Thần Học Về Diaconatus – Chương II
CHƯƠNG II
DIACONATUS TRONG TÂN ƯỚC VÀ TRONG CÁC TÁC PHẨM CÁC GIÁO PHỤ
I. Diaconatus trong Tân Ước
1. Những khó khăn về mặt từ ngữ
Từ diaconos hầu như vắng bóng trong Cựu Ước; ngược lại, presbyteros được sử dụng rộng rãi. Trong bản LXX, ở những vị trí hiếm hoi mà từ diaconos xuất hiện, nó có nghĩa là người đưa tin hay tôi tớ1. Bản dịch Kinh Thánh Latinh (Vulgata) đã dịch từ này khi hiểu theo nghĩa chung là thừa tác viên minister, còn khi hiểu theo nghĩa chuyên môn thì chuyển âm Hy Lạp thành từ diaconus. Nhưng các hạn từ minister, ministerium, và ministrare cũng được sử dụng để chuyển ngữ các thuật ngữ Hy Lạp khác, chẳng hạn như hyperetes và leitourgos. Trong bản Vulgata, việc sử dụng từ diaconus được tìm thấy ba lần2, và trong các trường hợp còn lại, từ này được dịch bằng từ minister.3
Ngoài những từ diaconeo, diaconia, diaconos, tiếng Hy Lạp có thể lựa chọn giữa các từ sau: douleuo (phục vụ như một đầy tớ), therapeuo (phục vụ như người tình nguyện), latreuo (phục vụ để lấy tiền lương), leitourgeo (người giữ một chức vụ công cộng), và hypereteo (cai trị). 4 Dù sao, điều đặc trưng là hình thức động từ diaconein không được tìm thấy trong bản LXX, các chức năng của việc phục vụ được chuyển dịch bằng các động từ leitourgein hoặc latreuein. Philo chỉ sử dụng nó theo nghĩa “phục vụ”.5 Josephus biết từ này theo nghĩa “phục vụ”, “tuân theo” và “phục vụ mang tính tư tế”.6 Trong Tân Ước, từ douleuo mang nghĩa là việc phục vụ mang tính cách rất tư riêng: phục vụ đức bác ái. Trong ngôn ngữ của các Tin Mừng7 và ở Cv 6,2, diaconeo có nghĩa là “phục vụ bàn ăn”. Việc quyên góp tiền mà thánh Phaolô thực hiện để giúp đỡ cho những người ở Giêrusalem là loại phục vụ kiểu này.8 Tông đồ Phaolô đi đến Giêrusalem để “phục vụ các thánh”.9 Đối với việc sử dụng những từ cheirotonia, cheirotesia, ordinatio, ý nghĩa không được chắn chắn lắm.10
2. Dữ liệu từ Tân Ước
Tiên vàn, động từ diaconein ám chỉ chính sứ vụ của Đức Kitô như là tôi tớ (Mc 10,45 và song song; x. Mt 12,18; Cv 4,30; Pl 2,6-11). Kế đó là sự phục vụ của các môn đệ (Mc 10,43 tt.; Mt 20,26tt.; 23,11; Lc 8,3; Rm 15,25), và các tác vụ khác nhau trong Hội thánh, đặc biệt là việc rao giảng Tin mừng, và những đặc sủng khác.11
Trong ngôn ngữ Tân ước, các từ diaconein và diaconos được dùng khá bao quát với nhiều nghĩa khác nhau.12 Từ diaconos có thể mang nghĩa là một người phục vụ đứng chờ tại bàn ăn (xc. Ga 2,5 và 9), kẻ phục dịch một ông chủ (Mt 22,13; Ga 12,26; Mc 9,35; 10,43; Mt 20,26; 23,11), người phục vụ của một quyền lực thần thiêng (2 Cr 11,14; Ep 3,6; Cl 1,23; Gl 2,17; Rm 15,8; 2Cr 3,6), người phục vụ Tin Mừng của Chúa Kitô hay của Thiên Chúa (2 Cr 11,23). Những nhà cầm quyền dân ngoại cũng phục vụ Thiên Chúa (Rm 13,4); những diaconi là những người phục vụ của Giáo hội (Cl 1,25; 1Cr 3,5). Trong trường hợp mà diaconus thuộc về một trong những Giáo Hội, bản Vulgata không dùng từ minister, nhưng giữ lại từ diaconus.13 Điều này cho thấy rõ ràng rằng Cv 6,1-6 không đả động đến việc thiết lập chức diaconatus.14
“Diaconatus” đôi khi đồng nghĩa với “apostolatus” như trong Cv 1,17-25, đoạn mà, nhân dịp thêm thánh Mátthia vào nhóm 11 Tông đồ, thánh Phêrô gọi chức vụ tông đồ như “một sự chia sẻ công việc phục vụ của chúng tôi” (c.17: ton kleron tes diaconias tautes) và nói về việc phục vụ và việc tông đồ (c.25: ton topon tes diaconias kai apostoles, được bản TOB dịch là “việc phục vụ tông đồ”). Đoạn văn này của sách Công vụ cũng trích dẫn Tv 109,8: “Hãy để một người khác đảm nhận vị trí của anh ta [ten episkopen]”. Vì thế câu hỏi là liệu diaconia, apostole, và episkope tương đương với nhau hay không. Theo tác giả M.J. Schmitt và J. Colson, “apostolatus” là “một thuật ngữ biên tập khi hiệu đính “diaconias”.15
Cv 6,1-6 mô tả việc thiết lập “Nhóm Bảy” 16“để phục vụ tại bàn”. Lý do cho điều này được thánh Luca đưa ra như thể bắt nguồn từ những căng thẳng nội bộ trong cộng đồng: “Các người Hy lạp phàn nàn [egeneto goggysmos] bất bình với người Do Thái vì góa phụ của họ đã bị bỏ qua trong việc phân phối thực phẩm hàng ngày” (Cv 6,1). Người ta vẫn chưa xác định chắc chắn liệu các góa phụ của những người Hy lạp này có thuộc về cộng đồng hay không, dựa theo sự tôn trọng nghiêm ngặt quy định về sự thanh tẩy nghi lễ. Phải chăng các Tông Đồ đang mong muốn để gửi những người Hy lạp đối kháng ở Gierusalem đến những tỉnh khác, xét vì họ thường hay khiêu khích trong các bài giảng nơi hội đường? Phải chăng đó là lý do mà các tông đồ đã chọn “Nhóm Bảy”, con số của các thẩm phán tòa án cộng đồng tỉnh gắn liền với một hội đường không? Nhưng đồng thời, thông qua việc đặt tay, họ muốn duy trì sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần và tránh một sự ly giáo.17 Những nhà chú giải về sách Công vụ không giải thích tầm quan trọng của việc đặt tay này của các Tông Đồ.
Rất có thể là các Tông Đồ chỉ định Nhóm Bảy làm những người đứng đầu các kitô hữu “Hellenist” (người Do Thái đã được rửa tội nhưng nói tiếng Hy Lạp) để thi hành nhiệm vụ tương tự như các kỳ mục nơi các kitô hữu gốc Do Thái.18
Lý do được đưa ra cho việc chỉ định Nhóm Bảy được tuyển chọn (các lời phàn nàn của những người Hellenist) thì mâu thuẫn với các hoạt động thực tế của họ theo như thánh Luca mô tả sau đó. Chúng ta không thấy nói gì về việc phục vụ tại bàn. Trong số Nhóm Bảy, thánh Luca chỉ nói về các hoạt động của Stêphanô và Philipphê; hay chính xác hơn, bài giảng của Stêphanô trong giáo đường Do Thái tại Giêrusalem, và việc tử đạo của ngài; và hoạt động tông đồ của Philipphê ở Samaria, và vị này cũng làm phép rửa.19 Còn những người khác thì sao? 20
Trong các Giáo Hội được ủy thác cho thánh Phaolô tông đồ chăm sóc, các diaconoi xuất hiện bên cạnh episkopoi như là kẻ thực thi một tác vụ phụ thuộc hoặc cộng tác với tác vụ của episkopoi (Pl 1,1; 1 Tm 3,1-13). Trong các văn phẩm tông đồ, các diaconi được nhắc đến cùng với Giám mục, hay cũng có chỗ nhắc đến giám mục cùng với các linh mục. Rất hiếm khi các nguồn lịch sử trích dẫn cả ba với nhau: giám mục, linh mục và diaconus.
