Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thần bí và Ngôn sứ – Truyền thống Đa Minh: Chương 6

Administrator
2023-08-21 00:21 UTC+7 45
Thần bí và Ngôn sứ Truyền thống Đa Minh Richard Woods O.P. Lớp Thần I, niên học 2020-2021 biên dịch. ——————– Chương 6. CATARINA SIENA: THẦN BÍ TRONG HOẠT ĐỘNG Ngôn sứ chỉ là nhà thần bí trong việc kiểm soát những sức mạnh của lịch sử, công bố hậu quả tất yếu của chúng: […]

Thần bí và Ngôn sứ
Truyền thống Đa Minh

Richard Woods O.P.

Lớp Thần I, niên học 2020-2021 biên dịch.

——————–

Chương 6.

CATARINA SIENA: THẦN BÍ TRONG HOẠT ĐỘNG

Ngôn sứ chỉ là nhà thần bí trong việc kiểm soát những sức mạnh của lịch sử, công bố hậu quả tất yếu của chúng: nhà thần bí là ngôn sứ trong hoạt động. Theo nhà ngôn sứ, sự chắc chắn về mặt nhận thức của nhà thần bí trở nên lịch sử và đặc thù; và đây là số mệnh tất nhiên của sự chắc chắn đó: kinh nghiệm thần bí phải tự hoàn thiện trong ý thức ngôn sứ.

William Ernest Hocking,
The Meaning of God in Human Experience1

Các ngôn sứ không những thường không được tôn trọng ở chính quê hương mình, họ còn đi đến một kết cục tồi tệ từ phía những người đồng hương. Nhưng dù bị thất bại, kể cả chịu tử đạo, ơn gọi hoặc thành quả của ngôn sứ cũng không mất hiệu lực, và thậm chí lại được xác minh. Dù sao đi nữa, cho dù ta đồng ý hay không với Rudolf Bell rằng Catarina Siena kết thúc chuỗi ngày thất bại vì mawxc bệnh hoang tưởng tự đại, nhưng không thể nào nghi ngờ vai trò của chị giống như một ngôn sứ hăng hái và hiệu năng như Đê-bô-ra, Gia-ên, Giu-đi-tha hoặc Ét-te.2

Catarina cũng được xếp vào một trong những nhà thần bí vĩ đại của Giáo hội, không những vì đạo lý tâm linh, mà còn vì những thị kiến và mặc khải cũng như những cảm nghiệm biểu tượng và lạ thường của sự kết hiệp tiệm tiến với Thiên Chúa – kết hôn thần bí, sự hoán đổi trái tim với Đức Ki-tô, các dấu tích – điều mà người đời có lẽ quá dễ dàng đồng hóa với cuộc sống thần bí.3 Dù sao, rất nhiều những người nam nữ bình thường đã bị lôi cuốn bởi sự duyên dáng, sức sống và phán đoán của chị cũng như là điều kỳ diệu và phép lạ vậy.

Tình yêu của Catarina dành cho Dòng Đa Minh, một cách đặc biệt là sự ủng hộ phong trào cải tổ cuối thời Trung Cổ, khiến cho chị được mang danh hiệu là vị sáng lập thứ hai của dòng. Về điểm này, chị rất giống với Têrêsa Avila, một vị thánh thời danh, nhà thần bí, văn sĩ tâm linh và cải tổ dòng Carmel, cùng được Đức Giáo hoàng Phaolô VI phong làm Tiến sĩ Hội thánh năm 1970.

Cũng như Têrêsa, Catarina không phải là một nhà thần học tín lý. Chúng ta sẽ không tìm thấy trong các tác phẩm của chị sự phân biệt giữa diễn từ phủ định và khẳng định hoặc những tranh luận chung quanh việc không thể hiểu biết Thiên Chúa. Chị là một người chiêm niệm trong hoạt động và là một văn sĩ tâm linh với trực giác và năng lực lạ lùng, mang lại lời khuyên kích cho những người mà chị viết thư, từ những giáo dân cho đến Giáo hoàng. Tuy nhiên, vì chị là một phần tử Đa Minh, trong số những nhận vật vĩ đại nhất, điều đáng nghiên cứu là liệu có thể gặp thấy trong các tác phẩm của chị những đạo lý của những người thầy và anh em (và nhà thần bí) vĩ đại trong Dòng hay không.

CUỘC SỐNG DỒI DÀO

Giống như thân phụ của Phan-xi-cô Assisi, ông Giacomo Benincasa là một thợ nhuộm. Ông và bà vợ, Lapa Piagenti, có một gia đình đông con. Catarina chào đời khoảng năm 1347, là người con út trong gia đình có 25 người con. (Giovanna, người chị em sinh đôi, chết sau khi chào đời một thời gian ngắn.) Khi được 6 tuổi, Catarina đã thấy thị kiến đầu tiên về Đức Ki-tô trên bầu trời tu viện Đa Minh gần đó. Một năm sau, chị hứa giữ mình trọn đời trinh khiết. Năm 1362, chị tái xác định quyết tâm của mình không kết hôn sau khi bà chị Bonaventura qua đời, một người đã từng khuyên Catarina trang điểm để tiến tới hôn nhân. Và theo lời khuyên của người anh họ, một tu sĩ trẻ Đa Minh, chị đã mạnh dạn cắt tóc. Những nỗ lực của thân mẫu Mona Lapa để thúc đẩy chị thay đổi ý nghĩ đã thất bại.

Khoảng năm 1363, Catarina gia nhập nhóm Mantellate – một nhóm phụ nữ giáo dân, hầu hết là những góa phụ lớn tuổi, được kết nạp với Dòng Đa Minh. Đến năm 18 tuổi, chị đã vượt qua mọi sự kháng cự để thực hiện các kế hoạch của mình. Thân phụ dành cho chị một phòng riêng trên tầng gác mái, nơi Catarina sống cuộc sống ẩn dật, khổ hạnh và cầu nguyện.

Cuộc biến đổi trong Đức Ki-tô

Trong vỏ ốc thần bí này, Catarina đã trải qua một chuỗi những cảm nghiệm lên đến tột đỉnh vào khoảng sau 3 năm, sau khi thân sinh qua đời, qua cuộc biến đổi lần thứ hai. Sau khi trải nghiệm một thị kiến, trong đó Đức Ki-tô đã kết hôn với chị và đã ủy thác cho chị đi gieo vãi tình yêu của Người khắp thế giới, chị đã bước ra khỏi cuộc sống ẩn dật và lên đường phục vụ người nghèo và bất hạnh của thành phố Siena. Nhưng công việc của chị nhanh chóng dẫn chị đi xa hơn những người phong cùi, nạn nhân bệnh dịch, người nghèo, bệnh tật và những người vô gia cư ở thành phố, và chị tập trung nguồn năng lực đáng kể của mình để hòa giải giữa các thành phố ở Ý đang giao chiến với nhau, chỉnh đốn việc lạm dụng quyền lực và đặc quyền, cải tổ Dòng Đa Minh, và thậm chí đưa Đức Giáo Hoàng về Rô-ma.

