Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Tại sao gọi Đức Thánh Cha là Giáo Hoàng?

Văn phòng Học Viện
2025-05-09 11:24 UTC+7 134
pope-leo-xiv-1746763458.jpg

TẠI SAO GỌI ĐỨC THÁNH CHA LÀ GIÁO HOÀNG?

Phan Tấn Thành

Giáo hội hân hoan vì có tân Giáo hoàng. Chức vụ chính thức của ngài là gì: đức giáo hoàng hay đức thánh cha?

Thỉnh thoảng ở Việt Nam, có người đặt lại vấn đề: nên gọi “Giáo hoàng hay Giáo chủ?”, chứ không phải là: “đức giáo hoàng hay đức thánh cha”. Những bạn trẻ không còn được nghe các danh xưng được lưu hành cách đây 50 năm về trước, đó là “Đức Giáo Tông và Đức Thánh Phapha”. Tôi xin để dành việc tranh luận về Giáo hoàng và Giáo chủ cho những nhà chuyên môn ngữ học trong tiếng Việt, và ở đây tôi chỉ tìm hiểu ý nghĩa các danh hiệu trong tiếng La-tinh, hoặc đối chiếu với tiếng Ý khi cần. Theo tôi nghĩ, trong các danh hiệu thân thương hơn cả, đứng hàng đầu là Papa, mà trước đây được phiên âm sang tiếng Việt là đức thánh phapha.

“Papa” là gì? có phải là “bố” không?

Tùy theo cách sử dụng ở mỗi nơi mỗi thời. Trong nguyên gốc Hy-lạp, pappas có nghĩa là cha. Tiếng La-tinh cũng vậy. Đến khi dịch sang các ngôn ngữ khác thì ta thấy không còn trùng hợp nữa. Thí dụ trong tiếng Pháp người ta phân biệt giữa “papa” được dành để gọi “bố, ba”, còn chức vụ giáo hoàng được dịch ra “pape”; đặc biệt là trong tiếng Ý, tuy cùng viết là “papa”, nhưng có hai đánh dấu khác nhau: pápa nếu là giáo hoàng, papá nếu là bố. Khi sang tiếng Anh thì không còn sự liên hệ nữa, bởi vì bố là “daddy” còn giáo hoàng là “pope”. Mặt khác, có nhiều học giả đã giải thích rằng papa trong tiếng La-tinh không phải là một từ đơn thuần mà chỉ là viết tắt của một thuật ngữ dài dòng hơn, tựa như SIDA là viết tắt của 4 từ khác nhau trong tiếng Pháp, còn trong tiếng Anh là AIDS. Vì thế mà đôi khi chính các giáo hoàng cũng ký tên mình kèm theo hai chữ viết tắt “pp.”

Như vậy Papa viết tắt của chữ gì?

Có đến ba cách giải thích. Một, viết tắt của 2 âm đầu pastor pastorum (mục tử của các mục tử). Hai, viết tắt của hai âm đầu pater patris (cha của các người cha, cha cả). Ba, viết tắt một danh hiệu dài hơn nữa Petri Apostoli Potestatem Agens (Giữ quyền hành của Phêrô Tông đồ). Theo tôi nghĩ, lối giải thích thứ ba quá phức tạp. Thiết tưởng nên trở về với nguồn gốc Hy-lạp pappas có nghĩa là “cha”. Nên biết là các thượng phụ chính thống bên Ai cập cũng mang tước hiệu papa.

Trước đây, trong tiếng Việt, người ta dịch Papa là Đức Thánh Phapha, ngày nay dịch là Đức Thánh Cha phải không?

