Sự Thích Đáng Của Sứ Sụ “Đến Với Muôn Dân” Dưới Ánh Sáng Của Một Số Văn Kiện Giáo Hội
Trong bài nghiên cứu này, anh Wolanin đào sâu chủ đề nền tảng và thách đố về căn tính và sự thích đáng của sứ vụ đến với muôn dân (ad gentes) như đã được giải thích trong thông điệp Redemptoris Missio. Thông điệp này tái khẳng định và triển khai giáo huấn của Công đồng trong Sắc lệnh Ad Gentes và Tông huấn Evangelii Nuntiandi của đức Phaolô VI.
Với các tiêu chuẩn trên đây, chủ yếu là tiêu chuẩn về Kitô học và Giáo hội học. Hai tiêu chuẩn này thường phù hợp với những tiêu chuẩn về địa lý và giáo luật. Khi nhấn mạnh đến tính thich đáng và tầm quan trọng của sứ vụ đến với muôn dân, cũng có nghĩa là phải có một sự ưu tiên nào đó trong những bổn phận liên quan đến sứ vụ phổ quát của Giáo hội.
Có hai yếu tố căn bản quyết định ý nghĩa và tầm quan trọng của sứ vụ đến với muôn dân và đòi hỏi từ phía Giáo hội : (1) Nhiều dân tộc đang hiện diện trong thế giới hôm nay không biết Đức Kitô và Tin mừng của Người (RM 3); (2) Tin vào đức Kitô, Giáo hội thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Người (RM 1 và 11). Vì vậy, khi nói đến các dân tộc, chúng ta không nghĩ đến các quốc gia chung chung, nhưng đúng hơn là nghĩ tới những môi trường, hoàn cảnh, hay lãnh thổ mà đức Kitô và Giáo hội chưa trở thành một thực tại sống động hay chưa hiện diện thực sự.
Một điều hiển nhiên là tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ, trong mọi hoàn cảnh phải luôn được loan báo Tin mừng hoặc tái loan báo Tin mừng để họ lớn lên và trưởng thành trong niềm tin vào đức Kitô, nhưng ở đây chúng ta đang nói về một sứ vụ chuyên biệt, cụ thể là sứ vụ đến với muôn dân, một nhiệm vụ truyền giáo đặc biệt. Những điều kiện về thần học chuyên biệt, về Kitô học và Giáo hội học, cùng với những hoàn cảnh xã hội, văn hoá và địa lý và những yếu tố Giáo luật quyết định sự thích đáng, tầm quan trọng cũng như sự khẩn thiết của sứ vụ này.
Điểm tham chiếu chính trong bài suy tư này là thông điệp Redemptoris Missio của đức Gioan Phaolô II, tuy nhiên chúng ta cũng sẽ đề cập chút ít đến sắc lệnh Ad Gentes của Công đồng Vatican II và tông thư Evangelii Nuntiandi của đức Phaolô VI.
Tuy nhiên, chiều kích địa lý và tài phán không diễn tả hết nội dung của khái niệm những sứ vụ, cũng chưa làm rõ tầm quan trọng của những chiều kích khác liên quan khi diễn tả những sứ vụ này; đặc biệt nó còn gồm thâu chiều kích Kitô học và Giáo hội học. Thật vậy, những sứ vụ này được thi hành “giữa các dân tộc chưa tin vào đức Kitô”, và mục tiêu cụ thể của chúng là “loan báo Tin Mừng và làm cho Giáo hội được thấm nhuần giữa các dân tộc hay những nhóm người mà Giáo hội chưa bám rễ” (AG 6).[4] Thành ngữ “những sứ vụ chủ yếu được thi hành trong những lãnh thổ nhất định mà Toà Thánh đã công nhận” cho phép chúng ta nghĩ rằng Giáo hội công nhận sự tồn tại những tình huống truyền giáo đặc biệt khác không được quyết định bởi địa lý hay Giáo luật, đó là những tình huống không được nối kết hoặc với lãnh thổ đã được vạch định hoặc không chính thức trực thuộc Toà Thánh.
Vì vậy, việc trình bày những sứ vu,ï mà sau này được gọi là “sứ vụ đến với muôn dân”, mở ra những tình huống và những viễn cảnh mới, không những không đối chọi hay giảm thiểu tầm quan trọng của “sứ vụ đến với muôn dân” mà trái lại còn tăng thêm tính thích đáng và sự khẩn thiết của sứ vụ này. Một trong những tình huống ấy được đề cập trong sắc lệnh Ad Gentes. “Hoạt động truyền giáo cũng nên giúp đỡ những Giáo hội mặc dù được thiết lập từ lâu, nhưng còn trong tình trạng suy tàn hay yếu kém” (AG 19).
