Hôn Nhân Kitô Giáo Và Sự Đòi Hỏi Của Lời Cam Kết
Administrator
2018-09-24 09:19 UTC+7
32
Gioan Phê Ny Ngân Giang, OP. Có thể nói, vấn đề quan trọng mà gia đình Kitô giáo ngày hôm nay phải đối diện là gia đình đang chuyển dần từ bình diện tôn giáo sang bình diện con người. Điều đó có nghĩa là mối bận tâm chính của đôi hôn nhân không […]
Gioan Phê Ny Ngân Giang, OP.
Có thể nói, vấn đề quan trọng mà gia đình Kitô giáo ngày hôm nay phải đối diện là gia đình đang chuyển dần từ bình diện tôn giáo sang bình diện con người. Điều đó có nghĩa là mối bận tâm chính của đôi hôn nhân không còn nằm ở vấn đề có hay không cùng một niềm tin tôn giáo; thay vào đó, họ phải trả lời cho vấn đề có hay không một nền tảng hôn nhân. Bởi lẽ sự khác biệt giới tính về mặt sinh học đáng ra phải có tầm quan trọng về mặt tự nhiên, nhưng dường như người ta dần cho rằng sự khác biệt ấy chỉ là sản phẩm của văn hoá mà mỗi người có thể thay đổi tuỳ quan niệm của mình. Nói khác đi, đó là sự chối bỏ, thậm chí phá huỷ chính định chế hôn nhân và gia đình, cách riêng đối với hôn nhân và gia đình Kitô giáo.[1]
Quả thật đó là một thứ nghịch lý của thời đại hôm nay. Vì lẽ, đang khi gia đình vẫn được xem là tế bào xã hội, cái nôi hình thành nhân cách con người và là trường học đầu tiên của nhân loại thì tổ chức gia đình hay việc cấu thành nên chính tế bào đầu tiên ấy lại đang có nguy cơ bị phá bỏ, nghĩa là gia đình không nhất thiết phải gồm có cha mẹ và con cái. Hiểu như thế thì gia đình không nhất thiết phải được xây dựng trên mối dây hôn phối. Vẫn có những đứa trẻ ra đời mà mẹ chúng không cần phải có người cha cho chúng. Hoặc có những gia đình mà nền tảng không đặt trên mối tương quan liên vị trong sự ràng buộc của dây hôn phối nên họ dễ dàng ly dị mà không nghĩ đến chuyện cứu vãn trong mọi khả năng.
Chúng ta bắt gặp ở đây hai trở ngại lớn. Thứ nhất, về mặt tiến triển của lịch sự nhân loại, rõ ràng, vấn đề hôn nhân một vợ một chồng chỉ mới được đặt thành vấn đề như một định chế mới đối với định chế cũ trong quá khứ. Vậy điều này có cho phép kết luận rằng dây hôn phối chẳng qua cũng chỉ là một thứ thủ tục không hơn không kém mà cùng với sự tiến bộ, con người thấy cần thiết cho sự phát triển nhận thức của mình? Chính đây là cơ sở cho lập luận phá bỏ nền tảng gia đình dựa trên tính thiết yếu của dây hôn phối. Vấn nạn của xã hội hiện đại, nhất là quan niệm về hạnh phúc và tự do trong việc quyết định xây dựng hay phá vỡ một “tế bào xã hội”, ở chỗ không ít người trẻ hôm nay cho rằng nền tảng để giải quyết vần đề hôn nhân và gia đình không gì khác hơn là việc tương đối hoá mọi ý nghĩa và định chế hầu giản lược tất cả thành một thứ tự do tuyệt đối qua việc tìm kiếm hạnh phúc của cá nhân. Đáp trả cho vấn đề này, chúng ta cùng tìm câu trả lời dưới góc độ Kinh thánh trong việc khám phá ý định của Thiên Chúa khi chính Người là Đấng đã tác hợp cho gia đình đầu tiên của nhân loại. Thứ hai, chúng ta sẽ trả lời cho vấn nạn về “sự bất khả phân ly” trong hôn nhân qua giáo huấn của Đức Giêsu về việc có cho phép ly dị hay không. Trên cơ sở đó, vượt xa hơn vấn đề tự nhiên để bước vào lãnh vực ân sủng, chúng ta cùng xác định lại nền tảng gia đình qua bí tích hôn phối.
Cuối cùng, khi đặt gia đình trong viễn tượng của Nước Trời đang đến, chúng ta thấy đó là một cộng đoàn thánh, nơi gìn giữ và nuôi dưỡng những nhân vị thánh tiếp nối công trình tạo dựng của Thiên Chúa mà vì tình yêu Người đã để cho tình yêu được tiếp nối trên quả đất này.
