Học Viện Đaminh
NHỮNG THẮC MẮC VỀ GIÁO LUẬT ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
***
CÁC DÒNG TU
(Điều 607 – 709)
***
VẤN ĐỀ 24
VIỆC PHÂN CHIA MỘT DÒNG TU
THÀNH NHỮNG CHI NHÁNH KHÁC VỚI TỈNH DÒNG
VIỆC SỬA ĐỔI VÀ BÃI BỎ CHÚNG
(đ. 581, 585)
Phân chia một Dòng thành những chi nhánh (dù được đặt tên là gì đi nữa), thành lập những chi nhánh mới, sát nhập các chi nhánh hoặc tái kiến trúc các chi nhánh: tất cả những công việc này thuộc thẩm quyền của nhà chức trách trong Dòng, chiếu theo quy định của Hiến Pháp (chứ không thuộc thẩm quyền của Tòa Thánh hay Giám mục). Việc bãi bỏ những chi nhánh cũng là thuộc thẩm quyền ấy.
Vì muốn trình bày rõ ràng, chúng tôi đã dành vấn đề 23 cho việc phân chia các Tỉnh Dòng, còn vấn đề 24 này sẽ dành cho các chi nhánh không phải là Tỉnh Dòng.Giáo Luật không đả động gì đến các tập hợp không phải là Tỉnh Dòng. Điều 620 đề cập tới cách gián tiếp khi viết: “Các Bề Trên Cao Cấp là những vị cai quản hoặc toàn thể Hội Dòng, hoặc một Tỉnh Dòng, hoặc một phần tương đương với một Tỉnh Dòng”.
Bộ Giáo Luật 1983 để cho luật riêng của Dòng được tự do định đoạt trong một lãnh vực đòi hỏi nhiều sự uyển chuyển linh động.
Ngày nay, khi nhìn vào cách tổ chức các đơn vị và các khu vực của các Dòng Tông Đồ, ta nhận thấy sự phức tạp về cơ cấu cũng như sự khác biệt về danh xưng.
– Một đàng, chúng ta nhận thấy cách tổ chức hết sức đơn giản: tất cả các tu viện của Dòng đều trực thuộc Bề Trên Tổng Quyền và Hội Đồng Tổng Cố Vấn, chứ không có cơ cấu trung gian nào.
– Đàng khác, chúng ta cũng gặp thấy một tổ chức tương đối đơn giản: chỉ có các Tỉnh Dòng mà thôi, và tất cả các vị Giám tỉnh ở dưới quyền của Bề Trên Tổng Quyền và Hội Đồng Tổng Cố Vấn. Nếu có một hai tu viện ở ngoài các Tỉnh Dòng, thì chúng sẽ trực thuộc Bề Trên Tổng Quyền; vì thế vẫn giữ được sự hài hòa và đơn giản của các cơ cấu.
Nhưng giữa hai hình thức đơn giản như vừa nói là cả một loạt những cách tổ chức khá cầu kỳ phức tạp. Trong lãnh vực này, các Hội Dòng, nhất là các Tu Hội cỡ trung bình, đã tỏ ra rất nhiều óc sáng tạo và ta không thể nào kể ra hết mọi hình thức. Ở đây, chúng tôi chỉ có thể ra vài khuôn mẫu điển hình:
A. Các Hội Dòng được phân chia thành những đơn vị theo lãnh thổ. Các đơn vị này không được gọi là “Tỉnh Dòng” nhưng bằng những danh xưng khác nhau, tựa như: Miền, Hạt, Chi, Vùng,… Tính chất pháp lý của những đơn vị cũng như quyền hành của các vị Bề trên có thể rất khác nhau, tùy theo mỗi Hội Dòng, nhưng chúng tôi không bàn đến ở đây.
B. Các Hội Dòng được phân chia thành các đơn vị theo lãnh thổ, trong đó một số đơn vị mang danh hiệu là “Tỉnh Dòng”, còn một số đơn vị mang những tên khác nhau tùy theo Hội Dòng: “phụ tỉnh”, “Miền”,… Như vậy, trong mô hình này, chỉ có hai loại đơn vị có quy chế pháp lý: các Tỉnh Dòng, và các lãnh thổ không phải là Tỉnh Dòng.