Năm 1370, Catarina lúc này 23 tuổi, đã trải qua một cuộc trao đổi trái tim với Chúa Giê-su, Người đã nói: “Này con gái yêu dấu, cách đây vài ngày, Ta đã lấy trái tim của con; bây giờ, cũng như vậy, Ta ban cho con trái tim của chính Ta. Trong tương lai, con hãy sống bằng trái tim này.”4

Nhà thần bí giữa chợ đời

Trong bốn năm, Catarina đã tiếp tục chăm sóc người bệnh tật và nghèo túng. Một nhóm các môn đệ của chị đã bắt đầu hình thành. Được quy tụ từ những người nam nữ giáo dân, các tu sĩ Đa Minh, các linh mục giáo phận và thậm chí những thành viên của tầng lớp quý tộc, họ coi mình như một gia đình thiêng liêng và gọi chị bằng “Mẹ”. Hơn kém vào thời điểm này Catarina đã học đọc cách phi thường và chị bắt đầu đọc cho người khác viết một loạt các lá thư. Một trong những mục tiêu chị nhắm đến là một cuộc Thập tự chinh mới giải phóng Đất Thánh, và luôn tiện, hợp nhất thế giới Ki-tô giáo.

Năm 1374, vị Bề trên tổng quyền của Dòng bắt đầu quan tâm đến tiếng tăm ngày càng lớn của người thiếu nữ giáo dân Đa Minh ở Siena, về việc hướng dẫn tâm linh, cải tổ và các thị kiến. Được triệu tập đến Tổng hội Dòng họp tại Florence, Catarina đã được thẩm vấn kĩ lưỡng. Được giải trừ khỏi mọi cáo trạng, chị trở về Siena, mặc dù Tổng hội đã chỉ định cha Raymond Capua, một nhà thần học và nhà quản trị tài ba, làm linh hướng cho chị và những người đi theo chị. Những nghi ngờ ban đầu của cha Raymond về những thị kiến và sứ mệnh của chị sớm được xua tan, và cha đã trở nên vừa là môn đệ vừa là người hướng dẫn chị.

Đối đầu với giới quý tộc và thế quyền: các dấu tích

Catarina đã không dừng chân ở lại Siena. Sau khi viếng ngôi mộ thánh Agnes Montepulciano, người phụ nữ Đa Minh đầu tiên được ghi vào sổ bộ các thánh, chị dấn thân vào một loạt những sứ mệnh vất vả cho Florence và những thành phố khác với tư cách là nhà ngoại giao và sứ giả hòa bình. Năm 1375 tại Pisa, trong khi đang cầu nguyện trong nhà thờ thánh Christina, Catarina đã nhận được dấu tích, mà theo lời thỉnh cầu của chị, vẫn không tỏ lộ cho đến khi chị qua đời.

Năm sau, Catarina và những người đi theo chị đã đến Giáo triều để xin thỉnh nguyện Đức Giáo hoàng Grêgoriô XI nhân danh Florence, thành phố đã chống lại lực lượng của Giáo hoàng và đã bị phạt cấm chế. Từ năm 1305, ngoại trừ một giai đoạn ngắn từ năm 1367-1370, Giáo hoàng đã cư ngụ tại Avignon, nơi các Giáo hoàng yếu ớt người Pháp dễ dàng bị kiểm soát bởi các vua quyền lực của Pháp. Catarina lợi dụng cơ hội để thuyết phục Giáo hoàng trở về Roma và chấm dứt cuộc “lưu đày Babylon” của Giáo hội. Bất chấp lời van nài của gia nhân, sự phản đối của các Hồng y Pháp, ý muốn của nhà vua, và lời bàn của các cố vấn, giáo hoàng Grêgoriô đã làm điều mà Catarina (và những người khác) yêu cầu.

Sau một cuộc hành trình gian truân, Đức Giáo hoàng đã chính thức bước vào Roma vào tháng giêng năm 1377. Tuy nhiên, bởi vì không thỏa mãn ở thành phố sa đọa và bất ổng, chỉ mới một năm ngài đã dự định trở lại Avignon nhưng ngài đột ngột qua đời. Dân chúng Rôma đòi hỏi một vị Giáo hoàng người Ý. Hoảng sợ trước đám đông, các Hồng y đã bầu Tổng Giám mục Bari làm Giáo hoàng, lấy hiệu là Urbanô VI. Đây là vị Giáo hoàng đầu tiên không phải là người Pháp trong vòng 60 năm. Urbanô là một người bốc đồng, khắc nghiệt và tinh thần bất ổn. Sau bốn tháng nặng nề, các Hồng y Pháp rời bỏ Roma, tuyên bố cuộc bầu cử Urbanô vô hiệu vì lý do bị cưỡng ép, và bầu Robert de Genève làm giáo hoàng Clêmentê VI. Tuy tính tình cũng khắc nghiệt như Urbanô, nhưng vị ngụy Giáo hoàng này không phải là điên khùng, và đã thành lập giáo triều tại Avignon. Đại ly giáo Tây phương đã bắt đầu.

Cải cách Giáo hội: Catarina ngôn sứ và giảng thuyết

Catarina trở về sinh quán vào cuối năm 1376, vẫn ủng hộ Đức Urbanô VI bất chấp những hành động quá khích của ngài, bởi vì chị hiểu rõ cách sáng suổt sự khác biệt giữa chức vụ và cá nhân. Mặc dù rõ ràng là Urbanô mang nhiều khuyết điểm nhưng ngài là một Giáo hoàng hợp pháp. Chị đã hoàn thành kiệt tác “The Dialogue” (Đối thoại). Sau đó, Catarina bắt đầu đọc cho viết một loạt những bức thư gửi cho chính Đức Urbanô, các Hồng y, các Giám mục, giới quý tộc và giới giáo sĩ ở Âu châu. Năm 1378, Đức Urbanô đã triệu chị về Roma, nơi Catarina đã dành 18 tháng còn lại của đời mình để bảo vệ vị Giáo hoàng và dốc sức để khôi phục lại sự thống nhất của Giáo hội.

Chị đã viết, giảng thuyết, cầu nguyện và cố gắng vượt quá sức lực của mình. Cuối cùng, thất bại trong việc hòa giải giữa Đức Urbanô và những đối thủ của ngài, chị đã đổ bệnh nặng, không thể (hoặc không muốn) ăn hoặc uống. Suốt hai tháng trường chị nằm liệt giường. Thế rồi, ngày 29 tháng 4 năm 1380, giữa các môn đệ vây quanh, chị đã qua đời đang khi kêu cầu lòng thương xót của Máu Thánh Chúa Giê-su.

Là một trong những phụ nữ tài năng phi thường nhất thuộc mọi thời đại, Catarina đã được ghi vào sổ bộ các thánh năm 1461. Năm 1939, Đức Giáo hoàng Piô XII đã tuyên bố chị là bổn mạng nước Ý cùng với thánh Phanxicô Assisi. Và năm 1970, chị và thánh Têrêsa Avila, hai người có nhiều nét giống nhau về cuộc đời và sự nghiệp, đã được Đức Phaolô VI tuyên bố là những phụ nữ đầu tiên làm Tiến sĩ Giáo hội.

