Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thiên Chúa Dùng Lời Nghiêm Huấn Dưỡng Dục Con Người

Administrator
2018-09-23 09:37 UTC+7 32
Lm. F.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.   I. HÌNH ẢNH VÀ VINH QUANG THIÊN CHÚA Thánh Kinh dạy rằng: Thiên Chúa tác tạo nên con người giống hình ảnh của Chúa (x. St 1:27). Chân lý này vừa khẳng định nguồn cội cao quý của con người, vừa hàm ẩn một quy trình dưỡng dục, […]


Lm. F.X. Nguyễn Văn Nhứt, O.P.

 

I. HÌNH ẢNH VÀ VINH QUANG THIÊN CHÚA

Thánh Kinh dạy rằng: Thiên Chúa tác tạo nên con người giống hình ảnh của Chúa (x. St 1:27). Chân lý này vừa khẳng định nguồn cội cao quý của con người, vừa hàm ẩn một quy trình dưỡng dục, xuyên qua đó, con người được hình thành như là một thụ sinh “chẳng thua kém thần linh là mấy” (Tv 8:6). Nói cách khác, công cuộc Thiên Chúa sáng tạo và cứu độ con người hiển hiện như công cuộc dưỡng dục kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện để sáng tạo ra một nhân vị, và đồng thời là một nghĩa tử được trọn quyền thừa kế vinh quang bất diệt của Thiên Chúa (x. Rm 8:17).

Xin được hân hạnh chia sẻ cùng quý độc giả bài viết này, để hy vọng tìm thấy ánh sáng và cảm hứng trong nỗ lực cùng nhau xây dựng một chính sách giáo dục, đặt nền trên triết lý trọng tâm là nhắm sản sinh một con người có nhân vị, có phẩm giá, và có đầy đủ quyền lợi cũng như nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và với đồng loại.

II. “CHA MẸ SINH CON, TRỜI SINH TÍNH”

Câu tục ngữ trên thông thường được hiểu như lời minh giải cho tình trạng mâu thuẫn, giữa điều cha mẹ mong đợi nơi con cái do mình đứt ruột sinh ra và thực tế đầy thất vọng khi con cái không suy nghĩ và hành xử cùng một cung điệu với cha mẹ. Quả thật, cha mẹ nào mà không yêu con cái thật mãnh liệt, kỳ vọng nơi con cái thật cao, đầu tư vào tương lai con cái thật nhiều, với một hy vọng duy nhất, là một ngày kia con cái sẽ biến ước mơ của cha mẹ thành hiện thực. Kỳ vọng của cha mẹ nơi con cái còn thường được biểu lộ nơi những danh tánh thật ý nghĩa, thật dễ thương họ thận trọng cân nhắc, suy nghĩ, bàn đi tính lại trước khi đặt cho chúng. Phần lớn trường hợp cho thấy công ơn cù lao cúc dục của cha mẹ đã được con cái đền đáp, khi họ chứng kiến chúng công thành danh toại, trở nên những con người nhân nghĩa, sống có trước có sau, hữu ích cho gia đình và cho cả nhân quần xã tắc. Tuy vậy, vẫn thoảng hoặc nhiều bậc sinh thành phải đau lòng tủi hổ – thậm chí đành ngậm hờn nơi chín suối – vì con cái vô ơn, bất hiếu, bất nghĩa. Chẳng những danh tánh được cha mẹ ân cần đặt cho bị phản bội, mà danh dự gia tộc cũng bị hoen ố vì hạng nghịch tử ấy.

