Tông Thư Mulieris Dignitatem – Phẩm Giá Của Người Phụ Nữ – Phần I
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
TÔNG THƯ MULIERIS DIGNITATEM
(PHẨM GIÁ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ)
Ban hành ngày 15.08.1988
VỀ PHẨM GIÁ VÀ ƠN GỌI CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ
Bản dịch của LM. Augustino Nguyễn Văn Trinh
(trích từ: Huấn quyền về Đức Maria, NXB Tôn giáo 2007, trang 243-330)
II. NGƯỜI PHỤ NỮ – MẸ THIÊN CHÚA (THÉOTOKOS)
Kết hợp với Thiên Chúa
3. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà”. Với lời trong Thư gởi giáo đoàn Êphêsô (4,4), Thánh Tông đồ Phaolô nối kết những thời điểm chính yếu của việc thực hiện các “mầu nhiệm đã được Thiên Chúa xác định từ trước” (x. Ep 1,9). Chúa Con là Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, đã làm người và được một người phụ nữ sinh ra, khi “thời gian tới hồi viên mãn”. Sự kiện này đưa lịch sử loài người, cũng là lịch sử cứu độ, đến đỉnh cao. Điều đáng ghi nhận là Thánh Tông đồ không gọi Mẹ Đức Kitô theo tên riêng “Maria”, nhưng chỉ nói là “một người đàn bà”: điều này phù hợp với những lời trong Tiền Tin Mừng nơi sách Sáng Thế (x. St 3,15). Người nữ này hiện diện ngay trong biến cố trung tâm của mầu nhiệm cứu độ, biến cổ này xác định “thời điểm viên mãn”: biến cố đã trở thành hiện thực trong Bà và qua Bà.
Biến cố trung tâm, biến cố bản lề trong lịch sử cứu độ là cuộc Vượt qua của Chúa đã bắt đầu như thế. Dù vậy, cũng nên nhìn lại biến cố này từ lịch sử tinh thần của con người theo một nghĩa rộng được biểu lộ trong các tôn giáo khác nhau trên thế giới. Công đồng Vaticanô II dạy: “Con người mong đợi các tôn giáo giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn họ phải xao xuyến sâu xa: con người là gì? Đời người có mục đích và ý nghĩa nào? Sự thiện và tội ác là chi? Đâu là nguyên nhân và mục đích của đau khổ? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật? Cái chết, sự phán xét và thưởng phạt sau khi chết là gì? Sau cùng, điều huyền bí tối hậu khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta phát xuất từ đâu và chúng ta hướng về đâu?” [13]. “Từ xưa đến nay, người ta nhận thấy nơi nhiều dân tộc khác nhau một cảm thức về quyền lực tàng ẩn trong vòng chuyển biến của sự vật và trong những biến cố của đời người, đôi khi còn thấy cả sự nhìn nhận một vị Thần Linh Tối Cao hay một Người Cha” [14].
Từ cái nhìn rộng lớn này, chúng ta nhận thấy tâm tư con người luôn khao khát tìm kiếm Thiên Chúa – đôi khi cũng chỉ “dò dẫm” (Cv 17,27) – thế nên “thời gian tới hồi viên mãn” như thánh Phaolô nói trong thư, cho thấy lời đáp trả của Thiên Chúa, của Đấng, “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Đấng ấy chính là Thiên Chúa, Đấng “đã phán dạy cha ông chúng ta nhiều lần nhiều cách qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Người đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Việc sai Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha và được “một người đàn bà” sinh ra làm người, cho thấy đỉnh điểm của việc Thiên Chúa tự mạc khải cho con người. Việc tự mạc khải này mang tính cứu độ, như Công đồng Vaticanô II đã dạy trong một bản văn khác: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x. Ep 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính Thiên Chúa” (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4) [15].
Người phụ nữ hiện diện ngay trung tâm biến cố cứu độ này. Việc tự mạc khải của Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, biểu lộ nét chính yếu trong mầu nhiệm Truyển tin tại Nazareth. “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. – “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” – “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa… Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,31-37) [16].
Khi suy nghĩ biến cố này trong chiều kích lịch sử Israel, dân được Thiên Chúa tuyển chọn, và Đức Maria cũng thuộc về dân này, chúng ta dễ dàng nhận ra biến cố này trong viễn cảnh của tất cả những con đường nhân loại đi tìm câu trả lời cho những vấn nạn căn bản và quyết định đã làm cho họ luôn khoắc khoải. Trong mầu nhiệm Truyền Tin ở Nazareth, chúng ta đã không thấy được khởi điểm của câu trả lời dứt khoát, qua đó chính Thiên Chúa đụng đến nổi lo âu của tâm tư con người đó sao? [17] Nơi đây không những nói đến Lời Thiên Chúa được các tiên tri công bố, nhưng còn nói đến câu trả lời, đó chính là sự kiện “Ngôi Lời đã làm người” (x. Ga 1,14); nhờ đó, Đức Maria được kết hợp với Thiên Chúa, một sự kết hợp vượt quá mọi mong chờ của tâm trí con người, vượt quá sự mong chờ của toàn dân Israel và đặc biệt cho các thiếu nữ của dân được tuyển chọn, là những người dựa vào lời hứa luôn mong chờ ngày nào đó một trong số họ được trở thành mẹ Đấng Messias. Thế nhưng ai trong số họ biết được rằng Đấng Messias được hứa là “Con Đấng Tối Cao”? Từ quan niệm độc thần của Cựu Ước, khó mà tưởng tượng được. Chỉ có quyền năng của Thánh Thần, Đấng “rợp bóng trên bà”, mới giúp cho Đức Maria có thể chấp nhận điều “đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27).
Théotokos – Mẹ Thiên Chúa
4. Như thế, “sự viên mãn của thời gian” biểu lộ rõ ràng phẩm giá ngoại thường của “người phụ nữ”. Một mặt, phẩm giá này đã được nâng lên cách siêu nhiên để có thể kết hợp với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô; sự kết hợp này chính là cùng đích sâu xa của con người, ngay tại thế cũng như trong đời sống vĩnh cửu. Theo nghĩa này, “người phụ nữ” sẽ là người đại diện và nguyên ảnh của toàn thể nhân loại: Bà đại diện cho nhân tính của mọi người, nam cũng như nữ. Mặt khác, sự kiện nơi thành Nazareth cho thấy một hình thức liên kết với Thiên Chúa hằng sống, mà chỉ có “người phụ nữ” là Đức Maria mới có thể đạt được: sự liên kết giữa Mẹ và Con. Đức Trinh Nữ thành Nazareth đã thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa.
Chân lý này đã được niềm tin Kitô giáo đón nhận ngay từ thuở ban đầu và được Công đồng Êphêsô (năm 431) long trọng định tín [18]. Để chống lại ý kiến của Nestorius chỉ muốn nhìn Đức Maria là Mẹ theo nhân tính của Chúa Giêsu mà thôi, Công đồng này trình bày ý nghĩa căn bản chức làm Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Ngay trong giây phút Truyền Tin, khi đáp lại bằng tiếng “Fiat – thưa vâng”, Đức Maria đón nhận một con người là Con Thiên Chúa, đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Vì thế Mẹ đích thực là Mẹ Thiên Chúa; vì chức làm mẹ đụng chạm đến toàn thể con người, chứ không riêng gì thể xác và cũng không phải chỉ đụng chạm đến “nhân tính”. Như thế, tước hiệu Théotokos – “Đấng sinh Thiên Chúa”, Mẹ Thiên Chúa – đã trở thành tên riêng của Đức Trinh Nữ Maria để nhấn mạnh đến việc liên kết với Thiên Chúa.
Sự liên kết đặc biệt của Đấng Théotokos với Thiên Chúa được hiện thực cách tuyệt vời mọi xác định siêu nhiên cho việc liên kết với Chúa Cha (filii in Filio – những người được đón nhận làm con trong Người Con); việc liên kết đặc biệt này hoàn toàn là ân sủng và như thế là một hồng ân của Chúa Thánh Thần. Nhưng đồng thời, qua lời đáp trả của đức tin, Đức Maria nói lên sự tự do của mình để tham dự vào mầu nhiệm Nhập Thể với cả con người, trọn vẹn với nữ tính của mình. Với tiếng thưa vâng Fiat, Đức Maria đã trở thành chủ thể đích thực cho việc liên kết với Thiên Chúa, sự liên kết này được thực hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha. Mọi hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người đều tôn trọng ý chí tự do của từng “cá nhân”. Đó là điều đã diễn ra nơi mầu nhiệm Truyền tin tại Nazareth.
“Phục vụ có nghĩa là thống trị”
5. Biến cố này mang một đặc tính liên vị rõ ràng: đó là một cuộc đối thoại. Chúng ta sẽ không hiểu được cuộc đối thoại này cách trọn vẹn, nếu như không nhìn toàn bộ cuộc trao đổi giữa thiên thần và Đức Maria từ lời chào “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” [19]. Trọn cuộc đối thoại lúc Truyền Tin cho thấy chiều kích siêu nhiên (kecharitôménê) của biến cố. Ân sủng không bao giờ bỏ qua và cũng không tiêu hủy tự nhiên; ngược lại, ân sủng kiện toàn và thăng hóa tự nhiên. Việc “đầy ân sủng” trang bị cho Đức Trinh Nữ thành Nazareth trở thành Đấng Théotokos, cùng lúc cũng nói lên điểm đặc thù cho người nữ, tràn đầy nữ tính, đã đạt tới sự viên mãn tròn đầy. Nơi đây, chúng ta thấy được đỉnh cao và nguyên mẫu phẩm giá cá nhân của người nữ.
Khi đáp lời thiên sứ bằng tiếng Fiat của mình, “Đấng đầy ân sủng” thấy cần phải nói lên thái độ cá nhân đối với quà tặng vừa được mạc khải: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Chúng ta không được phép loại bỏ hay giảm thiểu ý nghĩa sâu xa của câu này, nếu như tách rời câu này ra khỏi toàn bộ sự kiện và khỏi toàn bộ nội dung chân lý được mạc khải về Thiên Chúa và về con người. Trong thuật ngữ “Nữ tỳ của Chúa”, Đức Maria hoàn toàn ý thức mình là một thụ tạo trước Thiên Chúa. Dù vậy, thuật ngữ “Nữ tỳ” nằm cuối cuộc đối thoại Truyền Tin đã đóng ấn trọn viễn cảnh lịch sử của người Mẹ và Người Con. Người Con này thực sự là “Con Đấng Tối Cao” và đồng bản thể với Ngài, thường nói về bản thân mình – nhất là vào giờ cao điểm của sứ vụ: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45).
Đức Kitô luôn ý thức mình là “Tôi Tớ của Chúa” theo lời ngôn sứ Isaia (x. Is 42,1; 49,3.6; 52,13), lời này gói trọn nội dung chính yếu sứ vụ Messias của Người: Người ý thức mình là Đấng Cứu độ trần thế. Đức Maria tham gia vào sứ vụ cứu độ của Đức Kitô ngay từ giây phút đầu tiên làm Mẹ Thiên Chúa, từ việc liên kết với Con, Đấng được Chúa Cha sai đến thế gian, “để thế gian, nhờ Người mà được cứu độ” (Ga 3,17) [20]. Việc phục vụ này là nền tảng cho Vương Quốc, trong đó “phục vụ… mang ý nghĩa là cai trị” [21]. Đức Kitô, “Người Tôi Tớ của Thiên Chúa”, mạc khải cho mọi người thấy phẩm giá vương giả của việc phục vụ, liên kết chặt chẽ với ơn gọi của từng người.
Với suy tư về thực tại của “người phụ nữ – Mẹ Thiên Chúa”, chúng ta bước vào suy niệm về năm Thánh Mẫu. Thực tại này xác định viễn cảnh chính yếu của việc chiêm niệm về phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ. Khi suy nghĩ, khi nói, khi làm một điều gì đó liên hệ đến phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ, thì lý trí, tâm hồn và hành động không thể nào rời bỏ viễn cảnh này được. Phẩm giá con người và ơn gọi thích hợp với phẩm giá đó chỉ tìm được mực thước dứt khoát từ việc liên kết với Thiên Chúa. Đức Maria – người phụ nữ trong Thánh Kinh – là sự diễn tả tuyệt vời phẩm giá và ơn gọi này. Vì mỗi người – nam cũng như nữ – được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, chỉ có thể phát triển trong chiều kích của hình ảnh và sự giống Thiên Chúa mà thôi.
III. HÌNH ẢNH VÀ SỰ GIỐNG THIÊN CHÚA
Sách Sáng thế
6. Chúng ta phải ý thức về bối cảnh bản văn “Khởi nguyên” của Thánh Kinh, trình bày chân lý mạc khải con người như là hình ảnh và giống Thiên Chúa, làm thành nền tảng bất biến cho nhân học Kitô giáo [22]. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Đoạn văn ngắn ngủi chứa đựng các chân lý về nhân học: con người là chóp đỉnh trình tự sáng tạo của thế giới hữu hình; dòng giống loài người bắt đầu khi người đàn ông và người đàn bà bước vào sự hiện hữu; dòng giống này là vinh quang của toàn thể công trình sáng tạo – cả hai, nam và nữ, đều là con người, cùng bình đẳng ngang nhau, cả hai được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh và việc giống Thiên Chúa, thực sự là nền tảng của con người, được người đàn ông và người đàn bà, khi trở thành phu phụ và thành cha mẹ, sẽ tiếp tục trao ban lại cho con cái. “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1,28). Đấng Sáng tạo trao phó “sự thống trị” mặt đất cho loài người, cho tất cả mọi người, cho mọi người đàn ông và đàn bà, vì họ đã nhận được phẩm giá và ơn gọi ngay từ nguồn gốc ban đầu của mình.
Trong sách Sáng Thế còn một cách trình bày khác về việc tạo dựng con người, đàn ông và đàn bà (x. 2,18-25), sau đây chúng ta sẽ bàn tới. Dù sao cũng phải xác định đặc tính nhân vị của con người đã được nói rõ trong trình thuật Thánh Kinh, Con người là một nhân vị: điều này được áp dụng cho người nam cũng như người nữ như nhau; cả hai được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Điều làm cho con người giống Thiên Chúa là sự kiện – khác với thế giới có sự sống, gồm cả các hữu thể có cảm giác (animalia) – con người là một hữu thể có lý trí (animal rationale) [23]. Nhờ đặc tính này, đàn ông cũng như đàn bà có thể “thống trị” các thụ tạo của thế giới hữu hình (x. St 1,28).