I. THÁCH ĐỐ CỦA HÔN NHÂN KITÔ GIÁO THỜI HIỆN ĐẠI
Thế kỷ 20 vừa qua đánh dấu một sự thay đổi về bản chất và nhiệm vụ trong hôn nhân phương Tây. Hôn nhân không còn là nhiệm vụ xã hội, không phải tuân theo ý muốn cha mẹ, cưới trước yêu sau. Thay vào đó, hôn nhân là quyền lợi của cá nhân và khởi đi từ tình yêu của đôi hôn nhân. Kéo theo hôn nhân là sự thay đổi về bản chất và nhiệm vụ của gia đình. Thế chỗ cho những gia đình nhiều thế hệ là những gia đình hạt nhân. Gia đình thôi không còn là nền tảng của xã hội nữa nhưng chỉ là một đơn vị giữa bao đơn vị khác. Ngay cả việc giáo dục trong gia đình giờ đây cũng được chuyển sang cho xã hội.[2]
Một chuyển biến như thế không phải là không có trong bối cảnh hôn nhân gia đình Việt Nam. Lưu ý về vấn đề này, Hội Đồng Giám mục Việt Nam cho thấy:
…Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương. Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người. Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều.[3]
Thông điệp Familiaris Consortio trong khi thấy được những tích cực về ý thức tự do cá nhân cũng như mối quan tâm nhiều hơn về tương quan liên vị trong hôn nhân thì đồng thời cũng cho thấy sự thoái hoá đáng lo ngại về một số giá trị căn bản.
Một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng với nhau…những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình đã cảm nghiệm, con số các vụ ly dị gia tăng, vết thương về sự phá thai, việc dùng các phương pháp làm tuyệt đường sinh sản ngày càng nhiều, việc hình thành một não trạng đích thị là não trạng chống thụ thai.[4]
Một mối lo ngại thực tế của các Kitô hữu trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay đó là việc thực hành đức tin của họ dường như cho thấy họ chỉ đang cố giữ lấy một thứ giáo lý hà khắc. Đang khi đó, những đổ vỡ hôn nhân lại không là vấn đề nằm ngoài đời sống của Kitô hữu. Sự phức tạp trong các cuộc hôn nhân mà một bên phối ngẫu không là Kitô giáo càng cho phép người ta thấy thuyết phục hơn khi muốn tách bạch rõ ràng giữa hôn phối theo đạo và đời. Hơn thế nữa, việc tái hôn là một trong những vấn nạn đối với đôi hôn nhân Kitô giáo đã ly thân. Thế nên, việc “rối đạo” là nỗi sợ hãi hơn là lời cảnh báo giúp người tín hữu một lần hồi tâm cứu vãn tình trạng hôn nhân của mình. Não trạng này đang dần lớn lên và cho thấy ảnh hưởng không nhỏ của nó đối với nhận thức về tình yêu, hôn nhân và gia đình nơi thế hệ trẻ. Thông điệp, một lần nữa nêu lên rằng:
Sự lan tràn của nạn ly dị và ngay cả các tín hữu cũng đòi được tái hôn sau khi ly thân; về quan niệm chỉ chấp nhận cử hành hôn phối theo phần đời, ngược hẳn ơn gọi của những người đã được rửa tội là “lấy nhau trong Chúa”; về việc cử hành bí tích Hôn phối mà không có đức tin sống động, nhưng chỉ vì những lý do khác; về sự phủ nhận những nguyên tắc luân lý đang soi sáng và nâng đỡ việc thực hành tính dục trong hôn nhân một cách nhân bản và Kitô giáo.[5]
Trên bình diện thần học, những cuộc tranh luận lịch sử đã cho thấy có thời người ta muốn tách rời giữa khế ước và bí tích vì cho rằng điều này không thuộc về chân lý đức tin.[6] Lịch sử Hôn nhân Công giáo đã từng trải qua những cuộc tranh luận về tính bí tích và khế ước của hôn nhân Công giáo. Trong quyển Doors to the Sacred, Joseph Mortos đã nêu lên quan điểm của Luther về vấn đề này. Theo ông, Luther cho rằng hôn nhân do Chúa thiết lập nhưng không phải là bí tích, mà đúng hơn đó là một định chế tự nhiên và xã hội nên thuộc về luật tự nhiên và dân sự chứ không thuộc luật Giáo Hội.[7]