“Cha Mẹ sinh con, trời sinh tính” còn hàm chứa một đạo lý cao sâu hơn; theo đó, cha mẹ chỉ sinh ra hình hài của một người con, theo nguyên lý sinh học – một sinh vật được sản sinh từ một sinh vật khác đồng đẳng cấp -, còn chính ông Trời, Đấng Tạo Hóa, Đấng là Thiên Chúa, mới có thẩm quyền ban cho đứa trẻ ấy phẩm tính của một con người theo nguyên lý sáng tạo, nghĩa là một ngôi vị có lý tính và ý chí tự do được hiện hữu nhờ một ngôi vị Tự Hữu, Căn Nguyên Lý Trí và Ý Chí Tuyệt Đối, tạo thành từ hư vô. Đây là chân lý được Thánh Kinh xác quyết khi dạy rằng: Con người được Thiên Chúa sáng tạo họa theo hình ảnh của Chúa (x. St 1:27). Thật là một tiết lộ kỳ diệu về Đấng là Thiên Chúa vô hình, thuần túy tinh thần, tự hậu có thể được phàm nhân chiêm ngưỡng – mặc dầu còn ẩn khuất sau tấm trướng đức tin(x. 1Cr 13:12) – nơi bức họa ảnh của Chúa là con người, tuyệt phẩm do chính Chúa thực hiện (x. St 1:31).

Tuy nhiên, từ ngữ “sinh” trong cụm từ “sinh tính” không thể được hiểu một cách đơn giản, là một hành động diễn ra một lần duy nhất và hoàn hảo, trọn vẹn. Thiên Chúa quả có ấn định bản tính của một thụ tạo lúc khởi đầu sáng tạo, nhờ đó, mỗi thụ tạo giữ được tính chất độc đáo, riêng biệt. Nơi con người, thụ tạo độc đáo được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa, bản tính ấy vừa là nền tảng vững chắc, bất biến, để xây dựng một công trình nhân vị, làm thành một con người có thật, cụ thể, vừa là khởi điểm để công trình được phát triển đến mức hoàn hảo.

Do đó, “sinh tính” phải được hiểu như một tiến trình tiệm tiến, tế vi, được chính Thiên Chúa thiết lập và thực hiện một cách cẩn trọng, “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, để sáng tạo một nhân vị, phác họa theo bản mẫu thần vị của Người. Tiến trình này đáng mệnh danh là “tiến trình sinh thành”, bởi vì bao gồm đủ các giai đoạn thụ thai, thai phát triển, cơn đau chuyển dạ và giây phút sinh hạ một con người.

Sách Sáng Thế kể lại, Thiên Chúa “thai nghén” ý tưởng sáng tạo con người: Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1:26).

Vừa mới tượng hình trong ý tưởng của Thiên Chúa, con người đã có một hình hài, một chỗ đứng cao quý, một uy thế rõ ràng là ở tại trung tâm của vũ trụ càn khôn. So với các loài động vật khác, con người cần thời gian dài hơn trong dạ mẹ để bộ não và hệ thần kinh – hai yếu tố độc đáo và siêu việt nhất hạng – phát triển đầy đủ, hoàn hảo và bình thường.

Chính tiến trình phát triển này mở đường cho công cuộc dưỡng dục Thiên Chúa thực hiện cho con người, ngay từ giây phút được thụ thai trong lòng mẹ.

III. THIÊN CHÚA BAN LỜI NGHIÊM HUẤN MÀ DƯỠNG DỤC CON NGƯỜI

Do cấu trúc cơ thể độc đáo, con người cần quy chế thực phẩm dinh dưỡng thích hợp. Món khai vị là “mọi thứ cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống” (St 1:29). Tiếp đến là các món chính gồm “mọi loài di động và có sự sống” (St 9:3). Với khả năng trí tuệ đầy sáng kiến và kỹ năng sống vô cùng phong phú, con người liên tục hoàn thiện bảng thực đơn càng lúc càng phong phú, đa dạng về lượng cũng như phẩm, từ kho lương thực gần như bất tận của thiên nhiên.

Tuy nhiên, Thiên Chúa muốn con người, hình ảnh của Đấng Tạo Hóa, để có thể phát triển toàn diện, không chỉ cần thức ăn đồ uống vật chất mà còn cần đến Lời Hằng Sống: “Con người sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Đnl 8:3). Truyền thống người Việt Nam dành một vai trò quan trọng cho“lời giáo huấn” của cha mẹ trong tiến trình hình thành một con người: “Cá không ân muối cá ươn, con cãicha mẹ trăm đường con hư”. Từ “cãi” được đặt song song và đối xứng với từ “ân” như muốn khẳng định một chân lý: làm con mà từ chối không lãnh nhận, không ăn”  lời nghiêm huấn của cha mẹ, thì trăm phần hỏng cả trăm, không thể nên người được.