Trong tông thư Evangelii Nuntiandi của đức Phaolô VI, tính chuyên biệt trong sứ vụ của Giáo hội không bị quyết định nhiều bởi một lãnh thổ, bởi một Giáo luật đặc biệt hay một phạm trù cụ thể về dân tộc, nhưng đúng hơn là bởi một nhiệm vụ đặc biệt : rao giảng Tin mừng đức Kitô. Mặc dù sứ vụ loan báo Tin mừng của Giáo hội, vốn là quyền căn bản và không thể từ bỏ (EN 5), theo Tông thư này, được gửi tới mọi dân tộc và mọi tầng lớp
[5], nhưng lời công bố đầu tiên của đức Kitô cho những ai còn xa lạ, tức hoạt động gọi là “sứ vụ đến với muôn dân”, đã được bắt đầu “ngay từ buổi khai nguyên của lễ Ngũ tuần, là chương trình nền tảng mà Giáo hội đảm nhiệm như được lãnh nhận từ Đấng Sáng Lập”, là “một đặc ân và theo nghĩa nào đó còn là khoảnh khắc minh hoạ cho nỗ lực truyền giáo tất yếu sẽ để lại một dấu ấn trên toàn lịch sử Giáo hội” (EN 51).C. Những chân trời mới của sứ vụ “đến với muôn dân” trong Thông điệp Redemptoris Missio
Khi thừa nhận tính công bằng và giá trị của những chỉ dẫn về “sứ vụ đến với muôn dân” chứa đựng trong Sắc lệnh Công đồng về hoạt động truyền giáo của Giáo hội, trong Thông điệp Redemptoris Missio, đức Gioan Phaolô II mở ra một vài chân trời mới cho sứ vụ này, cả trên bình diện suy tư thần học và truyền giáo lẫn bình diện hoạt động mục vụ. Tính thiết yếu, tầm quan trọng và sự khẩn thiết của việc rao giảng Tin mừng đức Kitô cho các dân tộc chưa được nhận biết vẫn phải khởi đi từ sự kiện là những dân tộc này hình thành một bộ phận rất lớn về dân số thế giới, từ sự vâng phục mà Giáo hội thi hành mệnh lệnh truyền giáo của Đấng Phục sinh, đồng thời từ sự cần thiết phải canh tân đức tin của chính các Kitô hữu. Thật vậy, sự nỗ lực truyền giáo là một dấu hiệu sống động của đức tin, cũng như việc suy giảm nỗ lực này là “một dấu hiệu của sự khủng hoảng đức tin” (RM 2).
Ngay trong phần dẫn nhập của thông điệp trên, tính chuyên biệt của sứ vụ Giáo hội được nối kết chặt chẽ với sự kiện là sứ vụ này được hướng tới “các quốc gia” (ad gentes), mặc dù nội dung của nó chưa được xác định rõ. Cũng trong thông điệp này, khái niệm về hoạt động truyền giáo cho muôn dân được làm phong phú hơn với một vài yếu tố mới.
Dường như khá rõ để thấy rằng một trong những mục tiêu chính yếu và quan trọng nhất của sứ vụ này là những người không phải Kitô hữu. Thật vậy, ngay trong chương đầu của thông điệp, trước khi trả lời nhiều câu hỏi “tại sao” nên có hoạt động truyền giáo, đức giáo hoàng đưa ra một câu hỏi rõ ràng : “Phải chăng công tác truyền giáo giữa những người phải là không Kitô hữu vẫn còn thích đáng ?” (RM 4). Cũng trong chương ba nói về Chúa Thánh Thần như là tác nhân chính trong sứ vụ của Giáo hội, dường như rõ ràng là sứ vụ đến với muôn dân được hướng đến trước hết cho tất cả những người không phải Kitô hữu. Khi mong muốn nhấn mạnh đến công việc của Chúa Thánh Thần, “tác nhân chính trong toàn bộ sứ vụ của Giáo hội” (RM 21), là sự trổi vượt trên tất cả trong sứ vụ đến với muôn dân, đức giáo hoàng nhắc lại sự việc hoán cải của viên sĩ quan Roma tên là Conelius và những bài diễn văn ở Lystra và Athens, như được mô tả trong sách Công vụ Tông đồ (RM 25). Tất cả những điều này cho thấy rằng sứ vụ đến với muôn dân thực sự là một sứ vụ ở biên cương, hay một sứ vụ nơi tiền tuyến để đưa về cho đức Kitô những người vẫn chưa biết Ngài hay không thuộc về Giáo hội của Ngài bằng cách dùng một vũ khí là việc rao giảng Tin mừng của Ngài.
