Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thiên Chúa Trong Isaia: Thiên Chúa Của Lịch Sử (2)

Administrator
2018-09-23 03:20 UTC+7 20
THIÊN CHÚA TRONG ISAIA GOD IN ISAIAH Tác giả: Pamela  A. Foulkes Chuyển ngữ: Piô Phan Văn Tình ***   *** THIÊN CHÚA CỦA LỊCH SỬ Nếu chú ý trong dẫn nhập, chúng ta thấy các ngôn sứ Israel tin rằng lịch sử Israel và dân Chúa được tổ chức bền chắc nơi những miền […]


THIÊN CHÚA TRONG ISAIA

GOD IN ISAIAH

Tác giả: Pamela  A. Foulkes

Chuyển ngữ: Piô Phan Văn Tình

***

 

***

THIÊN CHÚA CỦA LỊCH SỬ

Nếu chú ý trong dẫn nhập, chúng ta thấy các ngôn sứ Israel tin rằng lịch sử Israel và dân Chúa được tổ chức bền chắc nơi những miền đất của Thiên Chúa Israel. Đối với các ngài, mỗi sự kiện đều có ý nghĩa bắt nguồn từ mối tương quan mà các ngài đã hiểu như sự hiện hữu giữa dân tộc và Thiên Chúa. Sự xác tín này nổi bật xuyên suốt cả sách Isaia. Thị kiến Isaia, con ông Amôc, và những vị tiếp bước ngài chính là một hoạt động của Thiên Chúa trong và qua tất cả các sự kiện chính trị và quân sự thuộc thời đại các ngài. Đây là sự thật không chỉ thuộc những hoạt động của các vua Giuđa; thuộc các chiến lược quân sự và nhiều quan hệ chính trị của họ; mà tin chắc còn thuộc về lịch sử chính trị của các nước láng giềng gần Israel, ngay cả thuộc về quân đội của những kẻ thù hùng mạnh đã nổi cơn thịnh nộ xuyên qua thế giới cổ đại trong nhiều thế kỷ được trải ra trong sách. Có nhiều trong các lời sấm ngôn sứ trình bày chi tiết những chiến công và các cuộc hủy diệt của các dân tộc khác, cả vĩ mô lẫn vi mô. Cụ thể, Ai-cập là một trong những kẻ thù truyền kiếp của Israel đã được Isaia I mô tả:

“Lời sấm hạch tội Ai-cập.

Này, Đức Chúa ngự trên đám mây bay,

Người đến Ai-cập.

Các tà thần Ai-cập rúng động trước nhan Người,

và tự đáy lòng Ai-cập rụng rời kinh khiếp” (19,1).

Ngày xưa mỗi dân tộc đều có những thần minh riêng, các vị ấy là những chỗ dựa an toàn và thuận lợi mà dân tìm kiếm và cũng là điểm đến mỗi lần họ gặp đau khổ và nguy hiểm. Họ tin rằng định mệnh của họ có thể thay đổi hoặc tai họa được ngăn chặn nhờ thực hiện phương pháp thích hợp đối với bất cứ vị thần nào họ nhận làm hộ mệnh của mình. Còn Thiên Chúa mà sách Isaia nói với Israel không chỉ là một vị thần địa phương nhưng là Đấng điều khiển toàn bộ lịch sử nhân loại. Đây là luật của một vị thần mà tất cả quy luật trái đất phải quy phục:

“Nói lên đi những gì sẽ xảy đến sau này,

cho chúng tôi nhận ra quý vị là thần, là chúa!

Bất kể quý vị làm điều lành hay điều dữ,

chúng tôi cũng sẽ đáng tởm kinh hồn” (40,23).

Rõ ràng cuộc phán xét của Thiên Chúa Israel bao trùm mọi dân tộc trên trái đất. Isaia loan báo cho họ biết rằng đây là một Thiên Chúa hùng mạnh đến nỗi không một thế lực đối nghịch nào có thể chống lại cơn thịnh nộ của Ngài:

“Chư dân hỡi, hãy lại mà nghe,

các sắc tộc nào cùng lưu ý.

Hãy nghe đây, hỡi trái đất và mọi loài trên đó,

hỡi địa cầu cùng muôn vật từ đất nảy sinh:

Này, Đức Chúa nổi giận với chư dân hết thảy,

Người thịnh nộ với toàn thể đạo binh của chúng,

cho chúng bị tru diệt và tiêu vong” (34,1-2).