Anh em đã quên lời khuyên nhủ được nói với anh em như với những người con: con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách. Vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt. Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy? Nếu anh em không được sửa dạy như tất cả mọi người, thì khi đó anh em là con ngoại hôn, chứ không phải là con chính thức” (Dt 12:5-8).

Lịch sử hình thành nhân loại, theo quan điểm Thánh Kinh, là lịch sử công trình dài hạn chỉ dẫn cho biết phương thức Thiên Chúa dưỡng dục con người, cho con người lớn lên trong tư cách là một nhân vị, là họa ảnh của Người. Công trình dưỡng dục ấy còn phải đạt tới đỉnh điểm thành công, khi con người được trở thành nghĩa tử Thiên Chúa” (x. Rm 8:15-17).

Công cuộc giáo huấn này được Thiên Chúa thực hiện khi ban Mười Lời (Mười Giới Răn hay Thập Điều) cho con người.

IV. THIÊN CHÚA BAN LỜI NGHIÊM HUẤN MÀ GIÁO DỤC CON NGƯỜI

Đặc ân ngôn ngữ Thiên Chúa ban cho con người, là chỉ dấu con người được chia sẻ Trí Tuệ trác tuyệt và Đức Khôn Ngoan vĩ đại của Thiên Chúa. Nhờ có khả năng ngôn ngữ, con người vừa diễn đạt cho người khác hiểu được tư tưởng của mình, vừa hiểu được tư tưởng của người khác qua lời nói của họ. Ngôn ngữ, do đó, là phương tiện bất khả chuẩn chước trong tương quan liên ngôi vị, chẳng những giữa con người với nhau – giữa nhân vị với nhân vị – mà còn giữa con người với Thiên Chúa – giữa nhân vị với thần vị.

Trong kế hoạch giáo dục con người, Thiên Chúa ban Lời Khôn Ngoan“Lời Chân Lý, để giúp con người được lớn khôn, được chững chạc với dáng vóc đầu đội trời, chân đạp đất, sống trọn vẹn phẩm giá nhân linh, đúng với ơn gọi chân chính khởi kỳ thủy của mình là thụ sinh mang hình ảnh Thiên Chúa Tạo Hóa (x. St 1:27). Đó cũng là Lời Hằng Sống và Tình Thương, để giúp con người sống sức sống dũng mãnh và chan chứa tình thương của Thiên Chúa, Nguồn Sống vô tận và Tình Thương  vô biên (x. 1Ga 4:16).

Khi tác sinh con người, Thiên Chúa phú bẩm cho họ khả năng tiếp cận, nắm bắt và trao đổi thông tin với Người.[1] Khả năng đó hoạt động được là nhờ có đặc ân ngôn ngữ Thiên Chúa ban cho con người; qua đó, Thiên Chúa ngỏ Lời với con người, và con người tiếp nhận Lời của Thiên Chúa. Tiến trình Thiên Chúa dưỡng dục con người cũng chính là tiến trình đối thoại giữa Thiên Chúa và con người đã bắt đầu ngay từ buổi sơ khai sáng tạo, tựa như cách thức người mẹ nuôi dạy đứa con thơ vừa bằng dòng sữa ngọt vừa bằng lời hát ru dịu dàng. Đứa trẻ lớn lên về mặt thể lý nhờ chất dinh dưỡng mẹ cho bú mớm; đồng thời nên khôn nhờ thông điệp tình thương mu tử truyền tải qua những “lời chuyện trò âu yếm; và ngoài ra cò có cả một túi khôn về kỹ năng đời sống, đạo nghĩa làm người, qua những “lý lẽ đơn sơ dễ tiếp thụ trong vòng tay êm ấm của mẹ.

