Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thần Học Về Đại Kết Kitô Giáo

Administrator
2018-09-23 07:51 UTC+7 37
Tấn Anh   Hằng năm, tuần lễ từ ngày 18 đến 25 tháng 1, Giáo hội cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Từ Vatican II, phong trào đại kết ít nhiều đã làm các Kitô hữu thuộc các Giáo hội khác nhau trên thế giới xích lại gần nhau hơn. Trong số […]


Tấn Anh

 

Hằng năm, tuần lễ từ ngày 18 đến 25 tháng 1, Giáo hội cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Từ Vatican II, phong trào đại kết ít nhiều đã làm các Kitô hữu thuộc các Giáo hội khác nhau trên thế giới xích lại gần nhau hơn. Trong số các văn kiện về đại kết, cần lưu ý đến Thông điệp Ut Unum Sint được Đức Gioan Phaolô II ban hành ngày 25/5/1995. Hơn nữa, những cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và các vị lãnh đạo Giáo hội Chính thống, Anh em Tin lành… đã góp phần củng cố phong trào đại kết.

Bài này xin triển khai 4 điểm cơ bản:

– Những lý do dẫn đến chia rẽ giữa các Kitô hữu.

– Lịch sử phong trào đại kết.

– Giáo hội Công giáo với cuộc đại kết từ Vatican II.

– Những hướng đi của phong trào đại kết.

A. NHỮNG LÝ DO DẪN ĐẾN CHIA RẼ GIỮA CÁC KITÔ HỮU

Ut Unum Sint: Đây là lời nguyện của Chúa Giêsu tại nhà tiệc ly trong Phúc âm theo thánh Gioan (17,21). Khi thánh sử cầm bút ghi lại những lời ấy, thì Hội thánh đã được thành lập hơn nửa thế kỷ và đã chứng kiến nhiều mầm mống chia rẽ. Thí dụ, theo thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi Côrintô (1,12), giáo đoàn này có bốn phe. Qua dòng lịch sử, nạn bè phái không bao giờ vắng bóng, dưới đủ mọi hình thức: khi thì vì tham vọng quyền hành, có lúc vì bất đồng ý kiến về đạo lý hay về đường lối mục vụ. Tuy nhiên, vết thương nặng nề hơn cả gây ra cho thân thể Đức Kitô không phải là những xích mích chia rẽ giữa vài cá nhân, mà là những sự ly khai của cả từng cộng đoàn to lớn, đến nỗi ra như họp thành một giáo hội khác, nếu chưa dám nói là tôn giáo khác. Thường thì lịch sử nói đến hai cuộc ly khai lớn trong lịch sử.

1. Cuộc ly khai Đông phương (giữa Rôma va Constantinôpôli) vào giữa thế kỷ 11.

2. Cuộc ly khai Tây phương (giữa Công giáo và Tin lành) vào thế kỷ thứ 16.

Tuy thực tế không hoàn toàn đúng như vậy, nhưng xin tạm dùng đó làm hai thời mốc để phân tích những cuộc ly khai trong lịch sử Giáo hội.

I. SỰ LY KHAI GIÁO HỘI ĐÔNG PHƯƠNG (CHÍNH THỐNG GIÁO)

Khi trình bày lịch sử các công đồng, chúng tôi đã lưu ý là các Giáo hội Chính thống chỉ nhìn nhận bảy công đồng đầu tiên gọi là những công đồng của Hội thánh bất phân ly! Nhưng đó chỉ là một hình ảnh lý tưởng. Sự thực thì ra như cứ mỗi công đồng bế mạc lại nảy ra một nhóm ly khai.

Thực vậy, chúng ta biết rằng công đồng đầu tiên, Nixêa I được triệu tập năm 325 để chống lại lạc giáo Ariô. Lạc giáo này đã lôi cuốn rất nhiều giám mục và dầu bị công đồng Constantinôpôli I năm 381 lên án lần nữa, nhưng không những họ vẫn sống sót mà còn đi truyền giáo cho các dân Gothô.

Tuy nhiên, những sự rạn nứt lớn hơn trong Giáo hội xảy ra kể từ công đồng Êphêsô năm 431. Một số giáo hội bên Siria va Calđêa theo Nestoriô không chấp nhận công đồng, đã tách thành nhóm riêng (quen gọi là “Assiriano”, nay còn độ hơn 100.000 người sống tại Iran, Irak). Nên biết là họ đã đi giảng đạo bên Trung Quốc vào năm 635 (Sizafu?).

Hai mươi năm sau đó, vì không chấp nhận Công đồng Calxêđônia (451), đến lượt các Giáo hội bên Ai Cập (Coptô), Etiôpia và Armênia ly khai, họp thành các Giáo hội “Monophysit” (Đức Kitô chỉ có một bản tính). Ngày nay, các Giáo hội này chỉ còn là một thiểu số khiêm nhường giữa vùng lãnh thổ Hồi giáo ở Trung đông. Tuy nhiên, các sử gia cho rằng nguyên nhân của các cuộc ly khai không thuộc lãnh vực đức tin cho bằng vì những động lực văn hoá chính trị. Về văn hóa: ngôn ngữ thần học hồi đó chưa được chính xác, khiến cho các bản dịch không thiếu lần đã gây ngộ nhận. Về chính trị: Ai cập, Siria, Calđêa, Armênia là những trung tâm văn hoá và đế quốc từ lâu đời, vì thế họ không chịu khuất phục hoàng triều ở Constantinôpôli, chỉ chú trọng văn hóa Hy Lạp (Ngày nay, các giáo đoàn này mệnh danh là “Siro-orthodox”, bành trướng sang tận An Độ, Malankar).

Sau những cuộc ly khai của phái Nerstôriô và Nhất tính, những giáo hội nào chấp nhận giáo lý của Công đồng Calxêđônia tự nhận là “Chính thống” (giáo lý chân chính, theo gốc Hy Lạp: Orthodoxia gồm bởi “orthos”: chân chính, trung thực; và “doxa”: phụng tự, ý kiến). Trên thực tế, thì vào cuối thiên niên thứ nhất chỉ còn có hai tòa khác (Alexanđria, Antiôkia, Armênia, Calđêa) thì hoặc đã lạc đạo hay là đã rơi vào tay của Hồi giáo.

Những lý do đưa đến sự tuyệt thông giữa Constantinôpôli và Rôma vào năm 1054 thì nhiều và phức tạp. Đừng kể sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa (Latin, Hy Lạp), còn có sự cạnh tranh về quyền thế (nhất là kể từ khi Constantinôpoli được chọn làm thủ đô mới của đế quốc, đang khi mà Rôma cũ dần dần bị rơi vào tay man di). Thêm vào đó là những quan niệm Giáo hội học khác nhau về việc lãnh đạo Giáo hội: Rôma thì đề cao vai trò lãnh đạo của Giáo hoàng; còn Constantinôpôli đòi hỏi rằng, những chuện quan trọng phải được đem bàn ở công đồng, với sự thỏa thuận của tất cả các thượng phụ.