NHỮNG TÁC PHẨM CỦA CATARINA

Mặc dù phần lớn cuộc đời mình, Catarina không biết đọc biết viết, nhưng các tác phẩm do chị viết ra thật đáng ngạc nhiên. Trong số những văn liệu được lưu giữ do các học trò và những người nhận thư, có 382 lá thư, Sách về Thiên Chúa Quan Phòng, thường được biết đến dưới cái tên là Đối thoại (The Dialogue), và hai mươi sáu lời cầu nguyện dài được các học trò ghi lại đang khi chị xuất thần.

Ngoài các tác phẩm do chính chị viết ra, những nguồn dữ liệu chính bao gồm tác phẩm Cuộc đời (hoặc Legenda Maior: hạnh tích dài) viết bởi cha Raymonđô Capua; những lời khai của 23 nhân chứng tại Venice trong thủ tục tố tụng phong thánh từ năm 1411 đến 1416; và Hạnh tích ngắn (Legenda minor) và Phụ trương tác phẩm Cuộc đời của cha Raymonđô viết bởi Tommaso Caffarini. Thêm vào đó là một vài tác phẩm ngắn bắt nguồn từ nhóm các môn đệ của Catarina, trong đó có “Khảo luận về sự hoàn thiện viên mãn”.5

LINH ĐẠO CỦA CATARINA

Cuộc đời và giáo huấn của Catarina tập trung vào tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi thụ tạo; cuộc khổ nạn cứu chuộc và cái chết của Đức Giê-su, Chân lý Nhập thể, cây Cầu giữa Thiên Chúa và nhân loại, và là Tình nhân của linh hồn; và sự đáp trả của những bạn hữu Thiên Chúa bằng tình yêu vượt lên bản thân, được biểu lộ bằng việc phục vụ chân lý và công bình, đặc biệt đối với người nghèo và người đau khổ.

Một trong những nguồn phong phú nhất về linh đạo của Catarina có thể được tìm thấy trong các lá thư, nơi chị trình bày các đề tài sở trường của mình, chẳng hạn như chìm đắm trong đại dương hiện hữu của Thiên Chúa và cắt tỉa gốc rễ của lòng yêu mình bằng con dao của sự ghét mình. Catarina thích thú ghép các hình ảnh chồng chất lên nhau: Cái giếng của linh hồn, Căn phòng của việc biết mình, Đức Ki-tô cây cầu. Chị viết một cách hăng say: “Không có máu mà không có lửa, cũng không có lửa mà không có máu.”6 Hoặc như trong một trong những ám dụ, chị dùng những lời than thở nồng nàn, “Hỡi Con chiên âu yếm bị thiêu đốt bởi ngọn lửa tình yêu thần linh ở trên thánh giá!”7

Các chủ đề về linh đạo của chị rất phong phú, có thể viết thành nhiều pho sách. Chị đặc biệt nhấn mạnh đến việc hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa bằng việc “khoét rỗng bản thân”, giống như tác giả Đám mây vô tri đã nói, sự nhận thức về “hư vô” của loài thụ tạo và nhận thức Thiên Chúa là tất cả. Ở đây, những thành ngữ được Catarina lựa chọn lúc đầu mang màu sắc tối tăm và sự khủng khiếp – hung bạo , chết chóc, thậm chí là giết chết , chỉ cốt làm nổi bật cách huy hoàng những hình ảnh của ánh sáng và vẻ rực rỡ. Tính chất bi kịch của chị thì không ai sánh được trong văn chương thần bí.

Người học thức thất học

Catarina không phải là người học thức, ngay cả khi xét theo những tiêu chuẩn đương thời. Về mặt hình thức, chị là một giáo dân thất học, mù chữ vào lúc khấn gia nhập nhóm Mantellata, thế nhưng lại là người có khả năng học đáng kinh ngạc. Dưới nhiều khía cạnh, chị là người tự học, mặc dù sự quen biết những tu sĩ Đa Minh thông thái như Raymonđô Capua đã mang lại cho chị những cơ hội may mắn để hiểu sâu xa hơn Kinh thánh và thần học. Khỏi cần phải nói, chị là một người chăm chú nghe, nhất là các bài giảng. Nhưng Catarina cũng đã học đọc. Chị Noffke viết:

Chị thưa với cha Raymonđô Capua rằng “chị đã quyết tâm học đọc ngõ hầu có thể đọc những lời ca tụng Thiên Chúa và các giờ kinh nguyện.” Dù sao, chị đã nhờ người bạn là Alessa Saracini dạy mình, và đã có khả năng để tìm đọc những gì mình muốn. (Cững rất có thể là chị đã học viết, ít nhất là ở cấp sơ đẳng.)8

Về nguồn gốc những tư tưởng có ảnh hưởng đến giáo huấn của Catarina, các học giả đã đưa ra nhiều giả thuyết. Ngoài Kinh thánh, Noffke tin rằng Catarina chịu ảnh hưởng của một số nhà thần học và văn sĩ tâm linh, trong đó có Augustinô, Gioan Cassianô, Grêgôriô Cả, Bernardô Clairvaux, Phanxicô Assisi, Tôma Aquinô, Ubertinô Casale, Passavanti, Đa Minh Cavalca, và Colombini. “Chị đã tiếp thu tất cả những gì gặp được, xếp đặt lại và đưa vào toàn bộ kiến thức của mình. Xét về thần học chẳng có gì mới lạ hay độc đáo cả.”9

Tất cả đạo lý của Catarina là đạo lý tâm linh. Cũng giống như đối với Eckhart, trọng tâm giáo huấn của chị là sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa Nhập thể giữa chúng ta, trung tâm của lịch sử nhân loại. Mới đây một sinh viên đã nhận xét,

[Caroline Walker] Bynum lưu ý rằng đối với Catarina, trung tâm của thần học của chị là cuộc nhập thể chứ không phải là sự phục sinh, và điều này được nối kết với sự hiểu biết của chị về Đức Ki-tô, Đấng mặc lấy thân xác con người để nuôi dưỡng và cứu độ thế giới.10

TIẾN SĨ THẦN HỌC: THẦY CATARINA

Mặc dù Catarina không thể được gọi là một người thuộc trường phái Tôma, và cũng chẳng thấy tí chút ảnh hưởng nào của các nhà thần bí sông Rhine, nhưng giáo huấn của chị có chung với họ và với Tôma một vài chủ đề đặc trưng có thể gọi là mang tính cách Đa Minh xét vi chúng tiêu biểu cho lối tiếp cận đặc trưng đối với đời sống tâm linh.

