Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Giã từ năm 2024

Văn phòng Học Viện
2024-12-09 07:29 UTC+7 118

GIÃ TỪ NĂM 2024

Phan Tấn Thành

            Năm 2024 dương lịch sắp qua đi (năm phụng vụ thì đã qua rồi). Trước khi chia tay năm cũ, tôi muốn nhắc lại hai biến cố quan trọng đối với lịch sử Giáo hội Việt Nam xảy ra cách đây 100 năm về trước: 1/ Việc đổi tên các giáo phận. 2/ Thành lập Hội đồng sửa kinh.

I. Đổi tên các địa phận

            Ngày 3 tháng 12 năm 1924, Tòa thánh đổi tên các địa phận ở Việt Nam (xc. Acta Apostolicae Sedis 17, 1925, p. 25-26): tên cũ dựa theo vùng, tên mới dựa theo trụ sở nơi đặt tòa Giám mục.

Do đó, Đông Đàng Ngoài đổi thành Hải Phòng, Bắc Đàng Ngoài (Bắc Ninh), Trung Đàng Ngoài (Bùi Chu), Thượng Đàng Ngoài (Hưng Hóa), Tây Đàng Ngoài (Hà Nội), Duyên Hải Đàng Ngoài (Phát Diệm), Nam Đàng Ngoài (Vinh), Bắc Đàng Trong (Huế), Đông Đàng Trong (Qui Nhơn), Tây Đàng Trong (Sài Gòn). Tên của Phủ Doãn Lạng Sơn và Cao Bằng không thay đổi.

II. Thành lập Hội đồng sửa Kinh

            Trong lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, chúng ta nên ghi nhận hai “vùng văn hóa”: các địa phận được trao cho Dòng Đa Minh phụ trách (miền Đông Đàng Ngoài) gọi là các địa phận Dòng  và phần còn lại thuộc Hội Thừa sai Paris. Xin tạm gọi là hai vùng văn hóa, bởi vì các địa phận Dòng mang truyền thống  đạo đức Tây-ban-nha, đang khi các địa phận MEP mang nhiều sắc thái của nước Pháp. Một thí dụ cụ thể liên quan đến việc tôn kính Đức Mẹ: không những các  cha Dòng cổ võ việc đọc kinh Mân Côi (kinh Rosariô), mà lễ chính của giáo phận là lễ Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội (ngày 8 tháng 12); các cha MEP thì phổ biến việc cất hang đá Lộ-đức trong khuôn viên nhà thờ, và lễ chính của giáo phận là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời (ngày 15 tháng 8). Bên cạnh đó, nước Việt Nam gồm ba miền (Bắc Trung Nam) với những giọng điệu khác nhau và từ ngữ cũng khác nhau (Ngoài Bắc thì “ngắm”, trong Nam thì “gẫm”). Không lạ gì mà ý kiến thống nhất các kinh đọc được gợi lên từ công nghị Kẻ Sặt năm 1900:

Các vítvồ Vicario apostolico năm địa phận Đông, Tây, Trung, Bắc Đoài trong nước Annam đã kí tên dưới này xét rằng: nếu các địa phận ta có dùng một sách kinh và một sách bổn lẽ cần y như nhau thì tiện lắm, vì sách ấy là nền là căn nguyên mọi sụ kẻ có đạo phải thuộc phải biết; song le bởi vì xưa nay có sách kinh sách bổn khác nhau, mà trong Công đồng này đã hội ít ngày không kịp khảo xét các sách ấy và chép lại làm một, cho nên ta hợp một ý mà ước ao một điều này là mỗi đấng Vítvồ khi về nhà rồi, thì liệu cho kíp mà chọn trong các thày cả missionariô địa phận mình hai ông khôn ngoan thông thái tiếng Annam, để mà xem xét cho kĩ càng so sánh các bộ kinh bổn các địa phận đang dùng vuối nhau, chửa dịch các tiếng Latin trong những sách ấy ra tiếng Annam, rồi luận sách nào tốt hơn hay là soạn lại các sách ấy vào một quyển riêng; xong việc thì phải làm giấy kê mọi sự đã làm cùng nộp hầu bề trên riêng mình, để đến khi hội Công đồng lần sau hay là dịp khác các đấng Vicariô apostolicô bàn định vuối nhau sách kinh và sách bổn nào bổn đạo phải tuân cứ trong năm địa phận”.

Ước nguyện được thành hình năm 1924, với việc thành lập “Hội nhóm sửa kinh”. Trong báo Nam ký địa phận, số 793, ngày 5-6-1924, trang 343-344, cha Hồ Ngọc Cẩn cho biết thông tin như sau. Hội đồng này gồm đại diện các địa phận Việt Miên Lào, với các thành viên: 1/ Chabanon (Huế) là chủ tịch; 2/ Moreno (Đaminh); 3/ Hergott (Căm-bốt); 4/ Dalaine (Nghệ an); 5/ Bouilet (Phát diệm); 6/ Lalanne (Qui nhơn); 7/ Huy (Bùi chu); 8/ Tòng (Sàigòn); 9/ Trí (Hưng Hóa). Hội đồng dã làm việc tại tòa giám mục Huế trong vòng 3 tuần lễ, từ ngày 28/4 đến 17/5.

