Skip to content
Banner 10.2024
Ngôn ngữ

Thánh Iréne Và Công Cuộc Chống Lạc Thuyết

Administrator
2018-09-23 07:44 UTC+7 31
Mt. Vũ Văn Lượng, OP.   Khuynh hướng Ngộ đạo xuất hiện từ thế kỷ I ở Palestin kéo dài đến Tiểu Á, và lan rộng đến tận Alexandria vào thế kỷ II đã dấy lên phong trào Ngộ đạo thuyết “Kitô giáo”. Từ quan niệm của Ngộ đạo cho rằng ơn cứu độ khởi […]


Mt. Vũ Văn Lượng, OP.

 

Khuynh hướng Ngộ đạo xuất hiện từ thế kỷ I ở Palestin kéo dài đến Tiểu Á, và lan rộng đến tận Alexandria vào thế kỷ II đã dấy lên phong trào Ngộ đạo thuyết “Kitô giáo”. Từ quan niệm của Ngộ đạo cho rằng ơn cứu độ khởi đi và hệ tại từ tri thức, chỉ những con người thần linh mới được cứu độ, thân xác vật chất là xấu xa trong thế giới này, con người ở trần gian này bị xâu xé giữa thiện và ác, giữa tinh thần và vật chất, và mong chờ được cứu độ khi thoát khỏi vật chất và mọi thứ nhị nguyên: giữa Thiên Chúa và một Đấng Hoá công, giữa Thần khí thiện hảo và vật chất xấu xa,… Iréne[1] đã đi ngược lại hoàn toàn nhằm chống lại những quan điểm sai lạc của Ngộ đạo thuyết. Thánh nhân nhấn mạnh đến một nguyên tắc duy nhất nơi Thiên Chúa và Đấng Sáng tạo chỉ là một, sự thống nhất giữa công trình sáng tạo và công trình cứu độ trong Đấng là Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Đặc biệt, ngài đề cao công trình thâu hồi về một mối vào thời chung cuộc, tức là mọi sự đều quy phục một thủ lãnh là Đức Kitô. Đồng thời thánh nhân nói đến con người giống như Thiên Chúa với sự tự do và thiện hảo của mình, được cứu độ cả hồn lẫn xác. Tất cả những vấn đề trên được thánh nhân nghiên cứu, bàn giải chi tiết có hệ thống với những đề tài như bàn về Thiên Chúa, sáng tạo, con người, Đức Kitô, vấn đề cứu độ,… trong một khảo luận mang tên: Trình bày và phi bác phái ngộ đạo sai lạc hay còn gọi là Chống lại các lạc giáo (Adversus Haereses) nhằm chống lại thuyết Ngộ đạo này.

I. NGỘ ĐẠO THUYẾT

Thuyết này xuất hiện vào thế kỷ thứ II AD ảo tưởng về một tri thức[2] toàn hảo được mạc khải, chiếm hữu và truyền đạt bởi những người đã được khai tâm, muốn giải thích triệt để về một thế giới, về huyền nhiệm của hữu thể dựa trên cơ sở nhị nguyên, từ đây nảy sinh một con đường cứu độ: cứu độ bằng tri thức, nhị nguyên bài vũ trụ. Cứu độ và tri thức tự bản chất là xa lạ với thế giới xấu xa này. Thứ ngộ đạo thuyết chủ yếu nảy sinh vào thế kỷ II là ngộ đạo thuyết Kitô giáo, cho mình là người được nhận lãnh truyền thống chân truyền mà đứng đầu là Valentin. Đây chính là đối tượng chính mà Iréne cần chống lại. Lập trường của ngộ đạo thuyết hẳn đã ảnh hưởng sâu đậm trong thời bấy giờ với “nỗi khắc khoải về sự dữ của cuộc hiện hữu trong thế giới này, Ngộ đạo xuất hiện như một biểu hiện của ý thức bất hạnh. Ý thức này làm nảy sinh nơi người ngộ đạo cảm thức về sự vong thân, một cuộc lưu đầy, một sự tước bỏ so với một thiên đàng đã mất, so với sự hoàn hảo đã bị lãng quên. Ở trần gian này, con người cảm thấy lạc loài, bị xâu xé giữa thiện và ác, vật chất và tinh thần, linh hồn và thể xác, bị phá vỡ thành hai phái tính riêng biệt, tản mát trong thời gian. Con người mang nỗi hoài vọng da diết về sự duy nhất thuở đầu, một sự duy nhất mà chỉ có một thảm hoạ vũ trụ mới có thể phá tan để rồi sinh ra cái thế giới đổ vỡ này. Cứu độ hệ tại ở chỗ thoát khỏi vật chất và mọi thứ nhị nguyên mà nó đẻ ra. Cứu độ là trốn thoát và trở về với thế giới hoàn hảo và thống nhất của tinh thần”.[3]