Mười Giới Luật Thiên Chúa ban qua Đại Ngôn Sứ Môsê chính là Mười Lời[2] được truyền dạy cho con người trong buổi bình minh của tiến trình hình thành mọi yếu tố thể lý, tâm lý, trí tuệ, lương tri đạo đức và tinh thần.[3] Trong thời kỳ nhiều dân tộc láng giềng còn sống giữa bóng tối của tình trạng vô minh, vô tri và vô đạo, Dân Thiên Chúa đã được Người ban lời giáo huấn về cả hai phương diện tôn giáo và nhân bản.

Theo tường thuật của Thánh Kinh, Thiên Chúa đích thân viết Mười Giới Răn trên hai bia đá:Khi lên núi để nhận các bia đá, những tấm bia giao ước mà Đức Chúa đã lập với anh em, tôi đã ở trên núi bốn mươi ngày bốn mươi đêm, không ăn bánh không uống nước. Đức Chúa đã ban cho tôi hai bia đá do ngón tay Thiên Chúa viết, trên đó có mọi lời Đức Chúa đã phán với anh em trên núi, từ trong đám lửa, trong ngày đại hội” (Đnl 9:9-10).

Lời tường thuật của Đại Ngôn Sứ Môsê có chủ đích, muốn khẳng định tính chính truyền và nguồn gốc thần thiêng của Mười Giới Răn. Tuy nhiên, qua chi tiết chứng minh Thiên Chúa là tác giả của Bộ Luật Thiên Lập,[4] chúng ta nhận ra tấm lòng ân cần thương yêu của Thiên Chúa dành cho con người, muốn tự tay đảm trách toàn bộ công trình dạy dỗ họ.

Thiên Chúa viết hay ghi khắc vào bia đá để tuyên bố Luật Pháp Người ban là Luật có giá trị trường tồn. Vũ trụ càn khôn có thể chuyển dịch, có thể bị hủy diệt, nhưng Luật Pháp Thiên Chúa vẫn không thay đổi và giữ nguyên hiệu lực (x. Mt 24:35). Thiên Chúa tự tay viết Luật, bởi vì không ai có thể hiểu rõ bản chất con người cũng từng do chính tay của Người tận tụy tạo hình và truyền cho sức sống bằng hơi thở của Người (x. St 2:7). Lòng thương xót của Chiên Chúa chính là nền tảng bộ Luật Trường Cửu[5] ban hành cho mọi loài thọ sinh.[6] Như vậy, Luật Pháp Thiên Chúa thay vì là một hệ thống phên chậu, rào sắt hay tường thành khống chế, ngăn chặn muôn loài muôn vật – kể cả con người – thì lại chính là lộ trình an toànchuẩn mực cho cõi tạo thành phát triển đến mức viên mãn như đã được tiên liệu trong công trình sáng tạo.

Mười Giới Luật được ghi trên hai bia đá để phân định hai lãnh vực giáo dục tôn giáogiáo dục nhân bản.

1/. Trên bia đá thứ nhất là ba điều luật căn bản dạy con người trở thành sinh vật có tín ngưỡng và biết thực thi hành vi tôn giáo: Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ.Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ.Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn đối với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của ta, thì Ta trọn tình nhân nghĩa đến ngàn đời. Ngươi không được dùng Danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, một cách bật xứng, vì Thiên Chúa không dung tha kẻ dùng Danh Người một cách bất xứng.Ngươi hãy nhớ ngày Sabat, mà coi đó là ngày thánh. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sabat kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, gia súc và ngoại kiều ở trong thành của ngươi. Vì trong sau ngày, Đức Chúa đã dựng nên trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó, nhưng Người đã nghỉ ngày thứ bảy. Bởi vậy, Đức Chúa đã chúc phúc cho ngày Sabat và coi đó là ngày thánh.[7]

