Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Những Yếu Tố Cốt Yếu Của Các Tu Hội Đời – Vấn Đề 112

Administrator
2018-09-23 09:58 UTC+7 37
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC TU HỘI ĐỜI (Điều 710 – 730) *** VẤN ĐỀ 112 NHỮNG YẾU TỐ CỐT YẾU CỦA CÁC TU HỘI ĐỜI (đ. 711, 714 – 715)   A. Tình trạng giáo luật (đ. 711) Điều 711 lấy lại các […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC TU HỘI ĐỜI

(Điều 710 – 730)

***

VẤN ĐỀ 112

NHỮNG YẾU TỐ CỐT YẾU CỦA CÁC TU HỘI ĐỜI

(đ. 711, 714 – 715)

 

A. Tình trạng giáo luật (đ. 711)

Điều 711 lấy lại các khẳng định được lặp lại nhiều lần của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1970 và 1972, và được Hồng Y Antoniutti trình bày rõ ràng trong bài diễn văn đọc ngày 20/9/1970, khẳng định rằng, người giáo dân, thành viên của một Tu Hội Đời sẽ vẫn là giáo dân, một linh mục Giáo phận sẽ vẫn là linh mục Giáo phận. Đây là lối phát biểu cách tích cực điều mà Provida mater đã diễn tả cách tiêu cực: các thành viên các Tu Hội Đời không phải là tu sĩ và các luật lệ về tu sĩ sẽ không áp dụng cho họ.

Bộ Giáo Luật hiện hành không còn phân chia các tín hữu thành ba loại: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, như trong Bộ Giáo Luật cũ. Dựa theo Công Đồng, bộ giáo luật 1983 ấn định hai tiêu chuẩn để phân biệt (đ.207 và đ.574).

Tiêu chuẩn thứ nhất thuộc về thiên luật, liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo hội: các giáo sĩ (những người đã lãnh một tác vụ thánh) và các giáo dân.

Tiêu chuẩn thứ hai liên quan đến đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội, được thể hiện qua các ơn gọi khác nhau, trong số đó có ơn gọi của những người (giáo sĩ và giáo dân) tuyên giữ các lời khuyên Phúc âm theo cách thức mà Giáo hội nhìn nhận và đón tiếp. Nếp sống của họ là một nếp sống bền vững (đ.573 §1) mà giáo luật cũng gọi là “hàng ngũ” (status: 207 §2; 574; 588 §1); tuy nhiên đối với các tu hội đời, điều 711 xác định là điều này không làm thay đổi “tình trạng giáo luật, giáo sĩ hay giáo dân” của các thành viên; điều này khác với các Dòng tu. Vì thế, một thành viên của tu hội đời giáo dân được chia sẻ những quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các giáo dân, và không bị chi phối bởi những hạn chế mà điều 673 ấn định cho các tu sĩ (kể cả tu sĩ không làm giáo sĩ). Một cách tương tự, một phần tử giáo sĩ của một tu hội đời thì chia sẻ những quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả các giáo sĩ.

Dĩ nhiên tình trạng giáo luật của các thành viên tu hội đời được thực hiện qua việc tuân giữ những nghĩa vụ đặc thù mà họ đã đảm nhận khi gia nhập một tu hội cụ thể.

B. Điều kiện sinh sống (đ. 714)

Nói chung, các thành viên các Tu Hội Đời sống theo các điều kiện thường tình của mọi người. Về điểm này, bộ Giáo Luật tiếp nhận quan niệm “nhập thế” đặc trưng của các tu hội đời.

Về nhà ở, bộ giáo luật không còn quan tâm đến nghĩa vụ phải có những nhà chung dành làm nơi cư trú cho các Bề trên, việc đào tạo các phần tử, cho việc săn sóc các bệnh nhân và các thành viên cao niên. Trước đây đã có những quy định như vậy, nhưng nhiều nơi không giữ. Bộ Giáo Luật để cho các hiến pháp quy định điều này, và nói rằng các thành viên có thể sống riêng tư, sống trong gia đình, hoặc sống từng nhóm với nhau. Không thấy nói gì về y phục (những gọi ý trong các văn kiện trước đây đã biến mất). Mặt khác, nếu muốn sống trong điều kiện bình thường như mọi người thì không cần phải có y phục riêng, nhưng phải theo cách ăn mặc giống như đàn ông và đàn bà tại xứ sở, trong thời đại của mình. Bộ Giáo Luật cũng không đả động gì đến nghề nghiệp, bởi vì một người giáo dân có thể làm tất cả những nghề nghiệp lương thiện.

C. Tình trạng các giáo sĩ (đ. 715)

Các linh mục và các phó tế của các Tu Hội Đời thường vẫn nhập tịch vảo một Giáo phận: họ thi hành tác vụ và sống như các giáo sĩ khác. Như thế họ phải tuân giữ tất cả những gì thuộc hàng giáo sĩ Giáo phận, trừ những gì thuộc về đời sống Tu Hội. Cách riêng, họ phải tùy thuộc Giám mục của mình, ngoại trừ những gì liên quan đến đời sống thánh hiến của tu hội. Thật ra, không thể có va chạm, bởi vì các Tu Hội đều nhấn mạnh rằng mỗi khi có tranh chấp nghĩa vụ thì mối quan hệ với Đức Giám Mục vẫn được coi là ưu tiên.

Tuy nhiên, một vài Tu Hội có các thành viên (hoặc một số thành viên) nhập tịch vào Tu Hội: điều này cần phải có phép đặc biệt của Tòa Thánh (đ.266 §3). Khoản 2 của điều 715 (nếu họ được trạch cử vào công tác riêng của tu hội) xem ra liên quan đến mệnh đề phụ hơn là đến mệnh đề chính theo sau. Khoản này đặt ra những giới hạn của sự nhân nhượng, đó là khi các giáo sĩ phải lo các công việc riêng của Tu Hội: đây là một trường hợp ngoại lệ, bởi vì nếu một Tu Hội Đời mà lại có những công cuộc riêng thì có nguy cơ trở thành một Hội Dòng sống chung. Còn về việc cai quản nội bộ, thì cả những Tu Hội lớn vẫn có những vị phụ trách Tu Hội mà vẫn thi hành thừa tác vụ của Giáo phận.

Bộ Giáo Luật quy định rằng các giáo sĩ của một Tu Hội Đời sẽ tùy thuộc Đức Giám Mục địa phương giống như các tu sĩ. Điều này được áp dụng cách riêng cho hoạt động tông đồ (xem điều 678, 679, 681 – 683) và cho việc truyền chức thánh (đ. 1019 §l, 1028- 1030, 1032 §2, 1036, 1051 2*, 1052 §2, 1053 §3, 1054).

 

Chia sẻ