Ngộ đạo thuyết cho rằng con đường cứu độ hệ tại ở trí thức, và chỉ những người thần linh mới được cứu độ, nhưng muốn là những người thần linh thì phải kết hợp với Đức Kitô. Con đường cứu độ này vừa ý thức bẩm sinh về thân phận của tinh thần ở trần gian, vừa thủ đắc tri thức toàn hảo… Nhờ tri thức, con người ý thức bản tính đích thực của mình là một hữu thể tinh thần, hữu thể thần linh.… Còn những người vật chất chỉ được cấu tạo bằng những yếu tố xác thịt, và đương nhiên phải chết không còn cách nào cứu chữa.[4] Như vậy ngộ đạo thuyết đã mang đến quan niệm tất định: con người sinh ra đã được đặt định, và do đó không được chọn lựa hành vi luân lý cho chính mình. Chính điều này dẫn đến việc phá hoại niềm tin và ơn cứu độ Kitô giáo. Thuyết này đã đặt ra cho niềm tin Kitô giáo nhiều vấn nạn nan giải: Tương quan giữa Thiên Chúa Cha và Đấng Tạo Hóa: Cựu ước và Tân ước; tạo dựng và cứu độ, con người và vũ trụ, linh hồn và thân xác. Bên cạnh đó còn đặt ra đâu là bản chất của ơn cứu độ: con người cần được cứu thoát khỏi điều gì? Khỏi vật chất hay khỏi tội? Ơn cứu độ là tri thức về mình, trở về với mình hay mở ra với một Đấng khác? Thân xác có cần được cứu độ chăng? Về chân lý Kitô giáo thì đâu là nền tảng để xây dựng? Đâu là chuẩn mực quy chiếu nền tảng đức tin? Nói cách khác, ngộ giáo đã đặt ra các vấn đề về thần luận, sáng thế luận, nhân luận, Kitô luận và cứu độ luận,… Đây chính là lý do và cũng là những vấn nạn trước niềm tin Kitô giáo mà thánh Iréne cần bảo vệ và chống lại thuyết Ngộ đạo này.

II. THẦN HỌC CỦA THÁNH IRÉNE TRONG VIỆC CHỐNG LẠI NGỘ ĐẠO THUYẾT

Trước trào lưu ngộ đạo nảy sinh và ảnh hưởng mạnh làm sai lạc các quan niệm thần học, thánh Iréne đã phải dày công viết nên nhưng lập trường về Thần luận, sáng thế luận, nhân luận, Kitô luận và cứu độ luận,… nhằm chống lại những quan điểm sai lạc của Ngộ đạo thuyết này. Chúng ta cùng tìm hiểu một số những quan điểm của thánh nhân trong việc chống Ngộ đạo thuyết này.

1. Thần luận

Về Thiên Chúa, phái Ngộ đạo cho rằng từ đời đời có một Thiên thể (éon) hoàn hảo hiện hữu trong cõi vô hình vô danh. Thiên thể này luôn tĩnh lặng đời đời, vĩnh cửu, bất thụ sinh, vô hình, bất khả thấu. Thiên thể này còn được gọi là Nguyên Lý Nguồn, Cha Nguồn, Vực Thẳm. Đồng hiện hữu với Thiên Thể là Tư Tưởng mà có tên gọi khác là Ân sủng và Tĩnh Lặng. Thiên Thể này có ý định phóng xuất từ chính mình một Nguyên lý của mọi sự mà ngài đặt nó như thể một hạt giống vào lòng Tư Tưởng. Nhận được hạt giống, Tư Tưởng mang thai và sinh ra Trí Tuệ, Trí Tuệ này còn được gọi là Con duy nhất, là Cha và là Nguyên lý của mọi sự. Đồng thời cũng có Chân Lý được phóng ra với Trí Tuệ. Đó là Bộ ba mà họ gọi là Gốc rễ mọi sự, đó là: Vực Thẳm, Tĩnh Lặng, Trí Tuệ và Chân Lý. Rồi Trí Tuệ là Con duy nhất này lại phóng xuất ra Lời và Sự Sống là Cha của mọi sự và là Nguyên lý của Thiên giới.[5] Từ đây chúng ta có thể tóm lược quan niệm về Thiên Chúa của Ngộ đạo thuyết trong sơ đồ sau:

Thiên Thể (Nguyên Lý Nguồn, Cha Nguồn, Vực Thẳm)

đồng hiện hữu với

Tư Tưởng (Ân Sủng, Tĩnh Lặng)

Từ Thiên Thể -> hạt giống + Tư Tưởng -> Trí Tuệ và Chân Lý -> Lời và Sự Sống

Trước lập trường của Ngộ đạo thuyết, thánh Iréne đã đưa ra quy luật đức tin được gói gọn trong công thức Ba ngôi nhằm minh chứng một “Thiên Chúa Cha, bất thụ tạo, Đấng không bị chứa đựng, vô hình, một Thiên Chúa, Đấng sáng tạo vũ hoàn… và Ngôi Lời của Thiên Chúa, Con của Thiên Chúa (Đức Giêsu Kitô Chúa chúng tôi, Đấng đã hiện ra với các tiên tri tuỳ theo loại sấm ngôn của các ngài và tuỳ theo tình trạng của nhiệm cục cứu độ của Cha, nhờ Người mà mọi sự được tạo thành),… đã làm người giữa loài người, hữu hình, có thể sờ chạm đến, để thâu họp mọi sự, để tiêu diệt sự chết, làm xuất hiện sự sống và thực hiện sự hiệp thông của Thiên Chúa và của con người. Thánh Thần… là Đấng khi thời đã mãn đã được đổ tràn cách mới mẻ trên nhân loại chúng ta, hầu đổi mới con người trên khắp mặt đất cho Thiên Chúa… những ai mang Thần Khí của Thiên Chúa thì được dẫn tới Ngôi Lời, nghĩa là tới Con, nhưng Con lại trình diện họ với Cha, và Cha ban cho họ sự bất hoại. Như thế, không có Thánh Thần thì không thể nhìn thấy Con Thiên Chúa và không có Con thì không ai có thể tiến đến gần Cha…”.[6] Thánh nhân nói đến một Thiên Chúa duy nhất có Lời của mình là chính Đức Giêsu Kitô có nhiệm vụ liên kết Thiên Chúa với con người. Ngôi Lời cho con người biết là sẽ nhìn thấy Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ ở cùng với con người trên trần gian này để cứu giúp và giúp con người nhận ra Thiên Chúa. Bên cạnh đó, con người chỉ vươn tới vinh quang Thiên Chúa khi gắn bó với Thánh Thần. Vinh quang Thiên Chúa mà con người đạt tới là sống sự sống vĩnh cửu. Mà muốn có sự sống vĩnh cửu thì con người phải nhìn thấy Thiên Chúa. Chính Ngôi Lời làm cho ta nhìn thấy Thiên Chúa. Và việc nhìn thấy Thiên Chúa nhờ Ngôi Lời lại càng mang lại sự sống biết bao. Tất cả những điều nói về Thiên Chúa được gói gọn trong câu nói thời danh: Con người sống là vinh quang của Thiên Chúa, còn sự sống của con người là nhìn thấy Thiên Chúa.[7]

