Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

CẮT NGHĨA TỔNG LUẬN THẦN HỌC CHO CÁC THIẾU NHI – BÀI 30

Administrator
2023-11-27 00:48 UTC+7 72
BÀI 30: TẠI SAO CÓ SỰ HƠN KÉM NHAU NƠI CÁC THỤ TẠO CỦA THIÊN CHÚA? Chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa qua những loài thụ tạo. Mỗi sinh vật đều cung cấp cho chúng ta những “manh mối” để nhận biết bản tính của Thiên Chúa. Nhưng điều này không hề giải […]

BÀI 30: TẠI SAO CÓ SỰ HƠN KÉM NHAU NƠI CÁC THỤ TẠO CỦA THIÊN CHÚA?

Chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa qua những loài thụ tạo. Mỗi sinh vật đều cung cấp cho chúng ta những “manh mối” để nhận biết bản tính của Thiên Chúa. Nhưng điều này không hề giải thích vì sao mội số loài lại vượt trội hơn, một số loài khác thì kém hơn. Bạn có đồng ý rằng, được làm người thì tốt hơn là làm một con sâu, đúng không? Và nếu không được làm người, tôi cá rằng bạn sẽ lựa chọn để làm một con sư tử hùng mạnh hơn là một sinh vật phù du trôi nổi trong đại dương rộng lớn.

Vậy tại sao Thiên Chúa lại tạo ra một thế giới có quá nhiều sự hơn kém nhau giữa các loài như thế? Tại sao mọi vật không đồng đẳng với nhau, hay tại sao ngay từ đầu Thiên Chúa chỉ tạo dựng một số ít các sinh vật thôi, vì vậy các sinh vật không cần phải trở nên quá thấp kém, không cần phải trở thành một loài sinh vật ít có giá trị, thậm chí còn bị coi là không có ý nghĩa.

Bạn thân mến, Thiên Chúa đã tạo dựng thế giới như một tổng thể, cần rất nhiều thành phần khác nhau. Tất cả những thành phần này hợp lại tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp. Mỗi sinh vật theo cách riêng của nó có thể góp phần vào sự hoàn hảo của bức tranh tổng thể ấy. Và sự hoàn hảo này cần một số sinh vật phải vượt trội hơn những sinh vật khác, và một số khác do đó phải kém hơn.

THÁNH TÔMA NÓI GÌ?

Với câu hỏi có phải sự hơn kém nhau của các vật hiện hữu là do Thiên Chúa, thánh Tôma đã trả lời rằng: Thiên Chúa đã tạo ra một hiệu quả tốt nhất trong toàn thể tính của nó; nhưng điều này không có nghĩa là Thiên Chúa tạo ra mọi thành phần của cái toàn thể ấy cũng hoàn hảo tuyệt đối, mà chỉ cần theo tỉ lệ (hơn kém) để mang lại cái tốt nhất cho cái toàn thể. Ví dụ trong trường hợp của một động vật, sự tốt lành của nó sẽ không còn nữa nếu mọi bộ phận cơ thể của nó đều có những phẩm tính của  con mắt. Vì vậy, Thiên Chúa đã tạo ra vũ trụ một cách tốt nhất như một tổng thể, phù hợp với cách thức của mỗi thụ tạo, chứ Thiên Chúa không tạo ra mỗi loại thụ tạo đều tốt nhất như nhau, nhưng để cho thụ tạo này tốt hơn thụ tạo kia… Sự hơn kém nhau đến từ sự hoàn hảo của một tổng thể. Điều này thường xuất hiện trong các công việc được thực hiện bởi nghệ thuật. Ta có thể thấy, phần mái của một ngôi nhà thì khác biệt so với nền móng. Sự khác biệt này không phải vì được làm ra bởi chất liệu khác nhau, nhưng là để ngôi nhà được làm cho hoàn hảo từ những phần riêng biệt khác nhau, người sáng chế sẽ tìm kiếm những chất liệu khác nhau, nhất định ông ta sẽ tạo ra các vật liệu ấy nếu ông ta có thể. (ST I, q.47, a.2, ad.1, 3)

SINH HOẠT THIẾU NHI

Bây giờ chúng ta sẽ đến một hoạt động rất thú vị. Bạn hãy mời các bạn nhỏ cùng đảm nhiệm một vở kịch mà khán giả có thể là phụ huynh và những người lớn khác, hoặc là anh chị em họ hàng. Bạn hãy quyết định mỗi bạn nhỏ sẽ có một vai trò khác nhau trong đoàn kịch, chẳng hạn: diễn viên, đạo diễn, thiết kế bối cảnh, thiết kế trang phục, phân phối vé, phát thư quảng cáo, và viết kịch bản. Bạn hãy chắc chắn rằng mỗi người đều có một vai trò và có một người sẽ chịu trách nhiệm để sắp xếp các bạn nhỏ với từng vai trò phù hợp.