Trước hết và trên hết, con người được dạy cho biết chỉ phải tôn thờ Một Thiên Chúa duy nhất, Đấng đã giải thoát họ khỏi thân phận nô lệ cho bạo quyền Ai Cập, điển hình của mọi hình thức áp bức bất công, xâm phạm tự do tôn giáo và chà đạp phẩm giá con người. Con người học được bài học đầu tiên về ý nghĩa và giá trị của tôn giáo chân thật: việc tôn thờ Thiên Chúa chính là một hành vi giải thoát. Khi con người biết cởi bỏ giày dép trước ngưỡng cửa của thực tại thánh thiêng, biết ngả nón, cúi đầu và quỳ gối thờ lạy Đấng Tạo Hóa, đó là bằng chứng con người đã vượt qua tình trạng mê muội bất tri về cội nguồn xuất thân của mình, để đạt tới ý thức về mối tương quan giữa Đấng Sáng Tạo và loài thọ tạo. Hành vi tôn giáo – việc tôn thờ Thiên Chúa với lòng yêu kính và tri ân – xuất phát một cách tự nhiên gần như tất yếu từ nhận thức rằng con người đã được Đấng Toàn Năng kéo ra khỏi khối ù lỳ lạnh lùng, vô hồn, vô địnn của hư vô, để trở thành một hiện thể – ra khỏi cõi bất minh -, hiện hữu – và hiện sinh, với tư cách là một nhân vị, có danh tánh, ý thức và tự do. Hành vi tôn giáo – việc tôn thờ Thiên Chúa chân thật – còn minh chứng con người được phóng thích khỏi mọi hình thức nô lệ cho mê tín, sợ hãi, lệ thuộc các sức mạnh của mọi loài thọ tạo trong thiên nhiên.

Ngược lại với hành vi tôn giáo chân chính vốn có sức mạnh giải thoát và khai phóng là thái độ quỵ lụy của con người vì sợ hãi hoặc vì hám danh hám lợi bất chính mà dập đầu thờ lạy các loại tà thần giả trá do chính phàm nhân dựng lên. Kinh nghiệm đau đớn của Dân Israel trong cơn cám dỗ “Con Bê Vàng” (x. Xh 32:1-6) vẫn tái diễn trong lịch sử loài người và Lịch Sử Cứu Độ:TạiKhorep họ đúc một conbê, rồi phủ phục tôn thờ tượng đó.Họ đổi Chúa vinh quang lấyhình bò ăn cỏ” (Tv 106:19-20).

Thánh Danh của Thiên Chúa phải được con người tôn kính như tôn kính chính Thiên Chúa hiện thân. Truyền thống Thánh Kinh đồng hóa danh tánh của một con người với bản tính, với nhân thân của người ấy. Thiên Chúa chọn danh xưng cho nhiều nhân vật nổi tiếng như các ông Abraham, Israel, Môsê,… và nhất là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Nhân Độ Thế, ấn định ý nghĩa cuộc sống và sứ mạng của họ (x. St 17:5; 32:29; Xh 2:10; Mt 1:21.23; 16:18). Một điều quan trọng cần được lưu ý, là tất cả các danh tánh vĩ đại và thánh thiện nói trên đều được gắn chặt với Thánh Danh Thiên Chúa như nền tảng vững chắc, như lý do hiện hữu sống còn của vận mạng và sứ vụ con người: Lạy Đức Chúa, Ngài ngự giữa chúng con. Chúng con được mang Danh Ngài. Xin đừng bỏ rơi chúngcon” (Gr 14:9).

Được mang Danh Chúa có nghĩa là được Chúa bảo vệ, được Chúa hiện diện ở giữa cộng đoàn, bên trong cuộc đời mỗi người, và vì Chúa là Đấng thủy chung như nhất nên chẳng bao giờ các tín hữu của Chúa sợ bị ruồng rẫy.[8] Vì lý do đó, phải dành cho Thánh Danh Người lòng kính trọng tuyệt đối. Xướng Danh Chúa vô cớ và bất kính, hoặc nhắm mục đích lôi kéo Đấng Cực Thánh vào những vấn đề phàm tục, gian tà, dối trá, quả là trọng tội khi quân và là tội đáng tru diệt vì báng bổ thần thánh.[9]