Thực ra, sau năm 1054, hai tòa Rôma và Constantinôpôli vẫn còn giữ liên lạc với nhau. Như chúng ta đã biết, các Công đồng Lyon II và Firenze đã cố gắng tìm hợp nhất nhưng không thành. Đàng khác, Constantinôpôli đã rơi vào tay Hồi giáo từ năm 1453. Các Giáo hội Chính thống bành trướng ở các nước Đông Au (Serbia, Bulgaria, Rumania…), đặc biệt là Cựu Liên Xô cũ (Nga, Gerogia, Ukraina), với tòa thượng phụ Moscơva thường tranh chấp với tòa Constantinôpôli.

II. SỰ LY KHAI TÂY PHƯƠNG

Vào thời Trung cổ, Giáo hội Công giáo đã có lúc có tới hai ba giáo hoàng. May thay, tình trạng đó không kéo dài cho lắm (1378 – 1417). Từ thế kỷ 16 mới bắt đầu những sự ly khai lớn với sức tác động dây chuyền.

Chắc rằng Lutêrô (1483-1546), nguyên là một linh mục dòng Augustinô, không hề có ý định thành lập một Giáo hội ly khai. Ong chỉ muốn đề ra một cuộc cải cách giáo hội. Sự cải cách này không những chỉ nằm trong phạm vi kỷ luật nhưng còn đi vào những điểm căn bản của đức tin, tựa như khi chỉ chấp nhận Kinh thánh như là nguồn duy nhất của mạc khải (sola Scriptura), khi nhấn mạnh tới đạo lý về sự cứu rỗi duy nhờ đức tin (soli Deo gloria); họ cũng đặt sự giảng thuyết và nghe Lời Chúa lên trên việc phụng tự bí tích. Nói chung, phong trào do Llutêrô xướng lên được gọi là Cải cách (Reforme: có nơi dịch là: cải lương, cải giáo, tân giáo). Họ cũng được mệnh danh là Protestant. Trước đây, danh từ này được dịch là “Thệ phản”, với nghĩa xấu là những người đã phản bội lời thề. Sự thực không phải vậy, nguyên gốc của nó có nghĩa là “phản đối” (hay: phản kháng), được áp dụng cho những ông hoàng theo phe Lutêrô, phản đối những quyết nghị của quốc hội họp ở Speyer năm 1529. Hội nghị này với đa số theo Công giáo đã biểu quyết rằng, những ai theo Lutêrô phải rút ra khỏi các vùng do những ông hoàng công giáo kiểm soát (như vậy có nghĩa là người dân phải theo đạo của ông lãnh chúa). Vì muốn bảo vệ tự do lương tâm mỗi người, 6 ông hoàng và 14 thành phố phản đối quyết định đó, chấm dứt tình trạng sống chung giữa đôi bên. Từ đó, những ai trung thành với Rôma thì gọi là Công giáo (Catholique: nguyên ngữ Hy Lạp có nghĩa là: phổ quát, bao gồm tất cả); đối lại là nhóm Cải cách. Thế rồi, dần dần phe Cải cách do những lý do khác nhau, lại bị phân tách ra các ngành biệt lập. Có thể phân biệt ra ba ngành chính sau đây: Lutêrô, Calvinô và Anh giáo.

1. Những người theo Lutêrô, đa số bên Đức, họp thành các Giáo hội Tin lành (Evangelische Kirche)

Ở Việt Nam, tiếng “Tin lành” có thể gây hiểu lầm. Theo nguyên ngữ, tiếng “Evangelium” có thể dịch là: Phúc âm, Tin mừng, Tin vui hay Tin lành. Những người theo Lutêrô gọi mình là Evangelist vì muốn trở về với Tin mừng nguyên tuyền. Thế nhưng, các “Hội thánh Tin lành” ở Việt Nam chỉ có họ hàng rất xa với các Giáo hội Lutêrô. Nguồn gốc gần hơn của các nhóm Tin lành Việt Nam là các phong trào Evangelicals, phát xuất từ bên Anh hồi thế kỷ 19 như sẽ nói sau (hiện nay các giáo đoàn theo Lutêrô trên thế giới họp thành: “Lutheran World Dedration”).

2. Những nhóm người theo Ulrich Zwingli (1484-1531) và Jean Calvin (1509-1564)

Những nhóm người theo Ulrich Zwingli (1484-1531) và Jean Calvin (1509-1564) thì đổi tên là Giáo hội Cải cách (Eglise Reformee); Sang Anh và Hoa Kỳ, họ mang tên là Giáo hội Trưởng lão (Presbyterians). Danh từ này ám chỉ cơ chế đặc biệt đó là mỗi cộng đoàn được cai quản do hội đồng các “Presbyter” (nguyên lão, kỳ mục). Từ ngữ này lấy từ Tân ước (Cv 14,23), do dân bầu (ngày nay, họ họp nhau thành: “World Alliance of Reformed Churches”).

3. Nhóm thứ ba là Anh giáo

Tuy ra đời vào thời cải cách, nhưng họ không chấp nhận các đạo lý của Lutêrô. Sự ly khai khỏi Rôma bắt đầu từ việc Tòa thánh không chấp nhận cho vua Henry VIII (1509 – 1547) ly dị. Nhà vua tuyên bố mình là giáo chủ của Giáo hội bên Anh (supreme head of the Church of England).

Lúc đầu sự ly khai chỉ có tính cách chính trị, nhưng dần dần cũng mang thêm tính cách đạo lý, khi du nhập các tư tưởng của Lutêrô và Calvinô. Thực ra, gọi là “Anh giáo” thì không đúng, bởi vì đây không phải là một tôn giáo riêng biệt. Tên gọi chính thức là Giáo hội Anh quốc (Church of England) và từ khi được bành trướng qua các nước thuộc địa, họ mang danh là: “Sự thông hiệp Anh” (Anglican Communion; ở Mỹ, họ được gọi là “Episcopalians”). Nội bộ của họ gồm có khuynh hướng:

– Low Church (Giáo hội thấp), khuynh hướng theo nhóm Cải cách;

– High Church (Giáo hội cao), gần gũi với Công giáo;

– Broad Church (Giáo hội rộng), khuynh hướng rất tự do.

