Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 84
VIỆC BẦU CỬ
NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG
(đ. 164 -179)
A- Các cuộc bầu cử
1/. Theo nguyên tắc, cuộc bầu cử phải diễn ra trong vòng ba tháng kể từ ngày biết khuyết chức (đ. 165). Tuy nhiên, “nếu là một chức vụ có thời hạn nhất định, thì việc chỉ định có thể được thực hiện sáu tháng trước khi hết hạn, và sẽ có hiệu lực kể từ ngày chức vụ sẽ khuyết” (đ. 153).2/. “Nếu hơn một phần ba các cử tri không được triệu tập, thì cuộc bầu cử sẽ đương nhiên vô hiệu, trừ khi nào những người bị bỏ sót đã thực sự có mặt” (đ. 166 §3).
3/. Một cử tri vắng mặt trong cuộc bầu cử vì không được triệu tập có quyền yêu cầu nhà chức trách có thẩm quyền tuyên bố cuộc bầu phiếu đó vô hiệu (dù đã được chuẩn y), miễn là phải nộp đơn khiếu nại trong vòng ba ngày kể từ khi biết có cuộc bầu cử, và chứng minh rằng mình đã không được triệu tập và vì thế đã không có mặt (đ. 166 §2).
4/. Nếu một Hội Dòng muốn đặt ra cách bỏ phiếu bằng thư tín hoặc bằng thụ ủy, thì phải xác định thể thức diễn tiến cách bỏ phiếu ấy trong luật riêng (đ. 167 §l).
5/. Nếu một người ngoài cuộc tham dự vào Tu Nghị, thì cuộc bỏ phiếu đó sẽ vô hiệu (đ. 169).
6/. Những người sau đây không có tư cách để bỏ phiếu: những người thiếu khả năng thực hiện hành vi nhân linh; những người không có quyền bầu cử; những người bị vạ tuyệt thông do một án lệnh tư pháp hoặc sắc lệnh tuyên phạt hoặc tuyên bố; những người đã công nhiên từ bỏ sự hiệp thông với Giáo Hội. Nếu họ tham gia bầu cử thì lá phiếu vô hiệu, nhưng cuộc bầu cử vẫn hữu hiệu trừ khi thấy rõ là, nếu loại phiếu của họ, thì người đắc cử sẽ không hội đủ số phiếu cần thiết (đ. 171§2).
7/. Lá phiếu sẽ vô hiệu nếu nó không tự do, nghĩa là nếu một cử tri phải bỏ phiếu cho một hay nhiều người, vì bị sợ hãi nghiêm trọng dù trực tiếp hay gián tiếp, hoặc bị mưu mô lừa dối (đ. 172 §1). Tuy rằng, “các chiến dịch vận động” bị cấm, thì vẫn nên để cho các cử tri thảo luận với nhau về những người có thể được bầu. Luật riêng có thể dự trù những phương tiện thích hợp cho sự trao đổi thông tin như vậy.
8/. Lá phiếu sẽ vô hiệu, nếu không hoàn toàn kín đáo (đ. 172 §l). Vì thế, không thể để “lá phiếu mở”. Tuy nhiên, người nào không thể viết được thì có quyền đọc ý kiến của mình cho những người kiểm phiếu viết, và những người này buộc phải giữ bí mật.
9/. Một lá phiếu sẽ vô hiệu nếu không chắc chắn (đ. 171 §1), thí dụ như nếu có sự hồ nghi do sự trùng tên, hoặc nếu lá phiếu không tuyệt đối (nghĩa là với điều kiện), hoặc nếu lá phiếu không xác định (cấm không được bầu cùng một lúc vào nhiều chức vụ đòi hỏi những điều kiện khác nhau).
10/. Nếu các kiểm phiếu viên nhận thấy số phiếu nhiều hơn số người bỏ phiếu, thì phải bầu lại. Còn như nếu số phiếu ít hơn số người bỏ phiếu, thì cuộc bỏ phiếu vẫn thành hiệu (đ. 173 §3).
11/. Nếu luật riêng không quy định cách khác, đa số được tính dựa theo số những người hiện diện (đ. 119 §1). Luật riêng có thể quy định rằng, đa số sẽ được tính theo những số phiếu thành hiệu, loại bỏ các phiếu trắng và những người không bỏ phiếu.
