Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Học Yêu, Để Yêu Như Chúa Yêu

Administrator
2018-09-24 09:19 UTC+7 24
Vĩnh An (Gioan Sơn)   Lời mở   Có thể nhiều người sẽ không đồng ý với nhan đề HỌC YÊU này. Yêu có gì phải học. Thông thường khi một trẻ nhỏ 4-5 tuổi từ bỏ thái độ vị ngã của nó, nó bắt đầu thừa nhận người khác và biết thương yêu cha […]


Vĩnh An (Gioan Sơn)
 
ty-1726495756.jpg
Lời mở
 
Có thể nhiều người sẽ không đồng ý với nhan đề HỌC YÊU này. Yêu có gì phải học. Thông thường khi một trẻ nhỏ 4-5 tuổi từ bỏ thái độ vị ngã của nó, nó bắt đầu thừa nhận người khác và biết thương yêu cha mẹ, rồi anh chị em rồi bạn cùng lớp. Sự phát triển này bình thường có gì đâu phải học. Rổi đến tuổi dậy thì, với sự phát triển của các bộ phận sinh lý và các hóoc-môn, sự lôi kéo giữa nam và nữ đến gần nhau cũng là một chuyện bình thường khác. Có gì đâu phải học.
 
Thế nhưng nhiều khi đó chỉ là cảm xúc nên tốt hơn chúng ta nên tìm hiểu định nghĩa về tình yêu trong sách vở và nhất là trong kinh nghiệm sống của mỗi người.

Định nghĩa

Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học định nghĩa: tình yêu là một tình cảm nồng nhiệt, làm cho người ta gắn bó mật thiết và có trách nhiệm với người, với vật mình yêu. Nghĩa thứ hai: tình yêu là tình cảm yêu đương nam nữ. Khi nói đến tình yêu người ta thường nghĩ ngay đến nghĩa thứ hai chứ không để ‎ý đến nghĩa quan trọng thứ nhất.

Như vậy chúng ta thấy ngoại trương tình yêu lớn hơn tình cảm giữa đôi nam nữ vì nó bao gồm cả nhiều tình cảm khác như tình mẫu tử, phụ tử, huynh đệ, bằng hữu và nó gắn với trách nhiệm của những người đang yêu. Nghĩa là có sự tham gia của lý trí trong tình yêu.

Nhưng trước hết tình yêu là một cảm xúc mạnh thường đến bất ngờ trong cái mà người ta gọi là tiếng sét.

1. Cảm xúc tình yêu

Tình yêu này thường gặp nơi những người trẻ tuổi và có thể diễn tả bằng cụm từ “tôi cảm thấy yêu em/anh”. Diễn ngữ này cho biết sau lần gặp gỡ tình yêu được cảm nhận qua cảm xúc. Lúc đầu cảm xúc ấy có thể rất mơ hồ như câu thơ rất lãng đãng sau đây:

Hôm nay trời nhẹ lên cao
Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn.
Vâng, cái “vì sao” này chỉ có “nàng/chàng” mới giải mã được.

Đôi khi cảm xúc đó xảy ra trong một khung cảnh hữu tình, khung cảnh này như cộng hưởng với cảm xúc bên trong của hai (hoặc chỉ một người) trong cuộc,  

Ai hãy làm thinh, chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo,
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để nghe trời giải nghĩa yêu!
(Hàn Mặc Tử)

[‘Ai’ ở đây chắc hẳn là người đối tác trong tình yêu, giữa cảnh thiên nhiên thơ mộng; Chữ trời có thể viết thường vì như diễn ngữ ta thường gặp: Có trời mới biết được nó muốn gì!]

Dĩ nhiên với cảm xúc, người ta sẽ không thể giải nghĩa tình yêu là gì, vì cảm xúc không có chức năng giải thích.

Làm sao giải nghĩa được tình yêu,
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.

Nhưng như chúng ta đều biết, cảm xúc tình yêu thường mãnh liệt vì nó vận dụng cả trí nhớ và trí tưởng tượng. Hai chức năng tâm lý này khiến người ta xây dựng trong tâm hồn cả một ‘khung trời’ tình ái và nhiều ‘lâu đài’ mơ ước. Thi ca và âm nhạc không ngừng khai thác khía cạnh này để tạo ra những vần thơ những bản nhạc trữ tình bất hủ. Thế nhưng nếu dừng lại ở bình diện cảm xúc thì tình yêu sẽ chỉ là mộng tưởng. Trong tình yêu mộng tưởng, người ta chỉ yêu-tình-yêu (với những cảm xúc đi kèm) mà không thật sự yêu người yêu cụ thể của mình:

Nhà thơ Hồ Dzếnh trong bài thơ Ngập Ngừng (x. Tập thơ Quê Ngoại, 1943) đã diễn tả tâm trạng đó như sau:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Tôi sẽ trách – cố nhiên – nhưng rất nhẹ
Nếu trót đi em hãy gắng quay về.
Tình mất vui khi đã vẹn câu thề
Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
Thư viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ
Cho nghìn sau…lơ lửng…với nghìn xưa.
 
