Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – Bài 29: Bí tích Hòa Giải trong Giáo Hội

Administrator
2019-12-09 15:00 UTC+7 5
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh Bài 29: Bí tích Hòa Giải trong Giáo Hội 1. Công đồng Vatican II nói rằng: “Ðặc tính thánh thiện và có tổ chức của cộng đoàn tư tế được thể hiện trong hành động nhờ các bí tích và các nhân đức” (LG 11). Trong bài giáo […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

Bài 29: Bí tích Hòa Giải trong Giáo Hội

1. Công đồng Vatican II nói rằng: “Ðặc tính thánh thiện và có tổ chức của cộng đoàn tư tế được thể hiện trong hành động nhờ các bí tích và các nhân đức” (LG 11). Trong bài giáo lý hôm nay, chúng tôi muốn trình bày chân lý này được phản ánh như thế nào qua bí tích Hòa Giải mà theo truyền thống gọi là Bí tích sám hối. Trong bí tích này, người tín hữu thực thi chức tư tế phổ quát, bởi vì trách nhiệm cơ bản của chức tư tế là lấy đi chướng ngại tội lỗi. Tội lỗi là điều ngăn cản mối tương quan mang lại sự sống với Chúa. Vì vậy, bí tích này đã được thiết lập để xóa bỏ những tội lỗi phạm phải sau khi rửa tội và những người được rửa tội có một vai trò thiết thực trong bí tích này. Hối nhân không bị giới hạn để tham dự một nghi lễ và đón nhận ân xá nơi bí tích như một chủ thể thụ động. Trái lại, cùng với sự giúp đỡ của ân sủng, họ chủ động trong cuộc đấu tranh chống tội lỗi bằng cách thú nhận lỗi lầm của mình và tìm kiếm sự tha thứ. Họ biết rằng, bí tích đòi hỏi phải có một hành động hoán cải từ phía họ. Với sự hiểu biết này, họ tham dự cách tích cực vào bí tích và hoàn thành vai trò của mình, như những gì đã có trong nghi lễ.

2. Chúng ta phải thừa nhận rằng: gần đây đã có một cuộc khủng hoảng ở nhiều nơi liên quan đến việc lãnh nhận Bí tích Hoà Giải của các tín hữu. Những lý do, liên quan đến tôn giáo và điều kiện văn hóa xã Hội của một bộ phận lớn trong nhân loại ở thời đại chúng ta, có thể được tóm tắt trong hai điểm. Một mặt, ý thức về tội lỗi đã bị suy giảm trong lương tâm của một số tín hữu, dưới sự ảnh hưởng của bầu không khí trong thế giới hiện nay đòi muốn tự do và độc lập hoàn toàn của con người, gặp khó khăn trong việc thừa nhận thực tế và tính nghiêm trọng của tội lỗi, thậm chí là thái độ mặc cảm tội lỗi của họ trước Chúa. Mặt khác, nhiều tín hữu làm như không thấy sự cần thiết và lợi ích của việc lãnh nhận bí tích này và thích tìm kiếm sự tha thứ từ Chúa trực tiếp hơn. Trong trường hợp này họ thấy khó khăn để chấp nhận sự hòa giải qua trung gian Giáo Hội trong việc được giao hòa với Thiên Chúa.

3. Công đồng Vatican II đã trả lời ngắn gọn về hai khó khăn này và xem xét tội lỗi ở khía cạnh hai mặt của nó, đấy là một hành vi phạm tội xúc phạm chống lại Thiên Chúa và gây tổn thương cho Giáo Hội. Chúng ta đọc trong thấy trong hiến chế Lumen Gentium của công đồng Vatican II: “Những ai đến nhận lãnh bí tích Hòa giải đều được Thiên Chúa nhân từ tha thứ những xúc phạm đến Ngài. Ðồng thời họ được giao hòa cùng Giáo Hội mà tội lỗi họ đã làm tổn thương” (LG 11). Ngắn gọn súc tích, suy nghĩ thấu đáo và được soi sáng, những lời của Công đồng đưa ra nhiều điểm quan trọng khác nhau cho bài giáo lý của chúng ta.