Biết Thiên Chúa: Đấng Hằng Hữu

Yếu tố phủ định tìm thấy trong Tôma và Eckhart, cũng được phản ánh trong giáo huấn của Catarina. Trong lối tiếp cận của chị, có nhiều yếu tố khẳng định hơn là nơi các anh em Đa Minh kia. Giáo huấn của chị không có ý niệm nào về sự hư vô thần linh, hoặc là sự hư vô nghịch lý và hỗ tương của thụ tạo và Đấng tạo hóa giống như các bài giảng và khảo luận của Eckhart. Và chị cũng chẳng đả động đến đề tài không-thể-biết Thiên Chúa kể cả trong khuôn khổ hạn chế của Tôma. Tuy nhiên, trực giác sâu sắc về sự hư vô của chính mình so với biển vô biên của bản thể Thiên Chúa là một đề tài cơ bản. Nó dẫn đến việc chị đề cao lòng ước ao thánh thiện như con đường dẫn đến sự kết hiệp với Thiên Chúa qua thị kiến chiêm niệm và đặc biệt là bằng cách nhổ bỏ ý riêng, như Tôma và Eckhart nhấn mạnh.

Nhận xét về một trong những hình ảnh sáng tạo của Catarina, bà Giuliana Cavallini cho thấy chị di chuyển rất dễ dàng từ ý thức về sự hư vô thần bí sang sự chìm đắm hoàn toàn trong cả Thiên Chúa lẫn vực thẳm linh hồn, một bước đơn giản đối với chị cũng như đối với Eckhart, một người đã coi đáy của Thiên Chúa và đáy của linh hồn là một:

Linh hồn là một cái giếng có nước và đất bên trong. Chúng ta biết cảnh tồi tàn trong đất. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta không là gì hết. Vì chúng ta là “không”, chúng ta nhận ra rằng sự hiện hữu của chúng ta đến từ Thiên Chúa. Hỡi tình yêu cháy bừng khôn tả, tôi thấy đất và nước sự sống được gặp thấy ở đây, tức là sự hiểu biết đúng đắn về ý muốn ngọt ngào và chân thật của Ngài: Ngài không muốn gì khác hơn là sự nên thánh của chúng ta. Do đó, chúng ta tiến vào tận đáy sâu thẳm của cái giếng này, dừng lại ở trong đó và hiểu biết chính mình và sự tốt lành của Thiên Chúa.11

Nhận thức sâu sắc của Catarina về sự lệ thuộc tuyệt đối của mình vào Thiên Chúa đã nảy sinh sớm trong đời sống tâm linh của chị, như sau này chị đã kể lại cho cha Raymonđô. Ở một trong những đoạn được trích dẫn nhiều nhất về Cuộc đời , chị kể lại Thiên Chúa đã nói với chị như sau: “Con ơi, con có biết, con là ai và Ta là ai không? Nếu con biết hai điều này, con nắm được hạnh phúc trong tay. Con là kẻ không hiện hữu, và Ta là Đấng Hằng Hữu. Hãy để tâm hồn con được thấu suốt với chân lý này, và kẻ thù không bao giờ dẫn con lạc đường.”12

Thị kiến ấy không phải là không có ý nghĩa cho thời đại chúng ta. Khi nhìn lại cảnh tượng tàn phá của Thế chiến thứ hai, Charles Journet đã áp dụng và mở rộng trực giác sâu sắc cơ bản của Catarina ra những ngôn ngữ mà vẫncòn nói một cách hùng hồn vào cuối một thế kỷ của những cuộc chiến tranh khủng khiếp:

Vâng, tôi là kẻ không hiện hữu. Và những vật chung quanh tôi: sự ngọt ngào của không khí, hương thơm của những đóa hồng, tất cả những điều tôi yêu; và nỗi thống khổ và đau buồn, biết bao nhiêu điều đáng quý, biết bao nhiêu điều buồn phiền, tất cả những mạng sống và quê hương đã bị cướp mất, quá nhiều tội ác, quá nhiều lời lộng ngôn, quá nhiều nỗi kinh hoàng – những điều này không phải là không có; chúng có thật; tuy vậy luôn luôn vẫn có một quan điểm thật đúng để nói rằng chúng không có. Thật đúng để nói rằng, xét theo cách thức mà Thiên Chúa hiện hữu, thì chúng không có. Sự hiểu biết này mang lại bình an không thể nào diễn tả được. Và sự hiểu biết này tạo ra vực thẳm chia cách giữa mức độ mà vấn đề sự dữ ám ảnh chúng ta , với chiều cao thẳm mà từ đó nó cần được giải quyết.

Sự hiểu biết như vậy không những mang lại bình an mà còn mang lại tình yêu nữa, một tình yêu phá vỡ sự bi quan nảy sinh từ việc đương đầu với sự dữ mà không được sự hỗ trợ của điều gì đó mạnh mẽ hơn, Chân Thực hơn. Bà Cavallini nhận xét:

Sự hiểu biết về hai thái cực này – “Ta là Hữu – con là vô” – được đặt nền tảng tuyệt vời trong Ngôi Lời nhập thể để cứu độ chúng ta. Đó không còn là một khái niệm lạnh lùng và trừu tượng, nhưng được diễn tả ra tình yêu; đúng hơn, diễn tả ra hai danh xưng “ghét” và “yêu”: yêu dành cho Thiên Chúa, ghét đối với tất cả những gì tách rời khỏi Thiên Chúa. Vì vậy, nguồn nước là nước sự sống: sức mạnh mãnh liệt của các ý muốn của chúng ta. Nước này là sự hiểu biết về ý định của Thiên Chúa muốn cho chúng ta nên thánh và lý do vì sao Ngài tự hiến mình để thánh hóa chúng ta.14

Nếu tội lỗi, sự dữ và mối đe dọa bị hủy diệt là những thách đố chúng ta ngày nay như vốn có trong quá khứ, kể cả quá khứ của Catarina, thì tình yêu là câu trả lời, như Julian Norwich sẽ nói một cách tương tự như thế vào cuối thế kỷ đó. Dưới vài khía cạnh, đó là câu trả lời duy nhất: “Ngọn lửa ngọt ngào này không chấm dứt và cũng sẽ chẳng bao giờ chấm dứt. Nếu tình yêu của Ngài dành cho chúng ta chấm dứt, chúng ta sẽ không còn nữa, bởi vì sự hiện hữu mà Ngài ban cho chúng ta sẽ kết thúc. Chỉ có ngọn lửa tình yêu thôi thúc Ngài lôi kéo chúng ta đến với Ngài.”15

Ở đây, Catarina cũng không xa Eckhart trong việc thấu hiểu tính chất hư vô thiết yếu của thụ tạo trong tương quan với Thiên Chúa, vì chính ông đã nói: “Tất cả thụ tạo là hư vô thuần túy. Tôi không nói rằng chúng là đồ ti tiện hoặc chúng chẳng là gì: chúng là hư vô thuần túy. Cái gì không có hiện hữu thì không có. Tất cả thụ tạo không có hiện hữu vì hiện hữu của thụ tạo cốt ở sự hiện diện của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa ngoảnh mặt với tất cả thụ tạo một chốc lát, ắt chúng sẽ diệt vong.”16 Đối với Eckhart, sự hư vô của cái ngã và sự hư vô của Thiên Chúa là biện chứng hỗ tương. Đối với Catarina, chân lý hệ tại nhận ra rằng mình là hư vô ngõ hầu Thiên Chúa tỏ hiện, hay nói theo kiểu Eckhart, là nơi mà sau khi ta đã triệt thoái, thì Thiên Chúa “hoạt động”.