Dừng lại ở bình diện cảm xúc cũng có thể dẫn đến cuộc phiêu lưu tìm kiếm một cảm xúc mạnh hơn trong chốc lát là sự thỏa mãn tình dục. Và như chúng ta đã biết tình dục tự nó không xấu nhưng nếu không được nâng đỡ bằng những giá trị khác thì cả trong tình dục chính đáng của đời sống hôn nhân cũng sẽ dẫn đến sự nhàm chán, buồn tẻ. Các nhà văn hiện sinh đã diễn tả nỗi nhàm chán đến độ hãi hùng: Đi bên nhau mà không bớt cô đơn v.v…   

Có một nhân vật trong truyện tình nổi tiếng “Đoạn Trường Tân Thanh” là cô Thúy Kiều. Người ta nói cô đa tình nhưng đúng hơn cô có cảm xúc rất nhanh nhạy trước những đối tượng được yêu và cảm xúc nào cũng mãnh liệt. Cách hành động theo cảm xúc này đã làm cô thường có những quyết định vội vàng thiếu sự phán đoán phân định của lý trí ví dụ như trong việc cô bán mình chuộc cha, hoặc khi nghe theo lời của Sở Khanh dẫn dụ, hoặc khi nghe theo lời chiêu hàng Từ Hải của Hồ Tôn Hiến. Thế nên các nhà nho đã có lý khi cảnh báo giới trẻ:

Đàn ông chớ kể Phan Trần
Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều. 

Chúng ta đều biết các nhà nho ngày xưa đều liệt truyện Phan TrầnThúy Vân Thúy Kiều vào loại sách dâm thư.

Vả lại từ lúc ban đầu xã hội đã dùng lý trí và trách nhiệm để định hướng và thể chế hóa tình yêu bằng hôn nhân.

Khi dùng lý trí để hướng tình yêu đi vào thể chế hôn nhân, xã hội đồng thời tạo nên các giá trị nền tảng của gia đình như sự trinh tiết, sự thủy chung, sự liên đới các thành viên trong gia đình đặc biệt hai người phối ngẫu để góp phần xây dựng truyền thống tốt của xã hội nói chung và của gia tộc nói riêng.
 
2. Thể chế hôn nhân và những vấn đề phát sinh
 
Ý định đó của xã hội hoàn toàn đúng đắn, nhưng vấn đề chỉ phát sinh khi xã hội hay văn hóa dựa vào một số tiêu chuẩn không đúng hoặc chỉ đúng ở một vài phương diện để định hướng cho tình yêu vốn là một giá trị xem ra rất phổ quát và rất gần với tự do. Vì thế thể chế hôn nhân đã làm phát sinh những vấn đề mà ai cũng biết như sau:

(a) Khi dựa vào tiêu chuẩn giai cấp để quyết định hôn nhân, người ta đã tạo ra những cuộc hôn nhân sắp đặt trước theo tiêu chuẩn “môn đương, hội đối”. Con nhà quan cưới con nhà quan; con nhà giàu cưới con nhà giàu. Các cuộc hôn nhân sắp đặt trước ấy lấy tiêu chuẩn kinh tế hay địa vị ngang nhau để quyết định. Gần đây với chủ nghĩa Mác chủ trương đấu tranh giai cấp, những người thuộc giai cấp thù địch không thể là đối tượng chọn lựa trong hôn nhân của các chiến sĩ cách mạng vô sản. Có những hôn nhân được sắp đặt theo mưu đồ chính trị. Ví dụ như nhà Đường bên Trung Hoa đã cống nàng Chiêu Quân cho vua nước Hồ để mưu cầu sự hòa bình làm cho mối tình của nàng Chiêu Quân với nhà vua bị dang dở; nhà Trần nước ta đã gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm là Chế Bồng Nga để được hai châu Ô và Lý[1]. Nhà Hậu Lê đã gả công chúa Ngọc Trân cho Nguyễn Huệ để giữ lại ngai vàng. Trong những hôn nhân như thế này, cá nhân chỉ là phương tiện phục vụ cho “lý trí” hay “chân lý” của tập thể.

Khi nhìn đối tượng của tình yêu và của hôn nhân không theo một quan điểm nhân bản và toàn diện nhưng chỉ đặt nặng một chiều kích nào đó theo kiểu trai tài, gái sắc, vô tình xã hội đã giam hãm tình yêu trong một cái khung vị kỷ cá nhân (hay quyền lợi của tập thể nào đó), xã hội đã vô tình giết chết bao mối tình trong sáng và tốt đẹp. Từ đó làm nảy sinh bao tâm trạng thất vọng và bị ức chế thậm chí có những tình yêu không dám nói ra vì sợ bị trách là không biết thân phận, còn muốn trèo cao hoặc “đỉa đeo chân hạc”. Những mối tình đầu ngây thơ thường bị tan vỡ bởi những cuộc hôn nhân vụ lợi sau đó.
 
Anh đi đường anh, tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi
Đã chẳng cùng nhau sum họp mãi
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi.
(Thế Lữ)
 
(b) Từ thất vọng, người ta đi đến chỗ không còn tin tưởng vào tình yêu nữa, cả khi trong lòng mình vẫn còn ôm mãi một mối tình đã qua, một hình ảnh người tình một thủa không thể nào quên được:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi
Những mùa thu chết, mùa thu chết
Vẫn giữ trong tim bóng một người.
(TTKH)

 “Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi” và chính tôi cũng lạnh lùng không kém! Vâng có những mùa hè nóng bỏng của tình yêu chớm nở và cũng có những mùa thu chết của tình yêu ly tan ngoài ý muốn.

Tình yêu chết làm người ta  bị dày vò đau khổ và chết chóc như thi sĩ Xuân Diệu (1916-1985) tả cho chúng ta qua bài thơ Yêu của ông:

Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà đã được yêu
Cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết.
 
Ở đây tôi không nói đến những thất vọng điên cuồng gây ra những sự bạo hành phá phách như tự tử hoặc trả thù. Người tình bị phụ bạc tìm cách trả thù kẻ bạc tình bằng những hành động xúc phạm nhân phẩm và sự sống người khác như đánh đập, đâm chém, giết hại, tung những hình ảnh, video clip “nóng” của họ và người tình lên mạng để làm mất danh dự, xé quần áo tình địch ngay giữa đám đông ban ngày để làm nhục người đó, thậm chí chế tạo cả bom nổ để cùng chết chung với kẻ bạc tình.

