Tông Thư Mulieris Dignitatem – Phẩm Giá Của Người Phụ Nữ – Dẫn nhập
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
TÔNG THƯ MULIERIS DIGNITATEM
(PHẨM GIÁ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ)
Ban hành ngày 15.08.1988
VỀ PHẨM GIÁ VÀ ƠN GỌI CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Bản dịch của LM. Augustino Nguyễn Văn Trinh
(trích từ: Huấn quyền về Đức Maria, NXB Tôn giáo 2007, trang 243-330)
MỤC LỤC
I. DẪN NHẬP
Một dấu chỉ thời đại
Năm Thánh Mẫu
II. NGƯỜI PHỤ NỮ – MẸ THIÊN CHÚA (THÉOTOKOS)
Kết hợp với Thiên Chúa
Théotokos – Mẹ Thiên Chúa
“Phục vụ có nghĩa là thống trị”
III. HÌNH ẢNH VÀ SỰ GIỐNG THIÊN CHÚA
Sách Sáng thế
Nhân vị – hiệp thông – quà tặng
Ngôn từ nhân hóa của Thánh Kinh
IV. BÀ EVÀ – BÀ MARIA
Sự “khởi đầu” và tội lỗi
“Nó sẽ thống trị ngươi”
Tiền Tin Mừng
V. ĐỨC GIÊSU KITÔ
“Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với người phụ nữ”
Các phụ nữ trong Phúc Âm
Người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình
Những người phụ nữ bảo vệ sứ điệp Tin Mừng
Những chứng nhân đầu tiên của cuộc Phục sinh
VI. CHỨC VỤ LÀM MẸ – SỰ ĐỒNG TRINH
Hai chiều kích trong ơn gọi của người phụ nữ
Chức làm mẹ
Chức làm mẹ trong liên hệ với Giao ước
Khiết tịnh và Nước Trời
Chức làm mẹ thiêng liêng
“Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi phải quặn đau sinh ra một lần nữa”
VII. HỘI THÁNH – HIỀN THÊ CỦA ĐỨC KITÔ
“Mầu nhiệm cao cả”
Tính chất “mới mẻ” của Tin Mừng
Chiều kích biểu trưng của “mầu nhiệm cao cả”
Bí tích Thánh Thể
Việc hiến dâng của hôn thê
VIII. CAO TRỌNG HƠN CẢ LÀ ĐỨC MẾN
Đối mặt với những đổi thay
Phẩm giá của người phụ nữ và trật tự tình yêu
Ý thức về một sứ vụ
IX. KẾT LUẬN
“Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban”
GHI CHÚ
————————————————————
DẪN NHẬP
Một dấu chỉ thời đại
1. Phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ là đề tài thường xuyên của môn nhân bản và của Kitô giáo, trong những năm gần đây lại mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Ngoài những lý do khác, chúng ta còn thấy những đóng góp của Huấn quyền trong nhiều tài liệu của Công đồng Vaticanô II, được sứ điệp bế mạc xác nhận: “Thời điểm đến, thời điểm thực sự đã đến để khai triển trọn vẹn ơn gọi của người phụ nữ; thời điểm mà người phụ nữ gây được ảnh hưởng trong xã hội, một sự tỏa sáng, một vị trí mà từ trước đến nay chưa bao giờ đạt được. Vì thế, trong thời điểm này, nhân loại cảm nhận một biến chuyển sâu xa, những người phụ nữ thấm nhuần tinh thần Phúc Âm có thể giúp rất nhiều để nhân loại khỏi phải sa đọa” [1]. Những lời của sứ điệp làm nổi bật tất cả những gì đã được trình bày trong giáo huấn của Công đồng, đặc biệt trong Hiến chế mục vụ “Vui mừng và Hy vọng – Gaudium et Spes” [2] và trong “Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân – Apostolicam Actuositatem” [3].
Những suy tư như thế đã có trước Công đồng, như trong một chuỗi diễn từ của Đức Giáo hoàng Piô XII [4] và trong Thông điệp “Hòa bình trên thế giới – Pacem in terris” của Đức Giáo hoàng Gioan XXIII [5]. Sau Công đồng Vaticanô II, vị tiền nhiệm của Tôi là Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã làm nổi bật ý nghĩa cùa “dấu chỉ thời đại” này, khi Ngài nâng hai thánh Têrêsa Avila và Catharina thành Siêna lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh [6]; ngoài ra, theo yêu cầu của Thượng Hội đồng Giám mục vào năm 1971, ngài đã lập một ủy ban chuyên nghiên cứu các vấn đề thời đại trong liên hệ với vấn đề “đề cao phẩm giá và trách nhiệm của ngươi phụ nữ” [7]. Trong một bài diễn từ, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Ngay từ đầu Kitô giáo, người phụ nữ chiếm một vị trí quan trọng hơn bất cứ nơi tôn giáo nào; chính Tân Ước đã minh chứng điều này dưới nhiều phương diện đáng chú ý… Rõ ràng, người phụ nữ cũng được tham gia vào cơ cấu sống động và mạnh mẽ của Kitô giáo; có lẽ người ta đã không khám phá ra hết các sức lực và khả năng này” [8].