Ngày nay, không thiếu những lập luận theo những nguyên tắc tương đối hay theo một thứ luân lý hoàn cảnh nào đó để cho thấy rằng một đòi buộc về hôn nhân như là giao ước tình yêu, đồng nhất và bất khả phân ly là điều quá khắt khe và không có nền tảng thực tế. Rõ ràng, khi mà cuộc sống hiện đại càng ngày càng cho thấy người ta khó có thể áp dụng một quy tắc tổng quát nào đó cho tất cả mọi người trong những hoàn cảnh cá biệt cụ thể của họ thì việc xem hôn nhân là bất khả phân ly dường như trói buộc tự do con người trong việc mưu cầu hạnh phúc chính đáng. Hôn nhân giờ đây được coi chủ yếu là một cách diễn tả tình yêu của hai người nam nữ. Tiến xa hơn nữa, vấn đề được đặt lại trong tính cách nền tảng của hôn nhân khi mà lối nhìn về sự ràng buộc hôn nhân là một hữu thể siêu hình đang bị thay thế dần bởi cái nhìn mang tính nhân vị hơn trong hôn nhân. Hơn thế, phải chăng đang khi lập luận về tính bất khả phân ly của hôn nhân dựa trên việc diễn tả tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh thì cuộc hôn nhân ấy bao giờ cũng mang tính bí tích và vĩnh viễn vì tình yêu trong cuộc hôn nhân ấy phải là tình yêu thuỷ chung, tha thứ và tự hiến; nhưng một khi cuộc hôn nhân không còn thể hiện và diễn tả được tình yêu như thế thì thực tế tính bí tích không còn nữa nơi hôn nhân ấy và có thể được kết thúc bằng việc ly dị? Và thật nan giải khi thực tế lại cho thấy rằng việc bất khả phân ly của hôn nhân không làm cho người Kitô giáo e sợ vấn đề ly dị, thay vào đó dường như nó ngăn cản không cho người ta hiệp thông với Hội thánh.[8] Phải nghĩ suy xem vấn đề sẽ tiến xa thêm đến mức nào, cha Raniero Cantalamessa, OFM., vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, qua cuộc phỏng vấn của thông tấn xã Zenit, đã nói về việc cứu thoát gia đình khỏi một tiến trình “tan rã” đi ngược lại bản chất Kitô giáo: đó là việc thoát khỏi hoàn cảnh quá khích đưa đến kết quả “phi nhân” qua chính việc muốn bải bỏ nền tảng giới tính của con người.[9]
Như vậy, vấn đề của hôn nhân Kitô giáo có thể nói không phải là tìm ra một phán quyết mang tính luật lệ như lịch sử đã cho thấy, nhưng là làm sao để chính mỗi đôi hôn nhân, khi tự do tiến đến với nhau qua lời cam kết, ý thức đủ rằng họ đang bước vào một đời sống mới mà đức tin cho biết lời cam kết ấy là hoàn toàn khả tín và không có gì có thể phá vỡ được. Chỉ trong ý nghĩa đó, cái nhìn quân bình về nền tảng hôn nhân mới làm sáng lên những vấn đề về phẩm tính của tình yêu, tình dục và sự sinh sản con cái … mà những não trạng quá đề cao tự do cá nhân hay tuyệt đối hoá một thứ tình yêu ích kỷ đã làm chệch hướng chọn lựa của con người.[10]
II. NỀN TẢNG BẤT KHẢ PHÂN LY CỦA HÔN NHÂN KITÔ GIÁO
Chỉ có thể trả lời cho vấn đề này một khi chúng ta phải thành thật thừa nhận rằng giá trị của lời cam kết mà đôi hôn nhân một khi hoàn toàn tự do ưng thuận để công khai nói lên như một hành vi nhân linh thì hoàn toàn mang tính khả tín trong chính bản chất của nó. Bởi lẽ, nếu chúng ta phủ nhận sự khả tín mà chính chúng ta đã tự do nói lên ấy thì không thể là hành vi của chủ thể tự do. Điều mâu thuẫn ấy tố cáo chính chúng ta. Tuy nhiên, một khi xác tín vào sự khả tín, chúng ta được mời gọi khám phá nền tảng của chính sự khả tín ấy, một nền tảng đảm bảo cho sự bền vững trước những thay đổi mà chúng ta không thể dự liệu một khi dấn thân vào chính lời cam kết của chúng ta.[11]
1. Cựu Ước
Bản văn Sáng thế mà Đức Giêsu đã từng trưng dẫn làm chúng ta phải suy nghĩ nhiều về nền tảng hôn nhân trong lịch sử Dothái mà Thánh Kinh Cựu Ước ghi lại.
Sách Sáng thế đã viết về cuộc tạo dựng và hôn nhân của đôi vợ chồng đầu tiên như thế này: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2,24). Bản văn được ghi chép trong chính bối cảnh của văn hoá Dothái, một nền văn hoá mang nặng tính phụ hệ trong hôn nhân, nghĩa là người đàn ông sau khi lập gia đình vẫn tiếp tục sống gần nhà cha mẹ mình. Chỉ có người vợ là phải rời bỏ nhà mình mà đến sống với chồng. Nhưng ở đây, bản văn cho chúng ta biết, người đàn ông lại lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình. Việc lìa bỏ không được hiểu mang tính tuyệt đối như bỏ rơi hay đoạn tuyệt. Trái lại, lối diễn tả ấy cho thấy từ đây trong cuộc đời người chồng đã có một sự thay đổi trật tự các ưu tiên. Trước đây, ưu tiên hàng đầu đối với anh là cha mẹ. Nay, thứ tự ấy được chuyển sang cho người vợ. Có lẽ, cuộc sống hiện đại làm cho chúng ta khó hình dung ra sự thay đổi ấn tượng này, bởi lẽ trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ trong xã hội hiện đại thường bị lãng quên. Trái lại, trong xã hội Dothái xưa, tôn kính cha mẹ là điều bắt buộc đối với con cái và việc “thờ cha kính mẹ” chỉ xếp sau việc thờ phượng Thiên Chúa mà thôi. Bởi thế, sự lìa bỏ này quả thật bất ngờ khiến chúng ta phải chú ý, nhất là hành động ấy lại khởi đi từ một cuộc hôn nhân.[12]