Nào bây giờ chúng ta sẽ bắt tay vào việc viết kịch bản, làm việc trên trường quay, chuẩn bị các tài liệu quảng cáo, vé mời và thực tập. Hãy làm việc cùng nhau như một nhóm để diễn một vở kịch hay nhất có thể. Khi bạn đã sẵn sàng, hãy mời cha mẹ, hoặc những người lớn khác mua vé để xem vở kịch này nhé.

Khi hoàn tất, chúng ta cùng thảo luận về tầm quan trọng của mỗi vị trí, mỗi khâu diễn, và trách nhiệm của từng người để một vở kịch có thể thành công. Hãy nói về tầm quan trọng của mỗi người khi thực hiện vai trò của mình. Phải chăng vai trò của người này thì quan trọng hơn vai trò của người khác? Chuyện gì xảy ra nếu tất cả đều muốn làm diễn viên hay người soạn kịch, hay là đạo diễn của vở kịch? Điều gì xảy ra nếu một người không hoàn thành vai trò của mình? Và điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của vở kịch như thế nào? Cuối cùng, qua hoạt động này bạn hãy liên hệ đến bài học của chúng ta nhé!

PHIÊU LƯU NGOÀI TRỜI

Trong hoạt động cuối cùng của cuốn sách đầu tiên trong loạt “Thánh Tôma Aquinô Dành Cho Mọi Người”, chúng ta sẽ ra ngoài và xem chúng ta còn có thể tìm thấy điều mà nhiều người cho rằng rất tầm thường trong thế giới tự nhiên này hay không?

Hãy bước ra sân nhà, hoặc đến một con suối hay một cánh đồng, nơi mà bạn có thể nhìn thấy sự phong nhiêu của đời sống. Bạn hãy chuẩn bị thêm một cái lọ để có thể đựng những thứ mà bạn bắt được.

Bây giờ hãy thi đua để xem ai có thể tìm thấy một điều gì đó ít giá trị nhất. Đó có thể là một con bọ nhỏ, hay một cọng rơm… Bạn thử nhấc khúc gỗ hay một tảng đá lên để xem có gì dưới đó không? Cẩn thận đừng bắt những sinh vật có thể khiến bạn bị thương.

Khi mọi người quay trở lại với nhau, hãy so sánh những gì mà chúng ta đã tìm được. Bạn có thể nhìn ngắm chúng, và nói cho người khác biết mục đích của loài sinh vật này trong bức tranh toàn cảnh của thiên nhiên rộng lớn là gì? Có lẽ chúng không tầm thường như chúng ta thường nghĩa. Bởi vì chúng ta nhận ra rằng mọi loài động – thực vật đều đang thực hiện vai trò của mình, dù đó chỉ là một vai trò nhỏ bé, nhưng lại được đặt trong một kế hoạch lớn lao của Thiên Chúa.

NGẪM NGHĨ

Ở bài học trước, chúng ta đã tìm hiểu các sinh vật đơn giản chẳng hạn như một con ruồi, một con muỗi hay một con bọ nhỏ… Như bạn đã biết, mỗi một con bọ nhỏ cũng được tạo ra một cách rất cầu kỳ với hệ thống tuần hoàn máu, hệ thống tiêu hoá và hệ thống hô hấp phức tạp đến nỗi có thể đem lại cho chúng ta một sự kinh ngạc lớn lao và sự kính sợ vì Thiên Chúa đã tạo dựng mọi loài hoàn hảo đến vậy.

Trên thực tế, những con bọ nhỏ bé này có sự sống rất ngắn, và mục đích lớn nhất của chúng là trở thành thức ăn cho những loài động vật lớn hơn. Có những sinh vật có vòng đời ngắn, như con “ruồi nhà” chúng chỉ sống gần được 1 tháng, hoặc một con chuồn chuồn có thể may mắn sống trong vòng 24 giờ. Thế nhưng Thiên Chúa lại tạo ra chúng với quá nhiều chi tiết phức tạp và cũng dành sự quan tâm cho những thụ tạo xem ra thấp kém này.

Với con người, bạn thử nghĩ xem Thiên Chúa đã phải quan tâm và yêu thương nhiều đến cỡ nào để sáng tạo ra chúng ta. Thật không thể tin nổi với những điều chúng ta học biết về Thiên Chúa trong những bài học này. Qua những bài học này, chúng ta nhận biết chúng ta là ai và Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta mãnh liệt đến dường nào. Người còn khao khát dành cho chúng ta sự sống vĩnh cửu trên thiên đàng.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin giúp con dừng lại để nhận ra giá trị và tầm quan trọng của mỗi loại thụ tạo trong ánh sáng của sự hoàn hảo được thể hiện trong công trình sáng tạo của Chúa. Amen.

Chia sẻ