Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thiết Lập Và Giải Tán MỘt Dòng Tu: Sơ Lược Lịch Sử – Vấn Đề 17

Administrator
2018-09-23 09:51 UTC+7 33
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 17 THIẾT LẬP VÀ GIẢI TÁN MỘT DÒNG TU SƠ LƯỢC LỊCH SỬ   “Theo Công Đồng Vatican II, đời sống tu trì không được đặt ở trong Giáo Hội […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 17

THIẾT LẬP VÀ GIẢI TÁN MỘT DÒNG TU

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ

 

“Theo Công Đồng Vatican II, đời sống tu trì không được đặt ở trong Giáo Hội trên bình diện các cấu trúc định chế,[1] nhưng nó thuộc bình diện đặc sủng, và nói chính xác hơn, nó thuộc về sức sinh động của sự thánh thiện, tượng trưng cho ơn gọi nguyên thủy của Giáo Hội. Lý do đầu tiên thúc đẩy một Kitô hữu trở thành tu sĩ không phải là để nắm giữ một chức vị, một trọng trách, một vai trò gì trong Giáo Hội, nhưng là để nên thánh. Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm của người tu sĩ, ‘những gì khác sẽ được ban thêm cho’. Đó là đường lối mà họ phục vụ Giáo Hội: Giáo Hội cần đến trường dạy sự thánh thiện này để thực hiện ơn gọi nên thánh của mình”.[2] Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nhắc nhở, đời sống tu trì là một dịch vụ nảy sinh từ ơn gọi nên thánh của các tín hữu. Chính dịch vụ này xác định chỗ đứng của các tu sĩ trong Giáo Hội.

Việc thành lập một Dòng Tu mới là nhằm mưu ích cho Giáo Hội, xét vì mọi tác động của Chúa Thánh Thần, mọi đoàn sủng, đều nhằm để xây dựng toàn thể thân mình Chúa Kitô. Vì thế tới một lúc nào đó, Dòng Tu mới thành lập cần phải được Giáo Hội thừa nhận, bởi vì Chúa Thánh Thần đã làm nảy sinh Dòng Tu là để giúp Giáo Hội.

Sự thừa nhận này là giai đoạn khởi đầu của một Dòng Tu mới, được gọi là sự phê chuẩn do Giám mục Giáo phận hoặc do Giáo Hoàng hành động nhân danh Giáo Hội. Sự phê chuẩn này không chỉ là một hành vi cai quản của các vị chủ chăn trong Giáo Hội, nhưng còn là một cử chỉ có tầm vóc Giáo Hội và tinh thần. Khi phê chuẩn một Dòng Tu, các vị đại diện hợp pháp của Giáo Hội long trọng công nhận rằng, dự phóng của Dòng này thật là một cuộc “bước theo Chúa Kitô” đích thực, và bảo đảm rằng Dòng có tinh thần Phúc Âm.

Sự phân biệt hiện hành giữa các Dòng thuộc quyền Giáo phận và các Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng chỉ mới có từ thế kỷ XIX. Trước đó, sự phân biệt quan trọng hơn và có nhiều hậu quả hơn: đó là phân biệt giữa các “Dòng” (Ordo) có lời khấn trọng thể và các “Hội Dòng” (Congregatio) có lời khấn đơn. Chỉ các thành viên của loại thứ nhất (Ordines) mới được coi là các tu sĩ đích thực, chỉ lời khấn của họ mới được Giáo Hội chính thức tiếp nhận và có giá trị lời khấn tu trì đối với Giáo Hội cũng như đối với nhà nước; vì thế mà gọi các lời khấn “trọng thể” (vota solemnia). Còn các thành viên của các “Hội Dòng” (Congregationes) không phải là những tu sĩ đích thực theo Giáo Luật; các lời khấn của họ không được Giáo Hội chính thức công nhận là Lời Khấn Dòng, vì thế được gọi là khấn “đơn” (vota simplicia) hồi đó gần như có nghĩa là những lời khấn “tư”.

Như vậy, trước thế kỷ XIX, không có khoản Giáo Luật nào liên quan đến việc Tòa Thánh phê chuẩn các Hội Dòng có các lời khấn đơn. Tòa Thánh chỉ biết có sự phê chuẩn các Dòng (Ordines), và điều này cũng mới có từ hồi đầu thế kỷ XIII.