Tiếp sau sự lìa bỏ này, sách Sáng thế thuật lại rằng người đàn ông trở nên gắn bó với vợ mình. Điều này gợi lên tình yêu và sự bền vững như là hai đặc tính của hôn nhân. Đó là sự quyến luyến và gắn bó của đôi vợ chồng như thể con cái Israen gắn bó với gia nghiệp của mình (xc. Ds 36,7.9), như sự thúc bách của lòng yêu mến mà Isaraen phải có với Đức Chúa của họ (Đnl 10,20; 11,22; 13,5…). Việc lìa bỏ cha mẹ và nên gắn bó với nhau của đôi vợ chồng dẫn chúng ta đến cái nhìn về hôn nhân như một giao ước mà chính Israen đã có kinh nghiệm về giao ước Thiên Chúa đã lập với họ.[13]
Tuy bản văn Sáng thế không cho chúng ta thấy chứng thực về chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Nhưng một kinh nghiệm xương máu mà các ngôn sứ thời xưa đã rút ra đó là sự trừng phạt đến từ việc dân được tuyển chọn không sống đúng với ơn gọi của họ. Lẽ ra, họ phải là dân sống thánh thiện với những chuẩn mực cao về luân lý và đạo đức; họ phải nêu gương bác ái công bình với đồng loại và không được chạy theo các thần ngoại bang. Chính thực tế không như mong muốn ấy mà các ngôn sứ đã lấy tình yêu thuỷ chung giữa hai vợ chồng làm lý tưởng cho nền luân lý hôn nhân, một trong những nét của nền luân lý mới mà họ rao giảng nhằm đề cao tấm lòng son sắt mà Iarael phải có với Giavê là Chúa của họ, Đấng hằng trung tín và không bỏ rơi dân bao giờ.[14]
Như vậy, dòng lịch sử của Cựu Ước mặc dù cho thấy sự “trơn trượt” về một tình yêu hôn nhân bất khả phân ly, nhưng như Đức Giêsu đã nói, sự trơn trượt ấy không nằm trong ý định của Thiên Chúa bởi từ ban đầu thì không có chuyện phân ly trong hôn nhân. Chúng ta chỉ mới thoáng thấy được điều này qua lối diễn tả của các ngôn sứ về một tình yêu chung thuỷ như ước mơ và cũng là khẳng định mang tính đòi buộc Dân Thiên Chúa phải sống theo đường lối của Người.
2. Tân Ước
Viễn tượng của Hôn nhân Kitô giáo không đơn thuần chỉ là cuộc giao duyên giữa người nam với người nữ, nhưng là một tình yêu được se kết bởi chính lựa chọn nên một với nhau trong Đấng Tạo Thành của đôi hôn nhân. Mặc cho những đỗ vỡ, như đã bao lần xảy ra khi Dân phản bội Thiên Chúa, thì tự bản chất Người vẫn là Đấng tín trung, Người không bao giờ bội tín vì Người không thể phản bội chính mình.[15]
Giáo huấn của Đức Giêsu về một lời cam kết bất khả phân ly đụng chạm đến thực tế hầu như tan vỡ bởi nạn ly dị của ngày hôm nay như thế nào? Phải chăng lời rao giảng của Đức Giêsu có phần không thực tế đang khi có biết bao người phải gánh chịu đau khổ, dằn vặt trong gia đình mà chính họ là người trải nghiệm mỗi ngày? Tân Ước cho thấy tranh luận thú vị giữa Đức Giêsu với những người luật sĩ về vấn đề ly dị. Có thể xem đây là giáo huấn nền tảng của Đức Giêsu cho những suy tư về sự bất khả phân ly của dây hôn phối.
Chúng ta gặp phải vấn đề là liệu rằng trước những thực trạng khủng hoảng, bế tắc và tan vỡ của nhiều cuộc hôn nhân có làm chúng ta mất hy vọng về đời sống gia đình, về nền tảng làm nên đời sống gia đình và ơn gọi trở thành những bậc làm cha, mẹ trong những định chế gia đình đúng nghĩa? Đức Giêsu đã nói đến lý tưởng ấy. Có hai thái độ trước giáo huấn của Đức Giêsu. Một đàng cho là Đức Giêsu đã quá lý tưởng cuộc sống lứa đôi vốn “không ai có thể biết trước được”. Vì thế, sự bất khả phân ly của Kitô giáo là một ràng buộc nghiệt ngã. Đàng khác lại cho rằng “không vì con sâu làm rầu nồi canh”, nghĩa là dù trước những thực trạng xem ra không mấy sáng sủa thì hôn nhân vẫn không bị đánh mất ý nghĩa nền tảng vốn có. Bởi vì, lời mời gọi sinh sôi này nở và làm chủ vũ trụ vốn nằm trong ơn gọi làm người mà tự do con người chỉ có thể lựa chọn chứ không có quyền phá huỷ. Lời Đức Giêsu cho phép chúng ta tin tưởng vào giá trị của lời cam kết, bởi đó là sự kết ước không phải chỉ bởi hai ngôi vị nhân loại với nhau, nhưng giữa họ có Đấng làm chủ và gìn giữ đời sống ấy. Truyền thống Kinh thánh gợi lại cho chúng ta lòng trung tín của Thiên Chúa như là nỗ lực gìn giữ mối dây kết ước giữa Người với thụ tạo.
