GIÁO PHỤ HỌC – PATER ECCLESIAE
(THẦN HỌC CỦA CÁC GIÁO PHỤ)
Lm. Antôn Trần Minh Hiển, Giáo sư ĐẠI CHỦNG VIỆN HUẾ
***
***
CHƯƠNG V
THỜI BÚT CHIẾN VỀ KITÔ HỌC
(431 – 750)
***
PHẦN II
CÁC GIÁO PHỤ TÂY PHƯƠNG
***
ĐOẠN IV
THÁNH GRÉGOIRE LE GRAND (THÁNH GREGORIO CẢ)
(540-604)
I.- TIỂU SỬ
Đức Grégoire sinh tại Romanus khoảng năm 540. Ngài xuất thân từ một gia đình nghị viện giàu có về của cải và đất đai. Ngài đã tham chính và làm đến chức Thị Trưởng thành phố Romanus. Nhưng bất ưng năm 573, ngài đã từ bỏ hết mọi của cải, “minh trần trụi thoát ra khỏi cuộc đời chìm đắm” và chọn một đời sống khổ chế rất nhiệm nhặt. Đời sống khổ hạnh này thực sự đã làm tiêu hao sức khỏe của Ngài không ít! Ngài biến lâu đài Mont-Coelius của mình thành một Đan viện (Saint-André) và thành lập thêm sáu Đan viện khác nữa trên những lãnh địa của mình.
Dù đang còn là một đan sĩ thôi, ngài đã được Đức Giáo Hoàng Pélage lưu ý tới, phong chức Phó Tế cho năm 579 và sai đi làm khâm sứ (Apocrisiaire), như một đặc sứ Tòa Thánh, bên cạnh hoàng đế Đông phương tại Byzance (Constantinople) “giữa một rừng công chuyện thế sự”. Ngài ở đó 6 năm với một nhóm Đan sĩ cùng đi theo. Dầu không hề biết tiếng Hy Lạp – và cho dù có cơ hội cũng chẳng muốn học thứ ngôn ngữ này nữa – ngài đã hoàn toàn thành công trong sứ mạng và rất được thế giới Hy Lạp nể vì kính yêu.Năm 585 mãn nhiệm, ngài trở về Romanus và tiếp tục sống đời Đan tu trong yên hàn được 5 năm. Nhưng năm 590, ngài được bầu làm Giáo Hoàng, kế vị Đức Giáo Hoàng Pélage II vừa từ trần, mặc dù đã nhất mực từ chối.
Vừa lên ngôi Giáo Hoàng, ngài liền hăng say bắt tay vào công việc để chiến đấu chống lại nạn dịch tễ khủng khiếp đang hoành hành tại Romanus lúc đó, cũng như nạn đói và cả chiến tranh nữa. Ngài tỏ ra rất thành thạo trong việc tổ chức trợ giúp các nạn nhân. Trong thành phố đang bị quân Lombards đe dọa, ngài đã thay thế Chính Quyền quá yếu nhược, để lãnh đạo cuộc chiến đấu chống quân xâm lăng. Bị bắt buộc phải đứng ra lo về thế sự, ngài vẫn luôn luôn hối tiếc đời sống đan tu.
Trong vai trò Giám Mục Romanus, vì phải luôn cố gắng giữ thế cân bằng trong cách đối xử với người man di Lombards và hoàng đế Byzance, ngài đã sớm xác tín rằng thế giới này sắp tới ngày cáo chung. Tuy nhiên, điều đó vẫn không ngăn cản ngài hăng hái phái những vị thừa sai (Augustin và 40 đan sĩ) sang truyền đạo tại xứ Anh quốc để cải hóa dân Anglo-Saxons.
Về mặt tôn giáo, ngài đã dứt khoát từ chối tước hiệu “Giáo Hoàng hoàn vũ” do Euloge, Giám mục thành Alexandrie, trao tặng, mà chỉ tự xưng là “Tôi tớ của Thiên Chúa”, và coi mình như “sâu bọ và cát bụi”. Đồng thời, ngài cũng cương quyết chống lại tước hiệu “Thượng phụ hoàn vũ” (Patriarche oecuménique) mà giám mục Constantinople tự đòi cho mình. Ngài đã quản trị sản nghiệp lớn lao của Giáo Hội Romanus một cách thật khéo léo, và đã phác họa nền móng cho một quốc gia Tòa Thánh (l’État pontifical) tương lai chỉ vì danh dự của Giáo Hội. Ở vào cương vị thừa kế Thánh Phêrô, ngài đã thực sự khẳng định vai trò làm chủ của mình tại Tòa Romanus, về mặt tôn giáo cũng như chính trị đối với Tây phương man di và hoàng đế Đông phương Byzance, khiến đôi bên phải kính nể và thừa nhận ngài là người trung gian của họ trong mọi vấn đề. Ngài không ngại vượt qua hẳn khái niệm “tính chất Romanus” (romanité, nghĩa là tất cả những gì thuộc về văn minh Romanus) để đối xử với các vua man di một cách rất trân trọng, nên được họ nể vì và chấp nhận dễ dàng những hoạt động thừa sai truyền giáo của ngài tại các vùng thuộc quyền cai trị của họ. Nhờ vậy, ngài đã góp phần rất lớn vào việc Kitô hóa các dân Man di, những chủ nhân ông mới của Tây Phương.
II. SỰ NGHIỆP TRÍ THỨC CỦA ĐỨC GRÉGOIRE
Người ta không khỏi bỡ ngỡ khi thấy một con người thường hay đau yếu và thân xác hao mòn vì khổ hạnh, tâm hồn day dứt vì khát khao đời sống thần bí, lại có một hoạt động quản trị tài khéo lớn lao như nói trên đây, và một công tình trí thức rất có chất lương mặc dầu không khuôn theo những qui luật văn hóa cổ điển.
Riêng vè mặt trí thức, Đức Grégoire quả thực là Tổ phụ của thời Trung Cổ. Tuy là một trong những Đại Giáo Hoàng của thời Thượng Cổ Kitô giáo, ngài đã không mấy chú trọng đến văn hóa Cổ điển (l’Antiquité classique), và đã không hề tìm cách cứu vãn nó khi lâm vào thời tàn tạ. Vì trong thâm tâm, ngài vẫn cho rằng văn hóa (theo nghĩa thế tục) là vô ích! Vì thế mà học giả Harnach đã phê bình có lẽ hơi quá đáng: “Ngài là Cha của Công Giáo (Giáo phụ) trong những gì là thô kệch nhất” (Il est le Père du catholicisme dans ce qu’il a de plus grossier).
Tuy nhiên về mặt mục vụ, ngài là một Mục tử rất được yêu mến vì đức tận tụy phục vụ Giáo Hội của ngài như một “tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa” (kiểu nói này không phải là của ngài), chứ không như một “Giáo Hoàng hoàn vũ”. Bản thân ngài là con người của truyền thống La Mã Cổ thời, nhưng ngài đã không chủ trương truyền đạt Truyền thống đó cho người khác, mà chỉ muốn truyền đạt cho họ những gì là hiện tại và thức thời. Vì thế, ngài đã không muốn viết những khảo luận lớn về tín lý, mà chỉ có những bài chú giải, những bài giảng hoặc những tác phẩm thực tế do hoàn cảnh đòi hỏi. Trong những loại này ta có:
1. Cuốn “Regulae pastoralis liber” hay “Le Pastoral” (Sách “qui luật mục vụ” [hay “mục vụ”]
Sách này được viết do lời yêu cầu của Giám mục thành Ravennes, mô tả công việc của những vị hữu trách trong hàng giáo sĩ, và biện minh cho việc trước đây chính Đức Grégoire đã từ chối khi được chọn làm Giáo Hoàng. Trong tâm tư của Đức Grégoire, tiếng “Regula” có một ý nghĩa rất quan trọng: Trước mặt ngài đã có cuốn “Regula” do Thánh Benoĩt soạn thảo cho các đan sĩ, vậy thì cũng cần phải có một cuốn “Regula” cho các linh mục. Đó là lý do để ngài viết cuốn “Regulae pastoralis liber” vậy.Vừa được xuất bản, tác phẩm liền đạt một kết quả rất to lớn và lập tức không những tại nước Italia mà hầu như khắp nơi đã chấp nhận làm qui luật cho đời sống giáo sĩ:
– Tại Tây Ban Nha do Léandre Tổng Giám Mục Séville,
– Tại Irlande và xứ Gaule do Thánh Colomban,
– Tại xứ Anh quốc do Thánh Augustin thừa sai,
– Tại Đông Phương, sách được Anastase dịch và phổ biến sâu rộng bằng tiếng Hy Lạp.
– Dưới thời Charlemagne, một loạt công đồng địa phương chấp nhận và giới thiệu làm sách gối đầu cho các mục tử, tức Giám mục và Linh mục, “in vivendo, in docendo et in judicando”.
2. Cuốn “Moralia in Job” hay “Les morales sur Job” (những bài đạo đức trong sách Job)
Sách được khởi công ngay khi Đức Grégoire ở Constantinople để làm đề tài huấn đức cho các đan sĩ cùng đi với ngài sang Đông phương; sau được hiệu chính và đề tặng Léandre Tổng Giám mục Séville. Đây là một công trình chú giải theo lối ẩn dụ, rất tự do và đầy lẽ khôn ngoan, trong đó Job được trình bày như hình ảnh của Đức Kitô.
3. “40 Homélies sur l’Evangile” (40 bài giảng về Tin Mừng)
Đây là những bài giảng của vị Giám mục Romanus viết và đọc cho dân chúng từ năm 590 đến 593 với một lối văn trực tiếp, giản dị và bình dân, nhưng cũng không thiếu những bay bổng thần bí. Tại đây, ta luôn thấy một bộ mặt chủ chăn hiền từ dễ mến khác hẳn với những bài giảng nghiêm khắc của Đức Léon Cả. Chẳng hạn, ngài nói: “Nếu anh em đến với Chúa, thì làm sao đừng đến một mình”, nghĩa là phải lôi kéo thêm những người khác nữa. “Vậy hỡi anh em, hãy cẩn thận đừng để người thân cận của anh em mất dịp nghe Lời Chúa”.
4. “20 Homélies về Ezéchiel”
Tác phẩm được đọc tại Romanus vào năm 593, và ngừng lại cách đột ngột khi quân Lombards đến bủa vây thành. Những bài giảng này có cung giọng đậm mầu sắc đan tu hơn. (Xem phần trích dưới đây).
Ngoài ra, ngài cũng còn chú giải “Sách Các Vua” quyển I và “Sách Diễm Ca” nữa.
Bên cạnh công trình chú giải gắn liền với tác vụ của mình, Đức Grégoire còn soạn thêm:
5. Cuốn “Dialogues sur la vie et les miracles des Pères italiens”
Tác phẩm này có tên gọi “Đối thoại về đời sống và các phép lạ của các Thánh Phụ người Italia”; Có lẽ sách được viết vào năm 594. Đây là một cuộc đối thoại giữa Đức Grégoire và một người tên là Phêrô (Pierre). Ông này đặt những câu hỏi mà Đức Grégoire biết trước sẽ phải trả lời làm sao. Tác phẩm thuộc loại hạnh các thánh, hoàn toàn đáp ứng được tinh thần đạo đức bình dân ưa thích những truyện lạ lùng kỳ thú, mang tính khuyến thiện đầy hấp dẫn. Mục đích nhằm chứng minh rằng, bên Tây phương cũng có nhiều vị thánh và nhiều phép lạ không kém Đông phương, và ngay chỉ một mình nước Italia tượng trưng cho Tây phương đủ minh chứng điều đó.