Con người vốn xuất thân từ việc lao động mang tính sáng tạo và có giá trị cứu độ của Thiên Chúa,[10] nên tự bản chất, không chỉ đơn thuần vì lý do cơm áo mà phải lao tâm khổ trí. Lao động con người với tư cách là một nhân vị luôn mang tính nhân văn. Mồ hôi – và lắm khi cả máu và nước mắt – con người đổ xuống trên các công trình lao động tay chân lẫn trí óc là để ghi dấu nhân văn trên những sản phẩm ấy. Cái “thần hồn”, cái sức sống mãnh liệt của việc lao động có tính nhân văn, sáng tạo và hoàn thiện chính là lòng yêu kính của con người dành cho Thiên Chúa – vừa là Đấng Thiên Chúa Tạo Hóa vừa là Đấng Cứu Độ. Chính Thiên Chúa, một khi đã tác thành vũ trụ càn khôn trong sáu ngày, đã ngưng nghỉ để chúc phúc và thánh hóa ngày thứ bảy. Đến lượt con người, được sáng tạo giống hình ảnh Thiên Chúa, phải biết gác bỏ tất cả mọi bận tâm của cuộc sống thường nhật, mà hết lòng phụng sự Người vào ngày tuyệt đối dành riêng cho Người,[11] ngày được hiến thánh, không ai được phép xâm phạm, thậm chí không được phép buồn sầu, than khóc trong Ngày của Thiên Chúa (x. Nkm 8:9-11).

2/. Trên bia đá thứ hai, con người được Thiên Chúa ân cần dạy bảo phải biết sống sao cho nên người. Bài học làm người quả thật rất quan trọng và cũng rất khó. Cổ nhân từng dạy, “Vi nhân nan”làm người là một việc khó khăn”. Con người cần phải học hỏi và luyện tập bài học nhân bản, để hoàn thành ơn gọi làm người trước lúc được đón nhận vào thế giới của của các thần thánh, vào vương quốc Tình Thương của Thiên Chúa (x. Xh 20:12-17).

– Điều Răn thứ IV đứng đầu các điều luật dạy về cách đối nhân xử thế: thảo kính cha mẹ: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã ban cho ngươi”. Vị trí đối xứng đầu bảng của Điều Răn thứ IV với Điều Răn thứ I phần nào cho thấy cả 2 đều khai mở ra 2 chiều kích quan trọng của ơn gọi làm người: nhiệm vụ thờ phượng và kính yêu Thiên Chúa mở lối cho con nguời bước vào thế giới thánh thiêng cao quý nhất, thế giới của hành vi thờ phượng, thế giới của tôn giáo, là thánh cung, nơi đó con người được gặp gỡ Thiên Chúa. Vùng đất Thiên Chúa ban cho con người là vùng Đất Hứa dành riêng cho một dân tộc được Thiên Chúa ưu tuyển, một dân tộc trọng lễ nghĩa, xứng đáng được ơn trường tồn, để thi hành nhiệm vụ quảng bá đạo lý của Người cho các dân tộc khác (x. Is 43:21).

– Điều Răn thứ V: “Ngươi không được giết người” vừa khẳng định thẩm quyền tuyệt đối của Thiên Chúa trên mạng sống của con người, vừa dạy con người phải tôn trọng và chịu trách nhiệm về sinh mạng của mình và của tha nhân như quà tặng vô giá được Thiên Chúa ban cho.

– Điều Răn thứ VI: “Ngươi không được ngoại tình” dạy con người trước là biết hành xử nghiêm cẩn trong mối tương quan tính dục, tương xứng với nhân phẩm của mỗi giới tính, không lạm dụng thân thể và phẩm giá của tha nhân, mà cũng không cho phép tha nhân lạm dụng thân thể và phẩm giá của mình, sau là để biết tôn trọng phẩm chất cao quý của lòng thủy chung trong đời sống hôn nhân.

– Điều Răn thứ VII: “Ngươi không được trộm cắp” dạy con người biết tôn trọng luật công bình, tránh không xâm phạm tài sản của người khác, bất luận đó là tài sản vật chất hay sở hữu tinh thần của họ.

– Điều Răn thứ VIII: “Ngươi không được làm chứng gian hại người” vừa khuyến khích con người sống chân thành, minh bạch, ngay thẳng đối với Thiên Chúa và đối với người đồng loại,[12] vừa dạy con người hết lòng bảo vệ công lý và chân lý.[13]

– Điều Răn thứ IX: “Ngươi không được ham muốn vợ người ta” là giáo huấn về giá trị cao quý của tình yêu vợ chồng. Tình yêu thủy chung này phải được kính trọng và bảo vệ để xây dựng một gia đình vững chắc và hạnh phúc.