Rõ ràng, tuy có sự khác nhau giữa các bản văn của Mátthêu, Máccô và Luca về cùng một vấn đề ly dị, nhưng điều sau cùng mà chúng ta nhận được từ giáo huấn của Đức Giêsu đó là lý tưởng về một cuộc hôn nhân hoàn hảo như là nguyên tắc của lời đáp trả cho bất ai muốn theo Người. Điều này cũng được đọc thấy trong thư thứ nhất của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô chương 7. Đặc biệt trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô đã thấy tương quan giữa đôi vợ chồng trong hôn nhân giống như tương quan thiêng liêng giữa Đức Kitô và Hội thánh. Tiêu chuẩn của thánh Phaolô về hôn nhân còn được thấy lại trong thư thứ nhất của thánh Phêrô tông đồ (1 Pr 3,1-7). Thật ra toàn bộ những tiêu chuẩn hôn nhân này không thể là chuyện có một thiên luật về hôn nhân trói buộc và tước mất tự do của những ai đã vì tình yêu và sự trung tín mà vẫn bị phản bội và gặp thử thách mọi bề. Đúng hơn, đó là một lời mời gọi nên hoàn thiện mỗi ngày trong giáo huấn của Đức Giêsu làm thức tỉnh đối với những ai đã đánh mất sự khả tín vào những lời cam kết của mình. Lời cam kết không phải là sợi dây “thòng lọng” khiến những ai đã vướng vào thì càng thêm dính chặt ở đấy. Trái lại, nếu ngay cả sự khả tín vào chính những gì một người có thể đoan quyết cũng bị phủ định thì người ta thật sự phủ định toàn bộ cuộc sống này.[16]
Thế nên, điều khả tín của kẻ có niềm tin là thấy được “thế giới này đang qua đi” (1 Cr 7,31) mà những thực tại của trần gian này chỉ là dấu chỉ cho thực tại vĩnh cửu mai sau. Bởi thế, đối với thánh Augustinô, hôn nhân là một sacramentum theo hai lối. Trước hết, đó là dấu chỉ của sự hiệp nhất giữa Đức Kitô và Hội thánh, sau là lời thề thánh thiêng giữa đôi vợ chồng, là sợi dây chung thuỷ ràng buộc hai người cho đến chết. Sacramentum như dấu ấn ghi vào linh hồn của hai vợ chồng và hằng luôn liên kết họ. Thế nên, chính nhờ sự hiệp nhất vĩnh viễn này nơi họ mà hôn nhân trở thành biểu tượng phản ánh sự hiệp nhất của Đức Kitô với Hội thánh. Bởi thế, hôn nhân Kitô giáo cũng như các bí tích khác là một sacramentum tức là một dấu chỉ thánh thiêng và một sacramentum et res tức là một thực tại bí tích và một ân sủng đích thực được ban qua nghi thức ấy.[17]
Tóm lại, sứ điệp mà Tân Ước gửi đến chúng ta về vấn đề hôn nhân có thể được hiểu qua hai điều sau đây. Trước hết, việc diễn tả mối tương quan và kết hợp giữa Đức Kitô và Hội thánh Người cho thấy chiều kích thần học sâu xa của hôn nhân. Bởi thế, hôn nhân phải làm sao diễn tả như lòng mến giữa Đức Kitô và Hội thánh không bao giờ phai nhạt. Điều này hàm chứa sự yêu thương, trung tín, dấn thân cho nhau của đôi vợ chồng. Như vậy, không phải là hôn nhân trở nên kiểu mẫu làm chuẩn mực cho Hội thánh, nhưng chính tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh, nhất là qua cái chết của Người trên thập giá, diễn tả và thực tại hoá lý tưởng của hôn nhân. Hơn thế nữa, qua ấn tích vĩnh viễn của bí tích Thánh Tẩy, đôi hôn nhân được thông phần ơn cứu độ mà Đức Kitô ban cho Hội thánh, làm hoàn trọn bí tích Hôn phối mà họ lãnh nhận như việc thể hiện tình yêu nên một trong nhau và trong chính Đấng đã chết và sống lại vì họ.
Một vấn đề khác của sứ điệp Tân Ước đó là sự bất khả phân ly của dây hôn phối và qui định lề luật. Chúng ta thường đồng hoá lời cam kết hôn nhân với lề luật cấm không được ly dị mà Tin mừng theo thánh Mátthêu chương 19,1-9 nói đến. Lệnh truyền của Đức Giêsu về sự bất khả phân ly trong hôn nhân thường được xem là lời dạy mang tính “chung cuộc” của một giới luật hơn là đích điểm hay lý tưởng phải đạt đến. Tuy nhiên, vượt qua những cấm đoán mang tính luật lệ ấy, việc cấm ly dị của Đức Giêsu cho thấy một trật tự sáng tạo trong ý định của Thiên Chúa. Không có giới luật nào phát xuất từ bí tích nhưng là chính lý tưởng hôn nhân tự đặt cho mình sự bất khả phân ly theo đúng công trình tạo dựng ban đầu của Đấng Tạo Hoá. Hơn thế nữa, Đức Giêsu còn cho thấy, vì lòng người ta ra chai đá mà ý nghĩa nền tảng của hôn nhân bị lu mờ trước những thực trạng “trượt dốc” của họ. Thật ra không thể có hôn nhân nếu không có tình yêu là nền tảng liên kết người nam và người nữ. Trong tình yêu ấy, người ta không tìm thấy kẻ trên người dưới, không có chuyện bên trọng bên khinh bởi lẽ đã có một mối tương quan thật sự, nền tảng và vững bền giữa hai ngôi vị. Mối tương quan liên vị này được nhìn nhận và bảo đảm giữa hai người phối ngẫu, trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa nên chẳng bao giờ là chuyện đòi hỏi của lề luật cả.
