MA QUỶ HỌC – MỤC VI. TÓM KẾT
MA QUỶ HỌC
Phan Tấn Thành
——————–
MỤC II. SATAN TRONG LỊCH SỬ THẦN HỌC
——————–
MỤC VI. TÓM KẾT
Ma quỷ theo Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo
I. Ma quỷ là ai?
II. Ma quỷ làm gì?
III. Chúa Giêsu đối phó với ma quỷ như thế nào?
IV. Tại sao Thiên Chúa “cho phép” ma quỷ “làm khổ” loài người?
V. Chúng ta chiến thắng ma quỷ bằng phương thế nào?
VI. Trừ tà là gì?
___________
Để kết thúc loạt bài này, chúng tôi xin trình bày giáo huấn Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (viết tắt GLCG) về ma quỷ. Trước đây, ở cuối mục Hai, chúng tôi đã điểm qua những nơi mà đề tài được bàn tới, đặc biệt là trong phần thứ nhất và phần thứ ba. Bây giờ chúng tôi xin trình bày một tổng hợp hệ thống của Đức Cha Raffaello Martinelli, giám mục giáo phận Frascati (từ năm 2009), đã từng giữ chức vụ trưởng phòng phụ trách Sách GLCG của Bộ Giáo lý đức tin[1], xoay quanh 6 điểm như sau: 1) Ma quỷ là ai? 2) Ma quỷ làm gì? 3) Chúa Giêsu đối phó với ma quỷ như thế nào? 4) Tại sao Thiên Chúa “cho phép” ma quỷ “làm khổ” loài người? 5) Chúng ta chiến thắng ma quỷ bằng phương thế nào? 6) Trừ tà là gì?
I. Ma quỷ là ai?
Ma quỷ là những thiên thần tốt lành, được Thiên Chúa dựng nên, nhưng sau đó, do chính sự lựa chọn tự do và dứt khoát của mình, đã trở nên xấu khi nổi dậy, chống lại Thiên Chúa. Chúng ta hãy đọc sách GLCG:
Số 391. “Hội Thánh dạy rằng thoạt đầu (Satan hay ma quỷ) là một thiên thần tốt lành cho Thiên Chúa tạo dựng. ‘Chắc chắn ma quỷ và các thần dữ khác được Thiên Chúa tạo dựng đều tốt lành theo bản tính, nhưng chính chúng đã làm cho mình nên ác xấu’ (Công đồng Latêranô IV – năm 1215 -, Cap. 1, De fide catholica: DS 800)”.
Số 2851. Trong lời cầu xin này (“Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”), Sự Dữ không phải là một điều trừu tượng nào đó, nhưng là một cá vị, là Satan, là Ác thần, là thiên thần đã chống lại Thiên Chúa. Ma quỷ (tiếng Hy lạp là Dia-bolos) là “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và “công trình cứu độ” Ngài thực hiện trong Đức Kitô.
II. Ma quỷ làm gì?
Sách GLCG nói nhiều về hoạt động của ma quỷ. Qua hoạt động của hắn mà chúng ta biết rõ hơn ma quỷ là ai, cách riêng khi móc nối với sự lựa chọn bất tuân phục của nguyên tổ loài người, và khi nêu bật mối tương quan giữa sự sa ngã của các thiên thần và sự sa ngã của ông Ađam và bà Eva. Mối tương quan này mang nhiều khía cạnh:
+ Ma quỷ như là tiếng nói dụ dỗ:
Số 391: “Đàng sau sự lựa chọn bất tuân của nguyên tổ chúng ta, có một tiếng nói dụ dỗ, chống lại Thiên Chúa, đã vì ghen tương mà làm cho nguyên tổ sa vào cõi chết”.