II. Vào thời các tông phụ
Bức thư đầu tiên của thánh Clêmentê Rôma gửi tín hữu Côrintô (thế kỷ I) nói rằng các giám mục và các diaconi có chức năng tinh thần trong cộng đồng: “Các Tông Đồ nhận Tin Mừng thông qua Chúa Giêsu Kitô cho chúng ta; Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, được Thiên Chúa sai đến. Do đó, Chúa Kitô đến từ Thiên Chúa, các Tông Đồ đến từ Chúa Kitô; theo một trật tự thích đáng, cả hai đều xuất phát từ ý muốn của Thiên Chúa [egenonto oun amphotera eutaktos ek thelematos Theou]. Do vậy, họ nhận được những hướng dẫn; và với lòng đầy niềm xác tín vào sự sống lại của Chúa chúng ta Chúa Giêsu Kitô,- được củng cố bởi lời của Thiên Chúa-, cùng với sự xác tín đầy đủ của Chúa Thánh Thần; họ lên đường để công bố Tin Mừng rằng vương quốc Thiên Chúa sắp đến. Họ rao giảng ở vùng nông thôn và ở các thị trấn và họ thiết lập [kathistanon] những “hoa quả đầu mùa”, họ đã kiểm chứng những người này nhờ Chúa Thánh Thần, để làm cho họ thành những giám mục và diaconus [eis episkopous kai diaconous] của những người tin. Và điều này không có gì mới [ou kainos]; vì lẽ từ lâu Kinh Thánh nói về giám mục và diaconi [egegrapto ven episkopon kai diaconon]; như có lời chép ở đâu đó, “Tôi sẽ thiết lập các giám mục của họ trong công lý và các diaconi của họ trong đức tin.” 21
Khi tác giả bức Thư của thánh Clementê nói về các chức năng phụng vụ, ngài tham chiếu đến Cựu Ước; 22 khi giải thích việc thiết lập episkopoi kai diaconoi, ngài tham chiếu đến ý muốn của Thiên Chúa, và đến các Tông đồ. 23 Hàng giám mục và diaconi không phải là một điều mới lạ, nhưng đã được thành lập trên ý định của Thiên Chúa; và do đó, là một “hàng ngũ thích hợp”; việc họ được sai đi bắt nguồn từ nơi chính Thiên Chúa. Những người kế vị được các Tông đồ lựa chọn là những hoa quả đầu mùa tiến dâng lên cho Thiên Chúa. Các Tông Đồ đã kiểm chứng những người được lựa chọn nhờ bởi Chúa Thánh Thần; những người kế vị họ sẽ được thiết lập bởi sự lựa chọn của toàn thể cộng đoàn.24
Ở đây chúng ta thấy truyền thống của các lá thư mục vụ được tiếp nối qua: (1) việc chứng thực trong Chúa Thánh Thần (xc. 1 Tm 3,1-7 và 8,10tt); (2) việc sử dụng liền cạnh nhau của các hạn từ episkopos kai diaconos (xc. Pl 1,1), nơi mà từ ngữ episkopos chưa tương đương với định nghĩa hiện tại của về Giám mục. 25 Đáng chú ý cách thức mà thánh Pôlycarpô liên kết tác vụ của diaconus với việc phục vụ của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế: “Hãy để họ bước đi trong sự thật của Chúa, Đấng đã trở thành đầy tớ (diaconos) của mọi người” (Thư thánh Pôlycarpô gửi tín hữu Philipphê 5,2).
Bản văn của sách Didache (được viết trước năm 130 Công nguyên) tại 15, 1 chỉ đề cập đến các giám mục và diaconi như những người kế vị các ngôn sứ và thầy dạy (didaskaloi), và không đả động đến các linh mục: “Do đó, hãy chọn cho mình những giám mục và diaconi xứng đáng với Chúa, những người đàn ông hòa nhã, công tâm, trung thực và đáng tin cậy, bởi vì, đối với anh em, họ thực thi các chức vụ của các ngôn sứ và thầy dạy”26 . J.-P. Audet nhận xét, “Phải thừa nhận là hai từ này nghe khác nhau đối với chúng ta. Nhưng trong tiếng Hy Lạp, tại thời điểm Didache, một episkopos là một giám sát viên, quản đốc, giám hộ, người điều hành, người coi sóc hoặc người quản lý … trong khi một diaconos chỉ đơn giản là một người đầy tớ có thể thực hiện các chức vụ khác nhau tùy theo các điều kiện cụ thể của công việc phục vụ của mình. Hai thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi với nhiều ý nghĩa …. Cách thức họ được chỉ định (cheirotonesate) cụ thể thế nào thì vẫn chưa rõ ràng. Họ được lựa chọn và bổ nhiệm, có lẽ bởi cuộc bầu cử; đó là tất cả những điều mà người ta có thể nói.”27 Tài liệu Didache không nói một lời nào về việc truyền chức. Theo K. Niederwimmer, hạn từ cheirotonein có nghĩa bầu chọn.28
Chắc chắn rằng ở giai đoạn này, các diaconicos có trách nhiệm cho đời sống của Giáo Hội liên quan đến những công việc bác ái dành cho các góa phụ và trẻ mồ côi, tương tự như trường hợp trong cộng đồng đầu tiên tại Giêrusalem. Chắc hẳn các hoạt động của họ được gắn kết với việc dạy Giáo lý và cũng có thể với cả việc phụng vụ. Tuy nhiên thông tin về chủ đề này là rất ngắn gọn29 đến nỗi rất khó để suy diễn phạm vi chính xác các chức năng của họ.
Các thư của thánh Inhaxiô Antiôkia đánh dấu một giai đoạn mới. Các tuyên bố của ngài về hệ thống phẩm trật Giáo hội với ba cấp bậc thì tương tự như thánh Clementê Roma: “Mọi người hãy tôn trọng các diaconi như Đức Giêsu Kitô, Giám mục như hình ảnh của Chúa Cha, và các linh mục như là thượng viện của Thiên Chúa và hội đồng của các Tông đồ. Vì không có họ thì không thể nói về Giáo Hội.”30 Lại nữa, “hãy nghe theo các giám mục, như Đức Giêsu Kitô [nghe theo] Chúa Cha, và hãy nghe theo các linh mục như các Tông Đồ; còn đối với các diaconi, hãy tôn trọng họ như luật của Chúa.” 31 Các bản văn của thánh Inhaxiô nói về giám mục ở số ít, các linh mục và phó tế ở số nhiều, nhưng không nói gì về đặc tính của diaconatus, mà chỉ mời gọi các tín hữu hãy tôn kính các diaconi như những người được Thiên Chúa cử đến.
Thánh Giustinô (+165) cung cấp những dữ liệu đặc biệt về hoạt động phụng vụ của các diaconi. Ngài miêu tả vai trò của các diaconi trong Thánh Lễ vào lúc dâng lễ (oblatio) và hiệp lễ (communio): “Rồi người ta mang bánh và một ly nước và rượu pha nước đến vị chủ tọa buổi hội họp của các anh em […] Sau khi kết thúc những lời cầu nguyện và tạ ơn, tất cả mọi người hiện diện biểu hiện sự tán thành bằng cách đáp lại Amen […] Khi vị chủ tọa buổi hội họp kết thúc lời kinh tạ ơn [eucharistia] và tất cả mọi người đáp lại, những người mà chúng tôi gọi là diaconi [oi kaloumenoi par emin diaconoi] đem đến chia cho cho mỗi người hiện diện bánh và rượu đã được trộn lẫn với nước sau khi chủ tế đã đọc kinh tạ ơn, và những người này mang đến cho những người vắng mặt.”32
III. Củng cố và phát triển diaconatus trong thế kỷ III và IV
Theo thánh Clêmentê Alexandria, trong Giáo hội, cũng như trong xã hội dân sự, có những chức vụ nhắm đến việc mang lại lợi ích cho thân xác hoặc linh hồn (therapeia beltiotike, hyperetike). Cũng có những chức vụ tự bản chất được cắt đặt để phục vụ những người ở cấp cao hơn. Các tư tế thuộc về loại thứ nhất, và các diaconi thuộc loại thứ hai.33 Nơi ông Origen, diaconia của giám mục luôn luôn là việc phục vụ toàn giáo hội (ekklesiastike diaconia). Giám mục được gọi là “hoàng thân” và cùng lúc được gọi là “đầy tớ của tất cả mọi người”.34 Các diaconi thường bị Origene chỉ trích vì họ bị tiêm nhiễm nhiều bởi lòng tham lam. Vì có trách nhiệm đối với những công việc bác ái, nên họ tiếp xúc với tiền bạc nhiều hơn. Trong đoạn nói về việc trục xuất các con buôn ra khỏi đền thờ, Origen nói về những diaconi “không quản lý những bàn đựng tiền của Giáo Hội (nghĩa là của các người nghèo) cách đúng đắn nhưng luôn luôn hành động gian lận”. 35 “Họ tích lũy sự giàu có cho bản thân, biện thủ số tiền dành cho người nghèo.”36
Cuốn Didascalia (thế kỷ III) cho thấy sự vượt trội của các diaconi trên các linh mục, bởi vì các diaconi được sánh với Chúa Ki-tô, đang khi các linh mục chỉ sánh với các Tông Đồ.37 Tuy nhiên, một đàng, các linh mục được giới thiệu như nghị viện của Giáo Hội và cố vấn của giám mục. Họ được đặt chung quanh bàn thờ và quanh ngai giám mục. Các diaconi được gọi là “các vị đệ tam”, có lẽ ám chỉ rằng họ đứng sau giám mục và các linh mục. Đàng khác, các diaconi dường như giữ địa vị và hoạt động vượt trội hơn các linh mục. Giáo dân nên có lòng tin tưởng lớn lao nơi các diaconi và không nên làm phiền đến vị đứng đầu, nhưng bày tỏ những mong ước của mình với vị ấy qua các hyperetai, nghĩa là qua các diaconi, vì lẽ không ai có thể đến được với Thiên Chúa toàn năng mà không phải qua Đức Ki-tô.38 Trong Didascalia sự gia tăng uy thế của chức diaconatus trong Giáo hội rất đáng kể, dẫn đến một cuộc khủng hoảng gia tăng trong những tương quan hỗ tương giữa các diaconi và các linh mục. Ngoài những trách vụ xã hội và bác ái của các diaconi, còn thêm những việc phục vụ khác trong các buổi hội họp phụng vụ:xếp đặt chỗ ngồi cho những người khách và những người hành hương; trông coi những đồ dâng cúng, giám sát những kỷ luật và thinh lặng; và canh chừng việc ăn mặc xứng hợp.
