Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

TGH Gioan Phaolô II – BÀI 38: HÀNG GIÁM MỤC LÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ VỊ CÁC TÔNG ĐỒ

Administrator
2019-12-19 15:53 UTC+7 5
Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh BÀI 38: HÀNG GIÁM MỤC LÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ VỊ CÁC TÔNG ĐỒ Các Tông đồ chỉ định những người kế vị nhằm tiếp nối và hoàn thành sứ mạng được uỷ thác, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần Trong buổi Tiếp kiến chung vào thứ […]

Giáo lý về mầu nhiệm Hội Thánh

BÀI 38: HÀNG GIÁM MỤC LÀ NHỮNG NGƯỜI KẾ VỊ CÁC TÔNG ĐỒ

Các Tông đồ chỉ định những người kế vị nhằm tiếp nối và hoàn thành sứ mạng được uỷ thác, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần

Trong buổi Tiếp kiến chung vào thứ Tư, ngày 8 tháng Bảy, Đức Thánh Cha tiếp tục bài giáo lý hàng tuần về mầu nhiệm Giáo Hội. Bài thứ 38, ngài nói về hàng Giám mục trong vai trò những người kế vị các thánh Tông đồ.

1. Căn cứ vào sách Tông đồ Công vụ và Thư của các Tông đồ, Hiến chế Lumen gentium nói, các Tông đồ “có nhiều người trợ giúp thi hành sứ vụ” (Lumen gentium, số 20). Thật vậy, như các cộng đoàn Kitô hữu được hình thành nhanh chóng và lan rộng sau ngày lễ Ngũ Tuần, cộng đoàn các Tông đồ chắc chắn rất nổi bật, cụ thể là nhóm những người sống ở Giêrusalem đã “được coi là những cột trụ như: Giacôbê, Kêpha và Gioan “, thánh Phaolô chứng thực trong Thư gửi tín hữu Galat (2,9). Phêrô được Đức Giêsu chỉ định là thủ lãnh của các Tông đồ và mục tử tối cao của Hội Thánh; Gioan, người môn đệ Chúa yêu; và Giacôbê, “người anh em của Chúa”, được biết đến như là người đứng đầu Hội Thánh ở Giêrusalem.

Tuy nhiên, ngoài nhóm Tông đồ, Sách Công vụ còn nhắc đến “các kỳ mục” (x. Cv 11,29-30; 15, 2. 4). Các Tông đồ và kỳ mục là những cấp bậc bổ trợ nhau đầu tiên của cơ cấu phẩm trật trong Hội Thánh. Các Tông đồ đã gửi một đại diện tên là Barnaba đến Antiôkia vì những tiến bộ trong công cuộc loan báo Tin mừng cho vùng đó (x. Cv 11,22). Sách Công vụ cũng nói về Saulô (Thánh Phaolô), sau biến cố trở lại và nỗ lực truyền giáo đầu tiên, đi với Barnaba (cũng được đặt làm “tông đồ”; x. Cv 14,14) đến Giêrusalem, là trung tâm thẩm quyền Giáo Hội, để trao đổi với các Tông đồ. Đồng thời, ngài cũng mang viện trợ vật chất cho cộng đoàn địa phương (x. Cv 11,29). Hội Thánh tại Antiôkia, cùng với Barnaba và Saulô, còn có “các ngôn sứ và thầy dạy… Simêon, người được gọi là Đen; Lukio người Kyrênê; Manaen” (Cv 13:1). Từ đó, Barnaba và Saulô được phái đi thực hiện sứ mạng tông đồ, “sau khi được các Tông đồ đặt tay” (x. Cv 13, 2-3). Từ thời điểm đó, Saulô bắt đầu được gọi là Phaolô (x. Cv 13,9). Khi có nhiều cộng đoàn được hình thành, chúng ta lại thấy rằng “họ đã bổ nhiệm các kỳ mục” (Cv 24,23). Trách nhiệm của những kỳ mục này được xác định chi tiết trong các Thư gửi cho Titô và Timôthê, là những người được Phaolô chỉ định lãnh đạo cộng đoàn (x. Tt 1, 5; 1 Tm 5,17).

Các Tông đồ chỉ định người kế vị

Sau Công đồng Giêrusalem, các Tông đồ đã phái thêm hai người lãnh đạo khác nữa đến Antiôkia cùng với Barnaba và Phaolô: đó là Xila và Giuđa, biệt danh là Basaba. Họ được coi là “những người có uy tín trong Hội Thánh” (Cv 15,22). Trong Thư của Phaolô, Titô và Timôthê cũng được kể là các “đồng nghiệp” và “bạn đồng hành” khác của nhóm Tông đồ (x. 1Ts 1,1; 2Cr 1,1; Rm 16,1.3-5).

2. Tại một thời điểm nhất định, Hội Thánh cần những người lãnh đạo mới, những người kế vị các Tông đồ. Công đồng Vaticanô II nói như sau, các Tông đồ “không chỉ để có thêm những người phụ tá trong các tác vụ, nhưng còn để cho sứ mệnh đã được trao phó có thể được tiếp tục sau khi các ngài qua đời, các Tông đồ đã ký thác, như một lời di chúc, cho các cộng sự viên trực tiếp của mình nhiệm vụ hoàn tất và củng cố công trình các ngài đã khởi sự, đồng thời căn dặn họ coi sóc toàn thể đoàn chiên trong đó Chúa Thánh Thần đã đặt họ làm người chăn dắt Giáo Hội của Thiên Chúa (x. Cv 20,28). Bởi vậy, các ngài chỉ định những người theo tiêu chí đó, và trao ban chức vị để khi các ngài qua đời, những người đã được thử luyện sẽ lãnh lấy tác vụ của các ngài” (Lumen gentium, số 20).