4. Trước hết, Công đồng Vatican II nhắc lại rằng bản chất cốt yếu của tội lỗi là hành vi phạm tội chống lại Thiên Chúa. Đây là một bằng chứng quan trọng bao gồm hành động lầm lạc của con người là những người cố tình khước từ và tự do chống lại thánh ý của Đấng Tạo Hóa, là Chúa của mình, vi phạm đến thiên luật – luật Thiên Chúa và tự do tùng phục sự ác. Đó là một sự xúc phạm đến vẻ uy nghi thiêng liêng. Thánh Tôma Aquinô đã không ngần ngại nói đến việc con người phạm tội: “tội chống lại Thiên Chúa có một sự vô hạn nhất định xét vì tính cách vô hạn của vẻ uy nghi nơi Thiên Chúa” (ST III, q.1, a.2, ad.2). Chúng ta phải nói rằng đó cũng là một hành động xúc phạm đến đức ái của Thiên Chúa ở chỗ nó vi phạm luật của tình bằng hữu và giao ước mà Thiên Chúa đã thiết lập cho dân và mọi người trong máu của Đức Kitô. Do đó, trong thực tế, phạm tội là một hành động ngoại tình, từ chối tình yêu của Thiên Chúa. Vì vậy, tội lỗi không phải là một lỗi đơn thuần của con người và cũng không chỉ gây ra thiệt hại cho người đó. Nhưng tội lỗi là một hành vi chống lại Thiên Chúa, không tuân theo luật Đấng Tạo Hóa và Thiên Chúa. Và do đó, xúc phạm tình phụ tử của Thiên Chúa. Tội lỗi không thể được xem xét chỉ từ quan điểm về hậu quả tâm lý của nó. Tội lỗi làm đổ vỡ mối tương quan của con người với Thiên Chúa.

5. Đặc biệt trong câu chuyện dụ ngôn về người con hoang đàng, Đức Giêsu làm cho chúng ta hiểu rằng tội lỗi là một sự xúc phạm đến tình yêu của Cha khi diễn tả về sự xúc phạm tột độ của người con đối với uy quyền và nhà của cha mình. Điều kiện sống của người con thứ đã bị đẩy xuống tới mức tận cùng. Điều này cũng phản ánh số phận bi thảm của con người đầu tiên là Ađam và cho cả dòng dõi sau này của ông. Tuy nhiên, món quà tuyệt vời mà Đức Giêsu ban cho chúng ta trong dụ ngôn này là sự mặc khải an ủi và bình an về tình yêu thương xót của người Cha. Với hai tay dang rộng, người cha trong dụ ngôn chờ đợi sự trở lại của đứa con hoang đàng, ông vội vã ôm lấy và tha thứ cho anh, xóa bỏ mọi hậu quả của tội lỗi và mở tiệc để mừng người con thứ bước vào cuộc sống mới (xc. Lc 15,11-32). Những hy vọng này đã tác động đến nhiều tâm hồn. Trong suốt nhiều thế kỷ Kitô giáo, đã có biết bao người đã tìm được lối thoát để trở về với Chúa bằng cách đọc lại câu chuyện dụ ngôn của thánh sử Luca. Thánh Luca đã được gọi là “tác giả diễn tả sự hiền lành của Đức Kitô.” Bí tích Hoà Giải là một phần mặc khải về tình yêu và lòng tốt của người cha mà Đức Giêsu chỉ cho chúng ta.

6. Công đồng Vatican II nhắc nhở chúng ta rằng: tội lỗi cũng là một vết thương mà Giáo Hội phải chịu. Trong thực tế, mọi tội lỗi đều làm tổn hại đến sự thánh thiện của Giáo Hội. Vì trong Kitô giáo, tất cả các tín hữu đều phụ thuộc lẫn nhau, không thể có một tội lỗi mà lại không ảnh hưởng đến toàn thể. Nếu đúng là những điều tốt đẹp được thực hiện bởi một người là lợi ích và giúp đỡ cho tất cả những người khác, thì thật không may, điều xấu xảy ra nơi một người cũng làm liên lụy, cản trở mọi người hướng đến sự hoàn thiện. Chân phước Elisabeth Leseur nói rằng: Nếu mọi người tìm kiếm sự hoàn hảo để nâng đỡ cả thế giới, thì mọi hành động phản bội tình yêu thiêng liêng cũng đều đè nặng lên thân phận con người và làm cho Giáo Hội trở nên hao mòn. Hòa giải với Thiên Chúa cũng là hòa giải với Giáo Hội, và trong một nghĩa nhất định cũng là giao hòa với tất cả thụ tạo. Sự hòa hợp với muôn loài đã bị tội lỗi làm hư hoại. Giáo Hội là trung gian của sự hòa giải này. Người thiết lập Giáo Hội đã trao quyền này cho Giáo Hội và giao cho Giáo Hội sứ mệnh và quyền “tha thứ tội lỗi”. Do đó, mọi trường hợp hòa giải với Thiên Chúa đều diễn ra trong một mối quan hệ minh nhiên hoặc ẩn tàng, có ý thức hoặc vô thức với Giáo Hội. Thánh Tôma Aquinô viết về “trong sự duy nhất của Thân thể mầu nhiệm, không có ơn cứu độ ngoài Giáo Hội, cũng như trong thời gian đại hồng thủy, không có sự cứu rỗi bên ngoài chiếc thuyền, biểu thị cho Giáo Hội, như thánh Phêrô cũng đã đề cập (1 Pr 3,20-21)” (ST III, q.73, a.3; xc. ST III, q.17, a.1.) Không còn nghi ngờ gì nữa về quyền tha thứ tội lỗi, quyền đó thuộc về Thiên Chúa, và sự tha thứ tội lỗi là việc làm của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, tội nhân đạt được ơn tha thứ từ Thiên Chúa khi tội nhân kiên trì vác thánh giá của Đức Kitô (xc. Ep 1,7; Cl 1,14,20). Đức Kitô truyền cho Giáo Hội sứ mạng và nhiệm vụ mang lại sự cứu rỗi cho toàn thế giới bằng danh của Người. Sự tha thứ được Thiên Chúa mời gọi và ban cho, nhưng điều đó không độc lập với Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập để cứu rỗi tất cả.