Tất cả những gì chúng ta biết được về thánh Benoĩt tổ phụ phong trào đan tu ở Tây phương đều nhờ ở tác phẩm này. Sách nói đến những vị thánh mà chúng ta biết được tiểu sử như thánh Paulin de Nole chẳng hạn, nhưng còn nói đến rất nhiều Đấng mà chúng ta không hề hay biết gì hết. Bởi lẽ, tại Romanus, ban đầu người ta đã không hề ghi chép gì về các thánh địa phương cả. Mãi tới thế kỷ thứ V – VI, người ta mới bắt đầu biết được hạnh tích của các Ngài, và điều này phần lớn là do công lao khảo cứu của Đức Grégoire vậy. Có lẽ, chính bản thân ngài cũng đã không quá ngây thơ đối với những truyện lạ lùng và kỳ thú (le merveilleux) được tả trong hạnh các thánh, bằng chứng là trong thư thứ 8 khi trả lời cho Giám mục Euloge thành Alexandrie yêu cầu cho biết rõ về những vị tử đạo Romanus, Đức Grégoire đã nói ngài không thấy gì được ghi lại trong công hàm cả, ngoại trừ “tên gọi, nơi chốn, ngày tháng và đôi khi nhiều vị tử đạo được ghi chung trong một danh sách tập thể mà không kèm theo một chi tiết nào hết”.
6. Thư tín – Phụng vụ
Như một nhà lưu trữ, Đức Grégoire đã để lại cả một bộ gồm 868 bức thư trong đó Ngài đề cập đến rất nhiều vấn đề về giáo luật và luân lý.
Sau cùng truyền thống Kitô giáo đã gán cho Đức Grégoire cả một kho tàng phong phú về Phụng vụ và thánh nhạc. Thực sự Ngài đã có công rất lớn trong việc cải tổ Phụng vụ Romanus, nhất là đã tổ chức và ấn định một hình thức thánh nhạc đặc biệt để Giáo Hội xử dụng trong Phụng vụ, được gọi là “Cantus Gregorius” (Chant Grégorien, Bình ca).
Để kết luận, ta có thể nói, về mặt trí thức Đức Grégoire đã kín múc trong một kho tàng không phải là nền văn hóa cổ điển Romanus mà là Truyền thống sống động của Giáo Hội Công giáo. Qua hoạt động trí thức, Ngài đã để lại một nền văn hóa Kitô giáo bình dân vừa tầm tay mọi người, một nền văn hóa thoát thai từ cuộc va chạm thực tế hằng ngày giữa những đòi hỏi của đức tin và nếp sống của người man di và sự cố gắng dùng đức tin đó để cải hóa họ. Về điểm này Ngài đã xứng danh là Bậc Thầy của Tây phương (nhất là về mặt chú giải Thánh Kinh) trong suốt thời Thượng Trung Cổ (Haut Moyen-Áge) vậy. Ngài đã được Truyền thống Kitô giáo tặng cho danh hiệu “Cả” (Magnus, Le Grand) bên cạnh Đức Léo. Đây là hai vị Giáo Hoàng duy nhất được mang danh hiệu này. Ngài cũng là vị Tiến sĩ thứ tư của Giáo Hội Latin sau thánh Ambroise, Jérome và Augustin, cho dù Ngài không có được sự uyên bác cũng như sự dữ dội của thánh Jérome, không có thiên tài như thánh Augustin là tác giả mà Ngài đã kín múc rất nhiều và chia sẻ niềm say mê Thiên Chúa. Công trình trước tác của Ngài không thể sánh với công trình của thánh Ambroise, nhưng Ngài đã thực thi chức vụ Giáo Hoàng với cùng một phẩm cách và lòng tận tụy như thánh Giám mục thành Milan, và cũng tại Toà Romanus, Đức Grégoire trong sự khiêm hạ thẳm sâu, đã tôn dương quyền bính của Toà Romanus đối diện với Đế quốc và các dân tộc man di hơn bất cứ vị tiền nhiệm nào khác.
III. QUAN NIỆM CỦA ĐỨC GRÉGOIRE VỀ CHỨC LINH MỤC
1. Muốn hiểu biết Thánh Grégoire đã quan niệm thế nào về chức Linh mục ta phải tìm không phải trong cuốn “Le Pastoral” (mục vụ) chỉ cho những tư tưởng tùy phụ, nhưng trong cuốn “Dialogues” (Đối thoại). Ở Quyển III, chương 3 cuốn “Đối thoại” ta gặp thấy một câu nói căn bản của Ngài về lòng yêu mến và khao khát đời sống chiêm niệm. Sau khi kể mối bất hạnh của thánh Benoĩt khi phải từ bỏ nếp sống tu hành đơn độc để chấp nhận chia sẻ đời sống cộng đồng với các đan sĩ, Đức Grégoire viết: “Et solus in conspectu Superni Inspectoris habitare secum” (và một mình ở với bản thân trước tôn nhan Đấng soi xét Tối cao). “Habitare secum” (ở với bản thân, ở với mình) đó là đời sống chiêm niệm, là sống trong tình yêu thân mật với Thiên Chúa. Vậy đối với Đức Grégoire đời sống lý tưởng của Kitô hữu, và đặc biệt của Linh mục là có khả năng “habitare secum”, nghĩa là chuẩn bị cho cõi trời bằng việc sống ngay tại thế trong sự chiêm niệm Thiên Chúa. Từ “Solus” ở đây tương đương với từ “Otium” của Thánh Augustin vậy.2. Nhưng có hai điều phức tạp
a. Lời Chúa Kitô
“Nếu con yêu mến Thầy, con hãy chăn dắt các chiên của Thầy” (Si diligis me, pasce oves meas).[1]
Câu Tin mừng này có một tầm mức rất quan trọng đối với Đức Grégoire, cũng như đối với các Giáo phụ khác, do từ “pasce” (hãy chăn dắt). Bởi vì giữa “pasce” và “si diligisme” có một mối dây liên lạc chặt chẽ: trách nhiệm mục vụ phải gắn liền với tình yêu dành cho Thiên Chúa. Trong cuốn “Le Pastoral”, I, 5, Đức Grégoire quảng diễn tiếng “si diligis me” như sau: “nếu việc săn sóc mục vụ là bằng chứng tình yêu đối với Chúa thì từ chối không chăn dắt đoàn chiên của Chúa là dấu không yêu mến vị Mục Tử Tối cao. Vậy một khi được chọn, người ta phải chấp nhận trách vụ mục tử, mặc dầu có những căng thẳng không thể tránh được. “Nếu con yêu mến Ta, con hãy lưu tâm săn sóc anh em con”.
b. Nhiệm cục Thiên Linh (l’Économie divine)
Đời sống thân mật với Thiên Chúa đó chính là đời sống của Ngôi Lời trong cung lòng Chúa Cha. Nhưng Ngôi Lời đã từ đời sống kín nhiệm này (secretum) đến sống đời sống công khai của chúng ta (nostrum publicum), vì thế ai có năng khiếu và những đức tính cần thiết thì phải làm theo Chúa Kitô như chính Người đã làm điều đó vì phần rỗi của nhân loại. Vậy ta phải bắt chước Người vì Thiên Chúa yêu thích phần rỗi kẻ khác: “Kẻ có khả năng phục vụ người khác, thì lý do gì lại yêu thích đời sống chiêm niệm của mình hơn là lợi ích của kẻ khác, khi mà chính Con Một của Chúa Cha Tối Cao, vì lợi ích của người khác đã ra khỏi cung lòng Chúa Cha để đến sống trong đời sống công cộng với chúng ta?”.[2]
3. “Habitare secum” vẫn cần thiết
Tuy nhiên kẻ thực hành điều trên đây vẫn không được bỏ rơi việc “habitare secum”. Hơn ai hết người mục tử phải biết duy trì đời sống chiêm niệm đi đôi với hoạt động mục vụ tông đồ. Để làm được điều đó phương pháp sẽ là:
– Lectio divina (đọc Kinh Thánh) và
– Contemplatio (chiêm niệm)
Đối với Đức Grégoire mục đích tối hậu mà Linh mục phải nhắm tới là đưa người tín hữu tới contemplatio nghĩa là sống với Chúa, nếu không thì là thất bại hoàn toàn. Cuộc sống nhân loại chung đụng với người khác thường hủy diệt lòng khao khát cõi trời; mà lòng ước vọng “sống với bản thân” (habitare secum) thường lại bị hủy diệt bởi đời sống chung đụng với ngưới khác. Vậy cần thiêt phải thực hành Lectio divina (đọc Lời Chúa) và suy gẫm Lectio divina đó (meditatio) để cuối cùng đạt tới chiêm niệm (contemplatio). Bởi vì đời sống chung đụng với tha nhân có nguy cơ làm ta chỉ sống hời hợt bên ngoài, như chính Đức Grégoire đã kinh nghiệm trong cuộc sống của mình:
1 – Là một con người thường hay đau yếu, Ngài cảm thấy bệnh tật làm trở ngại việc “sống với bản thân”.
2 – Công việc thế sự cũng thế: chẳng hạn việc xây đắp tường lũy phòng thủ Romanus chống quân Man di tấn công.
3 – Việc mục vụ: phục vụ người khác rất dễ làm xao lãng “habitare secum”.
Tuy nhiên chính “si diligis me” lại buộc Ngài phải xả thân giúp đỡ người khác (pasce oves meas). Vậy luôn luôn phải trèo xuống với anh em và cũng luôn luôn phải trèo lên với Thiên Chúa, theo hình ảnh chiếc thang Jacob. Dầu sao không được quên nhiệm vụ phải cảnh cáo đoàn chiên khi cần thiết.
Cũng trong chiều hướng này ta có thể đọc một đoạn trích sách “Qui luật mục vụ” nói trên đây của Đức Grégoire: Regulae Pastoralis Liber, Lib. 2, 4: PL.77.30-31: Khi thinh lặng, mục tử phải khôn ngoan khi nói năng phải liệu sao cho hữu ích.[3]
Thay lời kết, ta có thể trích đọc thêm dưới đây một bài giảng của Đức Grégoire về Ezéchiël:
VÌ YÊU MẾN CHÚA KITÔ, TÔI KHÔNG QUẢN NGẠI NÓI VỀ NGÀI
Hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Israel. Cần lưu ý rằng Chúa gọi kẻ Người sai đi rao giảng là người canh gác. Người canh gác luôn luôn phải đứng trên cao, để thấy được từ xa bất cứ chuyện gì xảy tới. Và bất cứ ai được đặt làm người canh gác cho dân đều phải đứng trên cao nhờ cuộc sống của mình, để có thể đem lại lợi ích cho dân nhờ khả năng tiên liệu.
Ôi thật khổ tâm biết bao khi tôi phải nói lên những điều trên. Quả thật, nói như thế là tôi tự đánh mình, bởi lẽ miệng tôi đã không giảng cho xứng đáng, và nếu có giảng cho đầy đủ thì đời sống của tôi cũng chẳng đi đôi với lời giảng.
Tôi nhìn nhận là tôi có lỗi, tôi thấy mình uể oải và lơ là. Biết đâu chính việc thú nhận lỗi lầm sẽ trở thành lời nài xin vị thẩm phán nhân từ ban ơn tha thứ. Khi ở đan viện, tôi có thể vừa giữ miệng lưỡi không nói lời vô ích, vừa hầu như liên lỉ cầm trí lo việc cầu nguyện. Nhưng một khi đã ghé vai mang gánh nặng mục vụ, thì tôi bị chi phối về nhiều chuyện không thể dễ dàng hồi tâm được.
Thật vậy, tôi buộc phải suy xét về các vấn đề của các Giáo Hội cũng như của các tu viện, nhiều lần tôi phải nghĩ tới nếp sống và hành vi của các cá nhân; hơn nữa, tôi còn phải giải quyết một số công việc của người dân, phải lo lắng vì quân man di xông vào giết chóc, phải đề phòng những con sói đang rình rập đoàn chiên đã được ủy thác cho tôi. Có khi tôi phải lo đem lại những trợ giúp cần thiết cho chính những người có bổn phận tuân giữ kỷ luật tu trì; có lúc phải bình tĩnh chịu đựng những quân trộm cướp, nhưng cũng có lúc phải đối đầu với chúng để bảo trì đức ái.