2. Sáng thế luận

Khi bàn về cuộc tạo dựng, Ngộ đạo thuyết cho rằng có một Đấng Hóa Công (Demiurge) sáng tạo nên tất cả mọi sự. Ngài nặn hình các tầng trời, nhưng ngài lại không quan tâm đến các tầng trời, ngài tạo hình con người, nhưng ngài cũng chẳng biết đến con người, ngài mang ánh sáng đến trái đất, nhưng ngài cũng chẳng biết đến trái đất. Tất cả mọi sự do ngài dựng nên có liên hệ đến sức mạnh sinh sản của Achamoth là mẹ của ngài. Mẹ ngài phát xuất từ trong tâm trí ngài. Người mẹ này, theo Ngộ đạo thuyết, được gọi là Ogdoad, Sophia, là Đất, là Giêrusalem, là Thần Khí. Nơi cư trú của mẹ ngài là một nơi cao, trên Đấng Hóa Công, nhưng dưới và ngoài sự Viên mãn (Pleroma).[8] Qua lập trường trên, chúng ta thấy rằng, Ngộ đạo thuyết quan niệm việc sáng tạo theo lập trường riêng của họ, vì họ chủ trương chủ nghĩa nhị nguyên khi phân biệt giữa một Thiên Chúa và một Đấng Hóa Công, hay giữa thần khí thiện hảo và vật chất xấu xa. Trái ngược hẳn quan niệm Ngộ đạo và để phản bác lập trường này, thánh Iréne đã nhấn mạnh đến một nguyên tắc Thiên Chúa và Đấng Sáng Tạo là một, Người đã nhờ Đức Khôn Ngoan của mình mà an bài mọi sự. Nguyên tắc “Thiên Chúa duy nhất” của Iréne được thánh nhân nhấn mạnh nhiều lần để chống lại nguyên tắc nhị nguyên của Ngộ đạo thuyết. Chúng ta sẽ thấy rõ về đạo lý sáng tạo của Iréne khi ngài viết rằng: “Nếu Đấng Sáng Tạo tự mình, nghĩa là với sự tự do và quyền năng của mình, đã an bài và hoàn tất mọi sự, nếu bản chất của mọi sự là do ý Người muốn, thì rõ ràng là chỉ một mình Người là Thiên Chúa, Đấng dựng nên vạn vật, chỉ một mình Người là Đấng Toàn Năng, chỉ một mình Người là Cha: nhờ Ngôi Lời quyền năng của Người, Người đã dựng nên và sáng tạo muôn loài hữu hình và vô hình, giác quan tiếp nhận được hay không tiếp nhận được, ở cả trên trời lẫn dưới đất; nhờ Đức Khôn Ngoan của Người, Người đã xếp đặt an bài mọi sự. Một mình Người bao bọc muôn loài muôn vật, nhưng không có gì bao bọc được Người. Người là Đấng Hóa Công, Đấng Sáng Tạo, Đấng Phát Minh, Đấng Tác Tạo muôn vật muôn loài, Người là Đức Chúa của vạn vật, và không có ai đứng bên cạnh Người hay bên trên Người. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Đấng Sáng Tạo, Đấng ngự trên “mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước hiệu có thể có được” (Ep 1,21). Người là Cha, là Thiên Chúa, là Đấng Sáng Tạo, là Đấng Hóa Công. Người đã tự mình làm ra muôn loài muôn vật, tự mình nghĩa là nhờ Ngôi Lời và Đức Khôn Ngoan của Người, Người đã dựng nên “Trời, đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó” (Tv 146,6)”.[9]

3. Nhân luận

Đối với Iréne, con người là hữu thể được Thiên Chúa dựng nên, nó không phải là một vật lạ từ trời sa xuống, cũng không phải là xuất thể hay thần linh, nhưng là một con người có xác và hồn do Thiên Chúa sáng tạo nên.[10] Ngài khẳng định rằng: “Con người hoàn hảo, đó là sự hoà lẫn và là sự kết hợp của linh hồn đã đón nhận Thần Khí của Cha và được hoà trộn với thân xác được nắn đúc theo hình ảnh Thiên Chúa… Ba điều đó phải được phục hồi và kết hợp lại, và chỉ có một và cùng một ơn cứu độ cho chúng”.[11] Vì Ngộ đạo thuyết cho rằng chỉ những con người thần linh mới được ơn cứu độ và chối bỏ việc thân xác được cứu độ, coi thường thân xác vì quan niệm chúng bị hư hoại không thể tái sinh và không thể đón nhận sự bất hoại, nên thánh Iréne đã kịch liệt phản đối quan niệm trên và cho rằng thân xác là do Thiên Chúa dựng nên và cũng được hưởng ơn cứu độ, “vì chưng những tinh thần không có thân xác sẽ không bao giờ là những người thiêng liêng, nhưng chính bản thể của chúng ta, nghĩa là hợp thể linh hồn và thân xác, một khi đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa, mới làm nên con người thần thiêng”.[12] Ngài nói: “Thật vô lối, hoàn toàn vô lối những kẻ bác bỏ tất cả nhiệm cuộc của Thiên Chúa, phủ nhận việc cứu độ thân xác, coi thường việc tái sinh của thân xác, vì cho rằng nó không thể đón nhận sự bất hoại”.[13]