Ngay trong việc phá thai đứa con của người tình phụ bạc cũng có một cái gì đó  của sự trả thù bằng bạo lực đối với người tình bội ước.
 
(c) Sau cùng người ta có thái độ nghi ngờ tình yêu là có thật. Những nhà văn bi quan thường không tin tình yêu. Nói cách khác theo họ, tình yêu là một biến dạng của thái độ tự kỷ ái mộ (Narcissisme). La Rochefoucaul nói rằng tôi yêu một người nhưng đúng hơn tôi yêu chính mình qua người đó. Các nhà văn hiện sinh như Jean-Paul Sartre thường nói: “Tình yêu là sự ngộ nhận của hai người”. Tại sao là ngộ nhận? Vì khi tôi nói “Tôi yêu em” là lúc tôi muốn nói “Tôi yêu tôi qua em, em chỉ là tấm gương hay dòng nước để tôi chiêm ngưỡng chính tôi trong đó” và em tưởng lầm, phần em cũng thế. Do đó mới có sự ngộ nhận của hai người mà có khi Sartre còn gọi là “ngụy tín”, và từ đó Sartre nói thêm, “Tình yêu là một đam mê vô ích” (l’amour est une passion inutile).

Nhà Phật vốn coi đời là bể khổ, thế gian là một trò ảo hóa vì thế người theo Phật thường nói “Còn yêu là còn vô minh” hoặc “Tu là cội phúc tình là dây oan”. Với những người như thế tình yêu làm họ SỢ.
 
3. Văn hóa Việt Nam và những vấn đề phát sinh
 
Môi trường văn hóa luôn tác động lên cách người ta yêu và sống đời hôn nhân cả thể lý, tâm lý và tinh thần.

Như chúng ta đều biết văn hóa Việt Nam xuất phát từ sự tiếp thu văn hóa Trung Hoa trong thời kỳ Bắc thuộc, một thời kỳ lệ thuộc kéo dài hơn một ngàn năm. Chắc chắn thời kỳ này đã để lại dấu ấn sâu xa và khó mà phai nhạt vì sau đó các giá trị tiếp thu còn được củng cố bởi giai cấp vua quan phong kiến cho mãi đến sau khi nhà Nguyễn đã chấm dứt.

Tôi muốn nói đến ba luồng tư tưởng Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo. Đặc biệt là Khổng giáo, một nền luân lý được thiết lập trên một hệ thống tôn ti trật tự mà người đứng đầu là vua. Đàng sau vua có Trời vì vua là thiên tử (con trời) thế nhưng ông Trời của vua phong kiến là ông trời-khống[2], hữu danh vô thực nhớ thì nhắc đến, không nhắc đến cũng chẳng sao. Chúng ta có ba đấng bậc đầu tiên là Quân-Sư-Phụ. Sau ba vị trí đầu tiên ấy, chúng ta có ngũ luân: Quân thần, phụ tử, phu thê, huynh đệ, bằng hữu. Quan hệ quân-thần là cao quý và chuẩn mực nhất. Phu thê đứng hàng thứ ba nhưng đôi khi còn bị cho xuống hàng sau chót như trong truyện cổ Lang-Liêu. Sở dĩ như thế vì triết học nho giáo có hình nhi thượng là Kinh Dịch với thái cực âm dương. Quan niệm này giống với một triết học nhị nguyên thiện ác. Sự phát sinh và vận hành của muôn loài là do tương tác của hai nguyên lý âm–dương (và thiện–ác) đó. Xem ra nhà nho đã ngạo mạn coi người phụ nữ là nơi có thể dung chứa nhiều điều xấu ác trái lại đàn ông mang trong mình những tiềm năng thiện hảo và cao quý. Vì thế nếu ngoài xã hội đức người quân tử (người có địa vị và quan chức) như gió, đức kẻ tiểu nhân (những lê dân nghèo khổ bé mọn) như cỏ, gió thổi cỏ rạp thì trong gia đình đương nhiên phải là cảnh: chồng chúa vợ tôi hay phu xướng phụ tùy. Tình cảm không quan trọng. Vì trong quan hệ chủ-tớ ấy, tình cảm càng làm địa vị người chồng bị lung lay. Ngày nay chúng ta thường nghe nói cái nghĩa (hoặc tình-nghĩa) như tình-nghĩa vợ chồng, tình-nghĩa thầy trò… nghĩa là nhấn mạnh đến bổn phận theo luật công bằng, hơn là tình yêu là một cái gì hoàn toàn mới. Tóm lại Khổng giáo không hề có một ý niệm gì về tình yêu trong truyền thống Do Thái–Kitô giáo ở đó người nam và người nữ hưởng được sự bình đẳng của con cái Thiên Chúa. Như thế có thể nói tình-nghĩa trong nho giáo ở mặt tích cực của nó chỉ thể hiện một khía cạnh nhỏ của tình yêu hay bác ái Ki-tô giáo.

Ngoài thứ văn hóa trọng nam khinh nữ ấy, hoàn cảnh lịch sử thời Bắc thuộc trong hơn 10 thế kỷ bị đô hộ, khinh miệt và đối xử nhẫn tâm đã khiến cho người Việt luôn sống trong tâm trạng đối phó. Điều này làm chúng ta luôn thù ghét, đề phòng người khác, dù bề ngoài lúc nào cũng tươi cười, hòa nhã. Tâm thức này đã ăn sâu vào trong cấu trúc tâm l‎ý văn hoá của người Việt Nam nên chúng ta khó yêu thương thật lòng người khác. Mỗi người như có sẵn sự nghi ngờ và đố kỵ để ứng phó với một hoàn cảnh mới lạ. Ngoài ra có một thái độ tự ti mặc cảm của người bị trị trước người cai trị phương Bắc còn để lại vết tích trong vô thức người Việt khiến nhiều khi họ phải bù đắp lại bằng một động thái tự tôn mặc cảm như đánh giá cao bản thân hoặc gia đình hoặc dân tộc mình một cách quá đáng. Sự thiếu trung thực này cũng là một trở ngại cho tình yêu đúng nghĩa. 