Trong trình thuật thứ hai về việc tạo dựng con người (x. St 2,7.18-25), ngôn từ diễn tả chân lý về việc tạo dựng con người, đặc biệt là người phụ nữ, rất khác; theo một nghĩa nào đó, không được rõ ràng mấy, có tính mô tả và gợi hình, làm cho chúng ta liên tưởng đến ngôn ngữ của các huyền thoại rất quen thuộc thời xưa. Dù vậy không có gì đối nghịch giữa hai bài trình thuật. Bản văn St 2,18-25 là một hỗ trợ giúp hiểu rõ câu St 1,27-28 nói lên chân lý căn bản về con người được tạo dựng có nam có nữ theo hình ảnh và giống Thiên Chúa.
Đoạn St 2,18-25 trình thuật việc Thiên Chúa tạo dựng người đàn bà từ “xương sườn” của người đàn ông, như “cái tôi” thứ hai, như người đồng hành bên cạnh người đàn ông, vì trước đó ông rất cô đơn giữa thế giới sinh vật mà không tìm được một sự hỗ trợ thích ứng với mình. Người đàn bà vừa được tạo dựng như thế được người đàn ông công nhận “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2,23) và vì thế được gọi là “người đàn bà”. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, danh tánh này cho thấy căn tính chính yếu nhờ liên hệ với người đàn ông: ish – ishsha, tiếc rằng ngôn ngữ thời đại không diễn tả hết ý nghĩa của hai từ này. “Nàng này sẽ được gọi là đàn bà (ishsha), vì đã được rút từ đàn ông (ish) ra” (St 2,23).
Bản văn Thánh Kinh cung cấp đủ nền tảng để công nhận sự bình đẳng cơ bản giữa người đàn ông và người đàn bà theo nhân tính [24]. Ngay từ đầu, cả hai đều là nhân vị, khác biệt với thế giới sinh vật chung quanh. Người đàn bà là cái “tôi” khác biệt trong cộng đồng nhân bản chung. Ngay từ đầu, cả hai xuất hiện như “sự duy nhất giữa cả hai”; điều này nói lên việc chấm dứt sự cô đơn nguyên thủy khi “con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (St 2,20). Có phải ở đây muốn nói đến một sự “hỗ trợ” để “thống trị mặt đất” (St 1,28)? Thực sự ở đây muốn nói đến người bạn đồng hành mà người đàn ông liên kết như vợ mình, để trở thành “một xương một thịt và vì thế phải “lìa cha mẹ mình” (St 2,24). Khi trình thuật về việc tạo dựng người đàn ông và người đàn bà, Thánh Kinh nói về việc Thiên Chúa thiết lập hôn nhân như điều kiện tất yếu cho việc truyền sinh các thế hệ nhân loại; hôn nhân và tình yêu hôn nhân tự bản chất được Thiên Chúa xác định vào việc truyền sinh này: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28).
Nhân vị – hiệp thông – quà tặng
7. Khi đào sâu trình thuật St 2,18-25 và chú giải dưới ánh sáng chân lý về việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (St 1,26-27), chúng ta có thể hiểu đầy đủ đặc tính nhân vị của con người hệ tại ở điều đã làm cho cả hai – nam và nữ – giống Thiên Chúa. Mỗi con người là hình ảnh của Thiên Chúa vì là thụ tạo được phú bẩm lý trí và tự do, có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta cũng đọc thấy, con người không thể hiện hữu đơn độc (x. St 2,18); nhưng chỉ có thể hiện hữu “hợp nhất giữa hai người”, trong liên hệ với một nhân vị khác. Ở đây muốn nói đến một liên hệ hỗ tương của người đàn ông với người đàn bà và người đàn bà với người đàn ông. Nhân vị theo hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa là hiện hữu trong tương quan với một “cái tôi” khác. Điều này có thể giúp chúng ta hiểu việc tự mạc khải của Thiên Chúa Ba Ngôi: sự hợp nhất sống động trong hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Khởi đầu, Thánh Kinh chưa nói điều này cách rõ ràng. Trước hết, toàn bộ Cựu Ước là mạc khải chân lý về Thiên Chúa đơn nhất (Einzigkeit – unicité) và duy nhất (Einheit – unité). Từ chân lý nền tảng về Thiên Chúa của Cựu Ước, Tân Ước hướng đến mầu nhiệm khôn dò khôn thấu của đời sống nội tại của Thiên Chúa. Thiên Chúa tự tỏ mình cho con người qua Đức Kitô là sự duy nhất trong Ba Ngôi: sự duy nhất trong hiệp thông (Dieu, qui se fait connaitre aux hommes par le Christ, est l’unité dans la Trinité, il est l’unité dans la communion – Gott, der sich den Menschen durch Christus zu erkennen gibt, ist Einheit in Dreifaltigkeit: Einheit in Gemeinschaft). Điều này đem lại một ánh sáng mới soi rọi cho hình ảnh và việc giống Thiên Chúa nơi con người, như sách Sáng Thế đã nói. Việc con người được tạo dựng có nam có nữ theo hình ảnh Thiên Chúa không những có nghĩa, từng người trong họ giống Thiên Chúa ở chỗ họ là hữu thể có lý trí và tự do; cũng có nghĩa là, người đàn ông và người đàn bà như sự “hợp nhất giữa cả hai” được tạo dựng cùng chung nhân phẩm, được kêu gọi sống một cộng đoàn tình yêu và phản ánh trong thế giới cộng đoàn tình yêu chỉ tồn tại trong Thiên Chúa và qua đó Ba Ngôi Vị yêu thương nhau trong mầu nhiệm sâu thẳm của đời sống thiên linh duy nhất. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa duy nhất nhờ sự duy nhất của thiên tính, hiện hữu như các Ngôi Vị qua liên hệ thiên linh sâu thẳm. Chỉ qua cách thức này, chúng ta mới có thể hiểu được chân lý, Thiên Chúa tự tại là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,16).
Hình ảnh và sự giống Thiên Chúa trong con người được tạo dựng có nam có nữ (theo cách loại suy, có thể xem như giữa Đấng Sáng Tạo với thụ tạo) nói lên sự “hợp nhất giữa hai người” trong nhân vị chung. “Sự hợp nhất giữa hai người” này là một dấu chỉ sự hiệp thông liên vị, cho thấy việc tạo dựng con người cũng có một nét nào đó giống với sự hiệp thông của Thiên Chúa (“communio”). Sự giống nhau này được ghi nhận như một đặc tính nhân vị của cả hai nam nữ, đồng thời cũng là phẩm giá và ơn gọi. Toàn bộ luân lý (Ethos) của con người được đặt nền tảng trong hình ảnh và sự giống Thiên Chúa mà con người đã mang nơi mình ngay từ thuở ban đầu: Cựu Ước và Tân Ước triển khai Ethos này mà đỉnh cao chính là giới luật tình yêu [25].
Trong sự “hợp nhất giữa hai người”, người đàn ông và người đàn bà ngay từ đầu đã được kêu gọi không những “bên cạnh nhau” hay “cùng nhau” hiện hữu, nhưng còn được kêu gọi hiện diện “cho nhau”.
Điều này giải thích ý nghĩa “trợ tá” được nói đến trong đoạn St 2,18-25: “Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”. Theo mạch văn Thánh Kinh, chúng ta có thể hiểu từ này theo nghĩa người đàn bà phải “giúp đỡ” người đàn ông – đồng thời người đàn ông cũng phải giúp đỡ người đàn bà – chỉ vì họ là “những con người có nhân vị”: điều này sẽ giúp cho người nam cũng như người nữ luôn khám phá và xác nhận ý nghĩa trọn vẹn của việc làm người. Trên bình điện căn bản này, cũng dễ dàng nhận ra một “sự hỗ trợ” của cả hai phía và đồng thời một “sự hỗ trợ” cho nhau. Là con người có nghĩa là được mời gọi vào sự hiệp thông liên vị. Đoạn St 2,18-25 cho thấy hôn nhân là chiều kích đầu tiên và nền tảng cho ơn gọi này. Nhưng đó không phải là chiều kích duy nhất. Trọn lịch sử nhân loại trên trái đất được thực hiện trong khung của ơn gọi này. Dựa trên nguyên tắc, sự “hiệp thông” liên vị người này hiện diện cho người kia, chúng ta thấy điều “thuộc về nam giới” và điều “thuộc về nữ giới” trong nhân tính theo ý Thiên Chúa muốn, được phát triển liên tục trong suốt lịch sử. Các bản văn Kinh Thánh, khởi đầu với sách Sáng Thế, giúp chúng ta luôn khám phá môi trường nơi chân lý về con người phát triển, một môi trường vững chắc và bất biến giữa biết bao đổi thay trong hiện sinh loài người.
Chân lý này cũng liên hệ đến lịch sử cứu độ. Điều này Công đồng Vaticanô II đã nói ở chương về “Cộng đồng nhân loại” trong Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes: “Khi cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin cho mọi người nên một… như chúng ta là một” (Ga 17,21-22), Chúa Giêsu mở ra những viễn tượng mà lý trí con người không thể tự đạt tới được. Như vậy, Chúa Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của các con cái Chúa trong chân lý và đức ái. Sự tương tự này cho thấy con người, thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến dâng” [26].
Với những lời này, bản văn Công đồng tóm kết chân lý về người nam và người nữ – một chân lý đã được trình bày trong những chương đầu của sách Sáng Thế – như nền tảng cho khoa nhân học theo Thánh Kinh và Kitô giáo. Con người – nam cũng như nữ – giữa các thụ tạo của thế giới hữu hình, là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ; họ là một nhân vị. Nhân vị có nghĩa là: hướng về việc thực hiện chính bản thân mình (bản văn Công đồng nói về “tự tìm thấy chính mình”), đó là điều chỉ có thể thực hiện qua việc “hiến dâng chính mình cách vô vị lợi”. Nguyên mẫu cho ý nghĩa nhân vị chính là Thiên Chúa trong phương diện là Ba Ngôi Thiên Chúa, là sự hiệp thông giữa các Ngôi Vị. Câu nói “con người được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa’’; cũng có ý nghĩa là, con người được mời gọi, hiện hữu cho kẻ khác, trở thành một “quà tặng” cho kẻ khác.
Ơn gọi này được áp dụng cho mọi người, nam cũng như nữ; họ sẽ thực hiện điều này theo tính cách riêng của mỗi người. Trong giới hạn của bài suy tư về phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ, chân lý về con người sẽ là khởi điểm tất yếu.
Ngay từ đầu, sách Sáng Thế vạch một lược đồ sơ khởi về đặc tính hôn nhân trong liên hệ giữa con người, một nền tảng chân lý về vai trò làm mẹ cũng như về sự đồng trinh như hai chiều kích của ơn gọi người phụ nữ trong ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa. Hai chiều kích này sẽ được nổi bật “khi thời gian tới hồi viên mãn” trong bóng dáng “người phụ nữ” thành Nazareth: đó là người mẹ, đồng thời cũng là trinh nữ.
Ngôn từ nhân hóa của Thánh Kinh
8. Cách trình bày con người như “hình ảnh và giống Thiên Chúa” ngay khởi đầu Sách Thánh, còn có một ý nghĩa khác nữa. Đó là chìa khóa để hiểu mạc khải Kinh Thánh như là việc Thiên Chúa tự mạc khải chính mình. Khi Thiên Chúa nói về chính mình – có thể qua các “tiên tri”, có thể qua “Người Con” đã làm người (x. Dt 1,1.2) – Ngài nói theo ngôn ngữ loài người, sử dụng ý niệm và hình ảnh thuộc ngôn ngữ loài người. Nếu cách diễn tả này có theo lối nhân hóa nào đó thì lý do là con người được tạo dựng “giống” Thiên Chúa: theo hình ảnh và giống Ngài. Như thế chính Thiên Chúa, một cách nào đó, cũng “giống” con người; căn cứ theo sự giống đó mà con người có thể nhận biết Thiên Chúa. Như thế, ngôn từ Thánh Kinh cũng cho thấy rõ ràng giới hạn của sự “giống” này cũng như giới hạn của việc loại suy. Mạc khải Thánh Kinh cho thấy sự giống Thiên Chúa của con người, nhưng về bản chất thì hoàn toàn “không giống”, điều này tách hẵn thụ tạo với Đấng Sáng Tạo [27]. Đối với con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, thì Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm” (1 Tm 6,16): Tự bản chất, Người là “Đấng khác”, Đấng “Hoàn toàn khác”.
Chúng ta phải luôn ý thức về việc xác định giới hạn loại suy – giới hạn việc giống Thiên Chúa của con người theo ngôn từ Thánh Kinh – dù ngay trong nhiều đoạn Thánh Kinh, chúng ta gặp những so sánh gán cho Thiên Chúa những phẩm tính của người nam hay của người nữ. Trong những so sánh như thế, chúng ta có thể thấy sự xác định gián tiếp về chân lý, cả hai, nam cũng như nữ, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Nếu như có sự tương tự giữa Đấng Sáng Tạo và thụ tạo, thì cũng hiểu rằng Thánh Kinh sử dụng những cách diễn tả gán cho Thiên Chúa những phẩm tính của người nam cũng như của người nữ.
Chúng ta có thể trích vài đoạn đặc thù của tiên tri Isaia: “Sion từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,14-15). Một câu khác: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66,13). Trong nhiều Thánh vịnh, Thiên Chúa được so sánh như người mẹ hiền chăm sóc con thơ: “Hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Israel hỡi!” (Tv 131,2-3). Trong nhiều đoạn khác, tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa được so sánh như của một người mẹ: như một người mẹ, Thiên Chúa đã “mang” nhân loại và đặc biệt dân tuyển chọn của mình trong lòng dạ; Ngài đã sinh họ ra trong đau đớn; Ngài đã nuôi nấng và an ủi họ (so Is 42,14; 46,3-4; Gr 3,4-19). Tình yêu của Thiên Chúa cũng được trình bày trong nhiều đoạn như tình yêu “nam tính” của một người yêu và của một người cha (Hs 11,1-4; Gr 3,4-19), đôi khi cũng được trình bày như tình yêu “nữ tính” của một người mẹ.