Mặt khác, con người là hữu thể được dựng nên để sống. Theo Iréne, con người hoàn hảo là một hữu thể mang ba chiều kích: thân xác, linh hồn và thần khí, thần khí ở đây là sự tham dự vào Thiên Chúa, đây là ba chiều kích được phục hồi và sẽ triển nở trong sự phục sinh. Ngộ đạo thuyết quan niệm có sự phân cách giữa thế giới thể xác với thế giới tâm linh. Do đó Iréne nhấn mạnh con người là một thể thống nhất gồm thể xác và linh hồn. Nhưng sự thống nhất này tự nó không có thực chất nếu không được kết hợp với Thần Khí. Chính khi có sự kết hợp của thể xác và linh hồn với Thần Khí, thì cuộc sáng tạo con người mới đạt tới mức hoàn thiện. Thần Khí Thiên Chúa chính là thành tố của con người hoàn thiện,[14] “bởi vì xác phàm tạo ra tự nó không phải là con người hoàn thiện: đó chỉ là thân thể của con người, nghĩa là một phần của con người. Linh hồn tự nó cũng không phải là con người: đó chỉ là linh hồn của con người, nghĩa lả một phần của con người. Thần Khí cũng không phải là con người, người ta gọi đó là Thần Khí chứ không goi là con người. Con người hoàn thiện chính là do sự hoà nhập và hiệp nhất do các yếu tố đó kết thành”.[15] Lời khẳng định của Iréne càng minh chứng rõ những sai lầm của Ngộ đạo thuyết khi họ cho rằng “công trình do Thiên Chúa nặn đúc không được cứu độ. Đúng là chúng không hiểu rằng ba yếu tố đó, như trên đây đã trình bày, kết thành con người hoàn thiện: xác thịt, linh hồn và Thần Khí. Thần Khí thì cứu và tạo hình, xác thịt thì được cứu và được tạo hình, còn linh hồn thì đứng giữa, lúc theo Thần Khí và được Thần Khí nâng lên, lúc thì thuận tình với xác thịt và sa vào những dục vọng trần thế. Vậy là những ai không có yếu tố giải cứu và tạo hình nhằm đến sự sống, đều là và sẽ được gọi là “khí huyết và xác thịt”, bởi lẽ chúng không có Thần Khí Thiên Chúa nơi chính mình”.[16] Sự sống của con người chính là ơn cứu độ được tham sự vào chính sự sống của Thiên Chúa. Sự sống này đang được thành hình từng ngày trong sự tăng trưởng và trở thành của con người.

Hơn nữa, con người là hữu thể đang trở thành. Đây là tiến trình của con người trên đường đạt đến sự hoàn hảo thực sự. Chúng ta chưa thực sự hoàn hảo vì còn là trẻ nhỏ chưa có khả năng đón nhận. Chính Ba ngôi làm cho chúng ta tiến đến sự hoàn hảo thực sự, tức đến gần Đấng Bất Thụ Tạo. Ngài nói: “về phần con người, tiên vàn nó phải được dựng nên, khi đã được dựng nên thì nó lớn lên, khi lớn lên thì nó trưởng thành, khi đã trưởng thành thì nó tăng bội, khi tăng bội thì nó nên mạnh mẽ, khi đã nên mạnh mẽ thì nó được tôn vinh và cuối cùng khi đã được tôn vinh thì nó nhìn thấy Thiên Chúa của mình”.[17] Như vậy thánh nhân đã quan niệm con người là một tiến trình trở thành cho đến khi nó đạt tới đích điểm là sự hoàn hảo. Chính tiến trình này đóng góp vào việc nhận lãnh ơn cứu độ. Điều này phản ngược lại chủ trương của Ngộ đạo vốn cho thân xác là hư hoại, không thể được cứu chữa nữa. Sự trở thành này được hiểu rõ hơn khi nói đến sự phân biệt của Iréne về “hình ảnh Thiên Chúa” khác với “giống như Thiên Chúa”. Sự khác biệt này có một ý nghĩa thần học vô cùng quan trọng: “hình ảnh” nhằm nói đến chiều kích bất khả nhượng của con người, tương quan của con người với Thiên Chúa; còn nét “giống như Thiên Chúa” nhằm chỉ việc con người tích cực thực hiện trong tương quan với Thiên Chúa. Như vậy quan niệm của Iréne về “con người hình ảnh giống như Thiên Chúa” mang chiều kích năng động trong tiến trình lịch sự cứu độ. Con người đúng là do Thiên Chúa tạo dựng giống như hình ảnh Thiên Chúa để trở nên giống như Thiên Chúa, nhưng phải đợi cho đến lúc Thiên Chúa biểu tỏ chính mình cách hữu hình trong Đức Giêsu Kitô, con người mới thực sự được trở nên giống Thiên Chúa,[18] mới đạt đến đích của tiến trình “trở thành”.