Không may cho chúng ta là kể từ khi độc lập với thiên triều phương Bắc, văn hóa cũng không được cải thiện tốt hơn. Việc đón nhận Phật giáo như một giá trị thứ hai sau Khổng giáo không thăng tiến vốn văn hóa sẵn có trái lại làm cho nó trở nên tiêu cực hơn trong các mối quan hệ liên chủ thể và xã hội. Thật vậy một mặt Phật giáo nhìn con người và vạn vật dưới ba phạm trù: vô thường, khổ não, vô ngã. Vô thườngvô ngã không thể coi tha nhân là một nhân vị, một hiện sinh có sử tính để yêu thương, trân trọng. Còn Khổ não nhiều nhất cũng chỉ khiến chúng ta tỏ lòng thương hại (pitié). Vả lại cùng thân phận nhược tiểu và bị trị, tình cảm thương hại nơi người Việt Nam ngày càng được củng cố mạnh mẽ. Mặt khác cái vô ngã ấy còn được nhấn mạnh bởi cái ‘tánh-không’- một trình độ giác ngộ của thiền tông- hẳn đã làm cho  bản ngã của những nhà nho tự trao cho mình sứ mạng “thay trời hành đạo” càng phì đại, không phải bởi chân-ngã là cái mà không ai có thể tham chiếu được vì nó là kết quả của một chuỗi phủ định, nhưng bởi công danh phú quý (những vật ngoại thân, đôi khi rất hảo huyền)[3], như để bù đắp cho cái và cái không ấy. Công, danh cùng thế giá biến họ thành những kẻ cao ngạo, thành chủ thể thương hại trước đối tượng thương hại là đám lê dân.

Ở chỗ này, “chân ngã” cũng giống như ông trời-khống của chữ ‘thiên’ trong danh từ thiên-tử chỉ nhà vua mà sau cùng dùng để chỉ một quy luật tự nhiên làm nền tảng cho mọi quy luật khác. Và điều này cũng dễ hiểu vì Phật giáo là một tôn giáo vừa vô thần vừa phiếm thần.  
    
Vả lại, việc tu tập để đạt được giải thoát của nhà Phật theo nhận định của nhiều học giả là một cuộc hành trình từ cô đơn đến cô đơn. Hành trình này là một phân đoạn của một chuỗi bất định theo đường xoắn ốc, khởi điểm là vô minh và đích đến được diễn tả bằng cụm từ “bất khả tư nghì”, trái ngược với sự giải phóng hay cứu rỗi của Ki-tô giáo có tính phổ quát và liên đới mà tình yêu là dây liên kết. Chính trong hành trình cô đơn ấy mà nhà Phật cho rằng Tu là cội phúc, tình là dây oan. Người đối tác trong tình yêu bị coi như một trở ngại cho giải thoát, có khi còn bị coi như cái bình chứa đầy đồ nhơ uế theo quan niệm khổ hạnh của nhà Phật. Đó là chưa nói quan niệm của Phật giáo cho rằng cái kiếp sau cùng trước khi thành Phật, hành giả cầu tìm giải thoát phải là một người nam. Thế nên trong dân gian thường nghe nói: con là nợ, vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp chướng.

Đặc biệt trong thời cận đại, lịch sử Việt Nam là cuộc nội chiến cát cứ giữa Trịnh và Nguyễn kéo dài mấy trăm năm còn khốc liệt hơn cả thời kỳ thập nhị sứ quân. Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết. Chiến tranh kéo dài chỉ làm khổ dân nghèo. Lòng thù hận được khơi dậy trở thành lương thực mà phong kiến dùng để nuôi dưỡng chiến tranh và sự bóc lột dân nghèo thấp cổ bé miệng. Trong hoàn cảnh đó tình yêu quảng đại dần dần bị thui chột. Người ta không còn biết chấp nhận cái khác mình giống như hoàng tộc nhà Trần không chấp nhận cho người họ Trần lấy người ngoại tộc. Mưu đồ và tham vọng chính trị của Trịnh Nguyễn rồi sau này của cả Tây Sơn làm con tim Việt Nam trở thành băng giá. Khả năng yêu thương ngày một thui chột, có chăng chỉ còn lòng thương hại nhau,  

Bầu ơi, thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn

Giàn đây là cái giàn èo uột, rách nát của một đất nước bị qua phân, của thân phận người nghèo phải trở thành những viên gạch lót đường cho các thế lực chính trị cát cứ.

Chính trong bối cảnh văn hóa ấy, người Việt nam chúng ta thường nói thương nhau thay vì yêu nhau, chí ít cũng là tình thương xót giữa những người đồng cảnh ngộ bị ức hiếp, bóc lột.
 

*******
Tình thương hay thương hại khác với tình yêu. Tình thương, theo định nghĩa, là “có tình cảm gắn bó và thường tỏ ra quan tâm săn sóc cho người mình thương” như cha mẹ thương con cái; nhất là nó mang tính cách thương hại “vì cảm thấy đau đớn xót xa trong lòng trước một hoàn cảnh không may nào đó” (x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2005).

