Đạo Ông Bà Với Người Kitô Hữu Việt Nam
Phan Cường, OP.
Cha con, con hãy hết lòng tôn kính,
và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau.
Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành,
công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng? (Hc 7,27-28).
Đạo, theo người Á Đông, chẳng phải là tôn giáo với những cơ chế, giáo điều, nghi thức. Đạo cũng chẳng phải con đường tìm kiếm Chân Lý cách thông thái minh triết khôn ngoan. Ngay nói về Đạo, người Việt cũng chẳng biết, mà phải đợi đến khi có các bậc thánh hiền Trung Hoa cũng trong vùng văn minh nông nghiệp trồng lúa nước nói lên cho.
Ngàn năm làm ruộng, ngàn năm sống cùng thiên nhiên trời đất, ngàn năm xum vầy khôn lớn bên công cha nghĩa mẹ và tình thân ái xóm làng, người nông dân Việt Nam “thấy” tất cả thực tại gắn bó thiết thân đói no sống chết với mình là Đạo (Đạo ẩn trong đời).Như vậy, đối với người dân Việt, Đạo trở nên một lối sống không còn là luật lệ cứng nhắc phải giữ, như bữa cơm hằng ngày gia đình xum vầy, như những ngày lễ hội vui của làng hay của cả đất nước,…
I. NGUỒN GỐC ĐẠO ÔNG BÀ
1. Tại sao phải thờ Ông Bà Tổ Tiên
Dân tộc Việt Nam là dân tộc có tinh thần trọng nông do ảnh hưởng nông nghiệp trồng lúa nước, do đó có tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, phản ảnh đậm nét nguyên lý âm dương (thờ cúng trời đất, chim thú, tiên rồng,…), khuynh hướng đề cao nữ tính (Bà Trời, Mẹ Đất, Bà Thủy, Bà Hỏa, các nữ thần Mây-Mưa-Sấm-Chớp,…), qua đó thể hiện rõ tính đa thần, tính cộng đồng (Thành Hoàng, tập thể gia tiên, ba vị thổ công,…) và tính dân chủ, con người có trách nhiệm thờ cúng thần linh và ngược lại, các vị thần linh có trách nhiệm phù hộ độ trì cho con cháu sinh sống làm ăn. Thậm chí, còn mang tính bổn phận con thảo đối với ông bà cha mẹ hay thể hiện một niềm tin đối với một đạo nào đó.
Với những phong tục tốt đẹp như vậy, việc cúng lễ là cần thiết và việc trọng kính Tổ Tiên không thể không có được. Đối với người lương (không theo đạo Công Giáo) thì việc trọng kính Tổ Tiên là thờ phụng Tổ Tiên.
2. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và con người
a/. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên
Trong con người có vật chất và tinh thần, vật chất gắn liền với tự nhiên, là giai đoạn chủ yếu trong quá trình phát triển của con người. Người Việt Nam truyền thống sống bằng nghề nông, trồng lúa nước, nên rất phụ thuộc vào tự nhiên; do đó, hình thành tín ngưỡng đa thần. Đó là những Bà Trời, Bà Đất, Bà Nước, thần Mặt Trời, các Bà Mây, Mưa, Sấm, Chớp là những hiện tượng tự nhiên có vai trò to lớn trong cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Ngoài ra, người Việt còn thờ các vị thần không gian (được hình dung theo thuyết Ngũ Hành Nương Nương, Ngũ Phương chi hành, Ngũ Đạo chi thần: coi sóc trung ương, bốn hướng và các ngã đường) và thần thời gian là Thập Nhị Hành Khiển (12 vị thần, mỗi vị coi sóc một năm theo: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi).
Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên còn có việc thờ động vật và thực vật. Trong khi nếp sống trọng sức mạnh của những người du mục dẫn đến tục tôn thờ thú dữ (sói, hổ, chim ưng, đại bàng,…) thì nếp sống tình cảm hiếu hòa của người Việt trồng lúa nước lại có tục thờ những con thú hiền như trâu, cóc, hươu, nai, chim, giao long,…
b/. Tín ngưỡng sùng bái con người
Như đã nói ở trên, đời sống con người gồm hai phần vật chất và tinh thần. Vật chất là những gì ở bên ngoài, cụ thể, ta có thể cân đo đong đếmđể định giá và do đó có thể bắt nó phục vụ cho lợi ích của mình. Ngược lại, phần tinh thần của con người thì trừu tượng, khó nắm bắt, và bất cứ ai nếu một lúc nào đó nghĩ về ý nghĩa cuộc sống đều tin và công nhận có một đời sống Tâm Linh, và đó chính là đầu mối của tín ngưỡng sùng bái con người.