Dấu nhấn của ngôn từ Thánh Kinh, cách nói nhân hóa Thiên Chúa cho thấy gián tiếp mầu nhiệm “sinh ra” từ thuở đời đời, thuộc vào đời sống nội tại của Thiên Chúa. Dù vậy, việc “sinh ra” này không có phẩm chất “nam” hay “nữ” gì cả, nhưng hoàn toàn là bản tính của Thiên Chúa; một “sự sinh ra” thiêng liêng trọn hảo nhất – chỉ vì “Thiên Chúa là thần khí” (Ga 4,24) – không có một phẩm chất nào thuộc “nam giới” hay của “nữ giới”. Vì thế “chức vụ là Cha” trong Thiên Chúa hoàn toàn khác, không có chút dấu chứng thể lý “nam giới” như nơi chức vụ là cha nơi loài người. Theo nghĩa này, Cựu Ước nói Thiên Chúa là Cha và hướng về Ngài như hướng về một người Cha. Đức Giêsu Kitô đã đặt chân lý này vào trung tâm Tin Mừng của Người như qui luật cho kinh nguyện Kitô giáo; Người hướng về Thiên Chúa và gọi Ngài là “Abba – Cha ơi!” (Mc 14,36) để minh chứng Người là Con duy nhất và đồng bản thể; Người cũng cho thấy chức vụ làm Cha trong nghĩa siêu thể lý, siêu phàm, hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Là Con, Người nói và liên kết với Cha qua mầu nhiệm “sinh ra” từ vĩnh cửu, nhưng đồng thời Người cũng minh chứng mình là Con của người Mẹ đồng trinh theo nhân tính.
Cho dù sự sinh ra từ đời đời của Ngôi Lời Thiên Chúa không có phẩm chất nhân loại và chức làm cha của Thiên Chúa không có dấu chứng “nam giới” theo nghĩa thể lý, thì chúng ta phải tìm nơi Thiên Chúa nguyên ảnh tuyệt đối của việc sinh hạ trong trần thế của con người. Theo nghĩa này, chúng ta đọc trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô: “Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,14-15). Mỗi cuộc sinh hạ trên bình diện thụ tạo tìm được nguyên mẫu của mình nơi việc sinh hạ của Thiên Chúa, có nghĩa là hoàn toàn thiêng liêng. Mọi “sinh hạ” trong thế giới thụ tạo cũng phải tương tự với mẫu tuyệt đối, tự tại này. Vì thế, tất cả những gì đặc thù trong việc sinh hạ ở con người, như tình phụ tử và tình mẫu tử, cũng mang những nét tương tự và loại suy với việc “sinh hạ” nơi Thiên Chúa, với tình phụ tử, nhưng nơi Thiên Chúa lại “rất khác biệt”: hoàn toàn thiêng liêng và theo bản chất hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Nơi con người, việc sinh hạ là chứng cứ của “sự hợp nhất giữa hai người”. Cả hai, người đàn ông và người đàn bà, đều trở thành cha mẹ, những “người sinh thành”.
IV. BÀ EVÀ – BÀ MARIA
Sự “khởi đầu” và tội lỗi
9. “Con người được Thiên Chúa thiết đặt trong tình trạng công chính, nhưng ngay từ đầu lịch sử, bị ma quỷ cám dỗ, đã lạm dụng tự do, chống lại Thiên Chúa và muốn tạo tương lai của mình không cần đến Thiên Chúa” [28]. Qua những lời này, Công đồng nhắc lại giáo lý đã được mạc khải về tội lỗi và đặc biệt về nguyên tội. “Khởi nguyên” theo Thánh Kinh – nghĩa là việc tạo dựng vũ trụ và con người – còn chứa chất chân lý về tội lỗi, cũng còn gọi là tội lúc “khởi đầu” của con người trên mặt đất. Dù những gì được viết trong sách Sáng Thế được lồng trong trình thuật mang tính biểu trưng, như trình thuật về việc tạo dựng con người có nam có nữ (x. St 2,18-25), qua đó cũng cho thấy “mầu nhiệm tội lỗi” và đầy đủ hơn là “mầu nhiệm sự dữ” trong thế giới do Thiên Chúa sáng tạo.
Chúng ta không thể hiểu được “mầu nhiệm tội lỗi” nếu không qui chiếu vào chân lý về “hình ảnh và giống Thiên Chúa” của con người là nền tảng nhân học theo Thánh Kinh. Chân lý này cho thấy việc tạo dựng con người là hồng ân đặc biệt của Đấng Sáng Tạo, hồng ân không những chứa chất nền tảng và nguồn gốc phẩm giá chính yếu của con người, nam cũng như nữ, trong vũ trụ được Thiên Chúa tạo dựng, nhưng còn cho thấy khởi điểm lời mời cho cả hai được chia sẻ vào đời sống nội tại của Thiên Chúa. Theo ánh sáng mạc khải, sáng tạo đồng thời cũng là khởi điểm của lịch sử cứu độ. Chính ngay lúc khởi đầu này, tội lỗi đã tấn công và xuất hiện như đối kháng và phủ nhận.
Có thể nói một cách nghịch lý rằng: tội lỗi được hình bày trong chương 3 của sách Sáng Thế như là một sự xác nhận chân lý về hình ảnh và giống Thiên Chúa của con người, nếu chân lý này nói lên sự tự do, có nghĩa là ý chí tự do con người có thể sử dụng để chọn điều lành, nhưng con người cũng có thể lạm dụng khi chọn điều xấu nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa. Trong ý nghĩa sâu xa, tội lỗi là sự phủ nhận Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, trong tương quan với con người và phủ nhận điều Thiên Chúa muốn cho con người ngay từ đầu và mãi mãi. Qua việc tạo dựng con người có nam có nữ theo hình ảnh và giống mình, Thiên Chúa muốn ban tràn đầy điều thiện hảo cho họ, là hạnh phúc siêu nhiên, do việc tham dự vào đời sống của Ngài. Khi phạm tội, con người chối từ hồng ân này, đồng thời muốn mình “như thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5), nghĩa là con người muốn tách ra khỏi Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo của mình, để tự quyết định điều thiện điều ác. Tội ban đầu mang “chiều kích” nhân bản, mức độ nội tại nằm trong ý chí tự do của con người, và đồng thời cũng mang một tính chất “ma quỉ” [29] như đoạn St 3,1-5 đã nói rõ ràng. Tội lỗi gây đổ vỡ sự hợp nhất nguyên thủy mà con người được hưởng khi còn trong tình trạng công chính ban đầu, gây đổ vỡ sự kết hợp với Thiên Chúa là nguồn gốc sự hợp nhất trong bản thân “cái tôi”, đổ vỡ trong tương quan hỗ tương giữa người nam và người nữ (“communio personarum”) và cuối cùng trong tương quan đối với thế giới bên ngoài, với cả vũ trụ.
Trình thuật Thánh Kinh về việc sa ngã trong chương St 3 theo cách “phân định” vai trò của người đàn ông và người đàn bà. Sau này, một số đoạn Thánh Kinh cũng nhắc đến việc này, như thư thánh Phaolô gửi cho ông Timôthê: “Vì Ađam được tạo dựng trước, rồi mới đến Evà. Cũng không phải Ađam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội, khi dụ dỗ” (1 Tm 2,13-14). Không cần đá động đến vai trò của ông bà nguyên tổ, Thánh Kinh cho thấy rõ ràng tội lỗi đầu tiên là tội của con người đã được Thiên Chúa tạo dựng có nam có nữ. Đó cũng là tội của “tổ tông”, từ đó tội mang tính di truyền. Theo nghĩa này, chúng ta gọi đó là “nguyên tội”.
Như đã nói, chúng ta không thể hiểu tội này cách đúng đắn nếu không liên kết với mầu nhiệm tạo dựng con người có nam có nữ theo hình ảnh Thiên Chúa. Việc liên kết này sẽ cho thấy mầu nhiệm “không giống” Thiên Chúa do tội gây nên, biểu lộ qua sự dữ hiện tại trong lịch sử vũ trụ: đó là việc “không giống” Thiên Chúa, “Đấng duy nhất tốt lành” (x. Mt 19,17) và viên mãn của sự thiện. Nếu sự “không giống” của tội lỗi so với Thiên Chúa là Đấng Thánh, giả thiết phải có sự “giống” trong lãnh vực tự do của ý chí, phải xác định rằng sự “không giống do tội lỗi” lại càng bi đát và đau khổ hơn nữa. Điều này đụng chạm đến chính Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo và là Người Cha, “xúc phạm” đến Ngài ngay trong nền tảng hồng ân ban tặng thuộc kế hoạch vĩnh cửu của Ngài dành cho loài người.
Cùng một lúc, con người – đàn ông và đàn bà – cũng bị sự dữ của tội lỗi do chính họ gây ra tấn công. Bản văn Thánh Kinh ở chương St 3 cho thấy điều này rõ ràng qua tình trạng mới của con người trong thế giới thụ tạo: con người phải “cực nhọc” để sinh tồn (x. St 3,17-19); người đàn bà phải đau đớn khi sinh nở (x. St 3,16); cuối cùng là cái chết chấm dứt cuộc đời con người trên mặt đất. Con người sẽ “trở về với đất, vì từ đất, con người đã được lấy ra”: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19).
Các lời trên đây đã được xác nhận từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các lời này không muốn nói “hình ảnh và giống Thiên Chúa” nơi con người bị phá hủy, nhưng chỉ nói “bị xáo trộn” [30] và trong một ý nghĩa nào đó “bị giảm thiểu”. Trong thực tế, tội lỗi đã làm “giảm đi” con người, như Công đồng Vaticanô II đã nói [31]. Nếu do bản tính nhân vị của mình, con người là hình ảnh và giống Thiên Chúa, sự vĩ đại và phẩm giá của họ được phát triển trong giao ước với Thiên Chúa, trong sự kết hợp với Ngài, trong cố gắng tiến đến sự hợp nhất do chính Thiên Chúa thiết đặt trong sáng tạo. Sự hợp nhất này thích ứng với chân lý sâu thẳm của các thụ tạo được phú bẩm lý trí, đặc biệt là con người, vì ngay từ đầu họ đã được Thiên Chúa nâng lên trên mọi thụ tạo của thế giới hữu hình qua việc tuyển chọn trong Đức Kitô: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ (…); theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,4-6). Căn cứ vào giáo huấn toàn bộ Thánh Kinh, có thể nói, việc tiền định cho tất cả mọi người đều trực tiếp đến với mỗi người, nam cũng như nữ, không trừ ai.
“Nó sẽ thống trị ngươi”
10. Trình thuật Thánh Kinh theo sách Sáng Thế xác định các hệ quả của tội lỗi con người, cũng như cho thấy sự xáo trộn tương quan nguyên thủy giữa đàn ông và đàn bà, tương quan phù hợp với phẩm giá của họ như nhân vị. Con người, đàn ông cũng như đàn bà, là một nhân vị và vì thế là “thụ tạo duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng vì chính họ trên trái đất này”, đồng thời là thụ tạo duy nhất tuyệt đối “có thể hiện thực chính bản thân mình qua việc hiến thân trọn vẹn” [32]. Đây là khởi điểm liên hệ hiệp thông nổi bật trong việc “hợp nhất giữa hai người” và phẩm giá của người đàn ông cũng như người đàn bà như các nhân vị. Khi đọc cách Thánh Kinh trình bày về người phụ nữ với những lời như sau: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16), chúng ta khám phá sự đổ vỡ và hăm dọa liên tục cho sự “hợp nhất giữa hai người”, sự hợp nhất thích ứng với phẩm giá của hình ảnh Thiên Chúa trong cả hai. Đối với người phụ nữ, sự hăm dọa này rất trầm trọng. Từ nay sự thống trị xuất hiện ngay trong vị trí “hiến dâng thật sự”, một sự hiến dâng cả cuộc sống cho kẻ khác: “Nó sẽ thống trị ngươi”. Sự “thống trị” này cho thấy sự xáo trộn và làm suy yếu đi sự bình đẳng nền tảng mà người nam và người nữ đều có trong sự “hợp nhất giữa hai người”: điều này gây ảnh hưởng xấu nơi người phụ nữ, trong khi sự bình đẳng có được do phẩm giá của cả hai như nhân vị mới có thể đem lại cho tương quan hỗ tương đặc tính đích thực của một “communio personarum” (hiệp thông nhân vị). Nếu vi phạm đến sự bình đẳng, được Thiên Chúa Sáng Tạo ban cho như quà tặng và quyền lợi, tác hại đến người phụ nữ, sẽ đồng thời cũng giảm đi phẩm giá đích thực của người đàn ông. Ở đây chúng ta đụng chạm đến điểm nhạy cảm nhất trên bình diện “luân lý – Ethos” mà ngay từ đầu Đấng Sáng Tạo đã liên kết bằng một thực tại là cả hai được tạo dựng theo hình ảnh và giống Ngài.
Xác quyết nơi đoạn St 3,16 có một ý nghĩa lớn lao và tầm quan trọng đặc biệt, hướng ý đến liên hệ hỗ tương giữa người nam và người nữ trong hôn nhân. Ở đây muốn nói đến sự: khao khát phát sinh trong tình yêu hôn nhân, tác động trên việc “hiến dâng thật sự” về phía người đàn bà để mong chờ một sự “hiến dâng” tương tự như vậy về phía người đàn ông như lời đáp trả và hoàn tất. Chỉ căn cứ trên nền tảng nguyên tắc này mà cả hai và đặc biệt là người phụ nữ mới có thể “tìm được chính mình” như “sự hợp nhất đích thực giữa hai người”, phù hợp với phẩm giá nhân vị của họ. Người phụ nữ không được trở thành đối tượng cho sự thống trị và chiếm đọat của người đàn ông. Các lời Thánh Kinh đụng chạm trực tiếp vào nguyên tội và hậu quả của nó kéo dài trên người đàn ông và người đàn bà. Họ bị tính chất di truyền của tội lỗi hành hạ và luôn mang “mầm mống tội lỗi” ngay nơi mình, có nghĩa là xu chiều vi phạm trật tự luân lý. Xu chiều này nổi bật trong dục vọng có ba mặt, mà theo bản văn tông truyền là “dục vọng của tính xác thịt, của đôi mắt và thói cậy mình có của” (x. 1 Ga 2,16). Các lời trong sách Sáng Thế được trích dẫn bên trên (3,16) cho thấy rõ dục vọng ba mặt này như “mầm mống tội lỗi” đè nặng trên liên hệ hỗ tương giữa người đàn ông và người đàn bà.
