Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Việc Hồi Tục Của Một Tu Sĩ Khấn Trọn Đời – Vấn Đề 98

Administrator
2018-09-23 09:57 UTC+7 29
Học Viện Đaminh   NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN *** CÁC DÒNG TU (Điều 607 – 709) *** VẤN ĐỀ 98 VIỆC HỒI TỤC CỦA MỘT TU SĨ KHẤN TRỌN ĐỜI (đ. 691 -692) A. Nhà chức trách có thẩm quyền Nhà chức trách có thẩm quyền để ban cấp […]


Học Viện Đaminh

 

NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

***

CÁC DÒNG TU

(Điều 607 – 709)

***

VẤN ĐỀ 98

VIỆC HỒI TỤC CỦA MỘT TU SĨ KHẤN TRỌN ĐỜI

(đ. 691 -692)

A. Nhà chức trách có thẩm quyền

Nhà chức trách có thẩm quyền để ban cấp đặc ân hồi tục cho một tu sĩ đã khấn trọn đời là:

– Tòa Thánh đối với một Dòng Giáo hoàng.

– Đức Giám Mục giáo phận, nơi tu sĩ được bổ nhiệm, đối với một Dòng giáo phận.

Thủ tục tiến hành cho việc hồi tục một tu sĩ đã được bộ Tu sĩ nhắc nhở trong một huấn thị.[1] Xét vì tính cách nghiêm trọng của việc khấn Dòng, Giáo Hội không thể miễn chuẩn một cách dễ dãi: điều này đặt ra cho các bề trên nghĩa vụ lương tâm nặng nề phải điều tra cách khách quan các lý do viện dẫn ngõ hầu có thể quyết định với ý thức trách nhiệm.

B. Đơn xin

Chính tu sĩ phải làm đơn xin hồi tục. Bề trên không được áp đặt hồi tục, dù cách trực tiếp hay gián tiếp; nếu không thì sự miễn chuẩn sẽ vô hiệu.[2] Tu sĩ chỉ được đưa ra những lý do rất nghiêm trọng, được cân nhắc trước mặt Chúa.

Tu sĩ sẽ nộp đơn lên Bề trên Tổng Quyền của Tu Hội mình (hoặc cho Bề trên Cao Cấp của một đan viện tự trị), trong đó phải thành thực nói rõ:

– 1/. Mình đã khấn trọn đời khi nào?

– 2/. Tại sao mình đã tuyên khấn?

– 3/. Mình đã sống các lời khấn thế nào, tại đâu, trong những hoàn cảnh nào?

– 4/.Tại sao bây giờ mình muốn rời bỏ Dòng?

Nếu là một tu sĩ giáo sĩ chưa bao giờ nhập tịch một giáo phận, hoặc đã mất sự nhập tịch, thì kèm theo lá đơn, đương sự phải thêm bức thư của một Giám Mục giáo phận sẵn sàng cho nhập tịch, hay ít ra sẵn sàng đón nhận để thử nghiệm trong một thời gian.

C. Chuyển đạt đơn xin

Sau khi đã nhận đơn, Bề trên Tổng quyền phải hỏi Bề trên Giám tỉnh (nếu có) để thu thập các thông tin cần thiết. Rồi ngài phải họp hội đồng cố vấn để biết ý kiến. Các vị này phải nghiên cứu nghiêm chỉnh các vấn đề do đơn xin nêu lên, cân nhắc các các khía cạnh, rồi trình bày cho Bề trên biết những lý lẽ sâu xa của sự quyết định của mình.

Bề trên sẽ chuyển đạt cho cơ quan có thẩm quyền tất cả tập hồ sơ, gồm có lá đơn của đương sự, lý lịch chi tiết về đương sự. Nhà chức trách sẽ nghiên cứu việc đương sự được thâu nhận vào Dòng, cách thức sống đời tu trì (tương quan với các Bề trên, sự trung thành đối với các nghĩa vụ trong Dòng, những tì tích tâm lý hoặc tâm bệnh nếu có,v.v…), sự phán đoán của ban Tổng Cố Vấn và của chính Bề trên về truờng hợp này.

D. Đặc ân miễn chuẩn (đ. 692)

Theo nguyên tắc, tu sĩ không có một quyền lợi để đòi được hồi tục. Nếu thấy các lý do của đương sự không đủ, thì nhà chức trách có thẩm quyền có thể khuyên đương sự hãy dùng những biện pháp khác để vượt qua sự bế tắc (chẳng hạn xin sống ngoại vi, hoặc vắng mặt khỏi Hội Dòng).

Thường sự trả lời được gửi đến đương sự qua trung gian của Bề trên của mình. Nếu được phép hồi tục, thì cần biết việc này phát sinh hiệu quả từ lúc nào. Theo luật mới, thì việc đó có hiệu lực khi đặc ân miễn chuẩn được thông tri cho đương sự (sự thông tri phải thực hiện bằng văn bản). Tu sĩ có thể từ chối đặc ân miễn chuẩn: trong truờng hợp này, đương sự phải ghi sự từ chối và ký vào tờ thông tri. Khi đó đặc ân miễn chuẩn sẽ không có hiệu lực, và tình trạng giáo luật của tu sĩ sẽ không có gì thay đổi.

 

 


[1]Đăng trong La Documentation Catholique, 1984, tr. 1119 – 1121.

[2]Việc trục xuất một tu sĩ sẽ tuân theo những quy luật đặc biệt, xem các vấn đề 103 – 106.