Tín ngưỡng thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên không phải là một tôn giáo, do đó không thể gọi là đạo được. Là một đạo phải có giáo chủ và giáo luật và việc hành đạo phải qua trung gian giáo sĩ. Người theo đạo Thiên Chúa, tuy không tôn thờ Tổ Tiên nhưng không phải là không trọng kính Tổ Tiên. Đặc biệt là những ngày giỗ. Tục ta tin rằng dương sao âm vậy: người sống cần gì, sống làm sao thì người chết cũng như vậy nghĩa là họ có một CUỘC SỐNG ở cõi âm như cuộc sống người trần trên dương thế. Hơn nữa, tục còn tin rằng các vọng hồn của người đã khuất luôn ngự trị trên bàn thờ để gần gũi con cháu, theo sát và giúp đỡ con cháu trong những trường hợp cần thiết; và ngược lại, nhiều người vì sợ vong hồn Tổ Tiên buồn nên đã tránh những hành vi xấu xa nên khi làm việc gì cũng suy tính kỹ lưỡng: không làm những việc trái với lương tâm, tỏ lòng hiếu thảo với Tổ Tiên và hợp tình với những người thân thuộc.
Việc sùng bái con người có nhiều dạng khác nhau: sùng bái Ông Bà Tổ Tiên, sùng bái các vị thần tại gia (như đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, Thần Tài, Tiên Sư, Tiên Chủ, Đức Thánh Quan, Thổ Địa,…).
Ngoài các vị thần sùng bái ở tư gia, còn có các vị thần chung của thôn xã hay toàn quốc được thờ tự nơi công cộng như Thành Hoàng: ngài là một vị thần cai quản toàn thể thôn xã, che chở cho dân trong thôn trong xã chống lại mọi ác thần, giúp đỡ cho thôn xã được thịnh vượng. Ví như các vị anh hùng dân tộc như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lý Ông Trọng, Hai Bà Trưng, Bà Lê Chân,… Khi sinh thời các vị này đã từng cứu sự nan nguy của quốc gia, giết giặc lập công, lúc chết được nhà vua và nhân dân nhớ ơn lập đền thờ tôn kính.
Trong các vị thần được dân chúng Việt Nam tôn thờ, còn có 4 vị thần được coi là “Tứ Bất Tử”, tục truyền các vị này đã không chết và biến về trời. Tứ bất tử là: Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh Công Chúa, Tản Viên Sơn Thần và Phù Đổng Thiên Vương.
3. Nghi lễ tế tự ở gia tộc
Dân tộc Việt Nam là dân tộc có nhiều tín ngưỡng do tự tâm hay do được truyền đạo từ Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu. Mỗi đạo đều có những giáo luật và giáo sĩ cũng như những nơi cử hành nghi lễ. Trong phạm vi này, chúng tôi xin nói phần tế tự ở gia tộc.
Nhà nào sùng kính gia tộc cũng có bàn thờ Tổ Tiên ở giữa nhà. Nhà người tộc trưởng thường để gian giữa làm nhà thờ họ (từ đường). Trên bàn thờ, ngoài các đồ thờ như: đỉnh trầm, cây sáp (đồ tam sự hay ngũ sư), mâm bồng, giá chén; thì ở giữa có bài vị của Tổ Tiên. Những bài vị ấy của Tổ Tiên tứ đại, từ đời cụ trở xuống, vì bài vị Tổ Tiên ngũ đại (đời cố) thì phải chôn đi.
Người chủ trì việc tế tự Tổ Tiên là gia trưởng, con trai trưởng, ở trong gia đình nhỏ, và tộc trưởng, trưởng nam, ở trong gia tộc. Những ngày phải tế tự là những ngày giỗ và tết. Mỗi năm cứ đúng ngày thọ chung của mỗi vị Tổ Tiên, tức là ngày kỵ hay ngày húy, thì gia trưởng phải liệu hương vàng trầu rượu cỗ bàn để cúng giỗ. Đầu thì khấn toàn thể Tổ Tiên, sau khấn riêng vong linh vị ấy về hưởng lễ.