Các nghị phụ của Thượng Hội đồng Giám mục kỳ cuối (vào tháng 10 năm 1987) với chủ đề “ơn gọi và sứ vụ của Giáo dân trong Hội Thánh và trong thế giới sau hai mươi năm Công đồng Vaticanô II”, đã quan tâm đến phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ. Các ngài muốn đào sâu nền tảng nhân học và thần học cần thiết để giải quyết các vấn đề có liên quan đến ý nghĩa và phẩm giá con người như là nam và nữ. Vấn đề được đưa ra để tìm hiểu nguyên nhân và hệ quả quyết định của Đấng Sáng Tạo, tại sao con người luôn hiện hữu là nữ hay nam cách dứt khoát. Từ nền tảng này mới có thể giúp chúng ta nắm bắt được giá trị sâu xa của phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ, từ đó mới có thể nói về vị trí sinh động của họ trong Hội Thánh và trong xã hội.
Đó chính là chủ đề Tôi muốn trình bày trong tài liệu này. Huấn dụ hậu Thượng Hội đồng sẽ được công bố sau tài liệu này, sẽ đưa ra những đề nghị mục vụ về vị trí của người phụ nữ trong Hội Thánh và trong xã hội; những đề nghị này đã đúc kết những suy tư quan trọng rút từ những chứng cứ của các dự thính viên giáo dân nam nữ đến từ các giáo hội địa phương trên khắp năm châu.
Năm Thánh Mẫu
2. Thượng Hội đồng Giám mục vừa qua họp trong năm Thánh Mẫu; năm này thúc đẩy cách đặc biệt để nghiên cứu đề tài do Thông điệp “Mẹ Đấng Cứu Thế – Redemptoris Mater” đề ra. Thông điệp này triển khai và hiện tại hóa giáo lý Công đồng Vaticanô II nơi chương VIII của Hiến chế tín lý về “Hội Thánh – Lumen Gentium”. Chương này có một tựa đề rất ý nghĩa: “Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Đức Kitô và Hội Thánh”. Đức Maria – “người nữ” trong Thánh Kinh (x. St 3,15; Ga 2,4; 19,26) – gắn bó chặt chẽ với mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô và vì thế hiện diện thật đặc biệt trong mầu nhiệm Hội Thánh. “Hội Thánh trong Đức Kitô được xem như là bí tích… cho sự kết hợp sâu thẳm với Thiên Chúa cũng như sự hợp nhất của cả nhân loại” [10], sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Thiên Chúa trong mầu nhiệm Hội Thánh giúp chúng ta suy nghĩ đến mối dây độc đáo giữa “người phụ nữ” này, với toàn thể gia đình nhân loại. Điều này liên hệ đến từng người, nam cũng như nữ, đến tất cả con trai con gái trong nhân loại mà qua bao thế hệ gia sản nền tảng của toàn thể nhân loại được hiện thực, gia sản này gắn kết với mầu nhiệm của “khởi nguyên” theo Thánh Kinh: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27) [11].
Chân lý ngàn đời về con người như là nam và nữ là một chân lý bất biến dựa theo kinh nghiệm, nhưng chỉ được sáng tỏ trong Ngôi Lời nhập thể. Công đồng dạy: “Đức Kitô đã cho con người biết rõ về chính mình và tỏ cho họ biết thiên chức rất cao cả của họ” [12]. Vậy chúng ta có được phép dựa vào sự kiện “cho con người biết rõ về chính mình” để khám phá vị trí đặc biệt của “người phụ nữ” được trở thành Mẹ của Đức Kitô hay không? Sứ điệp của Đức Kitô được ghi trong Phúc Âm là nền tảng cho trọn Thánh Kinh gồm Cựu ước lẫn Tân ước, có nói gì cho Hội Thánh và nhân loại về phẩm giá và ơn gọi của ngươi phụ nữ hay không?
Đó chính là đề tài của văn kiện được ban ra cho năm Thánh Mẫu, khi chúng ta tiến gần đến lúc kết thúc thiên niên kỷ thứ hai và khởi đầu cho thiên niên kỷ thứ ba kể từ ngày sinh của Đức Kitô. Đối với Tôi, nên trình bày đề tài này như một bài suy niệm thì hay hơn.
——————————————————-
Ghi chú
- Sứ điệp của Công đồng gửi cho các người phụ nữ (8.12.1965):AAS58trang 13-14.
- GaudiumetSpes[GS] số 8.9.60.
- Sắc lệnhApostolicam actuositatemsố 9.
- ĐGH Piô XII, huấn từ cho các phụ nữ Ý (21.10.1945): AAS 37 (1945) trang 284-295.
- ĐGH Gioan XXIII, ThôngđiệpPaceminterrisAAS55 (1963) trang 906-922.
- Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được tuyên phong Tiến sĩ Hội Thánh62 (1970) trang 590- 596.
- AAS65 (1973), trang 284-285.
- ĐGH Phaolô VI, diễn từ tại hội nghị phụ nữ Ý (6.12.1976):Insegnamenti diPaoloVI,XIV
- Thông điệpRedemptorisMater [RM]
- Lumen Gentium[LG]số 1.
- Insegnamenti II, 2 (1979), 234-236.
- GS số 22.