Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Sự Miễn Trừ – Vấn Đề 65

Administrator
2018-09-23 09:55 UTC+7 31
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 65 SỰ MIỄN TRỪ (đ. 591)   Theo điều 591, “để đáp ứng tốt hơn với thiện ích của các Hội Dòng và những nhu cầu của việc tông đồ, […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 65

SỰ MIỄN TRỪ

(đ. 591)

 

Theo điều 591, “để đáp ứng tốt hơn với thiện ích của các Hội Dòng và những nhu cầu của việc tông đồ, Đức Giáo Hoàng, do quyền tối thượng trên toàn thể Giáo Hội và vì lợi ích chung, có thể miễn trừ cho các Hội Dòng thánh hiến khỏi quyền cai trị của các Bản quyền địa phương, và đặt họ trực tiếp tùy thuộc một mình ngài, hoặc một nhà chức trách khác trong Giáo Hội”.

Như ta đã thấy,[1] những đặc quyền của Đức Giáo Hoàng đối với các Hội Dòng dựa trên sự kiện là các Dòng Tu nhằm phục vụ Giáo Hội toàn cầu. Điều 590 nại đến quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng như nền tảng để ngài miễn trừ các Hội Dòng khỏi quyền các Bản quyền địa phương, nghĩa là các Hội Dòng ấy sẽ không tùy thuộc giáo quyền trực tiếp, mà chỉ tùy thuộc quyền của ngài hoặc một quyền bính khác của Giáo Hội. Nói chung, “quyền hành rút khỏi” các Bản quyền địa phương sẽ được chuyển trao cho các Bề trên của Dòng, và các vị này trực tiếp tùy thuộc Đức Giáo Hoàng.

Trước đây, Bộ Giáo Luật 1917 đã thiết lập một phẩm trật giữa các Hội Dòng, tùy theo mức độ được độc lập khỏi Bản quyền. Các Dòng miễn trừ được hưởng sự độc lập tối đa. Công Đồng VaticanII đã xét lại vấn đề miễn trừ, và điều 591 bắt nguồn trực tiếp từ Sắc lệnh Christus Dominus,[2] §3-§4. Bản văn này nói rằng sự miễn trừ “tiên vàn nhằm vào cơ cấu nội bộ của các Dòng” và kể ra nhiều lãnh vực tông đồ mà các tu sĩ được miễn trừ vẫn phải phục quyền Đức Giám mục. Quyền hành của Đức Giám mục trong lãnh vực tông đồ còn được khẳng định rõ ràng trong Sắc lệnh Ad gentes,[3] trong Tự sắc Ecclesiae Sanctae,[4] và đã được đúc kết trong văn kiện Mutuae relationes.[5]

Bộ Giáo Luật mới 1983 đã nhìn sự miễn trừ dựa theo viễn ảnh của Công Đồng. Một đàng, sự tự trị được nói ở điều 586 nằm trong cơ cấu nội bộ, chứ không do thẩm quyền trên cao ban cấp. Đàng khác, không còn phân biệt giữa các Dòng được miễn trừ chiếu theo luật (các Hội Dòng giáo sĩ), các Dòng được miễn trừ do một đặc ân và các Dòng khác thuộc quyền Giáo Hoàng. Từ nay, chiếu theo điều 596 §2, tất cả các Dòng Giáo Hoàng đều được đối xử ngang nhau, và mối quan hệ với các Bản quyền địa phương được quy định bởi luật chung.

Có thể nói rằng, xét vì không còn được dùng làm chỉ tiêu để phân biệt giữa các Hội Dòng, cho nên sự miễn trừ đã biến khỏi Bộ Giáo Luật, đừng kể khi nào người ta muốn nói rằng từ nay tất cả các Dòng giáo sĩ thuộc quyền Giáo Hoàng đều đuợc miễn trừ. Nhưng nói thế lại không đúng lắm, bởi vì thực ra tình trạng giáo luật chung của họ không thu hẹp quyền hành của Bản quyền địa phương.

Như thế, điều 591 được coi như một nguyên tắc tổng quát, theo đó Đức Giáo Hoàng có thể, nếu ngài muốn, ban cấp cho một số Hội Dòng được hưởng nhiều tự do đối với quyền của Bản quyền địa phương, nhiều hơn là những điều được quy định trong bộ luật hiện hành.

 

 


[1] Xem thêm vấn đề 46.

[2] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus, số 35.

[3] Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes, số 30.

[4] Tự sắc Ecclesiae Sanctae I, 20-40

[5] Mutuae relationes, số 22.