Ngoài ngày giỗ mỗi vị tiên nhân, còn các ngày: tết Hàn Thực (3/3 Âm Lịch), tết Thanh Minh (tháng 3 Âm Lịch), tết Trùng Cửu (9/9 Âm Lịch), tết Cơm Mới (tháng 9 Âm Lịch), tết Thượng Nguyên (rằm tháng Giêng), tết Trung Nguyên (rằm tháng 7), tết Hạ Nguyên (rằm tháng 10), và nhất là tết Nguyên Đán (từ 30 tháng Chạp đến mồng ba tháng Giêng thì có lễ tế chung cả Tổ Tiên, lễ rước và đưa ông bà). Ngoài các ngày giỗ tết ra, mỗi khi trong nhà có việc vui mừng, như lễ cưới, lễ thọ, ăn mừng thi đậu, khao vọng hay có việc buồn như lễ tang, lễ chay cũng đặt lễ để cáo Tổ Tiên.
Những ngày tết lớn, người gia trưởng làm lễ ở nhà, rồi còn phảiđến nhà thờ họ để làm lễ nữa.
Vì việc tế tự Tổ Tiên là một nghĩa vụ nghiêm mật, con cháu không khi nào được bỏ, cho nên các nhà khá giả, người ta thường trích trong di sản một phần tư tài sản gọi là “phần hương hỏa” giao cho người tộc trưởng hoặc người chi trưởng để lo tế tự Tổ Tiên ở nhà thờ họ và nhà thờ chi.
Thường có một quyển sổ để ghi chép thế thứ và tên họ cùng ngày tháng sinh tử của Tổ Tiên gọi là gia phả. Những nhà phú quí thì gia phả thường chép cả công nghiệp sự trạng của Tổ Tiên như một bản sứ của gia tộc.
II. ĐẠO ÔNG BÀ VÀ KITÔ GIÁO
1. Trước Công Đồng Vatican II
Trong quá trình đi rao giảng Tin Mừng, một số thừa sai đã thấy tầm quan trọng của việc hội nhập văn hóa, cần có biện pháp cải tổ trên cơ sở nghiên cứu các tôn giáo lâu đời, học thuyết và tập tục của người bản địa. Người khởi xướng là Cha Mateo Ricci, Dòng Tên: ngài lấy tên là Ký Mã Thi và phục sức theo lối Trung Quốc. Các vị này thấy sự gần gũi giữa Nho giáo với Tin Mừng của Chúa Giêsu. Các vị cho rằng: có thể chấp nhận một số tập tục truyền thống của Trung Quốc: thờ cúng Tổ Tiên với vài cải tổ mà vẫn phù hợp với luật Chúa và Giáo Hội.
Đức Giáo Hoàng Alexandre VII kế vị Đức Giáo Hoàng Innocente X, sau khi nghe tòa điều tra phúc trình, ngày 23-03-1656, ngài đã ký sắc lệnh ủng hộ (ngược lại với sắc lệnh của vị tiền nhiệm) sáng kiến của các vị thừa sai này. Năm 1669, Đức Giáo Hoàng Clemente cho phép tùy nghi sử dụng cho thích hợp. Tuy nhiên, ngày 19-03-1715, Đức Giáo Hoàng Clemente XI ra Tông chiếu “Ex illa die” buộc mọi người phải thông hảo với Tòa Thánh, ra vạ tuyệt thông cho ai giữ lễ nghi đã bị bác bỏ, đồng thời buộc các thừa sai Đông phương phải tuyên thệ trung thành với Tòa Thánh. Vua Khang Hy (Trung Quốc) coi việc bác bỏ lễ nghi này như một hành động nhục mạ quốc thể Trung Hoa, ông ra lệnh triệt hạ các Thánh đường, trục xuất các thừa sai và cấm dân Trung Hoa theo đạo. Những vị Giáo Hoàng tiếp theo do áp lực của Giáo Hội Tây Âu và một số dòng truyền giáo ở vùng Châu Á (như Đaminh) đã kịch liệt phản đối và tuyên bố phạt vạ tuyệt thông đối với ai vi phạm.