Những chân trời khác của sứ vụ đến với muôn dân mở ra toàn bộ trong chương 4 của thông điệp. Trước hết, đức giáo hoàng khẳng định giá trị của khái niệm về sứ vụ đến với muôn dân như được trình bày trong sắc lệnh Công đồng về hoạt động truyền giáo của Giáo hội (AG 6); đây là sứ vụ thiết yếu và nền tảng của Giáo hội, một hoạt động bao giờ kết thúc, một sứ vụ vĩnh cửu gồm thâu việc “đem Tin Mừng đến cho muôn dân … những người cho đến nay vẫn chưa biết đức Kitô là Đấng Cứu Độ nhân loại” (RM 31). Rõ ràng, chính sứ vụ này thiết định “công tác truyền giáo mà đức Kitô đã trao phó và vẫn trao phó từng ngày cho Giáo hội” (RM 31).
[6]Mặc dù nhìn nhận giá trị tính và tầm quan trọïng của tương quan “những sứ vụ” hay “sứ vụ đến với muôn dân” theo nghĩa chuyên môn của từ ngữ với sứ vụ của Giáo hội nói chung, song đức Gioan Phaolô II căn dặn đề phòng mối hiểm nguy của việc đồng hoá tất cả những tình huống truyền giáo, đó là không còn nhìn nhận “hoạt động truyền giáo chuyên biệt hay những vùng “truyền giáo” đặc biệt” (RM 32). Nói cách khác, chúng ta phải “tránh nguy cơ đồng hoá các tình huống hết sức khác nhau, và giảm thiểu hoặc thậm chí loại bỏ sứ vụ của Giáo hội cũng như những nhà truyền giáo đến với muôn dân. Khi nói rằng tất cả Giáo hội đều truyền giáo, thì điều này không loại trừ sự tồn tại của một sứ mạng đặc biệt là đến với muôn dân …” (RM 32).
Trong một sứ vụ của Giáo hội, đức Gioan Phaolô II phân biệt ba tình huống : sứ vụ đến với muôn dân, chăm sóc mục vụ cho tín hữu; và rao giảng Tin Mừng hay tái rao giảng Tin Mừng. Sứ vụ đến với muôn dân được diễn tả như sau : chính hoạt động của Giáo hội được thực hiện ở giữa các dân tộc, giữa các nhóm người và giữa những bối cảnh văn hoá xã hội, trong đó đức Kitô và Tin mừng của Ngài chưa được biết đến hoặc thiếu những cộng đoàn Kitô giáo trưởng thành đủ để có thể đưa niềm tin vào trong chính môi trường sống của họ và công bố Tin mừng cho các nhóm người khác” (RM 33). Đọc kỹ hơn, chúng ta thấy sứ vụ đến với muôn dân còn bao gồm việc rao giảng Tin mừng và thiết lập “những Giáo hội mới giữa các dân tộc hay giữa những cộng đoàn mà các Giáo hội này cho đến nay vẫn chưa hiện diện” (RM 34). Mặc dù nhận thức được bản chất đặc biệt của sứ vụ đến với muôn dân, nhưng đức giáo hoàng phải ý thức đầy đủ rằng “những ranh giới giữa việc chăm sóc mục vụ cho tín hữu, rao giảng Tin mừng và hoạt động truyền giáo đặc biệt không thể được xác định rõ ràng, và không thể nghĩ đến việc tạo ra những rào cản giữa chúng hay đặt chúng vào trong những gian nhà kiên cố.
Đối với tôi, dường như khi trình bày về sứ vụ đến với muôn dân, như đã đề cập trong thông điệp Redemptoris Missio 33, có một yếu tố mới được sánh với Sắc lệnh Ad Gentes, đó là nhiều bối cảnh văn hoá xã hội “thiếu các cộng đoàn Kitô giáo trưởng thành đủ”. Nhưng tình huống này có phần tương tự với tình huống được trình bày trong sắc lệnh này về một số Giáo hội mặc dù đã được thiết lập từ lâu, nhưng vẫn còn trong tình trạng tha hoá và suy yếu (AG 19).