Khi tâm trí còn bị phân tán và xâu xé vì phải nghĩ đến biết bao chuyện như thế, thì bao giờ tôi mới có thể hồi tâm để chỉ nghĩ đến việc rao giảng và không bỏ bê tác vụ công bố Lời Chúa? Vì địa vị bó buộc tôi phải tiếp xúc với người đời, nên đôi khi tôi lơi lỏng trong việc giữ miệng lưỡi. Bởi nếu tôi luôn tự kiềm chế mình một cách nghiêm ngặt, thì tôi biết những kẻ yếu đuối sẽ xa lánh tôi, và chẳng bao giờ tôi lôi kéo được họ đến điều tôi mong ước. Cho nên tôi thường phải kiên nhẫn nghe cả những chuyện vô ích của họ. Thế nhưng, vì bản thân tôi cũng yếu đuối, nên dần dần tôi bị lôi cuốn vào những chuyện vô ích và bắt đầu thích nói những điều mà trước kia tôi chỉ nghe một cách miễn cưỡng; nơi mà trước kia tôi sợ ngã vào, thì nay tôi lại khoái nằm xuống.
Vậy tôi là ai và tôi thi hành nhiệm vụ canh gác như thế nào, nếu tôi không đứng trên núi cao là công việc phải làm, mà vẫn nằm bẹp dưới thung lũng là tính yếu đuối của tôi? Nhưng dù tôi bất xứng, thì Đấng tạo dựng và cứu chuộc loài người vẫn có khả năng ban cho tôi cả đời sống cao quý lẫn tài nói năng thuyết phục, bởi lẽ, vì yêu mến Người mà tôi không quản ngại nói về Người.[4]
***
PHỤ LỤC
1.- Hai thiên thần nơi mộ Chúa và hai giao ước (trong một bài giảng cho dân chúng)
Maria yêu như thế đó, bà đang nghiêng mình trên phần mộ, nơi bà vừa cúi nhìn vào. Nhưng kìa, tấm lòng yêu mến của bà trở nên âu lo hơn: “Bà nhìn thấy hai thiên thần mặc áo trắng, ngồi ở nơi đặt xác Chúa Giêsu, một vị đàng đầu, một vị đàng chân” (Yn 20,11-12). Tại sao hai thiên thần lại xuất hiện chính nơi Chúa đã an nghỉ, một vị ngồi ở đàng đầu, một vị ngồi ở đàng chân? Bởi vì một thiên thần có nghĩa là sứ giả, và vì sau cuộc khổ nạn, cần phải loan báo Đấng là Thiên Chúa từ trước muôn đời và là con người khi thời gian đến hồi viên mãn. Một Thiên Thần đàng đầu nghĩa là gì? Là vì, Thánh Gioan Tông Đồ nói: “Lúc khởi nguyên đã có Lời, và Lời ở nơi Thiên Chúa và Lời là Thiên Chúa” (Yn 1,1). Một thiên thần ngồi ở dàng chân: “Là vì Lời đã trở thành xác phàm và đã lưu trú giữa chúng tôi” (Yn 1, 14). Chúng ta cũng có thể nhìn ra hai giao ước nơi hai vị thiên thần này, một giao ước đi trước, một giao ước theo sau. Hai thiên thần quả đã qui tụ tại chính nơi Chúa đã nằm, tựas như hai giao ước đồng thanh loan báo việc giáng sinh cái chết và sự phục sinh của Chúa, như thế là giao ước thứ nhất ngồi ở đàng đầu, giao ước thứ hai ở đàng chân vậy.
“Hai vị Chérubins bảo vệ bàn xá tội ngồi đối diện nhau, mặt hướng về phía bàn xá tội” (Xh 25,20). Chérubins gợi nhớ điều gì nếu không phải là vị Thiên Chúa làm người? Thánh Gioan nói: “Chính Ngài là hi sinh đền tạ các tội lỗi chúng ta” (1Yn 2,2). Và trong khi Cựu Ước loan báo về Chúa trong tương lai, thì Tân Ước thuật lại lịch sử ấy khi nó đã được hoàn tất. Điều đó cũng giống như hai vị Chérubins ngồi đối diện nhau, mặt hướng về bàn xá tội. Giữa hai vị, hai vị nhìn thấy vị Thiên Chúa làm người, họ nhìn về Ngài với cùng một ánh mắt và đồng thanh công bố mầu nhiệm Ngài ngự đến.[5]
2.- Một tác giả quan tâm đến vấn đề xuất bản
Về tác phẩm “Những bài giảng về Tin Mừng” thì trong một “Lá thư – đề tựa” gởi Sécundinus, Đức Grégoire giải thích là Ngài đã đọc cho người ta chép, rồi cho đọc 20 bài giảng đầu, vì chứng đau bao tử khiến việc giảng thuyết trở thành nặng nhọc đối với Ngài, nhưng 20 bài khác thì do chính Ngài giảng, và thế là những anh em quá nhiệt thành đã ghi lại và phổ biến bản văn đã được nghe “trước khi tôi kịp sàng lọc kỹ càng những điều mình nói, theo cách thức đã dự định”. Ngài giải thích là ấn bản đúng tiêu chuẩn (normalisée) trình bày 40 bài giảng “thành hai bộ” 20 bài, theo trình tự đã giảng.[6]
Về đoạn sách Job 19,25, Ngài muốn thâu hồi lại “một bản sao bị sai” mà một giám mục đồng sự đang giữ. Đặc biệt trong đó “thiếu 4 chữ” quan trọng đối với việc giải thích. Một Claudius nào đó “đã tự mình đọc cho người ta chép theo nhận thức riêng của mình, một số bài chú giải Cựu ước, để những bài đó khỏi bị rơi và quên lãng, với ý định là sẽ đưa lại cho tôi những bản văn đó, để khi thuận tiện, tôi sẽ đọc cho chép lại một cách chính xác hơn”. Đức Grégoire nhận thấy nơi các bản văn này có những chỗ ý nghĩa bị biến đổi đi. Sau cùng về “Các bài giảng về sách Ezéchiel”, Ngài thuật lại: “Tám năm sau (…) tôi đã lưu tâm thâu lại những tấm phiếu (scheda) của các thư ký và đã sửa chữa lại các tấm phiếu đó”. Về công việc này, R. Etaix đã cho thấy là truyền thống gian tiếp còn giữ lại những bản đôi khi khác nhau và bổ túc cho nhau, chắc chắn là của Đức Grégoire.[7]
3.- Ý nghĩa của Kinh Thánh
Xung quanh đoạn sách Ez 1,19-22 và Xh 3,2-3.
“Thần Khí định đi đâu thì, khi thần khí cất lên, các bánh xe cũng cất mình lên theo”. Tâm trí độc giả hướng đến đâu thì bản văn Thánh cũng sẽ vươn lên đến đó, vì chưng nếu anh em dùng ánh mắt, dùng tâm hồn tìm kiếm nơi Sách Thánh một cái nhìn cao rộng nào đó, thì nó cũng vươn rộng vươn cao cùng với anh em.
Nói về các bánh xe rằng chúng “đi theo thần khí” thì quả đúng. Nếu tâm trí độc giả tìm trong các bản văn những sự kiện lịch sử và bài học đạo đức của chúng, thì ý nghĩa đạo đức của lịch sử sẽ xuất hiện ngay lập tức. Độc giả muốn tìm ý nghĩa tiên trưng (sens typique) chăng? Ngôn ngữ hình bóng (langage figuré) sẽ giúp nắm bắt được ngay một đối tượng để chiêm niệm? Tức khắc các bánh xe đường như chắp cánh và được đưa lên các tầng mây: ý nghĩa thần thiêng của các từ ngữ trong bản văn thánh tỏ lộ, “thần khí đi đâu thì, khi thần khí cất lên, các bánh xe cũng cất mình lên theo”. Các bánh xe đi theo thần khí bởi vì, như đã được nói đi nói lại, điều có thể lĩnh hội được trong những lời lẽ của bản văn Thánh sẽ lớn lên tùy theo mức sẵn sàng của tâm trí độc giả.Khi đọc cùng một câu Kinh Thánh, người này tìm được lương thực cho mình trong sự kiện mà câu Kinh Thánh thuật lại; người khác lại tìm thấy ở đó ý nghĩa tiên trưng, người khác nữa, xuyên qua hình ảnh tiên trưng gặp được ý nghĩa thiêng liêng, bí nhiệm. Và như đã nói thường thường người ta có thể gặp cả ba ý nghĩa trong cùng một câu. Khi nghe tiếng gọi phát ra từ bụi gai bốc háy, Môsê đã lại gần để nhìn xem thị kiến, và này đây, bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu hủy! thật là kỳ diệu! Nếu độc giả là người chỉ quan tâm đến sự kiện lịch sử thì ông ta sẽ tìm được lương thực nuôi dưỡng tâm hồn mình khi nhìn thấy ngọn lửa bốc cháy trong bụi gai mà không thiêu hủy bụi gai. Nếu độc giả tìm ý nghĩa tiên trưng, thì ngọn lửa lại chẳng biểu thị Lề Luật, như có lời chép “Trong tay hữu Ngài, là Lề Luật lửa thiêng” đó sao? Và bụi gai lại không chỉ dân Do-Thái, một dân mọc đầy gai nhọn tội lỗi hay sao? (…) Biết đâu xuyên qua hình ảnh tiên trưng, một người khác nữa lại ao ước nhìn ngắm trong cảnh tượng này những thực tại cao cả hơn? Trí tuệ của người ấy lớn rộng khi cất cao lên thế nào, thì các bánh xe cũng vươn lên cao như vậy (…).
Có thể một người khác nữa lại nhờ vào lịch sử mà đi tìm một bài học đạo đức, và tìm một đối tượng để chiêm niệm nhờ vào nghĩa ẩn dụ.[8]
4.- Đức kiên nhẫn là sự tử đạo
“Chính bởi kiên nhẫn mà các ngươi giữ được mạng sống các ngươi” (Lc 11,9). Như thế, chúng ta có giữ được linh hồn mình hay không là nhờ ở đức kiên nhẫn, vì đức kiên nhẫn là cội rễ và là người gìn giữ mọi nhân đức (…). Đức kiên nhẫn hệ tại ở việc chịu đựng những đau khổ do người khác gây nên với một tâm hồn bình lặng, không hề cảm thấy nỗi đau đớn căm hận đối với người gây ra đau khổ cho mình. Bởi lẽ, kẻ hứng chịu những tai ác do tha nhân gây ra, nếu vừa thinh lặng chịu đựng, vừa tìm thời cơ báo trả đích đáng, thì người đó không sống đức kiên nhẫn bên trong, nhưng là trải nó ra bên ngoài (… ) Đức kiên nhẫn không thể tìm nơi sự phô bày ra bên ngoài, nhưng là trong tâm hồn (…). Người thực sự giữ đức kiên nhẫn, là người khi gặp phải đau khổ do người khác gây ra, biết chịu đựng mà không cảm thấy đau sót, rồi khi ngẫm lại những đau khổ đó, người ấy lại vui mừng vì đã chịu đựng những nghịch cảnh như vậy: vì thế, người biết giữ đức kiên nhẫn trong buổi đảo điên thì sẽ không mất đi niềm hạnh phúc trong lúc thanh bình.
Bởi hôm nay chúng ta mừng lễ một vị thánh tử đạo, nên thưa anh em, chúng ta không nên nghĩ rằng đức kiên nhẫn đó không liên quan gì đến mình. Thật vậy, nếu với ơn Chúa, chúng ta gắng sức thực thi đức kiên nhẫn, thì dù sống trong thời Giáo Hội được thanh bình, chúng ta vẫn lãnh nhận được vinh quang tử đạo. Bởi lẽ có hai loại tử đạo: tử đạo trong tâm hồn và tử đạo vừa trong tâm hồn vừa thực sự bên ngoài. Như thế, chúng ta có thể là những vị tử đạo ngay cả khi chúng ta không quỵ ngã dưới lưỡi gươm nào của những kẻ bách hại (… như thánh Gioan), cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có thể theo gương Ngài, trở thành những vị tử đạo mà không bị gươm đao.
(Tiếp đến Ngài thuật lại câu chuyện về đan viện phụ Etienne de Rieti, người đã cải hoá những kẻ công kích mình trở thành bạn hữu).