III. TÌM LẠI Ý NGHĨA CỦA HÔN NHÂN KITÔ GIÁO HIỆN NAY
Thật ra, không phải chỉ Hôn nhân Kitô giáo mới cần tìm một hướng giải quyết về mặt ý nghĩa, nhưng cần hiểu hôn nhân trên tầm mức rộng hơn. Việc Đức Giêsu trích dẫn sách Sáng thế về cuộc sáng tạo và sự ra đời của gia đình đầu tiên có thể được hiểu như là lý tưởng chung của hôn nhân đối với bất kỳ ai lựa chọn cho mình “một lối sống mới” (họ không còn là hai nhưng là một xương một thịt với nhau). Chúng ta có thể đọc thấy những chuyển biến tích cực mà Công đồng Vaticanô II nhìn về hôn nhân như việc tìm lại ý nghĩa của đời sống vợ chồng đối với những ai quý trọng và muốn bảo vệ giá trị bất khả phân ly này nơi bí tích hôn nhân.
1. Công đồng Vaticanô II
Trong hiến chế Gaudium et Spes bên cạnh việc tái khẳng định bản chất của bí tích hôn nhân và tình yêu vợ chồng là tự bản chất hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái,[18] công đồng cũng nhấn mạnh rằng tình yêu vợ chồng không những là đặc điểm riêng nơi con người mà còn đem lại sự thiện hảo cho con người toàn diện. Tình yêu này được diễn tả và hoàn thiện qua việc vợ chồng vì quan hệ giới tính biểu lộ và nâng cao sự tự hiến của hai người, nhờ thế họ làm cho đời sống của nhau nên phong phú.[19] Bởi thế, bí tích hôn nhân trong Kitô giáo củng cố và hiến thánh các đôi hôn phối trong nhiệm vụ và phẩm giá của họ. Bí tích ấy là bí tích của sự nên một trong tình yêu, trong sự sinh sản con cái hầu để tinh thần Chúa Kitô được thấm đượm và nối kết họ trong mối dây liên kết vốn bất khả phân ly trong chính bí tích mà họ cử hành, bí tích diễn tả mối tình thiêng liêng cao đẹp Đức Kitô dành cho Hội thánh Người. Thế nên, vì sự hiệp nhất và trao hiến trọn vẹn cho nhau trong tình yêu và hạnh phúc của con cái mà đôi vợ chồng phải vẹn nghĩa thuỷ chung với nhau, nghĩa là một sự hiệp nhất bất khả phân ly.[20]
2. Những suy tư khác
Một điều đáng suy nghĩ đó là thực trạng đổ vỡ đời sống hôn nhân hôm nay không loại trừ những người đã sống đời hôn nhân như một bí tích. Đáng nghĩ hơn nữa khi chính những người Công giáo trong tình trạng ly thân này lại muốn được tái hôn theo luật đời. Có lẽ một lối thực hành nặng tính lề luật khi chỉ xem sự bất khả phân ly như một luật cấm khiến cho việc lãnh nhận và sống bí tích hôn nhân không đạt đến được mức độ trưởng thành và cắm rễ sâu nơi chính nội tâm của mỗi Kitô hữu. Bên cạnh đó, cùng với những trào lưu hiện sinh và tương đối, người Kitô hữu dễ bị cuốn trôi khỏi nền tảng thiêng liêng mà đời sống họ đã không có cơ hội được cảm nếm vì những rào cản mang tính luân lý và lề luật. Việc giải quyết các nố hôn nhân bởi thế trước hết là sự cố gắng chữa lành những thương tích mà đời sống bất toàn, không như ý muốn đã để lại trên ký ức và chính cuộc sống hiện tại của các đôi vợ chồng. Người ta có thể nghĩ đến đặc ân của thánh Phaolô như phương cách cuối cùng đối với những trường hợp bất khả kháng.
Thế nên, trước hoàn cảnh sống mới, một đòi hỏi nền tảng hơn cho đời sống Kitô hữu chính là việc thực hành đức tin của mình. Luật dân sự đã đạt được điều mà những người không có đức tin đòi hỏi: đó là sự đề cao tự do cá nhân bằng việc chấp thuận và nhìn nhận ly dị. Tuy nhiên, hơn lúc nào hết, một chứng từ cần thiết và công khai của mọi tín hữu là việc tái khẳng định phẩm giá và giá trị bất khả chuyển nhượng của gia đình được xây dựng trên nền tảng hôn nhân giữa một người nam và người nữ, cũng như sự khai mở sự sống và bảo vệ sự sống ở môi trường gia đình trong mọi giai đoạn phát triển của chính sự sống ấy.[21] Phải trả lời ra sao cho câu hỏi mà thời đại hôm nay đặt ra: đâu là sự thánh thiêng mà đời sống hôn nhân là cửa ngõ dẫn vào đang khi có biết bao khủng hoảng về chính điều mà ta gọi là sự thánh thiêng ấy?