Tác phẩm “Truyền Thống Tông Đồ” (Traditio Apostolica) của Híppolitô Rô-ma (+235) trình bày lần đầu tiên quy chế thần học và pháp lý của diaconus trong Hội Thánh. Họ được xếp vào nhóm những người được “truyền chức” (ordinati) bằng việc đặt tay (cheirotonein), đối lại với những người được “thiết lập” (instituti) trong cơ cấu phẩm trật. Việc “phong chức” của các diaconi được tiến hành duy bởi các giám mục mà thôi (chương 8). Mối liên hệ này xác định phạm vi các trách vụ của diaconus – người được đặt dưới sự điều động của giám mục để thi hành các chỉ thị của ngài, nhưng không được tham dự hội đồng các linh mục.
Nên đối chiếu hai bản văn về việc truyền chức các diaconi, bản Veronense (L, bản Latinh) và bản Sahidica Ethiopia (S[AE]), bởi vì có một vài khác biệt giữa đôi bên. Bản L nói: “Diaconus vero cum ordinatur, eligatur secundum ea, quae praedicta sunt, similiter imponens manua episcopus solus sicuti praecipimus.” Bản S [AE] thì rõ ràng hơn: “Episcopus autem instituet [kathistasthat] diaconum qui electus est, secundum quod praedictum est.” Tuy nhiên, vẫn có một sự khác biệt giữa việc truyền chức (ordinatio) và thiết lập (institutio). Chương 10 của Truyền Thống Tông Đồ bàn về các bà góa mang lại vài yếu tố đáng kể. “Non autem imponetur manus super eam, quia non affert oblationem neque habet liturgiam. Ordinatio [cherotonica] autem fit cum clero [kleros] propter liturgiam. Vidua [xera] autem instituitur [kathistasthai] propter orationem: haec autem est omnium.” 39 Theo bản văn này, nếu không có việc đặt tay trong nghi thức, thì chỉ là thiết lập (katastasis / institutio) chứ không phải là truyền chức (ordinatio). Vì thế, trong suốt ở thế kỷ III, việc đặt tay đã hình thành nên dấu hiệu phân biệt của nghi thức truyền chức đối với những chức lớn. Sang thế kỷ IV, nó cũng được mở rộng ra cho cả những chức nhỏ nữa.
Liên quan đến phụng vụ, công việc của diaconus là mang những lễ vật và sắp xếp chúng. Trong cử hành Phép Rửa, vai trò của diaconus là tháp tùng linh mục và đưa cho ngài “dầu dự tòng và dầu chrisma và cùng đi xuống nước với người lãnh Phép Rửa” (chương 21). Một công việc khác dành cho các diaconi là giảng dạy: “Hãy tập hợp họ lại và hướng dẫn họ cùng với những người ở trong Giáo Hội.” (chương 39). Một cách đặc biệt, hoạt động xã hội của họ được nhấn mạnh, cùng kết hợp chặt chẽ với giám mục.
Theo thánh Cyprianô, “các diaconi đừng quên rằng chính Thiên Chúa đã chọn các Tông Đồ, nghĩa là, những giám mục và những người đứng đầu Giáo Hội, trong khi đó các diaconi được thiết lập bởi các thánh Tông Đồ sau khi Chúa lên trời, để làm những thừa tác viên của giám mục đoàn (episcopatus) và của Giáo Hội. Vì vậy, cũng như chúng tôi không thể thực hiện bất cứ điều gì ngược lại Thiên Chúa, Đấng đã đặt các giám mục, thì họ cũng không thể thực hiện bất cứ điều gì ngược lại chúng tôi, những người đã đặt họ làm diaconi”. 40 Dường như đó đây, ngay cả ở Carthage, các diaconi muốn thay thế vị trí các linh mục. Cần phải khuyến cáo họ rằng các diaconi ở vị trí thứ ba trong cơ cấu phẩm trật. Trong thời gian tòa Giám mục khuyết vị, họ cũng có một vai trò quan trọng trong việc điều hành Giáo Hội. Trong thời lưu đày, thánh Cyprianô thường gửi những lá thư “cho các linh mục và diaconi” để trao đổi những vấn đề về kỷ luật. Các linh mục và diaconi đôi khi được diển tả bằng từ clerus, và ít khi được gọi là praepositi.41 Linh mục Gaius Didensis và những diaconi của ngài đều phải cùng nhau dâng Thánh lễ, nhưng lá thư thứ năm cho thấy rằng trên thực tế chính các linh mục dâng Thánh lễ, còn các diaconi trợ giúp.42 Mặt khác, việc thực hiện những công việc bác ái như thăm viếng tù nhân được ủy thác cho các diaconi. Họ được mô tả như là “boni viri et ecclesiasticae administrationis per omnia devoti”.43 Từ administratio được tìm thấy trong lối diễn tả sancta administratio áp dụng cho diaconus Nicostratus liên quan đến tiền bạc của Giáo Hội mà ông trông coi. Như vậy, các diaconi không chỉ chịu trách nhiệm về những công tác bác ái cho người nghèo, mà còn quản trị tài chính thuộc về cộng đoàn.44
Tóm lại, có thể nói được rằng, ngoài sự kiện là chức diaconatus hiện hữu trong tất các các Giáo hội từ đầu thế kỷ II và là một hàng ngũ trong Giáo hội, các diaconi ngay từ đầu đã thi hành chức vụ như nhau ở mọi nơi, mặc dầu điểm nhấn về các khía cạnh của nhiệm vụ có thể khác biệt tùy từng vùng. Chức diaconatus đã ổn định vào trong khoảng thế kỷ IV. Trong những hướng dẫn về công nghị và công đồng trong thời gian này, chức diaconatus được xem như là một yếu tố thiết yếu của phẩm trật Giáo hội địa phương. Tại công nghị Elvira (306-309) vai trò nổi bật trong lãnh vực quản trị Giáo hội được nhấn mạnh. Nghịch lý thay, đang khi đặt ra một hạn chế nào đó về sự tham dự của những diaconi trong lãnh vực phụng vụ, thì công nghị này lại quy cho họ khả năng công bố lời xá tội trong những trường hợp khẩn cấp. Khuynh hướng lấn sang thẩm quyền của các linh mục, được biểu lộ qua việc các diaconi cũng đòi quyền chủ sự Thánh Lễ (dù rằng như là một ngoại lệ), đã bị bác bỏ bởi công nghị Arles (314) và nhất là Công đồng Nixêa (325).