Chính nhờ sự đa đạng đó, mà Giáo hội Anh quốc đã nhiều lần muốn đứng ra bắt cầu môi giới giữa Công giáo và Cải cách. Nhưng cũng cần phải thêm rằng, cũng vì sự đa dạng đó mà đã nảy ra bao nhiêu phe phái khác, nhất là tại Hoa Kỳ, cựu thuộc địa của Anh. Chúng ta có thể kể:

+ Methodists: Danh xưng này được đặt ra để chế nhạo cái “method” mà họ dùng khi cầu nguyện và học Kinh thánh, khởi đầu do hai anh em John Wesley (1703- 1791) và Charles Wesley (1707- 1788). Từ nhóm Methodist tách ra Đạo quân Cứu rỗi (Salvation Army) năm 1865.

+ Baptists: Chủ trương chỉ rửa tội cho người lớn bằng việc dìm mình. Từ nhóm này tách ra nhóm Cơ đốc Phục lâm (Adventists) năm 1844 (E.G. White), những người chờ Đức Kitô quang lâm vào ngày thứ 7 (Seventh-Day Adventists; Sabbatists).

+ Evangelicals: Một từ rất rộng, bao gồm rất nhiều phái. Nói chung, các tín điều của họ rất đơn giản; về cơ cấu tổ chức cũng vậy. Xem ra, một đặc tính chung của họ là giải thích Kinh thánh theo nghĩa đen (cứ chữ, không đếm xỉa tới khung cảnh lịch sử văn chương) và họ không tham gia các phong trào đại kết. Như đã nói trên, các nhóm Tin lành được truyền sang Việt Nam thuộc ngành này chứ không phải thuộc Giáo hội Lutêrô. (Hội thánh Tin lành Việt Nam là chi nhánh của “The Christian and Missionary Alliance” do A.B. Simpson khởi xướng năm 1887).

B. LỊCH SỬ PHONG TRÀO ĐẠI KẾT

Hai Công đồng Lyon II (1274) và Fiernze (1439) đã cố gắng tìm ra những công thức thỏa hiệp giữa Rôma và Constantinôpôli, nhưng sự hợp nhất không được bền lâu. Vào thời cải cách, nhiều cuộc gặp gỡ giữa Lutêrô với Tòa thánh đã diễn ra trước và trong Công đồng Trentô. Hồi triệu tập Công đồng Vaticanô I, Đức Piô IX đã mời các Giáo hội Chính thống đến dự, nhưng thư mời bị gửi trả lại. Thực ra, cho tới đầu thề kỷ XX, Giáo hội Công giáo hiểu sự hợp nhất theo nghĩa là các phe phái kia hãy ăn năn trở lại phục tùng Đức Giáo hoàng: đó là hình ảnh lý tưởng của một đàn chiên với một chủ chiên. Công tác hợp nhất được ủy thác cho bộ Truyền giáo: cơ quan này phải tìm cách để cho người ngoại giáo lẫn người lạc giáo trở lại với chính đạo. Dưới viễn ảnh đó, không có chuyện “đối thoại đại kết”. Danh từ này được đặt lên do một phong trào bắt nguồn từ các nhóm Cải cách.

I. PHONG TRÀO ĐẠI KẾT NGOÀI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Tiếng “đại kết” dịch bởi từ “oecumenismus”. Thực ra, từ này trong nguyên ngữ Hy Lạp và Latin mang rất nhiều nghĩa. Trong tiếng Hy Lạp, từ “oikuomene”( bởi danh từ “oikos”: nhà) lúc đầu có nghĩa là những vùng đất đã có người cư ngụ (đã xây cất nhà cửa), rồi dần dần mở rộng ra đến toàn thể thế giới. Cách riêng, hoàng đế Rôma mang tước là “oikumêne”, nghĩa là bá chủ khắp thế giới (chỉ trừ những vùng đất hoang dã của quan man di, Barbaroi). Từ đó mà sinh ra tính từ “oecumeniscus” (thí dụ: “concilium oecumenicum” : công đồng do hoàng đế triệu tập, hay là công đồng quy tụ hàng giám mục thế giới).

Khi phong trào hợp nhất các Kitô hữu ra đời vào thế kỷ XX, người ta muốn lấy lại tiếng “oecumenismus” để biểu lộ niềm khát khao được thấy Giáo hội mang chiều kích hoàn vũ, vượt qua hết mọi hình thức phân ly chia rẽ.

Có thể lấy năm 1910 như khởi điểm của phong trào đại kết cận đại. Vào năm ấy, một đại hội của các Hội truyền giáo Tin lành (World Missionary Conference) được tổ chức Edinburgh, (Scotland). Lý do đưa tới việc tổ chức đại hội là thực trạng chua chát của các xứ truyền giáo, khi mà các giáo đoàn trẻ chất vấn những nhóm thừa sai: “Tại sao các ông đều rao giảng một Đức Kitô như nhau, mà nào là metosist, nào là luteranist, nào là episcopalist? Tại sao các ông vừa mang cho chúng tôi Tin mừng của Đức Kitô, lại vừa mang theo các sự phân hóa từ Au Mỹ sang đây làm gì?”.

Chính vì ý thức rằng, sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một chướng ngại cho việc truyền giáo, cho nên các Hội Truyền giáo mới quyế định nhóm họp lại để tìm cách thức giải quyết. Cuộc gặp gỡ giữa các Hội Truyền giáo đã dần dần đưa tới sự gặp gỡ giữa các Giáo hội dưới danh nghĩa của Hội đồng Quốc tế Truyền giáo (Intenrnational Missionary Council) ra đời năm 1921. Từ kinh nhiệm gặp gỡ vừa nói, dần dần nảy ra hai cơ quan khác, biểu lộ cho hai đường lối để tiến tới sự hiệp nhất: một đàng về đạo lý, một đàng về hoạt động. Cơ quan thứ nhất mang tên là Faith and Order (Pháp: Foi et Constitution: “Đức tin và Định chế”) chuyên về các vấn đề đức tin và thể chế của Giáo hội. Họ đã tổ chức hai hội nghị quốc tế ở Lausanne (1927) và Edinburh (1937). Cơ quan thứ hai mang danh là Life and Work (Pháp: Vie et Action: “Đời sống và Hành Động”) được thành hình ngay từ năm 1925 tại hội nghị Stockholm (Thụy Điển). Phương châm của họ là: “đạo lý năng gây chia rẽ, còn hành động thì sẽ gây đoàn kết”. Vì vậy, việc hợp tác vào các công tác phụng sự xây dựng xã hội sẽ dần dần đưa các giáo hội xích lại với nhau. Tuy nhiên, sau hội nghị lần thứ hai tại Oxford năm 1937, họ nhận thấy rằng sự chia rẽ về đạo lý cũng mang theo những chia rẽ về quan điểm hành động. Do đó mà hai cơ quan đã đồng ý sát nhập lại thành một tổ chức mang danh là “Hội đồng thế giới các Giáo hội” (World Council of Churches), với quy chế tạm thời được biểu quyết tại Utrecht năm 1938 [1]. Tiếc rằn, thế chiến thứ hai bùng nổ, cho nên phải chờ tới năm 1948 thì mới có thể triệu tập đại hội đầu tiên, từ ngày 22/8 tời 4/9 tại Amsterdam (Hòa Lan). Tiêu chuẩn đạo lý căn bản để gia nhập Hội đồng là chấp nhận Đức Kitô là Chúa Cứu Thế. Phải chờ tới năm 1961, đại hội New Delhi mới hoàn chỉnh công thức phát biểu đạo lý căn bản sau:

“Hội đồng thể giới các giáo hội là một hội nghị của các giáo hội tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Thế theo Kinh thánh; do đó, họ nỗ lực thể hiện ơn gọi chung hầu làm vinh danh Thiên Chúa duy nhất, Cha, Con và Thánh Thần”.