Tại Việt Nam, Cha Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) cũng theo các thừa sai Dòng Tên bên Trung Quốc cho phép giáo dân Việt Nam được thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên. Tuy nhiên, các vị đã bị cấm cản từ phía Giáo Hội, Cha Bá Đa Lộc bị dọa phạt và tuyệt thông.
Ngày 13-5-1658, Bộ Truyền Giáo Roma chỉ thị thật rõ khi cử hai Giám mục đầu tiên sang Trung Hoa và miền Đông Á: “Có gì vô giá vô nghĩa cho bằng đem vào Trung Hoa và Châu Á: nước Pháp, Tây Ban Nha, Italia hoặc một nước nào khác ở Âu Châu, bổn phận chúng ta là đem Tin Mừng cho họ. Đức tin không loại bỏ, không hủy hoại mà còn bảo vệ lễ nghi và tập tục của các dân tộc, miễn là những lễ nghi và tập tục đó không có gì xấu”.[1]
Trở lại lịch sử Giáo Hội những thời kỳ đầu, ta thấy Giáo Hội được đón nhận rộng rãi ở Châu Âu, có một phần đóng góp không nhỏ là Giáo Hội đã chấp nhận cái hay, cái tinh túy của văn hóa đó, thánh hóa nó và mặc cho nó một ý nghĩa mới phù hợp với Tin Mừng. Ví dụ: Lễ Giáng Sinh vốn là lễ thờ thần mặt trời của người Roma, Deus từ tiếng Zeus trong thần thoại của La-Hy. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nhập gia tùy tục, đáo giang tùy khúc”.
Các vị chức trách trong Giáo Hội thời đó không thấy được rằng các quốc gia Đông phương đã có một nền văn hóa đã định hình và phát triển lâu đời, không giống với các miền mà nền văn hóa đang còn buổi ban sơ. Các ngài muốn truyền đạo đã thấm nhuần nền văn hóa phương Tây, thiếu tôn trọng nếu không muốn nói là coi thường nền văn hóa phương Đông.
Chúng ta: “Không nên oán trách họ (các thừa sai) nhưng phải nhận rằng họ đã để lại cho Giáo Hội Á Châu một di sản nặng nề”.[2]
Vốn sẵn có ác cảm với đạo Công Giáo, lại thêm sự khắt khe, cấm đoán trong việc thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên, các nhà Nho lên án đạo này và cho đó là một thứ đạo ngoại lai; những người theo đạo là những người bất hiếu với Ông Bà Tổ Tiên. Cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu, một nhà nho yêu nước đã viết mạnh mẽ rằng:
“Thà đui mà giữ đạo nhà,
còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”.
Các vị thừa sai trong thời ấy coi việc thờ cúng Ông Bà Tổ Tiên là một việc làm xấu xa, thậm chí còn xem đó là việc làm của ma quỉ, các vịkhông thể hiểu được người Châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng. Thánh Phanxicô Xaviê khi được những người Nhật Bản mới theo đạo hỏi về số phận Ông Bà Tổ Tiên của họ đã qua đời nhưng chưa kịp chịu phép Rửa, ngài trả lời họ không nghĩ ngợi: “Họ sa hỏa ngục tất cả”. Chúng ta không thể trách những vị ấy được vì khi đó các ngài hiểu về các tôn giáo khác như thế: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”.
Ngày 26-03-1936, Thánh Bộ Truyền Giáo ban Huấn thị Pluries instantergue cất đi gánh nặng từ lâu đè lên lương tâm người Kitô hữu Nhật Bản: những lễ nghi hoàn toàn chỉ biểu lộ tinh thần quốc gia trong Thần đạo (Shintoisme). Trong Huấn thị Flane compertum est ngày 08-12-1939 về nghi lễ Trung Hoa đối với Khổng Tử và Tổ Tiên; và ngày 09-04-1940 về nghi lễ Malabar bên Ấn Độ: thay bái gối bằng chắp tay cúi đầu, dùng đèn dầu thay đèn cầy, ngồi bàn tọa trên nền cung Thánh trong giờ cử hành lễ nghi phụng vụ.