Tác phẩm Constitutiones Apostolorum, một bộ sưu tập pháp lý nổi tiếng nhất trong thế kỷ IV, trích dẫn nhiều phần khác nhau của sách Didaché và Didascalia nói về các diaconi, và chú dẫn dựa theo quan điểm đương thời. Những phát biểu của thánh Inhaxiô trong những lá thư của ngài cũng được trưng dẫn, mang lại nhiều thông tin có ý nghĩa. Đặc trưng của bản văn là khuynh hướng duy-lịch-sử, khiến cho tác giả (hoặc nhà biên tập) tìm kiếm những sự tiên trưng trong những đoạn Cựu Ước song song. Tác giả dẫn nhập diễn từ của mình với một công thức trang trọng (xc. Đnl 5,31 và 27,9): “Nghe đây, hỡi Giáo Hội thánh thiện và công giáo… vì đây là những thượng tế của ngươi; các linh mục của ngươi là những kỳ mục, và những thầy Lê-vi của ngươi bây giờ là những diaconi, những người đọc sách, ca trưởng và giữ cửa, đây là những diaconissa, những bà góa, những trinh nữ và các trẻ mồ côi của ngươi… Diaconus sẽ hầu cận ngài như Đức Kitô hầu cận Chúa Cha…”45 . Tác giả diễn tả mối tương quan giữa giám mục và diaconus qua những hình ảnh tiên trưng trong Cựu Ước và những mô hình thiên giới: “Bây giờ đối với ngươi, Aharon là diaconus và Mô-sê là giám mục; vì thế nếu Mô-sê đã được Đức Chúa gọi là một vị thần; thì giữa các ngươi, giám mục sẽ được tôn kính giống như một vị thần và diaconus như là một ngôn sứ của ngài […] và cũng như Người Con là thiên sứ và ngôn sứ của Chúa Cha thế nào, thì diaconus là thiên sứ và ngôn sứ của giám mục cũng như vậy.” 46 Diaconus tượng trưng cho con mắt, cái tai, và cái miệng của giám mục “ngõ hầu giám mục không phải bận tâm đến vô số vấn đề, nhưng chỉ những vấn đề quan trọng nhất, như ông Giethrô đã đề nghị với ông Môsê, và lời khuyên của ông đã được chấp nhận thỏa đáng.”47 Lời nguyện truyền chức diaconus bởi vị giám mục chứng nhận rằng chức diaconatus được xem như một cấp bậc chuyển tiếp hướng đến chức linh mục: “Xin hãy ban cho thầy hoàn tất mỹ mãn việc phục vụ đã được giao phó cho mình, theo cách chính đáng chứ không sai trệch cũng không đáng chê hay đáng trách, hầu được đánh giá là xứng đáng cho một cấp bậc cao hơn [meizonos axiothenai bathmou], qua trung gian của Đức Kitô, Con Một yêu dấu của Cha.”48
Trong tác phẩm Euchologion (Những lời nguyện) của Serapion, vào cuối thế kỷ IV, có một lời nguyện truyền chức diaconus, với thuật ngữ tương tự như bản dịch Sahidic của tác phẩm Truyền Thống Tông đồ. Bản văn của lời cầu nguyện ám chỉ đến những điều khoản luật của Giáo hội, đến cơ cấu phẩm trật 3 cấp bậc, và đề cập đến Nhóm Bảy người trong sách Công vụ chương 6; để diễn tả việc phong chức diaconus, bản văn sử dụng động từ katisthanai: “Pater Unigeniti, qui filium misisti tuum et ordinasti res super terra atque ecclesiae canones et ordines dedisti in utilitatem et salutem gregum, qui elegisti episcopos et presbyteros et diaconos in ministerium catholicae tuae ecclesiae, qui elegisti per unigenitum tuum septem diaconos eisque largitus es spiritum sanctum: constitue [katasteson] et hunc diaconum ecclesiae tuae catholicae et da in eo spiritum cognitionis ac discretionis, ut possit inter populum sanctum pure et immaculate ministrare in hoc ministerio per unigenitum tuum Iesum Christum, per quern tibi gloriam et imperium in sancto spiritu et nunc et in omnia saecula saeculorum, amen.”49
Lời cầu nguyện thánh hiến một diaconus trong cuốn Sacramentarium Veronense nói đến việc phục vụ bàn thánh, và giống như bản văn trong Constitutiones Apostolorum, lời cầu nguyện này xem chức diaconatus là cấp bậc tạm thời: “Oremus . . . quos consecrationis indultae propitius dona conservet . .. quos ad officium levitarum vocare dignaris, altaris sancti ministerium tribuas sufficienter implere … trinis gradibus ministrorum nomini tuo militare constituehs … dignisque successibus de inferiori gradu per gratiam tuam capere potiora mereantur.”50 Văn kiện Sacramentarium Gregorianum thì tương tự hoàn toàn với các bản văn đã được trích dẫn. Nó cũng gợi lại ba cấp, và dùng từ “constituere” để định rõ việc truyền chức diaconus.51
Tuy bề ngoài xem ra đồng nhất, nhưng tuyên bố của các Giáo Phụ trong thế kỷ IV cũng thoáng cho thấy một vài bất đồng vốn đã có sẵn từ thế kỷ III, ví dụ như về ý định của diaconus đòi thay thế vị trí, cấp bậc và phận vụ của các linh mục.52 Phần nào nguyên nhân là do một quan điểm cho rằng ba cấp bậc (giám mục, linh mục và diaconus) thì giống như các yếu tố của một hàng ngũ duy nhất và như nhau. Một tác giả Mạo-Athanasio (pseudo-Athanasios) nói về điều này như là một “sự đồng bản thể”53 trong tác phẩm De Trinitate (Về Ba Ngôi). Ngoài ra, Kitô giáo đang bắt đầu mở rộng thêm trong các vùng tỉnh lẻ. Các giám mục và linh mục rời bỏ thành phố cách miễn cưỡng; còn các diaconi rất sẵn lòng, nhưng lạm dụng hoàn cảnh như thế, họ chiếm giữ một vài quyền lợi của các linh mục. Bối cảnh lịch sử cũng góp phần cho sự phát triển này. Thực tế, những người thuộc nhóm Ariô đã làm tổn hại danh tiếng của chức vụ giám mục. Trái ngược với các giám mục và linh mục ham mê quyền lực và tiền bạc, các diaconi ngày càng được quý mến do sự gắn kết chặt chẽ với các đan sĩ và giáo dân. Ý kiến phổ biến trong thế kỷ IV là các diaconi đã được các Tông đồ thiết lập và các giám mục truyền chức cho họ theo cùng cách thức như là các linh mục. Các diaconi thuộc về hàng giáo sĩ, nhưng chỉ trợ giúp trong phụng vụ.54
Các nguồn cho chúng ta thấy rằng ngay cả thánh Gioan Kim Khẩu cũng không thành công khi móc nối ba cấp bậc của chức thánh với trào lưu lịch sử. Đối với các linh mục thì có những khuôn mẫu của dân Do thái; còn chức giám mục và diaconatus do các Tông đồ cắt đặt (constituiti). Thật không rõ các ý niệm này muốn nói gì.55Thánh Gioan Kim Khẩu cho rằng chức diaconatus đã được Thánh Thần thiết lập.56 Cũng trong thế kỷ này, những giáo phụ La-tinh cũng lấy lại từ ngữ gốc Hy-Lạp “diaconus”, như thánh Au-gus-ti-nô xác nhận.57
Thế kỷ IV đánh dấu chặng cuối của tiến trình đưa đến việc thừa nhận chức diaconatus như là một cấp bậc trong phẩm trật Giáo Hội, được xếp ngay sau giám mục và linh mục, với một vai trò rành mạch. Được nối kết với chính Đức giám mục và sứ vụ của ngài, vai trò này bao gồm 3 phận vụ: phục vụ trong phụng vụ; phục vụ việc rao giảng Tin Mừng và dạy Giáo lý; và một hoạt động xã hội to lớn liên hệ đến những công việc bác ái và hành động quản trị tùy theo những chỉ dẫn của giám mục.
IV. Tác vụ của các Diaconissa
Vào thời các Tông Đồ, những hình thức phục vụ khác nhau của các phụ nữ hỗ trợ cho các các Tông Đồ và các cộng đoàn dường như trở thành định chế. Thánh Phaolô gửi gắm cộng đoàn tại Roma cho “chị Phê-bê, là người trợ tá [he diaconos] Hội Thánh Kenkrê ” (x. Rm 16,1-4). Mặc dù hình thức giống đực diaconos được sử dụng ở đây, nhưng không thể kết luận rằng từ này ám chỉ một chức năng đặc trưng của một “diaconos”; một đàng, bởi vì trong bối cảnh này, diaconos vẫn có nghĩa chung là người tôi tớ, và đàng khác bởi vì từ “tôi tớ” mặc dù không có hậu tố giống cái nhưng được đặt sau một mạo từ giống cái. Điều có vẻ rõ ràng là Phê-bê thực hiện một tác vụ trong cộng đoàn Kenkrê, được công nhận và tùy thuộc vào sứ vụ của thánh Tông Đồ. Ở những chỗ khác trong các văn phẩm Phaolô, những nhà cầm quyền dân sự cũng được là diaconos (Rm 13,4), và thư 2 Cr 11,14-15, thánh nhân đề cập đến các diaconoi của ma quỷ.
Các nhà chú giải chia rẽ nhau khi bàn về 1 Tm 3,11. Việc đề cập đến “ các phụ nữ” đi sau các diaconi có thể liên tưởng đến cácnữdiaconi (được giới thiệu với từ “tương tự như vậy), hoặc đến các người vợ của diaconi đã được đề cập trước đó. Trong bức thư này, các chức năng của diaconus không được mô tả, mà chỉ có những điều kiện để được thâu nhận.Thư nói rằng các phụ nữ không được phép giảng dạy hay điều khiển người đàn ông (1 Tm 2,8-15 ). Dù sao các chức năng điều khiển và giảng dạy lúc nào cũng dành cho vị giám mục (1 Tm 3,5) và cho các linh mục (1 Tm 5,17), chứ không cho các diaconi. Các góa phụ họp thành một nhóm được công nhận trong cộng đồng này. Họ nhận được sự hỗ trợ của cộng đoàn để đổi lấy sự cam kết dấn thân sống khiết tịnh và cầu nguyện. Thư 1 Tm 5,3-16 nhấn mạnh những điều kiện để được ghi vào danh sách các góa phụ được cộng đòan hỗ trợ, và không nói gì thêm về bất kỳ chức năng nào của họ. Về sau, họ sẽ được chính thức được “thiết lập” (instituiti) chứ “không truyền chức” (ordinati);58 họ họp thành một “hàng ngũ” (ordo) trong Giáo Hội.59 và sẽ chẳng bao giờ có bất kỳ sứ vụ nào khác ngoài gương tốt và cầu nguyện.
Vào đầu thế kỷ II, một lá thư từ quan Pliniô Trẻ, tổng trấn Bithynia, đã đề cập đến hai phụ nữ được các Kitô hữu mô tả là ministrae, có thể tương đương với tiếng Hy Lạp diaconoi (10, 96-97). Mãi cho đến thế kỷ III mới có hạn từ Kitô giáo chuyên biệt xuất hiện diaconissa hay diacona.