+ Sự sa ngã của ma quỷ cũng như của nguyên tổ cốt ở chỗ đã phạm tội:
Số 392: “Thánh Kinh có nói đến tội của các thiên thần này (X. 2Pr 2,4). Sự “sa ngã đó cốt tại một lựa chọn tự do của các thụ tạo thiêng liên này, họ chối bỏ Thiên Chúa và Nước của Ngài một cách triệt để và không thể thay đồi.
+ Cả hai đều thuộc một loại tội như nhau:
Số 392: “Chúng ta thấy được sự phản ánh của cuộc nổi loạn này trong những lời tên cám dỗ nói với các nguyên tổ chúng ta: ‘Các ngươi sẽ trở nên như Thiên Chúa” (St 3,5). “Ma quỷ phạm tội từ lúc khởi đầu” (1Ga 3,8); “nó là kẻ nói dối và cha sự gian dối” (Ga 8,44)
+ Đặc trưng của tội: không thể tha thứ
Số 393: “Tính cách không thể thay đổi của sự lựa chọn của các thiên thần, chứ không phải vì thiếu lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, làm cho tội của chúng không thể được tha thứ. “Quả vậy, sau khi sa ngã, chính chúng không chút thống hối, cũng như con người sau khi chết” (Thánh Gioan Đamasênô, De fide orthodoxa 2,4: PG 94,877).
+ Việc làm nghiêm trọng nhất:
Số 394: “Con Thiên Chúa xuất hiện là để phá hủy công việc của ma quỷ” (1Ga 3,8). Trong các hậu quả của các việc làm của ma quỷ, nghiêm trọng nhất là sự quyến rũ dối trá dẫn đưa con người đến chỗ bất tuân Thiên Chúa”.
+ Ma quỷ: nguyên nhân của tội của các nguyên tổ và của các hậu quả (sự chết):
Số 2852 “Ma quỷ ngay từ đầu đã là tên sát nhân … là kẻ nói dối và là cha sự gian dối (Ga 8,44), là Satan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ (Kh 12,9). Vì nó mà tội lỗi và sự chết đã xâm nhập trần gian và nhờ nó vĩnh viễn bị đánh bại, mà toàn thể thụ tạo đã được giải thoát khỏi cảnh hư nát vì tội lỗi và sự chết. “Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được (1Ga 5,18-19).
III. Chúa Giêsu đối phó với ma quỷ như thế nào?
1/ Chính Đức Kitô đã bị ma quỷ cám dỗ:
– cách trực tiếp trong hoang địa (x. Lc 4,1-13; x. GLCG 538-540):
“Các cơn cám dỗ trong hoang địa cho thấy Chúa Giêsu, Đấng Mêsia khiêm nhường, đã chiến thắng Satan nhờ việc Người gắn bó trọn vẹn với kế hoạch cứu độ theo ý muốn của Chúa Cha” (GLCG 566). Đức Kitô chiến thắng ma quỷ bằng việc dựa vào Lời Chúa (trưng dân Kinh thánh) và tái khẳng định quyền ưu việc của Thiên Chúa;
– hoặc cách gián tiếp qua ông Phêrô (xc. Mt 16,23).
2/ Đức Kitô đề cập trực tiếp về ma quỷ (chẳng hạn như Mt 4,10; Mc 4,15; Lc 10,18; Ga 8,44)
GLCG 392: “Ma quỷ là kẻ phạm tội ngay từ đầu” (1Ga 3,8), “cha của sự gian dối” (Ga 8,44). GLCG 394: “Thánh Kinh chứng tỏ ảnh hưởng tai hại của kẻ mà Chúa Giêsu gọi là ‘tên sát nhân ngay từ đầu’ (Ga 8,44)”.