Đúng ra đây không phải là một tín biểu mới, nhưng chỉ muốn đặt ra một cơ sở tổi thiểu cho các cuộc đối thoại giữa các thành viên. Thực vậy, trong quá khứ cũng như trong hiện tại, không thiếu lần có những nhóm tự xưng là Kitô hữu nhưng lại không chấp nhận thiên tính của Đức Kitô hoặc không chấp nhận tín điều Chúa Ba Ngôi. Hội đồng thế giới các Giáo hội không phải là một thứ siêu Giáo hội, cũng chẳng phải là Giáo hội duy nhất mà phong trào đại kết mong đạt đến. Tổ chức này chỉ là nơi để các Giáo hội đến gặp gỡ học hỏi lẫn nhau và tương trợ nhau, trong sứ mạng truyền giáo. Trụ sở của hội đồng đặt tại Geneve.

Từ ngày thành lập tại Amsterdam năm 1948 đến nay, Hội đồng đã tổ chức các đại hội sau đây: Evanston (1954), New Delhi (1961), Uppsal (1968), Nairobi (1975), Vancouver (1983), Canberra (1991).

Đại hội lần tới được dự trù sẽ họp vào năm 1998, tại Harare (Zimbabwe).

Hiện nay có tới hơn 300 Giáo hội đã làm thành viên của Hội Đồng, trong đó có cả các Giáo hội Chính thống. Giáo hội Công giáo không gia nhập Hội đồng, vì quan điểm khác nhau về Giáo hội học. Tuy nhiên, từ năm 1961, Giáo hội Công giáo gửi quan sát viên tham dự các đại hội, và nhất là từ năm 1965 đã thành lập một nhóm làm việc chung với Hội đồng. Ngoài ra, Giáo hội Công giáo còn cử 12 đại biểu làm thành viên chính thức của Uy ban “Đức tin và Định chế”. Như đã nói trên đây, vai trò của Uy ban này là nghiên cứu những khía cạnh thần học nhằm tiến tới sự hợp nhất các Kitô hữu. Theo quan điểm của Uy ban, sự hợp nhất các Kitô hữu có nghĩa là sự thông hiệp trong đức tin, trong đời sống làm chứng tá Phúc âm và trong sứ mạng truyền giáo. Để tiến tới sự hiệp nhất đó, cần phải qua 3 chặng sau đây:

1. Cùng tuyên xưng một đức tin tông truyền;

2. Nhìn nhận nơi các Giáo hội cùng có chung những yếu tố tông truyền, đặc biệt là bí tích rửa tội, Thánh thể và các tác vụ;

3. Thiết lập những cơ chế chung nhằm bảo đảm việc chung nhau làm chứng tá, cũng như những cơ quan có thẩm quyền quyết định đường lối hành động và giảng dạy.

Chặng thứ nhất được đánh dấu với văn kiện “Tuyên xưng một niềm tin” (Confessing the One Faith) được hoàn chỉnh vào năm 1993 trong phiên họp tại Santiago de Compostela.

Chặng thứ hai được tiến hành với việc tham khao lược đồ mang tên “Rửa tội – Thánh thể- Tác vụ” (Baptism, Eucharist, Ministry, gọi tắt bằng 3 chữ đầu là BEM, soạn tại Lima năm 1982).

II. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỚI PHONG TRÀO ĐẠI KẾT

Trong số các nhân vật mở đường cho phong trào đại kết về phía Công giáo, ta có thể kể Hồng y John Henry Newman (1801- 1890) hồi cuối thế kỷ 19. Khi còn là phần tử của Giáo hội Anh quốc, cha Newman đã mở những cuộc hội thảo để xích lại gần Giáo hội Công giáo. Y nguyên đó vẫn tiếp tục sau khi cha gia nhập Công giáo. Sang thế kỷ XX, vào những năm 1921 – 1926, tại Malines đã có những cuộc đối thoại giữa Lord Halifax, một giáo dân Anh giáo với linh mục Portal người Pháp, dưới sự điều động của Hồng y Mercier. Năm 1925, cha Lambert Beauduin (1873-1960) thành lập đan viện Biển đức tại Chevretogne và năm 1926, cha C.J. Dumont mở trung tâm “Istina” hướng tới việc học hỏi và đối thoại với các Giáo hội Đông phương. Năm 1933, cha Paul Couturier (1881- 1953) đã mở Trung tâm Công giáo đại kết ở Lyon, cổ động việc cầu nguyện cho các Kitô hữu được hợp nhất. Năm 1937, cha Yves Congar (1904 – 1995) xuất bản quyển sách Chretiens denunis. Principes d’un “oecumenisme catholique”, một tác phẩm thần học Công giáo đầu tiên về đại kết.

Thế nhưng đó chỉ là những sáng kiến cá nhân. Toà thánh tỏ ra dè dặt đối với phong trào đại kết: thông điệp Mortalium animos của Đức Piô XI (6/1/ 1928) chấp nhận một đường lối hợp nhất duy nhất là các nhóm ly khai phải trở về với Giáo hội Công giáo. Dưới thời đức Piô XII, huấn thị De motione ecumenica của Bộ Thánh vụ (20/12/1949) hé mở cho người Công giáo được phép tham gia vào các hội nghị đại kết với một số điều kiện. Phải chờ tới khi đức Gioan XXIII đắc cử Giáo hoàng thì lập tức lập trường của Tòa Thánh mới thay đổi. Sau khi loan báo triệu tập công đồng Vaticano II, vào ngày lễ Hiện xuống năm 1960 (5/ 6), Ngài đã cho thành lập Văn Phòng Cổ Võ Sự Hợp Nhất Các Kitô Hữu, do Đức Hồng y Augustinô Bea (1881-1968) làm chủ tịch. Việc đối thoại đại kết trở thành một điểm then chốt trong chương trình của Công đồng.

C. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỚI CUỘC ĐẠI KẾT TỪ VATICAN II

Văn phòng cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu được thiết lập ngày 5/6/1960 trong thời gian chuẩn bị Công đồng Vaticano II. Cơ quan này lo tiếp xúc với các Giáo hội công đồng (từ 40 vị vào lúc khai mạc lên tới hơn 100 vị vào ngày bế mạc). Văn phòng cũng đảm trách việc soạn thảo sắc lệnh của công đồng về vấn đề hợp nhất và những văn kiện chấp hành kế tiếp. Ngoài ra, cũng nên biết là Văn phòng đã chịu trách nhiệm soạn thảo tuyên ngôn về tự do tín ngưỡng.

I. CÔNG ĐỒNG VATICANO II

Văn kiện căn bản là sắc lệnh về đại kết (Unitatis redintegratio) được ban hành ngày 21/11/1964. Tuy nhiên, vấn đề đại kết được đề cập tới ở nhiều văn kiện khác của Công đồng. Sau đây là vài bản văn chính:

Hiến chế mặc khải không những nhằm giải quyế vấn đề tương quan giữa Thánh kinh và Thánh truyền mà Lutêrô đã gợi lên, nhưng còn nói tới việc hợp tác trong việc dịch Kinh thánh (số 22).

Hiến chế về Hội thánh nhìn nhận rằng, các giáo hội ngoài Công giáo cũng thuộc về Hội thánh của Đức kitô (số 8 và 15).

Hiến chế về các Giáo hội Đông phương nhìn nhận rằng, sự hợp nhất Công giáo không loại trừ những khác biệt về phụng vụ, kỷ luật và truyền thống (số 2-3).

Sắc lệnh về Đại kết gồm có ba chương:

1) Những nguyên tắc Công giáo về đại kết.

2) Việc thực hành đại kết.

3) Các giáo hội và giáo đoàn ly khai với tông tòa Rôma.

1. Trong chương một, công đồng phát biểu những xác tín về ý nghĩa và mục tiêu của phong trào đại kết. Nên biết là trong bản dự thảo đầu tiên, tựa đề của chương một là Những nguyên tắc về việc đại kết Công giáo (De oecumenismi catholici principilis): nhưng sau đó, ủy ban soạn thảo đã sửa lại là: Những nguyên tắc Công giáo về việc đại kết (De catholicis oecumenismi princiis). Lý do là vì ở đây, công đồng bày tỏ lập trường của Giáo hội Công giáo về vấn đề đại kết. Còn việc đại kết thì chỉ có một, chung cho hết tất cả các Kitô hữu, chứ không có chuyện Đại kết Công giáo, Đại kết Tin lành, v.v…

Điều đáng chú ý, tuy rằng sự chia rẽ giữa Kitô hữu là một thực trạng không thể chối cãi, nhưng Công đồng muốn trình bày một cái nhìn khác về sự hợp nhất, đó là : giữa các Kitô hữu đã có sự hợp nhất rồi, nhưng còn phải cố gắng tiến tới sự hợp nhất hoàn hảo hơn. Nói cách khác, không đi từ chỗ chia rẽ tới chỗ hợp nhất, nhưng là đi từ sự hợp nhất bất toàn sang sự hợp nhất toàn vẹn (communio imperfecta-plena communio). Thực vậy, giữa các Kitô hữu đã có những yếu tố hợp nhất rồi: qua bí tích rửa tội, chúng ta đã được tháp nhập vào thân thể của Đức Kitô, đã được trở thành con Thiên Chúa, đã được lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính những yếu tố thần linh đó thúc đẩy các Kitô hữu tìm cách biểu lộ sự hợp nhất kể cả qau những yếu tô hữu hình nữa. Tuy vẫn thâm tín rằng, Giáo hội Công giáo chứa đựng cách sung mãn những yếu tố cấu thành Hội thánh của Đức Kitô, nhưng Công đồng nhìn nhận rằng, các cộng đoàn khác cũng chứa đựng những yếu tố đó nữa. Nên biết là ở đây, Công đồng không bàn tới các cộng đoàn Kitô hữu ở ngoài Công giáo. Riêng về trách nhiệm luân lý của hiện tượng chia rẽ, Công đồng khiêm tốn nhìn nhận rằng cả hai bên đều có lỗi. Dù sao các Giáo hội ngoài Công giáo không bị gọi là phe “ly giáo, lạc giáo” như trước nữa! Con đường tìm về hợp nhất được tiến hành qua sự thống hối và khẩn cầu lòng thương xót của Chúa.

2. Bước sang việc thực hành việc đại kết (trong chương hai), sắc lệnh đề ra ba hình thức: tinh thần; thần học, hợp tác. Công cuộc đại kết không phải chỉ liên can tới các nhà lãnh đạo các Giáo hội, nhưng tất cả các tín hữu cần dấn thân cho việc hợp nhất các Kitô hữu, ít là qua việc cầu nguyện và chứng tá (số 5).

a. Đại kết về tinh thần (Spiritual Ecumenism), cuộc đối thoại đại kết giả thiết hai điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành đó là:

* Sự canh tân hay cải cách Hội thánh (số 6);

* Sự cải hoán nội tâm của mỗi tín hữu (số 7).

Cả hai đều nhằm tới sự trung thành với Đức Kitô. Trong những phương thế hỗ trợ cho việc đại kết tinh thần, Công đồng nhắc tới: sự tha thứ cho nhau, sống đời thánh thiện và nhất là cầu nguyện cho việc hợp nhất (số 8).

b. Đại kết về thần học, bao hàm việc tìm hiểu lẫn nhau, qua việc nghiên cứu đạo lý, đối chiếu những tương đồng và khác biệt. Để cho cuộc đối thoại thần học mang lại kết quả, Công đồng vạch ra cho các nhà thần học Công giáo hai nguyên tắc cần lưu ý khi học hỏi và trình bày đạo lý của Hội thánh:

* Cần phải biết phân biệt đâu là “nội dung” của đạo lý, và đâu là “cách thức diễn đạt” đạo lý. Nội dung đạo lý thì không thay đổi, nhưng cách thức diễn đạt thì lệ thuộc vào những điều kiện văn hóa lịch sử.

* Cần phải biết phân biệt hệ cấp các chân lý (hierarchia veritatum), nghĩa là không phải tất cả các đạo lý đều có tầm quan trọng ngang nhau (số 11). Sự hợp nhất cốt yếu về đức tin có thể bao hàm những khác biệt về nghi thức phụng tự và truyền thống kỷ luật (số 5).

Công đồng lấy lại phương châm của Đức Gioan XXIII: hợp nhất trong những điều cốt yếu, tự do trong những gì chưa chắc, bác ái trong hết mọi trường hợp (in necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas).

Đại kết về hợp tác, nghĩa là cộng tác với nhau trong các công tác bác ái nhằm phục vụ nhân loại (số 12).