Còn Isaia III lớn tiếng gọi Thiên Chúa:

“Khi thấy Ngài làm những điều kinh hồn táng đởm

mà chúng con không ngờ:

Ngài ngự xuống, và núi non

rung chuyển trước thánh nhan!” (64,2).

Tri thức thuần túy về danh Thiên Chúa Israel được nhận thức trong tất cả luật lệ quyền lực trái đất này, nó cũng hiển nhiên trong lịch sử của họ.

Dù phải đối mặt với những quân đội hùng mạnh của vua Assiri nhưng Isaia I vẫn không chút sợ hãi, ngài vẫn công bố ngay cả vận mệnh của vị vua quyền lực này đang ở trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa:

“Đức Chúa các đạo binh đã thề rằng:

quả thật, Ta định làm sao, sẽ nên như thế;

Ta quyết thế nào sẽ thành như vậy.

Ta sẽ đập tan At-sua trên đất của Ta,

và trên các núi đồi của Ta, Ta sẽ chà đạp nó;

Ta sẽ gỡ ách của nó khỏi cổ dân Ta

và cất gánh nặng của nó khỏi vai chúng” (14,24-25).

Ngài tiên báo bí mật về việc Thiên Chúa sẽ hủy diệt ngay cả đế chế hùng cường Babylon trong tương lai:

“Babylon, hòn ngọc các vương quốc,

niềm tự hào kiêu hãnh của Can-đê,

sẽ bị Thiên Chúa phá đổ như Xơ-đôm và Gô-mô-ra.

Thành ấy sẽ mãi mãi không có người ở,

từ đời này qua đời khác sẽ chẳng ai cư ngụ.

Tại đó người Ả-rập sẽ không cắm lều,

người chăn chiên sẽ không cho súc vật nằm nghỉ” (13,19-20).

Một trong những thông điệp mạnh mẽ nhất, đặc biệt để lại dấu ấn trên luật Giuđa, đó là nhu cầu tín thác vào Thiên Chúa, đúng hơn trong tầm cỡ quân đội hoặc quan hệ chính trị:

“Khốn thay những kẻ xuống Ai-cập cầu viện,

những kẻ cậy dựa vào chiến mã,

tin tưởng vì có lắm chiến xa,

vì kỵ binh hùng mạnh,

mà không chịu nhìn Đức Thánh của Israel,

không tìm kiếm Đức Chúa” (31,1).

Đây là một thông điệp mang tính thụ động. Lề luật của Israel được chờ đợi để thực thi tối đa hầu bảo vệ đời sống của dân và lợi ích của dân tộc. Nhưng để nắm được vận mệnh độc nhất được đi vào miền đất dành riêng cho họ, ngoài tương quan dân tộc với Thiên Chúa, còn là một sự thất bại tột cùng của sự tín thác và là một tội kiêu ngạo. Họ được nhắc cho biết rằng họ là dân tộc được Thiên Chúa cưu mang, một dân tộc luôn ở trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.

I. KYRÔ, NGƯỜI ĐƯỢC THIÊN CHÚA XỨC DẦU

Sự xác tín rằng Thiên Chúa Israel vĩ đại hơn các thần của các dân tộc khác được diễn tả mạnh mẽ nhất trong nội dung chính của sách Isaia II. Ngay cả khi Israel bị cầm tù bởi đế chế hùng mạnh Babylon, thì ngài vẫn có thể lặp lại cách xác tín cuộc phán xét trên đế chế ấy như vị ngôn sứ đi trước đã từng làm:

“Hỡi trinh nữ, con gái Babylon, xuống đi,

ngồi trên cát bụi;

hỡi con gái Can-đê, ngồi phệt xuống đất,

không ngai không bệ,

là cô gái yêu kiều đài các nữa” (47,1).

 

“Hỡi con gái Can-đê, hãy ngồi lặng lẽ,

lùi vào bóng tối,

vì thiên hạ không bao giờ gọi ngươi

là nữ hoàng muôn nước nữa” (47,5).

Một lần nữa nhìn cách tổng thể rõ ràng định mệnh của một đế chế đang ở trong bàn tay Thiên Chúa Israel.