Những lời trong sách Sáng Thế trực tiếp nói đến hôn nhân; gián tiếp đến những lãnh vực khác của đời sống xã hội: những hoàn cảnh người phụ nữ bị thua thiệt hay bị khinh miệt chỉ vì là đàn bà. Chân lý mạc khải về việc sáng tạo con người có nam có nữ được xem như nền tảng chính yếu chống lại các tình trạng thực sự có hại một cách khách quan, có nghĩa là bất công, chứa chất và làm nổi bật gia sản tội lỗi mà mỗi người mang lấy trong mình. Trong nhiều đoạn, các sách Thánh xác nhận những tình trạng thực tế này và nói lên sự cần thiết phải hoán cải, có nghĩa là phải thanh tẩy khỏi sự xấu và giải thoát mình khỏi tội lỗi: tức là khỏi những gì xúc phạm đến kẻ khác, những gì “giảm thiểu” con người, không những nơi người bị xúc phạm mà cả người đã làm như thế. Đó là sứ điệp bất biến của lời Thiên Chúa mạc khải. Chính trong sứ điệp đó, “luân lý” theo Thánh Kinh mới được biểu lộ với tất cả sự triệt để của mình [33].
Trong thời đại chúng ta, vấn đề “quyền của người phụ nữ” đã đạt được ý nghĩa mới trong liên hệ các quyền nhân vị của con người. Khi soi sáng đề án luôn được giải thích và nhắc nhớ qua nhiều hình thức này, sứ điệp của Thánh Kinh và của Phúc Âm bảo vệ chân lý về sự hợp nhất giữa cả hai người, có nghĩa là về phẩm giá và ơn gọi do sự khác biệt và tính chất đặc thù của người nam và người nữ. Vì thế, việc phản đối hợp lý của phụ nữ chống lại lời nói trong Thánh Kinh: “Nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16) trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể đưa đến việc “nam hóa” người đàn bà. Dù nhân danh việc giải phóng khỏi “sự thống trị” của đàn ông, người phụ nữ không thể loại bỏ đặc tính nữ giới của mình để nhận những đặc thù cơ bản của nam giới được. Thực sự có một sự lo sợ khi thực hiện như thế, người phụ nữ không thể tự triển nở, nhưng ngược lại trở nên dị dạng và mất đi sự phóng phú tất yếu của mình. Đó là một sự phong phú vĩ đại. Theo trình thuật Sáng Thế của Thánh Kinh, tiếng kêu đầy kinh ngạc của con người đầu tiên khi nhìn thấy người phụ nữ vừa được tạo dựng là một tiếng kêu đầy thán phục và ngây ngất, tiếng kêu này đã xuyên suốt trọn lịch sử của loài người.
Những khả năng cá nhân của tính chất nữ giới không thấp hơn các khả năng của nam giới, chỉ khác biệt mà thôi. Người phụ nữ – cũng như người đàn ông – phải cố gắng “hiện thực” như là nhân vị, phẩm giá và ơn gọi dựa theo nền tảng các khả năng này, phù hợp với sự phong phú thuộc nữ giới, đó là điều người phụ nữ đã đón nhận ngay từ lúc được tạo dựng và đón nhận tính chất đặc thù là hình ảnh của Thiên Chúa như gia sản của mình. Chỉ theo cách thức đó mới có thể chiến thắng được gia sản tội lỗi mà Thánh Kinh đã nói qua câu: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi”. Việc vượt thắng gia sản xấu xa này phải lá trách nhiệm của mỗi người, đàn ông cũng như đàn bà và từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thực vậy, trong mọi trường hợp người đàn ông đều phải chịu trách nhiệm về sự xúc phạm phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ, qua đó họ cũng hành động chống lại phẩm giá và ơn gọi của chính mình.
Tiền Tin Mừng
11. Sách Sáng Thế xác định tội lỗi là điều xấu ở “thuở ban đầu” của loài người cùng với các hậu quả của nó, từ ngày đó vẫn đè nặng trên toàn thể nhân loại, đồng thời sách cũng có lời loan báo đầu tiên về chiến thắng trên điều xấu, chiến thắng tội lỗi. Đoạn St 2,15 thường được gọi là Tiền Tin Mừng minh chứng điều này: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”. Đây là lời loan báo về Đấng Cứu độ, Đấng Cứu Chuộc trần gian; lời này lại liên quan đến “người phụ nữ”. Người phụ nữ này được gợi lên ở vị trí đầu tiên trong Tiền Tin Mừng, được xem là tổ mẫu của Đấng Cứu độ loài người [34]. Nếu việc cứu độ được thành tựu qua cuộc chiến chống điều xấu do sự “hận thù” giữa miêu duệ người nữ và miêu duệ của “cha sự dối trá” (Ga 8,44) là kẻ gây ra tội lỗi trong lịch sử loài người, thì đó cũng là sự hận thù giữa nó và người nữ.
Các lời này khai mở toàn bộ mạc khải, trước tiên là sự chuẩn bị cho Tin Mừng và tiếp đến là chính Tin Mừng. Trong viễn cảnh này có bóng dáng hai người nữ: đó là bà Eva và Đức Maria, liên kết với nhau dưới danh xưng là “người nữ”.
Dưới ánh sáng của Tân Ước, các lời Tiền Tin Mừng làm nổi bật sứ vụ của người phụ nữ trong cuộc chiến của Đấng Cứu độ chống lại tác giả sự xấu trong lịch sử nhân loại.
Việc so sánh Eva-Maria luôn xuất hiện trong suy tư về gia sản đức tin được lãnh nhận từ mạc khải của Thiên Chúa; đây là một đề tài thường được các giáo phụ, các văn sĩ Hội Thánh và các nhà thần học triển khai [35]. Việc so sánh này làm nổi bật sự khác biệt, một sự tương phản. Bà Eva là “mẹ chúng sinh” (St 3,20), nhân chứng của “khởi nguyên” theo Thánh Kinh, trong đó chứa chất chân lý về việc tạo dựng con người theo hình ảnh và giống Thiên Chúa và chân lý về nguyên tội. Đức Maria là chứng nhân của “khởi nguyên” mới và “sáng tạo” mới (x. 2 Cr 5,17). Chính Mẹ là “người đầu tiên được cứu trong lịch sử cứu độ, vì thế được gọi là “thụ tạo mới”: Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”. Chúng ta sẽ không thể hiểu được tại sao các lời trong Tiền Tin Mừng lại nhấn mạnh đến “người phụ nữ”, nếu không chấp nhận giao ước mới và đứt khoát của Thiên Chúa với nhân loại, đó là giao ước được ký kết trong máu cứu độ của Đức Kitô, đã khởi đầu nơi bà. Giao ước bắt đầu với một phụ nữ, đó là người “phụ nữ” trong mầu nhiệm Truyền tin tại Nazareth. Đó là điều tuyệt đối mới của Tin Mừng: biết bao lần trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói với nhiều người phụ nữ, tỉ như với người mẹ của tiên tri Samuel và của ông Samson, để can thiệp vào lịch sử của dân Ngài; để ký kết một giao ước với nhân loại; Ngài cũng nói với nhiều đàn ông: ông Noe, ông Abraham… Nhưng khởi đầu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu và bất biến, lại xuất hiện người phụ nữ: Đức Trinh Nữ thành Nazareth. Đó là một dấu chỉ, trong “Đức Giêsu Kitô” “không còn việc phân biệt đàn ông hay đàn bà” (Gl 3,28). Trong Người, sự đối kháng giữa người nam và người nữ – gia sản của nguyên tội – đã được thắng vượt cách triệt để. Như Thánh Tông đồ đã viết: “Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28).
Những lời này nhằm đến “sự hợp nhất nguyên thủy giữa hai người” được đặt trong liên hệ với việc tạo dựng con người có nam có nữ, theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, theo nguyên mẫu của sự hiệp thông nhân vị trọn vẹn nhất, chính là Thiên Chúa. Lời của thánh Phaolô xác nhận mầu nhiệm cứu độ loài người trong Đức Giêsu Kitô, Con của Đức Maria, lấy lại và canh tân điều phù hợp với kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong mầu nhiệm sáng tạo. Vì thế vào ngày tạo dựng con người có nam có nữ: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Theo nghĩa nào đó, ơn cứu độ được xem như việc thiết đặt lại tận gốc rễ điều thiện hảo đã bị suy giảm ngay trong bản chất vì tội lỗi và hậu quả của tội trong lịch sử loài người.
Người phụ nữ trong Tiền Tin Mừng được đưa vào viễn ảnh của ơn cứu độ. Sự so sánh giữa Eva và Đức Maria có thể hiểu theo nghĩa, Đức Maria là mầu nhiệm của “người phụ nữ” mà khởi điểm của mầu nhiệm này là bà Eva, “mẹ chúng sinh” (St 3,20); Đức Maria đón nhận mầu nhiệm này vào chính bản thân mình và đưa mầu nhiệm này vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô – “vị Ađam mới và cuối cùng” (1 Cr 15,45) – Đấng đón nhận bản tính của Ađam đầu tiên vào trong con người của mình. Bản chất của Giao Ước mới hệ tại ở chỗ Con Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha vĩnh cửu, đã làm người: Người đón nhận nhân tính vào ngôi vị thiên linh duy nhất của Ngôi Lời. Đấng hoàn tất công cuộc cứu độ cũng là con người đích thực. Mầu nhiệm cứu độ trần gian giả thiết Chúa Con đã thu nhận nhân tính như gia sản của Ađam, trong nhân tính đó Người trở nên giống Ađam và từng người chúng ta trong mọi sự “ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4,15). Như Công đồng Vaticanô II dạy: “Người tỏ lộ đầy đủ con người cho con người và giúp họ khám phá ơn gọi cao thượng của mình” [36]. Người đã giúp tái khám phá “con người là ai” (x. Tv 8,5).
Trong truyền thống đức tin và suy tư Kitô giáo qua mọi thời đại, việc so sánh Ađam – Đức Kitô thường đi sóng đôi với việc so sánh Eva – Maria. Người ta muốn nói gì khi so sánh Đức Maria như bà “Eva mới”? Chắc chắn có nhiều ý nghĩa, nhưng phải dừng lại ý nghĩa mạc khải gán cho Đức Maria những gì chứa đựng trong thuật ngữ “phụ nữ” theo Thánh Kinh, một mạc khải sâu xa theo chiều kích mầu nhiệm cứu độ. Theo nghĩa này, Đức Maria vượt qua những ranh giới mà sách Sáng Thế nói đến (St 3,16) và trở về “khởi điểm”, nơi chúng ta gặp được người phụ nữ trong công trình tạo dựng, có nghĩa là trong kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa, trong lòng của Ba Ngôi Cực Thánh. Đức Maria là “khởi điểm mới” cho phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ, cho mọi người phụ nữ và cho từng người phụ nữ [37].
Những lời của tác giả Phúc Âm gán vào miệng Đức Maria sau cuộc Truyền Tin, khi Mẹ đến viếng thăm bà Elisabeth, có thể giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm trên: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49). Những lời này rõ ràng đề cập đến việc thụ thai “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32), cũng là “Đấng Thánh” của Thiên Chúa, nhưng cũng có nghĩa như một sự khám phá nhân tính đặc thù của người phụ nữ. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”: đó chính là việc khám phá sự phong phú trọn vẹn, các khả năng cá nhân của nữ giới, tính chất đặc thù được phú ban từ muôn thuở của người phụ nữ như Thiên Chúa muốn, như một con người độc lập, nhưng đồng thời thực hiện được chính mình qua việc “hiến thân vô vị lợi”.
Việc khám phá này đi đôi với ý thức về hồng ân, về lòng quảng đại của Thiên Chúa. Ngay từ “ban đầu”, tội lỗi đã làm lu mờ ý thức này, có thể nói là bóp nghẹt ý thức này, như chúng ta thấy trong trình thuật về cơn cám dỗ đầu tiên do “cha sự dối trá” (St 3,1-5) gây nên. Khi “thời viên mãn” (Gl 4,4) đến trong lịch sử nhân loại, lúc mầu nhiệm cứu độ bắt đầu được thực hiện, ý thức này đã trỗi dậy với tất cả sự mạnh mẽ trong lời của “người phụ nữ” thành Nazareth. Trong Đức Maria, bà Eva khám phá lại phẩm giá đích thực của người phụ nữ, của nữ giới. Việc khám phá này phải luôn đánh động tâm hồn mỗi người phụ nữ, đem lại ý nghĩa cho ơn gọi và đời sống của họ.
(THÉOTOKOS)
Kết hợp với Thiên Chúa
3. “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà”. Với lời trong Thư gởi giáo đoàn Êphêsô (4,4), Thánh Tông đồ Phaolô nối kết những thời điểm chính yếu của việc thực hiện các “mầu nhiệm đã được Thiên Chúa xác định từ trước” (x. Ep 1,9). Chúa Con là Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha, đã làm người và được một người phụ nữ sinh ra, khi “thời gian tới hồi viên mãn”. Sự kiện này đưa lịch sử loài người, cũng là lịch sử cứu độ, đến đỉnh cao. Điều đáng ghi nhận là Thánh Tông đồ không gọi Mẹ Đức Kitô theo tên riêng “Maria”, nhưng chỉ nói là “một người đàn bà”: điều này phù hợp với những lời trong Tiền Tin Mừng nơi sách Sáng Thế (x. St 3,15). Người nữ này hiện diện ngay trong biến cố trung tâm của mầu nhiệm cứu độ, biến cổ này xác định “thời điểm viên mãn”: biến cố đã trở thành hiện thực trong Bà và qua Bà.
