TỪ ĐÁY LÒNG CHÚNG TÔI
Lời giới thiệu
Ngày hôm nay, việc có một niềm tin rõ ràng dựa trên Kinh Tin Kính của Hội Thánh lại thường bị dán nhãn là thuộc chủ nghĩa bảo thủ. Trong khi đó, thuyết tương dối, điều mà, làm cho ai đó bị “đánh trôi dạt đây đó theo mọi chiều gió đạo lý”, thì lại được xem như thái độ duy nhất có thể đối diện với thế giới hiện đại. Chúng ta đang xây dựng một nền độc tài của chủ thuyết tương đối mà trong đó không công nhận bất kỳ điều gì là vĩnh viễn và mục tiêu cuối cùng nó đưa ra cũng chỉ bao gồm duy nhất cái tôi và những khao khát của một ai đó mà thôi.
Joseph Ratzinger, bài giảng tại Đền thánh Phêrô, ngày 18 tháng 4 năm 2005
————————-
Tất cả mọi hoạt động đều phải bắt đầu trước tiên bởi một đời sống mạnh mẽ trong cầu nguyện, chiêm niệm, tìm kiếm và lắng nghe ý muốn Thiên Chúa.
Đức hồng y Robert Sarah, với Nicolas Diat, Sức mạnh của Thinh Lặng: Chống lại sự độc tôn của thế giới ồn ào
———————
Ghi chú của người biên tập
Chúng ta phải suy niệm trên những suy tư của một con người đang tiến đến những giây phút cuối cùng của đời mình. Tại thời điểm tối quan trọng này, người ta sẽ chẳng nói những điều quá bình dị.
Đức hồng y Robert Sarah,
Từ sâu thẳm trong tâm hồn chúng tôi: tiêu đề này thật đơn giản nhưng thật cảm động mà Đức giáo hoàng danh dự Bênêđíctô XVI và Đức hồng y Robert Sarah đã chọn cho quyển sách mà các ngài quyết định cùng xuất bản.
Những bài diễn thuyết của Đức Bênêđíctô XVI quả thật là hiếm. Tháng 3 năm 2013, Đức giáo hoàng danh dự đã mong ước được nghĩ hưu tại một tu viện trong khu Vườn Vatican. Ngài muốn dâng hiến những năm cuối đời mình cho việc cầu nguyện, suy niệm và học hỏi. Thinh lặng đã trở thành đền thánh cho một cuộc sống tránh xa tiếng ồn và bạo lực của thế giới này. Cho tới hôm nay, Đức Bênêđíctô XVI rất hiếm khi bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề quan trọng trong đời sống Hội Thánh.
Bản văn mà ngài cung cấp hôm nay, chính vì thế, lại trở thành một ngoại lệ. Chúng ta sẽ không nói về một bản biên tập hoặc về những ghi chép được tổng hợp trong suốt những năm qua, nhưng đúng hơn là một sự suy tư định hướng, tức là vừa lectio (giảng dạy, giải nghĩa), vừa disputatio (bàn luận,tranh luận) cùng một lúc. Ý định của Đức Bênêđíctô XVI đã được chỉ ra rõ ràng trong phần giới thiệu của ngài: “Chính vì sự khủng hoảng kéo dài mà chức linh mục đã phải đối diện trong suốt nhiều năm, nên điều cần thiết đối với tôi là phải tìm ra nguồn gốc sâu xa của vấn đề này.”
Những độc giả sắc sảo của Đức giáo hoàng danh dự sẽ chẳng mấy khó khăn để nhận ra phong cách viết, sự lập luận chặt chẽ và một nền sư phạm tuyệt vời của tác giả bộ ba quyển sách về Đức Giêsu Nadarét. Các lập luận được cấu trúc chặt chẽ, các trích dẫn thì rất phong phú và còn cả những tranh luận cũng thật bóng bẩy.
Tại sao Đức giáo hoàng danh dự lại mong ước làm chung công việc này với Đức hồng y Sarah? Hai vị là đôi bạn thân thiết. Các ngài thường giữ việc trao đổi thư tín thường xuyên để qua đó cùng chia sẻ với nhau những quan điểm, niềm hy vọng và cả những nỗi sợ hãi của các ngài.