Không phải, Đức Thánh Cha dịch từ Santo Padre tiếng Ý, (tương đương với Saint Père tiếng Pháp và Holy Father tiếng Anh). Trong các tiếng châu Âu chỉ có 2 từ, còn sang tiếng Việt thì thêm tiếng “Đức” ở đầu để tỏ lòng tôn kính. Dù sao, cần phải phân biệt hai yếu tố: “Cha”và “Thánh”. Cha là một từ ngữ được áp dụng cho các vị mục tử ngay từ cổ thời, trước là cho các giám mục thừa kế các thánh tông đồ, rồi đến các linh mục. Các vị đã sinh thành dưỡng dục chúng ta trong đời sống thiêng liêng bằng lời giảng và các bí tích. Bên Á Đông, ngoài các “dưỡng phụ”, chúng ta còn nghe nói đến các “sư phụ” nữa. Còn tiếng Thánh thì phức tạp hơn. Theo các sử gia, biệt hiệu “thánh” được gán cho ngài không phải vì tôn kính đức độ (kiểu như “Đức” trong tiếng Việt: Đức Phật, Đức Khổng), nhưng chỉ là một tước hiệu đã được các hoàng đế Rôma sử dụng từ xưa. Điều này càng rõ rệt hơn nữa ở một tước hiệu chưa bao giờ dịch ra tiếng Việt: Sua Santità (Ý), Sa Sainteté (Pháp), His Holiness (Anh), một lối xưng hô dành cho các hoàng đế Rôma (đại khái cũng tương đương với từ “Thánh Thượng” trong tiếng Việt, dành cho nhà vua). Nên biết là các thượng phụ Chính thống giáo cũng được gọi là “Sua Santità”.

Danh hiệu “Giáo hoàng” có nghĩa là Vua chúa hoàng đế không?

Không có danh hiệu nào chính thức tương đương với chức vụ “Vua” hết. Theo tôi nghĩ, có lẽ tiếng “Giáo hoàng” dịch từ tiếng Pháp “Souverain Pontife”. Nhưng mà ở đây Souverain không có nghĩa là ông hoàng, nhưng là “chóp đỉnh”. Thực vậy, khi truy sang tiếng La-tinh, ta thấy chức vụ này được gọi là Summus Pontifex (Chủ tế tối cao), một tước hiệu xưa mà các hoàng đế Rôma dùng vì họ tự xưng là “Giáo chủ tối cao”, bởi vì cũng như tại Việt Nam, trước đây các vua cũng chủ sự lễ tế trời. Khi đế quốc Rôma trở lại Kitô giáo, các hoàng đế trao lại chức vụ “chủ tế tối cao” cho vị lãnh đạo của Giáo hội, và chỉ giữ lại cho mình quyền cai quản chính trị mà thôi. Như vậy, tước hiệu này bắt nguồn từ tôn giáo Rôma cổ, chứ không phải từ Kinh thánh.

Có tước hiệu nào sát với Kinh Thánh không?

Nếu muốn đi sát với Kinh Thánh hơn cả, thì có lẽ chỉ có danh hiệu “người kế vị thánh Phêrô”. Thánh Phêrô được đặt làm đầu Hội thánh của Chúa Kitô, vì thế ai kế vị thánh Phêrô thì cũng làm đầu Hội thánh.

Lấy tiêu chuẩn gì để xác định người kế vị thánh Phêrô?

Tiêu chuẩn là giám mục Rôma. Các giáo phụ đã lập luận như thế này. Thánh Phêrô đã đến Rôma và điều khiển cộng đoàn Kitô hữu tại đây. Ngài đã chịu tử đạo ở Rôma. Vì thế Rôma là toà cuối cùng của ngài. Từ đó, các giám mục Rôma được nhìn nhận như là kế vị thánh Phêrô; hay nói ngược lại cũng vậy: ai được đặt vào chức vụ kế vị thánh Phêrô thì cũng làm giám mục Rôma. Trên thực tế, danh hiệu cổ điển nhất để gọi đức giáo hoàng là “giám mục Rôma” (Romanus Pontifex), như còn thấy trong các văn kiện chính thức của bộ giáo luật (tiếng Anh: Roman Pontiff; tiếng Pháp: Pontife Romain). Các giáo hoàng tiên khởi vẫn ký tên là giám mục Rôma; mãi đến năm 385, mới thêm tước hiệu papa.

Ngoài danh hiệu Đức Thánh Cha và Đức Giáo hoàng, còn có danh hiệu nào nữa không?