Trước thế kỷ XIII, để một Dòng được thiết lập, chỉ cần sự phê chuẩn (đôi khi được hiểu ngậm) của Đức Giám mục tại nơi mà Dòng nảy sinh và bành trướng. Tại Công Đồng Laterano IV, họp năm 1215, Đức Giáo Hoàng Innoncente III mới ấn định rằng: từ nay không một Dòng nào sẽ được thiết lập nếu không có sự phê chuẩn của Tòa Thánh. Các Giám mục vẫn giữ quyền cho thiết lập những nhóm và những cộng đoàn với các thành viên sống đời tu trì, nhưng họ không được Giáo Luật chính thức nhìn nhận như tu sĩ: đó sẽ là mầm mống cho các Hội Dòng có lời khấn đơn về sau này.

Suốt hai thế kỷ XVII và XVIII, những Hội Dòng có lời khấn đơn, nhất là các Tu Hội của các nữ tu, không ngừng gia tăng. Từ đầu thế kỷ XIX, một số lớn các Hội Dòng này xin Đức Giáo Hoàng phê chuẩn: từ 18l6 đến 1862, các Hội Dòng đã được Tòa Thánh phê chuẩn, tuy vẫn chưa được chính thức công nhận như là “Dòng Tu”. Điều này mãi sau mới xảy ra.

Thừa ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng Piô IX, Đức Giám mục Bizzarri (sau này làm Hồng Y), lúc đó là Thư ký “Thánh bộ các Giám mục và các tu sĩ”, vào năm 1854 đã soạn thảo một thủ tục để phê chuẩn các Hội Dòng có lời khấn đơn. Thủ tục này đã được ấn hành và thông đạt cho các Giám mục năm 1861.

Lần đầu tiên, có sự phân biệt giữa việc thiết lập (erectio) một Hội Dòng do Đức Giám mục Giáo phận, và việc phê chuẩn (approbatio) do Tòa thánh. Từ nay trở đi, cuộc đời của mỗi Hội Dòng mới sẽ trải qua hai giai đoạn:

– Hội Dòng ở dưới quyền bảo hộ của các Giám mục những Giáo phận mà tu hội có nhà: đó là Dòng thuộc quyền Giáo phận.

– Hội Dòng được đặt dưới sự bảo hộ của Tòa Thánh: điều này không có nghĩa là Hội Dòng được miễn trừ hoặc hoàn toàn thoát quyền kiểm soát của Đức Giám mục sở tại, chúng ta gọi đây là Dòng thuộc quyền Giáo Hoàng. Giai đoạn thứ hai bắt đầu kể từ khi Tòa Thánh Roma cấp ban “sắc lệnh tán thưởng” (decretum laudis).

Tình hình trở nên rõ ràng hơn với Tông hiến “Conditae a Christo” của Đức Giáo Hoàng Leo XIII, ngày 8 tháng 12 năm 1900: sự phân biệt giữa quy chế một Dòng thuộc quyền Giáo phận và quy chế một Dòng thuộc quyền Tòa Thánh đã dược ấn định dứt khoát, kèm theo những hậu quả pháp lý.

Được sinh ra để mưu ích cho Giáo Hội và được Giáo Hội thừa nhận, một Hội Dòng mới không còn hoàn toàn thuộc về mình nữa: Giáo Hội có quyền giám sát Hội Dòng. Điều này được thấy nơi các hoàn cảnh khác nhau, nhất là vào dịp thành lập những cơ sở mới.

Từ Công Đồng Calcedonia năm 451, Giáo Hội đã đòi hỏi rằng, không một cộng đoàn tu sĩ nào được hoạt động tại một nơi nào mà không có phép Đức Giám mục: đó là quy định cổ xưa nhất của luật chung Giáo Hội đối với các tu sĩ. Điều này cho thấy rằng, các cộng đoàn tu sĩ được gắn kết với tế bào Giáo Hội. Sự hiện diện của cộng đoàn tu sĩ tại một nơi không bao giờ là một việc vô can, cho dù các tu sĩ không thực hiện một thứ hành động tông đồ trực tiếp nào. Điều này biện minh cho các quy tắc của Giáo Luật liên quan đến việc thành lập và đóng cửa các nhà, cũng như việc thay đổi công tác tông đồ.

 

 


[1]Bởi vì không cấu thành một cấp bậc của hàng Giáo phẩm, và cũng không phải là hàng ngũ thứ ba nằm giữa các chủ chăn và các giáo dân

[2] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Diễn từ đọc trước các tu sĩ tại São Paulo, Brazin, 3 tháng 7 năm 1980