Khi đồng hoá tình yêu với tình thương, người ta làm nghèo ý nghĩa của tình yêu. Nhiều người đã hiểu lầm “hình như mình yêu” và làm cho người khác hiểu lầm “mình có tình ý với người ta” khi có những hành động săn sóc, quan tâm đến người khác vì cùng một hành động săn sóc, giúp đỡ nhau, người ta có thể làm vì yêu mà cũng có thể vì thương. Trong đời sống gia đình, lấy nhau chỉ vì tình thương thôi thì rất nguy hiểm, vì sau đó có thể lại “yêu” người khác thì cuộc hôn nhân lúc đầu có nguy cơ tan vỡ, gây đau khổ lớn lao cho nhiều người.

Xét về khía cạnh thần học, nếu chỉ nói mình “thương Thiên Chúa” thì không biết Chúa có gặp cảnh ngộ không may nào không! Nhưng Chúa thật đáng thương vì Chúa yêu con người mà phần lớn không được đáp lại! Chúa thương (thương xót) chúng ta thì đúng vì chúng ta có những hoàn cảnh không may, bị nô lệ cho tội lỗi. Nhưng chúng ta thương hại Chúa thì có lẽ chưa đúng lắm vì Chúa là Đấng hoàn hảo, giàu sang vô cùng, thánh thiện vô biên! Còn khi Chúa chịu khổ nạn bị chết treo trần truồng trên thập giá không phải để chúng ta thương hại Ngài, nhưng đó là lúc Ngài bày tỏ tình yêu tột đỉnh của Ngài cho chúng ta, và cách đúng nhất để đáp lại hẳn là chúng ta phải “lấy tình yêu đáp lại tình yêu”.

Đến đây các bạn tín hữu thấy rằng nếu muốn yêu như Chúa yêu không thể chỉ căn cứ vào cái gọi là “bản sắc dân tộc” hay “đạo lý dân tộc” nhưng trước hết phải học yêu từ trong giáo huấn truyền thống của Ki-tô giáo và nhất là từ chính Đức Giê-su Ki-tô.

4. Từ cảm xúc đến chân lý

Nếu trong các thể chế xã hội khác, tình yêu gồm có hai phần: phần cảm xúc và phần lý trí (raison pratique) do luân lý xã hội và phong tục đề xuất thành quy phạm, thì trong Ki-tô giáo tình yêu cũng có hai phần: cảm xúc và lý trí không phải là lý trí tự nhiên mà quan trọng hơn là lý trí trong chiều kích siêu nhiên, nói đúng hơn là chân lý, chân lý vĩnh cửu và duy nhất như nhan đề một thông điệp của cựu giáo hoàng Bênêđictô XVI đã thể hiện: Caritas in Varitate [Tình Yêu trong Chân Lý]

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã quan tâm rất nhiều đến tình yêu con người và giải nghĩa cho ta hiểu tình yêu đó bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa nên cần phải yêu thế nào cho xứng với tình yêu này. Trong thông điệp đầu tiên của ngài công bố vào năm 2005 “Thiên Chúa là Tình yêu” (Deus est Caritas), ngài đã dành trọn phần thứ nhất (từ số 3 đến 15) trong hai phần, để giải thích cho chúng ta về tình yêu.

Tiếng La tinh có hai từ diễn tả tình yêu là amor (yêu theo nghĩa tự nhiên) và caritas (yêu theo nghĩa siêu nhiên, yêu rộng, bác ái,). Xét về nguồn gốc, tiếng Hy Lạp có ba từ diễn tả tình yêu: eros (tình ái)philia (tình bằng hữu) và agape (tình bác ái)Eros là tình yêu nhận về, là tình yêu nhắm vào những rung động thể xác, agape là tình yêu cho đi, hướng đến những hạnh phúc tinh thần. Nhiều khi chúng ta được giảng dạy chỉ nên có tình yêu vị tha, cho đi với những hạnh phúc tinh thần hơn là kiểu tình yêu chiếm hữu, nhận vào với những rung động thể xác.

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha đã nhắc nhở chúng ta: con người là một thực tại duy nhất hướng đến nhiều lĩnh vực khác nhau, và tình yêu là hoạt động của con người cũng chỉ là một thực tại duy nhất với những chiều kích khác nhau. Vào những thời điểm khác nhau thì chiều kích này có thể xuất hiện rõ hơn chiều kích khác. Nếu tách rời những chiều kích tình yêu, chúng ta chỉ làm nghèo nàn nó (số 8) và nó cũng không còn là tình yêu của con người toàn diện.

Khi Thiên Chúa dựng nên con người giống hình ảnh mình, trao tình yêu cho con người là Ngài muốn cho con người thật sự yêu thương toàn diện và vô biên như Ngài. Con người được mời gọi mở ra cho những chiều kích mới mẻ của tình yêu mà Thánh Kinh đã diễn tả cho chúng ta (số 9-11), nhất là mời gọi chúng ta thể hiện tình yêu như Đức Kitô vì Đức Kitô là hiện thân của Thiên Chúa Tình yêu (số 12-15).
 
5. Giáo huấn về tình yêu của Ki-tô giáo

a) Ki-tô giáo thường được gọi là tôn giáo của tình yêu, của lòng bác ái.

Khi suy nghĩ về tình yêu thiết tưởng, người tín hữu có những câu Phúc âm dùng làm điểm quy chiếu như sau:

(1). Thiên Chúa là tình yêu
(2). Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. (Ga 3: 16)
(3). Chính thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến Chúa Cha mà không qua thầy (Ga 14: 6)
(4). Ai yêu mến thầy thì sẽ giữ lời thầy, cha của thầy và thầy sẽ đến và ở lại với người ấy, Cha của thầy và thầy sẽ đến và ở lại với người ấy (Ga 14: 23)
(5). Chúa Cha đã yêu mến thầy thế nào, thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của thầy (Ga 15: 9)
Và những câu khác nữa trong Phúc Âm.