Con người đó đã không ngã gục dưới lưỡi gươm nào, thế nhưng khi chết lại nhận được triều thiên của đức nhẫn nại mà mình hằng giữ trong tâm hồn. Mỗi ngày chúng ta cảm nghiệm được sự thật trong lời người xưa: Giáo Hội thánh thiện là khu vườn đầy bông những kẻ được tuyển chọn. Giáo Hội gặt hái những đoá huệ trắng ngần trong buổi bình an và những bông hồng đỏ thắm trong thời ly loạn.[9]
5.- Từ vô tri đến chiêm niệm
Những kẻ tự phụ là thông thái thì không thể chiêm ngắm được khôn ngoan của Thiên Chúa, vì càng thiếu khiêm tốn họ càng xa ánh sáng của Ngài, bởi lẽ khi lòng kiêu ngạo càng lớn trong tâm trí họ, thì nó càng choán mất cái nhìn chiêm niệm… Vậy nếu chúng ta ao ước thực sự trở nên những người khôn ngoan và được chiêm ngắm chính khôn ngoan, thì chúng ta hãy từ bỏ sự khôn ngoan đáng tội đó, và hãy học biết sự điên dại rất đáng ngợi khen. Vì có lời viết: “Thiên Chúa đã chọn những điều thế gian coi là điên rồ để bêu nhuốc hạng khôn ngoan” (1Cor 1,27) và còn lời này “Nếu trong anh em có ai nghĩ mình là kẻ khôn ngoan trên đời này, người ấy hãy trở nên điên rồ để được trở thành khôn ngoan” (1Cor 3,18). Bản văn Tin Mừng cho thấy Zachée, vì đám đông che khuất, không thể nhìn thấy gì, nên đã trèo lên một cây sung để được nhìn Chúa đi ngang qua… Nếu Zachée nhỏ thó trèo lên cây sung và đã thấy Chúa, thì đó là vì những ai khiêm tốn chọn điều thế gian coi là điên rồ sẽ được chiêm ngắm tỏ tường khôn ngoan của chính Thiên Chúa… Quả thật ở trên đời này, không tìm lại điều mình đã mất, để tài sản của mình rơi vào tay quân trộm cắp, không đem lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa thì còn gì điên rồ hơn?… Nhờ cây sung, ta nhìn thấy Chúa đi qua, được thấy qua khôn ngoan của Thiên Chúa, tuy chưa phải là nhìn thấy trọn vẹn khôn ngoan, nhưng đã là một sự nhìn ngắm trong ánh sáng của chiêm niệm.[10]
6.- Qua “những cửa sổ như lỗ châu mai” của đền thờ (Cf. Ez 40, 16)
Nơi những cửa sổ xây như lỗ châu mai (trong thị kiến về Đền thờ của Ezéchiel), ô cửa qua đó ánh sáng lọt vào chỉ là một khung nhỏ hẹp, nhưng phần đón nhận ánh sáng bên trong lại rộng lớn. Tâm hồn những người chiêm niệm cũng vậy, họ chỉ nhìn thấy một luồng sáng lờ mờ yếu ớt của ánh sáng đích thực, thế nhưng nơi tâm hồn họ, tất cả dường như đều mở rộng… Khi chiêm nhiệm, điều mà các tâm hồn đó thấy được về vĩnh cửu thì hầu như chẳng là gì, nhưng cũng đủ để làm cho thế giới nội tâm của họ lớn rộng hơn, làm tăng thêm lòng sốt sắng, tăng thêm tình yêu. Khi đón nhận ánh sáng chân lý xuyên qua những lỗ châu mai, tất cả dường như đều trở nên lớn rộng nơi các tâm hồn đó.[11]
7.- Ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian
Tôi muốn khuyên anh em từ bỏ mọi sự. Nhưng không dám chắc anh em có thực hiện nổi không. Vậy nếu anh em không thể từ bỏ mọi sự thế gian, thì ít là anh em hãy giữ của cải đời này, mà đừng để mình bị giữ lại trong thế gian. Anh em hãy chiếm hữu của cải trần gian nhưng đừng để mình bị chiếm hữu. Hãy để cho tâm trí anh em làm chủ những gì anh em có; nếu anh em để cho tâm trí mình bị khuất phục bởi lòng yêu mến của cải trần gian, thì bấy giờ tâm trí anh em đã bị những của cải trần gian chiếm hữu rồi đó.
Vậy, hãy biết sử dụng của cải đời tạm này, đồng thời cũng biết ước ao của cải đời sau. Hãy dùng của cải trần gian khi đi đường, mà cũng hãy ước ao đạt được của cải trên trời khi tới đích. Bất cứ điều gì xảy ra ở đời này, hãy coi như chuyện thoáng qua. Nhưng hãy để tâm nhìn về phía trước, và đăm đăm hướng tới cùng đích đời ta.
Phải nhổ tận căn các nết xấu, không thực hành, mà cũng chẳng nghĩ đến nó. Đừng để cho thú vui xác thịt, tính thọc mạch, tò mò, lòng ham hố cuồng nhiệt trở thành chướng ngại, không cho chúng ta tham dự bữa tiệc của Chúa. Ngay cả những điều lương thiện chúng ta làm ở đời này, cũng chỉ nên nghĩ thoáng qua thôi, ngõ hầu những hoạt động tại thế mà chúng ta ưa thích sẽ đem lại ích lợi cho thân xác, nhưng không gây ra bất cứ cản trở nào cho tâm hồn chúng ta.Vậy, thưa anh em, chúng tôi không dám bảo anh em phải từ bỏ hết mọi sự. Nhưng ngay lúc đang còn mắm giữ tất cả, anh em vẫn có thể từ bỏ tất cả, nếu như anh em muốn, nếu anh em sử dụng của cải đời tạm này mà lòng trí vẫn huớng trọn về vĩnh cửu. Chúng ta sẽ hưởng dùng thế gian này mà lại như không hưởng dùng, nếu chúng ta biết hưởng mọi của cải bên ngoài vào việc phục vụ sự sống của chúng ta, không để nó thống trị tâm trí chúng ta. Khi chỉ đóng vai trò phụ thuộc như thế, của cải bên ngoài sẽ hữu ích mà không bao giờ phá tan niềm hứng khởi của tâm hồn hằng vươn lên thượng giới. Hết những ai hành động như vậy đều có sẵn đủ thứ của cải, nhưng có để sử dụng chứ không phải để quyến luyến. Vì thế, ước mong đừng có điều gì kềm hãm những ước nguyện nơi tâm trí anh em, đừng vì ham thích điều chi mà anh em phải vướng mắc vào cõi đời này.Nếu chúng ta yêu mến điều thiện hảo, thì tâm trí sẽ vui mừng hoan hỷ vì được hưởng những điều thiên hảo lớn lao hơn, tức là những thiện hảo trên trời. Nếu chúng ta sợ sự ác, thì hãy đặt tâm hồn đối diện với sự ác đời đời. Tâm hồn sẽ thấy điều đáng yêu hơn cả. Cái đáng sợ hơn hết chính là ở cõi bên kia, và rồi tâm hồn sẽ không còn gắn bó chi nữa với trần gian này.
Để làm được như thế, chúng ta có một vị trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, một Đấng bảo vệ, mà nhờ Người chúng ta sẽ nhận được hết mọi sự, nếu chúng ta thực tình yêu mến Người. Người là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, vì Người là Thiên Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen.[12]
8.- Mầu nhiệm làm cho chúng ta được sống
Thánh Gióp là hình ảnh tượng trưng cho Hội Thánh; nên khi cầu nguyện, có khi ông nói tiếng nói của thân thể, lúc khác ông nói tiếng của đầu. Có lúc đang nói về chi thể, bỗng nhiên ông lại nói tiếng nói của đầu. Vì thế, ông nói: “Tôi chịu bấy nhiêu nỗi khổ, thế nhưng bàn tay tôi chẳng vương bạo lực, và lời cầu nguyện của tôi thật tinh tuyền!”.
Quả thật, Đấng đả chịu khổ hình là Đấng không tra tay làm điều gian ác, Đấng không hề phạm tội, môi miệng không nói điều gian dối; nhưng Người đã chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc chúng ta. Ngược hẳn với toàn thể nhân loại, chỉ một mình Người đã dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện tinh tuyền, bởi vì ngay trong cuộc thương khó, Người đã cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Nào ai có thể nói, hay có thể nghĩ ra được lời nguyện nào tinh tuyền hơn lời nguyện đầy tình thương xót ấy để cầu khẩn cho những kẻ làm khổ mình? Sau này các tín hữu đã lãnh nhận máu Đấng Cứu Chuộc chúng ta do những kẻ bách hại dữ dằn đã làm đổ ra. Các tín hữu đã uống và rao truyền Người là Con Thiên Chúa.
Về máu này, có một lời thích hợp: “Đất ơi, đừng vùi lấp máu ta đi; ước gì tiếng tôi kêu còn vọng ngân mãi mãi”. Còn đây là lời cho con người phạm tội: “Ngươi là bụi đất và sẽ trở về bụi đất”.
Vậy mà mặt đất đã không che dấu máu Đấng Cứu Chuộc chúng ta; bởi vì bất cứ tội nhân nào, sau khi lãnh nhận giá máu đã đổ ra để cứu chuộc họ, cũng đều tuyên xưng và ca ngợi, đồng thời làm cho người thân cận nhận biết giá trị của máu ấy.
Mặt đất không phủ lấp máu ấy, bởi vì ngay từ bây giờ, Hội Thánh đã rao truyền mầu nhiệm cứu chuộc tại khắp nơi trên trái đất.
Hãy chú ý đến lời sau: “Ước gì tiếng tôi kêu còn vọng ngân mãi mãi”. Quả thật, máu đem lại ơn cứu chuộc ấy, máu được lãnh nhận, chính là tiếng kêu của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Vì thế, thánh Phaolô nói: “Máu của Người rảy xuống, máu đổ kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Abel”. Về máu Abel, có lời chép: “Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta”.
Nhưng máu của Chúa Giêsu “còn mạnh thế hơn máu của Abel”, bởi vì máu Abel đòi người anh phải chết do tội giết em, còn máu Chúa Giêsu lại kêu xin cho những kẻ bách hại Người được sống.
Do đó, để mầu nhiệm Chúa chịu thương khó không ra vô ích nơi chúng ta, chúng ta phải noi theo mầu nhiệm chúng ta đã nhận lãnh, và rao giảng cho người khác về mầu nhiệm chúng ta kính nhớ.
Thật vậy, tiếng kêu của Chúa sẽ bị phủ lấp trong chúng ta nếu như miệng lưỡi ta làm thinh không công bố điều lòng trí ta tin. Để tiếng kêu của Người không bị phủ lấp đi trong ta, thì ai nấy phải tùy sức mình mà làm cho những người chung quanh biết đến mầu nhiệm làm cho mình được sống.[13]
9.- Đức Kitô Mục Tử nhân lành
“Tôi chính là Mục tử nhân lành. Tôi biết – nghĩa là tôi yêu mến – chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”. Chúa Giêsu như muốn nói rõ rằng: Ai yêu mến tôi thì vâng lời tôi, vì ai không yêu mến sự thật, kẻ đó chưa biết gì về sự thật.
Anh em thân mến, anh em đã nghe đọc về mối nguy luôn đe dọa chúng tôi là các mục tử, anh em cũng hãy dựa vào những lời của Chúa mà đánh giá mối nguy đang đe dọa anh em. Hãy xem mình có phải là con chiên của Chúa không, có biết Chúa không, có biết ánh sáng chân lý không. Tôi nói “biết” không có nghĩa là “biết” nhờ đức tin, nhưng là “biết” nhờ đức mến. Tôi nói “biết” không có nghĩa là “biết” được diễn tả qua thái độ tin, nhưng là “biết” được diễn tả qua việc làm. Quả thật, chính thánh Gioan tác giả bài Tin Mừng đã nói về điều này và làm chứng ở nơi khác: “Ai nói mình biết Thiên Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối”.
Vì thế, trong đoạn Tin Mừng này Chúa Giêsu liền nói thêm: “Như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha. và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” dường như Người muốn nói rõ rằng: Điều minh chứng tôi biết Chúa Cha và được Chúa Cha biết, ấy là tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên, nghĩa là nhờ tình thương khiến tôi chịu chết cho đoàn chiên, tôi tỏ cho thấy là tôi yêu mến Chúa Cha tới mức nào.