Niềm tin vào Thiên Chúa Israel như Thiên Chúa lịch sử là một phần quan trọng trong Isaia II với sự trình diện của Kyrô, vua Ba Tư. Nhờ vực dậy luật quyền lực này mà một trong những nhà lãnh đạo quân sự uy lực nhất trong thế giới cổ đại thời bấy giờ đã giải thoát con cái Israel ra khỏi ách nô lệ Babylon. Thật ngạc nhiên khi vị ngôn sứ áp dụng cho vị vua ngoại giáo một tước hiệu riêng thường được luật Israel ban bố, đó là danh hiệu dành riêng cho các thành viên thuộc dòng dõi vua Đavít. Vị vua Ba Tư này được dân nhắc tới và phải là một trong những vị vua riêng của họ được Đức Chúa xức dầu:

“Đức Chúa phán với kẻ Người đã xức dầu,

với vua Kyrô

– Ta đã cầm lấy tay phải nó,

để bắt các dân tộc suy phục nó,

Ta tước khí giới của các vua,

mở toang các cửa thành trước mặt nó,

khiến các cổng không còn đóng kín nữa” (45,1).

Đây là Thiên Chúa Israel và sẽ không còn chúa nào khác nữa, chính Ngài đã an bài cho quân đội chiến thắng và cho sự nghiệp chính trị của vua ngoại bang, dù chính Kyrô không hiểu nguồn gốc quyền lực của mình và nguồn mạch những chiến công của mình:

“Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác;

chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta.

Dù ngươi không biết Ta,

Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ,

để từ đông sang tây, thiên hạ biết rằng

chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta.

Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác” (45,5-6).

Ông có thể thành công được là vì Thiên Chúa Israel muốn vậy và Người đã dẫn đưa ông đến chiến thắng. Thiên Chúa đã mặc khải cho Kyrô biết nhiều yếu tố phi thường trong dự phóng thiêng liêng của Người:

“Đức Chúa phán thế này:

Chính Ta sẽ đi trước mặt ngươi,

nơi gồ ghề, Ta sẽ san phẳng,

cửa đồng, Ta đập phá, then sắt, Ta bẻ tung.

Ta sẽ ban tặng ngươi những kho tàng bí ẩn,

những bảo vật dấu kín, để ngươi biết rằng,

Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel,

Đấng đã gọi ngươi đích danh” (45,2-3).

Đây không chỉ là một hành động chiến thắng trong công việc của Thiên Chúa. Dự phóng dành cho Kyrô có mục đích rất rõ ràng. Ông được chọn như khí cụ của Thiên Chúa để giải thoát Israel. Tất cả những hành động uy hùng của Thiên Chúa nhân danh vua Ba Tư đều vì một mục đích và một mục đích duy nhất sau:

“Ta sẽ ban tặng ngươi những kho tàng bí ẩn,

những bảo vật dấu kín, để ngươi biết rằng,

Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel,

Đấng đã gọi ngươi đích danh.

Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp,

và của người Ta chọn là Israel,

Ta đã gọi ngươi đích danh,

đã ban cho ngươi một tước hiệu,

dù ngươi không biết Ta” (45,3-4).

II. CON GÁI GIÊRUSALEM

Đối với Israel, Thiên Chúa của lịch sử cũng là Đấng bảo vệ thành Giêrusalem. Thông thường trong thế giới cổ đại, mỗi thành đều có nhận một đấng bảo trợ thiêng liêng đặc biệt. Ví dụ như nữ thần Athena được người Hylạp nhận làm đấng bảo trợ của thành Athen. Tất cả các khía cạnh của đời sống thành phố đều được tin tưởng đặt dưới sự giám hộ thiêng liêng này, và sự thịnh vượng cũng như sự bình an của thành đều được đặt dưới quyền của nam hay nữ thần. Khi nào thành gặp mối nguy nào thì lời cầu nguyện đặc biệt sẽ được bày tỏ với đấng bảo vệ thiêng liêng để được giúp đỡ. Từ khi vua Đavít chinh phục được Giêrusalem và biến thành thủ đô của vương quốc mình thì thành này nằm trên núi Sion, đây là một nơi đặc biệt trong truyền thống của con cái Israel. Nơi đây được xem như trái tim của dân tộc cả về mặt chính trị lẫn tôn giáo, bởi Thiên Chúa Israel sẽ ngự nơi đền thờ và đền thờ sẽ là trung tâm của con cái Thiên Chúa.