– Sau cùng, Điều Răn thứ X: “Ngươi không được ham muốn nhà người ta, (…), con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta” chỉ rõ phải thực thi công bình xã hội như điều kiện để xây dựng mối tương quan hòa bình giữa con người với nhau.

V. HÌNH THÀNH NHÂN VỊ CỦA CON NGƯỜI: MỤC ĐÍCH CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CỦA THIÊN CHÚA

Việc Thiên Chúa sáng tạo con người nhắm hai mục đích chính: thứ nhất, để mạc khải cho nhân loại dung mạo của Người (x. St 1:27); thứ hai, để bày tỏ ý muốn cho con người được quyền thừa tự tham dự vào gia tài đời sống vinh quang bất diệt của Người:Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người. Người đã tiền định cho talàm nghĩa tử nhờ Chúa Giêsu Kitô. Để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời. Ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:5-6).

Cả hai mục trên đều được Thiên Chúa thực hiện trong Lịch Sử Cứu Độ thông qua triết lý và phương pháp giáo dục tuyệt diệu dành cho con người.

Tiên vàn, về phương diện lý luận, để có thể tham dự vào cuộc sống thần linh, thì con người, dù chỉ là thụ tao, cần được Thiên Chúa ban bố cho một đặc tính nền tảng, chứa đựng khả năng tiếp nhận phước đức vĩ đại của Đấng Tạo Hóa. Đặc tính vừa nói chính là ngôi vị của con người, được bao gồm trong trọn gói được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, một Đấng Thiên Chúa có ngôi vị.[14] Nhờ có ngôi vị, con người suy nghĩ, phát biểu và hành xử có thẩm quyền, có quy trách,[15] đường đường chính chính, xứng đáng với vai trò quản trị vũ trụ vạn vật do Thiên Chúa ủy nhiệm (Tv 8:4-9). Đặc ân nhân vị của con người là nét khắc họa Thiên Chúa thực hiện trong việc sáng tạo con người để mô tả Thần Vị của Chúa Kitô, Đấng Thiên Chúa Cha vô cùng thương yêu (x. Mt 3:17;17:5). Tương tự như một danh họa, Thiên Chúa Ngôi Cha phác lên khối bùn đất chưa có hình hài những đường nét xinh đẹp, thánh thiện của Thiên Chúa Ngôi Con, rồi truyền tải vào đó sức sống mãnh liệt của Thiên Chúa Ngôi Thánh Thần (x. St 2:7).

Chúa Kitô chính là Con Người Nguyên Mẫu, còn loài người chỉ tựa như những bản sao chép sống động của hình ảnh nguyên thủy, do Đấng Tạo Hóa toàn năng thực hiện.[16] Hơn nữa, do hậu quả bi thảm của tội lỗi, hình ảnh xinh đẹp của Thiên Chúa từng khắc họa nơi con người trở nên dị bản, biến dạng trầm trọng.[17] Chính vì vậy, Thiên Chúa quyết định thực hiện công cuộc giáo dục con người – vốn tiếp diễn trong suốt chiều dài Lịch Sử Cứu Độ[18] – phải được đích thân Thánh Tử của Người thực hiện chứ không chỉ ủy thác cho các gia sư nữa (x. Dt 1:1-2).

Không chỉ hài lòng với quyển giáo khoa vô cùng hoàn chỉnh là “Mười Lời” ghi khắc trên bia đá, Thiên Chúa đặc cử Đấng Vạn Thế Tôn Sư là Chúa Kitô (x. Mt 23:8), Lời Trường Cửu vô cùng thánh thiện và quyền năng, từng hiện hữu cạnh Thiên Chúa Cha từ muôn thủa (x. Ga 1:1-2), xuống cõi trần gian giáo huấn, chữa trị và giải thoát con người khỏi mọi hình thức hệ lụy ác tà của tội lỗi, đóng đinh con người cũ vào thập giá (x. Rm 6:6), biến đổi họ thành một thụ tạo mới (x. 2Cr 5:17), tương thích với cảnh hùng vĩ của Trời Mới Đất Mới (x. Kh 21:1), thành Con Người đạt mức viên mãn theo mẫu mực của Chúa Kitô (x. Ep 4:13), thành quả của Ơn Cứu Độ từ công cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Người (x. Ep 1:7-10).