Thật vậy, từ cuối thế kỷ III trở đi, tại một số vùng của Giáo Hội 60 (chứ không phải tất cả), có chứng tích về một tác vụ giáo hội chuyên biệt được dành cho phụ nữ được gọi là các diaconissae.61 Điều này diễn ra ở Đông Syria và Constantinopolis. Khoảng năm 240, xuất hiện một bộ sưu tập các tài liệu phụng vụ- giáo luật, đó là cuốn Didascalia Apostolorum (DA), nhưng không mang tính chính thức. Đức giám mục mang những nét của một tổ phụ Kinh thánh toàn năng (xc. DA 2, 33-35, 3). Ông đứng đầu một cộng đoàn nhỏ mà ông điều khiển nhất là nhờ sự hỗ trợ của các diaconi và diaconissae. Đây là lần đầu tiên từ ngữ diaconissae xuất hiện trong một văn kiện Giáo Hội. Dựa theo lối trình bày tiên trưng lấy từ thánh Inhaxiô Antiôkia, giám mục giữ vai trò của Thiên Chúa Cha, các diaconi giữ vai Đức Kitô, và các diaconissae giữ vai Thần Khí (từ “ruah” là giống cái trong ngôn ngữ Sêmit), trong khi các linh mục (những người ít khi được đề cập) tượng trưng các Tông Đồ, và các góa phụ tượng trưng bàn thờ (DA 2, 26, 4-7). Không thấy nói gì về việc truyền chức cho các tác viên này.
Didascalia nhấn mạnh đến vai trò bác ái của diaconus và diaconissa. Tác vụ của diaconus phải tỏ ra như “một linh hồn duy nhất trong hai thân xác”. Khuôn mẫu của nó là diaconia của Đức Kitô, Đấng rửa chân cho các môn đệ (DA 3,13,1-7). Tuy nhiên, không có sự tương đương chặt chẽ giữa hai nhánh của chức diaconatus liên quan đến những chức năng mà họ thực hiện. Các diaconus được các giám mục lựa chọn để “chăm lo nhiều chuyện cần thiết”, còn các diaconissa chỉ chuyên việc “phục vụ phái nữ”(DA 3,12,1).62 Ước mong rằng “số lượng các diaconus có thể tương ứng với số lượng các cộng đoàn của dân Thiên Chúa” ( DA 3,13, l).62 Các diaconi quản lý tài sản của cộng đồng nhân danh của giám mục. Cũng giống như các giám mục, họ được cấp dưỡng bởi cộng đồng. Các diaconi được gọi là tai và miệng của giám mục (DA 2,44,3-4). Người tín hữu phải nhờ các diaconi để tiếp cận với giám mục; tương tự như vậy, các nữ tín hữu nên nhờ các nữ diaconus (DA 3,12,1-4). Một diaconus đứng canh ở lối ra vào trong phòng hội họp, trong khi một diaconus khác hầu cận giám mục trong việc hiệp dâng Thánh Thể (DA 2, 57, 6).
Diaconissa thực hiện việc xức dầu cho phụ nữ trong nghi thức rửa tội, hướng dẫn phụ nữ tân tòng, và viếng thăm các nữ tín hữu, đặc biệt là các bệnh nhân, trong nhà của những người này. Họ bị cấm không được ban phép rửa tội, hoặc giữ một vai trò trong việc dâng Thánh lễ (DA 3, 12, 1-4). Các diaconissa đứng trên các góa phụ. Các giám mục vẫn có thể thiết lập các góa phụ, nhưng họ không được phép dạy dỗ hoặc làm phép rửa tội (cho phụ nữ), nhưng chỉ cầu nguyện (DA 3, 5, 1-3, 6, 2).
Sách Constitutiones Apostolorum, xuất hiện ở Syria vào khoảng năm 380, đã sử dụng và chèn vào các bản văn Didascalia, Didache và Traditio Apostolica. Cácquy định của Constitutiones đã có một ảnh hưởng lâu dài trên kỷ luật chi phối việc truyền chức ở Đông phương, mặc dù chúng chưa bao giờ được coi là một bộ sưu tập giáo luật chính thức. Người biên soạn đã dự trù việc đặt tay cùng với lời khẩn nài (epiclesis) Chúa Thánh Thần không những cho các giám mục, linh mục và diaconi, mà còn cho các diaconissae, subdiaconi và đọc sách (x. CA VIII,16-23).63 Khái niệm kleros được mở rộng cho tất cả những người thi hành một thừa tác vụ phụng vụ, những người được Giáo Hội chu cấp, và những người được hưởng lợi từ những đặc quyền dân sự mà luật hoàng triều cấp cho các giáo sĩ, vì vậy các diaconissae được kể vào hàng giáo sĩ, còn các góa phụ thì bị loại ra.
Các giám mục và linh mục thì được xem như tương ứng với thượng tế và các tư tế của Cựu Ước, còn tương ứng với thầy Lê-vi là tất cả các tác vụ và hàng ngũ khác: “diaconi, đọc sách, ca trưởng, giữ cửa, diaconissae, góa phụ, trinh nữ và trẻ mồ côi” (CA II, 26, 3 ; CA VIII, 1, 21). Diaconus được đặt lên “để phục vụ các giám mục và các linh mục” và không nên tiếm quyền của các vị ấy.64 Diaconus có thể công bố Tin Mừng và hướng dẫn kinh nguyện cộng đoàn (CA II, 57, 18), nhưng chỉ giám mục và các linh mục khuyến dụ (CA II, 57, 7). Các diaconissae lãnh nhận chức vụ nhờ một epithesis cheirôn hay việc đặt tay để ban Chúa Thánh Thần, 65 cũng giống như các người đọc sách (CA VIII,20, 22). Giám mục đọc lời nguyện như sau: “Lạy Thiên Chúa, Đấng hằng hữu, Thân phụ của Đức Giêsu Kitô, Đấng dựng nên người nam và người nữ, Đấng đổ tràn thần khí Ngài trên các bà Myriam, Deborah, Anna và Hulda; Đấng không xét thấy là bất xứng việc để cho Con yêu dấu duy nhất của Ngài được sinh ra bởi một người nữ; Đấng trong lều chứng ước và trong đền thờ đã thiết lập những kẻ trông nom các cửa thánh thiêng của Ngài, giờ đây xin nhìn đến tôi tớ trước mặt Ngài đây, được đề cử lên lãnh chức diaconatus: xin ban Thánh Linh cho người này và thanh luyện khỏi mọi ô uế của xác thịt và tinh thần để người này xứng đáng thi hành phận vụ được ủy thác, để tôn vinh Ngài và để ca ngợi Đức Kitô, nhờ Người, vinh quang và tôn thờ quy về Ngài, trong Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen.” 66
Các diaconissa được nhắc đến trước subdiaconus, là người cũng nhận sự đặt tay truyền chức cheirotonia như diaconus (CA VIII, 21), trong khi các trinh nữ và góa phụ không thể được “truyền chức” (VIII, 24-25). Sách Constitutiones nhấn mạnh rằng các diaconissae không giữ chức năng phụng vụ nào (III, 9, 1-2), nhưng thực thi chức năng của cộng đồng trao cho họ là “phục vụ các phụ nữ” (CA III, 16, 1) và tựa như trung gian giữa các phụ nữ và vị giám mục. Người ta vẫn cho rằng họ tượng trưng cho Thánh Linh, nhưng họ “không được gì mà không có diaconus” (CA II, 26, 6). Họ phải đứng ở lối vào của các phụ nữ trong các công hội (2, 57, 10). Những chức năng của họ được tóm tắt như sau: “Diaconissa không ban phép lành, và không được làm bất cứ gì mà các linh mục và diaconus làm, nhưng diaconissa trông coi các cửa ra vào và phụ giúp các linh mục trong lễ rửa tội của phụ nữ, vì lý do đoan chính.” (CA VIII, 28, 6).
Sự nhận xét ấy được vọng lại trong tác phẩm hầu như đồng thời của Epiphanius Salamis trong cuốn Panarion, (khoảng năm 375): “Trong Giáo Hội, có hàng ngũ diaconissa, không phải để thi hành các chức năng tư tế hoặc để trao phó một nhiệm vụ nào, nhưng do sự đoan chính của phái nữ, vào lúc lãnh bí tích rửa tội.”67 Luật của Theodosius ngày 21 tháng sáu năm 390, bị thu hồi ngày 23 tháng tám cùng năm, ấn định tuổi để được nhận vào tác vụ diaconissa là 60. Công đồng Chalcedonia (can. 15) giảm tuổi xuống còn 40, cấm họ kết hôn sau đó.68
Ngay từ thế kỷ IV, lối sống các diaconissa gần giống với các nữ đan sĩ. Hồi ấy, người phụ trách một cộng đoàn nữ đan tu được gọi là diaconissa, theo như chứng từ của thánh Gregoriô Nyssa. 69 Được phong viện mẫu trong các đan viện, các diaconissa mang maforion, hay còn gọi là “khăn trùm” tượng trưng cho sự hoàn thiện. Cho đến thế kỷ VI, họ vẫn phụ giúp các phụ nữ tại giếng rửa tội và xức dầu cho họ. Mặc dù không phục vụ tại bàn thờ, họ có thể mang Thánh Thể cho những phụ nữ bị bệnh. Khi việc xức dầu toàn thân thể lúc rửa tội bị bãi bỏ, các diaconissa chỉ đơn thuần là các trinh nữ tận hiến đã khấn trinh khiết. Họ sống hoặc trong các đan viện hoặc ở nhà. Điều kiện cho việc thâu nhận là tình trạng trinh tiết hay góa bụa, và hoạt động của họ bao gồm hỗ trợ từ thiện và y tế cho các phụ nữ.