Người còn nói về các con chiên: “Chiên tôi nghe tiếng tôi, tôi biết chúng, chúng đi theo tôi, và tôi ban cho chúng sự sống đời đời”. Ở đoạn trên, Người nói về các con chiên: “Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ”. Người ấy vào là để có đức tin; người ấy ra nghĩa là chuyển từ tin sang trực kiến, từ lòng tin đến việc chiêm ngưỡng, và người ấy sẽ tìm thấy lương thực nơi bàn tiệc muôn đời.
Con chiên của Chúa tìm thấy lương thực,vì ai chân thành đi theo Chúa thì được nuôi dưỡng nơi đồng cỏ xanh tươi muôn đời. Đồng cỏ của đoàn chiên đây là gì nếu không phải là cảnh thiên đàng luôn xanh ngắt, khiến tâm hồn ngập tràn niềm vui? Quả thế, đồng cỏ của những người được chọn là chính thánh nhan Thiên Chúa luôn hiện diện. Khi con người không ngừng chiêm ngưỡng thánh nhan, lòng trí họ được thỏa thuê mãi mãi nhờ lương thực ban sự sống.
Anh em thân mến, vậy ta hãy tìm kiếm đồng cỏ này, nơi đây ta sẽ được hân hoan mừng lễ cùng với bao công dân Nước Trời. Ước gì chính cuộc lễ của những kẻ mừng vui thu hút chúng ta. Thưa anh em, ta hãy sưởi ấm tâm hồn, hãy làm cho đức tin thêm nồng nhiệt với điều đã tin và làm cho lòng ta bừng cháy niềm khao khát những kho tàng trên trời. Như vậy, yêu mến đã là tiến tới điều mình mến yêu.
Ước gì không nghịch cảnh nào làm mất đi niềm vui tâm hồn chúng ta đang hân hoan mừng lễ, bởi vì nếu ai mong muốn đi tới nơi đã định, thì không một khó khăn nào trên đường có thể làm cho họ đổi ý. Ước gì không một cảnh phồn vinh nào lôi cuốn và mê hoặc chúng ta; bởi vì ai đi đường mà lại mải mê nhìn ngắm những đồng cỏ xanh tươi hấp dẫn, rồi quên tiến tới nơi đã nhắm, kẻ ấy thật là ngu dại.[14]
10.- Dân Anh đã được ánh sáng đức tin chiếu soi
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”, vì hạt lúa là Đức Kitô chết đi khi gieo vào lòng đất, để Người không cai trị ở trên trời mà thôi. Người đã chết để chúng ta được sống, đã nên yếu đuối để chúng ta được mạnh mẽ, đã chịu đau khổ để chúng ta được giải thoát khỏi khổ đau; nhờ tình thương của Người, chúng ta tìm kiếm ở Anh quốc những người anh em chúng ta không biết; nhờ ân huệ của Người, chúng ta tìm được những người chúng ta đã tìm mà không biết họ.
Ai tả được niềm vui lớn lao đã nảy sinh trong lòng mọi tín hữu khi nghe biết những sự việc này! Nhờ ơn của Thiên Chúa toàn năng tác động và nhờ công lao vất vả của hiền huynh, dân Anh được ánh sáng đức tin chiếu soi, sau khi đã xua đuổi bóng tối của sai lầm. Rồi với một tâm hồn rất trong sáng, họ đạp đổ các ngẫu tượng mà trước đây họ đã cúi mình thờ lạy vì sợ hãi cách vô lý. Nay họ sấp mình trước Thiên Chúa toàn năng với tấm lòng trong sạch và gắn bó với những lề luật đã được rao giảng cho họ, nhờ thế họ khỏi sa vào những việc xấu xa. Các giới răn Thiên Chúa khuất phục tâm hồn và nâng cao trí khôn họ. Khi cầu nguyện, họ hạ mình xuống xát đất, dể tâm trí họ khỏi nằm dưới đất. Công trình đó là của ai, nếu không phải là của Đấng đã nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”.
Để cho thấy là thế gian trở lại không do sự khôn ngoan của nhân loại, nhưng nhờ quyền năng của Người, Thiên Chúa đã chọn những con người không biết chữ nghĩa để đặt làm người rao giảng mà sai vào thế gian. Ngay cả bây giờ Người vẫn còn làm những điều đó, vì Người đã khấng dùng những con người yếu đuối để thực hiện những điều mạnh mẽ nhằm gây lợi ích cho dân Anh. Nhưng hiền huynh rất thân mến, ân huệ thiên quốc đó đòi phải liên kết niềm vui lớn ấy với một nỗi sợ hãi rất mãnh liệt.
Quả thế, tôi biết rằng nhờ tình thương của hiền huynh, Thiên Chúa toàn năng đã cho thấy những phép lạ lớn xảy ra trong dân tộc Người đã chọn. Do đó, điều cần thiết nhất là đứng trước ân huệ thiên quốc ấy, hiền huynh phải vui mừng trong khi sợ hãi và sợ hãi trong khi vui mừng: Hiền huynh phải vui mừng vì những phép lạ bên ngoài lôi quấn tâm hồn người Anh đến ân sủng bên trong; nhưng hiền huynh phải sợ rằng giữa những phép lạ xảy ra, tâm hồn yếu đuối lấy làm tự phụ mà nâng mình lên. Từ đó, tâm hồn được nâng nhắc lên bề ngoài nhờ vinh dự thì lại suy sụp bên trong vì hư danh.
Thật thế, chúng ta phải nhớ điều này: Khi các môn đệ đi giảng về, lòng đầy hân hoan thưa với Thầy chí thánh: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”, các ngài liền nghe trả lời: “Anh em chớ mừng vì điều đó, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.[15]
11.- Người kính sợ Thiên Chúa thì đơn sơ và ngay thẳng
Có những người đơn sơ mà không biết ngay thẳng là gì. Nhưng họ đã không để tâm đến sự trong trắng của tính đơn sơ đích thực, nên không đạt được đức ngay thẳng. Vì bao lâu họ không biết nhờ đức ngay thẳng mà ăn ở khôn ngoan thì không thể nhờ đơn sơ mà trong trắng mãi được. Vì thế, thánh Phaolô tông đồ khuyên các môn đệ: “Tôi muốn cho anh em khôn ngoan làm điều tốt, trong sạch không làm điều xấu”. Cũng vì thế người còn nói: “Về mặt phán đoán thì đừng sống như trẻ con; về đàng dữ, sống như trẻ con thì được”.
Vì vậy, chính Đấng là Chân Lý đã truyền cho các môn đệ: “Anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu”. Quả thật, trong lời khuyên này, Người liên kết chặt chẽ hai điều đó với nhau, để sự khôn ngoan của rắn bổ túc cho sự đơn sơ của bồ câu, và đối lại, sự đơn sơ của bồ câu tiết giảm sự tinh khôn của rắn.Vì thế, Thánh Thần đã tỏ cho nhân loại thấy sự hiện diện của Người không những dưới hình chim bồ câu, mà còn dưới hình lưỡi lửa. Quả thật, bồ câu chỉ sự đơn sơ, còn lửa chỉ lòng nhiệt thành. Người tỏ mình ra dưới hình chim bồ câu và lưỡi lửa: bởi vì bất cứ ai được đầy tràn Thánh Thần thì cũng lo sống đơn sơ hiền lành khiến lòng bừng cháy niệt tâm sống ngay thẳng chống lại tội lỗi.
“Ông Gióp là một con người đơn sơ và chính trực, kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác”. Ai khao khát quê trời vĩnh cửu, chắc chắn sống đơn sơ và chính trực: đơn sơ trong việc làm, chính trục trong tâm tưởng; đơn sơ khi làm các việc làm ở đời này, và chính trực khi suy tưởng những điều cao siêu trong đáy lòng. Quả vậy, có những người không đơn sơ khi làm việc lành, bởi vì họ không tìm phần thưởng bên trong, nhưng tìm tiếng khen bên ngoài. Vì thế, có lời hiền nhân dạy thật chí lý rằng: “Khốn thay kẻ tội lỗi lập lờ nước đôi”. Họ lập lờ nước đôi khi tay họ làm việc của Thiên Chúa, nhưng lòng họ lại tìm kiếm những sự thế gian.
Lời này cũng thật chí lý: “Ông Gióp kính sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác”, vì Hội Thánh của những người được tuyển chọn bước vào con đường đơn sơ chính trực với lòng kính sợ, nhưng hoàn tất con đường ấy bằng đức ái. Người ta sẽ triệt để lánh xa điều ác, khi vì lòng kính mến Thiên Chúa, họ bắt đầu không muốn phạm tội nữa. Bao lâu còn làm việc lành vì lòng kính sợ, thì chưa triệt để lánh xa điều ác; bởi lẽ muốn phạm tội nếu có thể phạm mà không bị phạt là đã phạm tội rồi.
Vậy khi nói ông Gióp có lòng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng nói ông lánh xa tội lỗi, thì thật là đúng; bởi lẽ khi đức ái đã thay thế sự sợ hãi, thì tư tưởng có còn muốn phạm tội cũng bị quyết tâm đánh bại.[16]
12.- Chúng ta đón nhận điều lành từ tay Thiên Chúa, thì tại sao lại không chịu đựng điều dữ?
Khi thấy mình bên trong thì chứa một kho tàng khôn ngoan phong phú nhưng bên ngoài lại là một thân xác mỏng giòn, thánh Phaolô đã nói: “Kho tàng ấy, chúng tôi chứa đựng trong những bình sành”. Trong trường hợp ông Gióp, ta thấy chiếc bình sành ấy bên ngoài đã nứt vì ung nhọt, nhưng bên trong, kho tàng này vẫn còn nguyên vẹn. Bên ngoài, da thịt ông nứt ra vì các vết thương; nhưng bên trong, chính kho tàng khôn ngoan ấy không ngừng tái sinh, đã phát ra những lời khôn ngoan thánh thiện như sau: “ Chúng ta đã đón nhận điều lành từ tay Thiên Chúa ban, thì tại sao lại không chịu đựng điều dữ?”. Điều lành là các ân huệ Thiên Chúa ban, ân huệ đời tạm cũng như ân huệ vĩnh cửu; còn điều dữ là những thử thách đời này. Về những thử thách đó, Đức Chúa đã phán như sau, qua lời ngôn sứ Isaia: “Ta là Chúa, không còn Chúa nào khác. Ta tạo ra ánh sáng và dựng nên bóng tối, làm ra bình an và dựng nên tai hoạ”.
Người “tạo ra ánh sáng và dựng nên bóng tối”, bởi vì khi bên ngoài, tâm hồn của ông Gióp phải đau khổ và nên tăm tối vì các thử thách, thì bên trong, tâm trí ông được chiếusáng nhờ sự khôn ngoan. Người “làm ra bình an và dựng nên tai hoạ”, bởi vì những điều được Thiên Chúa tạo dựng cách tốt lành, nhưng chúng ta lại ham muốn cách sai lạc, thì chúng trở nên điều xấu xa và thử thách đối với chúng ta, sau đó chúng ta sẽ được giao hoà với Thiên Chúa. Quả thế, vì phạm tội, chúng ta trở thành những kẻ bất hoà với Thiên Chúa, nên chúng ta phải chịu thử thách để được giao hoà với Người: đó là điều phải lẽ. Như vậy, khi bất cứ điều gì được Thiên Chúa tạo dựng cách tốt lành mà lại trở thành đau khổ cho chúng ta, thì tâm hồn kẻ được sửa dạy sẽ nên khiêm nhường và được giao hoà với Đấng Tạo Hóa.
Nhưng, trong các lời ông Gióp nói, cần phải chú ý nhiều đến câu ông đã dùng để khôn khéo đáp lại lời trách móc của bà vợ, khi ông lấy lại sự bình tĩnh: “Chúng ta đã đón nhận điều lành từ tay Thiên Chúa, thì tại sao lại không chịu đựng điều dữ?”. Quả vậy, nếu đang chịu nghịch cảnh mà chúng ta vẫn nhớ đến những ơn lành Đấng Tạo Hóa đã ban, thì đó là niềm an ủi lớn lao giữa cảnh gian truân. Nếu chúng ta mau mắn nghĩ đến những ân huệ đã nâng đỡ chúng ta, thì dù có gây trở ngại, khổ đau cũng không đánh gục chúng ta. Thật thế, có lời chép rằng: “Ngày gặp vận may, đừng quên điều bất hạnh, và ngày gặp bất hạnh, chớ quên đi vận may”.