3/ Hơn nữa Đức Kitô đã chiến thắng ma quỷ, và Người thắng nó bằng nhiều cách thức:
a) Khi sinh bởi một phụ nữ được giữ gìn khỏi tội lỗi:
GLCG 2853: “Con rồng đuổi bắt người Phụ nữ (Kh 12,13), nhưng không bắt được bà. Bà là Eva mới, “đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần, được gìn giữ khỏi tội lỗi và sự hư nát của cái chết (Sự Vô nhiễm nguyên tội và Lên trời của Mẹ rất thánh của Thiên Chúa, Đức Maria trọn đời đồng trinh), “Con Mãng xà nổi giận với người Phụ nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi Bà” (Kh 12,17).
b) Trong cơn cám dỗ trên hoang địa:
GLCG 539: “Trong việc này Chúa Giêsu đã toàn thắng ma quỷ. Người đã trói kẻ mạnh và thu lại tài sản nó đã cướp (x. Mc 3,27). Chiến thắng của Chúa Giêsu trước kẻ cám dỗ trong hoang địa báo trước cuộc chiến thắng của cuộc khổ nạn, là sự vâng phục tuyệt đối trong tình yêu con thảo của Người đối với Chúa Cha”
GLCG 540: “Cám dỗ Chúa Giêsu phải chịu cho thấy cách thế Con Thiên Chúa là Đấng Mêsia, trái ngược hẳn điều Satan xúi giục Người và người ta muốn gán cho Người (x. Mt 16,21-23). Chính vì thế, Đức Kitô chiến thắng Tên cám dỗ là chiến thắng cho chúng ta: ‘Vị Thượng tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội’ (Hr 4,15). Mỗi năm, qua bốn mươi ngày Mùa Chay, Hội thánh kết hợp với mầu nhiệm Giêsu trong hoang địa”.
c) Chúa Giêsu rao giảng triều đại Thiên Chúa đã đến, đánh dấu cuộc thảm bại của triều đại Satan : “Nếu tôi dựa vào Thần khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Mt 12,28).
– Trong Tin mừng Luca, chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu truyền lệnh cho ma quỷ, và chúng nhận ra Người là Con Thiên Chúa (x. Lc 4,41; 8,28…);
– Trong các phép lạ mà Chúa Giêsu thực hiện, có những việc giải thoát khỏi sự chiếm hữu của ma quỷ (x. Mc 1,25-26; 5,2-20): khi thực hiện những việc chữa lành ấy, Người đã thắng ma quỷ, căn nguyên của những sự dữ ấy, đang khi “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Nhiều lần các thánh sử thuật lại các cuộc trừ tà, giải thoát vài người khỏi sự hành hạ của ma quỷ, như thế tiên báo cuộc chiến thắng vĩ đại trên thủ lãnh của thế gian này (x. Mc 1,25-26) nhờ cái chết và Phục sinh của Người.
d) Nhất là nơi cái chết và Phục sinh của Người:
Chúa Giêsu thắng tất cả thế giới sự dữ nhờ cái chết và phục sinh, nhờ đó Người chiến thắng Satan và bẻ gãy sự thống trị của ác thần (xc. Cl 2,15; Ep 1,21; Kh 12,7-12).
GLCG 1708: “Bẳng cuộc khổ nạn của Người, Đức Kitô đã giải thoát chúng ta khỏi Satan và tội lỗi. Người lập công cho chúng ta có sự sống mới trong Chúa Thánh Thần. Ẩn sủng của Người phục hồi những gì tội lỗi đã làm hư hỏng nơi chúng ta”.
GLCG 2853: “Cuộc chiến thắng trên ‘thủ lãnh thế gian này’ (x. Ga 14,30) đã hoàn tất, một lần cho mãi mãi, vào Giờ Chúa Giêsu tự nguyện nộp mình chịu chết để ban cho chúng ta sự sống của Người. Đó là lúc phán xét thế gian này và thủ lãnh thế gian này ‘bị tống ra ngoài’ (x. Ga 12,31; Kh 12,10).
e) Khi xuống âm tỉ:
Sau khi chết, Đức Giêsu xuống âm ti, và nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ” (Hr 2,14).
