

[6] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Huấn thị mục vụ “Aetatis Novae” (22/2/1992), số 4: AAS 84 (1992), pp. 450.

[7] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Pastores Gregis”, số 30: L’Osservatore Romano, 17/10/2003, pp. 6.

[8] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “Vita Consecrata” (25/3/1996), số 99: AAS 88 (1996), pp. 476.

[9] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp “Redemptoris Missio” (Sứ Vụ của Đấng Cứu Thế) (7 Tháng 12, 1990), số 37: AAS 83 (1991), pp. 282-286.

[10] x. Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Huấn thị “Giáo Hội và Internet” (22/2/2002), số 6: Thành Vatican, 2002, pp. 13-15.

[11] x. Công Đồng Vatican II, Sắc Lệnh “Inter Mirifica” (Giữa Những Điều Kỳ Diệu), số 15-16; Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Huấn thị mục vụ “Communio et Progressio” (23/5/1971), số 107: AAS 63 (1971), pp. 631-632; Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Huấn thị mục vụ “Aetatis Novae” (22/2/1992), số 18: AAS 84 (1992), pp. 460.

[12] x. Ibid., 19: l.c.

[13] x. Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 2494.

[14] x. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Quốc Tế Truyền Thông lần thứ 37 (24/1/2003): L’Osservatore Romano, 25/1/2003, pp. 6.

[15] x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân), số 37; Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, Huấn thị mục vụ “Communio et Progressio” (May 23, 1971), số 114-117: AAS 63 (1971), pp. 634-635.

[16] Giáo Luật điều 212, §3: “Theo trình độ, khả năng và uy tín có được, họ có quyền và ngay cả đôi khi là bổn phận phải trình bày với các mục tử có chức thánh ý kiến của họ về những vấn đề có lợi cho Giáo Hội và công bố ý kiến của họ cho toàn thể các tín hữu, miễn là không xuyên tạc sự toàn vẹn của đức tin và luân lý, trong niềm tuân phục các vị mục tử của họ, và chú ý đến các thiện ích chung và phẩm giá của con người”.

[17] Công Đồng Vatican II, Hiến chế “Lumen Gentium” (Ánh Sáng Muôn Dân), số 37.

 

 

 

Chia sẻ