Một vài bối cảnh văn hoá xã hội được cụ thể hoá trong RM 37 (và 38), trong đó đặc biệt nói đến “những giới hạn trong sứ vụ đến với muôn dân của Giáo hội”, đó là những giới hạn về lãnh thổ, về những hiện tượng xã hội và về những lãnh vực văn hoá (hay khu vực văn hoá), cái gọi là những trung tâm văn hoá hiện đại (Areopagus). Mặc dù tiêu chuẩn quyết định những giới hạn lãnh địa là tiêu chuẩn về địa lý luôn có giá trị cho dù tạm thời và không mấy rõ ràng, nhưng tiêu chuẩn nền tảng và thiết yếu luôn phải là bản chất của Giáo hội học và Kitô học. Nói cách khác, nó bao hàm những vùng lãnh thổ hay địa dư, trong đó đức Kitô chưa được biết đến và không có sự hiện diện thực sự của Kitô hữu.
Xem xét trong khía cạnh này, sứ vụ đến với muôn dân đặc biệt nên được nhắm đến lục địa Á châu. Rõ ràng, giới hạn về lãnh thổ không được sử dụng toàn bộ trong lục địa này, nơi mà Tin mừng đức Kitô cho đến nay chưa được rao giảng và các cộng đoàn Kitô giáo bản địa vẫn chưa hiện diện. Trong thông điệp Redemptoris Missio 37, tiêu chuẩn về Giáo hội học khá rộng, cho phép chúng ta tính đến một số tình huống khác trong giới hạn về lãnh thổ. Thật vậy, số 37 của thông điệp nói về khu vực văn hoá và địa lý, trong đó các cộng đoàn Kitô hữu hiện diện thực sự song “còn quá nhỏ bé, chưa thể trở thành một dấu chỉ rõ ràng cho sự hiện diện của Kitô giáo; hoặc họ thiếu tính năng động để rao giảng Tin mừng xã hội của họ, hoặc còn thuộc về các sắc dân thiểu số chưa hội nhập vào trong nền văn hoá vượt trội của quốc gia” (RM 37). Những tình huống tương tự trở thành phổ biến trong lãnh vực địa dư, văn hoá và xã hội, nhưng trong ba lãnh vực này, tiêu chuẩn quyết định đối với sứ vụ đến với muôn dân sẽ luôn là bản chất Kitô học và Giáo hội học.
Từ quan điểm của sứ vụ đến với muôn dân, giữa những tình huống đặc biệt quan trọng tuỳ thuộc phạm trù lãnh vực xã hội và/ hoặc lãnh vực văn hoá mà đức Gioan Phaolô II đề cập đến những thành phố lớn và sự hiện diện đáng kể của những người di cư không phải Kitô hữu “trong các nước Kitô giáo truyền thống” (RM 37). Trong chừng mực những thành phố lớn được quan tâm, nhất là nơi “những vùng truyền giáo”, mà những người di cư này có được “những vị trí vinh dự” đối với sứ vụ đến với muôn dân.
Trong lãnh vực văn hoá, giữa cái gọi là những trung tâm văn hoá hiện đại Areopagus cần được loan báo Tin mừng và trong một nghĩa nào đó trở thành đối tượng của sứ vụ đến với muôn dân, chúng ta có thể đặc biệt nghĩ đến : thế giới thông tin đại chúng, “Areopagus” văn hoá rộng lớn, nghiên cứu khoa học, và những quan hệ quốc tế” (RM 37). Lãnh vực văn hoá xã hội, vốn mở rộng tới ranh giới địa lý và pháp luật nơi cách phân chia truyền thống thành những quốc gia truyền giáo hay những lãnh thổ và các quốc gia Kitô giáo, không những không đối chọi với tính thích đáng của sứ vụ đến với muôn dân, mà trái lại còn làm cho sứ vụ này có thích hợp hơn, cấp bách hơn và cần thiết hơn.
D. Sứ vụ “đến với muôn dân” luôn thích đáng và cần thiết
Theo thông điệp Redemptoris Missio, những lý do chính thúc đẩy Giáo hội thực thi sứ vụ đến với muôn dân có thể được diễn tả theo hình thức bộ ba như sau : tuân theo mệnh lệnh của đức Kitô Phục sinh; đức tin; ơn cứu độ được Thiên Chúa trao ban qua đức Giêsu Kitô. Ba yếu tố này kết hợp chặt chẽ với nhau và chúng có một giá trị theo ý nghĩa thông thường.