GLCG 635: “Vì vậy, Đức Kitô đã xuống cõi thâm sâu của sự chết (x. Mt 12,40; Rm 10,7; Ep 4,9) để ‘các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa thì sẽ được sống’ (Ga 5,25). Chúa Giêsu, Đấng khơi nguồn sự sống (x.Cv 3,15), đã nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức la ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ’ (Hr 2,14-15). Từ nay, Đức Kitô phục sinh ‘nắm giữ chìa khóa của Tử thần và Âm phủ’ (Kh 1,18), và ‘khi vừa nghe Danh Thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ (Pl 2,10”.f)
f) Khi Chúa Giêsu phái cử các môn đệ, trong đó Người trao cho các ông quyền xua đuổi ma quỷ (xc. Mc 3,15; 6,7.13; 16 17).
Chúa sai họ ra đi, ngõ hầu “họ loan báo Con Thiên Chúa đã nhờ sự chết và sự sống lại của Người, mà giải thoát chúng ta khỏi quyền lực Satan và sự chết, và đưa chúng ta vào Nước của Chúa Cha, nhưng còn để các tông đồ thực thi công trình cứu độ, mà các ông đã rao giảng nhờ hy lễ và các bí tích, là trung tâm điểm của toàn thể đời sống phụng vụ”. (GLCG 1086)
g) Bằng cuộc trở lại cánh chung:
GLCG 2852: “Nhờ việc Satan vĩnh viễn bị đánh bại mà toàn thể thụ tạo đã được giải thoát khỏi cảnh hư nát vì tội lỗi và sự chết. Chúng ta biết rằng phàm ai đã được Thiên Chúa sinh ra, người đó không phạm tội; nhưng có Đấng Thiên Chúa đã sinh ra giữ gìn người ấy, và Ác thần không đụng đến người ấy được. Chúng ta biết rằng chúng ta thuộc về Thiên Chúa, còn tất cả thế gian đều nằm dưới ách thống trị của Ác thần” (1Ga 5,18-19).
GLCG 2851: “Vì thế Thần khí và Hội thánh cầu nguyện: ‘Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến’ (Kh 22,17.20), bởi vì khi Người ngự đến, Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi Ác thần”.
IV. Tại sao Thiên Chúa “cho phép” Satan “làm khổ” con người?
1/ Hoạt động của Satan “được cho phép bởi Chúa quan phòng, Đấng điều khiển lịch sử của loài người và của trần gian cách mạnh mẽ và dịu dàng. Việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động quả là một mầu nhiệm lớn lao, nhưng ‘chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yếu mến Ngài’ (Rm 8,28)” (GLCG số 395).
Cuộc đời trên trần thế là thời kỳ thử thách, trong đó Thiên Chúa đồng ý cho ma quỷ cám dỗ và trắc nghiệm con người, nhưng không bao giờ vượt qua khả năng của nó. Tuy nhiên, nhờ đức tin, chúng ta biết rằng từ sự dữ này Thiên Chúa rút ra một điều tốt lành lớn lao hơn, ngõ hầu, với ơn thánh của Ngài, con tim được thanh luyện nhờ thử thách và đức tin trở nên cứng cát hơn.
2/ Nhưng chúng ta đừng bao giờ quên rằng hoạt động của ma quỷ có giới hạn:
Số 395: “Tuy nhiên, quyền năng của Satan không phải là vô hạn. Nó chỉ là một thụ tạo, có quyền năng vì là thuần tuý thiêng liêng, nhưng vẫn luôn luôn là thụ tạo: nó không thể ngăn chặn công trình xây dựng Nước Thiên Chúa. Mặc dầu Satan hoạt động trong trần gian do thù hận chống lại Thiên Chúa và Nước Ngài trong Chúa Giêsu Kitô, và mặc dầu hoạt động của nó gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho mỗi người và cho xã hội – trong lãnh vực tinh thần và một cách gián tiếp cả trong lãnh vực vật chất –, hoạt động ấy được cho phép bởi Chúa quan phòng, Đấng điều khiển lịch sử của loài người và của trần gian cách mạnh mẽ và dịu dàng. Việc Thiên Chúa cho phép ma quỷ hoạt động quả là một mầu nhiệm lớn lao, nhưng “chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28).