Cuối cùng, con người là hữu thể tự do và có trách nhiệm. Con người được Thiên Chúa ban tặng tự do và sử dụng tự do của mình. Cũng chính vì được tự do nên chúng ta phải “trả lẽ cho Thiên Chúa không những về các hành vi của mình, như những kẻ nô lệ, mà còn cả về những lời nói và tư tưởng của chúng ta, như những người đã lãnh quyền tự do”.[19] Thiên Chúa ban tự do cho con người ngay từ lúc tạo dựng, con người có quyền tự chủ, nhưng phải nghe theo lời khuyên tốt lành của Thiên Chúa cách tự nguyện không miễn cưỡng. Vì thế Thiên Chúa không phải là Đấng cưỡng ép con người, nhưng Người khuyên dạy và cho con người có quyền chọn lựa. Thiên Chúa là Đấng tự do, và do đó, con người được dựng nên giống hình ảnh Người và cũng được tự do. Lập trường này làm sáng tỏ về nhân luận và chỉ rõ những quan niệm sai lầm của Ngộ đạo thuyết. Thánh nhân nói: “Thiên Chúa dựng nên con người tự do, ngay từ ban đầu đã có quyền tự chủ thuộc về mình, giống như linh hồn thuộc về mình, để nghe theo lời khuyên của Thiên Chúa cách tự nguyện và không bị cưỡng ép. Quả vậy, không có sự cưỡng ép về phía Thiên Chúa, nhưng nơi Ngài luôn có lời khuyên tốt lành. Và vì vậy, một đàng Ngài ban lời khuyên cho mọi người, đàng khác Ngài đặt vào con người quyền lựa chọn, như Ngài đã từng thực hiện đối với các thiên thần, vì các thiên thần cũng là loài có lý trí”.[20]

4. Kitô luận

Khi quan niệm về Đức Kitô, Ngộ đạo thuyết lại cho rằng: “một bên ta có Đức Giêsu theo kế hoạch, Người chỉ đơn thuần qua Đức Maria mà thôi, Người được vị cứu Chúa đáp xuống, Đấng cũng được gọi là Kitô vì Người có danh xưng của tất cả những ai đã phát phóng ra Người; Đấng này đã cho Đức Giêsu của kế hoạch tham dự quyền năng và danh xưng của Người hầu cho vị ấy phá huỷ tử thần và Đấng là Cha được nhận biết qua trung gian vị Cứu Chúa từ cao đáp xuống, Đấng chính là nơi tiếp nhận Đức Kitô và sự Viên mãn toàn bộ”.[21] Như vậy, họ tuyên xưng có một Đức Kitô duy nhất, nhưng họ lại cho rằng Đức Kitô, Đấng con một phát xuất ra để chỉnh đốn sự Viên mãn, khác với vị Cứu Chúa được phát ra để tôn vinh Đấng là Cha, cũng khác với Đức Giêsu của kế hoạch mà theo họ đã chịu khổ hình trong khi vị Cứu Chúa đáp lên tới sự Viên mãn với Đức Kitô vác trên vai. Họ phân biệt Đức Giêsu thì khác với Đức Kitô: một Đấng thì thuộc Đấng Hóa Công hay là Đức Giêsu của kế hoạch hay cũng là con của ông Giuse và Đấng này có thể chịu đau khổ và chết; còn Đấng kia đến từ nơi vô hình, Người là vô hình không thể nắm bắt được và không thể chịu đau khổ. Trước lập trường của Ngộ đạo thuyết, Iréne đã phản đối kịch liệt và cho rằng chính Ngôi Lời Thiên Chúa và là Con Một đã vâng lời thiên ý để trở thành xác phàm. Đấng trở thành xác phàm này chính là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, chính Người đã chịu khổ hình, sống lại và trở lại trong vinh quang ban ơn cứu độ và xét xử công minh theo quyền Người. Thánh nhân nói: “Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là Cha và một Đức Giêsu Kitô duy nhất là Chúa chúng ta, Đấng đã đến thể theo toàn bộ kế hoạch và đã đưa mọi sự về một đầu mối nơi chính mình. Toàn bộ, nghĩa là bao gồm cả con người, công trình Thiên Chúa nặn ra: như vậy Người đã đưa cả con người về cùng một đầu mối nơi chính mình, khi từ vô hình Ngưòi thành hữu hình, từ chỗ không ai nắm bắt được Người, Người chịu để cho người ta nắm bắt, từ chỗ không hề biết đau khổ, Người chịu đau khổ, từ Ngôi Lời, Người thành xác phàm. Người đã đưa mọi sự về cùng một đầu mối nơi chính mình; như vậy Ngôi Lời Thiên Chúa đứng hàng đầu trong các Đấng thiên giới siêu đẳng, thần linh và vô hình thế nào, thì Người cũng đứng hàng đầu trong muôn loài hữu hình có thân thể như vậy; do đó khi đảm nhận địa vị tối thượng đó và tự hiến làm đầu Hội thánh, Người lôi cuốn vạn vật đúng thời đúng lúc”.[22]