Trải qua thời Trung cổ, đến thời cải cách của công đồng Trentô và vẫn đang tiến triển cho đến nay, hôn nhân luôn là một bí tích theo nghĩa rộng. Ta không thể nói việc cử hành nghi thức hôn phối chỉ như là một thủ tục kết hôn không hơn không kém. Trái lại, xét cho đến tận căn, đó là cuộc cử hành các giá trị thánh thiêng của hôn nhân, bất kể mọi cách hiểu trong những nền văn hoá đặc thù. Bởi lẽ, đó là cuộc cử hành nghi lễ để gia nhập vào một đời sống mới. Đặc biệt, chính trong môi trường Kitô giáo mà cuộc cử hành mang tính bí tích ấy đưa người nam và người nữ bước vào một lối sống mới được đặt nền trên mối tương quan khuôn mẫu là Đức Kitô và Hội thánh.[22] Thế nên, việc sống bí tích hôn nhân của các đôi vợ chồng Kitô hữu không những là việc sống thực tại thánh thiêng trong ý định Đấng Sáng Tạo, mà họ còn cùng nhau cảm nghiệm thế nào là tình yêu mà Đức Kitô dành cho Hội thánh, một tình yêu không phủ lấp mọi thực tại lữ hành khác của trần thế nhưng lại được thể hiện bằng chính sự đồng hành, liên luỵ, nên một và mang lấy gánh nặng cho nhau trong mỗi biến cố cuộc đời.[23]
——————
[1] Hội đồng Tòa thánh về Gia đình, Giáo lý cho cuộc hội ngộ các gia đình thế giới lần thứ VI – Đề tài 2: Gia đình, Nhà giáo dục sự thật về con người: Hôn nhân và Gia đình, số 1 (Mexico, D.F.,16-18/01/2009).
[2] Joseph Mortos, Doors to the Sacred (USA: Liguori/Triumph, 1991), tr. 344-387.
[3] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư mục vụ 2008 về Môi trường Giáo dục Gia đình Công giáo, phần II, số 10.
[4] Familiaris Consortio (FC), số 6.
[5] FC, số 7.
[6] Xc. Thời sự Thần học, số 9, tháng 09/1997, tr. 7-65. Cũng xem Phan Tấn Thành, Thần học về Hôn nhân và Gia đình. Truy cập ngày 02/03/2009; http://www.daminhvn.net
[7] Joseph Mortos, op.cit., tr. 344-387.
[8] Ibid., tr. 344-387.
[9] Chúng ta đang ở trong các hoàn cảnh quá khích. Đó như thể chúng ta muốn phát minh lại con người, hôn nhân…với những kết quả “phi nhân” (in-humains). Chẳng hạn, kế hoạch bãi bỏ giới tính, nơi mà hẳn sẽ không có căn tính giới tính xác định, nhưng là nơi mỗi người có thể xây dụng cuộc sống của mình tùy theo ước muốn nam tính, nữ tính riêng của mình hay cái gì đó khả biến hơn. Điều này là không thể chấp nhận được, trái với bản tính của con người. Một tiến trình “tan rã” chẳng hạn có thể là việc đề nghị bãi bỏ mẫu tính, đồng hóa nó với một hành vi nô lệ. Phụ nữ là nô lệ của mẫu tính, và đó là lý do mà người ta đã tìm ra cách thế làm sinh ra những đứa trẻ một cách khác, theo cách nhân tạo hơn. Đó là kiểu đề nghị thực sự nguy hiểm, “phi nhân”. Tôi tin vào lương tri của con người và bản năng của họ : vào ước muốn giới tính đối lập mà Thiên Chúa đã gieo vào trong con người, và vào ước muốn làm mẹ và làm cha, là những giá trị mà Thiên Chúa đã đặt trong tâm hồn con người. Nhưng tôi nghĩ rằng những đề nghị này có thể tạo nên nhiều thiệt hại, như đó đã là trường hợp đối với chủ nghĩa mác-xít. Chủ nghĩa mác-xít đã được thừa nhận như là môt sự dữ to lớn cho xã hội, đã tạo ra nhiều nạn nhân. Cũng thế, cuộc tiến hóa này (sự tiến hóa của giống), ngay cả trước khi được thừa nhận như là “phi nhân”, sẽ có thời gian gây ra những thiệt hại ghê gớm.
[10] Nhưng công trình giáo dục này xem ra bị cản trở bởi một quan niệm giả trá về tự do, trong đó sự bốc đồng và những xung năng chủ quan của cá nhân được người ta tôn vinh đến mức nhốt kín con người trong ngục tù của bản ngã mình. Tự do đích thực của con người xuất phát từ chỗ con người đã được tạo dựng theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa, và do đó tự do ấy phải được thực thi với trách nhiệm, luôn chọn điều thiện chân thực, để nó trở nên tình yêu, sự tự hiến. Với mục đích đó, điều cần thiết không phải là lí thuyết nhưng là sự gần gũi và yêu thương, đặc trưng của cộng đoàn gia đình. Chính trong tổ ấm gia đình mà người ta thật sự học sống, học biết quí trọng sự sống và sức khỏe, tự do và hòa bình, công lí và sự thật, lao động, sự hòa thuận và kính trọng nhau. (Thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI Kết thúc cuộc hội ngộ các gia đình thế giới lần thứ VI tại Mêhicô, số 3).
[11] Xc. Thời sự Thần học, số 32, tháng 06/2003, tr. 7-90.
[12] Wenham, Gordon J., Word Biblical Commentary, Volume 1: Genesis 1-15, (Dallas, Texas: Word Books, Publisher, 1998). Cũng xem GLHTCG, số 1609-1611.
[13] Ibid.
