Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Quyền Bính Tối Cáo Trong Giáo Hội Đối Với Dòng Tu – Vấn Đề 63

Administrator
2018-09-23 09:55 UTC+7 34
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 63 QUYỀN BÍNH TỐI CAO TRONG GIÁO HỘI ĐỐI VỚI DÒNG TU A. Các Dòng tu và hàng giáo phẩm Giáo Hội đón nhận và duy trì, như một hồng […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 63

QUYỀN BÍNH TỐI CAO TRONG GIÁO HỘI ĐỐI VỚI DÒNG TU

A. Các Dòng tu và hàng giáo phẩm

Giáo Hội đón nhận và duy trì, như một hồng ân của Chúa, những lời khuyên Phúc Âm đặt nền trên “đạo lý và các gương sáng của Đức Kitô, Thầy của chúng ta” (đ. 575). Để đón nhận và hội nhập hồng ân này vào trong cộng đồng Giáo Hội, quyền bính Giáo Hội có một lãnh vực hoạt động rộng rãi. Dựa theo Hiến chế Lumen Gentium số 45, điều 576 của Bộ Giáo Luật nêu lên những lãnh vực mà quyền bính Giáo Hội thực thi nhiệm vụ của mình.[1]

Thẩm quyền của các vị nắm giữ quyền bính trong Giáo Hội khác biệt tùy theo đó là quyền bính đối với Giáo Hội toàn cầu, hoặc là đối với Giáo Hội địa phương. Quyền bính tối cao, nghĩa là nhằm phục vụ Giáo Hội toàn cầu, thuộc về Đức Giáo Hoàng và Giám Mục Đoàn, việc điều hành một Giáo Hội địa phương thuộc về Đức Giám mục Giáo phận.

Đối với quyền bính tối cao, các điều 590-592 đưa ra những phân biệt: thẩm quyền thuộc về Đức Giáo Hoàng Rôma và của Giám Mục Đoàn; thẩm quyền của bản thân Đức Giám mục Roma, với quyền hành sử tối cao thường lệ trong sự hiệp thông với các Giám mục khác và tất cả Giáo Hội (đ. 388 §2); sau cùng là Tông Tòa (Tòa Thánh) gồm các Thánh Bộ của Giáo Triều Rôma với chức năng là trợ giúp Đức Giáo Hoàng trong việc cai quản thường xuyên Giáo Hội.

Đối với quyền bính tối cao, điều 590 tuyên bố rằng: các Dòng tu phải phục tùng với một danh nghĩa đặc biệt. Đức Giáo Hoàng được coi như Bề trên tối cao của mỗi tu sĩ.

B. Tùng phục đặc biệt quyền bính tối cao

“Tất cả các tín hữu có nghĩa vụ vâng phục các vị chủ chăn, khi các ngài thay mặt Chúa Kitô mà tuyên bố với tư cách là những thầy dạy của đức tin, hoặc khi quyết định với tư cách là các thủ lãnh của Giáo Hội ” (đ. 212 §l). Tuy nhiên, sự vâng phục của các Dòng tu đối với quyền bính tối cao có một nền tảng riêng, mang lại một đặc điểm khẩn thiết hơn. Theo điều 590 §l, các Hội Dòng thánh hiến, dù thuộc luật Giáo phận hay luật Giáo hoàng đều hiến thân phục vụ toàn thể Giáo Hội, do quyền bính tối cao lãnh đạo. “Các tu sĩ được kết hiệp cách đặc biệt với Giáo Hội và với mầu nhiệm của Giáo Hội” (đ. 573, §3), cho nên họ “được liên kết chặt chẽ hơn với việc phục vụ Giáo Hội”.[2] Ơn gọi tu sĩ “bày tỏ cách sáng ngời và biểu lộ bản chất sâu xa của ơn kêu gọi Kitô hữu”[3] cho nên mang chiều kích hoàn vũ, và tuy dù được gắn chặt với mỗi Giáo Hội địa phương nhưng không bị giới hạn vào đó, do bản chất bí tích và năng động của mình. Ơn gọi phục vụ Giáo Hội hoàn vũ đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhắc lại trong một bài diễn từ đọc trước các Bề Trên Tổng Quyền ngày 24 tháng 11 năm 1978: “Dù anh chị em ở nơi nào trên thế giới, anh em vẫn thi hành sứ mạng của anh em đối với Giáo Hội toàn cầu, trong một Giáo Hội địa phương. Vì thế ơn gọi của anh chị em trong Giáo Hội toàn cầu được thực hiện trong những cơ cấu của các Giáo Hội địa phương”.[4]

C. Đức Giáo Hoàng: Bề trên tối cao

Mối liên hệ đặc biệt giữa các Hội Dòng và Đức Giáo Hoàng giúp ta hiểu lời khẳng định của điều 590 §2: “Mỗi thành viên của các Hội Dòng có nghĩa vụ vâng phục Đức Thánh Cha như Bề trên tối cao, kể cả xét theo mối ràng buộc của đức vâng lời”. Một vài tác giả đã ước muốn rằng Bộ Luật Mới (1983) đừng nên lặp lại lời tuyên bố này của điều 499 §l trong Bộ Giáo Luật Cũ (1917), “bởi vì quyền tài phán của Đức Giáo Hoàng bao trùm các lãnh vực của nghĩa vụ được quy định trong các bản Hiến Pháp được Giáo Hội phê chuẩn” (Cha Beyer). Nhưng nên nhớ rằng, quyền ra lệnh theo Đức Vâng Lời chỉ dành riêng cho một mình Đức Thánh Cha mà thôi; các thành viên của giáo triều Rôma không có quyền này, trừ khi được Đức Thánh Cha ủy nhiệm đặc biệt. Cũng vậy, các Giám Mục không phải là Bề trên tối cao của các Dòng trong các Giáo phận, dù là Dòng thuộc quyền Giáo phận. Tuy dù trong quá khứ có thế nào đi nữa, nhưng chắc rằng, từ nay Bộ Đời Sống Thánh Hiến sẽ không bao giờ phê chuẩn những bản Hiến Pháp dạy vâng phục Đức Giám Mục theo lời khấn Đức Vâng Lời. Cũng nên biết rằng, một tu sĩ được nâng lên chức Giám Mục vẫn phải vâng phục Đức Giáo Hoàng “vì lời khấn vâng lời” (đ. 705).

Các thành viên của Dòng Tên khấn vâng lời “đi bất cứ nơi nào Đức Thánh Cha ra lệnh, dù miền có đạo hay miền ngoại đạo”. Lời khấn này không trùng hợp với những gì đã được trình bày về nghĩa vụ của mỗi tu sĩ phải vâng phục Đức Thánh Cha. Lời khấn đó của Dòng Tên muốn nói lên tính toàn cầu của sứ mạng tông đồ của Dòng này.

Không phải bất cứ quyết định nào của Đức Giáo Hoàng cũng đòi hỏi vâng lời theo lời khấn. Lời khấn vâng lời chỉ giới hạn vào khuôn khổ của Hiến Pháp (đ. 601). Ngoài phạm vi ấy, thì chỉ là sự vâng lời thông thường.

 

 

 


[1]Xem thêm vấn đề 5

[2]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Perfectae caritatis (Đức Ái trọn hảo), số 14.

[3]Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad Gentes (Đến Với Muôn Dân), số 18.

[4]x. Bộ Tu Sĩ và Bộ Giám Mục, Mutuae Relationes (Văn kiện về “Tương quan giữa các Giám mục và các Tu sĩ trong Giáo Hội), Ngày 14-05-1978, số 18.