Như thế tình yêu con người bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Ba Ngôi chính là một cộng đoàn yêu thương. Từ tình yêu Ba Ngôi, tình yêu lan tỏa đến muôn loài muôn vật qua Ngôi Hai Thiên Chúa trong một kế hoạch có từ lúc ban đầu. Chính trong kế hoạch này đã xuất hiện công trình sáng tạo trời đất, muôn vật, việc Thiên Chúa chọn một dân riêng trong Cựu Ước ban cho dân mười điều răn trên núi Xi-nai, và đến thời sau cùng Chúa Cha đã sai Con Một Người xuống thế làm người để cứu chuộc, thánh hóa nhân loại đồng thời giao hòa nhân loại tội lỗi với Chúa Cha. Vì thế còn gì chính đáng và phải đạo hơn khi chúng ta học yêu nơi chính Đức Giê-su Ki-tô. Chính Ngài đã nói, “Anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15: 12).

b) Khuôn mặt tình yêu của Đức Ki-tô

Chúa Giê-su không chỉ yêu thương các môn đệ, Ngài còn yêu thương hết mọi người mà Ngài đã gặp gỡ và tiếp xúc. Đi đến đâu Ngài cũng thi ân giáng phúc đến đó. Tình yêu của Ngài không điều kiện, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, cả những người Samari vẫn coi người Do Thái là kẻ thù của họ và cả những người tội lỗi. Đặc biệt Ngài chữa lành phần xác, phần hồn của những người bệnh tật. Ngài nói lời an ủi và nâng đỡ những người nghèo khổ, hoạn nạn, sầu đau. Ngài hóa bánh ra nhiều cho kẻ đói ăn, Ngài cư xử dịu dàng với phụ nữ, tha thứ cho sự yếu đuối của họ[4], tôn trọng nhân phẩm của hết thảy mọi người. Đối với những kẻ bắt giết Ngài, Ngài cũng tha thứ cho họ. Ngài luôn hướng tâm hồn người ta về chân, thiện, mỹ; Ngài chỉ cho mọi người con đường dẫn đến hạnh phúc đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau trong vòng tay Thiên Chúa bởi Ngài là trung gian hòa giải giữa Thiên Chúa và loài người. Sau cùng Ngài chịu chết để bày tỏ tình yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Có tình yêu nào đẹp hơn thế nữa.

Yêu đẹp là biết mở lòng mình và lòng người hướng về những chân trời mới càng ngày càng cao hơn, rộng hơn, xa hơn thay vì muốn giữ riêng cho mình một con người hay chiếm hữu riêng cho mình một sự vật. Càng mở rộng tâm hồn, ta càng đẹp và có thể gặp được những con người đẹp khác đồng chí hướng với mình để làm thành một chuyện tình đẹp. Ta chỉ gặp được những người đẹp thật sự khi ta biết yêu đẹp. Dù không người nào trên trần thế đáp lại tình yêu đẹp của ta thì chúng ta hãy luôn nhớ rằng Thiên Chúa qua Đức Giê-su Ki-tô là người tình tuyệt vời và muôn thuở vẫn luôn hiện diện bên ta để giúp tình yêu ta vươn cao lên tới Ngài và chia sẻ cho ta hạnh phúc vô tận của tình yêu.

c) Biện chứng cho–nhận trong tình yêu

Riêng với các môn đệ, trước khi chịu chết trên thập giá làm của lễ chuộc tội cho nhân loại Ngài đã nói, “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Qua đó chúng ta thấy Ngài mời gọi các môn đệ sống một tình yêu hoàn toàn tận hiến mà trọn cả đời sống trần thế Ngài đã thực thi. Với sự tận hiến này, xem ra biện chứng cho–nhận có trong mọi tương quan nhân bản nghiêng hẳn về phía cho. Vì thế nhiều lúc tình yêu Chúa dành cho mỗi người dễ khiến Ngài rơi vào tình đơn phương. Và Ngài vẫn luôn chờ đợi.

Nhưng chúng ta có thể tự hỏi liệu biện chứng cho–nhận này có làm cho người ta luôn dừng lại ở một phát biểu hiện sinh có đôi chút hoài nghi và chua chát: Tình yêu là tính ích kỷ của hai người. Vâng, nếu cho–nhận chỉ dừng lại ở công bằng giao hoán mà không làm xuất hiện bác ái, bao trùm hết mọi chiều kích của đối tượng được yêu nhất là những chiều kích tinh thần.

Nên nhớ rằng tình yêu là tiếng kêu tự nhiên của tâm hồn chủ yếu là ý chí cá nhân và nó thể hiện một nhu cầu kép: “yêu thương được yêu thương”. Vì trong tình yêu nào đó, một hoạt động giải phóng là cái duy nhất chuẩn bị tâm hồn nếm hưởng một ơn hỗ tương; trong tình yêu được nhận lãnh có một lời ngợi khen, một sự tín nhiệm, một sự phong phú trả lại tất cả những gì người yêu dường như đã hy sinh cho người mình yêu, và còn hơn thế. Blondel một triết gia công giáo, gọi tính ích kỷ ấy của hai người như một “tính ích kỷ vô tư”. Thiết tưởng điều này cũng đủ để gạt bỏ thái độ “bất tín nhiệm” tình yêu của những kẻ bi quan và hoài nghi.

Trong biện chứng cho-nhận ấy, giáo huấn công giáo còn nhấn mạnh “Cho thì có phúc hơn nhận” bởi lẽ với hành động “cho” người yêu đến gần hơn tình yêu tận hiến của Thiên Chúa và nhận được sự phong phú và hạnh phúc to lớn vượt quá ý định yêu thương ban đầu của mình. Tình yêu phong phú đó là nguyên nhân của bí tích Thánh Thể, một bí tích của tình yêu: Thầy ở lại cùng anh em cho đến ngày tận thế. ‘Anh em’ là chính nhân loại mà Ngài yêu thương; trong trường hợp gia đình, ‘anh em’ là những người yêu nhau dưới cùng một mái nhà, một tổ ấm.