Liên quan đến việc tự hạ mình của Catarina trước mặt Thiên Chúa là Hữu thể tối cao, chị Suzanne Noffke đặt câu hỏi: có phải đây là thứ khiêm nhường bôi nhọ chính mình mà người thời nay đã gạt bỏ, ngõ hầu có một cái nhìn khẳng định, tích cực hơn về bản thân như là những thụ tạo của Thiên Chúa hay không ?”. Tác giả đã trả lời là “không”.

Không phải như vậy, nếu chúng ta hiểu đúng tư tưởng của Catarina. Trong một bức thư gửi cho Nữ hoàng Giovanna Napoli, chị viết: “Chúng ta phải nhận ra chân lý trong mọi sự. Tôi muốn nói rằng chúng ta phải yêu trong Thiên Chúa và vì Thiên Chúa tất cả những hiện hữu, bởi vì Thiên Chúa là Chân lý, và nếu không có Thiên Chúa thì chẳng có gì tồn tại.” [Thư T317.] Đây là lý do tại sao Thiên Chúa nói rằng Catarina “là không”: Sự hiện hữu của Catarina hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Tự sức mình, Catarina chẳng là gì; khi Catarina làm điều gì không phải là của Thiên Chúa, thì chị đã làm “cái không có” – tức là chị đã phạm tội. Nhưng xét như là thụ tạo của Thiên Chúa, Catarina chia sẻ chính hiện hữu của Thiên Chúa, chính chân lý của Thiên Chúa. Vì vậy, chị gọi Thiên Chúa “Vị Thầy nhân hậu của chân lý, Đấng sáng tạo và ban cho mọi vật được hiện hữu.”17

Khó nghèo tinh thần: Dứt bỏ vì Tình yêu

Cùng chung với Tôma và Eckhart, và cũng như các tác giả Beguines và Đám mây vô tri, sự nghèo khó về ý muốn cũng là một đề tài chủ đạo trong đạo lý của Catarina, hoặc với hình ảnh hung bạo hơn, “giết chết ý riêng của mình”. Sự biến đổi tâm linh đòi hỏi phải hòa hợp ý muốn ngoan cố của chúng ta với ý muốn của Thiên Chúa, hơn là xóa nhòa nó hoặc kiềm chế ước muốn. Dĩ nhiên, đây là tư tưởng của chị, cũng giống như của Beguines, Tôma, và Eckhart. Nhưng chị sử dụng tư tưởng ấy không những là hung bạo mà còn đắt đỏ nữa. Thiên Chúa nói: “Trong mọi sự, ý muốn ích kỷ của con cần phải bị giết chết, bị nhấn chìm, lệ thuộc ý muốn của Ta.”18

Đối với Catarina, cũng như tác giả Đám mây vô tri, “khoét rỗng mình đi” cũng là điều kiện cần thiết để có thể hiểu chính mình chính xác, tức là, nhận thức sự lệ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Đó là một chặng trong sự giải thoát khỏi tật coi mình làm trung tâm, làm bóp nghẹt sự phát triển cá nhân và làm lệch lạc tình yêu dành cho tha nhân. Catarina viết:

Khi linh hồn xem xét và nhìn thấy sự tuyệt vời và sức mạnh vĩ đại của ngọn lửa Chúa Thánh Thần bên trong bản thân, thì linh hồn bị ngây ngất, và nhờ biết được tình yêu của Đấng Tạo Hóa, linh hồn hoàn toàn trao phó cho Chúa. Tuy còn sống, nhưng linh hồn đã chết và cảm thấy trong bản thân không còn tình yêu và ham muốn nào với các thụ tạo, vì ký ức đã chứa đầy sự yêu mến của Đấng Tạo Hóa của linh hồn. Sự hiểu biết không còn tìm cách hiểu cũng chẳng nhìn thấy bất cứ thụ nào ngoài Thiên Chúa. Linh hồn hiểu và nhận ra bản thân mình chỉ là không hiện hữu, và sự tốt lành của Thiên Chúa trong chính linh hồn. Linh hồn nhận ra rằng sự tốt lành vô bờ bến không muốn gì khác ngoài sự tốt đẹp của linh hồn. Rồi, tình yêu của linh hồn đối với Thiên Chúa trở nên hoàn hảo; vì linh hồn không có gì trong mình, nên nó không thể chạy theo cuộc đua mau lẹ của lòng ham muốn, nhưng chạy mà không còn bị vướng mắc bởi dây xích nào nữa.19

Tự mình đắm chìm trong biển Hiện hữu của Thiên Chúa, linh hồn bị rút cạn chính bản ngã, sau đó được làm đầy bằng sự sống mới, tình yêu mới, khao khát mới, và một niềm vui thần linh trong thụ tạo. Noffke viết: “… Thiên Chúa nói… về chiếc bình của trái tim chúng ta “được đổ đầy với biển là chính Ta, là Thiên Chúa vĩnh cửu cao vời nhất.” Và được lấp đầy với đại dương, nó tràn ngập tình yêu, và vì vậy, Catarina viết: “Tôi khóc với những người khóc và vui với những người vui .”20

Được đầy tràn tình yêu của chính Thiên Chúa, thì tất nhiên linh hồn vươn ra hướng về người khác để phục vụ cảm thông: “Tình yêu mà một linh hồn thấy rằng Thiên Chúa ban tặng cho mình, đến lượt mình mở rộng ra với tất cả mọi thụ tạo. Linh hồn ngay lập tức cảm thấy bị thúc đẩy phải yêu người thân cận như chính mình bởi vì linh hồn thấy chính mình được Thiên Chúa yêu thương trọn vẹn như thế nào khi nó nhìn thấy mình ở trong nguồn mạch của mình, biển hiện hữu của Thiên Chúa. Từ đó, linh hồn ước ao yêu chính mình trong Thiên Chúa và Thiên Chúa trong chính mình.”21

Sự đắm mình trong Thiên Chúa chẳng những không dập tắt đam mê, mà còn thanh luyện và sưởi ấm nó nữa. Trong một hình ảnh khá độc đáo, Catarina viết: “[Ta đừng bao giờ nên ngừng] bỏ củi của sự hiểu biết mình vào trong ngọn lửa của lòng khao khát thánh thiện. Đây là những khúc gỗ nuôi dưỡng ngọn lửa của tình yêu thần linh… liên kết linh hồn với người thân cận. Ta càng đổ dầu vào lửa (nghĩa là lời của việc tự biết mình) thì càng tăng thêm hơi ấm của tình yêu dành cho Đức Ki-tô và người thân cận của mình.”22

Vào lúc cuối đời, tất cả các thầy dạy tâm linh vĩ đại dường như đồng ý rằng sự tự quan tâm đến mình, cho dù được gọi là ái kỷ hay kiêu ngạo, là trở ngại lớn nhất để tự biết mình, nhận thức về sự hiện diện khắp nơi của Thiên Chúa, và đặc biệt là khả năng hướng về người khác trong tình thương và công lý. Đó chắc chắn là sự hiểu biết của Catarina và nó thực chất nối kết chị với truyền thống mà chị được nuôi dưỡng và đổi mới.

