Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Tu Sĩ "Vắng Nhà" – Vấn Đề 36

Administrator
2018-09-23 09:52 UTC+7 35
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 36 VẮNG NHÀ (đ. 665; 667)   A. Vắng mặt hợp pháp Sống cộng đoàn là một trong những nghĩa vụ cốt yếu của đời tu trì. Bởi vậy một […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 36

VẮNG NHÀ

(đ. 665; 667)

 

A. Vắng mặt hợp pháp

Sống cộng đoàn là một trong những nghĩa vụ cốt yếu của đời tu trì. Bởi vậy một tu sĩ chỉ được miễn sống chung với anh em theo những điều kiện luật định.

Bề Trên Cao Cấp, với sự thỏa thuận của hội đồng cố vấn, có thẩm quyền cho phép tu sĩ sống ngoài Nhà Dòng, khi có lý do chính đáng. Phép này không được quá một năm. Tuy nhiên Giáo Luật không hạn chế thời gian nếu là vắng nhà vì lý do bệnh tật, học hành, hoặc làm việc tông đồ nhân danh Dòng.

Phép vắng mặt nên được soạn thành văn bản trong đó nêu rõ những lý do: học hành, làm việc tông đồ, sức khoẻ, hoặc lý do cá nhân nào khác.

Nếu một tu sĩ đang gặp những khó khăn và được ban phép vắng mặt vì lý do sức khoẻ do những rối loạn tâm thần, thì trong văn thư chỉ cần ghi “vì lý do sức khoẻ” là đủ và không cần chú thích gì thêm. Văn khố của Dòng phải lữu trữ bản sao của giấy phép này.

Trong mọi trường hợp vắng mặt, tu sĩ vẫn tuân phục các bề trên và phải duy trì liên lạc thường xuyên với các ngài. Tu sĩ vẫn phải giữ các nghĩa vụ của đời sống tu trì, ngoại trừ nghĩa vụ sống trong một nhà của Dòng. Họ không được miễn giữ đời sống huynh đệ, vì thế họ phải tìm kiếm những phương cách phù hợp với tình trạng của mình để duy trì sự liên lạc sống huynh đệ với các phần tử của Dòng.

Tu sĩ có thể được uỷ thác cho một cộng đoàn, và thỉnh thoảng họ nên lui tới cộng đoàn ấy.

Các Dòng cũng có thể tương trợ lẫn nhau: chẳng hạn như một cộng đoàn có thể đón nhận một tu sĩ thuộc Dòng khác trong một thời gian.

Đối với các đan viện giữ nội vi theo luật Giáo Hoàng (đ. 667 §4), thẩm quyền cho phép một nữ tu thuộc về Đức Giám Mục giáo phận, với sự đồng ý của Bề trên, khi có lý do nghiêm trọng, và trong một thời gian thật sự cần thiết.

Đối với các đan viện giữ luật nội vi theo Hiến Pháp (đ. 667 §3), thì Hiến Pháp có thể dành cho Bề trên ban phép vắng mặt mà không cần đến sự can thiệp của Giám mục.

B. Vắng mặt bất hợp pháp

Nếu một tu sĩ ở ngoài Nhà Dòng cách bất hợp pháp, với chủ ý thoát khỏi quyền của các Bề trên, thi các Bề trên phải ân cần đi tìm để đương sự trở về và vững bền trong ơn gọi (đ. 665 §2).

Sự vắng mặt bất họp pháp có thể xảy ra:

– Nếu một tu sĩ không trở về Nhà Dòng khi đã mãn hạn phép vắng mặt hoặc phép ngoại vi.

– Nếu một tu sĩ cứ tiếp tục ở lại, trái với ý muốn của bề trên, tại một nhà hoặc tại một lãnh vực mà Dòng đã dẹp bỏ.

– Nếu không có phép của Bề trên mà một tu sĩ bỏ Nhà Dòng với ý định sẽ trở về, nhưng vắng mặt một thời gian.

– Nếu không có phép mà một tu sĩ đã khấn trọn ra khỏi Nhà Dòng nơi buộc phải cư trú và không trở lại nữa, với ý định thoát khỏi đức vâng lời tu trì.

Điều 665 §2 chỉ nói đến bổn phận của các Bề trên đối với các tu sĩ này. Tuy nhiên, cũng nên nhắc nhở cộng đoàn về trách nhiệm của mỗi tu sĩ trong việc nâng đỡ tinh thần của các anh em mình. Đặc biệt những tu sĩ nào có tình bạn thân thiết với tu sĩ gặp khó khăn, càng phải thấy mình có bổn phận giúp đỡ người anh em mình.

Sau khi đã thử nghiệm hết mọi phương thế, thì tất nhiên là yêu cầu tu sĩ đó hãy lựa chọn: hoặc trở về Nhà Dòng hoặc xin hồi tục.

Nếu một tu sĩ vắng mặt bất hợp pháp mà không cho biết tin tức gì của mình suốt sáu tháng thì có thể tiến hành thủ tục trục xuất (đ. 696 §l).

Dầu sao đi nữa, vẫn nên duy trì các quan hệ tự nhiên với những phần tử đã rời bỏ Dòng.