Quả vậy, ai nhận được ơn lành Chúa ban, mà trong thời gian đó lại không lo sợ gì thử thách, cứ tự mãn tự kiêu, vui mừng thỏa thích, sẽ có lúc té nhào. Đàng khác, ai bị thử thách nghiền nát, mà trong thời gian đó không lấy những ơn lành mình đã lãnh nhận làm nguồn an ủi, thì người ấy bị thất vọng ê chề, và tâm trí không còn được bình an.
Vậy, hai thái độ phải luôn đi đôi với nhau, để thái độ này luôn nâng đỡ thái độ kia: Nếu chúng ta nhớ lại những ơn lành đã lãnh nhận, thì gánh nặng của thử thách sẽ nhẹ hơn; còn nếu chúng ta canh phòng và lo sợ thử thách, thì nỗi vui mừng thỏa thích khi lãnh nhận ơn lành, sẽ tế nhị hơn. Cũng vậy, trong khi bị gian nan thử thách, ông Gióp đã nghiệm ra hương vị ngọt ngào của các ơn lành, để xoa dịu tâm hồn mình đang chìm ngập trong đau thương. Ông nói: “Chúng ta đã đón nhận điều lành từ tay Thiên Chúa, thì tại sao lại không chịu đựng điều dữ”.[17]
13.- Luật Chúa là luật đa diện
Chúng ta phải hiểu luật Chúa là gì, nếu không phải là đức ái, vì nhờ đức ái tâm trí chúng ta luôn luôn nhớ đến những điều răn phải đem ra thực hành để được sống? Quả vậy, có lời của Đấng là Chân Lý phán về luật ấy rằng: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau”. Thánh Phaolô cũng dạy: “Yêu thương là chu toàn Lề Luật”. Người lại nói thêm: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô”. Thật thế, không có gì diễn tả luật Đức Kitô cách thích đáng hơn đức ái; luật ấy, chúng ta giữ trọn được khi chúng ta lấy tình thương mà mang gánh nặng cho anh em mình.
Nhưng luật ấy là luật đa diện, vì đức ái có mặt trong mọi hành vi của các nhân đức khác nhờ sự nhiệt tâm ân cần. Luật đó khởi đầu với hai điều răn, nhưng khai triển thành vô số các điều răn khác.
Chính thánh Phaolô đã kể rõ tính cách đa diện của luật ấy như sau: “Đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không tham lam, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật”.
Kẻ sống đức ái thì “nhẫn nhục”, vì họ chịu đựng với tâm hồn thanh thản mọi điều ác người ta làm cho mình; “hiền hậu”, vì họ quảng đại lấy điều thiện đáp lại điều ác; “không ghen tương”, vì họ không ham muốn gì ở đời này và không biết ghen tị với người khác về những thành công ở trần gian; “không tự đắc”, vì họ nóng lòng mong đợi phần thưởng bên trong chứ không vênh vang vì những của cải bên ngoài; “không làm điều bất chính”, vì họ chỉ lo phát triển lòng mến Chúa yêu người, chứ không biết đến những gì làm họ xa rời đức chính trực.
Kẻ sống đức ái thì “không tham lam”, vì bên trong họ nhiệt tâm lo việc của mình, chứ không ham muốn của cải thuộc về người khác ở bên ngoài; “không tìm tư lợi”, vì họ coi thường tất cả những gì họ có ở đời tạm này, và coi đó như là của người khác, bởi lẽ họ không coi điều gì là của riêng mình ngoại trừ điều sẽ ở mãi với mình; “không nóng giận”, vì dù họ có gặp phải những bất công dồn dập, lòng họ vẫn chẳng hề buông theo ý muốn báo thù, bởi lẽ họ trông đợi phần thưởng mai sau lớn hơn bù lại những nỗi gian lao vất vả bây giờ; “không nuôi hận thù”, vì tâm trí họ đã gắn chặt vào lòng yêu mến sự thanh sạch, và họ đã khử trừ tận căn mọi mối hận thù, không để điều gì len lỏi vào làm cho lòng mình hoen ố.
Kẻ sống đức ái “không mừng khi thấy sự gian ác”, vì họ chỉ tha thiết yêu thương tất cả mọi người, và dầu có thấy kẻ thù sa cơ lỡ vận, cũng không lấy thế làm vui; “nhưng cùng vui khi thấy điều chân thật”, vì một khi họ yêu thương tha nhân như chính mình, nếu nhận thấy nơi kẻ khác điều gì chính trực, họ vui mừng như thể chính bản thân mình được thăng tiến. Vậy, luật Chúa quả là đa diện.[18]
14.- Vị Chứng Nhân ở trong tâm hồn
“Kẻ bị bạn hữu chê cười, như chính tôi đây, kẻ ấy sẽ khẩn cầu Thiên Chúa và Người sẽ đáp lời”. Khi một người có tâm hồn mềm yếu được khen ngợi vì những việc lành mình đã làm, thì thường bị lôi cuốn bởi những niềm vui bên ngoài, nên người ấy coi nhẹ những điều mình mong ước bên trong. Do đó, người ấy lấy làm vui sướng vì được người đời khen là có phúc, hơn là vì chính mình đang vươn tới hạnh phúc. Vì ham hố tiếng khen, nên họ đã bỏ luôn cả điều đã bắt đầu. Vậy, chính vì có vẻ đáng khen trước mặt Thiên Chúa, mà người ấy lại xa cách Thiên Chúa.
Trái lại, đôi khi có những người kiên trì làm điều thiện, nhưng phải bị người đời cười nhạo. Họ làm những công việc đáng khâm phục, song phải chịu nhục nhã. Khi được ngợi khen, họ có thể hướng ra bên ngoài, còn khi bị lăng nhục, họ lại trở về với chính mình; và khi ở bên ngoài họ không tìm thấy điều gì để nương tựa, thì bên trong họ càng gắn bó mật thiết hơn với Thiên Chúa. Quả thế, họ đặt tất cả niềm hy vọng vào Đấng Tạo Hóa. Khi bị lăng mạ cười chê, họ chỉ biết cầu xin với Vị Chứng Nhân ở trong tâm hồn. Và tâm hồn của con người sầu khổ ấy càng xa lòng ái mộ và tiếng khen của người đời bao nhiêu, thì càng gần Thiên Chúa bấy nhiêu. Ngay lập tức họ cầu nguyện thiết tha, và trong khi bị dồn ép bên ngoài, họ đuợc trở nên trong sạch hơn để thấm nhuần những thực tại bên trong.
Như vậy, câu nói sau đây thật chí lý: “Kẻ bị bạn hữu chê cười, như chính tôi đây, kẻ ấy sẽ khẩn cầu Thiên Chúa, và Người sẽ đáp lời”. Vì khi kẻ gian ác trách cứ người công chính, họ lại tỏ ra rằng chính họ đang đi tìm người làm chứng cho những hành vi của họ. Còn tâm hồn bị thúc ép tư bề thì đi tìm sức mạnh trong cầu nguyện, và sở dĩ bên trong họ được Thiên Chúa nhận lời, là vì bên ngoài họ không được người đời ngợi khen.
Nhưng phải để ý đến mấy chữ “như chính tôi đây” đã được xen vào giữa câu nói một cách khéo léo. Quả thế, có những kẻ bị người đời chê mà vẫn không được Thiên Chúa nhận lời. Bởi lẽ sự chê cười do lỗi lầm gây nên tuyệt nhiên chẳng sinh ra được công đức nào.
“Sự đơn sơ của người công chính lại trở nên trò cười cho thiên hạ”. Cái khôn của người đời là che đậy lòng mình bằng mưu mô xảo quyệt dùng lời nói mà che giấu ý nghĩ, tô vẽ sự dối trá cho ra vẻ sự thật, dùng biện luận biến sự thật thành dối trá.
Trái lại, sự khôn ngoan của người công chính là không bày đặt điều gì để khoe khoang, dùng lời nói mà giãi bày ý nghĩ, yêu chuộng sự thật không tô vẽ, tránh xa sự dối trá, thực thi điều thiện mà không tìm lợi lộc, sẵn sàng gánh chịu hơn là làm điều ác, chẳng bao giờ tìm cách báo thù vì bị xúc phạm, và xem việc chịu sỉ nhục vì chân lý như một mối lợi. Nhưng lòng đơn sơ ấy của người công chính lại bị chê cười, bởi lẽ những kẻ khôn theo kiểu thế gian cho rằng giữ lòng thanh sạch là điên dại. Quả vậy, tất cả những gì người ta làm cách trong sáng chắc chắn bị họ coi là điên rồ; và bất cứ việc nào được chân lý chấp thuận thì đều bị cái khôn của người đời cho là khờ dại.[19]
15.- Đạo lý chân thật tránh thái độ kiêu căng
Ông Elihu nói: “Này ông Gióp, xin nghe tôi ngỏ lời, xin lắng nghe mọi lời lẽ của tôi”. Đạo lý của những kẻ kiêu căng có đặc tính này là họ không biết phải mở đầu điều họ dạy thế nào cho khiêm tốn; và những gì họ nghĩ là đúng đắn, họ lại không thể truyền đạt cho người khác một cách đúng đắn. Thật vậy, căn cứ vào lời lẽ của họ, thì khi dạy dỗ, dường như họ tự đặt mình ở trên đỉnh cao và coi những kẻ họ dạy dỗ là những người ở mãi bên dưới, như hạng cùng đinh. Vì thế, họ nói theo giọng điệu thống trị chứ không phải khuyên lơn.
Thế nên, qua ngôn sứ Edekiel, Chúa phán thật đúng về họ rằng: “Các ngươi thống trị đàn chiên một cách tàn bạo và hà khắc”. Mà những người thống trị một cách tàn bạo và hà khắc là những người không bình tĩnh sửa lỗi cho người dưới bằng khuyên bảo rạch ròi, mà chỉ vội vàng trừng phạt một cách khắc nghiệt theo kiểu thống trị.
Trái lại, đạo lý thật càng hăng hái tránh thói kiêu căng trong tư tưởng bao nhiêu,thì càng dùng chính những lời lẽ của mình làm mũi tên tấn công mạnh mẽ vào ông thầy của sự kiêu căng bấy nhiêu. Vậy phải coi chừng kẻo lại đem cách ăn nết ở kiêu căng mà cao rao ông thầy ấy, đang khi lẽ ra phải dùng những lời lẽ đạo đức thánh thiện mà tấn công hắn trong lòng thính giả. Lại phải cố gắng vừa dùng lời nói để rao giảng, vừa dùng đời sống để biểu lộ đức khiêm nhường, là thầy và là mẹ của mọi nhân đức, sao cho đức khiêm nhường được rao giảng cho các môn đệ của chân lý bằng cách ăn nết ở hơn là bằng lời nói.
Vì thế, khi ngỏ lời với các tín hữu Thesalonica, thánh Phaolô dường như quên mất địa vị tông đồ cao cả của mình, nên đã nói: “Khi ở giữa anh em, tôi chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ”. Cũng vì thế, thánh tông đồ Phêrô nói: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vần về niềm hy vọng của anh em”. Và để xác định tư cách phải có để dạy đạo lý thánh thiện như thế nào, thánh nhân còn thêm: “Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng, hãy giữ lương tâm ngay thẳng”.
Nhưng khi thánh Phaolô căn dặn môn đệ: “Đó là những điều anh em phải khuyên, phải sửa dạy với tất cả uy quyền”, thì người không có ý bảo phải dùng quyền thống trị cho bằng dùng uy tín của đời sống. Thật thế, người dạy có uy quyền là người làm trước rồi mới nói sau, bởi vì đạo lý không đáng tin nữa, một khi lương tâm ngăn cản không cho nói.