ẢNH HƯỞNG LÂU DÀI CỦA CATARINA

Hậu quả của Catarina đối với thời đại có thứ tức thời và có thứ lâu dài. Nội dung của cuộc tranh luận là hoạt động ngoại giao của chị: có người cho rằng chị đã thất bại hoàn toàn, có người lại cho là thành công rực rỡ. Noffke nhận xét:

Xét về mặt lịch sử, Catarina đôi khi được đánh giá quá mức, do ảnh hưởng của chị trong nhưng cuộc khủng hoảng chính trị thời ấy. Mặc dù hầu như chắc chắn chị là tiếng nói cuối cùng có ảnh hưởng đến việc thúc đẩy Giáo hoàng Grêgoriô XI quyết định rời Avignon về Rôma năm 1376, nhưng những người đối lập đã buộc tội cho chị là nguyên nhân gây ra cuộc ly giáo tiếp theo hành động vừa nói, và có lẽ họ không hoàn toàn sai. Trong nhiệt huyết bảo vệ sự hợp nhất Giáo hội, đôi lúc chị đã đứng về lập trường bất khoan nhượng về chính trị khi đụng đến một vấn đề nào đó. Nhà sử học có thể phê bình cách khác nhau khi đối chiếu với những hoàn cảnh lịch sử. …. Dù sao, trong những vấn đề công bằng xã hội và chính trị, theo tôi nghĩ, đóng góp tích cực đáng kể nhất của Catarina nằm ở chỗ cố gắng nhắc nhở các nhà lãnh đạo hãy ý thức về trách nhiệm của họ. Trong số 382 thư từ còn lại của Catarina, 67 lá thư được gửi cho các nhân vật chính trị: 13 lá thư gửi cho các nhà vua và hoàng hậu, 38 lá thứ gửi cho các cơ quan dân sự thấp hơn, 10 lá thư gửi cho các luật sư và 6 lá thư cho các nhà lãnh đạo quân đội.23

Dù sao đi nữa, Catarina được nhắc đến và sẽ còn được nhắc đến như là một trong những nhà thần bí và nhà văn hào tâm linh vĩ đại nhất. Nhưng ngay cả khi nhìn chị như là một nhân vật tâm linh, Catarina thường vẫn là mục tiêu cho sự nghi ngờ, oán giận và chống đối, không khác bất cứ ngôn sứ nào. Còn trong số những người hiểu biết chị, thì chị là ‘Mamma’ (bà mẹ), người phụ nữ khôn ngoan (mặc dù chị tương đối trẻ tuổi). Nhiều người muốn lôi kéo họ về phía minh, nhưng qua những bức thư và những hoạt động của các môn đệ của chị, chị đặc biệt quan tâm đến phong trào cải tổ trong Dòng Đa Minh, với những nỗ lực của Gioan Dominici, Gierônimô Savonarola và Catarina dei Ricci, kéo dài đến thời đại chúng ta.

NGƯỜI MẸ CỦA CÁC TU SĨ ĐA MINH

Không phải vô cớ mà Catarina được coi là vị sáng lập thứ hai của Dòng Giảng thuyết. Qua các lá thư, các đàm đạo và linh hướng dành cho các anh em, các chị em đan sĩ và Dòng ba, chị liên tục trở lại các đề tài tiêu biểu của linh đạo Đa Minh – giảng thuyết, đời sống cộng đoàn, cầu nguyện và học hành; khó nghèo về tinh thần; sùng thượng Chân lý; và sự chiêm niệm được diễn tả trong tác vụ hoạt động.

Trước hết, sự dấn thân của chị đối với những yếu tố cấu thành đời sống Đa Minh được nhìn trong chính mẫu gương của chị cũng như những lời khuyế khích liên lỉ của chị với các thân hữu thuộc Dòng Đa Minh để họ thực hiện lý tưởng của ơn gọi. Ở đây chắc chắn là trọng tâm của đóng góp của chị cho phong trào cải cách trong Dòng.

Chân lý, chân lý của Thiên Chúa, nằm ở trung tâm của tất cả các tác phẩm của Catarina và, dĩ nhiên, của toàn thể cuộc đời của chị. Noffke viết,

Nền tảng của tất cả suy nghĩ của Catarina về đức công bình là “chân lý của Thiên Chúa”. Và chân lý của Thiên Chúa là: Thiên Chúa chỉ muốn cho chúng ta được điều tốt lành, thành tựu trong chân lý và tình yêu, thánh thiện của chúng ta trong chính sự thánh thiện của Chúa. Nếu chúng ta nhận ra chân lý ấy và hành động phù hợp với nó, chúng ta đang “phán đoán (hoặc phân định) ý muốn của Thiên Chúa cách công bình.”24

Chị nhấn mạnh: “Hãy thét lên như thể bạn có cả triệu giọng nói.”25 “Chính sự im lặng giết chết thế giới.’25 ‘Hãy rao giảng chân lý và đừng im lặng vì sợ hãi.”26

Sự khó nghèo tinh thần đã được diễn tả nơi Catarina, như chúng ta đã thấy nhiều lần, qua việc chị nhấn mạnh liên tục về sự cần thiết phải dứt bỏ ý riêng. Suốt đời là một người chiêm niệm sâu sắc, Catarina cảm thấy bị lôi cuốn vào khung cảnh đan viện và đã vận động thành lập một vài cộng đoàn nữ tu. Nhưng tác vụ chính của chị là ở chốn “đô hội”, chỗ tụ họp dân chúng, nơi mà hoa trái của chiêm niệm của chính chị đã được diễn tả qua sự giảng thuyết, hoặc bằng viết lách hay bằng chính lời sống động. “Giữa cảnh đổ nát xung quanh mình, chính ơn gọi Đa Minh của Catarina đã gợi hứng cho chị để tập trung vào ngọn lửa và lòng nhiệt huyết giảng thuyết của các tông đồ như một cách thức cải cách Giáo hội. Cha Raymonđô viết rằng: ‘hàng ngàn người thường tập trung từ những ngọn núi và các khu vực nông thôn quanh Siena chỉ để thấy và nghe chị.’”27

“Hãy mang Lời Chúa bằng lửa’ chị viết cho cha Raymonđô như thế khi cha ngập ngừng trong một sứ vụ. ‘Hãy trút ra chân lý, gieo rắc hạt giống Lời Chúa khắp nơi!”28

Tiếng gọi của tình yêu

Catarina không chỉ dạy rằng tình yêu, đặc biệt là tình yêu siêu nhiên thúc đẩy một người hy sinh cuộc đời vì những người bạn của mình, được đặt ở chóp đỉnh của bậc thang thần bí, chị đã chứng tỏ điều đó trong suốt cuộc đời mình, từ sự phục vụ trong các bệnh viện tồi tệ của Siena, chăm sóc cho những bệnh nhân không được ai chăm sóc, cho đến việc tự hiến vì tình yêu để cầu xin cho Giáo hội được hợp nhất diễn ra vào lúc cuối cuộc đời ngắn ngủ của minh. Ngày nay, có lẽ người ta dễ coi việc hy tế bản thân như là hệ luận của việc đánh giá thâp kém về bản thân, được hình thành bởi những đấu tranh ban đầu với cha mẹ của mình và sự chống đối liên tục mà chị gặp phải do giới tính của mình.