Trái ngược với tình yêu tận hiến là tình yêu chiếm hữu. Lúc đó biện chứng cho–nhận nghiêng hẳn về phía nhận và tiếc thay “nhận” không còn vô tư nữa mà trở thành chiếm hữu. Người phối ngẫu bị chiếm đoạt hết mọi tự do và thành một kẻ nô lệ trong tình yêu. Chúng ta cần nhớ rằng ý muốn chiếm hữu người mình yêu và ghen tức với những người khác là ta không còn yêu đẹp nữa và có nguy cơ đánh mất tình yêu. Nhiều người đã ngăn cấm người yêu hay chồng/vợ mình tiếp xúc với người khác rồi ghen bóng ghen gió nhưng hành động như thế là không còn yêu đẹp nữa.
 
6. Một số nguyên tắc ứng xử cần có trong tình yêu & hôn nhân[5]

Là Ki-tô hữu chúng ta không SỢ yêu cũng không để bị cám dỗ bắt tình yêu dừng lại hoặc chịu cảnh ly tan theo cách nói bi quan “hôn nhân là mồ chôn ái tình”, hoặc theo cách nói của một nhà thơ mà chúng tôi có trích dẫn ở trên:

Anh đi đường anh, tôi dường tôi/ Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi/ Đã chẳng cùng nhau sum họp mãi/ Bận lòng chi nữa lúc chia phôi (Thế Lữ)

Biện chứng tình yêu đôi khi có những xung đột mà chúng ta phải nhờ ơn Chúa để vượt qua. Tình Yêu là một bổn phận mà Ki-tô hữu phải đảm nhận như một “điều răn mới”. Bổn phận này càng khẩn thiết trong một thế giới vị kỷ và thờ ơ. Sách Tóm Lược HTXH của GHCG nhấn mạnh: “Nay chúng ta cần phải nhìn lại tình yêu trong giá trị thật của nó, coi đó như tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội (…) Chính từ cội nguồn yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển.”(số 204 và 205)

Ở một chỗ khác, Giáo Huấn Xã Hội nói thêm, “Tình Yêu vừa giả thiết có công lý vừa vượt lên trên công lý, công lý phải được hoàn tất trong Bác ái.” (số 206)

Nói đến công lý thì không thể bỏ qua trách nhiệm. Như thế không thể nói đến tình yêu Ki-tô hữu mà không có chân lý và trách nhiệm. Do đó, tình yêu Ki-tô giáo nếu đẩy tới tình yêu tận hiến (bác ái) quả là không dễ dàng gì. Đó là chưa nói đến những cản trở, những vấp váp trong cuộc sống chung hàng ngày. Vì thế một số nguyên tắc ứng xử trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Những nguyên tắc này chính Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo mang lại cho chúng ta.

a. Nguyên tắc nhân vị.

Đây là quan niệm của Giáo Hội về con người trong một nền nhân bản liên đới và toàn diện. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa có nhân phẩm, có tự do, và khát vọng vĩnh cửu. Với đức tin, đức cậy, đức mến con người sẽ được vinh thăng cùng Đức Giê-su Ki-tô để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.

Vì thế trong tình yêu những người yêu nhau phải coi nhau như những nhân vị, một Giê-su-khác để trân trọng, yêu mến. Đời sống gia đình là một cộng đoàn liên nhân vị vì thế phải gìn giữ sự đồng tâm nhất trí. Nói cách khác trong yêu thương phải luôn duy trì lòng tôn trọng phẩm giá của nhau. Phẩm giá này có ở hết mọi người không phân biệt lớn, nhỏ, nam, nữ.

Nhà nho có câu “vợ chồng phải tương kính như tân”. Chữ ‘tân’ có hai nghĩa và đều đúng cả: a) tân là ‘mới’ thì hiểu là phải kính trọng nhau như ngày mới yêu hoặc mới cưới nhau, đừng để thời gian làm cho tình yêu ‘cũ’ đi và phai lạt dẫn đến sự chán nản ê chề. b) tân là ‘khách’ thái độ quý trọng khách là thái độ đạo đức tự nhiên phải có. Khách đương nhiên có cái khác mình, mình phải quảng đại thông cảm và phải khám phá những cái mới nơi họ, đừng vì cái đã biết rồi mà sinh ra nhàm chán. Tôn trọng nhân vị không thể thiếu sự tương kính này trong đời sống xã hội, đặc biệt trong đời sống hôn nhân, gia đình.

b. Nguyên tắc liên đới.

Liên đới là sự liên hệ hỗ tương bình đẳng giữa mọi người và các quốc gia. Trong gia đình đó là đoàn kết yêu thương, và bổ sung nâng đỡ nhau như trong một thân thể, đôi tay cần đến đôi chân, đôi chân cần đến đôi mắt v.v… Người Mỹ khi muốn bày tỏ  sự đồng tâm nhất trí này, thường nói, “chúng ta là một gia đình mà.” Liên đới giúp đẩy mạnh phát triển chung và sự tham gia, sự tham gia này nhằm phục vụ công ích cho gia đình. Để có sự liên đới, phải duy trì sự đối thoại chân thành và thông tin chính xác; tránh việc phân biệt trưởng thứ, nam nữ . Phải tôn trọng những phẩm chất riêng đồng thời phát huy chúng để phục vụ lợi ích chung.

c. Nguyên tắc công ích.