Biến cố trung tâm, biến cố bản lề trong lịch sử cứu độ là cuộc Vượt qua của Chúa đã bắt đầu như thế. Dù vậy, cũng nên nhìn lại biến cố này từ lịch sử tinh thần của con người theo một nghĩa rộng được biểu lộ trong các tôn giáo khác nhau trên thế giới. Công đồng Vaticanô II dạy:“Con người mong đợi các tôn giáo giải đáp về những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người, những bí nhiệm xưa nay vẫn làm tâm hồn họ phải xao xuyến sâu xa: con người là gì? Đời người có mục đích và ý nghĩa nào? Sự thiện và tội ác là chi? Đâu là nguyên nhân và mục đích của đau khổ? Đâu là con đường dẫn tới hạnh phúc thật? Cái chết, sự phán xét và thưởng phạt sau khi chết là gì? Sau cùng, điều huyền bí tối hậu khôn tả vẫn bao trùm cuộc sống chúng ta là chi, chúng ta phát xuất từ đâu và chúng ta hướng về đâu?” [13]. “Từ xưa đến nay, người ta nhận thấy nơi nhiều dân tộc khác nhau một cảm thức về quyền lực tàng ẩn trong vòng chuyển biến của sự vật và trong những biến cố của đời người, đôi khi còn thấy cả sự nhìn nhận một vị Thần Linh Tối Cao hay một Người Cha” [14].
Từ cái nhìn rộng lớn này, chúng ta nhận thấy tâm tư con người luôn khao khát tìm kiếm Thiên Chúa – đôi khi cũng chỉ “dò dẫm” (Cv 17,27) – thế nên “thời gian tới hồi viên mãn” như thánh Phaolô nói trong thư, cho thấy lời đáp trả của Thiên Chúa, của Đấng, “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Đấng ấy chính là Thiên Chúa, Đấng “đã phán dạy cha ông chúng ta nhiều lần nhiều cách qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Người đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2). Việc sai Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha và được “một người đàn bà” sinh ra làm người, cho thấy đỉnh điểm của việc Thiên Chúa tự mạc khải cho con người. Việc tự mạc khải này mang tính cứu độ, như Công đồng Vaticanô II đã dạy trong một bản văn khác: “Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Ngài (x. Ep 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần, và được thông phần bản tính Thiên Chúa” (x. Ep 2,18; 2 Pr 1,4) [15].
Người phụ nữ hiện diện ngay trung tâm biến cố cứu độ này. Việc tự mạc khải của Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi, biểu lộ nét chính yếu trong mầu nhiệm Truyển tin tại Nazareth. “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao”. – “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” – “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa… Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,31-37) [16].
Khi suy nghĩ biến cố này trong chiều kích lịch sử Israel, dân được Thiên Chúa tuyển chọn, và Đức Maria cũng thuộc về dân này, chúng ta dễ dàng nhận ra biến cố này trong viễn cảnh của tất cả những con đường nhân loại đi tìm câu trả lời cho những vấn nạn căn bản và quyết định đã làm cho họ luôn khoắc khoải. Trong mầu nhiệm Truyền Tin ở Nazareth, chúng ta đã không thấy được khởi điểm của câu trả lời dứt khoát, qua đó chính Thiên Chúa đụng đến nổi lo âu của tâm tư con người đó sao? [17] Nơi đây không những nói đến Lời Thiên Chúa được các tiên tri công bố, nhưng còn nói đến câu trả lời, đó chính là sự kiện “Ngôi Lời đã làm người” (x. Ga 1,14); nhờ đó, Đức Maria được kết hợp với Thiên Chúa, một sự kết hợp vượt quá mọi mong chờ của tâm trí con người, vượt quá sự mong chờ của toàn dân Israel và đặc biệt cho các thiếu nữ của dân được tuyển chọn, là những người dựa vào lời hứa luôn mong chờ ngày nào đó một trong số họ được trở thành mẹ Đấng Messias. Thế nhưng ai trong số họ biết được rằng Đấng Messias được hứa là “Con Đấng Tối Cao”? Từ quan niệm độc thần của Cựu Ước, khó mà tưởng tượng được. Chỉ có quyền năng của Thánh Thần, Đấng “rợp bóng trên bà”, mới giúp cho Đức Maria có thể chấp nhận điều “đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27).
Théotokos – Mẹ Thiên Chúa
4. Như thế, “sự viên mãn của thời gian” biểu lộ rõ ràng phẩm giá ngoại thường của “người phụ nữ”. Một mặt, phẩm giá này đã được nâng lên cách siêu nhiên để có thể kết hợp với Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô; sự kết hợp này chính là cùng đích sâu xa của con người, ngay tại thế cũng như trong đời sống vĩnh cửu. Theo nghĩa này, “người phụ nữ” sẽ là người đại diện và nguyên ảnh của toàn thể nhân loại: Bà đại diện cho nhân tính của mọi người, nam cũng như nữ. Mặt khác, sự kiện nơi thành Nazareth cho thấy một hình thức liên kết với Thiên Chúa hằng sống, mà chỉ có “người phụ nữ” là Đức Maria mới có thể đạt được: sự liên kết giữa Mẹ và Con. Đức Trinh Nữ thành Nazareth đã thực sự trở thành Mẹ Thiên Chúa.
Chân lý này đã được niềm tin Kitô giáo đón nhận ngay từ thuở ban đầu và được Công đồng Êphêsô (năm 431) long trọng định tín [18]. Để chống lại ý kiến của Nestorius chỉ muốn nhìn Đức Maria là Mẹ theo nhân tính của Chúa Giêsu mà thôi, Công đồng này trình bày ý nghĩa căn bản chức làm Mẹ của Đức Trinh Nữ Maria. Ngay trong giây phút Truyền Tin, khi đáp lại bằng tiếng “Fiat – thưa vâng”, Đức Maria đón nhận một con người là Con Thiên Chúa, đồng bản thể với Đức Chúa Cha. Vì thế Mẹ đích thực là Mẹ Thiên Chúa; vì chức làm mẹ đụng chạm đến toàn thể con người, chứ không riêng gì thể xác và cũng không phải chỉ đụng chạm đến “nhân tính”. Như thế, tước hiệu Théotokos – “Đấng sinh Thiên Chúa”, Mẹ Thiên Chúa – đã trở thành tên riêng của Đức Trinh Nữ Maria để nhấn mạnh đến việc liên kết với Thiên Chúa.
Sự liên kết đặc biệt của Đấng Théotokos với Thiên Chúa được hiện thực cách tuyệt vời mọi xác định siêu nhiên cho việc liên kết với Chúa Cha (filii in Filio – những người được đón nhận làm con trong Người Con); việc liên kết đặc biệt này hoàn toàn là ân sủng và như thế là một hồng ân của Chúa Thánh Thần. Nhưng đồng thời, qua lời đáp trả của đức tin, Đức Maria nói lên sự tự do của mình để tham dự vào mầu nhiệm Nhập Thể với cả con người, trọn vẹn với nữ tính của mình. Với tiếng thưa vâng Fiat, Đức Maria đã trở thành chủ thể đích thực cho việc liên kết với Thiên Chúa, sự liên kết này được thực hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời đồng bản thể với Chúa Cha. Mọi hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử loài người đều tôn trọng ý chí tự do của từng “cá nhân”. Đó là điều đã diễn ra nơi mầu nhiệm Truyền tin tại Nazareth.
“Phục vụ có nghĩa là thống trị”
5. Biến cố này mang một đặc tính liên vị rõ ràng: đó là một cuộc đối thoại. Chúng ta sẽ không hiểu được cuộc đối thoại này cách trọn vẹn, nếu như không nhìn toàn bộ cuộc trao đổi giữa thiên thần và Đức Maria từ lời chào “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” [19]. Trọn cuộc đối thoại lúc Truyền Tin cho thấy chiều kích siêu nhiên (kecharitôménê) của biến cố. Ân sủng không bao giờ bỏ qua và cũng không tiêu hủy tự nhiên; ngược lại, ân sủng kiện toàn và thăng hóa tự nhiên. Việc “đầy ân sủng” trang bị cho Đức Trinh Nữ thành Nazareth trở thành Đấng Théotokos, cùng lúc cũng nói lên điểm đặc thù cho người nữ, tràn đầy nữ tính, đã đạt tới sự viên mãn tròn đầy. Nơi đây, chúng ta thấy được đỉnh cao và nguyên mẫu phẩm giá cá nhân của người nữ.
Khi đáp lời thiên sứ bằng tiếng Fiat của mình, “Đấng đầy ân sủng” thấy cần phải nói lên thái độ cá nhân đối với quà tặng vừa được mạc khải: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Chúng ta không được phép loại bỏ hay giảm thiểu ý nghĩa sâu xa của câu này, nếu như tách rời câu này ra khỏi toàn bộ sự kiện và khỏi toàn bộ nội dung chân lý được mạc khải về Thiên Chúa và về con người. Trong thuật ngữ “Nữ tỳ của Chúa”, Đức Maria hoàn toàn ý thức mình là một thụ tạo trước Thiên Chúa. Dù vậy, thuật ngữ “Nữ tỳ” nằm cuối cuộc đối thoại Truyền Tin đã đóng ấn trọn viễn cảnh lịch sử của người Mẹ và Người Con. Người Con này thực sự là “Con Đấng Tối Cao” và đồng bản thể với Ngài, thường nói về bản thân mình – nhất là vào giờ cao điểm của sứ vụ: “Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mc 10,45).
Đức Kitô luôn ý thức mình là “Tôi Tớ của Chúa” theo lời ngôn sứ Isaia (x. Is 42,1; 49,3.6; 52,13), lời này gói trọn nội dung chính yếu sứ vụ Messias của Người: Người ý thức mình là Đấng Cứu độ trần thế. Đức Maria tham gia vào sứ vụ cứu độ của Đức Kitô ngay từ giây phút đầu tiên làm Mẹ Thiên Chúa, từ việc liên kết với Con, Đấng được Chúa Cha sai đến thế gian, “để thế gian, nhờ Người mà được cứu độ” (Ga 3,17) [20]. Việc phục vụ này là nền tảng cho Vương Quốc, trong đó “phục vụ… mang ý nghĩa là cai trị” [21]. Đức Kitô, “Người Tôi Tớ của Thiên Chúa”, mạc khải cho mọi người thấy phẩm giá vương giả của việc phục vụ, liên kết chặt chẽ với ơn gọi của từng người.
Với suy tư về thực tại của “người phụ nữ – Mẹ Thiên Chúa”, chúng ta bước vào suy niệm về năm Thánh Mẫu. Thực tại này xác định viễn cảnh chính yếu của việc chiêm niệm về phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ. Khi suy nghĩ, khi nói, khi làm một điều gì đó liên hệ đến phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ, thì lý trí, tâm hồn và hành động không thể nào rời bỏ viễn cảnh này được. Phẩm giá con người và ơn gọi thích hợp với phẩm giá đó chỉ tìm được mực thước dứt khoát từ việc liên kết với Thiên Chúa. Đức Maria – người phụ nữ trong Thánh Kinh – là sự diễn tả tuyệt vời phẩm giá và ơn gọi này. Vì mỗi người – nam cũng như nữ – được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, chỉ có thể phát triển trong chiều kích của hình ảnh và sự giống Thiên Chúa mà thôi.
III. HÌNH ẢNH VÀ SỰ GIỐNG THIÊN CHÚA
Sách Sáng thế
6. Chúng ta phải ý thức về bối cảnh bản văn “Khởi nguyên” của Thánh Kinh, trình bày chân lý mạc khải con người như là hình ảnh và giống Thiên Chúa, làm thành nền tảng bất biến cho nhân học Kitô giáo [22]. “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Đoạn văn ngắn ngủi chứa đựng các chân lý về nhân học: con người là chóp đỉnh trình tự sáng tạo của thế giới hữu hình; dòng giống loài người bắt đầu khi người đàn ông và người đàn bà bước vào sự hiện hữu; dòng giống này là vinh quang của toàn thể công trình sáng tạo – cả hai, nam và nữ, đều là con người, cùng bình đẳng ngang nhau, cả hai được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh và việc giống Thiên Chúa, thực sự là nền tảng của con người, được người đàn ông và người đàn bà, khi trở thành phu phụ và thành cha mẹ, sẽ tiếp tục trao ban lại cho con cái. “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1,28). Đấng Sáng tạo trao phó “sự thống trị” mặt đất cho loài người, cho tất cả mọi người, cho mọi người đàn ông và đàn bà, vì họ đã nhận được phẩm giá và ơn gọi ngay từ nguồn gốc ban đầu của mình.
Trong sách Sáng Thế còn một cách trình bày khác về việc tạo dựng con người, đàn ông và đàn bà (x. 2,18-25), sau đây chúng ta sẽ bàn tới. Dù sao cũng phải xác định đặc tính nhân vị của con người đã được nói rõ trong trình thuật Thánh Kinh, Con người là một nhân vị: điều này được áp dụng cho người nam cũng như người nữ như nhau; cả hai được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Điều làm cho con người giống Thiên Chúa là sự kiện – khác với thế giới có sự sống, gồm cả các hữu thể có cảm giác (animalia) – con người là một hữu thể có lý trí (animal rationale) [23]. Nhờ đặc tính này, đàn ông cũng như đàn bà có thể “thống trị” các thụ tạo của thế giới hữu hình (x. St 1,28).
Trong trình thuật thứ hai về việc tạo dựng con người (x. St 2,7.18-25), ngôn từ diễn tả chân lý về việc tạo dựng con người, đặc biệt là người phụ nữ, rất khác; theo một nghĩa nào đó, không được rõ ràng mấy, có tính mô tả và gợi hình, làm cho chúng ta liên tưởng đến ngôn ngữ của các huyền thoại rất quen thuộc thời xưa. Dù vậy không có gì đối nghịch giữa hai bài trình thuật. Bản văn St 2,18-25 là một hỗ trợ giúp hiểu rõ câu St 1,27-28 nói lên chân lý căn bản về con người được tạo dựng có nam có nữ theo hình ảnh và giống Thiên Chúa.
Đoạn St 2,18-25 trình thuật việc Thiên Chúa tạo dựng người đàn bà từ “xương sườn” của người đàn ông, như “cái tôi” thứ hai, như người đồng hành bên cạnh người đàn ông, vì trước đó ông rất cô đơn giữa thế giới sinh vật mà không tìm được một sự hỗ trợ thích ứng với mình. Người đàn bà vừa được tạo dựng như thế được người đàn ông công nhận “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2,23) và vì thế được gọi là “người đàn bà”. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, danh tánh này cho thấy căn tính chính yếu nhờ liên hệ với người đàn ông: ish – ishsha, tiếc rằng ngôn ngữ thời đại không diễn tả hết ý nghĩa của hai từ này. “Nàng này sẽ được gọi là đàn bà (ishsha), vì đã được rút từ đàn ông (ish) ra” (St 2,23).