Ở Constantinopolis, một diaconissa nổi bật của thế kỷ IV là Olympias, đứng đầu một đan viện nữ, được thánh Gioan Kim Khẩu bảo vệ. Bà đã dâng hiến tài sản của mình cho công việc phục vụ của Giáo Hội. Bà đã được thượng phụ Gioan Kim Khẩu “truyền chức” (cheirotonein) diaconissa cùng với ba người bạn. Điều khoản 15 của Công đồng Chalcedonia (451) dường như xác nhận sự kiện các diaconissa thực sự được “truyền chức” do việc đặt tay (cheirotonia). Tác vụ của họ được gọi là leitourgia (phụng vụ), và họ không được phép kết hôn sau khi được truyền chức.
Trong thế kỷ VIII, tại Byzantium, giám mục vẫn còn đặt tay trên diaconissa, và trao cho cô orarion hay dây stôla (hai đầu dây bắt chéo nhau ở phía trước ngực); ngài đưa cho cô chén thánh và cô mang lên bàn thờ nhưng không trao Mình Thánh cho bất cứ ai. Các diaconissae được truyền chức trong khi phụng vụ Thánh Thể, nơi cung thánh, giống như các diaconi.70 Mặc dù có sự tương đồng giữa các nghi thức truyền chức, nhưng diaconissa không được tiến lại gần tại bàn thờ hoặc bất kỳ tác vụ phụng vụ nào. Những việc truyền chức này chủ yếu nhắm đến các bề trên của các đan viện nữ.
Cũng nên xác định rằng ở Tây phương, không có dấu vết của diaconissa trong năm thế kỷ đầu tiên. Cuốn Statuta Ecclesiae Antiqua dự trù rằng việc huấn luyện những phụ nữ dự tòng và việc chuẩn bị cho lễ rửa tội phải được giao phó cho các góa phụ và nữ tu “được chọn ad ministerium baptizandarum mulierum”.71 Một vài Công đồng của thế kỷ IV và V bác bỏ mọi thứ ministerium feminae72 và cấm mọi thứ truyền chức diaconissa.73 Theo cuốn Ambrosiaster (Roma, cuối thế kỷ IV), chức nữ diaconatus là yêu sách những người theo dị giáo Montanist (“Cataphrygian”).74 Vào thế kỷ VI, đôi khi tên gọi diaconissa được đặt cho các phụ nữ được kết nạp vào nhóm góa phụ. Để ngăn chặn sự nhầm lẫn, Công Đồng Epaone cấm “việc thánh hiến các góa phụ tự xưng là diaconissa”.75 Công Đồng Orleans lần II (533) quyết định vạ tuyệt thông cho những phụ nữ nào “nhận lời chúc lành của diaconatus bất chấp các khoản luật ngăn cấm và những người tái hôn.”76 Diaconissae cũng được dùng để gọi các đan viện mẫu, hoặc những phu nhân của diaconus, tương tự như presbyterissae hoặc thậm chí episcopissae.77
Việc rảo qua dòng lịch sử cho thấy rằng đã có một thừa tác vụ diaconusissa, được phát triển không đồng đều trong những vùng khác nhau của Giáo Hội. Xem ra hiển nhiên là tác vụ này không được nhìn nhận cách đơn thuần như là sự ngang bằng về nữ giới với chức diaconus dành cho nam giới. Ít nhất đó là một chức vụ của Giáo Hội, được thực hiện bởi phụ nữ, đôi khi được nhắc đến trước các subdiaconus trong danh sách các thừa tác vụ của Giáo Hội.78 Tác vụ này trao được ban do sự đặt tay có thể so sánh được với việc đặt tay mà các giám mục, linh mục và các diaconus nam được trao ban hay không? Bản văn Constitutiones Apostolorum dường như cho phép nghĩ đến điều ấy, nhưng đó là một chứng cứ hầu như là độc nhất, và việc giải thích bản văn trở thành chủ đề của rất nhiều cuộc tranh luận.79 Có nên xem việc đặt tay lên các diaconissa tương tự như việc đặt tay trên các diaconi, hay đúng hơn nên coi ngang với việc đặt tay lên các subdiaconi và đọc sách ? Rất khó để giải quyết câu hỏi dựa trên cơ sở dữ liệu lịch sử mà thôi. Trong các chương tiếp theo, một vài yếu tố sẽ được làm rõ, và một vài vấn nạn vẫn sẽ mở ra. Cách riêng chúng ta sẽ dành một chương để xem xét kỹ lưỡng hơn về cách thức Giáo Hội, thông qua thần học và Huấn Quyền, ý thức hơn về thực tại bí tích của phép Truyền Chức Thánh và ba cấp bậc. Nhưng trước đó, nên nghiên cứu những nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của các diaconi cố định trong đời sống Giáo Hội.
————————————————-
1 Nkm 1,10: “Họ là các tôi tớ của Ngài, là dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền chuộc lấy”; 6,3: “Tôi cho sứ giả đến gặp họ và nói”; 6,5: “Xanbalát lại gửi đến cho tôi cùng lời mời đó trong một phong thư không niêm do một tráng đinh cầm tới”; Cn 10,4a (Septuagint); 1 Mcb 11,58; 4 Mcb 9,17; Et (Greek) 6,13.
2 Pl 1:1;1 Tm 3,8.12.
3 Cf. E. Cattaneo, I ministeri nella chiesa antica, testi patristici dei primi tre secoli (Milan, 1997), 33ff.; J. Lecuyer, Le sacrement de l’ordination, ThH 65 (Paris, 1983), 131.
4 H.W. Beyer, diaconeo, diaconia, diaconos, in ThWNT 2:81-93.
5 Philo, De vita contemplativa 70 and 75.
6 Antiquitates 7, 365; 10, 72.
7 Lc 17:8; 12:37; 22:26; Ga 12:2.
8 2 Cr 8:19.
9 Rm 15:25.
10 “Ý nghĩa của việc đặt tay trong Cv 6,6 và 13,3 được tranh luận nhiều, nhưng điểm nhấn dựa trên cử chỉ này trong cả hai bản văn khiến cho độc giả rất khó nhận ra nó như hành vi chúc phúc đơn thuần, chứ không phải là một nghi thức truyền chức… Động từ thông thường để biểu thị việc chọn lựa một thừa tác viên bởi cộng đoàn là eklegein, trong tiếng Latinhlà eligere. Động từ cheirotonein có thể có nghĩa tương tự, tức là “chọn bằng cách đưa thẳng tay ra » (Did. 15,1), nhưng nó trở thành một thuật ngữ chuyên môn cho việc chỉ định, chẳng hạn, việc truyền chức của một thừa tác viên, trong tiếng Latinh là ordinare. Theo nghĩa này, nó tương đương với từ kathistanai, trong tiếng Latinh là instituere. Một từ đồng nghĩa khác là procheirizein. Nó kém thông dụng hơn và đôi khi biểu thị khía cạnh của việc chọn lựa hay chỉ định bởi Thiên Chúa. Tất cả những động từ này thì tương đương với cheira(s) epitheinai, nhưng trong khi nhóm đầu tiên biểu thị khía cạnh pháp lý, thì nhóm sau lại nhấn mạnh đến hành vi phụng vụ. Ngoài ra, tất cả những hạn từ của nhóm đầu có thể được dùng cho một việc chỉ định/ truyền chức mà không bao hàm một việc đặt tay nhưng có một sự ưu tiên rõ ràng cho cheirotonein/cheirotonia, vì chúng được cấu tạo bởi cheir- (tay), khi việc đặt một tay (hay đặt hai tay) được kể đến. Nỗ lực đầu tiên để tạo nên một phân biệt như thế được thực hiện bởi thánh Hippôlitô, Trad. Ap. 10.” J. Ysebaert, “The Deaconesses in the Western Church of Late Antiquity and Their Origin”, in Eulogia: Mélanges offerts à Antoon A. R. Bastiaensen, IP 24 (Steenbrugis, 1991), 423.
11 Rm 11,13; 12,6tt.; 1 Cr 12,5; 2 Cr 4,1; Ep 4,lltt.; Hr 1,14: “leitourgika pneumata”; Cv 21,19; Cl 4,17.
12 “Amt im Sinne Jesu muss immer “diaconia” sein; nicht zufallig, nicht nebenbei, sondern sehr bewusst und ausdrücklich wahlt die Heilige Schrift dieses Wort zu seiner Wesensbestimmung. Die griechische Sprache bot eine ganze Reihe von Moglichkeiten, das Amt in einer menschlichen Gemeinschaft – auch im religiös-kultischen Bereich – zu charakterisieren (archai, exousiai, archontes). Das Neue Testament wahltekeine davon, sondern entschied sich fur eine Bezeichnung, die weder in der jüdischen, noch in der hellenistischen Umwelt üblich war.” E. Dassmann, Ämter und Dienste in der frühchristlichen Gemeinden, Hereditas 8 (Bonn, 1994), 37.