Có thể chấp nhận rằng Catarina đã bị tổn thương tâm lý do những cuộc đấu tranh của mình chống lại thành kiến của gia đinh và xã hội. Nhưng nói rằng sứ mệnh của chị và sự nghiệp cả đời của chị cuối cùng là một sự sai lầm và thực sự là một thất bại, như ông Rudolf Bell đã kết luận, thì quả là đã không biết gì đến ảnh hưởng của các tác phẩm của chị, tác động của chị đối vớiị đối với cả Giáo hội và nhà nước, và dấu ấn lâu dài mà chị tạo ra không chỉ cho những bằng hữu thân thiết nhất nhưng còn cả nhân loại. Giả như Catarina đã bị rối loạn tâm sinh lý, thì mang một hình thức khác hẳn với hình thức đang hành hạ các thiếu nữ vào cuối thể kỉ XX. Tuy vậy, có lẽ ngay cả về điểm này, chị đề ra một mẫu gương, không phải để bắt chước nhưng là học hỏi.29

KẾT LUẬN: CATARINA VÀ SỨ MỆNH CỦA CHỊ

Sử dụng hình ảnh về một người mất đi và lẩy lại tiếng nói, , Carol Gilligan, Patricia Killen và nhiều tác giả khác đã đặt chủ đề về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội trong một bối cảnh của ngôn ngữ, và điều này thích hợp cách riêng với thần học.30 Tuy nhiên nếu chỉ tập trung vào lời nói thì có thể vô tình bỏ qua hành động, nghĩa là, tác vụ hành động ngoài việc giảng dạy và thực lại là giảng thuyết, hai lĩnh vực mà, cùng với việc cử hành bí tích Thánh Thể và các bí tích, các phụ nữ đã bị cấm hầu như thường xuyên vì lý do giới tính. Dù vậy, chính trong lãnh vực tác vụ (gồm cả việc dạy học và giảng thuyết) các phụ nữ đã được nổi danh, với những đường lối khác thường. Catarina nổi tiếng như là một nhà ngoại giao, nhà thần bí và Tiến sĩ Hội thánh. Ngay cả trong việc chăm sóc người nghèo, người bệnh tật và người đau khổ còn hơn cả thánh Phanxicô Assisi, một người không phải là linh mục, công cuộc phục vụ của Catarina Siena, một nữ giáo dân trẻ Đa Minh, đã cho thấy bàn tay của Thiên Chúa đang tác động. Như Antonia Lacey nhận xét,

Nếu việc trao quyền (empowerment) được coi như một dấu hiệu của Ki-tô giáo đi ra ngoài và hoạt động, một dấu hiệu làm sáng tỏ và làm thay đổi phần nào con người trong mối tương quan giữa họ với nhau và với Thiên Chúa, thì chắc chắn là Catarina đã được trao quyền. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu gán cho Catarina, trong hoàn cảnh cụ thể của chị, những trực giác sâu sắc về tâm lý của thể kỷ XX và để soi vào cuộc đời của chị một thách thức hiểu biết về những cơ cấu của chế độ gia trưởng mà chị sống. Đúng hơn, việc trao quyền của chị bắt nguồn từ đời sống cảm xúc và chiêm niệm, trong đó chính chị cảm nghiệm được kết hợp với Thiên Chúa, và từ niềm tin tuyệt đối của chị rằng chính Thiên Chúa đã truyền cho chị hành động, và chính Thiên Chúa đã thực sự hành động qua chị.31

——————-

Chú thích

Chương 6: CATARINA SIENA: THẦN BÍ TRONG HOẠT ĐỘNG

 

1. New Haven: Yale University Press, 1952, tr. 511.

2. Những phân tích của Bell về cuộc đời, sứ vụ của thánh Catarina cũng như của những nhà thần bí Ý khác được đăng trong Holy Anorexia,. Trong đó có đoạn: “Cuối cùng bà phạm tội tự đắc mà nhịn đói mình đến chết. Đó là ý riêng của bà, chứ không phải Ý Chúa, đã chiến thắng suốt những năm qua, nhưng giờ đây đã thất bại” (Chicago: University of Chicago Press, 1985), tr. 52-53.

3. Bản dịch Anh ngữ những tác phẩm của thánh Catarina gồm có: Catherine of Siena, The Dialogue, Suzanne Noffke O.P dịch và biên tập (New York: Paulist Press, 1980); The Letters, Suzanne Noffke O.P biên tập, quyển I (Binghamton: State University of New York Press, 1988); The Prayers, Suzanne Noffke O.P dịch và biên tập (New York: Paulist Press, 1983); Catherine of Siena, Selected Spiritual Writings, Mary O’Driscoll O.P biên tập và dẫn nhập (Hyde Park, NY: New City Press, 1993). Những tác phẩm viết về thánh Catarina: Raymond Capua, The Life of Catherine of Siena, dịch và biên tập Conleth Kearns O.P, lời nói đầu Mary Ann Fatula O.P (Washington: Dominicana, 1994); Giuliana Cavallini, Things Visible and Invisible: Images in the Spirituality of Catherine of Siena, dịch Sr M. Jeremiah O.P (New York: Alba House, 1996); Augusta Theodosia Drane, History of St Catherine of Siena and Her Companions, 2 quyển. (London: Burns, Oates & Washbourne, 4th ed., 1914); Mary Ann Fatula O.P, Catherine of Siena’s Way (London: Darton, Longman and Todd / Wilmington, DE: Michael Glazier, 1987); Suzanne Noffke O.P, Catherine of Siena: Vision through a Distant Eye (Collegeville, MN: Liturgical Press, 1996); Mary O”Driscoll O.P, Catherine of Siena (Strasbourg: Editions du Signe, 1994); và Arrigo Levasti, My Servant, Catherine, dịch D. M. White (Westminster, Md.: Newman, 1954).

4. Nofike 1996, tr. 32, trích Life của Raymond Capua, 11, n, 179-182, tr. 174-177.

5. Xemtrong Drane 1914.

6. Letter 2, Cavallini 1996, 14. Khi đề cập tới các bức thư the Letters, tôi theo quy ước: “T” cho the [Niccolò] Tommasèo edition (Berbera-Florence, 1860), “D” cho the [Eugenio] Dupré Theseider-Antonio Volpato edition (Rome, 1940).