Bản văn Thánh Kinh cung cấp đủ nền tảng để công nhận sự bình đẳng cơ bản giữa người đàn ông và người đàn bà theo nhân tính [24]. Ngay từ đầu, cả hai đều là nhân vị, khác biệt với thế giới sinh vật chung quanh. Người đàn bà là cái “tôi” khác biệt trong cộng đồng nhân bản chung. Ngay từ đầu, cả hai xuất hiện như “sự duy nhất giữa cả hai”; điều này nói lên việc chấm dứt sự cô đơn nguyên thủy khi “con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng” (St 2,20). Có phải ở đây muốn nói đến một sự “hỗ trợ” để “thống trị mặt đất” (St 1,28)? Thực sự ở đây muốn nói đến người bạn đồng hành mà người đàn ông liên kết như vợ mình, để trở thành “một xương một thịt và vì thế phải “lìa cha mẹ mình” (St 2,24). Khi trình thuật về việc tạo dựng người đàn ông và người đàn bà, Thánh Kinh nói về việc Thiên Chúa thiết lập hôn nhân như điều kiện tất yếu cho việc truyền sinh các thế hệ nhân loại; hôn nhân và tình yêu hôn nhân tự bản chất được Thiên Chúa xác định vào việc truyền sinh này: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất” (St 1,28).
Nhân vị – hiệp thông – quà tặng
7. Khi đào sâu trình thuật St 2,18-25 và chú giải dưới ánh sáng chân lý về việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (St 1,26-27), chúng ta có thể hiểu đầy đủ đặc tính nhân vị của con người hệ tại ở điều đã làm cho cả hai – nam và nữ – giống Thiên Chúa. Mỗi con người là hình ảnh của Thiên Chúa vì là thụ tạo được phú bẩm lý trí và tự do, có khả năng nhận biết và yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta cũng đọc thấy, con người không thể hiện hữu đơn độc (x. St 2,18); nhưng chỉ có thể hiện hữu “hợp nhất giữa hai người”, trong liên hệ với một nhân vị khác. Ở đây muốn nói đến một liên hệ hỗ tương của người đàn ông với người đàn bà và người đàn bà với người đàn ông. Nhân vị theo hình ảnh Thiên Chúa có nghĩa là hiện hữu trong tương quan với một “cái tôi” khác. Điều này có thể giúp chúng ta hiểu việc tự mạc khải của Thiên Chúa Ba Ngôi: sự hợp nhất sống động trong hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Khởi đầu, Thánh Kinh chưa nói điều này cách rõ ràng. Trước hết, toàn bộ Cựu Ước là mạc khải chân lý về Thiên Chúa đơn nhất (Einzigkeit – unicité) và duy nhất (Einheit – unité). Từ chân lý nền tảng về Thiên Chúa của Cựu Ước, Tân Ước hướng đến mầu nhiệm khôn dò khôn thấu của đời sống nội tại của Thiên Chúa. Thiên Chúa tự tỏ mình cho con người qua Đức Kitô là sự duy nhất trong Ba Ngôi: sự duy nhất trong hiệp thông (Dieu, qui se fait connaitre aux hommes par le Christ, est l’unité dans la Trinité, il est l’unité dans la communion – Gott, der sich den Menschen durch Christus zu erkennen gibt, ist Einheit in Dreifaltigkeit: Einheit in Gemeinschaft). Điều này đem lại một ánh sáng mới soi rọi cho hình ảnh và việc giống Thiên Chúa nơi con người, như sách Sáng Thế đã nói. Việc con người được tạo dựng có nam có nữ theo hình ảnh Thiên Chúa không những có nghĩa, từng người trong họ giống Thiên Chúa ở chỗ họ là hữu thể có lý trí và tự do; cũng có nghĩa là, người đàn ông và người đàn bà như sự “hợp nhất giữa cả hai” được tạo dựng cùng chung nhân phẩm, được kêu gọi sống một cộng đoàn tình yêu và phản ánh trong thế giới cộng đoàn tình yêu chỉ tồn tại trong Thiên Chúa và qua đó Ba Ngôi Vị yêu thương nhau trong mầu nhiệm sâu thẳm của đời sống thiên linh duy nhất. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa duy nhất nhờ sự duy nhất của thiên tính, hiện hữu như các Ngôi Vị qua liên hệ thiên linh sâu thẳm. Chỉ qua cách thức này, chúng ta mới có thể hiểu được chân lý, Thiên Chúa tự tại là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,16).
Hình ảnh và sự giống Thiên Chúa trong con người được tạo dựng có nam có nữ (theo cách loại suy, có thể xem như giữa Đấng Sáng Tạo với thụ tạo) nói lên sự “hợp nhất giữa hai người” trong nhân vị chung. “Sự hợp nhất giữa hai người” này là một dấu chỉ sự hiệp thông liên vị, cho thấy việc tạo dựng con người cũng có một nét nào đó giống với sự hiệp thông của Thiên Chúa (“communio”). Sự giống nhau này được ghi nhận như một đặc tính nhân vị của cả hai nam nữ, đồng thời cũng là phẩm giá và ơn gọi. Toàn bộ luân lý (Ethos) của con người được đặt nền tảng trong hình ảnh và sự giống Thiên Chúa mà con người đã mang nơi mình ngay từ thuở ban đầu: Cựu Ước và Tân Ước triển khai Ethos này mà đỉnh cao chính là giới luật tình yêu [25].
Trong sự “hợp nhất giữa hai người”, người đàn ông và người đàn bà ngay từ đầu đã được kêu gọi không những “bên cạnh nhau” hay “cùng nhau” hiện hữu, nhưng còn được kêu gọi hiện diện “cho nhau”.
Điều này giải thích ý nghĩa “trợ tá” được nói đến trong đoạn St 2,18-25: “Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó”. Theo mạch văn Thánh Kinh, chúng ta có thể hiểu từ này theo nghĩa người đàn bà phải “giúp đỡ” người đàn ông – đồng thời người đàn ông cũng phải giúp đỡ người đàn bà – chỉ vì họ là “những con người có nhân vị”: điều này sẽ giúp cho người nam cũng như người nữ luôn khám phá và xác nhận ý nghĩa trọn vẹn của việc làm người. Trên bình điện căn bản này, cũng dễ dàng nhận ra một “sự hỗ trợ” của cả hai phía và đồng thời một “sự hỗ trợ” cho nhau. Là con người có nghĩa là được mời gọi vào sự hiệp thông liên vị. Đoạn St 2,18-25 cho thấy hôn nhân là chiều kích đầu tiên và nền tảng cho ơn gọi này. Nhưng đó không phải là chiều kích duy nhất. Trọn lịch sử nhân loại trên trái đất được thực hiện trong khung của ơn gọi này. Dựa trên nguyên tắc, sự “hiệp thông” liên vị người này hiện diện cho người kia, chúng ta thấy điều “thuộc về nam giới” và điều “thuộc về nữ giới” trong nhân tính theo ý Thiên Chúa muốn, được phát triển liên tục trong suốt lịch sử. Các bản văn Kinh Thánh, khởi đầu với sách Sáng Thế, giúp chúng ta luôn khám phá môi trường nơi chân lý về con người phát triển, một môi trường vững chắc và bất biến giữa biết bao đổi thay trong hiện sinh loài người.
Chân lý này cũng liên hệ đến lịch sử cứu độ. Điều này Công đồng Vaticanô II đã nói ở chương về “Cộng đồng nhân loại” trong Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes: “Khi cầu nguyện với Chúa Cha: “Xin cho mọi người nên một… như chúng ta là một” (Ga 17,21-22), Chúa Giêsu mở ra những viễn tượng mà lý trí con người không thể tự đạt tới được. Như vậy, Chúa Giêsu đã nói lên một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của các con cái Chúa trong chân lý và đức ái. Sự tương tự này cho thấy con người, thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ, chỉ có thể gặp lại chính bản thân mình nhờ thành thực hiến dâng” [26].
Với những lời này, bản văn Công đồng tóm kết chân lý về người nam và người nữ – một chân lý đã được trình bày trong những chương đầu của sách Sáng Thế – như nền tảng cho khoa nhân học theo Thánh Kinh và Kitô giáo. Con người – nam cũng như nữ – giữa các thụ tạo của thế giới hữu hình, là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ; họ là một nhân vị. Nhân vị có nghĩa là: hướng về việc thực hiện chính bản thân mình (bản văn Công đồng nói về “tự tìm thấy chính mình”), đó là điều chỉ có thể thực hiện qua việc “hiến dâng chính mình cách vô vị lợi”. Nguyên mẫu cho ý nghĩa nhân vị chính là Thiên Chúa trong phương diện là Ba Ngôi Thiên Chúa, là sự hiệp thông giữa các Ngôi Vị. Câu nói “con người được dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa’’; cũng có ý nghĩa là, con người được mời gọi, hiện hữu cho kẻ khác, trở thành một “quà tặng” cho kẻ khác.
Ơn gọi này được áp dụng cho mọi người, nam cũng như nữ; họ sẽ thực hiện điều này theo tính cách riêng của mỗi người. Trong giới hạn của bài suy tư về phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ, chân lý về con người sẽ là khởi điểm tất yếu.
Ngay từ đầu, sách Sáng Thế vạch một lược đồ sơ khởi về đặc tính hôn nhân trong liên hệ giữa con người, một nền tảng chân lý về vai trò làm mẹ cũng như về sự đồng trinh như hai chiều kích của ơn gọi người phụ nữ trong ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa. Hai chiều kích này sẽ được nổi bật “khi thời gian tới hồi viên mãn” trong bóng dáng “người phụ nữ” thành Nazareth: đó là người mẹ, đồng thời cũng là trinh nữ.
Ngôn từ nhân hóa của Thánh Kinh
8. Cách trình bày con người như “hình ảnh và giống Thiên Chúa” ngay khởi đầu Sách Thánh, còn có một ý nghĩa khác nữa. Đó là chìa khóa để hiểu mạc khải Kinh Thánh như là việc Thiên Chúa tự mạc khải chính mình. Khi Thiên Chúa nói về chính mình – có thể qua các “tiên tri”, có thể qua “Người Con” đã làm người (x. Dt 1,1.2) – Ngài nói theo ngôn ngữ loài người, sử dụng ý niệm và hình ảnh thuộc ngôn ngữ loài người. Nếu cách diễn tả này có theo lối nhân hóa nào đó thì lý do là con người được tạo dựng “giống” Thiên Chúa: theo hình ảnh và giống Ngài. Như thế chính Thiên Chúa, một cách nào đó, cũng “giống” con người; căn cứ theo sự giống đó mà con người có thể nhận biết Thiên Chúa. Như thế, ngôn từ Thánh Kinh cũng cho thấy rõ ràng giới hạn của sự “giống” này cũng như giới hạn của việc loại suy. Mạc khải Thánh Kinh cho thấy sự giống Thiên Chúa của con người, nhưng về bản chất thì hoàn toàn “không giống”, điều này tách hẵn thụ tạo với Đấng Sáng Tạo [27]. Đối với con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, thì Thiên Chúa vẫn luôn là Đấng “ngự trong ánh sáng siêu phàm” (1 Tm 6,16): Tự bản chất, Người là “Đấng khác”, Đấng “Hoàn toàn khác”.
Chúng ta phải luôn ý thức về việc xác định giới hạn loại suy – giới hạn việc giống Thiên Chúa của con người theo ngôn từ Thánh Kinh – dù ngay trong nhiều đoạn Thánh Kinh, chúng ta gặp những so sánh gán cho Thiên Chúa những phẩm tính của người nam hay của người nữ. Trong những so sánh như thế, chúng ta có thể thấy sự xác định gián tiếp về chân lý, cả hai, nam cũng như nữ, được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Nếu như có sự tương tự giữa Đấng Sáng Tạo và thụ tạo, thì cũng hiểu rằng Thánh Kinh sử dụng những cách diễn tả gán cho Thiên Chúa những phẩm tính của người nam cũng như của người nữ.
Chúng ta có thể trích vài đoạn đặc thù của tiên tri Isaia: “Sion từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,14-15). Một câu khác: “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66,13). Trong nhiều Thánh vịnh, Thiên Chúa được so sánh như người mẹ hiền chăm sóc con thơ: “Hồn con, con vẫn trước sau giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình. Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui. Cậy vào Chúa, Israel hỡi!” (Tv 131,2-3). Trong nhiều đoạn khác, tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa được so sánh như của một người mẹ: như một người mẹ, Thiên Chúa đã “mang” nhân loại và đặc biệt dân tuyển chọn của mình trong lòng dạ; Ngài đã sinh họ ra trong đau đớn; Ngài đã nuôi nấng và an ủi họ (so Is 42,14; 46,3-4; Gr 3,4-19). Tình yêu của Thiên Chúa cũng được trình bày trong nhiều đoạn như tình yêu “nam tính” của một người yêu và của một người cha (Hs 11,1-4; Gr 3,4-19), đôi khi cũng được trình bày như tình yêu “nữ tính” của một người mẹ.
Dấu nhấn của ngôn từ Thánh Kinh, cách nói nhân hóa Thiên Chúa cho thấy gián tiếp mầu nhiệm “sinh ra” từ thuở đời đời, thuộc vào đời sống nội tại của Thiên Chúa. Dù vậy, việc “sinh ra” này không có phẩm chất “nam” hay “nữ” gì cả, nhưng hoàn toàn là bản tính của Thiên Chúa; một “sự sinh ra” thiêng liêng trọn hảo nhất – chỉ vì “Thiên Chúa là thần khí” (Ga 4,24) – không có một phẩm chất nào thuộc “nam giới” hay của “nữ giới”. Vì thế “chức vụ là Cha” trong Thiên Chúa hoàn toàn khác, không có chút dấu chứng thể lý “nam giới” như nơi chức vụ là cha nơi loài người. Theo nghĩa này, Cựu Ước nói Thiên Chúa là Cha và hướng về Ngài như hướng về một người Cha. Đức Giêsu Kitô đã đặt chân lý này vào trung tâm Tin Mừng của Người như qui luật cho kinh nguyện Kitô giáo; Người hướng về Thiên Chúa và gọi Ngài là “Abba – Cha ơi!” (Mc 14,36) để minh chứng Người là Con duy nhất và đồng bản thể; Người cũng cho thấy chức vụ làm Cha trong nghĩa siêu thể lý, siêu phàm, hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Là Con, Người nói và liên kết với Cha qua mầu nhiệm “sinh ra” từ vĩnh cửu, nhưng đồng thời Người cũng minh chứng mình là Con của người Mẹ đồng trinh theo nhân tính.