Như tôi đã nói, hai danh hiệu “Đức Thánh Cha” và “Đức Giáo hoàng” không hoàn toàn trùng hợp với các danh hiệu trong tiếng La-tinh. Dù sao, trong các danh hiệu, chúng ta nên phân biệt hai thứ ngôn ngữ: ngôn ngữ hành chánh và ngôn ngữ thần học. Ngôn ngữ hành chánh áp dụng cho các cơ cấu tổ chức hệ thống phẩm trật: ngôn ngữ này thay đổi tuỳ theo thời gian. Lúc nãy, tôi đã nói rằng Đức Thánh Cha kế vị thánh Phêrô trong cương vị là giám mục Rôma. Nhưng nếu hỏi thánh Phêrô: giám mục Rôma là gì, thì chắc là đương sự không trả lời nổi, bởi vì thời ấy chưa có sự phân chia tổ chức các giáo phận giáo xứ. Những cơ chế này được thành hình dần dần. Theo cơ chế hiện hành, đức thánh cha là giám mục của giáo phận Rôma (trên thực tế ngài giao việc quản trị cho hồng y Tổng đại diện), tổng giám mục giáo tỉnh Rôma, giáo chủ (primas) các giáo hội tại Italia. Theo ngôn ngữ thần học, ngài là người kế vị thánh Phêrô, thủ lãnh tập đoàn các giám mục. Trong nhiều văn kiện hành chánh, ngài cũng tự xưng là “tôi tớ các tôi tớ của Chúa” (servus servorum Dei). Nội dung của danh xưng này biểu lộ tính cách độc đáo của chức vụ trong Giáo hội theo tinh thần Phúc âm, đó là: ai lớn nhất thì phải trở nên kẻ làm đầy tớ theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (Mt 20,26-27). Tuy nhiên, theo các sử gia, tước hiệu “tôi tớ các tôi tớ Thiên Chúa” được đức Grêgôriô Cả sử dụng trong khung cảnh biện bác, nhằm đối lại Thượng phụ Constantinople xưng mình là “Thượng phụ giáo hội công giáo”.

Đức Thánh Cha cũng được gọi là “Đại diện Chúa Kitô” phải không?

Đúng thế, ngài là đại diện hữu hình của Chúa Kitô để lãnh đạo Giáo hội. Nhưng xét theo nghĩa thần học, thì ngài không độc quyền làm đại diện Chúa Kitô, bởi vì các giám mục và các linh mục cũng là đại diện Chúa Kitô khi các ngài rao giảng Lời Chúa và ban bí tích. Thậm chí phải nói rằng tất cả các Kitô hữu đều là đại diện Chúa Kitô, theo nghĩa là họ đã mặc lấy Đức Kitô khi lãnh bí tích rửa tội; do đó họ hãy ăn ở làm sao để cho người đời nhận ra Đức Kitô đang nói năng hành động nơi họ.

Ngoài những danh hiệu dành cho chức vụ nói chung, mỗi Giáo hoàng lại còn chọn cho mình một danh hiệu riêng nữa, chẳng hạn như Piô, Gioan, Phaolô, Gioan Phaolô, Bênêđictô, Lêô. Tại sao vậy?

Việc đổi tên khi đắc cử làm giáo hoàng mang nhiều nguồn gốc. Có người muốn bắt chước các vua chúa khi lên ngôi thì lấy danh hiệu hoàng đế. Có người thì mang tên ngoại quốc hoặc tên ngoại giáo, vì thế khi lên ngôi thì chọn một danh hiệu từ một vị thánh Kitô giáo theo lối đọc tiếng La-tinh. Dù sao, việc chọn tên gọi trở thành tục lệ kể từ cuối thế kỷ X. Trong suốt 10 thế kỷ, các giáo hoàng chọn những tên đã có từ trước; mãi đến năm 1978, mới thêm một danh hiệu mới là Gioan Phaolô I, kế đến là Gioan Phaolô II. Trong số các tên hiệu, nhiều nhất là Gioan (23), rồi tới Grêgôriô và Bênêđictô (16), Clêmentê (14), Innocentê và Lêô (13), Piô được 12 vị, trong số này 3 vị thuộc thế kỷ XX. Nên biết là chỉ có 1 Phêrô và 6 Phaolô. Đức tân giáo hoàng mang hiệu là Lêô XIV.

Chia sẻ