13 Pl 1,1: “cum episcopis et diaconis”; 1 Tm 3,8.12: “diaconos similiter … [sicut episcopi] diaconi sint.”
14 “Dieser Tatbestand zeigt, dass der Ursprung des Diaconenamtes nicht in Ag 6 zu finden ist…. Der Diaconos ist nicht nur Diener seiner Gemeinde, sondern auch seines Bischofes.” Beyer, diaconeo, diaconia, diaconos, 90. Cf. M. Dibelius, “Bischofe und Diaconen in Philippi” (1937), in Das kirchliche Amt im Neuen Testament, WdF 439 (Darmstadt, 1977), 413ff.; E. Schweizer, “Das Amt: Zum Amtsbegriff im Neuen Testament”, in Gemeinde und Gemeindeordnung im Neuen Testament, AThANT 35 (Zurich, 1955), 154-64: “Als allgemeine Bezeichnung dessen, was wir “Amt” nennen, also des Dienstes Einzelner innerhalb der Gemeinde, gibt es mit wenigen Ausnahmen nur ein einziges Wort: “diaconia”, Diaconie. Das NT wahlt also durchwegs und einheitlich ein Wort, das vollig unbiblisch und unreligios ist und nirgends eine Assoziation mit einer besonderen Wiirde oder Stellung einschliesst. Im griechischen AT kommt das Wort nur einmal rein profan vor. . .. In der griechischen Sprachentwicklung ist die Grundbedeutung “zu Tischen dienen” auch zum umfassenden BegrifF”dienen” ausgeweitet worden. Es bezeichnet fast durchwegs etwas Minderwertiges, kann aber im Hellenismus auch die Haltung des Weisen gegen Gott (nicht gegen den Mitmenschen) umschreiben”; K. H. Schelke, “Dienste und Diener in den Kirchen der Neutestamentlichen Zeit”, Concilium 5 (1969): 158-64; J. Brosch, Charismen und Amter in der Urkirche (Bonn, 1951). Cf. B. Kotting, “Ämt und Verfassung in der Alten Kirche”, in Ecclesia peregrinans: Das Gottesvolk unterwegs, METh 54, 1 (Munster, 1988), 429; G. Schollgen, Die Anfange der Professionalisierung des Klerus und das kirchliche Amt in der Syrischen Didaskalie, JAC, Ergbd 26 (Munster, 1998), 93.
15Cf. J. Colson, Ministre de Jésus-Christ ou le Sacerdoce de l’Evangile, ThH 4 (Paris, 1966), 191.
16 T.lrêneô Lyon (Adv. haer. 3, 12, 10) là người đầu tiên gọi Nhóm Bảy là “diaconi”.
17 “Die Siebenzahl wohl nach Analogie der sieben Mitglieder, aus denen in den jüdischen Gemeinden meist der Ortsvorstand sich zusammensetzte. Dieser hiess deshalb geradezu “die Sieben einer Stadt” oder “die Sieben Besten einer Stadt”, wahrend seine einzelnen Mitglieder . . . “Hirten” oder “Vorsteher” genannt wurden.” H.L. Strack and P. Billerbeck, Kommentar zum Neuen Testament aus Talmud und Midrasch, vol. 2 (Munich, 1969), 641.
18 E. Haenchen, Die Apostelgeschichte, Neu übersetzt und erklart, 12. neubearb. Auflage, Kritisch-exegetischer Kommentar (Gottingen, 1959), 228-22; Dassmann, Ämter und Dienste, 232: “Uber die Entstehung des Diaconenamtes sind keine genauere Angaben bekannt, seitdem feststeht, dass Apg 6 nicht die Bestellung von Diaconen, sondern von Beauftragten fur die griechisch sprechende Gruppe der Urgemeinde beschreibt.”
19 X. Cv 8:12, 26-40 và 21:8, Philipphê được gọi là người loan báo Tin Mừng (evngelista). “Hôm sau chúng tôi lên đường và đến Cesarêa, và vào nhà ông Philipphê người loan báo Tin mừng, thuộc nhóm bảy người [Philippou tou euaggelistou, ontos ek ton epta], và ở lại với ông.”
20“Nicolaitae autem magistrum quidem habent Nicolaum, unum ex VII qui prirni ad diaconium ab apostolis ordinati sunt: qui indiscrete vivunt.” Adv. haer. 1, 26, 3; Harvey, 1:214. Hippolytus, Philosophomena 7, 36; Tertullianus, De praescriptione 33. Ngược lại, Clementê Alexandria, Strom. 2, 118, 3 và 3, 25, 5-26, 2.
21 Xc. Is 60,17, chỗ này bản LXX không đề cập đến các “diaconus”, nhưng được thánh Clêmentê thêm vào; xc. 1 Clem 42:1-5; SCh 167, 173, 168-71,
22 Xc. 40:1 and 41:2-4.
23 J. Colson, Ministre de Jesus-Christ, 228ff.
24 1 Clem 44:3; SCh 167, 172-73.
25“Von den zwei erwahnten Amtern, episkopoi und diaconoi, wurde das erste mit “Episkopen” wiedergegeben, um das sehr missverstandliche “Bischofe” zu vermeiden. Denn auf keinen Fall handelt es sich dabei um die Institution des Monepiskopats.” H.E. Lona, Der erste Clemensbrief, Kommentar zu den Apostolischen Vatern 2 (Gottingen, 1998), 446. Cf. Dassmann, Amter und Dienste, 40.
26 J.-P. Audet, La Didache: Instructions des Apôtres (Paris, 1958), 241.
27Ibid., 465.
28 “”Cheirotonein“ heisst hier (naturlich) “wahlen” und nicht “ernennen”.” Die Didache, Kommentar zu den Apostolischen Vatern 1 (Gottingen, 1989), 241.
29Did. 14, 1-3; 15, 1.
30 Thư gửi các tín hữu Tralle 3, 1; SCh 10, 113.
31 Thư gửi các tín hữu Smyrna 8, 1; SCh 10, 163.
32 Apol. 1, 65, 3-5. St. Justin, Apologies, introduction, texte critique, traduction, commentaire et index par A. Wartelle (Paris, 1987), 188-91.
33 Strom. 7, 1, 3; GCS 17, 6.
34 Comm. in Mat. 16:8; GCS 40, 496.
35 Ibid., 16:22; GCS 40, 552.
36 Ibid., 16:22; GCS 40, 553.
37 Didascalia apostolorum, ed. R.H. Connolly (Oxford, 1969), 89.
38 Cf. A. Vilela, La condition collégiale des prêtres au IIIe siècle, ThH 14 (Paris, 1971).
39 SCh 11(2), 66.
40 Ep. 3, 3: “Meminisse autem diaconi debent quoniam apostolos id est episcopos et praepositos Dominus elegit, diaconos autem post ascensum Domini in caelos apostoli sibi constituerunt episcopatus sui et ecclesiae ministros. Quod si nos aliquid audere contra Deum possumus qui episcopos facit, possunt et contra nos audere diaconi a quibus fiunt.”
41 Ep. 15, 2; 16, 3.
42 Ep. 34, 1; Ep. 5, 2.
43 Ep. 15, 1; 43, 1.
44 Ep. 52, 1.
45 CA 2, 26, 4.5.6; SCh 320, 239-41.
46 Ibid., 30, 1-2; SCh 320, 249-51.
47 Ibid., 44, 4; SCh 285.
48 CA 8, 18, 3; SCh 336, 221.
49Sacramentarium Serapionis, in Didascalia et Constitutiones Apostolorum, ed. F. X. Funk, vol. 2, Testimonia et Scripturae propinquae (Paderbornae, 1905), 188. Trích dẫn theo bản dịch Latinh của người biên soạn. Cách sử dụng hạn từ (constituat) như vậy được thấy ở can. 3 (33) của Constitutiones Ecclesiae Aegypciacae, De diaconis, ibid., 103-4.
50 Sacramentarium Veronense, ed. L. C. Mohlberg (Rome, 1966), 120-21.
51 Le Sacramentaire Gregorien, ed. J. Deshusses, vol. 1 (Fribourg [Switzerland], 1992), 96-97.
52 Hieronymus, Ep. 146, 1; PL 22, 1192-95: “Audio quemdam in tantam erupisse vecordiam, ut diaconos, presbyteris, id est episcopis anteferret. Nam cum Apostolus perspicue doceat eosdem esse presbyteros, quos episcopos, quid patitur mensarum et viduarum minister, ut super eos se tumidus efferat, ad quorum preces Christi corpus sanguinisque conficitur?” Jerome, Comm. in Ez.6, 17, 5-6; PL 25, 183B: “Quod multos facere conspicimus, clientes et pauperes, et agricolas, ut taceam de militantium et iudicum violentia, qui opprimunt per potentiam, vel furta committunt, ut de multis parva pauperibus tribuant, et in suis sceleribus glorientur, publiceque diaconus, in Ecclesiis recitet offerentium nomina. Tantum offert ilia, tantum ille pollicitus est, placentque sibi ad plausum populi, torquente eis conscientia.”
53De Trinitate 1, 27; PG 28, 1157B: “episkopos, presbyteros, diaconoi homoousioi eisin”.
54 Origenes, Hom. in Jer. 11, 3; Concilium Ancyranum, can. 14.
55 Hom. 14, 3 in Act.; PG 60:116: “Quam ergo dignitatem habuerunt illi [nghĩa là các diaconi và giám mục]…. Atqui haec in Ecclesiis non erat; sed presbyterorum erat oeconomia. Atqui nullus adhuc episcopus erat, praeterquam apostoli tantum. Unde puto nee diaconorum nee presbyterorum tunc fuisse nomen admissum nee manifestum.”