Trong sách Isaia cũng như trong một số bản văn Kinh Thánh khác, hình ảnh người phụ nữ được dùng để diễn tả thành phố. Ở một thông điệp trong sách Isaia I, ngôn sứ an ủi đối với Hêgiêkia, một vị vua khiếp đảm và tuyệt vọng của Giuđa, Giêrusalem được nhân cách hóa thành con gái yêu của Thiên Chúa. Ngài diễn tả một hình ảnh hết sức ấn tượng về người con gái lộng lẫy này, thành phố như người con gái dám thách thức thế lực Sennacherib, vua Assiri:

“Đây lời Đức Chúa kết tội nó:

Trinh nữ, cô gái Si-on,

khinh dễ nhạo báng ngươi;

sau lưng ngươi, cô gái Giêrusalem lắc đầu” (37,22).

Nhưng ngài cũng thương tiếc cho sự trung thành của nó:

“Đô thị vốn trung tín xưa kia

sao nay lại trở thành con điếm?

Đô thị xưa kia vốn chính trực,

vốn là nơi ngự trị của đức công minh,

sao nay lại đầy lũ giết người?” (1,21).

Vì thế ngôn sứ diễn tả ấn tượng sâu sắc phái nữ truyền thống được xác định bằng tư cách đạo đức giới tính, có thể nguyên nhân này hệ lụy đến phụ nữ ngày nay. Nhưng cũng nên nhắc lại rằng nó xuất hiện bên ngoài một thế giới tìm kiếm điều khiển tư cách đạo đức của người phụ nữ, đặc biệt là giới tính, trong một cấu trúc xã hội theo chế độ phụ hệ nghiêm khắc. Các ngôn sứ ngày xưa đã dùng tất cả khả năng của mình để nhìn thấy xuyên qua những thái độ đạo đức giả của xã hội các ngài mà không thoát ra khỏi điều kiện văn hóa. Đối với các ngài đời sống dâm ô, như một sự diễn tả về khả năng không thể điều khiển giới tính nữ, được nhìn nhận như một ẩn ý đối với đời sống của toàn thành, rằng thành không tự chủ được, và nhờ chống lại điều mà Isaia I nhận ra như một sự trung thành của thành ấy mà lời phán xét của Thiên Chúa được công bố như sau:

“Ta sẽ bao vây ngươi tứ phía,

sẽ đắp lũy chung quanh ngươi,

sẽ dựng công sự đánh ngươi” (29,3).

Nhưng cuối cùng Đức Chúa sẽ dủ lòng thương Giêrusalem và sẽ phục hồi thành, ưu ái như một nơi cư ngụ của Thiên Chúa; một thành phố bình an và bảo đảm:

“Hãy nhìn ngắm thành Si-on,

nơi chúng ta cử hành các đại lễ,

mắt bạn sẽ thấy Giêrusalem, một nơi ở thảnh thơi,

một cái lều sẽ không bị tháo gỡ;

cọc lều sẽ không bao giờ bị nhổ đi,

không một giây lều nào sẽ bị đứt.

Vì tại đó, Đức Chúa sẽ cho chúng ta thấy

Người là Đấng oai hùng.

Người sẽ như một miền có sông ngòi rộng lớn,

nhưng không có thuyền bè tới lui,

và tàu to đẹp cũng không qua lại” (33,21-22).

Đối với Isaia II cũng vậy, Thiên Chúa ưu ái phục hồi Giêrusalem là điều quan trọng bậc nhất:

“Hãy ngọt ngào khuyên bảo Giêrusalem, và hô lên cho thành:

Thời phục dịch của thành đã mãn,

tội của thành đã đền xong,

vì thành đã bị tay Đức Chúa

giáng phạt gấp hai lần tội phạm” (40,2).

Ngài hứa hẹn một cuộc trở về, Đấng thống trị và bảo trợ thiêng liêng của thành sẽ phục hồi, sẽ mang lại niềm vui cho tất cả những ai cư ngụ ở đó:

“Kìa nghe chăng quân canh gác của ngươi

cùng cất tiếng reo hò vang dậy;

họ sẽ được tận mắt thấy Đức Chúa

đang trở về Si-on.