Sự kế thừa này được chứng thực bởi các tác giả Kitô giáo ngoài Kinh thánh đầu tiên, như Thánh Clement, Thánh Irênê và Tertullianô. Nó tạo thành nền tảng để lưu truyền các chứng ngôn tông đồ đích thực từ thế hệ này sang thế hệ khác. Công đồng nói: “Như thế, theo chứng từ của thánh Irênê, Truyền thống Tông đồ được tỏ hiện và được bảo tồn trên khắp hoàn cầu nhờ những vị được các Tông đồ đặt làm Giám mục và nhờ những người kế vị các ngài cho đến chúng ta ngày nay” (Lumen gentium, số 20).

3. Từ những bản văn tương tự, rõ ràng sự kế vị các tông đồ có hai khía cạnh mục vụ và đạo lý hỗ tương, liên tục trong sứ mạng của chính các Tông đồ. Về vấn đề này, cần phải làm rõ trên cơ sở các bản văn, như những gì đôi khi được nói về các Tông đồ, chẳng hạn như họ không thể có người kế vị bởi vì họ muốn cảm nghiệm mối tương quan tình bạn với Chúa Kitô trong cuộc sống trần thế của Ngài và vai trò duy nhất trong việc khởi xướng công cuộc cứu độ.

Đến đây, chắc chắn là các Tông đồ đã có một kinh nghiệm đặc biệt, một kinh nghiệm cá nhân không thể chia sẻ với người khác; các ông có một vai trò duy nhất trong việc thành lập Hội Thánh – đó là làm chứng và lưu truyền huấn từ của Đức Kitô,  mầu nhiệm về tri ​​thức trực tiếp mà các ông đã tiếp nhận, và việc thành lập Hội Thánh tại Giêrusalem. Song song đó, các ông cũng nhận được thẩm quyền và sứ mạng giảng dạy, lãnh đạo mục vụ nhằm mục đích phát triển Hội Thánh. Theo ý định của Đức Giêsu, sứ mệnh này có thể và phải được trao lại cho những người kế vị để hoàn thành công cuộc loan báo Tin mừng cho muôn dân. Do đó, theo nghĩa thứ hai này, các Tông đồ có các đồng nghiệp và những người kế vị sau này. Công đồng nhấn mạnh điều này nhiều lần (xem Lumen gentium số 18, 20, 22).

4. Các Giám mục hoàn thành sứ mạng mục vụ được các Tông đồ uỷ thác và có tất cả các quyền năng mà sứ mạng này đòi hỏi. Hơn nữa, giống như các Tông đồ, Giám mục thi hành sứ vụ ấy với sự giúp đỡ của những cộng sự. Chúng ta đọc thấy trong Hiến chế Lumen gentium: “Như vậy, các Giám mục nhận lãnh tác vụ coi sóc cộng đoàn cùng với các linh mục và phó tế làm phụ tá, khi thay mặt Thiên Chúa lãnh đạo đoàn chiên mà các ngài là những chủ chăn, với tư cách là thầy dạy giáo thuyết, tư tế lo phụng tự thánh và thừa tác viên lo việc cai quản.” (Lumen gentium, số 20)

5. Công đồng nhấn mạnh sự kế vị các tông đồ của hàng Giám mục qua việc tuyên bố rằng sự kế vị này thuộc thể chế thánh thiêng. Chúng ta đọc lại trong Lumen gentium: “Thánh Công đồng dạy rằng chính Chúa đã lập các Giám mục kế vị các Tông đồ với tư cách là những chủ chăn của Giáo Hội, ai nghe các ngài là nghe Đức Kitô, còn ai khước từ các ngài là khước từ Đức Kitô và Đấng đã sai Đức Kitô (x. Lc 10,16)”. (Lumen gentium, n. 20)

Các Giám mục đại diện Đức Kitô Mục Tử

Theo ý định của Chúa, các Giám mục đại diện cho Chúa Kitô theo cách ai lắng nghe các ngài là lắng nghe Chúa Kitô. Do đó, Người kế vị Thánh Phêrô không phải là người duy nhất đại diện cho Chúa Kitô Mục Tử, nhưng những người kế vị khác của các Tông đồ cũng là đại diện Chúa Kitô. Công đồng dạy: “Như thế, chính Chúa Giêsu Kitô, Linh mục thượng phẩm, hiện diện giữa các tín hữu qua các Giám mục được các linh mục trợ giúp” (Lumen gentium, số 21). Câu nói của Đức Giêsu “Ai nghe anh em là nghe Thầy ” (Lc 10:16), được Công đồng trích dẫn, có phạm vi áp dụng rộng lớn hơn bởi vì câu nói ấy gửi đến bảy mươi hai môn đệ. Chúng ta thấy trong các bản văn Công vụ Tông đồ, được trích dẫn trong hai đoạn đầu của bài giáo lý hôm nay, có rất nhiều cộng sự xung quanh các Tông đồ, một cơ cấu nhanh chóng hình thành, phân biệt giữa các kỳ mục (Giám mục và cộng sự) và phó tế, bên cạnh đó còn có sự giúp đỡ của những tín hữu khác, những người phụ giúp trong công tác mục vụ.

Chia sẻ