Hội Thảo Chuyên Đề: Những Thách Đố Của Việc Loan Báo Tin Mừng
Ban Thông Tin Học Viện Đaminh
(HV-TTHVĐM) – Lúc 7h30 ngày 13/4/2013, tại Trung Tâm Học Vấn Đaminh đã diễn ra hội thảo chuyên đề: Những Thách Đố Của Việc Loan Báo Tin Mừng. Tham dự buổi hội thảo có sự hiện diện của Cha bề trên Tu viện Rất Thánh Mân Côi, quý Bề trên, quý Cha giáo sư, quý Cha, quý thầy sinh viên, quý Soeur thuộc các hội dòng và quý khách.
Thuyết trình viên của buổi hội thảo gồm có Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục giáo phận Mỹ Tho, chủ tịch Uỷ ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN. Qua bài thuyết trình về đề tài: Hội nghị FABC với những thách đố của việc loan báo Tin Mừng, Đức Cha xoay quanh ba nội dung chính: (1). Mục đích và đường hướng của hội nghị FABC; (2). Đại hội lần thứ 10 của FABC; (3). Những suy nghĩ, nhận định về hội nghị FABC.
– Về mục đích và đường hướng của hội nghị FABC: Đức Cha trình bày rõ mục đích của hội nghị FABC nhằm hỗ trợ “Hội Đồng Giám Mục tại các quốc gia Á Châu” trong việc loan báo Tin Mừng. Nghiên cứu các phương thức thúc đẩy việc truyền giảng Tin Mừng sao cho phù hợp với bối cảnh văn hoá, xã hội Á Châu. Hội nghị FABC nhằm giúp thực hiện tính “đồng đoàn Giám mục”. Hội nghị FABC đề ra đường hướng đối thoại với người nghèo, đối thoại tôn giáo và các nên văn hoá, đối thoại với người vô tín ngưỡng.
– Về Đại hội lần thứ 10 của FABC: Đại hội nhìn lại 40 năm thành lập và qua đó, nhắc lại các chủ đề của các đại hội trước đó nhằm định hướng cho mục vụ. Một trong những chủ đề quan trọng được nhắc đến, đó là: Ơn gọi và sứ mạng của Giáo dân. Hội nghị nhấn mạnh đến những thách đố cho việc loan báo Tin Mừng. Một trong những thách đố được quan tâm nhiều, đó là hiện tượng toàn cầu hoá về kinh tế, văn hoá kéo theo những xu hướng hưởng thụ và luân lý tương đối.
– Sau cùng, Đức Cha nêu lên những suy ngĩ, nhận định về hội nghị FABC. Đức Cha nhấn mạnh đến sự say mê loan báo Tin Mừng. Qua đó, Đức Cha cho thấy hai mô hình loan báo Tin Mừng. Mô hình thứ nhất: đến với muôn dân, nhấn mạnh đến lý do nội dung của việc loan báo Tin Mừng: Tại sao loan báo? Loan báo điều gì? Đối tượng là những ai? Mô hình này đã được bàn thảo và áp dụng, nhưng hiệu quả lại khá khiêm tốn. Mô hình thứ hai: Từ giữa muôn dân, nhấn mạnh đến cách thế loan báo Tin Mừng: loan báo Tin Mừng như thế nào? Câu trả lời đó chính là “đối thoại”. Qua việc trình bày hai mô hình đó, Đức Cha nhận định: nếu quá nhấn mạnh mô hình thứ nhất thì thiếu đi động lực, và kết quả của việc loan báo Tin Mừng chưa đạt hiệu quả tốt. Chẳng hạn, con số giáo dân ở Đài Loan và Nhật Bản trong những năm gần đây không tăng thêm. Vì thế, Giáo hội Á Châu cần phải kết hợp cả hai mô hình này trong việc loan báo Tin Mừng.
Phần thứ hai của buổi hội thảo chuyên đề, do Cha Giuse Phan Tấn Thành, O.P., Giám đốc Trung Tâm Học Vấn Đaminh thuyết trình, với chủ đề: Giáo Hội Với Những Người Vô Thần – Vô Tín Ngưỡng. Bài thuyết trình của Cha Giuse được chia làm hai phần.– Phần I, Cha Giuse điểm qua những văn kiện Giáo hội với hai mốc thời gian: (1). Từ công đồng Vaticanô I (1870) đến Vaticanô II (1965); (2). Từ công đồng Vaticanô II đến nay.
– Phần II, Cha Giuse giúp các tham dự viên tìm hiểu về từ ngữ, các dạng thức vô thần, lịch sử hiện tượng vô thần ở Á Châu và văn hoá vô thần.
– Cuối cùng, cha Giuse trình bày về những suy nghĩ về hiện tượng vô thần, vô tín ngưỡng.
Buổi hội thảo kết thúc vào lúc 10h30. Tuy vậy, những thao thức của Kitô hữu về việc loan báo Tin Mừng không dừng lại trên những hiểu biết về lý thuyết, mà còn phải thực hành trong đời sống của chính Kitô hữu trước hết, nhờ đó mới có thể giúp người khác đón nhận Tin Mừng.