Hỡi Giêrusalem điêu tàn hoang phế,

hãy đồng thanh bật tiếng reo mừng,

vì Đức Chúa an ủi dân Người,

và cứu chuộc Giêrusalem” (52,8-9).

Tuy nhiên thị kiến hùng hồn nhất về giải phóng Giêrusalem được tìm thấy trong Isaia III. Ngài phải đương đầu với một thành bị chiếm đóng, một thành phố đã bị hủy hoại 50 năm. Nhưng ngài tuyên bố rằng ngài sẽ không ngừng lại cho tới khi được nhìn thấy dấu chứng của thành phố xinh đẹp này:

“Vì lòng mến Si-on, tôi sẽ không nín lặng,

vì lòng mến Giêrusalem, tôi nghỉ yên sao đành,

ơn cứu độ của thành rực lên như ngọn đuốc” (62,1).

Ngài công bố một kỷ nguyên khôi phục sẽ nhìn thấy thành thịnh đạt, huy hoàng và sẽ là đối tượng của sự tôn kính đối với tất cả chư dân:

“Con cái ngoại kiều sẽ tái thiết thành lũy của ngươi,

việc tế tự của ngươi, vua chúa của chúng sẽ góp phần.

Phải, trong lúc giận dữ, Ta đã đánh phạt,

nhưng vì ân tình, Ta lại xót thương ngươi.

Các cửa thành ngươi sẽ luôn luôn mở rộng,

ngày đêm không đóng lại bao giờ,

để người ta đem nộp cho ngươi của cải muôn dân,

để vua chúa của chúng đến trình diện” (60,10-11).

Thậm chí ngài kêu gào dân cư trong thành hãy cầu xin với Đấng bảo trợ thiêng liêng của thành để thành được khôi phục cho tới khi Thiên Chúa không còn chọn lựa nào khác:

“Giêrusalem hỡi, trên tường thành ngươi,

Ta đã đặt lính gác,

suốt ngày đêm, chúng sẽ chẳng bao giờ nín lặng.

Hỡi những người có phận sự nhắc nhở Đức Chúa,

anh em đừng nghỉ ngơi.

Cũng đừng để Đức Chúa nghỉ ngơi

bao lâu Người chưa tái lập,

chưa đặt Giêrusalem

làm lời khen ngợi trên khắp địa cầu” (62,6-7).

Đối với dân Israel, không có thành phố nào trong thế giới cận đại có thể thỉnh cầu một đấng cứu độ quyền thế và đầy trắc ẩn như là Đức Chúa của họ:

“Vì Đức Chúa phán như sau:

Này Ta tuôn đổ xuống thành đô

ơn thái bình tựa dòng sông cả,

và Ta khiến của cải chư dân

chảy về tràn lan như thác vỡ bờ.

Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ,

được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối” (66,12).

Chúng ta không còn nhìn thấy việc làm của Thiên Chúa trong lịch sử cùng một cách thức như dân Chúa đã từng được chứng kiến trong thế giới cổ đại. Có thể chúng ta muốn thắc mắc về niềm tin của Isaia rằng tin cậy vào Thiên Chúa thì hiệu quả hơn là tạo nên những quan hệ chính trị. Đặc biệt như những công dân của một đất nước dân chủ và phát triển, chúng ta hãy tạo cho mình thói quen tin rằng chúng ta có thể điều khiển được vận mệnh chính trị tốt hơn là dân cư thành Giêrusalem ngày xưa. Tuy nhiên sứ điệp của Isaia cho thấy rằng Thiên Chúa hiện diện trong đời sống của mọi dân tộc trên thế giới và điều này vẫn còn ý nghĩa cho đến ngày hôm nay. Hẳn thật, nhờ những hành động của mình, họ mở ra cho phán xét thiêng liêng. Thiên Chúa đã chăm sóc Israel, Ngài vẫn hằng để ý tới những hy lễ của bản ngã thụ động và những cuộc chiến quyền lực chính trị trong thời đại chúng ta. Và vì cũng thích hợp để chúng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta lòng can đảm để đương đầu với những xáo trộn trong thế giới chúng ta như dân cư thành Giêrusalem phải chịu.