Từ quan niệm coi thường vật chất, cho vật chất tự bản chất là xấu và sự cứu rỗi hệ tại ở việc thoát ly khỏi thể xác (vật chất) của Ngộ đạo thuyết, đã kéo theo quan niệm cho rằng nếu vật chất là xấu thì Thiên Chúa tốt lành không thể nào trở thành con người thật được. Ngôi Lời là Thiên Chúa chỉ làm ra vẻ con người mà thôi, không thể chịu khổ hình được. Thiên Chúa tuyệt đối siêu việt bất biến thì không thể trở thành con người được. Do đó thân xác Đức Kitô và cuộc đời cuộc Người chỉ là ảo ảnh, là hình bóng bên ngoài, chứ không có thật. Thấy được sự chối bỏ nhân tính của Đức Giêsu và mầu nhiệm Kitô giáo sẽ bị phá huỷ tận căn, Iréne đã quyết liệt phản đối và nhấn mạnh rằng: “những ai nói rằng Người (Đức Kitô) chỉ vờ vĩnh xuất hiện, rằng Người đã không sinh ra có thân có xác và đã không thật sự làm người, thì những kẻ ấy vẫn còn mắc án cũ, vì họ đem lời biện hộ cho tội lỗi, bởi lẽ theo họ thì cái chết không bị đè bẹp… Quả thế, vì một người duy nhất đã không vâng lời – con người đầu tiên được nặn từ đất hoang – mà muôn người thành tội nhân và mất mạng, cũng vậy phải nhờ một người duy nhất đã vâng lời – con người đầu tiên, sinh ra từ Trinh nữ – để muôn người trở nên công chính và lãnh nhận ơn cứu độ. Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người như thế đó,… nếu Người không thành xác phàm mà chỉ lấy vẻ xác phàm mà hiện ra, thì công trình Người là không chân thật. Nhưng Người như thế nào, thì Người cũng là như thế, nghĩa là Thiên Chúa, Đấng quy tụ về với Người công trình mà xưa kia Người đã nặn ra là con người, hầu giết chết tội lỗi, phá huỷ cái chết và làm cho con người được sống: đó là tại sao công trình Người là chân thật”.[23] “Vậy đúng là Đấng đó, Con Thiên Chúa và là Chúa chúng ta, chính Người cũng là con loài người mà vẫn là Ngôi Lời của Chúa Cha: Người sinh ra làm người từ lòng Đức Maria, một người có cha có mẹ cũng là người, và như thế Người đã trở thành con loài người”.[24]

5. Cứu độ luận

Ngộ đạo thuyết cho rằng con người được cứu độ là nhờ tri thức,[25] tri thức này vừa là nhận thức bẩm sinh về thân phận của tinh thần ở trần gian, vừa là sự thủ đắc tri thức hoàn hảo làm tăng triển nhận thức trên.[26] Như vậy, họ cho rằng con người nhờ tri thức nhận biết được chính mình là tinh thần, và chỉ có những người thần linh, thuộc tinh thần mới được cứu độ và chính tri thức cứu độ họ. Thủ đắc được tri thức giải thoát tức là đã được cứu độ. Trước lối hiểu sai lầm về đối tượng cứu độ và cách thức cứu độ, Iréne đã phản bác và cho rằng: “ý định cứu độ cứu độ của Thiên Chúa mang tính phổ quát và đã khởi sự ngay từ khi Thiên Chúa tạo thiên lập địa, đã phát triển trong thế giới cho đến khi Đức Kitô, trong tính cách là Đầu, xuất hiện để đưa muôn vật muôn loài về một đầu mối”.[27] Không người phàm nào có thể tự giải cứu chính mình khỏi tội như Ngộ đạo thuyết chủ trương con người tự cứu độ bằng tư duy và hành động, đồng thời coi Đức Giêsu là giả tưởng, không hiện thực. Như vậy thuyết này đã chối bỏ chính Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật, và theo đó chối bỏ chính ơn cứu độ Thiên Chúa ban tặng cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Do đó, họ cũng chối bỏ luôn Mầu nhiệm Nhập thể, chối bỏ sự hiện hữu trường cửu của Lời nhập thể đã có từ đời đời, và thay vào đó là quan niệm Đức Kitô chỉ nhập thể vào một thời và trước đó không có Người.

Để chống lại quan điểm sai lầm này, Iréne khẳng định rằng: “Chúng tôi đã chứng minh tỏ tưởng rằng Ngôi Lời, Đấng vốn hiện hữu lúc khởi đầu bên cạnh Thiên Chúa và nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, Đấng lúc nào cũng đã hiện diện với loài người, chính Đấng đó, trong thời sau hết, vào thời điểm do Thiên Chúa ấn định, đã kết hiệp với tác phẩm của Người, và đã trở thành người phàm biết thế nào là đau khổ. Như vậy là loại bỏ được lời phản đối của những kẻ nói: “Đức Kitô đã sinh ra vào một thời, vậy là Người không có từ trước”. Thật vậy, chúng tôi đã chứng minh rằng Con Thiên Chúa đã không bắt đầu [hiện hữu] vào lúc đó bởi lẽ lúc nào Người cũng đã hiện hữu bên cạnh Thiên Chúa; nhưng khi đã nhập thể và làm người, Người đã đưa về một mối lịch sử dai dẳng của nhân loại nơi chính Người, đã đem lại cho chúng ta ơn cứu độ một cách gọn gẽ như vậy: điều mà chúng ta đã đánh mất trong Adam, nghĩa là hiện hữu giống như Thiên Chúa, theo hình ảnh Thiên Chúa, thì chúng ta có thể khôi phục trong Đức Giêsu Kitô”.[28]

Chúng ta biết rằng, khi bàn về cứu độ luận, Iréne rất ưa dùng hạn từ “thu hồi” (récapitulation) vạn vật trong Đức Kitô. Chính Đức Giêsu Kitô muốn quy tụ, tập hợp, hoàn tất lịch sử nhân loại nơi chính Người. Chính Đức Giêsu Kitô thu hồi mọi sự nơi mình, trừ tội lỗi. Đây chính là lời phản bác chống lại quan niệm của Ngộ đạo thuyết coi thường thân xác, vật chất, và coi thường mầu nhiệm Nhập thể. Ngài nói: “Chính Người (Đức Giêsu Kitô) đã thu hồi trong Người công trình đã tạo tác từ ban đầu. Cũng vậy bởi sự bất phục của một người, mà tội lỗi đã nhập vào, và do tội, sự chết đã chiến thắng, thì cũng vậy, do bởi sự vâng phục của một người, sự công chính đã được du nhập và đã phát sinh hoa trái sự sống nơi nhiều người xưa kia vốn đã chết. Và cũng như con người đầu tiên này đã được tạo nên, Adam, đã nhận bản thể mình từ đất nguyên tuyền và trinh nguyên,… cũng vậy, khi thu hồi trong chính mình Adam, Người, Ngôi Lời, chính từ Đức Maria Trinh nữ mà Người đã đón nhận sự sinh hạ này là sự thu hồi Adam. Vậy nếu như Adam xưa có cha là một con người và được sinh ra bởi hạt giống của con người, thì họ có lý để nói là Adam thứ hai cũng đã được sinh ra bởi Giuse. Nhưng nếu Adam xưa đã được lấy từ đất và được nắn đúc bởi Ngôi Lời Thiên Chúa, thì chính cũng Ngôi Lời này, khi thực hiện nơi chính Người sự thu hồi Adam, Người cũng có cùng một sự sinh ra giống như vậy. Nhưng người ta cũng sẽ vấn nạn, vậy tại sao Thiên Chúa lại không một lần nữa lấy đất và tại sao Người lại làm cho công trình Người nắn đúc phát sinh từ Maria? Để không phải có một công trình khác được nắn đúc và để không phải là một công trình khác được cứu độ, nhưng cũng chính là công trình đó được thu hồi, do bởi cùng là một công trình đã được bảo vệ”.[29]