7. Chúng ta biết rằng để thông truyền những hoa trái của cuộc khổ nạn và cái chết của mình cho con người, Đức Kitô phục sinh đã trao cho các Tông đồ quyền tha tội: “Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,23). Trong Giáo Hội, các linh mục là người thừa kế sứ mệnh và quyền năng của các tông đồ, là tha tội nhân danh Đức Kitô. Tuy nhiên, chúng ta có thể nói rằng trong bí tích Hòa giải, sứ vụ riêng biệt của linh mục không loại trừ, mà bao gồm cả việc thực thi “chức tư tế chung” của các tín hữu – người đến với bí tích hòa giải và xin sự tha thứ dưới tác động của Chúa Thánh Thần – người đã biến đổi họ cách tường tận nhờ ân sủng của Đức Kitô, Đấng Cứu chuộc. Khi khẳng định vai trò của tín hữu, thánh Tôma Aquinô đã trích dẫn những câu nói nổi tiếng của thánh Augustinô: “Chúa dựng nên con không cần có con nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con.” (xc. St. Augustine, Super Ioannem, serm. 169, c. 11; ST III, q.84, a.5,7) Vai trò tích cực của Kitô hữu trong Bí tích này gồm việc nhận ra lỗi lầm của mình, cùng với “lời xưng tội”, có trường hợp ngoại lệ, được dành riêng cho linh mục, bày tỏ sự ăn năn của chính mình đối với hành vi phạm tội chống lại Thiên Chúa (sự chống đối); khiêm tốn vâng phục chức tư tế theo thể chế của Giáo Hội để nhận được dấu chỉ hữu hiệu của sự tha thứ thánh thiêng; thực hiện “việc đền tội” do linh mục đưa ra như một dấu hiệu của sự tham gia cá nhân vào sự hy sinh đền bù của Đức Kitô, Người đã hiến mình cho Thiên Chúa Cha như người đền bù vì tội lỗi của chúng ta; cuối cùng, tâm tình tạ ơn vì sự tha thứ mà chúng ta đã nhận được.

8. Cần nhắc lại rằng chúng ta đã nói chính xác về tội lỗi là bẻ gãy tình bạn với Thiên Chúa và đánh mất sự sống vĩnh cửu của chúng ta, đó là lý do tại sao tội được gọi là “tội phải chết”. Sự trông cậy nơi bí tích là cần thiết dù chỉ phạm một tội đưa đến cái chết mà thôi (DS 1707). Tuy nhiên, Kitô hữu tin vào hiệu quả tha thứ nơi bí tích giao hòa nên chạy đến với bí tích thường xuyên, thậm chí không phải trong trường hợp cần thiết. Trong đó, người tín hữu tìm thấy được sự nhạy bén ngày càng tăng của lương tâm và một sự tẩy rửa sâu sắc hơn bao giờ hết, nguồn bình an, sự trợ giúp trong việc chống lại cám dỗ và phấn đấu cho một cuộc sống đáp ứng ngày càng nhiều hơn những đòi hỏi của lề luật và tình yêu của Thiên Chúa.

9. Công đồng Vatican II nói rằng: Giáo Hội đứng về phía mỗi Kitô hữu như một cộng đồng, “Giáo Hội hằng nỗ lực lấy đức ái, gương lành và kinh nguyện, để hoán cải họ.” (LG 11). Người Kitô hữu không bao giờ bị bỏ lại một mình, ngay cả trong tình trạng tội lỗi. Người tín hữu luôn là một phần của “cộng đoàn tư tế”, cộng đoàn này hỗ trợ mỗi tín hữu với sự đoàn kết bác ái, tình huynh đệ và cầu nguyện để mỗi tín hữu có được ân sủng để phục hồi tình bạn với Thiên Chúa và cộng đoàn các “thánh”. Nơi bí tích hòa giải, Giáo Hội, cộng đoàn các thánh, cho ta thấy đó là một cộng đoàn tư tế của lòng thương xót và tha thứ.

Chia sẻ