Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thiên Chúa Trong Isaia: Thiên Chúa Sáng Tạo (3)

Administrator
2018-09-23 03:20 UTC+7 21
THIÊN CHÚA TRONG ISAIA GOD IN ISAIAH Tác giả: Pamela  A. Foulkes Chuyển ngữ: Piô Phan Văn Tình ***   *** THIÊN CHÚA SÁNG TẠO I. ĐẤNG SÁNG TẠO Đằng sau sự xác tín của các ngôn sứ rằng Thiên Chúa hướng dẫn vận mệnh Israel là Đức Chúa tối cao của mọi dân tộc […]


THIÊN CHÚA TRONG ISAIA

GOD IN ISAIAH

Tác giả: Pamela  A. Foulkes

Chuyển ngữ: Piô Phan Văn Tình

***

 

***

THIÊN CHÚA SÁNG TẠO

I. ĐẤNG SÁNG TẠO

Đằng sau sự xác tín của các ngôn sứ rằng Thiên Chúa hướng dẫn vận mệnh Israel là Đức Chúa tối cao của mọi dân tộc và mọi lịch sử còn là niềm tin rằng Thiên Chúa mà họ tin thờ là Đấng Sáng Tạo quyền năng của cả vũ hoàn. Isaia kêu gọi dân Chúa:

“Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao?

Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu,

là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.

Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn,

trí thông minh của Người khôn dò thấu” (40,28).

Dân Chúa được nhắc cho biết rằng Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa Sáng Thế, Ngài tạo dựng thế giới từ hư vô; Ngài phán một lời liền có mọi sự (St1,1-2,3).

Đây là Thiên Chúa, Đấng đã làm nên mọi sự mà họ nhìn thấy quanh họ và là nguồn mạch căn bản của đời sống họ:

“Đây là lời Thiên Chúa, lời Đức Chúa,

Đấng sáng tạo và căng vòm trời,

Đấng trải rộng mặt đất với hoa màu tràn lan,

Đấng ban hơi thở cho dân đầy mặt đất,

ban sinh khí cho toàn thể cư dân” (42,5).

Đây là Đấng hiện hữu trước khi thời gian khởi đầu và là Đấng sẽ thống trị hoàn vũ cho tới cùng đích của thời gian:

“Hãy nghe Ta, hỡi Gia-cóp,

hỡi Israel, kẻ Ta đã gọi!

Ta vẫn là Ta, Ta là khởi nguyên,

Ta cũng là cùng tận.

Chính tay Ta đã thiết lập địa cầu,

tay hữu Ta đã trải rộng trời cao,

Ta gọi chúng, chúng cùng nhau trình diện” (48,12-13).

Đây là Đấng uy hùng mà Isaia III loan báo:

“Đức Chúa phán thế này:

Trời là ngai của Ta, và đất là bệ dưới chân Ta.

Các ngươi sẽ xây cho Ta nhà nào,

và nào sẽ là chốn Ta nghỉ ngơi?” (66,1).

Sự bảo đảm như thế sẽ là nguồn của niềm tin và sự tín thác của dân Chúa. Họ cũng là một phần trong công trình sáng tạo và có thể xác tín rằng Đấng đã dựng nên họ sẽ không để cho họ phải sụp đổ. Vì lẽ không có Đấng Sáng Tạo nào cố tình bỏ rơi hoặc hủy diệt công trình mình đã làm ra.

II. THIÊN CHÚA DUY NHẤT

Nhiều lần các ngài đã diễn tả trong sách Isaia niềm xác tín rằng Thiên Chúa Israel là một Thiên Chúa chân thật. Isaia III nói lên niềm thâm tín ấy như sau:

“Ngài đón gặp kẻ sống đời công chính mà lấy làm vui

và nhờ đến Ngài khi theo đường lối Ngài chỉ dạy.

Kìa, Ngài phẫn nộ vì tội lỗi chúng con,

nhưng khi mãi đi theo các đường lối của Ngài,

chúng con sẽ được cứu thoát” (64,4).

Các ngôn sứ đã sống trong một thế giới đa thần và đã tiếp nhận sự thật là nhiều dân tộc khác có xu hướng tin vào nhiều thần khác nhau hơn là độc thần. Nhưng các ngài quả quyết với Israel rằng niềm tin vào bất cứ vị thần nào khác trong sự hiện hữu thiêng liêng của các vị ấy là vô nghĩa. Đây là sự thật ngay cả trong cuộc lưu đày ở Babylon. Ở một thời điểm khi dân Chúa bị bắt làm nô lệ bởi một dân tộc thờ đa thần, thì họ có thể được tha thứ cho sự đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa của họ. Vị ngôn sứ than thở:

“Si-on từng nói: ‘Đức Chúa đã bỏ tôi,

Chúa thượng tôi đã quên tôi rồi!” (49,14).

Trong thế giới cổ đại, quyền lực hiển nhiên nơi một vị thần của một dân tộc được nhìn nhận trong sự thành công và thịnh vượng của dân tộc ấy. Nếu như hiện giờ Israel bị thất bại và bất lực thì Thiên Chúa của họ dường như ít được nhắc tới. Sống như ngoại kiều giữa một dân ngoại, tưởng chừng như không còn tương lai trở về quê hương, không còn hy vọng phục hồi gia sản thiêng liêng và dân tộc, họ bị cám dỗ thờ những vị thần của những kẻ thống trị họ, nguy cơ ấy là rất mạnh. Như vậy sẽ xuôi thuận hơn cho đời sống của họ. Điều này hẳn đã giúp họ hòa nhập vào miền đất mới dễ dàng hơn và giúp họ thuận lợi hơn ở đó.

