CẮT NGHĨA TỔNG LUẬN THẦN HỌC CHO CÁC THIẾU NHI – BÀI 21
BÀI 21: HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC LÀ GÌ?
Điều gì có thể mang lại hạnh phúc viên mãn cho bạn? Cùng một câu hỏi này, nếu hỏi mười người khác nhau bạn sẽ có mười câu trả lời khác nhau. Nhưng liệu có một từ ngữ nào có thể diễn tả điều làm cho tất cả mọi người được hạnh phúc không? Điều thú vị là mặc dù mỗi người chúng ta khác nhau về nguồn gốc, sở thích, cá tính… nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là ai cũng mong muốn được hạnh phúc.
Nếu tất cả chúng ta đều mong muốn được hạnh phúc thì thật là hợp lý khi chúng ta suy nghĩ xem hạnh phúc là gì, và làm thế nào đạt được hạnh phúc ấy? Triết học và thần học Kitô giáo sẽ giúp chúng ta trả lời câu hỏi này. Chúng ta biết rằng mọi sự hoàn hảo trong thế giới tự nhiên đều đã hiện hữu từ trước ở nơi chính Thiên Chúa, vì vậy nếu bạn gom tất cả sự hoàn hảo và tất cả những điều mà chúng ta nghĩ là sẽ làm cho mình được hạnh phúc, thì cuối cùng bạn sẽ nhận ra hạnh phúc đích thực chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ mang lại cho chúng ta sự hạnh phúc, thậm chí còn nhiều hơn những gì chúng ta có thể mong đợi nữa.
Bây giờ chúng ta bắt đầu hiểu rằng Thiên Chúa là Đấng thiện hảo và toàn năng. Người chính là hạnh phúc tuyệt hảo. Hiểu biết Thiên Chúa, yêu mến Thiên Chúa và được ở cùng Thiên Chúa, đó chính là đích điểm và mục đích của chúng ta. Hạnh phúc đích thực của chúng ta chính là Thiên Chúa. Bên cạnh đó, Thiên Chúa cũng đang thu hút, lôi kéo chúng ta đến gần với Người bằng việc cho chúng ta cảm nhận được hạnh phúc khi chúng ta chiêm ngắm vẻ đẹp và sự tốt lành của tất cả thụ tạo. Như vậy có thể nói là chúng ta đã được hưởng nếm trước sự hạnh phúc viên mãn đang chờ đợi chúng ta trên thiên đàng.
THÁNH TÔMA NÓI GÌ?
Với câu hỏi hạnh phúc có thích hợp với Thiên Chúa hay không, thánh Tôma đã trả lời rằng: Hạnh phúc thích hợp với Thiên Chúa trong một cách thức rất đặc biệt. Thực vậy, ta hiểu hạnh phúc là điều thiện hoàn hảo của một bản tính có trí năng nhận biết mình được sung mãn trong điều thiện mà mình sở hữu, đảm trách về những điều tốt hoặc xấu xảy ra cho mình, và làm chủ những hoạt động của mình. Cả hai điều vừa nói, nghĩa là hiện hữu hoàn hảo và hiêu biết, đều thích hợp với Thiên Chúa một cách tuyệt hảo nhất. Vì vậy hạnh phúc thích hợp với Thiên Chúa cách tuyệt vời nhất. (ST I, q.26, a.1)
SINH HOẠT THIẾU NHI
Hoạt động này cần tối thiểu bốn người cùng tham gia và một quản trò. Những người này đều quen biết nhau thân thiết. Vì vậy đây có thể là một hoạt động thú vị dành cho gia đình.
Mỗi người sẽ viết 5 điều trên những tấm thẻ khác nhau về những điều mà mình muốn trong một ngày lý tưởng (chẳng hạn: đi tắm biển, đi du lịch một vòng thành phố, được ngủ thêm, vv). Mỗi người có những sở thích khác nhau. Quản trò sẽ là người viết lại tất cả những điều lý tưởng ấy trong một trật tự lộn xộn và đọc lên cho mọi người cùng nghe. Tiếp đến, một người bắt đầu đoán ai và người đó muốn làm gì dựa trên những gì mới được đọc. Nếu đoán đúng thì người bị đoán sẽ bị lấy lại tấm thẻ. Nếu đoán sai, người bị đoán sẽ là người được đoán. Khi một người bị tước hết tất cả những tấm thẻ thì sẽ phải rời vòng chơi. Người còn lại sẽ là người thắng cuộc.