C. Các Hội Dòng được phân chia thành các đơn vị theo lãnh thổ, nhưng với ba loại quy chế pháp lý, và như vậy là có ba cấp bậc tự trị và ba loại Bề trên: một số lãnh thổ là Tỉnh Dòng (province), một số khác được gọi là Dự-Tỉnh (hoặc Miền: vice province, région) và một số khác được gọi là Chi (district) hoặc là Hạt (délégation).
D. Những Hội Dòng không hoàn toàn chia thành các đơn vị theo lãnh thổ. Đó là những Hội Dòng có từ bốn trăm đến một ngàn thành viên, trong số đó quá nửa cư ngụ trong một nước, thường là tại quốc gia gốc của Hội Dòng, và đôi khi chỉ cư ngụ tại một Miền của quốc gia đó mà thôi. Trong các Hội Dòng ấy, những tu viện sống ngoài nước được quy tụ thành Tỉnh Dòng, hoặc Miền; còn tất cả các nhà ở trong nước đều ở dưới quyền trực tiếp của vị Bề Trên Tổng Quyền và Hội Đồng Tổng Cố Vấn. Trong loại D này, tất cả các đơn vị ở ngoài nước đều có cùng một quy chế pháp lý giống nhau: hoặc tất cả là những Tỉnh Dòng, hoặc tất cả là những Miền.
E. Cũng trong tình trạng giống như mô hình D nói trên, nhưng các đơn vị ở ngoài nước không có cùng một quy chế như nhau: một số là Tỉnh Dòng thật sự, một số khác lại không phải là Tỉnh Dòng.
F. Tại một số Tỉnh Dòng hoặc Miền, có một vài nhà ở xa trụ sở của Tỉnh Dòng hoặc Miền, hoặc là có cùng một đặc tính giống nhau, sẽ được tập hợp lại thành một đơn vị, và được hưởng quy chế riêng trong nội bộ của Tỉnh Dòng hoặc của Miền, và được đặt dưới quyền một vị Bề trên. Đơn vị này vẫn tiếp tục là thành phần của Tỉnh Dòng hoặc của Miền, và Bề trên của đơn vị vẫn tùy thuộc Bề trên của Tỉnh hoặc Miền chứ không tùy thuộc Bề Trên Tổng Quyền.
G. Một vài Tỉnh Dòng của Dòng được phân chia thành những chi nhánh, vì thế các tu viện của Tỉnh Dòng đều được xếp vào một trong những chi nhánh ấy.
Như người ta dễ thấy, các mô hình F và G có thể dung hợp với các cấu trúc A, B, C, D, và E. Nếu tính thêm mô hình của các Hội Dòng được hoàn toàn phân chia thành các Tỉnh Dòng thì chúng ta sẽ có tất cả là hai mươi bốn hình thức tổ chức khác nhau. Đó là chưa kể những hình thức khác biệt về quyền hành mà các Bản Hiến Pháp dành cho các Bề trên của các Tỉnh Dòng và của các đơn vị lãnh thổ!
Sự phức tạp lại còn trở nên trầm trọng hơn nữa khi bước sang các tên được đặt cho các đơn vị không phải là Tỉnh Dòng: mỗi Dòng sáng chế danh xưng khác nhau, gây ra nhiều lầm lẫn trong các cuộc hội họp để nghiên cứu về cơ cấu quản trị. Đôi khi cùng một tên nhưng được áp dụng cho những thực thể khác nhau, đang khi các thực thể giống nhau lại được gọi bằng những tên khác nhau!
Thiết tưởng để trình bày minh bạch hơn, chúng ta nên đặt tên “Miền” cho những đơn vị không phải là Tỉnh Dòng trong các Hội Dòng được tổ chức theo các mô hình A, B, C, D, hoặc E; “Vùng” cho mô hình F, và “Hạt” cho mô hình G.