Cho dù sự sinh ra từ đời đời của Ngôi Lời Thiên Chúa không có phẩm chất nhân loại và chức làm cha của Thiên Chúa không có dấu chứng “nam giới” theo nghĩa thể lý, thì chúng ta phải tìm nơi Thiên Chúa nguyên ảnh tuyệt đối của việc sinh hạ trong trần thế của con người. Theo nghĩa này, chúng ta đọc trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô: “Vì lý do đó, tôi quỳ gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất” (Ep 3,14-15). Mỗi cuộc sinh hạ trên bình diện thụ tạo tìm được nguyên mẫu của mình nơi việc sinh hạ của Thiên Chúa, có nghĩa là hoàn toàn thiêng liêng. Mọi “sinh hạ” trong thế giới thụ tạo cũng phải tương tự với mẫu tuyệt đối, tự tại này. Vì thế, tất cả những gì đặc thù trong việc sinh hạ ở con người, như tình phụ tử và tình mẫu tử, cũng mang những nét tương tự và loại suy với việc “sinh hạ” nơi Thiên Chúa, với tình phụ tử, nhưng nơi Thiên Chúa lại “rất khác biệt”: hoàn toàn thiêng liêng và theo bản chất hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Nơi con người, việc sinh hạ là chứng cứ của “sự hợp nhất giữa hai người”. Cả hai, người đàn ông và người đàn bà, đều trở thành cha mẹ, những “người sinh thành”.
Sự “khởi đầu” và tội lỗi
9. “Con người được Thiên Chúa thiết đặt trong tình trạng công chính, nhưng ngay từ đầu lịch sử, bị ma quỷ cám dỗ, đã lạm dụng tự do, chống lại Thiên Chúa và muốn tạo tương lai của mình không cần đến Thiên Chúa” [28]. Qua những lời này, Công đồng nhắc lại giáo lý đã được mạc khải về tội lỗi và đặc biệt về nguyên tội. “Khởi nguyên” theo Thánh Kinh – nghĩa là việc tạo dựng vũ trụ và con người – còn chứa chất chân lý về tội lỗi, cũng còn gọi là tội lúc “khởi đầu” của con người trên mặt đất. Dù những gì được viết trong sách Sáng Thế được lồng trong trình thuật mang tính biểu trưng, như trình thuật về việc tạo dựng con người có nam có nữ (x. St 2,18-25), qua đó cũng cho thấy “mầu nhiệm tội lỗi” và đầy đủ hơn là “mầu nhiệm sự dữ” trong thế giới do Thiên Chúa sáng tạo.
Chúng ta không thể hiểu được “mầu nhiệm tội lỗi” nếu không qui chiếu vào chân lý về “hình ảnh và giống Thiên Chúa” của con người là nền tảng nhân học theo Thánh Kinh. Chân lý này cho thấy việc tạo dựng con người là hồng ân đặc biệt của Đấng Sáng Tạo, hồng ân không những chứa chất nền tảng và nguồn gốc phẩm giá chính yếu của con người, nam cũng như nữ, trong vũ trụ được Thiên Chúa tạo dựng, nhưng còn cho thấy khởi điểm lời mời cho cả hai được chia sẻ vào đời sống nội tại của Thiên Chúa. Theo ánh sáng mạc khải, sáng tạo đồng thời cũng là khởi điểm của lịch sử cứu độ. Chính ngay lúc khởi đầu này, tội lỗi đã tấn công và xuất hiện như đối kháng và phủ nhận.
Có thể nói một cách nghịch lý rằng: tội lỗi được hình bày trong chương 3 của sách Sáng Thế như là một sự xác nhận chân lý về hình ảnh và giống Thiên Chúa của con người, nếu chân lý này nói lên sự tự do, có nghĩa là ý chí tự do con người có thể sử dụng để chọn điều lành, nhưng con người cũng có thể lạm dụng khi chọn điều xấu nghịch lại ý muốn của Thiên Chúa. Trong ý nghĩa sâu xa, tội lỗi là sự phủ nhận Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo, trong tương quan với con người và phủ nhận điều Thiên Chúa muốn cho con người ngay từ đầu và mãi mãi. Qua việc tạo dựng con người có nam có nữ theo hình ảnh và giống mình, Thiên Chúa muốn ban tràn đầy điều thiện hảo cho họ, là hạnh phúc siêu nhiên, do việc tham dự vào đời sống của Ngài. Khi phạm tội, con người chối từ hồng ân này, đồng thời muốn mình “như thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5), nghĩa là con người muốn tách ra khỏi Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo của mình, để tự quyết định điều thiện điều ác. Tội ban đầu mang “chiều kích” nhân bản, mức độ nội tại nằm trong ý chí tự do của con người, và đồng thời cũng mang một tính chất “ma quỉ” [29] như đoạn St 3,1-5 đã nói rõ ràng. Tội lỗi gây đổ vỡ sự hợp nhất nguyên thủy mà con người được hưởng khi còn trong tình trạng công chính ban đầu, gây đổ vỡ sự kết hợp với Thiên Chúa là nguồn gốc sự hợp nhất trong bản thân “cái tôi”, đổ vỡ trong tương quan hỗ tương giữa người nam và người nữ (“communio personarum”) và cuối cùng trong tương quan đối với thế giới bên ngoài, với cả vũ trụ.
Trình thuật Thánh Kinh về việc sa ngã trong chương St 3 theo cách “phân định” vai trò của người đàn ông và người đàn bà. Sau này, một số đoạn Thánh Kinh cũng nhắc đến việc này, như thư thánh Phaolô gửi cho ông Timôthê: “Vì Ađam được tạo dựng trước, rồi mới đến Evà. Cũng không phải Ađam đã bị dụ dỗ, nhưng là người đàn bà đã phạm tội, khi dụ dỗ” (1 Tm 2,13-14). Không cần đá động đến vai trò của ông bà nguyên tổ, Thánh Kinh cho thấy rõ ràng tội lỗi đầu tiên là tội của con người đã được Thiên Chúa tạo dựng có nam có nữ. Đó cũng là tội của “tổ tông”, từ đó tội mang tính di truyền. Theo nghĩa này, chúng ta gọi đó là “nguyên tội”.
Như đã nói, chúng ta không thể hiểu tội này cách đúng đắn nếu không liên kết với mầu nhiệm tạo dựng con người có nam có nữ theo hình ảnh Thiên Chúa. Việc liên kết này sẽ cho thấy mầu nhiệm “không giống” Thiên Chúa do tội gây nên, biểu lộ qua sự dữ hiện tại trong lịch sử vũ trụ: đó là việc “không giống” Thiên Chúa, “Đấng duy nhất tốt lành” (x. Mt 19,17) và viên mãn của sự thiện. Nếu sự “không giống” của tội lỗi so với Thiên Chúa là Đấng Thánh, giả thiết phải có sự “giống” trong lãnh vực tự do của ý chí, phải xác định rằng sự “không giống do tội lỗi” lại càng bi đát và đau khổ hơn nữa. Điều này đụng chạm đến chính Thiên Chúa là Đấng Sáng tạo và là Người Cha, “xúc phạm” đến Ngài ngay trong nền tảng hồng ân ban tặng thuộc kế hoạch vĩnh cửu của Ngài dành cho loài người.
Cùng một lúc, con người – đàn ông và đàn bà – cũng bị sự dữ của tội lỗi do chính họ gây ra tấn công. Bản văn Thánh Kinh ở chương St 3 cho thấy điều này rõ ràng qua tình trạng mới của con người trong thế giới thụ tạo: con người phải “cực nhọc” để sinh tồn (x. St 3,17-19); người đàn bà phải đau đớn khi sinh nở (x. St 3,16); cuối cùng là cái chết chấm dứt cuộc đời con người trên mặt đất. Con người sẽ “trở về với đất, vì từ đất, con người đã được lấy ra”: “Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19).
Các lời trên đây đã được xác nhận từ thế hệ này sang thế hệ khác. Các lời này không muốn nói “hình ảnh và giống Thiên Chúa” nơi con người bị phá hủy, nhưng chỉ nói “bị xáo trộn” [30] và trong một ý nghĩa nào đó “bị giảm thiểu”. Trong thực tế, tội lỗi đã làm “giảm đi” con người, như Công đồng Vaticanô II đã nói [31]. Nếu do bản tính nhân vị của mình, con người là hình ảnh và giống Thiên Chúa, sự vĩ đại và phẩm giá của họ được phát triển trong giao ước với Thiên Chúa, trong sự kết hợp với Ngài, trong cố gắng tiến đến sự hợp nhất do chính Thiên Chúa thiết đặt trong sáng tạo. Sự hợp nhất này thích ứng với chân lý sâu thẳm của các thụ tạo được phú bẩm lý trí, đặc biệt là con người, vì ngay từ đầu họ đã được Thiên Chúa nâng lên trên mọi thụ tạo của thế giới hữu hình qua việc tuyển chọn trong Đức Kitô: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ (…); theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1,4-6). Căn cứ vào giáo huấn toàn bộ Thánh Kinh, có thể nói, việc tiền định cho tất cả mọi người đều trực tiếp đến với mỗi người, nam cũng như nữ, không trừ ai.
“Nó sẽ thống trị ngươi”
10. Trình thuật Thánh Kinh theo sách Sáng Thế xác định các hệ quả của tội lỗi con người, cũng như cho thấy sự xáo trộn tương quan nguyên thủy giữa đàn ông và đàn bà, tương quan phù hợp với phẩm giá của họ như nhân vị. Con người, đàn ông cũng như đàn bà, là một nhân vị và vì thế là “thụ tạo duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng vì chính họ trên trái đất này”, đồng thời là thụ tạo duy nhất tuyệt đối “có thể hiện thực chính bản thân mình qua việc hiến thân trọn vẹn” [32]. Đây là khởi điểm liên hệ hiệp thông nổi bật trong việc “hợp nhất giữa hai người” và phẩm giá của người đàn ông cũng như người đàn bà như các nhân vị. Khi đọc cách Thánh Kinh trình bày về người phụ nữ với những lời như sau: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16), chúng ta khám phá sự đổ vỡ và hăm dọa liên tục cho sự “hợp nhất giữa hai người”, sự hợp nhất thích ứng với phẩm giá của hình ảnh Thiên Chúa trong cả hai. Đối với người phụ nữ, sự hăm dọa này rất trầm trọng. Từ nay sự thống trị xuất hiện ngay trong vị trí “hiến dâng thật sự”, một sự hiến dâng cả cuộc sống cho kẻ khác: “Nó sẽ thống trị ngươi”. Sự “thống trị” này cho thấy sự xáo trộn và làm suy yếu đi sự bình đẳng nền tảng mà người nam và người nữ đều có trong sự “hợp nhất giữa hai người”: điều này gây ảnh hưởng xấu nơi người phụ nữ, trong khi sự bình đẳng có được do phẩm giá của cả hai như nhân vị mới có thể đem lại cho tương quan hỗ tương đặc tính đích thực của một”communio personarum” (hiệp thông nhân vị). Nếu vi phạm đến sự bình đẳng, được Thiên Chúa Sáng Tạo ban cho như quà tặng và quyền lợi, tác hại đến người phụ nữ, sẽ đồng thời cũng giảm đi phẩm giá đích thực của người đàn ông. Ở đây chúng ta đụng chạm đến điểm nhạy cảm nhất trên bình diện “luân lý – Ethos” mà ngay từ đầu Đấng Sáng Tạo đã liên kết bằng một thực tại là cả hai được tạo dựng theo hình ảnh và giống Ngài.
Xác quyết nơi đoạn St 3,16 có một ý nghĩa lớn lao và tầm quan trọng đặc biệt, hướng ý đến liên hệ hỗ tương giữa người nam và người nữ trong hôn nhân. Ở đây muốn nói đến sự: khao khát phát sinh trong tình yêu hôn nhân, tác động trên việc “hiến dâng thật sự” về phía người đàn bà để mong chờ một sự “hiến dâng” tương tự như vậy về phía người đàn ông như lời đáp trả và hoàn tất. Chỉ căn cứ trên nền tảng nguyên tắc này mà cả hai và đặc biệt là người phụ nữ mới có thể “tìm được chính mình” như “sự hợp nhất đích thực giữa hai người”, phù hợp với phẩm giá nhân vị của họ. Người phụ nữ không được trở thành đối tượng cho sự thống trị và chiếm đọat của người đàn ông. Các lời Thánh Kinh đụng chạm trực tiếp vào nguyên tội và hậu quả của nó kéo dài trên người đàn ông và người đàn bà. Họ bị tính chất di truyền của tội lỗi hành hạ và luôn mang “mầm mống tội lỗi” ngay nơi mình, có nghĩa là xu chiều vi phạm trật tự luân lý. Xu chiều này nổi bật trong dục vọng có ba mặt, mà theo bản văn tông truyền là “dục vọng của tính xác thịt, của đôi mắt và thói cậy mình có của” (x. 1 Ga 2,16). Các lời trong sách Sáng Thế được trích dẫn bên trên (3,16) cho thấy rõ dục vọng ba mặt này như “mầm mống tội lỗi” đè nặng trên liên hệ hỗ tương giữa người đàn ông và người đàn bà.