Đức Kitô là “người mạnh thế hơn” đã chiến thắng “người mạnh” (x. Lc 11,22). Chúa nói: “Các con hãy tin tưởng đi, vì Thầy đã thắng thế gian rồi!” (Ga 16,33).
V. Chúng ta chiến thắng ma quỷ bằng phương thế nào?
Bằng nhiều phương thế, bổ túc lẫn nhau.
1/ Trước hết bằng cuộc đời đức tin nguyên tuyền, với đặc điểm là tin tưởng phó thác vào tình yêu hiền phụ và quan phòng của Thiên Chúa (x. Lc 12,22-31), và vâng theo ý muốn cua Chúa (x. Mt 6,10), theo gương Chúa Giêsu (x. Phần Ba của GLCG). Đó là khiên thuẫn an toàn nhất. Cuộc chiến thắng rạng rỡ chống lại ảnh hưởng của Satan là không ngừng cải hoán cuộc đời, được diễn tả cách đặc biệt nơi Bí tích Hòa giải (x. GLCG, Phần Hai, Chương Hai, Các bí tish chữa lành), qua đó Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi những tội lỗi đã phạm sau khi rửa tội, Ngài ban lại cho ta tình thân hữu, và củng cố chúng ta bằng ơn thánh để chống lại những cuộc tấn công của Ác thần.
2/ Bằng việc tỉnh thức liên tục: “Anh chị em hãy tỉnh thức. Kẻ thù của anh chị em là ma quỷ, như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).
3/ Đón nhận và làm chứng Tin mừng, bằng lời nói và việc làm. Vì thế cần loan báo cách can đảm và toàn vẹn Tin mừng (x. Phần Một GLCG): không sợ nói đến ma quỷ, và nhát là sự chiến tháng mà Đức Kitô đã mang lại và tiếp tục mang lại nơi các môn đệ của Người. Thực vậy Dức Kitô đã liên kết với con người để cùng con người và trong con người chống lại quyền lực của tối tăm.
4/ Chiến đấu
– Chống lại các quyến rũ và cám dỗ của ma quỷ (x. Phần thứ Ba, đoạn thứ nhất, mục 5 và 8): “Toàn thể lịch sử nhân loại đã tràn ngập một cuộc giao tranh kinh khủng chống lại các quyền lực tối tăm; cuộc giao tranh bắt đầu từ lúc bắt đầu thế giới, và kéo dài, như Chúa nói, cho đến ngày cuối cùng. Bị đặt trong cuộc giao tranh này, con người phải chiến đấu không ngừng ngõ hầu có thể kết hiệp với điều thiện, và phải vất vả hết sức để có thể duy trì sự thống nhất nội tâm, với sự trợ lực của ơn Chúa (Công đồng Vaticanô II, Gaudium et spes, số 37,2).
– Chống lại các hình thức bói toán, ma thuật, hay pháp thuật:
GLCG 2116: “Phải loại bỏ mọi hình thức bói toán: cậy nhờ Satan hay ma quỷ, gọi hồn người chết hay những thực hành khác, là những việc người ta nghĩ cách sai lầm rằng sẽ “vén mở” được tương lai” (Đnl 18,10; Gr 29,8).
GLCG 2117: “Các thực hành ma thuật hay pháp thuật mà người ta muốn dùng để chế ngự các sức mạnh bí ẩn, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác – dù là để chữa bệnh – đều nghịch lại nhân đức thờ phượng cách nghiêm trọng. Các việc này càng đáng lên án hơn, khi có dụng ý làm hại người hay cậy nhờ đến sự can thiệp của ma quỷ. Mang bùa cũng là điều đáng trách. Chiêu hồn thường gồm các thực hành bói toán. Hội thánh cũng khuyên các tín hữu phải xa lánh việc đó. Khi dùng các phương thuốc, gọi là gia truyền, không được kêu cầu các quyền lực sự dữ, cũng không được lợi dụng sự cả tin của những người khác”.