Những lý do này được diễn tả rõ ràng và dứt khoát tất cả trong chương thứ nhất của thông điệp. Chẳng hạn, thông điệp nói rằng : “Sứ vụ phổ quát của Giáo hội được phát sinh từ niềm tin vào đức Giêsu Kitô” và “chỉ có trong niềm tin này mà sứ vụ của Giáo hội mới được hiểu biết và cũng nhờ niềm tin này mà sứ vụ tìm thấy nền tảng của nó” (RM 4). Niềm tin lẫn sứ vụ vốn bắt nguồn và đặt nền trên niềm tin đó được đức giáo hoàng trình bày khi liên hệ tới “biến cố cứu chuộc đem lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người” (RM 4). Nhận thức được giá trị của “những hình thức tham gia trung gian theo những cách và ở nhiều cấp độ khác nhau” trong hay ngoài các tôn giáo khác, đức Gioan Phaolô II nói rằng những trung gian này “chỉ có ý nghĩa và giá trị từ trung gian của chính đức Kitô, và những trung gian đó không thể được coi là song hành hay bổ túc cho trung gian của đức Kitô” (RM 5). Vì vậy, chính trong tương quan với công trình cứu độ và tương quan với đức tin mà người ta phải xem xét mệnh lệnh truyền giáo của Chúa (Xc. Mc 16,15-16; Mt 28,19-20). Vì thế, khi tuân giữ mệnh lệnh truyền giáo sẽ là sự tuân giữ trong hân hoan xuất phát từ những đòi hỏi sâu xa của sự sống Thiên Chúa nơi chúng ta” (RM 11).
Như vậy, có một mối tương quan sâu xa giữa niềm tin Kitô của chúng ta, giữa sự uỷ thác truyền giáo của đức Kitô, với ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện qua đức Kitô và Người ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Chính đức Kitô đã uỷ thác việc rao giảng Tin mừng, Tin mừng tuyệt hảo, cho các Tông đồ và Giáo hội mà Người đã lập. Nếu Giáo hội không muốn rao giảng Tin mừng đức Kitô cho các quốc gia (cho muôn dân) chưa được nhận biết, có nghĩa là Giáo hội không tuân giữ mệnh lệnh truyền giáo của đức Kitô và sẽ đối chọi với đức tin của Giáo hội hoặc, theo lời diễn giải của đức Gioan Phaolô II, thì đó sẽ là một dấu chỉ khủng hoảng đức tin của Giáo hội (RM 2).
Rõ ràng, vì là công trình của Thiên Chúa, nên ơn cứu độ có thể đến với mọi người, cả nam lẫn nữ, qua những con đường và những trung gian khác, ngay cả khi chúng ta không rao giảng Tin mừng của đức Kitô cho họ, tuy nhiên điều này không muốn nói rằng Giáo hội có thể huỷ bỏ sứ vụ đã được đức Kitô uỷ thác cho mình. Thật vậy, việc công bố Tin mừng là kết quả và đòi hỏi của đức tin chúng ta, và nó là một sự cần thiết đối với ơn cứu độ của chúng ta.[1] Chính dưới ánh sáng và khía cạnh này mà mệnh lệnh rao giảng Tin mừng đức Kitô là bắt buộc đối với Giáo hội.
Khi biết rằng ơn cứu chuộc của Thiên Chúa có thể đến với mọi người nhờ ân sủng phát sinh từ đức Kitô và được Thánh Thần thông chuyển, ngay cả với những ai “không có cơ hội đi đến nhận biết và thừa nhận mạc khải của Tin mừng hoặc gia nhập Giáo hội” (RM 10; GS 22), thì đức Gioan Phaolô II khẳng định rõ ràng rằng một trong những lý do chính thúc đẩy Giáo hội rao giảng Tin mừng đức Kitô là sự tin nhận chắc chắn rằng sứ vụ này đã được chính đức Kitô uỷ thác cho Giáo hội (RM 1).
“Tại sao phải truyền giáo ?” Bởi vì đối với chúng ta, như thánh Phaolô, “ân sủng này đã được ban cho là để rao giảng cho Dân ngoại về sự phong phú khôn lường của đức Kitô” (Ep 3,8)” (RM 11).