2. Đạo Ông Bà Tổ Tiên ở Việt Nam sau Công Đồng Vatican II
Công Đồng Vatican II (1962-1965) bắt đầu thời kỳ “mở cửa” của Giáo Hội Công Giáo. Các nghị phụ của Công Đồng đã xem xét, bàn bạc đến mọi lĩnh vực của Giáo Hội. Công Đồng như một cột mốc chuẩn bị cho thời đại đổi thay mà chúng ta ngày nay đang sống. Vấn đề VĂN HÓA được đặt ra mở đường cho phong trào hội nhập văn hóa và Tin Mừng hóa trong nửa sau thế kỷ XX và bước vào thiên niên kỷ thứ ba.
a/. Thiên Chúa chỉ cho nhân loại con đường cứu rỗi
Đức Giêsu một nhân vật lịch sử. Kitô giáo được thiết lập trên đất Palestin, trong môi trường văn hóa Semite và trên phương diện nào đó tiếp nối một phần tín ngưỡng Do Thái. Đức Giêsu, Đấng sáng lập, đã sai các môn đệ của ngài đi khắp thế gian rao truyền Tin Mừng cho tới tận cùng thế giới. Kitô giáo nguyên thuỷ được truyền lan và mau chóng hòa nhập vào trong những môi trường xã hội mới. Qua thời gian, Giáo Hội của Đức Giêsu ngày càng vững mạnh và trở nên cứng nhắc dẫn đến những chia rẽ.
Suốt từ thời Trung Cổ và kéo dài cho đến tận những năm 60 của thế kỷ XX, những nhà truyền giáo thuộc Giáo Hội Công Giáo vẫn tự coi mình như những người đem “ánh sáng”, “ánh sáng Chúa Kitô”, đến cho những dân tộc bản xứ vốn còn trong “bóng tối”. Nền văn hóa, niềm tin, và cách thực hành tôn giáo của những dân tộc này là sai lầm. Chính các thừa sai tự coi mình như những người đem lời và sự hiện diện của Thiên Chúa cho những dân tộc không có đức tin này.
Thực sự thì các thừa sai “chẳng đem Chúa” đến cho ai cả, vì Thiên Chúa luôn hiện diện trước mặt những con người đó nhưng họ chưa nhận ra. Có chăng các ngài đến làm chứng cho tính cách phổ quát của tình yêu Thiên Chúa, đến để sống đạo yêu thương của Đức Giêsu trong hoàn cảnh cụ thể. Giả sử mọi nền văn hóa khác đều là “ngoại lai”, “ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”, thì xem ra Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa ích kỷ. Ngài chỉ ở giữa các Kitô hữu và hướng dẫn họ mà thôi, còn những người khác thì mặc. Đó hiển nhiên là một Thiên Chúa hà khắc và thiên tư của Cựu ước, chứ không phải là Đấng yêu thương toàn thể nhân loại. “Thánh Công Đồng tuyên bố rằng chính Thiên Chúa đã chỉ cho nhân loại biết con đường, để nhờ đó, trong khi phụng thờ ngài, con người có thể được cứu rỗi và hạnh phúc trong Chúa Kitô”.[3]
* Công Đồng Vatican II đã vẽ lại hình ảnh về một Thiên Chúa yêu thương khi công nhận giá trị tốt đẹp của các tôn giáo khác:
“Các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự.
Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý, chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên, Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Đấng là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6) nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình.
Vì thế, Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiên ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo”.[4]
* Tại Việt Nam, Hội Đồng Giám Mục cũng có một văn bản trình bày quan điểm của Giáo Hội đối với việc thờ kính Ông Bà Tổ Tiên: [5]
“Chúng tôi, các Giám mục chủ tọa khóa hội thảo VII về Truyền Bá Phúc Âm toàn quốc, tại Nha Trang từ ngày 12 đến 14-11-1974, đồng chấp thuận cho phổ biến và thi hành trong toàn quốc, những quyết nghị của Ủy Ban Giám mục về Truyền Bá Phúc Âm ngày 19-04-1972, chiếu theo Thư Chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 14-06-1965, về các nghi lễ tôn kính Ông Bà Tổ Tiên như sau: “Để đồng bào lương dân dễ dàng chấp nhận Tin Mừng, hội nghị nhận định: “Những cử chỉ, thái độ, lễ nghi sau đây có tính cách thế tục, lịch sử, xã giao, để tỏ lòng hiếu thảo, tôn kính và tưởng niệm các Tổ Tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ, nên được thi hành và tham dự cách chủ động”.