Như thường lệ, chúng ta sẽ có một cuộc thảo luận về ý nghĩa của trò chơi và nội dung bài học. Như bạn đã biết, mỗi người đều mong muốn hạnh phúc. Hạnh phúc của mỗi người là được thực hiện điều mình yêu thích. Nhưng qua bài học này chúng ta nhận biết rằng hạnh phúc đích thực của mỗi người chúng ta là chính Thiên Chúa.
PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI
Bạn nghĩ sao nếu chúng ta cùng ra ngoài để thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ? Ở mỗi câu hỏi bạn hãy đánh giá từ 1 (rất kinh khủng) cho đến 10 (tuyệt vời). Sau khi hoàn tất, chúng ta hãy cộng điểm ở từng mục. So sánh số điểm ấy trên thang điểm 40. Điều này sẽ chỉ ra mức độ hạnh phúc trong thân – tâm – trí của bạn.
1. Bạn thấy thiên nhiên, phong cảnh, thời tiết nơi bạn như thế nào? Nếu cảnh sắc tuyệt vời, ngất ngây lòng người (10 điểm). Hoặc cảnh vật thật thảm hại (1 điểm).
2. Bạn cảm thấy cơ thể mình thế nào? Bạn có thường gặp vấn đề về sức khoẻ không? Bạn thường xuyên mệt mỏi hay luôn tràn trề năng lượng? Bạn có đang cảm thấy thiếu thốn hay rất thoả mãn về mọi mặt? Bạn hãy đánh giá từ 1 – 10.
3. Tâm trạng của bạn lúc này thế nào? Bạn đang hân hoan hay buồn chán? Đang phấn chấn hay lo lắng? Bạn hãy đánh giá từ 1 – 10.
4. Bạn hiểu biết Thiên Chúa nhiều hay ít? Bạn có hiểu biết mọi thứ về Thiên Chúa không? Hay bạn hoàn toàn không biết gì về Thiên Chúa? (Vì chúng ta còn đang sống ở trần gian này, nên trong câu hỏi này chúng ta không thể cho điểm 10.)
Nào bây giờ bạn hãy cộng số điểm lại, và xem mình được bao nhiêu điểm nhé!
NGẪM NGHĨ
Khi bạn lặng nhìn cuộc sống, bạn sẽ tìm thấy niềm vui và hạnh phúc của chính mình. Khi bạn đói hoặc khát, có thể luôn có những quán ăn hay lương thực cần thiết cho bạn. Khi bạn muốn ăn mặc chỉnh tề, có thể luôn mặc những loại trang phục phù hợp. Khi bạn ốm đau, có thể luôn có dịch vụ y tế, bác sĩ, thuốc uống để bạn cảm thấy khoẻ hơn. Khi bạn mệt mỏi, có thể luôn có một nơi an toàn, thoải mái để bạn nghỉ ngơi…
Tất cả điều này mang đến cho chúng ta một mức độ hạnh phúc nào đó, nhưng lại không bao giờ mang lại cho chúng ta sự thoả mãn vĩnh viễn. Rồi chúng ta cũng sẽ đói và khát, chẳng phải cơn buồn ngủ hay mệt mỏi lại tiếp tục ập đến sao? Như vậy, chỉ có duy nhất một hạnh phúc đích thực, đó chính là Thiên Chúa. Chúng ta hãy nghĩ đến những điều thánh Tôma đã viết ở trên rằng: Chính Thiên Chúa là hạnh phúc, và một vài thụ tạo, mặc dù không phải là tất cả mọi loài, có thể tham dự vào sự hạnh phúc viên mãn này qua hoạt động nơi trí năng của mình. Khi biết rằng, bạn và tôi được ở trong số những thụ tạo có khả năng thực sự cảm nghiệm được Thiên Chúa một cách trọn vẹn nhất, đó chẳng phải là điều hãnh diện hay sao?
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, con khát khao Ngài như khát khao chính niềm hạnh phúc viên mãn của con. Chính Chúa là Đấng tạo dựng nên con và là suối nguồn của mọi khao khát nơi con. Chúa là Chân – Thiện – Mỹ của con. Lạy Chúa, xin cho con nhận biết Chúa cách tuyệt hảo nhất khi con còn đang sống ở đời này, và xin ban cho con một ngày kia được vui hưởng bên Chúa mãi mãi trên thiên đàng. Amen.