Vào tháng 10 năm 2019, Thượng Hội đồng về Amazon – Hội đồng các giám mục, các tu sĩ nam nữ, và các nhà truyền giáo thảo luận riêng về tương lai của một khu vực rộng lớn – là thời điểm diễn ra cuộc tranh luận về trọng tâm của Giáo Hội mà trong đó, tương lai của chức linh mục công giáo được diễn tả theo nhiều cách khác nhau. Về phần mình, ngay từ mùa hè năm 2019, Đức Bênêđíctô XVI và Đức hồng y Robert Sarah đã trao đổi với nhau những bản văn, suy tư, và cả những đề nghị. Các ngài gặp nhau để làm sáng tỏ hơn những bản văn mà các ngài muốn tâm sự với các độc giả ở đây.
Đây quả thật là một đặc ân và một sự kinh ngạc với tôi khi được trở thành chứng nhân cho cuộc trao đổi này. Tôi không biết cám ơn các ngài thế nào cho đủ vì vinh dự các ngài dành cho tôi hôm nay khi để tôi trở thành người biên tập quyển sách này.
Bản văn của Đức Bênêđíctô XVI được đặt tên rất súc tích: “Chức linh mục của Giáo hội Công giáo”. Ngay lập tức, Đức giáo hoàng danh dự giải thích cách tiếp cận của ngài: “chính trong nền tảng của một tình huống thật nghiêm trọng nơi mà chức linh mục phải tìm thấy giá trị của chính mình trong thế giới hôm nay, thì chúng ta lại thấy một sự sai lầm có tính hệ thống trong việc đón nhận Kinh thánh như là Lời của Thiên Chúa”. Đây là một tuyên bố nghiêm trọng, gây nhiều âu lo và hầu như không thể tưởng tượng được.
Đức Bênêđíctô XVI không muốn tiếp cận vấn đề tế nhị này một mình. Sự cộng tác của Đức hồng y Robert Sarah đối với ngài quả thực là thích hợp và quan trọng. Đức giáo hoàng danh dự đã quen thuộc với một đời sống tâm linh sâu xa, cảm thức cầu nguyện, và sự khôn ngoan của Đức hồng y. Ngài có một niềm tin nơi Đức hồng y. Trong những nhận xét dành cho quyển Sức mạnh của Thinh lặng của Đức hồng y Robert Sarah, Đức Bênêđíctô XVI đã viết vào thời điểm Tuần Thánh năm 2017 thế này: “Đức hồng y Robert Sarah là một bậc thầy về tâm linh, ngài nói với chúng ta về sự thâm sâu của thinh lặng với Thiên Chúa, về chính sự kết hợp nội tâm của ngài với Người, và vì thế, ngài thực sự có điều gì đó để chia sẻ với chúng ta. Chúng ta phải biết ơn Đức Giáo hoàng Phanxicô vì đã chỉ định một bậc thầy tâm linh như thế đứng đầu một Bộ có trách nhiệm về cử hành phụng vụ trong Hội Thánh”.[1]
Về phần Đức hồng y Robert Sarah, ngài thực sự rất ngưỡng mộ công trình thần học, sức mạnh trong các suy tư, sự khiêm tốn và lòng bác ái của Đức Bênêđíctô XVI.
Ý định của hai tác giả được diễn tả cách hoàn hảo trong câu sau đây trích từ lời giới thiệu chung của các ngài cho quyển sách này: “ Sự tương đồng trong những nỗi bận tâm và sự hội tụ của những kết luận mà chúng tôi cùng có đã thuyết phục chúng tôi phải đưa hoa trái của công trình và tình bạn thiêng liêng này để phục vụ tất cả các tín hữu, theo gương thánh Âu-tinh”
Tình huống này thật đơn giản. Hai vị Giám mục đã quyết định đưa ra suy tư của mình. Hai vị đã quyết định mang hoa trái từ những nghiên cứu xuất sắc của mình ra công chúng. Bản văn của Đức Bênêđíctô XVI có vị thế thần học bậc nhất. Bản văn của Đức Hồng y Sarah lại có một sức mạnh giáo lý mạnh mẽ. Tranh luận của các ngài giao nhau, từ ngữ mà các ngài sử dụng bổ sung cho nhau và trí tuệ cũng đồng thời được khuyến khích.