Vậy thánh Phaolô có ý nhấn mạnh cho người đồ đệ thấy rằng lời nói kiêu căng chẳng thuyết phục được ai, nhưng hành động tốt lành mới làm cho người ta tín nhiệm. Chính vì thế, đã có lời chép về Chúa rằng: “Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư và người Pharisee”. Quả vậy, chỉ mình Người đã lấy quyền riêng mà nói một cách độc đáo và siêu việt, vì Người đã không phạm tội nào do bản tính loài người yếu đuối. Vì chưng, qua nhân tính vô tội của mình, Chúa Kitô ban cho chúng ta điều Người đã có do quyền năng của thần tính Người.[20]
16.- Bên ngoài phải chiến đấu, bên trong phải lo sợ
Người ta kể lại các bậc thánh nhân khi gặp phải những cuộc chiến đấu đầy gian truân thử thách, thì cùng một lúc vừa phải tấn công người nọ, vừa phải khuyên bảo người kia, vừa phải lấy kiên nhẫn làm khiên mà chống đỡ kẻ này, vừa phải đem giáo thuyết làm lao phóng vào kẻ khác. Và các ngài nổi bật về cả hai lối chiến đấu nhờ tài nghệ lạ lùng do nhân đức đem lại; vì bên trong, các ngài phải khôn ngoan cho thấy những lệch lạc, đồng thời bên ngoài, các ngài phải can đảm coi thường những chống đối. Kẻ lệch lạc, các ngài lo uốn nắn bằng khuyên lơn dạy bảo; người chống đối, các ngài khuất phục bàng chịu đựng kiên trì. Bởi chưng, thù địch nổi dậy, các ngài dùng cảm thông mà dẫn về với ơn cứu độ. Các ngài chống lại những kẻ trước, để họ khỏi lôi cuốn người khác. Các ngài lo sợ những người sau, không muốn thấy họ mất hẳn cuộc sống ngay lành chính trực.
Chúng ta hãy xem người chiến sĩ thuộc đạo quân của Thiên Chúa đang chiến đấu chống cả hai phía. Vị ấy nói: “Bên ngoài phải chiến đấu, bên trong phải lo sợ”. Rồi vị ấy kể ra những cuộc chiến mình phải chịu ở bên ngoài: “Nguy hiểm trên sông, nguy hiểm do trộm cướp, nguy hhiểm do đồng bào, nguy hiểm vì dân ngoại, nguy hiểm ở thành phố, trong sa mạc, ngoài biển khơi, nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em”. Trong cuộc chiến này, vị ấy cho biết thêm là vị ấy phải phóng vào những kẻ thù những mũi tên nào: “phải vất vả mệt nhọc, phải thức đêm, bị đói khát, nhịn ăn, nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng”.
Tuy nhiên, giữa bao cuộc chiến phải đương đầu, người chiến sĩ còn kể là đã phải lấy biết bao lần canh thức làm hào lũy bảo vệ trại binh. Vị ấy nói thêm: “Không kể các điều khác, còn có nỗi ray rứt hằng ngày của tôi là mối bận tâm lo cho tất cả các Hội Thánh”. Như thế đó, vị ấy can đảm chiến đấu, và đầy lòng thương xót, vị ấy hy sinh chính mình để bảo vệ anh em. Vị ấy thuật lại những điều ác đã chịu và cũng kể thêm những việc thiện đã làm.
Chúng ta thử nghĩ xem: vị ấy cực khổ biêt chừng nào, vì cùng một lúc vừa phải chịu đựng những nghịch cảnh bên ngoài, vừa phải bênh vực những yếu đuối bên trong. Bên ngoài thì phải chiến đấu: chịu đòn vọt tan nát, chịu xiềng xích gông cùm. Bên trong thì lo âu sợ hãi: Không sợ cực hình gây hại cho bản thân, nhưng sợ cho các môn đệ. Vì thế, vị ấy viết cho họ thế này: “Đừng ai bị nao núng vì các nỗi gian truân ấy. Hẳn anh em biết đó là số phạn dành cho chúng ta”. Trong lúc bản thân chịu cực hình, vị ấy lại sợ rằng kẻ khác phải ngã quỵ, sợ rằng: kẻ biết vị ấy vì đức tin mà phải chịu đánh đòn, các môn đệ sẽ chối bỏ, không tuyên xưng đức tin nữa.
Ôi tấm lòng bác ái thật bao la! Đau khổ chính mình phải chịu, vị ấy coi thường, nhưng chỉ lo rằng các môn đệ nghe phải lời xúi giục xấu xa nào đó trong lòng. Nơi chính mình những thương tích trên thân thể, vị ấ coi nhẹ, nhưng nơi kẻ khác, những vết thương trong tâm hồn, vị ấy lo chữa trị. Hẳn nhiên đặc điểm của những người công chính là dù có gặp khổ đau quẫn bách, các ngài cũng không ngừng lo lắng cho lợi ích của người khác. Và khi chính các ngài phải khổ đau vì gặp nghịch cảnh, các ngài vẫn lo lắng cho tha nhân, khuyên dạy họ những điều cần thiết. Lúc đó các ngài có khác chi những bậc danh y bị bệnh tật hành hạ: chính mình thì đang bị vết thương vò xé, nhưng vẫn đem thuốc men đi chữa cho người khác được lành.[21]
17.- Người yêu mến hơn thì mạnh thế hơn
Scholastica là em ruột của Thánh Benedicto (Benoýt); Bà đã sống tận hiến cho Chúa toàn năng từ thời thơ ấu. Bà quen đến thăm anh, mỗi năm một lần. Người của Thiên Chúa đi xuống gặp em ở bên ngoài cổng cách một quãng không xa trong phần đất thuộc đan viện.
Một ngày kia, theo thông lệ, bà đến và người anh khả kính cùng với các môn đệ đi xuống gặp bà. Cả ngày họ cùng nhau ca tụng Thiên Chúa và nói chuyện đạo đức. Khi màn đêm buông xuống, họ dùng bữa với nhau.
Đang lúc còn mải mê nói chuyện đạo đức mà trời mỗi lúc một khuya thì nữ đan sĩ xin với anh rằng: “Em xin anh đừng bỏ em đêm nay; chúng ta hãy trao đổi với nhau cho đến sáng về những niềm vui của đời sống trên trời”. Người anh trả lời: “Em ơi, em nói gì vậy? Anh đâu có thể ở lại ngoài tu phòng”.
Nghe anh từ chối, nữ đan sĩ đặt hai bàn tay lên bàn, các ngón đan vào nhau, rồi gục xuống trên hai tay cầu xin Chúa toàn năng. Khi bà ngẩng đầu lên thì sấm chớp ầm ầm nởi dậy và một cơn mưa như trút nứơc đổ xuống, khiến cả Cha Benedicto khả kính lẫn các anh em tháp tùng người không sao nhấc chân ra khỏi ngưỡng cửa nơi họ đang đứng.
Bấy giờ người của Thiên Chúa buồn bã bắt đầu than trách rằng: “Em ơi, xin Thiên Chúa toàn năng tha thứ cho em, em đã làm gì vậy?”. Bà trả lời: “Này, em đã xin anh mà anh không chịu nghe, thì em đã xin Thiên Chúa của em và Người đã nghe. Bây giờ nếu anh đi được thì cứ đi, cứ để em lại đây mà về đan viện”.
Như thế là người đã không tự ý ở lại, nhưng bị cầm chân tại chỗ ngoài ý muốn, và cả hai thức suốt đêm, tha hồ trao đổi với nhau những chuyện về đời sống thiêng liêng.
Nếu như thánh nữ mạnh thế hơn ông anh, thì đó không phải là chuyện lạ, vì như lời thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa là tình yêu”. Bà mạnh thế hơn vì yêu mến nhiều hơn, thì đó quả là điều chí lý.
Ba ngày sau, khi người của Thiên Chúa đang ở trong tu phòng, ngước mắt lên thì thấy linh hồn em gái mình lìa khỏi xác vào thiên cung dưới hình chim bồ câu. Vui mừng vì em được vinh quang như thế, người hát thánh vịnh thánh ca tạ ơn Thiên Chúa toàn năng, rồi sai anh em đưa xác bà về đan viện đặt trong ngôi mộ người đã chuẩn bị cho chính mình.
Thế là nấm mồ cũng không thể ngăn cách được thân xác của những người vẫn một lòng một ý với nhau trong Thiên Chúa.[22]
18.- Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con
“Một người trong nhóm Mừơi hai tên là Thomas, cũng gọi là Didimo, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến”. Chỉ có người môn đệ này vắng mặt. Khi trở về, ông nghe thuật lại sự việc đã xảy ra nhưng không chịu tin những điều đã nghe. Chúa đến lần nữa và đưa cạnh sườn cho người môn đệ không tin chạm tay vào. Người đưa tay ra và khi ông thấy các thương tích của Người, Người chữa lành vết thương cứng tin của ông. Anh em thân mến, trong chuyện này, anh em chú ý đến điều gì? Lúc đầu, người môn đệ được chọn này vắng mặt, sau đó ông về và nghe kể lại, nghe rồi nghi ngờ, nghi ngờ rồi đưa tay chạm, chạm rồi tin, chẳng lẽ anh em cho tất cả chuyện này là tình cờ hay sao?
Không, không phải tình cờ đâu, nhưng Thiên Chúa an bài cho xảy ra như thế. Thật vậy, Đấng từ bi cao cả đã hành động cách lạ lùng là cho người môn đệ hoài nghi đó chữa lành vết thương cứng tin nơi chúng ta khi ông chạm tay vào thương tích trên thân thể của Thầy mình. Đàng khác, đối với đức tin của chúng ta, sự cứng tin của ông Thomas còn hữu ích hơn đức tin của những môn đệ khác là những người đã tin. Vì ông đã chạm tay vào Chúa và đã tin, nên tâm trí chúng ta không còn hoài nghi nữa và đã được một đức tin vững mạnh. Thật vậy, người môn đệ nghi ngờ và được chạm tay vào Chúa đã trở thành người làm chứng Chúa đã sống lại thật.
Ông đã được chạm tay vào Chúa và đã kêu lên: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin”. Thánh Tông đồ Phaolô lại nói: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy”. Vì thế, chắc chắn đức tin là bằng chứng của những điều không thể thấy đó. Thật vậy, những gì đã thấy thì không cần phải tin, nhưng phải nhìn nhận. Thế tại sao khi ông Thomas thấy và được chạm tay vào Chúa, Chúa lại bảo ông rằng: “Vì đã thấy Thầy nên anh tin”. Nhưng điều ông thấy là một chuyện,điều ông tin lại là chuyện khác. Người phàm phải chết không thể nhìn thấy Thiên Chúa được. Thế mà ông thấy con người và tuyên xưng Thiên Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”. Nhờ đã thấy nên ông đã tin: khi nhìn xem một con người thật, ông đã gọi người ấy là Thiên Chúa, Đấng ông không thể thấy được.
Lời tiếp theo còn làm cho chúng ta vui hơn: “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Chắn chắn lời này đặc biệt nhắm đến chúng ta, vì chúng ta không thấy Chúa bằng giác quan nhưng lại gắn bó với Người bằng tâm trí. Câu ấy nhắm đến chúng ta, nhưng với điều kiện là chúng ta phải thể hiện đức tin bằng hành động. Vì chưng ai thực hành điều mình tin mới là người tin thực sự. Còn những ai chỉ tin ngoài môi ngoài miệng, thì thánh Phaolô nói về họ rằng: “Họ tuyên bố là biết Thiên Chúa, nhưng trong hành động họ lại chối Người”. Thánh Giacobe cũng nói: “Đức tin không có hành động là đức tin chết”.[23]
19.- Bà khao khát tìm gặp Đức Kitô mà bà tưởng người ta đã đem đi mất
Khi bà Maria Magdalena đến mộ mà không thấy xác Chúa ở đó, bà tưởng người ta đã đem đi mất, nên đi báo tin cho các môn đệ. Các ông đã đến, đã thấy và tin như người phụ nữa đã nói. Rồi sau đó Kinh Thánh lại viết về các ông rằng: “Các môn đệ trở về nhà” và tiếp theo ngay: “Bà Maria đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc”.