7. Letter 52, Cavallini 1996, 30.

8. Noffke 1996, 40.

9. Noffke, The Dialogue, “Introduction”, tr. 10.

10. Trích dẫn trong Antonia Lacey, The Symbolic Value of Gender: What Links Irigaray’s Linguistic Theories and the Gender Specific Language and Female Imagery used by Catherine of Siena? (unpublished MA diss., Brookes University, Oxford, October 1996), tr. 16. Đoạn trích đẫn của Carolyn Walker Bynum, Holy Feast, Holy Fast: The Religious Signifi­cance of Food to Medieval Women (Los Angeles: University of California Press, 1987), tr. 178. Về lối diễn tả biểu tượng về đồ ăn trong các tác phẩm của thánh Catarina, xem Cavallini 1996, 28-30.

11. Cavallini 1996, 55.

12. Life, I, X, 93, tr. 86. Trích dẫn Noffke 1996, 11.

13. Journet 1948, 7.

14. Cavallini 1996, 54-55.

15. Thư 246, trích trong Cavallini 1996, 14.

16. DW 4, DP 4 (W 40, I, 284). Phần thứ nhất của lời tuyên bố này, xét một cách tổng thể, là mang tính quy ước chính thống, nhưng lại không theo trường phái Tôma và đã bị kết án như mệnh đề 26. Xem thêm trong DW 69 (W 42, tr. 293): “Mọi thụ tạo mà Thiên Chúa đã tạo thành hoặc có thể sẽ dựng nên (nếu Ngài muốn) đều là nhỏ bé và hư không, so với chính Ngài..”

17. Thư 168, gửi tới Bandeça de’ Belforti, trích dẫn bởi Noflke 1996, 11-12.

18. The Dialogue 1980, 43.

19. Thư 189, trích trong Cavallini 1996, 15.

20. The Dialogue 1980, 164. Trích Noffke 1996, 33.

21. Thư 226 gửi cha Raymonđô Capua. Trích trong O’Driscoll 1993, 36.

22. Thư 219. Trích trongCavallini 1996, 10-11.

23. Noffke 1996, 76. Hinnebusch đã nhận xét tương tự về những cuộc vận động không thành công của thánh Catarina vào cuối đời: “Catarina thiếu sự huấn luyện ngoại giao và tính cách trầm trọng của các vấn đề mà chị muốn giải quyết, đó là nguyên do dẫn đến những kết quả không mấy ấn tượng trong cuộc dấn thấn chính trị của chị. Những vấn đề này đòi hỏi tài năng chuyên nghiệp của những nhà lãnh đạo xã hội thời ấy. Những các nỗ lực của họ cũng chẳng mang lại kết qua bởi thiếu động lực cao cả. Tài ngoại giao cũng chẳng mang lại thắng lợi hơn lời cầu nguyện. Catarina tin rằng các vấn đề có thể giải quyết bằng cách kêu gọi đến những động lực luân lý hay đạo nghĩa. Điều này có thể bị coi là ngây thơ nếu nhìn vào tình hình chính trị và tôn giáo thời ấy. Nhưng chị có lý khi thúc đẩy công lý và bác ái như là nền tảng đích thực cho những giải pháp lâu dài. Chị nên được phê phán dựa trên quan điểm dựa trên tinh thần Phúc âm này, thay vì theo những thất bại khi không thuyết phục những người khác theo đuổi tinh thần đó” (Hmnebusch 1973, II, 355-359).

24. Xem Thư T39, gửi Don Jacomo, một đa sĩ Chartreux ở Pontignano. Trích Noffke 1996, 77.

25. Thư T16 gửi một chức sắc cao cấp. Trích Fatula 1987, 72.

26. Thư T330 gửi cho cha Raymonđô Capua. Trích trong Fatula 1987, 72, kèm theo lời bình giải: “Catarina hiểu rằng sự say mê chân lý phản chiếu lòng ao ước sâu xa trong lòng mỗi người muốn sống đời trong sáng, chứ không phải tăm tối, muốn sống tự do chứ không nô lệ. Catarina cũng hiểu rằng những ai đã khao khát chân lý cách mãnh liệt thì cũng khát mong lấp đầy sự đói khát ấy trong lòng trí của mỗi người, cho dù mình yếu ớt hoặc bất xứng: “Và con là ai mà Ngài thương ban chân lý của Ngài?…Chính chấn lý của Ngài đã làm và hoàn tất mọi sự, chứ không phải con. Chân lý của Ngài mang lại chân lý, và nhờ chân lý của Ngài mà con đã nói lên sự thật” [Lời nguyện 21, Noffke biên tập, tr. 193]”.

27. Fatula 1987, 192.

28. Thư 280 gửi cha Raymonđô trích Fatula 1987, 193.

29. Bell đã viết rằng: “…Dù chẳng thể kiểm chứng hay phủ nhận, nhưng tôi giả sử rằng nguyên nhân triệu chứng biếng ăn của Catarina Siena không phải là hậu quả trực tiếp do tổn thương vùng dưới đồi ở não nhưng là do yếu tố tâm linh. Điều này có nghĩa là ý chí của bà đã chế ngự được những đòi hỏi của thể xác, được coi là chướng ngại cơ bản cản trở con đường nên thánh. Một khi đã xác định được khuôn mẫu chế ngự và phần thưởng, thì đương nhiên, do ảnh hưởng của não bộ, và sự nhịn ăn đã làm gia tăng những hệ quả của việc biếng ăn lành thánh và cuối cùng là bà đã qua đời trong tình trạng đói lả, hoặc như vị giải tội cho bà nói lại với chúng ta, là do bà bị kiệt sức vì sự khổ hạnh thánh thiện” (Bell 1985, 15). Chứng biếng ăn tâm thần này không được chẩn đoán là bệnh lý cho tới cuối thế kỷ XIX. Cuộc đời và những thành quả của thánh Catarina đã bị phân tích với một thái độ khinh thường khi mà người ta giải thích chứng biếng ăn của thánh nữ theo ngữ nghĩa hiện đại. Điều này không chỉ giản lược ý nghĩa hành động của thánh nữ mà còn có khuynh hướng khai thác những khái niệm của Freud để cợt nhả như trường hợp của thánh nữ Têrêsa Avila, những trải nghiệm xuất thần của thánh nữ bị giáng cấp (và phủ nhận) như là kết quả tự nhiên của việc bà chịu đau khổ vì bị ức chế do tính ham muốn tình dục hồi còn nhỏ với thân phụ . Đầu thế kỷ XX, cũng có những người giải thích với thái độ trên theo tâm lý học của James H. Leuba và các học trò của ông.

30. Xem chi tiết trong Patricia O”Connell Killen, Finding Our Voices: Women, Wisdom, and Faith (New York: Crossroad, 1997).

31. Lacey 1997, 28.

Chia sẻ