Đức Hồng y Sarah đã chọn tiêu đề cho lá thư của ngài: “Yêu cho đến cùng: Một cái nhìn mục vụ và giáo hội học về sự độc thân linh mục”. Trong thư này, chúng ta lại tìm thấy sự can đảm, lối tiếp cận căn bản và cả chủ nghĩa thần bí, là những điều đã cùng nhau làm nên sự sôi nổi cho quyển sách này.
Đức Bênêđíctô XVI và Đức hồng y Robert Sarah mong mỏi mở ra và đóng lại cuốn sách này với hai bản văn cùng được nối kết nhau. Trong kết luận, các ngài viết: “Thật là khẩn cấp và cần thiết đối với tất cả chúng ta – các Giám mục, Linh Mục và giáo dân- để đừng cho phép chính mình bị hăm dọa bởi những vui thú dẫn đến sai lầm, những thực hành cường điệu, những lời dối trá của ma quỷ, và cả những sai lầm thời thượng vẫn đang cố gắng hạ thấp giá trị của sự độc thân linh mục.”
Rõ ràng rằng, Đức Bênêđíctô XVI và Đức hồng y Robert Sarah không muốn dấu đi bất kỳ nỗi lo lắng nào đang vây lấy trái tim của các ngài. Tuy nhiên, các ngài đã quá quen thuộc với Thánh Âu-tinh mà các ngài rất hay quy chiếu, đến độ các ngài biết rằng tình yêu sẽ luôn có tiếng nói cuối cùng.
Khẩu hiệu Giám mục của Đức hồng y Joseph Ratzinger chính là: “Cooperatores Veritatis”: chúng ta phải phục vụ theo cách thức mà chúng ta có thể trở thành “người cộng tác với sự thật”. Trong bài viết này, vào tuổi 92, ngài mong một lần nữa được phục vụ sự thật. Châm ngôn của Đức hồng y Sarah, được chọn khi ngài còn là một vị Tổng Giám mục trẻ của Conakry, thủ đô của Guinea, chính là “Sufficit tibi gratia mea”: “Ơn Thầy đủ cho anh”. Câu này được trích từ thư thứ hai của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, trong đó, thánh nhân mô tả những nghi ngờ của mình. Thánh Phaolô sợ rằng mình không đủ khả năng để truyền đạt giáo huấn của Tin Mừng cách hữu hiệu. Nhưng Chúa nói với thánh nhân rằng: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9)
Tôi muốn kết thúc phần nhận định này với hai trích dẫn mà vẫn cứ vang vọng cách mạnh mẽ ngày hôm nay. Câu thứ nhất trích từ bài giảng của Đức Bênêđíctô XVI trong thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống ngày 31 tháng 5 năm 2009: “Cũng như sự ô nhiễm không khí tồn tại sẽ làm hại môi trường và các cá thể sống thế nào, thì một trái tim và tinh thần bị ô nhiễm cũng sẽ hủy hoại và đầu độc đời sống tâm linh như vậy”. Câu thứ hai được lấy từ The Portal of the Mystery of Hope (Cánh cửa bước vào mầu nhiệm của niềm hy vọng) của Chales Péguy: “Điều làm Ta kinh ngạc, Chúa nói, chính là niềm hy vọng. Và Ta không thể chối từ nó. Niềm hy vọng nhỏ nhoi này xem ra chẳng có giá trị gì cả. Nó cứ là cô bé hy vọng nhỏ nhắn thôi.”
Trong khi tìm hiểu chiều sâu tâm hồn của mình, Đức Bênêđíctô XVI và Đức hồng y Robert đã cố gắng để xua tan sự ô nhiễm và mở ra cánh cửa cho hy vọng.
Nicolas Diat,
Rôma, ngày 6 tháng 12 năm 2019
[1] Hồng y Rober Sarah, với Nicolas Diat, The Power of Silence: Against the Dictatorship of Noise, Dg. Michael J. Miller (San Francisco: Ignatius Press, 2017), Sức mạnh của Thinh Lặng: Chống lại sự độc tôn của thế giới ồn ào, NXB Đồng Nai.