12/. Trừ khi luật riêng quy định cách khác, để được đắc cử, ứng viên phải nhận được đa số tuyệt đối phiếu của những người hiện diện. “Sau hai vòng bỏ phiếu không kết quả, thì sẽ bỏ phiếu cho hai ứng viên được nhiều phiếu nhất, hoặc nếu có nhiều ứng viên như vậy, thì bỏ phiếu cho hai nguời nhiều tuổi nhất. Nếu sau vòng bỏ phiếu thứ ba, số phiếu vẫn ngang nhau, thì ứng cử viên nhiều tuổi hơn sẽ được coi là đắc cử” (đ. 119, §l). Trong một vài trường hợp, luật riêng có thể đòi một đa số lớn hơn (thí dụ hai phần ba số phiếu), hoặc giải quyết sự ngang bằng một cách khác (thí dụ sẽ chỉ định người có tuổi khấn lớn hơn, hoặc cũng có thể chỉ định người trẻ hơn).
13/. Trừ khi luật riêng quy định cách khác, người đắc cử có tám ngày để chấp nhận kết quả cuộc bầu cử đã được thông báo. Qua thời hạn này, nếu không trả lời thì người đó mất quyền chấp nhận việc bầu cử. Tuy nhiên, người đó vẫn có thể được bầu lại. Tu Nghị sẽ có một tháng để tiến hành cuộc bầu cử khác, kể từ khi biết có sự từ chối (đ. 177).
14/. Nếu việc bầu cử không cần được chuẩn y, thì do sự chấp nhận của mình, người đắc cử sẽ lập tức lãnh nhận chức vụ. Nếu cần được chuẩn y, người đắc cử có tám ngày để xin được chuẩn y do Bề trên có thẩm quyền. Nếu quá hạn đó mà không xin chuẩn y, thì đương sự sẽ mất hết mọi quyền lợi, trừ khi chứng minh được rằng mình bị cản trở chính đáng. Còn Bề trên, nếu thấy người đắc cử có khả năng chiếu theo điều 149§l, và nếu cuộc bầu cử đã diễn ra hợp lệ, thì không thể từ chối việc chuẩn y. Một khi nhận được sự chuẩn y, người đắc cử nhận lãnh chức vụ trọn vẹn (đ. 178-179).
15/. Nếu các cuộc bầu cử diễn ra trong thời gian họp Tu Nghị, thì Tu Nghị sẽ chỉ định ngày bầu cử, trừ khi luật riêng quy định cách khác. Nếu Tu Nghị không tiến hành bầu cử trong thời gian đã được chỉ định, thì Bề trên có quyền chuẩn y kết quả cuộc bầu cử sẽ bổ nhiệm chức vụ bằng cách cắt cử (đ. 165).
16/. Nếu có một ngăn trở cho việc bầu cử (thiếu tuổi khấn trong Dòng, hết nhiệm kỳ mà không thể tái khóa,…) thì Tu Nghị phải xin Bề trên có thẩm quyền miễn chuẩn ngăn trở này. Hành vi như vậy gọi là “thỉnh cử” (postulatio). Bề trên không nên dễ dàng miễn chuẩn các ngăn trở, nhất là nếu nó nghịch với Hiến Pháp.
Để việc thỉnh cử có giá trị, phải hội đủ tối thiểu hai phần ba số phiếu (đ. 181§ 1). Các lá phiếu phải mang câu “Tôi thỉnh cử” hoặc một câu nói tương tự; và cũng có thể viết “Tôi bầu cử hoặc thỉnh cử” (đ. 181 §2).
Trong vòng tám ngày, đơn thỉnh cử phải được gửi tới vị có thẩm quyền chuẩn y cuộc bầu cử và miễn chuẩn; nếu không thì cuộc thỉnh cử sẽ vô hiệu (đ. 182 §l và §2).
Việc thỉnh cử không mang lại cho người được thỉnh cử một quyền lợi nào hết. Nếu việc thỉnh cử bị từ chối, Tu Nghị sẽ tiến hành một cuộc bầu cử khác. Nếu việc thỉnh cử được chấp thuận thì sẽ thông báo cho người được thỉnh cử, và người này phải trả lời như đã nói nơi số 13 trên đây. Sau đó, người đó sẽ nhận chức vụ.
B- Việc bỏ phiếu
1/. Ở Tu nghị (xem điều 119 §2).[1]
2/. Ở Hội Đồng Cố Vấn (xem điều 127 §l).[2]
[1]Xem thêm vấn đề 80.
[2]Xem thêm vấn đề 79.