Hội đồng không duyệt tất cảc kinh, mà chỉ hạn chế vào các bản kinh đọc sáng tối, đọc ngày thường. Để có một khái niệm về công tác thống nhất các kinh đọc, chúng tôi xin trưng dẫn hai thí dụ về kinh Lạy Cha và kinh Kính mừng rất quen thuộc  đối với chúng ta.

A.    Kinh Lạy Cha

(Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2020/02/18/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh-lay-cha-phan-5c/

Bản 1632

(Viết lại theo văn phạm hiện thời):

Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng. Quốc Cha trị đến. Vâng ý Cha làm trưng (chưng) đất bằng (chưng) trời vậy. Chúng tôi trông Cha rày cho chúng tôi hằng ngày dùng đủ, mà tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi ít tha kẻ chủ nợ tôi vậy. Lại chớ để chúng tôi sa trưng (chưng) cám dỗ, bèn chữa chúng tôi chưng tai dữ.

Bản 1700-1750

Chúng tội lậy thiên địa chân chúa ở trên blời là cha chúng tôi. Chúng tôi nguyện danh (cha) cả sáng. Cuốc cha trị đến. Vâng ý cha (làm?) dưới đất bằng trên blời vậy. Chúng tôi xin cha rày chúng tôi hằng ngày dùng đủ. Ma tha nợ chúng tôi bằng chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi vậy. Xin chớ để chúng tôi sa chưng cám dỗ. Bèn chữa chúng tôi chưng sự dữ.

Bản 1905

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đên. Vưng ý Cha làm dưới đất bằng trên trời. Chúng tôi xin rày hằng ngày dùng đủ. Và tha nợ chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi. Lại chớ để chúng tôi phải sa cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ.

Bản kinh đã sửa (Sách Nhựt Khóa địa phận Saigon 1949)

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời, chúng tôi nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, vưng ý Cha dưới đất bằng trên trời vậy. Xin Cha cho chúng tôi rày hằng ngày dùng đủ, và tha nợ chúng tôi như chúng tôi cũng tha kẻ có nợ chúng tôi, lại chớ để chúng tôi sa chước cám dỗ, bèn chữa chúng tôi cho khỏi sự dữ. Amen

Bản kinh hiện nay (từ năm 1969).

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi (mọi) sự dữ.

Nhân tiện cũng nên biết Kinh Lạy Cha theo bản dịch Tin Lành 1925

Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; Danh Cha được thánh; Nước Cha được đến; Ý Cha được nên, ở đất như trời! Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày; Xin tha tội lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi; Xin chớ để chúng tôi bị cám dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!

 

            B. Kinh Kính mừng

https://nghiencuulichsu.com/2021/01/04/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-cac-khuynh-huong-dich-tieng-nuoc-ngoai-ra-tieng-viet-truong-hop-ban-kinh-kinh-mung-phan-26    

Kinh Kính Mừng bằng chữ Nôm – tiền bán TK 17

A Ve Ma Ri A, đầy ga ra sa, Chúa Dêu ở cùng Bà, nữ trung Bà có phúc lạ, Bà thai tử Giê Su , Người là Mẹ Đức Chúa Trời, thì  xin cầu cho chúng tôi vì là kẻ có tội , lại xin phù hộ khi còn sống và khi rình qua đời

 Kinh Kính Mừng thời LM Philphê Bỉnh (1759-1833) – Đàng Ngoài

A ve Ma Ri A , đầy ga ra sa, Chúa Dêu ở cùng Bà, nữ trung Bà có phúc lạ,  Bà thai tử Giê Su gồm phúc lạ, San Ta Ma Ri A , Đức Mẹ Chúa Dêu, cầu cho chúng tôi, kẻ có tội khi nay, cập thần đẳng tử hầu, A men“. 

Kinh Kính Mừng bằng chữ Nôm năm 1869

A Ve Ma Ri A đầy ga ra sa chúa Deo ở cùng bà nữ trung bà có phúc lạ bà thai tử Giê Su gồm phúc lạ Sang Ta Ma Ri A đức mẹ chúa Deo cầu cho chúng tôi kẻ có tội khi nay cập thần đẳng tử hầu

 Kinh Kính Mừng vào cuối TK 19 và đầu TK 20

Ave Maria, đầy ga-la-ti-a, Chúa Dêu ở cùng bà, nữ trung bà có phước lạ, thai tử Giê-su gồm phước lạ. Xăng-ta Maria, Đức Mẹ Chúa Dêu, cầu cho chúng tôi, khi nay và cập thần đẳng tử hậu. Amen.

Ga-la-ti-a tức  là Gratia (tiếng Latinh ): ân sủng, ân phước.

Chúa Dêu, tức là Deus (tiếng Latinh): Đức Chúa Trời, Thiên Chúa, phát âm theo kiểu Bồ Đào Nha.

Nữ trung bà có phước lạ, dịch lại là: “Bà có phước lạ hơn mọi người nữ”,

 khi nay và cập thần đẳng tử hậu thì dịch lại là “khi nay và trong giờ lâm tử”.

Kinh Kính Mừng hiện đại

 “Kính mừng Maria đầy ơn phúc (phước), Ðức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ, hơn mọi người Nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi này (nay) và trong giờ lâm tử. Amen”.

 

Chia sẻ