3. Sau khi đã nói tới những nguyên tắc tổng quát về lý thuyết cũng như về thực hành, Công đồng bước sang phần áp dụng ở chương ba. Chương này được phân thành hai mục rõ rệt: một đàng dành cho các Giáo hội Đông phương; đàng khác là các Giáo hội và các đoàn ly khai bên Tây phương. Sự phân biệt đó không phải chỉ dựa theo diễn tiến của hai giai đoạn chia rẽ trong lịch sử, nhưng nhất là dựa theo căn bản thần học: các Giáo hội Đông phương gần gũi với Công giáo hơn, về tín lý cũng như về các bí tích; còn các nhóm ly khai vào thời cải cách không còn duy trì tất cả 7 bí tích nữa, đặc biệt là bí tích truyền chức thánh, vì thể không những đã làm thay đổi cơ cấu phẩm trật của Hội thánh mà còn gây ra những khó khăn khi bàn về giá trị của các buổi cử hành Thánh Thể và thống hối.

Chính vì dựa trên cơ cấu phẩm trật mà sắc lệnh phân biệt giữa “giáo hội” và “giáo đoàn”. Tiếng giáo hội (hay: hội thánh, ecclesia) dành cho những cộng đoàn nào có chức giám mục (điển hình là các giáo hội Đông phương); nếu không có giám mục thì gọi là giáo đoàn (communitas ecclesiastica). Nên biết, các cơ quan đại kết ngoài Công giáo không chấp nhận sự phân biệt đó. Dù sao thì trong sắc lệnh này, Công đồng muốn đề cao những điểm trùng hợp hơn là nêu lên những dị biệt. Chẳng hạn khi nói tới các giáo đoàn ly khai bên Tây, văn kiện đã trình bày những yếu tố sau đây:

Việc tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và trung gian giữa Thiên Chúa với loài người (số 20).

* Lòng hâm mộ học hỏi Kinh thánh (số 21);

* Bí tích rửa tội (số 22);

* Sống đạo qua việc cầu nguyện và sinh hoạt xã hội (số 23).

* Một cử chỉ có ý nghĩa đại kết không nhỏ vào hôm trước khi bế mạc Công đồng (7/12/1965) là việc Đức Giáo hoàng Phaolô VI và Đức Thượng phụ Constantinopoli Atenagora I rút lại vạ tuyệt thông từ năm 1054.

II. SAU CÔNG ĐỒNG VATICANO II

Trong số những văn kiện của Tòa thánh có liên can đến đại kết, chúng ta có thể ghi nhận:

– những huấn thị áp dụng;

– bộ giáo luật

1. Những huấn thị áp dụng

Năm 1967, Văn phòng hợp nhất đã xuất bản phần thứ nhất của kim chỉ nam để áp dụng sắc lệnh của Công đồng (Directory for the Application of the Second Vatica Council’s decision on Ecumenism: AAS 59, 1967, 574-592). Phần thứ hai ra đời năm 1970 (AAS 62, 1970, 705-724). Sự đối thoại đại kết cần được tiến hành qua việc thiết lập những ủy ban cấp giáo phận và cấp toàn quốc, cũng như qua việc đào tạo các thành phần dân Chúa. Vào năm 1993, cả hai phần được duyệt lại và đúc kết thành một tài liệu duy nhất, mang tên là: “Kim chỉ nam áp dụng những nguyên tắc và quy chuẩn của đại kết” (Directory for the application of principles and norms on ecumenism, 25/3/1993). Tài liệu này gồm có 5 chương như sau:

1) Bản chất của việc cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu.

2) Những cơ quan của Giáo hội nhằm phục vụ công cuộc đại kết.

3) Việc huấn luyện đối thoại đại kết.

4) Việc chia sẻ các bí tích và kinh nguyện giữa các Kitô hữu.

5) Sự hợp tác trong lãnh vực đối thoại và chứng tá.

2. Bộ giáo luật Latinh 1983

Tuy là một văn kiện pháp lý chi phối nội bộ của Giáo hội Công giáo, song không vì thế mà giáo luật không cần biết tới chuyện đối thoại đại kết. Thực vậy, bộ giáo luật đã dành ra số 755 (trong những điều khoản dẫn nhập vào quyển ba) để nói về phong trào đại kết. Đúng ra, ở chỗ này nhà lập pháp chỉ xác định thẩm quyền điều hành công cuộc đó. Có thể nhận thấy những khoản luật khác có tính cách thực tiễn hơn. Thí dụ: về việc hợp tác trong việc dịch Kinh thánh (đ.825,2); về việc tham dự các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, giải tội và xức dầu (đ.844); vấn đề hôn nhân hỗn hợp thì được bàn ở các đ.1124-1125. Các đại biểu của các Giáo hội ngoài Công giáo có thể được mời làm quan sát viên trong các công nghị giáo phận (đ.463,3). Dù sao, ảnh hưởng lớn nhất của phong trào đại kết trong việc soạn thảo bộ giáo luật được nhận thấy ở đ.11. Bộ giáo luật cũ có tính cách bó buộc tất cả các Kitô hữu; còn bộ giáo luật 1983 chỉ bó bộc các tín đồ của Giáo hội Công giáo. Một thay đổi về từ ngữ cũng được du nhập khi nói về việc gia nhập Giáo hội Công giáo: từ nay sẽ không dùng từ trở lại đạo (convertire) cho một người Kitô hữu ngoài Công giáo, nhưng phải nói là được đón nhận vào thông hiệp (receptus).

Bộ giáo luật Đông phương thì dành hẳn thiên XVIII cho vấn đề đại kết (de oecumenismo seu de christianorum unitate fovenda), từ đ.902-908.

D. NHỮNG HƯỚNG ĐI CỦA PHONG TRÀO ĐẠI KẾT TỪ VATICAN II

Gần đây có hai tài liệu được công bố. Thứ nhất là Kim chỉ nam áp dụng những nguyên tắc và quy chuẩn của đại kết (Dirctory for the application of principles and norms on ecumenism) do “Hội đồng Tòa thánh cổ võ sự hợp nhất các Kitô hữu” (Pontificium Consilium ad Unitatem Christianorum Christianorum fovemdam) xuất bản, ngày 25/3/1993. (Nên biết rằng đây là danh xưng mới của Văn phòng hợp nhất các Kitô hữu kể từ khi cuộc cải tổ giáo triều Rôma năm 1988). Văn kiện thứ hai là thông điệp Ut unum sint của Đức Gioan Phaolô II, ban hành ngày 30/5/1995, (viết tắt UUS) gồm có ba chương với những tựa đề:

– Sự dấn thân của Giáo hội Công giáo vào công cuộc đại kết.

– Các kết quả của sự đối thoại.

– Đường còn xa lắm không?