GLCG 2538: “Điều răn thứ mười đòi hỏi phải loại trừ sự ganh tị khỏi trái tim con người. Sự ganh tị có thể đưa tới việc làm tồi tệ nhất (x. St 4,3-8; 1 V 21,1-29). Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian (Kn 2,24)”.
5/ Tránh lánh tội lỗi, là “một sự xúc phạm đến Thiên Chúa”
“Con đắc tội với Thiên Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51,6). Tội chống lại tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta và đưa trái tim chúng ta lĩa xa khỏi tình yêu đó. Cũng như tội đầu tiên, tội là một sự bất tuân, một sự nổi loạn chống Thiên Chúa vì ao ước muốn ‘sẽ nên như những vị thần biết điều thiện, điều ác’ (St 3,5) để nhận biết và quyết định điều tốt và điều xấu. Như vậy tội là ‘yêu mình đến mức khinh chê Thiên Chúa’ (GLCG 1850).
6/ Sử dụng sự phân định.
“Chúa Thánh Thần giúp chúng ta phân định đâu là thử thách, vốn cần thiết để con người nội tâm tăng trưởng (x. Lc 8,13-15; Cv 14,22; 2Tm 3,12) và nhằm ‘thử thách nhân đức’ (x.Rm 5,3-5), và đâu là cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết (x. Gc 1,14-15). Chúng ta còn phải biết phân biệt giữa ‘bị cám dỗ’ và ‘thuận theo’ cơn cám dỗ. Cuối cùng, phân định vạch trần sự dối trá của chước cám dỗ: bề ngoài, đối tượng cỏ vẻ ‘ngon, trông đẹp mắt và đáng quý’ (St 3,6), nhưng thật sự, kết quả của nó là sự chết” (GLCG 2847).
7/ Cầu nguyện.
“Thật vậy, nếu Thiên Chúa đứng về phía chúng ta, thử hỏi ai sẽ chống lại được chúng ta?” (Rm 8,31). Trong kinh Lạy Cha, chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta hãy cầu nguyện: “Xin cứu chúng con khỏi sự dữ”. “ Khi xin được giải thoát khỏi Ác thần, chúng ta cũng xin được cứu khỏi mọi sự dữ trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, do ma quỷ là thủ phạm hay lker chủ mưu. Trong lời cầu xin cuối cùng này, Hội thánh mang đến trước Chúa Cha mọi nỗi khốn cùng của trần gian. Cùng với ơn được giải thoát khỏi mọi sự dữ đang đè nén nhân loại, Hội thánh nài xin hồng ân quý giá là sự bình an và ơn bền đỗ mong đợi ngày trở lại của Đức Kitô. Khi cầu nguyện như thế, Hội thánh, trong sự khiêm tốn của đức tin, tiền dự sự quy tụ mọi người và mọi sự trong Đấng nắm ‘chìa khóa của cái chết và âm ti’ (Kh 1,18), “Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn năng! (Kh 1,8)” (GLCG 2854).
8/ Đôi khi sử dụng cả việc trừ tà nữa.
VI. Trừ tà là gì?
1/ Trừ tà là một hình thức cầu nguyện cổ xưa và đặc biệt mà Hội thánh sử dụng chống lại quyền lực ma quỷ. “Khi Hội thánh, một cách công khai và với thẩm quyền, nhân danh Chúa Giêsu Kitô, cầu xin để một người hay một đồ vật được Thiên Chúa bảo vệ khỏi ảnh hưởng của Ác thần và giải thoát khỏi ách thống trị của nó, thì người ta gọi đó là Trừ tà (exorcismus)” (GLCG 1673).
