Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Lời Khuyên Và Tuyên Khấn Nghèo Khó – Vấn Đề 32

Administrator
2018-09-23 09:52 UTC+7 36
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 32 LỜI KHUYÊN VÀ TUYÊN KHẤN NGHÈO KHÓ (đ. 600)   Lời của Chúa Kitô: “Phúc thay những kẻ nghèo khó!” cũng như câu nói: “Không ai có thể làm […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 32

LỜI KHUYÊN VÀ TUYÊN KHẤN NGHÈO KHÓ

(đ. 600)

 

Lời của Chúa Kitô: “Phúc thay những kẻ nghèo khó!” cũng như câu nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, Thiên Chúa và tiền bạc” được dành cho tất cả mọi Kitô hữu. Động lực của lời khấn khó nghèo nằm ở ước muốn đi theo Chúa Kitô, “Đấng tuy giàu sang nhưng đã trở nên nghèo khó để cho chúng ta được trở nên giàu sang nhờ sự nghèo khó của Ngài” (đ. 600).

Lời khấn khó nghèo diễn tả và cố gắng thực hiện ý muốn cởi bỏ tất cả những gì là tư hữu, để đi theo Chúa Kitô với một trái tim tự do. Sự tự do tinh thần này sẽ cho phép ta dễ dàng thông hiệp hơn với vạn vật, mở lòng ta thông cảm với các nhu cầu của tha nhân, thúc đẩy chúng ta đấu tranh cho một thế giới công bình hơn.

Các văn kiện của Công Đồng Vatican II và sau Công Đồng đã nêu bật vài khía cạnh của đức khó nghèo như sau:

– Các tu sĩ phải sống khó nghèo về tinh thần cũng như về thực chất, bởi vì kho tàng đích thực của họ ở trên trời.[1]

– Họ cần cảm thấy mình quy phục nghĩa vụ phải lao động, nhưng cũng cần trút bỏ mọi lo lắng quá đáng.[2]

“Tiếng kêu than của những người nghèo” phải trở nên lời kêu gào khẩn thiết cần thay đổi não trạng và nếp sống.[3]

“Việc làm chứng tá cho công bằng trong thế giới tiên vàn đòi buộc các tu sĩ luôn luôn kiểm điểm các lựa chọn, cách sử dụng tài sản, các mối quan hệ”.[4]

– Trong tất cả vấn đề này, không nên quên tầm quan trọng của lời chứng thầm lặng về khó nghèo và cởi bỏ, nhất là của các tu sĩ nam nữ chuyên lo việc cầu nguyện.[5]

Những yêu sách của lời khấn khó nghèo được sống trong một cộng đoàn, trong một Hội Dòng; cộng đoàn cũng phải thực hành đức khó nghèo.[6]

“Lời khấn khó nghèo bao gồm sự lệ thuộc và hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt về các tài sản, theo luật riêng của mỗi Hội Dòng” (đ. 600).

Dù chế độ pháp lý về khó nghèo của Hội Dòng thế nào đi nữa, vẫn có một số quy luật cho hết tất cả mọi người: các tu sĩ phải sống bằng cách sử dụng một quỹ chung dành cho tất cả mọi nhu cầu của đời sống (lương thực, y phục, nhà cửa,v.v…). Không một tu sĩ nào, dù là Bề trên, được phép giữ riêng tiền bạc hoặc ngân phiếu, nhưng mọi người phải để mọi sự làm của chung, tuy dù cần phải phân phối thành các chương mục riêng.

 

Lưu ý:  Một tục lệ được du nhập ở vài cộng đoàn, và đã được phê chuẩn bởi các Bề trên và Tổng Tu Nghị, theo đó mỗi tu sĩ được trao một số tiền để chi tiêu những công chuyện lặt vặt và thông thường: điều này không trái nghịch với lời khấn khó nghèo, miễn là đừng hiểu rằng tu sĩ ấy được tiêu pha tùy ý mà không phải bá cáo cho ai hết.

 

 


[1]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae caritatis (về Canh Tân Thích Nghi Đời Sống Tu Trì), số 13.

[2]Ibidem.

[3] Bộ các Dòng tu và Tu hội, Những yếu tố cốt yếu trong giáo huấn của Giáo Hội về đời sống tu trì”, số 17.

[4]Văn kiện “Tu sĩ và sự thăng tiến con người” (=RPH), số 4.

[5]Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Evangelii nuntiandi (Loan báo Tin Mừng), số 69.

[6]Xem vấn đề 85.

 

Chia sẻ