Hơn nữa, Ngộ đạo thuyết còn coi ý tưởng về một tên Ác luôn đối nghịch với Thiên Chúa, như vậy những gì là yếu kém của con người cũng bị loại khỏi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ngược lại, Iréne nhấn mạnh rằng ngay cả những người phạm tội bất tuân cũng không ra khỏi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn luôn lưu tâm đến sự sống còn của con người, nên kinh nghiệm về sự Ác cũng trở thành phương tiện giáo dục để con người hướng thiện. Thánh nhân nói: “Con người nhận được tri thức về điều thiện điều ác. Điều thiện là vâng lời Thiên Chúa, tin vào Người và tuân giữ giới lệnh của Người: làm như vậy là con người được sống; còn điều ác là không vâng lời Thiên Chúa: làm như vậy là con người phải chết… Như lưỡi người ta bằng vị giác kinh nghiệm cái ngọt và cái đắng, mắt người ta bằng thị giác phân biệt trắng đen, tai người ta bằng thính giác biết sự khác biệt giữa các âm, thì thần trí người ta cũng vậy, nhờ có kinh nghiệm về các hai điều (thiện và ác), thần trí hấp thụ được sự thiện và trở nên vững vàng hơn trong việc gìn giữ sự thiện bằng cách vâng lời Thiên Chúa: trước hết bằng sám hối, thần trí vứt bỏ thái độ bất tuân vì đó là một việc cay đắng xấu xa; sau đó do tự mình nhận biết điều đối nghịch với những gì là tốt đẹp ngọt ngào, thần trí sẽ không bao giờ còn có ý định nếm thử thế nào là bất tuân Thiên Chúa. Nếu anh gạt bỏ sự hiểu biết đó về cái thiện cái ác và khả năng cảm nhận theo cả hai chiều hướng, âm thầm anh sẽ tự huỷ diệt chính mình trong tư cách là con người”.[30]

Để được cứu độ, con người phải cần đến Thiên Chúa, cần Người hành động thực sự trong lịch sử, cần mầu nhiệm Nhập thể theo nghĩa hiện thực, cần Thiên Chúa phái Thánh Thần đến thế giới. Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là người, Đức Giêsu Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Không chỉ có tinh thần con người là được giải phóng, mà cả thân xác vốn đã có thể tiếp nhận sức sống của Thiên Chúa.[31]

III. KẾT LUẬN

Chúng ta đã nói đến lập trường của Ngộ đạo thuyết và lập trường thần học của Iréne trong việc chống lại quan điểm sai lạc của thuyết Ngộ đạo này. Từ quan điểm về ơn cứu độ hệ tại ở một tri thức hoàn hảo, “Ngộ đạo thuyết muốn giải thích triệt để về một thế giới, về huyền nhiệm của hữu thể con người và Thượng đế dựa trên cơ sở nhị nguyên. Cứu độ và tri thức tự bản chất là xa lạ với thế giới xấu xa này. Ngộ đạo xuất hiện như một biểu hiện của ý thức bất hạnh. Ý thức này làm nảy sinh nơi người ngộ đạo cảm thức về sự vong thân, một cuộc lưu đầy, một sự tước bỏ so với một thiên đàng đã mất, so với sự hoàn hảo đã bị lãng quên. Ở trần gian này, con người cảm thấy lạc loài, bị xâu xé giữa thiện và ác, vật chất và tinh thần, linh hồn và thể xác, bị phá vỡ thành hai phái tính riêng biệt, tản mát trong thời gian. Con người mang nỗi hoài vọng da diết về sự duy nhất thuở đầu, một sự duy nhất mà chỉ có một thảm hoạ vũ trụ mới có thể phá tan để rồi sinh ra cái thế giới đổ vỡ này. Cứu độ hệ tại ở chỗ thoát khỏi vật chất và mọi thứ nhị nguyên mà nó đẻ ra. Cứu độ là trốn thoát và trở về với thế giới hoàn hảo và thống nhất của tinh thần”.[32] Thuyết này đã đặt ra cho niềm tin Kitô giáo nhiều vấn nạn nan giải: Tương quan giữa Thiên Chúa Cha và Đấng Tạo Hóa: Cựu ước và Tân ước; tạo dựng và cứu độ, con người và vũ trụ, linh hồn và thân xác. Bên cạnh đó còn đặt ra đâu là bản chất của ơn cứu độ: con người cần được cứu thoát khỏi điều gì? Thân xác có cần được cứu độ chăng? Về chân lý Kitô giáo thì đâu là nền tảng để xây dựng? Đâu là chuẩn mực quy chiếu nền tảng đức tin? Nói cách khác, ngộ giáo đã đặt ra các vấn đề về thần luận, sáng thế luận, nhân luận, Kitô luận, cứu thế luận,… Đây chính là lý do và cũng là những vấn nạn trước niềm tin Kitô giáo mà thánh Iréne cần bảo vệ và chống lại thuyết ngộ đạo này. Và quả thực, thánh nhân đã đóng góp một phần rất lớn trong việc chống lại Ngộ đạo thuyết để bảo vệ được niềm tin nguyên tuyền qua việc bàn giải nhiều vấn đề trên với các lập trường chính yếu về thần luận, sáng thế luận, nhân luận, Kitô luận, cứu thế luận,…