Tuy nhiên, vị ngôn sứ đã chống lại sự tuyệt vọng và bất tín như thế và ngài đã lên án các thần giả tạo của Babylon cùng với những kẻ thờ lạy chúng.

“Thợ nắn ra tượng thần, tất cả bọn họ chẳng là gì hết. Các kiệt tác của họ đều vô dụng. Chúng là nhân chứng của họ, nhưng là những nhân chứng chẳng thấy, chẳng hiểu gì, nên chỉ làm xấu mặt họ mà thôi. Ai lại nắn ra một ông thần, đúc ra một pho tượng để chẳng được gì cả! Đúng vậy, tất cả những ai sùng bái tượng thần đều phải xấu hổ, và những kẻ tạo ra chúng cũng chỉ là phàm nhân. Họ cứ tụ tập lại hết đi, bước cả ra xem nào! Họ sẽ khiếp run và xấu hổ cả đám” (44,9-11).

Ai tạo nên các tượng thần giả tạo để rồi tán tụng và thờ lạy thì cần phải đặt lại vấn đề.

“Không ai nghĩ lại trong lòng, không ai có chút hiểu biết, chút trí khôn để nói rằng: Mình đã cho một nửa vào lửa, làm than hồng để nướng bánh, quay thịt mà ăn; phần còn lại, mình đã làm ra thứ ghê tởm, rồi lại đi thờ khúc gỗ như thế sao! Nó bầu bạn với bụi, với tro, lòng mê muội đã làm nó lạc hướng. Nó không cứu nổi mình mà cũng không biết nói: Không phải là đồ giả trong tay tôi sao?” (44,19-20).

Các tượng thần bằng gỗ, đá không thể cứu được những người thờ lạy với ý muốn hại người hoặc cũng không thể đem lại niềm an ủi. Chúng chỉ là những vật thể được tạo ra. Chúng nuôi dưỡng một ảo tượng về một sự bảo đảm để rồi khi nguy hiểm rình rập và đe dọa, mọi sự sẽ bị lộ tẩy như một sự lừa dối.

Isaia được mời gọi rút ra khỏi những kẻ “vô tín” về chân lý:

“Hỡi những người sống sót giữa chư dân,

tập trung mà kéo đến, cùng nhau lại gần đây.

Những người kiệu tượng gỗ,

khấn vái thứ thần chẳng cứu được ai,

bọn đó thật không hiểu biết gì” (45,20).

Đồng thời kiên nhẫn trong niềm tin vào Thiên Chúa Sáng Tạo của tổ tiên họ. Đây là Đấng bảo đảm với họ rằng:

“Nào muôn dân khắp cõi địa cầu,

hãy hướng về Ta, thì các ngươi sẽ được cứu độ,

vì Ta là Thiên Chúa, chẳng còn chúa nào khác.

Ta lấy chính danh Ta mà thề,

lời chân thật này thốt ra khỏi miệng Ta,

Ta quyết chẳng bao giờ rút lại:

Trước mặt Ta mọi người sẽ quỳ gối,

và mở miệng thề rằng” (45,22-23).

Đây là Đấng Sáng Tạo vũ trụ, là Đấng luôn bảo trợ công trình sáng tạo đó:

“Chẳng lẽ các ngươi lại không biết?

Chẳng lẽ các ngươi chưa được nghe?

Chẳng lẽ chưa ai báo cho tự ban đầu?

Chẳng lẽ các ngươi lại không hiểu

trái đất được xây nền đặt móng làm sao?

Đấng ngự trên vòm che trái đất

nhìn xuống chư dân như châu chấu cào cào.

Cả bầu trời, Người dăng như bức trướng,

và căng ra như căng lều để ở” (40,21-22).

Đây là Thiên Chúa Israel, quyền năng của Ngài là vô biên:

“Ngươi chẳng biết, chẳng nghe thấy sao?

Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu,

là Đấng sáng tạo toàn cõi đất.

Người không mệt mỏi, chẳng nhọc nhằn,

trí thông minh của Người khôn dò thấu.

Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi,

Kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng” (40,28-29).

Sự chăm sóc của Đấng Sáng Tạo đối với công trình sáng tạo sẽ không bao giờ ngưng, vẻ đẹp và sự tuyệt diệu của công trình sáng tạo sẽ tiếp tục làm ngây ngất và ngạc nhiên đối với chúng ta. Cũng như dân Israel, chúng ta tín thác vào sự đảm bảo đó, như một phần của công trình sáng tạo, sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa sẽ nối dài đối với đời sống chúng ta. Trách nhiệm cai quản của Đấng Sáng Tạo trên công trình sáng tạo cũng sẽ tiếp tục đối với chúng ta. Nếu chúng ta tin vào Đấng Sáng Tạo nên vũ trụ lạ lùng mà chúng ta nhìn thấy xung quanh chúng ta thì chúng ta sẽ có bổn phận xứng hợp khả dĩ bảo vệ và giữ gìn công trình ấy.