Công ích là điều thiện ích chung mà cá nhân và tập thể phải đóng góp và phát triển cho chính mình và cho mọi người. Không ai được miễn trừ công ích. Trong gia đình mọi người đều phải góp phần mình để có cuộc sống tươm tất, đầy đủ: cha đi làm, mẹ đi làm hoặc nội trợ, con cái đi học. Những ngày lễ lạc cha mẹ mua sắm chuẩn bị tiệc mừng, con cái trang hoàng nhà cửa, viết thiệp mời v.v… Không ai được ngồi chơi chờ thụ hưởng. Trái lại lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ mỗi người góp một tay.

Người Việt Nam chúng ta do nếp sống thành gia tộc lâu đời có khi ba bốn thế hệ trong một khu nhà (tam đại, tứ đại đồng đường) từ đó sinh ra tinh thần ỷ lại, đùn đẩy việc mình qua người khác. Do đó sinh ra mất đoàn kết và lòng yêu thương bị xói mòn ức chế, nếu không nói bị tàn lụi: cha chung không ai khóc. Vì thế nguyên tắc công ích này giúp chúng ta khắc phục tính ỷ lại, phát huy tinh thần tham gia và trách nhiệm, giúp xã hội và gia đình ngày càng an vui hạnh phúc.  

d. Nguyên tắc bổ trợ

Nguyên tắc bổ trợ nói rằng tổ chức cấp cao bổ trợ cho một tổ chức cấp thấp hơn mà không can thiệp chi phối để giành lấy tự do của người khác. Nguyên tắc này động viên sự tham gia của mọi người ở mọi cấp và phát huy tinh thần dân chủ.

Con người sống trong xã hội là sống-với, nhưng mặt khác theo siêu hình học, con người là một hữu thể khiếm khuyết. Chính vì thế cần có sự bổ trợ. Các thành viên trong gia đình bổ túc cho nhau như cha mẹ dạy con cách cầu nguyện. Con chỉ cho cha mẹ kỹ thuật vi tính, nghĩa là tất cả cùng giúp cho nhau phát triển và xây dựng cho nhau hạnh phúc.

KẾT

Yêu như Chúa Giê-su Ki-tô đã, đang và sẽ yêu mọi người và mỗi người, chắc chắn chúng ta sẽ có thiên đàng ngay trong cuộc sống trần gian này: thời gian gặp được vĩnh cửu, hữu hạn đồng hành cùng vô hạn.

Phao-lô nói về những phẩm chất và tính vĩnh cửu của tình yêu: “Tình yêu thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi thù hận, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Tình yêu tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Tình yêu không bao giờ mất được.” (1 Cr: 4-8a).   

Blondel, một triết gia Ki-tô hữu đã viết: “Không ngừng đụng chạm đến những biên bờ của thời gian con người sử dụng và vui với vĩnh cửu đồng thời với việc không ngừng đổi mới kỳ gian: từ chỗ con người dường như bị giới hạn để vẫn là một cá nhân riêng biệt, nó sử dụng và vui hưởng tính phổ quát đồng thời tính đặc thù của con người cá nhân mình. Được mời gọi nhìn mọi sự trong sự hiệp nhất của kế hoạch Thiên Chúa, bởi đôi mắt của Đấng Trung Gian; được mời gọi nhìn chính mình trong hành động vĩnh viễn của tính giải phóng và yêu thương chính mình khi yêu thương đức ái hằng hữu từ đó nó nhận được hữu thể, nó chính là hiện thể của tác giả mình, và nó sinh ra Người nơi mình nó vì Người ở trong nó…”

Có thể nói khi yêu như Chúa yêu, Ki-tô hữu sống tình yêu trong quan hệ đôi lứa hoặc trong mọi quan hệ nhân bản khác sẽ đạt được tình yêu thần bí và vĩnh cửu giữa đời thường trong lúc chờ ngày trở về cung lòng yêu thương của Ba Ngôi hằng hữu.

 

 

[1] Khi Chế Bồng Nga chết, theo quy định của hoàng tộc Chiêm các hoàng hậu phải ‘được’ chôn theo vua. Huyền Trân công chúa là người ngoại bang nên không đủ tiêu chuẩn được chôn theo. Sau đó theo các sử gia người Chiêm, HTCC được trả về cố quốc. Không hề có chuyện Trần Khát Chân, vốn là người tình của Huyền Trân khi còn thanh mai trúc mã, đem quân giải cứu và đưa về Thăng Long. 
[2] Có lẽ trước ông trời-khống ấy, mà biểu hiện là một ông vua thường bạo ngược đã khiến một bộ phận dân nghèo Việt-Nam phải rứt áo ra đi, để đón nhận ông trời truyền thống (lạy trời mưa xuống…) trong Thiên Chúa của Ki-tô giáo, vừa cụ thể, vừa phổ quát, giàu  nhân hậu và đầy lòng thương xót đám dân đen.   
[3] Nhà nho Nguyễn Công Trứ  là người rất uyên thâm Phật học đã viết một câu thơ gần như một GIỚI RĂN cho mọi kẻ sĩ thời ông là “Không công danh thì nát với cỏ cây”. Còn giới trẻ thời xưa thường nói “Đại đăng khoa rồi mới tiểu đăng khoa ” hoặc giàu hình ảnh hơn: “Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau.” (Ngựa và người vinh quy bái tổ sau khi thi đậu làm quan)
[4] Nhưng đặc biệt với giới giáo sĩ Do Thái đạo đức giả, không tôn trọng người nghèo, Ngài đã chỉ trích họ rất nghiêm khắc và mạnh mẽ, không chút cả nể, và dứt khoát không thỏa hiệp.
[5] Phần này được viết theo cuốn Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của GHCG: chương III và chương IV, tr. 99-158.
 
Chia sẻ