 

 

 


[1]x. Tóm lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, số 109.

[2]“Dekalogos” tiếng Hy Lạp, hoặc “Decalogue” tiếng Anh, có nghĩa là “mười lời nói”.

[3]Theo ước tính, Mười Điều Răn được Thiên Chúa ban bố cho dân Israel vào khoảng năm 1450 trước Chúa Giáng Sinh (xc. http:// www.religioustolerance.org/chr_10ck.htm).

[4]Luật do Thiên Chúa thành lập và ban hành (divine positive Law).

[5]Luật Thiên Chúa là trường cửu, vì tất cả mọi vấn đề, mọi phương diện, mọi giải pháp đều được xem xét chu đáo tự muôn thủa.

[6]Muốn hiểu thấu đáo luật pháp, cần phải nhận biết ý định của nhà lập pháp.

[7]Xh 20:1-11, gồm các Điều Răn I, II và III.

[8]x. Guy Couturier, C.S.C., “Jeremiah”, The New Jerome Biblical Commentary,Theological Publications in India: Bangalore, 2000, pp. 279.

[9]Tin Mừng theo Thánh Matthew, do rất thành kính truyền thống tôn kính Thánh Danh Thiên Chúa, dùng cụm từ “Nước Trời” (x. Mt 3:2; 4:17) thay vì “Nước Thiên Chúa” (x. Mc 1:15; Lc 4:43). Thiên Chúa quyết liệt giữ kín danh tánh của mình mặc cho con người khẩn thiết van xin Chúa tiết lộ (x. St 32:30) vì không muốn Thánh Danh bị xúc phạm và lạm dụng. Ngay cả khi tự giới thiệu với Ông Môsê (x. Xh 3:13-14), Thiên Chúa chỉ cho biết phẩm chất “Tự Hữu”, thuộc bản tính của Người.

[10]Tóm lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, số 263: “Việc lao động phô diễn chiều kích nền tảng của nhân sinh, đó là không những con người được tham gia vào hành vi sáng tạo mà còn góp phần cho hành vi cứu độ nữa”.

[11]Lệnh truyền tôn kính Ngày Thứ Bảy của Cựu Ước được Kitô giáo chuyển đổi thành lệnh truyền Tôn Kính Ngày Chúa Nhật của Tân Ước, tức là Ngày Chúa Kitô Phục Sinh, trùng vào Ngày Thứ Nhất trong tuần lễ của người Do Thái (x. Ga 20:1). Từ Latin “Dominica Dies”, hoặc nói vắn gọn là “Dominica” có nghĩa là “ngày thuộc về thẩm quyền của Đức Chúa”.

[12]x. Mt 5:37: Chúa Kitô đề cao chân lý như dấu chỉ phẩm giá của con cái Thiên Chúa.

[13]x. Ga 18:37: Ai muốn trở thành môn đệ của Chúa Kitô thì phải nghe theo chân lý của Người.

[14]x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 253.

[15]x. Tóm lược Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội Công Giáo, các số 108 và 138; Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), các số 12-17.

[16] x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số22.

[17] x. Ibid., số 37.

[18]Gerald O’Collins, S.J., A Concise Dictionary of Theology, Quezon City, Cleretian Publications, 2001: “Toàn bộ lịch sử loài người cùng với thế giới họ sinh sống, được xem như một tấn tuồng về công cuộc cứu độ, khởi đầu từ việc sáng tạo vũ trụ cho tới ngày Cánh Chung, tất cả đều cần quy tụ xung quanh Chúa Kitô, Trung Tâm của Lịch Sử Cứu Độ”.

 

 

 

Chia sẻ