Những lời trong sách Sáng Thế trực tiếp nói đến hôn nhân; gián tiếp đến những lãnh vực khác của đời sống xã hội: những hoàn cảnh người phụ nữ bị thua thiệt hay bị khinh miệt chỉ vì là đàn bà. Chân lý mạc khải về việc sáng tạo con người có nam có nữ được xem như nền tảng chính yếu chống lại các tình trạng thực sự có hại một cách khách quan, có nghĩa là bất công, chứa chất và làm nổi bật gia sản tội lỗi mà mỗi người mang lấy trong mình. Trong nhiều đoạn, các sách Thánh xác nhận những tình trạng thực tế này và nói lên sự cần thiết phải hoán cải, có nghĩa là phải thanh tẩy khỏi sự xấu và giải thoát mình khỏi tội lỗi: tức là khỏi những gì xúc phạm đến kẻ khác, những gì “giảm thiểu” con người, không những nơi người bị xúc phạm mà cả người đã làm như thế. Đó là sứ điệp bất biến của lời Thiên Chúa mạc khải. Chính trong sứ điệp đó, “luân lý” theo Thánh Kinh mới được biểu lộ với tất cả sự triệt để của mình [33].
Trong thời đại chúng ta, vấn đề “quyền của người phụ nữ” đã đạt được ý nghĩa mới trong liên hệ các quyền nhân vị của con người. Khi soi sáng đề án luôn được giải thích và nhắc nhớ qua nhiều hình thức này, sứ điệp của Thánh Kinh và của Phúc Âm bảo vệ chân lý về sự hợp nhất giữa cả hai người, có nghĩa là về phẩm giá và ơn gọi do sự khác biệt và tính chất đặc thù của người nam và người nữ. Vì thế, việc phản đối hợp lý của phụ nữ chống lại lời nói trong Thánh Kinh: “Nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16) trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không thể đưa đến việc “nam hóa” người đàn bà. Dù nhân danh việc giải phóng khỏi “sự thống trị” của đàn ông, người phụ nữ không thể loại bỏ đặc tính nữ giới của mình để nhận những đặc thù cơ bản của nam giới được. Thực sự có một sự lo sợ khi thực hiện như thế, người phụ nữ không thể tự triển nở, nhưng ngược lại trở nên dị dạng và mất đi sự phóng phú tất yếu của mình. Đó là một sự phong phú vĩ đại. Theo trình thuật Sáng Thế của Thánh Kinh, tiếng kêu đầy kinh ngạc của con người đầu tiên khi nhìn thấy người phụ nữ vừa được tạo dựng là một tiếng kêu đầy thán phục và ngây ngất, tiếng kêu này đã xuyên suốt trọn lịch sử của loài người.
Những khả năng cá nhân của tính chất nữ giới không thấp hơn các khả năng của nam giới, chỉ khác biệt mà thôi. Người phụ nữ – cũng như người đàn ông – phải cố gắng “hiện thực” như là nhân vị, phẩm giá và ơn gọi dựa theo nền tảng các khả năng này, phù hợp với sự phong phú thuộc nữ giới, đó là điều người phụ nữ đã đón nhận ngay từ lúc được tạo dựng và đón nhận tính chất đặc thù là hình ảnh của Thiên Chúa như gia sản của mình. Chỉ theo cách thức đó mới có thể chiến thắng được gia sản tội lỗi mà Thánh Kinh đã nói qua câu: “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi”. Việc vượt thắng gia sản xấu xa này phải lá trách nhiệm của mỗi người, đàn ông cũng như đàn bà và từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thực vậy, trong mọi trường hợp người đàn ông đều phải chịu trách nhiệm về sự xúc phạm phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ, qua đó họ cũng hành động chống lại phẩm giá và ơn gọi của chính mình.
Tiền Tin Mừng
11. Sách Sáng Thế xác định tội lỗi là điều xấu ở “thuở ban đầu” của loài người cùng với các hậu quả của nó, từ ngày đó vẫn đè nặng trên toàn thể nhân loại, đồng thời sách cũng có lời loan báo đầu tiên về chiến thắng trên điều xấu, chiến thắng tội lỗi. Đoạn St 2,15 thường được gọi là Tiền Tin Mừng minh chứng điều này: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”. Đây là lời loan báo về Đấng Cứu độ, Đấng Cứu Chuộc trần gian; lời này lại liên quan đến “người phụ nữ”. Người phụ nữ này được gợi lên ở vị trí đầu tiên trong Tiền Tin Mừng, được xem là tổ mẫu của Đấng Cứu độ loài người [34]. Nếu việc cứu độ được thành tựu qua cuộc chiến chống điều xấu do sự “hận thù” giữa miêu duệ người nữ và miêu duệ của “cha sự dối trá” (Ga 8,44) là kẻ gây ra tội lỗi trong lịch sử loài người, thì đó cũng là sự hận thù giữa nó và người nữ.
Các lời này khai mở toàn bộ mạc khải, trước tiên là sự chuẩn bị cho Tin Mừng và tiếp đến là chính Tin Mừng. Trong viễn cảnh này có bóng dáng hai người nữ: đó là bà Eva và Đức Maria, liên kết với nhau dưới danh xưng là “người nữ”.
Dưới ánh sáng của Tân Ước, các lời Tiền Tin Mừng làm nổi bật sứ vụ của người phụ nữ trong cuộc chiến của Đấng Cứu độ chống lại tác giả sự xấu trong lịch sử nhân loại.
Việc so sánh Eva-Maria luôn xuất hiện trong suy tư về gia sản đức tin được lãnh nhận từ mạc khải của Thiên Chúa; đây là một đề tài thường được các giáo phụ, các văn sĩ Hội Thánh và các nhà thần học triển khai [35]. Việc so sánh này làm nổi bật sự khác biệt, một sự tương phản. Bà Eva là “mẹ chúng sinh” (St 3,20), nhân chứng của “khởi nguyên” theo Thánh Kinh, trong đó chứa chất chân lý về việc tạo dựng con người theo hình ảnh và giống Thiên Chúa và chân lý về nguyên tội. Đức Maria là chứng nhân của “khởi nguyên” mới và “sáng tạo” mới (x. 2 Cr 5,17). Chính Mẹ là “người đầu tiên được cứu trong lịch sử cứu độ, vì thế được gọi là “thụ tạo mới”: Mẹ là “Đấng đầy ân sủng”. Chúng ta sẽ không thể hiểu được tại sao các lời trong Tiền Tin Mừng lại nhấn mạnh đến “người phụ nữ”, nếu không chấp nhận giao ước mới và đứt khoát của Thiên Chúa với nhân loại, đó là giao ước được ký kết trong máu cứu độ của Đức Kitô, đã khởi đầu nơi bà. Giao ước bắt đầu với một phụ nữ, đó là người “phụ nữ” trong mầu nhiệm Truyền tin tại Nazareth. Đó là điều tuyệt đối mới của Tin Mừng: biết bao lần trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói với nhiều người phụ nữ, tỉ như với người mẹ của tiên tri Samuel và của ông Samson, để can thiệp vào lịch sử của dân Ngài; để ký kết một giao ước với nhân loại; Ngài cũng nói với nhiều đàn ông: ông Noe, ông Abraham… Nhưng khởi đầu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu và bất biến, lại xuất hiện người phụ nữ: Đức Trinh Nữ thành Nazareth. Đó là một dấu chỉ, trong “Đức Giêsu Kitô” “không còn việc phân biệt đàn ông hay đàn bà” (Gl 3,28). Trong Người, sự đối kháng giữa người nam và người nữ – gia sản của nguyên tội – đã được thắng vượt cách triệt để. Như Thánh Tông đồ đã viết: “Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3,28).
Những lời này nhằm đến “sự hợp nhất nguyên thủy giữa hai người” được đặt trong liên hệ với việc tạo dựng con người có nam có nữ, theo hình ảnh và giống Thiên Chúa, theo nguyên mẫu của sự hiệp thông nhân vị trọn vẹn nhất, chính là Thiên Chúa. Lời của thánh Phaolô xác nhận mầu nhiệm cứu độ loài người trong Đức Giêsu Kitô, Con của Đức Maria, lấy lại và canh tân điều phù hợp với kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong mầu nhiệm sáng tạo. Vì thế vào ngày tạo dựng con người có nam có nữ: “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp!” (St 1,31). Theo nghĩa nào đó, ơn cứu độ được xem như việc thiết đặt lại tận gốc rể điều thiện hảo đã bị suy giảm ngay trong bản chất vì tội lỗi và hậu quả của tội trong lịch sử loài người.
Người phụ nữ trong Tiền Tin Mừng được đưa vào viễn ảnh của ơn cứu độ. Sự so sánh giữa Eva và Đức Maria có thể hiểu theo nghĩa, Đức Maria là mầu nhiệm của “người phụ nữ” mà khởi điểm của mầu nhiệm này là bà Eva, “mẹ chúng sinh” (St 3,20); Đức Maria đón nhận mầu nhiệm này vào chính bản thân mình và đưa mầu nhiệm này vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô – “vị Ađam mới và cuối cùng” (1 Cr 15,45) – Đấng đón nhận bản tính của Ađam đầu tiên vào trong con người của mình. Bản chất của Giao Ước mới hệ tại ởchỗ Con Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha vĩnh cửu, đã làm người: Người đón nhận nhân tính vào ngôi vị thiên linh duy nhất của Ngôi Lời. Đấng hoàn tất công cuộc cứu độ cũng là con người đích thực. Mầu nhiệm cứu độ trần gian giả thiết Chúa Con đã thu nhận nhân tính như gia sản của Ađam, trong nhân tính đó Người trở nên giống Ađam và từng người chúng ta trong mọi sự “ngoại trừ tội lỗi” (Dt 4,15). Như Công đồng Vaticanô II dạy: “Người tỏ lộ đầy đủ con người cho con người và giúp họ khám phá ơn gọi cao thượng của mình” [36]. Người đã giúp tái khám phá “con người là ai” (x. Tv 8,5).
Trong truyền thống đức tin và suy tư Kitô giáo qua mọi thời đại, việc so sánh Ađam – Đức Kitô thường đi sóng đôi với việc so sánh Eva – Maria. Người ta muốn nói gì khi so sánh Đức Maria như bà “Eva mới”? Chắc chắn có nhiều ý nghĩa, nhưng phải dừng lại ý nghĩa mạc khải gán cho Đức Maria những gì chứa đựng trong thuật ngữ “phụ nữ” theo Thánh Kinh, một mạc khải sâu xa theo chiều kích mầu nhiệm cứu độ. Theo nghĩa này, Đức Maria vượt qua những ranh giới mà sách Sáng Thế nói đến (St 3,16) và trở về “khởi điểm”, nơi chúng ta gặp được người phụ nữ trong công trình tạo dựng, có nghĩa là trong kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa, trong lòng của Ba Ngôi Cực Thánh. Đức Maria là “khởi điểm mới” cho phẩm giá và ơn gọi của người phụ nữ, cho mọi người phụ nữ và cho từng người phụ nữ [37].
Những lời của tác giả Phúc Âm gán vào miệng Đức Maria sau cuộc Truyền Tin, khi Mẹ đến viếng thăm bà Elisabeth, có thể giúp chúng ta hiểu được mầu nhiệm trên: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49). Những lời này rõ ràng đề cập đến việc thụ thai “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32), cũng là “Đấng Thánh” của Thiên Chúa, nhưng cũng có nghĩa như một sự khám phá nhân tính đặc thù của người phụ nữ. “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”: đó chính là việc khám phá sự phong phú trọn vẹn, các khả năng cá nhân của nữ giới, tính chất đặc thù được phú ban từ muôn thuở của người phụ nữ như Thiên Chúa muốn, như một con người độc lập, nhưng đồng thời thực hiện được chính mình qua việc “hiến thân vô vị lợi”.
Việc khám phá này đi đôi với ý thức về hồng ân, về lòng quảng đại của Thiên Chúa. Ngay từ “ban đầu”, tội lỗi đã làm lu mờ ý thức này, có thể nói là bóp nghẹt ý thức này, như chúng ta thấy trong trình thuật về cơn cám dỗ đầu tiên do “cha sự dối trá” (St 3,1-5) gây nên. Khi “thời viên mãn” (Gl 4,4) đến trong lịch sử nhân loại, lúc mầu nhiệm cứu độ bắt đầu được thực hiện, ý thức này đã trỗi dậy với tất cả sự mạnh mẽ trong lời của “người phụ nữ” thành Nazareth. Trong Đức Maria, bà Eva khám phá lại phẩm giá đích thực của người phụ nữ, của nữ giới. Việc khám phá này phải luôn đánh động tâm hồn mỗi người phụ nữ, đem lại ý nghĩa cho ơn gọi và đời sống của họ.
——————————————–
Ghi chú
13. Tuyên ngôn Nostra aetate, số 1.
14. Như trên [ibid], số 2.
15 Dei Verbum, số 2.
16. André de Crète, In Annuntiat. B.Mariae:PG 97, 909.
17. Tuyên ngôn Nostra aetate, số 2.
18. Công đồng Êphêsô (DS 251) và Công đồng Chalcedoine (DS 301).
19. RM số 7-11.
20. Ibid số 39-44.
21. LG số 36.
22. Irênê, Adv. Haer V, 6, 1.
23. “Persona est naturae rationalis individua substantia”: M. Séverin Bòece.
24. Một số giáo phụ khẳng định sự bình đẳng giữa nam và nữ: Origene, In Iesu naveIX, 9: PG 12, 878; Clement Alexandrie, Paed. Ibid, 4: S.Ch. 70;Augustin, Sermo 51, II, 3: PL 38, 334-335.
25. Gregoire de Nysse nói; “Hơn nữa, Thiên Chúa là tình yêu và là nguồn tình yêu. Thánh Gioan nói: “Tình yêu xuất phát từ Thiên Chúa” và “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,7.8) (De hom. Op. 5: PG 44, 137).
26. GS số 24.
27. Ds 23,19; Hs 11,9; Is 40,18; 46,5; Công đồng IV Latran (DS 806).
28. GS số 13.
29. Ma quỉ; diabolique, do từ Hy Lạp ‘dia-ballô’ = tôi phân chia, tôi tách ra, tôi vu khống.
30. Origene, In Gen. hom. 13,4: PG 12, 234.
31. GS số 13.
32. Ibid số 24.
33. Augustin, Sermo 132, 2: PL 38, 735.
34. Irene, Adv haer.III,23,7.
35. Justin, Dial. Cum Tryph. 100: PG 6, 709-712.
36. GS số 22.
37. Ambroise, De instit. Virg. V, 33: PL 16,313.