– 1. Bàn thờ Gia Tiên để kính nhớ Ông Bà Tổ Tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện điều gì mê tín dị đoan, như Hồn bạch,…
– 2. Việc đốt nhang hương, đèn nến, trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
– 3. Ngày giỗ cũng là ngày “Kỵ nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín. Như đốt vàng mã… và giảm thiểu, cải cách những lễ vật để biểu dương đúng ý nghĩa thành kính, biết ơn Ông Bà Tổ Tiên, như dâng hoa trái, hương đèn.
– 4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “Lễ Tổ, Lễ Gia Tiên” trước bàn thờ, giường thờ Tổ Tiên, vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.
– 5. Trong hôn lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng cung kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố…
– 6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng, quen gọi là “Phúc Thần” tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc, hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.
Trong trường hợp thi hành các việc trên đây nếu sợ có sự hiểu lầm, nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu, khích lệ, thông cảm,… Đối với giáo dân, cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính Tổ Tiên và các vị anh hùng liệt sĩ, theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền “phải thảo kính cha mẹ” là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa.
b/. Thực tiễn sinh động
Công Đồng Vatican II kết thúc đã hơn nửa thế kỷ,[6] Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã họp xong gần 20 năm,[7] có nhiều đổi thay nhiều cách nhìn mới trong Giáo Hội về vấn đề văn hóa. Nhưng đối với đa số người Việt nói chung và người Việt Công Giáo nói riêng, những đổi mới đó vẫn còn xa lạ vì thế vẫn còn tồn tại những hiểu lầm đáng tiếc (người tân tòng là con trai trưởng, hôn nhân không cùng tôn giáo,…). Nhưng xét cho cùng, đó chỉ là cớ che đậy những mâu thuẫn, những bất đồng khác.
Quan niệm theo Thiên Chúa là bỏ bàn thờ Ông Bà Tổ Tiên không còn đúng nữa. Trong nhà, bàn thờ tổ dù có hay không, được trưng bày cách này hay cách khác, nhưng tấm lòng của con cháu vẫn tưởng nhớ về những bậc sinh thành đã khuất. Lòng tưởng nhớ đó được thể hiện qua việc cầu nguyện, trong thánh lễ hay kinh nguyện chung của con cháu, cho linh hồn người đã khuất trong ngày giỗ kỵ. Với nhiều người không Công Giáo Việt Nam, rằm tháng 7: ngày xá tội vong nhân, người Công Giáo có tháng 11 cầu cho các đẳng linh hồn. Thanh minh trong tiết tháng 3, cũng như những người Việt Nam khác, các tín hữu Công Giáo cũng lợi dụng tiết xuân trở về thăm lại nơi yên nghỉ của những người thân thuộc ông bà cha mẹ, sửa sang lại phần mộ của họ. Tại nhiều nơi, ngày 02-11 và ngày Mồng Hai tết hằng năm, thánh lễ được tổ chức ngay tại nghĩa trang. Trong bầu không khí tĩnh lặng của buổi chiều tàn, từng làn khói hương trầm nghi ngút, cả gia đình cùng quây quần bên phần mộ của người thân cùng hiệp dâng thánh lễ cầu cho Ông Bà Tổ Tiên. Thật cảm động bầu khí linh thiêng của mầu nhiệm Hội Thánh cùng hiệp thông.
Trong tâm thức người Việt, sự tôn kính các đấng sinh thành (dù còn sống hay đã qua đời) đã ăn sâu trong lòng như hình ảnh cây đa cổng làng, như lũy tre xanh,… Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, lòng tôn kính này đã giảm sút ít nhiều. Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa hiện đại hóa. Ngôi làng với lũy tre xanh đang dần được thay thế bằng những tòa nhà bê tông sừng sững mang đường nét mạnh mẽ nhưng cô đơn như những con người sống trong đó. Mái nhà che chở cho gia đình 3 thế hệ đang lung lay.
Tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Á Châu năm 1998, một nghị phụ đã nêu lên một vấn đề về mục vụ liên quan đến công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Lục Địa Á Châu: “Đó là vấn đề liên quan đến việc tôn kính Ông Bà Tổ Tiên tại Việt Nam. Dù là một thiểu số, nhưng sự hiện diện của người Công Giáo Việt Nam rất quan trọng trong việc thăng tiến con người. Nhưng chính vì tính cách thiểu số này, mà người ta cần phải có can đảm đề nghị và củng cố tại Á Châu một “Giáo Hội như một gia đình” dấn thân rao giảng Tin Mừng, mà đặc điểm là tình yêu thương, chớ không phải là một tính toán hoặc trục lợi. Và tiêu chuẩn duy nhất để đo lường việc rao giảng là chính tình yêu đối với Chúa Kitô và tính cách nhưng không của các ơn Chúa ban”.[8]
Như vậy, đạo Ông Bà Tổ Tiên không phải chỉ là kính nhớ người đã khuất, nhưng còn là sự chia sẻ hiệp thông với tha nhân, những người sống xung quanh ta, nhất là ông bà chú bác trong dòng họ. Đó chính là sống Tin Mừng, sống tình yêu Thiên Chúa nơi trần gian này với Đức Giêsu đã dạy: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).
KẾT LUẬN
Là người Việt Nam, chắc hẳn không ai lại không thuộc nằm lòng câu ca dao:
“Công cha như núi Thái Sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha,
cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Thờ cha kính mẹ không chỉ là tôn kính đối với những người sinh thành dưỡng dục chúng ta nên người, mà còn là những người đã xây dựng nên và gìn giữ cho giang sơn gấm vóc này được thanh bình. Như vậy, việc thờ kính Ông Bà Tổ Tiên là truyền thống hết sức quý báu của dân tộc Việt Nam. Trong đà tiến công nghiệp và đô thị hóa, người Việt Nam cần phải bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp này, hầu trụ đỡ cho rường cột gia đình ngày càng phải chịu nhiều áp lực của xã hội tiêu thụ hướng chiều về vật chất. Người Công Giáo lại càng phải ra công học hỏi để hội nhập nét văn hóa rất Việt Nam này vào trong Kitô giáo, để tiến tới xây dựng Giáo Hội Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Các sách:
– Thánh Công Đồng Vatican II, Phân khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt chuyển ngữ.
– Lm. Bùi Đức Sinh, OP., Lịch sử Giáo Hội Công Giáo, in lần thứ hai, Chân lý, Sài Gòn, 1994.
– Lm. Bùi Đức Sinh, OP., Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam.
– Lm. Bùi Đức Sinh, OP., Dòng Đaminh trên đất Việt, in lần hai, Sài Gòn, 1993.
– Lm. Thiện Cẩm, OP., Tạ ơn người đã chết.
– Lm. Thiện Cẩm, OP., Cỏ dại ven đường: Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế, tập I, in lần thứ ba, 1997.
– Nguyễn Chính Kết, Thích ứng và hội nhập văn hóa trong truyền giáo, Tp. HCM, 1998.
– Lý Chánh Trung, Tôn giáo và dân tộc, in lần thứ nhất, Sài Gòn, Lửa thiêng 1973.
– Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Xuất bản Bốn Phương, Viện Giáo khoa – Hiên Tân Biên (tái bản).
– Toan Ánh, Tín Ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, Tp. HCM, 1992.
– Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Tp. HCM, 1996.
– Kỷ yếu hội nghị khoa học tại Tp. HCM ngày 11-12/3/1988. Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Viện KHXH & Ban Tôn Giáo (Lưu hành nội bộ), Tp. HCM, 1988.
Tạp chí
– Thái Sơn, “Ngẫm nghĩ về cuộc nhập thể văn hóa của Giáo Hội Việt Nam”, Thời sự Thần học, số 10-1997.
– GROOME, Thomas, K’Bao dịch, “Hội nhập văn hóa xúc tiến thế nào trong khung cảnh mục vụ”, Thời sự Thần học, số 12-1998.
– Hoành Sơn, “Hội nhập văn hóa và tầng nền tâm hệ Việt Nam”, Hợp tuyển Thần học (tập phổ biến thần học, phát hành không định kỳ), số 16 năm VI (1996).
– Đặng Chí San OP., “Đạo ẩn trong đời”, Nguyệt san Công Giáo và Dân tộc, số 43, tháng 7-1998.