[14] Các bản văn của Ez 16, Hs 1-3, sách Diễm Ca, sách Tôbia 6-8 đều diễn tả quan hệ giữa Israel và Giavê như một cuộc hôn nhân. Trong đó, Israel như người vợ trắc nết, bất trung, hết lần này đến lần khác đã phản bội chồng mình mà chạy theo người tình khác là các thần ngoại. Song song đó, việc đề cao và ca tụng những cuộc hôn nhân hoàn hảo trong đó người đàn ông hoàn toàn gắn bó với vợ mình trong tình yêu. Xem thêm Joseph Mortos, op.cit., tr. 344-387.
[15] Linh mục Jude Siciliano, OP, trong bài suy niệm Lời Chúa vào Chúa Nhật 27 Thường niên B (VietCatholic News 02/10/2003) đã diễn tả điều này như sau: “Trong bài Phúc âm Chúa Giêsu nhắc lại truyền thống nhiệm màu của Kinh Thánh mà tuyên bố mối ràng buộc hôn nhân là không tháo gỡ được. Nó là dấu chỉ hữu hình tình yêu vô hình và hiệu quả của Thiên Chúa đối với nhân loại. Ngài khẳng định tính bền vững của hôn nhân. Nó có ý nghĩa vượt xa sự kết hiệp giới tính. Nó không phải chỉ liên quan đến thân xác mà còn bao hàm toàn thể nhân sinh. Đôi vợ chồng là một về xác thịt và cũng là một về hiện hữu (une seule chair, un seul être). Vì thế, người đàn ông sẽ bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình. Rõ ràng ông Adam không có cha mẹ để lìa bỏ. Lời tuyên bố của Sách Thánh nhắm đến toàn thể nhân loại. Tác giả muốn gọi sự kết hợp này là thuộc về “trái tim”, phát xuất từ trái tim, nơi thẳm sâu nhất của tồn tại con người. Hôn nhân, do đó, là sự dấn thân của hai trái tim giống như tình yêu trung tín (hesed) của Đức Chúa Trời. Lòng thương yêu này vượt trên cả tội lỗi và nết xấu của mỗi người. Tức là trung tín trong bất cứ tình huống nào. Vì Thiên Chúa không thể bất trung với chính Ngài. Lời thề trong lễ hôn phối của đôi vợ chồng mới là: “giữ lòng chung thuỷ khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khoẻ” vang vọng tình yêu hesed của Thiên Chúa. Cho nên, chúng ta phải đáp trả cho cân xứng. Nghĩa là trung tín với Ngài trong bất cứ hoàn cảnh nào, thuận lợi cũng như khi gặp khó khăn, khoẻ mạnh cũng như khi yếu đau. Đừng bao giờ lãng quên giao ước giữa ta với Đức Chúa Trời. Xem thêm Dives in Misericordia (Encyclical on the Mercy of God His Holiness Pope John Paul II, November 30, 1980).
[16] Joseph Mortos, op.cit., tr. 344-387. Cũng xem Freedman, David Noel, ed., The Anchor Bible Dictionary (New York: Doubleday 1997, 1992), “Divorce”; GLHTCG, số 1612-1617.
[17] Joseph Mortos, op.cit., tr. 368-369.
[18] Gaudium et Spes (GS), số 8.
[19] GS, số 49.
[20] Lumen Gentium, số 11. Xem thêm Hội đồng Tòa thánh về Gia đình, Giáo lý cho cuộc hội ngộ các gia đình thế giới lần thứ VI – Đề tài 4: Gia đình, người thông truyền các đức tính và giá trị con người, số 1 (Mexico, D.F.,16-18/01/2009) : Gia đình, khai sinh từ sự hiệp thông trong đời sống thân mật và tình yêu vợ chồng vốn được đặt nền tảng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là nơi khởi đầu cho các quan hệ liên vị; gia đình là nền tảng của đời sống con người và là nguyên mẫu của mọi tổ chức xã hội. Chiếc nôi sự sống và tình yêu này là nơi xứng hợp cho con người sinh ra và lớn lên, đón nhận những khái niệm đầu tiên về sự thật và sự thiện, nơi con người học yêu và được yêu, và học biết nhân vị nghĩa là gì. Gia đình là cộng đồng tự nhiên trong đó người ta có được những kinh nghiệm đầu tiên và thực hành đầu tiên về xã hội loài người, bởi lẽ đó không chỉ là nơi con người khám phá tương quan liên vị giữa cái “tôi” và “bạn” mà còn mở đường ra cho cái “chúng ta” nữa. Người nam và người nữ hiến thân cho nhau trong hôn nhân tạo nên một môi sinh cho đứa bé có thể phát triển những tiềm năng của nó, ý thức phẩm giá của nó, giúp nó chuẩn bị để sẵn sàng đối diện với định mệnh của nó, một định mệnh độc nhất vô nhị. Trong môi sinh đầy ắp tình cảm tự nhiên đó liên kết các thành viên gia đình lại với nhau, mỗi con người với sự độc đáo của mình phải được nhìn nhận và nhận lấy trách nhiệm.
[21] Thông điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI Kết thúc cuộc hội ngộ các gia đình thế giới lần thứ VI tại Mêhicô, số 4.
[22] Joseph Mortos, op.cit., tr. 386-387.
[23] GLHTCG, số 1638-1654.
Chia sẻ