Đối với chúng ta ngày nay, đứng trước vấn đề vô thần hiện đại, đó cũng là những sai lầm, những ngộ đạo thuyết thời hiện đại mà chúng ta cũng phải là những Iréne cho thời đại này trong việc bảo vệ niềm tin, bảo vệ chân lý. Đây quả là thách đố và cũng là lời mời gọi mỗi chúng ta trước cuộc sống hiện đại, trước những lập trường sai trái về một Thiên Chúa cứu độ con người, một ơn cứu độ của Đức Giêsu, một vũ trụ và hữu thể con người là công trình tạo dựng của Thiên Chúa.

 

 

 

 


[1] Về tiểu sử thánh nhân, xin xem: Olivier de la Brosse, Antonin-Marie Henry, Philippe Rouillard, Từ điển đức tin Kitô giáo (Pháp-Việt), tr. 415; René Latourelle, Rino Fisichella, Dictionary of Fundamental Theology, St Pauls, 1994, pp. 524.

[2] Đối với Iréne, tri thức và niềm tin phải luôn song hành nhau, giống như niềm hy vọng và tình yêu vậy; còn đối với Valentin, ngay ở thế giới này, sự hiểu biết về Thiên Chúa đã làm cho họ ngang bằng Đức Kitô, thậm chí bằng Thiên Chúa nữa (Cf. René Latourelle, Rino Fisichella, Dictionary of Fundamental Theology, St Pauls, 1994, pp. 525).

[3] J. Liébaert, Giáo phụ, T. I (thế kỷ I – IV), Paris, 1986, tr. 83.

[4] Cf. Ibidem.

[5] Cf. Iréne, Adversus Haereses, I,1.

[6] Chứng minh lời rao giảng Tông đồ, 6-7.

[7] Iréne, Adversus Haereses, IV,20,7.

[8] Cf. Ibid., I,5,3.

[9] Ibid., II, 30,9.

[10] J. Liébaert, Giáo phụ, T. I (thế kỷ I – IV), Paris, 1986, tr. 98.

[11] Iréne, Adversus Haereses, V, 6,1.

[12] Ibid., V, 8,2.

[13] Ibid., V, 2.

[14] Xc. Georg Langemeyer, Nhân văn luận thần học qua các tác giả, Nguyễn Văn Hòa, OP. chuyển ngữ, tr. 71.

[15] Iréne, Adversus Haereses, V, 6,1. (Bản Việt ngữ trích trong: Georg Langemeyer, Nhân văn luận thần học qua các tác giả, Nguyễn Văn Hòa, OP. chuyển ngữ, tr. 72.)

[16] Ibid., V, 9,1. (Bản Việt ngữ: Ibid., tr. 73.)

[17] Ibid., IV, 38,3.

[18] Xc. Georg Langemeyer, Nhân văn luận thần học qua các tác giả, Nguyễn Văn Hòa, OP. chuyển ngữ, tr. 76.

[19] Iréne, Adversus Haereses, IV, 16,5.

[20] Ibid., IV, 37,1.4.

[21] Ibid., III, 19,3. (Bản Việt ngữ trích trong: Karl-Heinz Ohlig, Kitô học qua các tác giả, Nguyễn Văn Hòa, OP. chuyển ngữ, tr. 135)

[22] Ibid., III, 16,6. (Bản Việt ngữ: Ibid., tr. 136)

[23] Ibid., III, 18,7. (Bản Việt ngữ: Ibid., tr. 132)

[24] Ibid., III, 19,3. (Bản Việt ngữ: Ibid., tr. 134)

[25] Đối với Iréne, hiểu biết mà không có đức ái thì vô ích. Một mình đức ái chuẩn nhận sự trọn hảo. Sự hiểu biết, dù ở mức độ cao nhất, cũng phải quy về đức ái (Cf. René Latourelle, Rino Fisichella, Dictionary of Fundamental Theology, St Pauls, 1994, pp. 525).

[26] Xc. J. Liébaert, Giáo phụ, T. I (thế kỷ I – IV), Paris, 1986, tr. 83.

[27] Gerhard L. Mller, Ân sủng luận qua các tác giả, Nguyễn Văn Hòa, OP. chuyển ngữ, tr. 155.

[28] Iréne, Adversus Haereses, III, 18,1. (Bản Việt ngữ trích trong: Gerhard L. Mller, Ân sủng luận qua các tác giả, Nguyễn Văn Hòa, OP. chuyển ngữ, tr. 156)

[29] Iréne, Adversus Haereses, III, 21,10.

[30] Ibid., IV, 39,1. (Bản Việt ngữ trích trong: Georg Langemeyer, Nhân văn luận thần học qua các tác giả, Nguyễn Văn Hòa, OP. chuyển ngữ, tr. 69)

[31] Gerhard L. Mller, Ân sủng luận qua các tác giả, Nguyễn Văn Hòa, OP. chuyển ngữ, tr. 156.

[32] J. Liébaert, Giáo phụ, T. I (thế kỷ I – IV), Paris, 1986, tr. 83.