[1] Trương Bá Cần, Tạp chí Đối Diện số 1, tháng 07–1969.
[2] Hội Nghị Các Giám Mục Á Châu nhóm họp tháng 12-1970, tại Manila, Philippines, nhân chuyến công du của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI tại đây.
[3] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (Nhân phẩm), về tự do tôn giáo, công bố ngày 07-12-1965.
[4] Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate (Trong thời đại chúng ta), về Liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo, công bố ngày 28-10-1965.
[5] Thông Báo Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngày 14-06-1965.
[6] Công Đồng Vatican II được Đức Thánh Cha Gioan XXIII công bố ý định triệu tập vào ngày 25-01-1959, tức sau 03 tháng lên ngôi Giáo Hoàng ngày 28-10-1958. Ngày 11-10-1962, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã chính thức khai mạc Công Đồng Vatican II tại Đền Thờ Thánh Phêrô, Roma. Trong bốn khóa họp của Công Đồng từ năm 1962 đến năm 1965, có 147 biên bản và 2,212 diễn văn cũng như 4,361 bài can thiệp bằng bản viết. Vào năm 1962 có 2,908 nghị phụ hợp lệ. Số Giám mục tham dự trung bình hằng ngày là 2,200 vị. Có 460 chuyên viên được chính thức bổ nhiệm, gồm 235 linh mục triều, 45 linh mục Dòng Tên, 42 linh mục Dòng Đaminh và 15 linh mục Dòng Phanxicô. Công Đồng có 168 cuộc họp công khai với 10 cuộc họp khoáng đại. Ngày 08-12-1965, trên Quảng trường Thánh Phêrô, trước sự tham dự của 300 ngàn người và những phương tiện truyền thông của toàn thế giới, Đức Giáo Hoàng Phaolô VII đã cử hành thánh lễ kết thúc Công Đồng Vatican II và đọc sắc lệnh bế mạc.
[7] Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về Á Châu chính thức nhóm họp từ ngày 19-04 đến ngày 14-05-1998 tại Roma liền sau các Thượng Hội Đồng Giám Mục tương tự trước đó về Phi Châu (diễn ra từ ngày 10-04 đến 08-05-1994), Âu Châu (diễn ra từ ngày 28-11 đến 14-12-1991) và Mỹ Châu (diễn ra từ ngày 16-11 đến 12-12-1997). Các Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt này là nhằm để bổ sung cho các Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới thường lệ, được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thiết lập sau Công Đồng Vatican II vào năm 1967 (Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần đầu tiên diễn ra từ ngày 29-09 đến 29-10-1967 với chủ đề: “Sự bảo tồn và tăng trưởng đức tin Công giáo, sự toàn vẹn, sức mạnh và phát triển, sự liên kết có tính lịch sử và đạo lý của đức tin này”. Số người tham dự: 197. Kết quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ I này là thiết lập Ủy Ban Thần Học Quốc Tế để giúp đỡ Bộ Giáo Lý Đức Tin vốn đã hoạt động từ năm 1963). Các Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho các Châu Lục cũng nhằm mục đích chuẩn bị cho Năm Thánh 2000. Cho tới lúc đó, cùng với các Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt về Châu Đại Dương (diễn ra từ ngày 12-11 đến 12-12-1998) và về Châu Âu (diễn ra từ ngày 01-10 đến 23-10-1999) sắp tới, tất cả các Châu Lục trên thế giới đều có các đại hội đặc biệt. Các Thượng Hội Đồng đặc biệt này là cơ hội để xem xét sâu xa các hoàn cảnh, nhu cầu và tiềm năng của Hội Thánh tại các Châu Lục ấy. Những người tham dự có dịp để hiểu biết nhau hơn và củng cố sự hợp tác trong các mối quan tâm chung. Đối với Đức Thánh Cha và Giáo Triều Roma, các Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt này tạo cơ hội để các ngài hiểu biết hơn về các nhu cầu và kỳ vọng của dân chúng tại các quốc gia thuộc các Châu Lục này.
[8] Thượng Hội Đồng Giám Mục về Á Châu, Phiên họp khoáng đại thứ 9, thứ sáu 24-04-1998: Msgr. Peter Nguyễn Văn Tài, Radio Veritas Asia, Philippines.