56 “Và đúng như thế, vì không phải bởi một người, hay một thiên thần hay một tổng lãnh thiên thần hay một quyền năng thụ nào khác, nhưng chính Đấng Paraclitus đã thiết lập chức này, khi thuyết phục những ai vẫn còn sống trong xác thịt hãy noi gương phục vụ của các thiên thần”, De sacerdotio 3, 4, 1-8; SCh 272, 142.
57 “Graecum codicem legite, et diaconum invenietis. Quod enim interpretatus est latinus, Minister; graecus habet, Diaconus; quia vere diaconus graece, minister latine; quomodo martyr graece, testis latine; apostolus graece, missus latine. Sed iam consuevimus nominibus graecis uti pro latinis. Nam multi codices Evangeliorum sic habent: “Ubi sum ego, illic et diaconus meusV Sermo 329, De Stephana martyre 6, 3, PL 38, 1441.
58 Traditio Apostolica 10; SCh 11(2), 67.
59 Cf. Tertullian, To his wife 1, 7, 4; SCh 273; Exhortation to chastity 13, 4; SCh 319.
60 “Các nữ diaconus xuất hiện tại những biên cương phía đông của đế quốc Rôma. Tài liệu đầu tiên giới thiệu,- tựa hồ giấy khai sinh-, là cuốn Didascalia Apostolorum… mới được biết từ khi xuất bản bản văn syriac vào năm1854…” A. G. Martimort, Les diaconesses: Essai historique (Rome, 1982), 31.
61 Bộ sưu tập rộng rãi nhất về chứng từ liên quan đến tác vụ này, kèm theo lời chú giải thần học, là của Joannes Pinius, De diaconissamm ordinatione, in Acta Sanctorum, 1 September (Antwerp, 1746), 1-27. Phần lớn những tài liệu tiếng Hy lạp và Latinh do Plynius trưng dẫn đã được lấy lại trong J. Mayer, Monumenta de viduis diaconissis virginibusque tractantia (Bonn, 1938). Xc. R. Gryson, Le ministère des femmes dans l’Eglise ancienne, Recherches et synthèses: Section d”histoire 4 (Gembloux, 1972).
62 Những quy tắc này được lấy lại trong cuốn Constitutiones Apostolorum 3,19,1. Về những nguồn gốc của việc chuyên nghiệp hóa hàng giáo sĩ, xc. G. Schollgen, Die Anfänge der Professionalisierung des Klerus und das Kirchiche Amt in der Syrischen Didaskalie (JAC. Erg. –Bd 26, Munster, 1998).
63 Nhà biên soạn này chú ý đến những sắc thái của từ ngữ. Ở Constitutiones Apostolorum (CA) 2,11,3 ông viết, “Chúng tôi không cho phép các linh mục truyền chức(cheirotonein)cho các diaconi, diaconissae, đọc sách, giúp lễ, ca viên hay giữ cửa: điều này chỉ thuộc về các Giám mục mà thôi”. Tuy nhiên, ông cũng dành riêng hạn từ cheirotonia đến cho việc truyền chức của các Giám mục, linh mục, diaconus và subdiaconus (8,4-5; 8,16-17; 8,21). Ông sử dụng động từ epitithenai ten (tas) cheira(s) cho các diaconissae và đọc sách (8,16, 2; 8, 17, 2). Ông dường như không muốn đưa ra một ý nghĩa khác biệt cho những thuật ngữ này bởi vì tất cả các việc đặt tay này đều được kèm theo bởi một lời cầu khẩn (epiclesis) Chúa Thánh Thần. Đối với các kẻ tuyên tín (confessores), các trinh nữ, góa phụ và trừ quỷ, ông ghi rõ rằng không có đặt tay cheirotonia (8,23-26). Thêm nữa, nhà biên soạn còn phân biệt giữa cheirotonia và cheirothesia. Cheirothesia chỉ đơn thuần là một cử chỉ chúc phúc (xc. 8,16,3 và 8, 28,2-3), có thể được thực hiện bởi các linh mục trong nghi thức rửa tội, việc tái thâu nhận những hối nhân hay chúc phúc cho các tân tòng (xc. 2,32,3; 2,18,7; 7,39,4).
64 Cf. CA 3, 20, 2; 8, 16, 5; 8, 28, 4; 8, 46, 10-11.
65Điều khoản số 19 của Công đồng Nicaea (năm 325) có thể được giải thích không theo nghĩa là từ chối việc đặt tay cho tất cả các diaconissae nói chung, nhưng chỉ là tuyên bố đơn thuần rằng các diaconissae theo nhóm của Paulus Samosata không nhận việc đặt tay, và “được kể vào hàng ngũ các giáo dân”, và cần phải tái truyền chức cho họ sau khi đã làm phép rửa lại cho họ, giống như các thừa tác viên khác của nhóm ly khai nay trở lại với Giáo hội Công Giáo. xc. G. Alberigo, Les conciles oecuméniques, vol. 2 Les décrets, bk. 1 (Paris, 1994), 54.
66 CA, 8, 20, 1-2; SCh 336; Metzger, 221-23.
67 Epiphanius Salamis, Panarion haer. 79, 3, 6, ed. K. Holl, GCS 37 (1933), p. 478.
68 Cf. G. Alberigo, Decrets, bk. 1, 214.
69 Gregoriô Nyssa, Vie de sainte Macrine 29, 1; SCh 178; Maraval, 236-37.
70 Nghi thức Byzantine về việc truyền chức cho diaconissa: Euchologe du manuscrit grec Barberini 336, in Thư viện Vaticanô, ff. 169R-17/v. Được trích dẫn trong J.-M. Aubert, Des femmes diacres, Le Point Theologique 47 (Paris, 1987), 118-19.
71 Xc. canon 100 (Munier, 99). Ngoài ra, cấm các phụ nữ, “kể cả những người được có học thức và thánh thiện” không được dạy và rửa tội cho nam giới (xc. canon 37, 41; Munier, 86).
72 Công nghị tại Nimes (394-396), canon 2. Xc. J. Gaudemet, Conciles gaulois du IVe siecle, SCh 241 (Paris, 1977), 127-29.
73 Công đồng Orange I (441), can. 26.
74 Cf. Ambrosiaster, ed. H.I. Vogels, CSEL 81/3 (Wien, 1969), 268.
75 Công nghị ở Epaone (517), can. 21 (C. de Clercq, Concilia Galliae 511-695, 250: 148A [1963], 29). Những lời chúc lành cho các phụ nữ với tư cách là diaconissa đã trở nên phổ biến, bởi vì nghi thức này không dự liệu lời chúc lành cho các góa phụ, như sẽ được nhắc tới Công nghị Tours lần II(năm 567), can. 21 (ibid., 187).
76 Ibid., 101.
77Cf. Công nghị Tours lần II, can. 20 (ibid., 184).
78 Nhiều nhà chú giải họa theo khuôn mẫu của Ambrosiaster khi chú giải 1 Tm 3,11 (CSEL 81, 3; G. L. Muller, ed., Der Empfanger des Weihesakraments: Quellen zur Lehre und Praxis der Kirche, nur Mannern das Weihesakrament zu spenden (Wurzburg, 1999), 89):”Nhưng những người theo lạc giáo Cathari, lợi dụng cơ hội này để rơi vào sai lầm, đã ngu xuẩn chủ trương rằng thánh Phaolô đề cập đến các phụ nữ sau các diaconi, cho nên cũng cần phải truyền chức các diaconissa. Tuy nhiên, họ biết rằng các Tông đồ đã chọn bảy diaconi (xc. Cv 6,1-6); phải chăng bởi vì lúc ấy không tìm thấy phụ nữ nào xứng hợp, trong khi chúng ta đọc thấy rằng có những phụ nức thánh thiện ở cùng với Mười Một Tông đồ (xc. Cv 1,14) đấy ư? … Và thánh Phaolô ra lệnh cho các phụ nữ giữ thinh lặng trong nhà thờ (xc. 1 Cr 14,34-35).”Xin coi thêm Gioan Kim khẩu, In 1 Tim horn. 11; PG 62, 555; Epiphanius, Haer. 79, 3 (Muller, Quellen, 88); Công nghị Orange (Muller, Quellen, 98); Công nghị Dovin (Armenia, 527): “Feminis non licet ministeria diaconissae praestare nisi ministerium baptismi” (Muller, Quellen, 105); Isidorô Seville, De Eccl. Off 2, 18, 11 (Muller, Quellen, 109); Decretum Gratiani, can. 15 (Muller, Quellen, 115); Magister Ruftnus, Summa Decretorum, can. 27, q. 1 (Muller, Quellen, 320); Robert of Yorkshire, Liber poenitentialis, q. 6, 42 (Muller,Quellen, 322); Thomas Aquinas, In 1 Tim 3, 11 (Muller, Quellen, 333); etc.
79 Xc. P.V. Vanzan, “Le diaconat permanent féminin: Ombres et lumières”, in Documentation Catholique 2203 (1999): 440-46. Tác giả nhắc đến cuộc tranh luận diễn ra giữa R. Gryson, A. G. Martimort, C. Vagaggini và C. Marucci. Cf. L. Scheffczyk, ed., Diaconat und Diaconissen (St. Ottilien, 2002), cách riêng M. Hauke, “Die Geschichte der Diaconissen: Nachwort und Literaturnachtrag zur Neuauflage des Standardwerkes von Martimort über die Diaconissen”, 321-76.