2/ Trừ tà là một sự cầu nguyện thuộc loại á-bí-tích (sacramentale). Các á-bí-tích là “những dấu chỉ thánh thiêng do Hội thánh thiết lập để thánh hóa một số hoàn cảnh trong cuộc sống. Các á-bí-tích gồm một lời cầu nguyện, kèm theo là dấu thánh giá và những dấu chỉ khác” (Bản Toát yếu sách GLCG số 351).
3/ Việc trừ tà được thực hiện như thế nào?
Có hai hình thức: đơn thường hoặc trọng thể.
a) Hình thức đơn thường được thực hiện khi cử hành bí tích Rửa tội.
“Bởi vì bí tích Rửa tội nói lên sự giải thoát khỏi tội lỗi và kẻ xúi giục tội lỗi là ma quỷ, nên một (hay nhiều) lời nguyện trừ tà được đọc trên ứng viên. Họ được xức dầu dự tòng hay được vị chủ sự đặt tay, và họ minh nhiên từ bỏ Satan. Được chuẩn bị như vậy xong, họ có thể tuyên xưng đức tin của Hội thánh mà họ sẽ được “trao phó” cho đức tin đó nhờ bí tích Rửa tội” (GLCG 1237).
b) Hình thức long trọng
“Việc trừ tà long trọng (sollemnis exorcismus), gọi là ‘trừ tà đại thể’ (magnus exorcismus), chỉ được thực hiện bởi một linh mục, với sự cho phép của Giám mục. Trong việc này, phải tiến hành cách khôn ngoan, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Hội thánh (x. Bộ giáo luật, điều 1172). Việc trừ tà nhằm trục xuất ma quỷ hoặc giải thoát khỏi ảnh hưởng của nó, nhờ quyền bính thiêng liêng Chúa Giêsu đã ủy thác cho Hội thánh của Người. Trường hợp bệnh tật, nhất là các bệnh tâm thần, thì khác hẳn, việc chữa trị các bệnh này là công việc của y khoa. Vì vậy, điều hết sức quan trọng là, trước khi cử hành nghi thức trừ tà, phải rất chắc chắn rằng đây là trường hợp hiện diện của ma quỷ chứ không phải là một bệnh tật nào đó” (GLCG 1673).
Trước khi khép lại bài viết này, thiết tưởng nên tránh hai thái cực khi bàn về ma quỷ. Một bên là chối bỏ sự hiện hữu của nó, một bên lại đề cao quyền năng của nó. Đức tin Công giáo khẳng định sự hiện hữu của ma quỷ nhưng coi đó chỉ là mặt trái của một thực tại vĩ đại hơn, đó là tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng có ma quỷ, nhưng chúng ta không tin tưởng vào nó. Niềm tin của chúng ta đặt vào Đức Kitô, Đấng là “Alpha và Omega, Khởi nguyên và Cùng đích” (Kh 1,8), Mọi vình quang và uy quyền thuộc về Người đến muôn thuở muôn đời (Kh 11,15). Người đã tống ra ngoài kẻ tố cáo các anh em và ban cho các anh em của Người được chiến thắng (Kh 12,10-12). Duy Người mới hứa ban nước trường sinh cho những ai chiến thắng sự dữ (Kh 21,6-8). Được nuôi dưỡng bởi niềm hy vọng ấy, đoàn dân thánh trên đường lữ hành có thể dâng lên lời chúc tụng: “Kính dâng Đấng đã yêu mến chúng ta và rửa sạch tội lỗi chúng ta, làm cho chúng ta trở thành vương quốc và hàng tư tế để phụng sự Thiên Chúa và Cha của Người: kính dâng Người vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Kh 1,5-6).
[1] Raffaelo Martinelli, L’insegnamento sul diavolo nel «Catechismo della Chiesa Cattolica» (CCC), https://aiepressoffice.com/it/2017/05/07/linsegnamento-sul-diavolo-nel-catechismo-della-chiesa-cattolica-ccc/