Thông điệp trưng dẫn rất nhiều đoạn văn của Công đồng Vaticano II và của Kim chỉ nam. Điểm khác biệt của thông điệp ở chỗ là một đàng kiểm điểm những thành quả do việc đối thoại; và đàng khác, phác họa những bước còn phải tiếp tục.

I. NHỮNG THÀNH QUẢ CỦA CUỘC ĐỐI THOẠI ĐẠI KẾT

Khi đánh giá kết quả của công cuộc đối thoại đại kết trong thời gian 30 năm qua, thì nhiều người có cảm giác bi quan bởi vì mỗi phe cứ giậm chân tại chỗ! Thực ra, cần thành thực thú nhận rằng, không dễ gì xóa nhòa trong vòng 30 năm, những vết thương và thành kiến đã mang từ bao thế kỷ. Tuy nhiên, không nên chỉ đánh giá hậu quả của cuộc đối thoại qua các bản văn thần học hay qua những nghi thức sát nhập các Giáo hội. Chúng ta cần mở rộng tầm nhìn, hướng tới những hình thức khác nhau của cuộc đối thoại mà Công đồng đã đề ra. Như chúng ta đã biết, có ba con đường chính: tinh thần; đạo lý, hợp tác.

1. Đại kết về tinh thần

Bước đầu tiên của việc đại kết là cải hoán nội tâm. So với dĩ vãng, thiết tưởng không phải là chuyện nhỏ khi mà ngày nay các Kitô hữu không còn coi nhau như thù địch nữa, nhưng họ đã biết nhìn nhận nhau như anh em. Hơn thế nữa, chúng ta không coi những người Công giáo, Chính thống, Tin lành như là những phần tử thuộc ba tôn giáo khác nhau! Đâu phải thế: tất cả đều là tín đồ của một tôn giáo mà thôi. Điều này được biểu lộ cách rõ rệt vào dịp các tôn giáo họp nhau để cầu nguyện cho hòa bình tại Assisi vào ngày 27/10/1986. Các tín đồ của mỗi tôn giáo cầu nguyện chung với nhau dựa theo lòng tin của mình: An giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo,v.v… Còn tất cả các Kitô hữu thì chỉ họp thành một nhóm, cho dù là Công giáo, Chính thống, Lutêrô, Cải cách, v.v… Trong lãnh vực thần học đại kết, ngoài việc các tín đồ Kitô giáo nhìn nhận nhau như anh em, người ta cố gắng tiến tới bước nhìn nhận các giáo hội như chị em (églises soeurs). Một dấu hiệu của tình nghĩa huynh đệ được biểu lộ qua các cuộc viếng thăm giữa các vị lãnh đạo tối cao của các giáo hội, thí dụ các cuộc thăm viếng hỗ tương giữa Đức Thánh Cha với các Thượng phụ Chính thống, các Giáo chủ Cantebury của Anh giáo, hay Luther (UUS 24-25).

Trong lãnh vực đại kết tinh thần, không thể nào bỏ qua việc cầu nguyện. Ngoài những buổi cầu nguyện cho sự hợp nhất được diễn ra giữa lòng mỗi giáo hội, còn phải kể tới các buỗi cầu nguyện chung giữa các giáo hội. Dù sao thì hằng năm hầu như hết các giáo hội đều dành ra một tuần để cầu nguyện cho sự hợp nhất. Từ nhiều năm qua, các ý chỉ cầu nguyện được soạn do một tiểu ban hỗn hợp giữa Công giáo và Hội đồng thế giới các giáo hội. Một cử chỉ đáng để ý là năm 1994, Đức Thượng phụ Constantinôpôli Bartôlômêo I, đã nhận dọn những bài suy niệm các chặng đàng Thánh giá, do Đức Thánh Cha chủ sự ngày thứ 6 tuần thánh ở Rôma. Sang năm 1995 đến lượt các nữ tu Minke de Vries, thuộc tu viện Tin lành Grandchamp bên Thụy sĩ.

Sự thông hiệp trong kinh nguyện đạt tới mức cao độ khi cử hành các bí tích, nhất là Thánh Thể. Giáo hội Công giáo đã ra những quy luật về việc “thông công bí tích” (communicatio in sacris), với những cấp độ khác biệt tùy theo bản tính của từng bí tích, cũng như đạo lý đức tin của mỗi Giáo hội (xem bộ giáo luật latin, đ.844; Kim chỉ nam số 122-136).

2. Đối thoại thần học

Trên đường tìm về hợp nhất, sự đối thoại về đức ái phải đi đôi với sự đối thoại về chân lý (UUS 32). Những cuộc đối thoại thần học không phải nhằm vạch bới những điểm sai lầm, nhưng tiên vàn để đánh tan những thiên kiến và trình bày cho nhau những cách thức suy tư hành động của mình. Sau đó, cần phải chung nhau xét lại mức độ trung thành với chính chân lý là Đức Kitô (xc. UUS 33-35).

Các cuộc đối thoại thần học có thể diễn ra song phương hay đa phương.

a. Những cuộc đối thoại song phương đáng kể nhất là:

* Với các Giáo hội Chính thống (Uy ban thần học hỗn hợp được thành lập từ năm 1980). Ba văn kiện đã được thông qua: “Mầu nhiệm Hội thánh và Thánh thể dưới ánh sáng của Chúa Ba Ngôi” năm 1982; “Đức tin, bí tích và sự hợp nhất của Hội thánh” năm 1987; “Bí tích Truyền chức trong cơ chế bí tích của Hội thánh” năm 1988; chương trình làm việc dự trù văn kiện kế tiếp là “Quyền bính trong Hội thánh”.

* Với các Giáo hội Đông phương đã ly khai từ công đồng Epheso và Calcedonia. Các giáo hội này đã tuyên xưng thiên tính của Đức Kitô theo đạo lý tông truyền (UUS 62).

* Với các Giáo hội Luterô. Sau những thỏa thuận đã đạt về Lời Chúa (1972), Thánh Thể (1978), sự hợp nhất Giáo hội (1980; 1984) người ta hy vọng sẽ ký kết thỏa thuận về sự công chính hóa vào năm 1997.

* Với Giáo hội Anh quốc: đạo lý về Thánh thể, tác vụ và quyền bính (1968), sự cứu rỗi (1987), sự thông hiệp (1990).

* Với các Giáo hội khác, thì sự đối thoại tiến hành chậm hơn; tuy nhiên cũng đã có những thỏa thuận với Giáo hội Cải cách (1984; 1990), Metodist, Baptist, Pentecostalist…

Trên đây là nói sự đối thoại song phương giữa Công giáo và các Giáo hội khác. Nhưng cũng cần lưu ý rằng giữa các Giáo hội ngoài Công giáo cũng có những đối thoại song phương khác.

b. Những cuộc đối thoại đa phương

Những cuộc đối thoại đa phương thường diễn ra nhờ Uy ban “Đức Tin và Định Chế” (Faith and Order), với những văn kiện về “Bí tích rửa tội, thánh thể, tác vụ” (BEM), và “Bản giải thích đức tin tông truyền”.

Bên cạnh những cuộc đối thoại ở cấp hoàn cầu, cũng nên biết là còn những cuộc đối thoại ở cấp quốc gia. Đặc biệt tại Au châu, Liên hiệp các Hội đồng giám mục của Công giáo (Conferences épiscopales europeennes) có những cuộc gặp gỡ thường xuyên với Hội đồng các Giáo hội Au châu (Conference des Eglises europeennes).

Thông điệp Ut unum sint (số 79) cho biết còn có 5 điểm phải đào sâu thêm, ngõ hầu có thể đạt tới sự nhất trí về đức tin:

1) mối liên hệ giữa Kinh thánh và Thánh truyền.

2) Thánh thể như là bí tích của Mình Máu Chúa Giêsu, hiến lễ ngợi khen dâng lên Chúa Cha, hy lễ tưởng niệm và sự hiện diện của Đức Kitô.

3) Bí tích truyền chức.

4) Huấn quyền của giáo hoàng và các giám mục.

5) Trinh nữ Maria.

Thêm vào đó, các tuyên ngôn, kết quả của những cuộc đối thoại, cần phải được các giáo hội tiếp nhận (receptio) và đem ra áp dụng (UUS số 80-81).

3. Đối thoại về hợp tác

a. Hợp tác trong chứng tá đức tin. Có lẽ hình thức gây chú ý hơn cả là hợp tác trong việc dịch Kinh thánh. Nhưng Đức Gioan Phaolô II muốn lưu ý tới một hình thức hùng hồn hơn nữa, đó là trong những cơn bách hại, các Kitô hữu đã cùng nhau làm chứng cho Đức Kitô đến mức đổ máu đào. Các giáo hội có thể viết chung một cuốn Tử đạo thư (Martyrologium), (xem số 83-84 của thông điệp).

b. Hợp tác trong việc phụng sự nhân loại, tựa như bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi sinh, các công tác y tế từ thiện, các chương trình cứu trợ chống đói hay khi có thiên tại… (Social ecumenism).

II. ĐƯỜNG CÒN XA LẮM KHÔNG? (QUANTA NOBIS EST VIA)

Chừng nào các Kitô hữu mới được hợp thông hoàn toàn ? Sự hợp thông ấy sẽ diễn ra qua hình thức nào?

Trải quả các cuộc đối thoại đại kết, nhiều đồ án khác nhau đã được đề ra.

1. Đồ án cũ nhất về phía Giáo hội Công giáo là tất cả các chiên lạc phải ăn năn trở về tùng phục Đức Thánh Cha. Mô hình này đã bị khai tử từ Công đồng Vaticano II.

2. Một mô hình do các nhà thần họ Luther đề ra là “Sát nhập hữu cơ” (organic union). Trong một hội thánh hợp nhất, mỗi giáo hội hiện tại phải nhường nhịn một phần cá tính của mình, ngõ hầu hợp thành một cộng đồng mới. Đo đó, không phải là các giáo hội khác phải trở về với Giáo hội Công giáo mà cả Giáo hội Công giáo cũng phải nhường nhịn một số yêu sách để tiến tới hợp nhất (unity in reconciled diversity). Nguyên ủy của sự hợp nhất không hẳn là Đức Giáo hoàng.

3. Đối lại với hai mô hình vừa nói (chủ trương một nguyên ủy hợp nhất), mô hình thứ ba cho rằng nguyên uỷ ấy không cần. Sự hợp nhất có thể thành hình theo mô thức “liên hiệp” (confederation), nhằm một mục tiêu hợp tác trong những lãnh vực thực tiễn (unity as solidarity). Nói khác đi, mô hình này muốn bảo vệ tính các đa nguyên của các giáo hội.

4. Mô hình thứ tư xin phó thác sự hợp nhất cho Chúa quan phòng. Thay vì mơ tưởng những dự án viễn vông lâu dài, một số người chủ trương đi từng bước một, qua sự nhìn nhận đạo lý và tác vụ song phương. Thí dụ tại Au châu, các Giáo hội Luther và Calvino đã thỏa thuận với nhau về những điểm chính yếu; vì vậy họ chấp nhận cho các tín hữu đôi bên có thể tham dự vào các lễ nghi phụng tự của nhau và các mục sư có thể đồng tế, hay cử hành trong nhà thờ của đôi bên. Đây là hình thức “Nhìn nhận hỗ tương” (mutual recognition).

5. Các Giáo hội Chính thống đưa ra mô hình gọi là “Thông điệp công đồng” (conciliar fellowship): công đồng sẽ đóng vai thẩm quyền tối cao trong hội thánh, duy trì mối hiệp thông giữa các giáo hội; còn mỗi giáo hội thì sẽ được quyền duy trì sắc thái của mình. Tiếc rằng, chính các Giáo hội Chính thống cũng chưa triệu tập nổi một công đồng liên Chính thống nữa.

6. Về phía Công giáo, một yêu sách của sự hiệp nhất là phải có một nguyên ủy ở nơi giám mục Rôma. Điều này được Đức Gioan Phaolô II tái khẳng định ở thông điệp “Ut unum sint” (số 89). Tuy nhiên, ngài cũng thêm rằng vai trò nguyên ủy ấy cần phải được hình dung theo thể thức đã có vào ngàn năm thứ nhất (số 95), trong sự thông hiệp với cộng đoàn giám mục. Nói thế cũng có nghĩa là một hội thánh hợp nhất không phải là một dự án tưởng tượng sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng nó là một thực tại đã có trong lịch sử. Trong quá khứ, các giáo hội đã có kinh nghiệm chung sống với nhau, đã duy trì mối dây thông hiệp dù có những khác biệt về truyền thống thần học, phụng vụ, kỷ luật.

Tuy dù mô hình hợp nhất thuộc quá khứ hay thuộc tương lại, sự thực đau thương là các Kitô hữu vẫn còn chia rẽ. Bổn phận của mỗi người chúng ta là nỗ lực góp phần vào việc kiến tạo sự hợp nhất, ít là qua việc cầu nguyện và cải hoán.

 

———————-

[1] Lưu ý: dựa theo Pháp ngữ, Conseil Oecumenique des Eglises trong tiếng Việt thường hay dịch là “Hội đồng đại kết các Giáo hội”, nhưng có lẽ không chỉnh lắm; có thể đối chiếu với tiếng Tây Ban Nha: Consejo Mundial de las Iglesias.

Chia sẻ