Vì thế, cần phải suy nghĩ xem sức mạnh của lòng yêu mến đã đốt cháy tâm trí của người phụ nữ này như thế nào. Dù các môn đệ bỏ mọ Chúa ra về, bà vẫn không chịu bỏ về. Bà cố tìm Đấng bà không gặp, vừa khóc vừa tìm, và vì lửa yêu mến bùng lên, bà khao khát tìm gặp Đấng bà tưởng người ta đã đem đi mất. Vì bà ở lại để tìm, cho nên bà là người duy nhất được gặp thấy Chúa, bởi vì sự kiên trì là sức mạnh không nhỏ của bất cứ việc lành nào. Đấng là chân lý đã nói: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát”.
Vậy trước hết bà đã tìm mà chẳng gặp; bà cứ kiên trì tìm kiếm và rốt cuộc bà đã gặp. Sự thể là ao ước mà không được mãn nguyện, thì càng ao ước hơn; khi lòng ao ước tăng lên, thì nó sẽ chiếm hữu điều nó tìm được. Quả thật, lòng ao ước thánh thiện càng bị trì hoãn thì càng tăng. Còn lòng ao ước vì bị trì hoãn mà suy giảm thì không phải là ao ước thật. Bất cứ ai muốn đạt tới chân lý, thì phải cháy lên ngọn lửa tình yêu này. Như vua David nói: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời là Chúa Trời hằng sống. Bao giờ con được đến vào bệ kiến Tôn Nhan”, và Hội Thánh còn nói trong sách Diễm Ca: “Trái tim tôi đã bị thương tích vì tình yêu”, rồi thêm: “Tâm hồn tôi tan chảy”.
“Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai?”. Bà được hỏi vì sao bà đau buồn là để cho lòng ao ước của bà tăng thêm; vì khi bà nhắc đến Đấng bà đang tìm, thì lòng bà càng cháy lửa yêu mến Người hơn nữa.
“Đức Giêsu gọi bà: Maria!”. Sau khi Người đã gọi bà theo cách nói chung và bà không nhận ra, thì Người gọi bà đích danh. Dường như Người muốn nói với bà: “Chị hãy nhận ra Đấng đã nhận chị. Thầy không biết chị như biết bất cứ ai, Thầy biết rõ chị”. Vậy bà Maria vì đã được gọi đích danh, nên bà đã nhận ra Đấng tác thành, và bà liền kêu: “Rap-bu-ni”, nghĩa là “lạy Thầy”. Bởi chính Đấng bà nôn náo tìm kiếm, thì cũng đang dạy dỗ trong tâm hồn bà để bà tìm kiếm Người.[24]
20.- Khi thinh lặng, mục tử phải khôn ngoan, khi nói năng phải liệu sao cho hữu ích
Khi thinh lặng, người lãnh đạo phải khôn ngoan, khi nói năng phải liệu sao cho hữu ích, để khỏi nói ra khi cần giữ kín, hay không làm thinh khi cần lên tiếng. Một lời nói thiếu thận trọng lôi kéo người ta vào con đường lầm lạc. Cũng vậy sự thinh lặng thiếu khôn ngoan khiến người ta tiếp tục sống trong lầm lạc đang khi lẽ ra họ có thể được soi sáng. Thật thế, nhiều khi các vị lãnh đạo không biết lo xa, sợ không được lòng người đời, nên ngại không dám thẳng thắn nói ra sự thật. Họ không nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên theo lời Đấng là sự thật, cho đúng với nhiệm vụ mục tử, mà chỉ chăn dắt như người làm thuê, vì khi ẩn mình làm thinh thì chẳng khác gì họ xa chạy cao bay khi chó sói đến.
Vì thế, Chúa dùng lời Ngôn sứ mà khiển trách họ rằng: “Bọn chúng là lũ chó câm, không biết sủa”. Người lại còn than phiền: “Các ngươi không lên lỗ hổng mà cũng chẳng xây tường bảo vệ nhà Israel, để nó có thể cầm cự trong cuộc chiến đấu vào ngày của Đức Chúa”. Lên lỗ hổng có nghĩa là dùng tiếng nói tự do để bảo vệ đoàn chiên chống lại những thế lực của trần gian này. Và “cầm cự trong cuộc chiến đấu vào ngày của Đức Chúa” là đương đầu với các thù địch gian ác vì lòng yêu chuộng công lý.
Quả vậy, đối với người mục tử, làm thinh không dám nói sự thật vì sợ hãi, lại chẳng phải là quay lưng chạy trốn hay sao? Chắc hẳn, nếu có mục tử nào liều mình cho đoàn chiên, thì vị đó “xây tường bảo vệ nhà Israel” chống lại địch thù rồi. Bởi đó, lại có lời ngỏ với dân tội lỗi rằng: “Ngôn sứ của ngươi đã thấy toàn điều hư ảo, toàn chuyện khói mây để nói cho ngươi; còn lỗi lầm ngươi, chúng không vạch rõ để thúc đẩy ngươi ăn năn trở lại”. Trong Kinh Thánh, đôi khi các ngôn sứ được gọi là thầy dạy, vì khi cho thấy hiện tại mau qua, các ông tiên báo những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Thiên Chúa dùng lời mà trách họ đã nhìn thấy những điều sai lạc, bởi vì khi sợ không dám sửa lỗi là họ phỉnh phờ những kẻ phạm tội bằng cách hứa hão cho chúng được an toàn. Họ không hề mở mắt cho những người có tội nhìn thấy điều gian ác của mình vì họ đã làm thinh không quở trách chúng.
Quả thật, lời sửa dạy là chìa khóa mở cửa cho thấy, bởi vì lời quở trách giúp khám phá ra điều sai lỗi mà ngay cả chính người đã sai lỗi thường cũng không biết. Bởi đó, thánh Phaolô nói: “Giám quản phải vừa có khả năng dùng giáo lý mà khuyên nhủ, vừa có khả năng bẻ lại những kẻ chống đối”. Bởi đó, ngôn sứ Malakhi cũng nói: “Môi của tư tế phải chất chứa sự hiểu biết, và người ta sẽ tìm điều Luật dạy nơi miệng tư tế, vì tư tế là sứ giả của Đức Chúa các đạo binh”. Bởi đó, Chúa dùng ngôn sứ Isaia mà khuyên nhủ: “Cứ kêu lên, đừng kìm hãm, kêu lớn tiếng lên như tù và”.
Tiến tới chức linh mục là nhận nhiệm vụ của người loan tin, tức là lớn tiếng kêu để báo trước rằng vị thẩm phán uy hùng sắp ngự đến. Vậy làm linh mục mà không biết giảng thì có khác gì người loan tin mà lại câm, liệu người đó sẽ kêu như thế nào? Vì thế, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các vị mục tử đầu tiên dưới hình lưỡi lửa: quả thật, những kẻ Người đã làm cho tâm hồn được đầy tràn, thì tức khắc Người biến họ thành những con người biết nói.[25]
21.- Tác vụ chúng ta phải thi hành
Chúng ta hãy nghe lời Chúa nói, khi sai các môn đệ đi rao giảng “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Số thợ quá ít, không đủ để gặt lúa đã chín đầu đồng: chúng tôi không thể nói tới điều đó mà không cảm thấy rất buồn, vì có những người muốn nghe điều hay điều tốt, nhưng lại thiếu kẻ nói cho họ nghe. Thế giới này đầy dẫy linh mục, nhưng hoạ lắm mới có người hoạt động trong cánh đồng của Thiên Chúa, vì chúng tôi lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng lại không chu toàn trách nhiệm của chức vụ ấy.
Anh em thân mến, xin anh em cân nhắc lời sau đây: “Anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”. Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi để chúng tôi có khả năng phục vụ anh em cho xứng đáng, để chúng tôi biết dùng miệng lưỡi mà khuyên bảo, kẻo sau khi lãnh nhận nhiệm vụ rao giảng, chúng tôi bị đưa ra trước vị Thẩm Phán công minh vì đã thinh lặng. Thật thế, nhiều khi vì tội lỗi của người rao giảng mà lưỡi của người ấy bị tê liệt, nhưng nhiều lúc lỗi làm của kẻ dưới làm cho người trên ngại không dạy bảo. Vì tội lội của người rao giảng, lưỡi người ấy thường bị tê liệt, như tác giả thánh vịnh nói: “Với kẻ gian ác, Thiên Chúa phán bảo rằng: Thánh chỉ của Ta, sao ngươi thường nhắc nhở?”. Và do nết xâu của kẻ dưới, tiếng nói của các người rao giảng lại bị ngăn cản, như Chúa nói với ngôn sứ Edekiel: “Ta sẽ làm cho lưỡi ngươi dính với hàm và ngươi sẽ bị câm, để ngươi không còn là người khiển trách chúng nữa, vì chúng là nòi phản loạn”. Dường như Người nói rõ: “Ngươi không được rao giảng nữa, vì bao lâu dân làm những việc khiến Ta bực tức thì nó không đáng được nghe lời khuyên bảo của chân lý”. Vậy, vì nết xấu của dân mà người ao giảng không được rao giảng nữa, điều đó không dễ nhận ra đâu. Còn sự thinh lặng của mục tử đôi khi làm hại cho người ấy, nhưng luôn luôn làm hại cho kẻ dưới: đó là điều rất chắc chắn.
Anh em thân mến, còn một điều khác làm tôi hết sức đau buồn về đời sống của các mục tử. Nhưng để lời khẳng định của tôi khỏi xúc phạm đến ai đó, tôi cũng xin tự tố cáo, mặc dầu do thời buổi man di đưa đẩy thúc áp, tôi phải miễn cưỡng làm như thế.
Chúng tôi bị lôi cuốn vào những công việc bên ngoài. chúc vụ chúng tôi nhận thì khác, còn công việc chúng tôi làm thì lại khác. Chúng tôi bỏ tác vụ rao giảng; và như tôi thấy, chúng tôi được gọi là giám mục để bị phạt, vì chúng tôi chỉ hữu danh mà vô thực. Quả thế, những người được giao phó cho chúng tôi từ bỏ Thiên Chúa mà chúng tôi lại đã cứ làm thinh. Họ nằm vùi trong tội lỗi, thế mà chúng tôi không đưa tay nâng dậy.
Nhưng bao giờ chúng tôi mới sửa được lỗi của người ta, nếu chúng tôi sao lãng đời sống của mình? Khi để tâm lo các việc đời, chúng tôi xem ra càng hăng say làm những việc bên ngoài, thì thực sự chúng tôi càng đửng dưng với những việc bên trong.
Do đó, Hội Thánh có lý mà nói về các thành phần đau yêu của mình: “Họ cắt đặt tôi canh giữ các vườn nho; nhưng vườn nho của tôi, tôi lại không canh giữ”. Được đặt lên làm người canh giữ vườn nho, chúng tôi đã chẳng hề canh giữ, vì khi vướng mắc những công việc ở ngoài, chúng tôi sao lãng tác vụ phải hoàn tất.[26]
22.- Vì yêu mến Chúa Kitô tôi không quản ngại nói về Người
“Hỡi con người, Ta đã đặt người làm người canh gác cho nhà Israel”. Cần lưu ý rằng Chúa gọi kẻ Người sai đi rao giảng là người canh gác. Người canh gác luôn luôn phải đứng trên cao. để thấy được từ xa bất cứ chuyện gì xảy tới. Và bất cứ ai được đặt làm người canh gác cho dân đều phải đứng trên cao nhờ cuộc sống của mình, để có thể đem lại lợi ích cho dân nhờ khả năng tiên liệu.
Ôi thật khổ tâm biết bao khi tôi phải nói lên những điều trên. Quả thật nói như thế là tôi tự đánh mình, bởi lẽ miệng tôi đã không giảng cho xứng đáng, và nếu có giảng cho đầy đủ thì đời sống của tôi cũng chẳng đi đôi với lời giảng.
Tôi nhìn nhận là tôi có lỗi, tôi thấy mình uể oải và lơ là. Biết đâu chính việc thú nhận lỗi lầm sẽ trở thành lời nài xin vị thẩm phán nhân từ ban ơn tha thứ. Khi ở đan viện tôi có thể vừa giữ miệng lưỡi không nói lời vô ích, vừa hầu như liên lỉ cầm trí lo việc cầu nguyện. Nhưng một khi đã ghé vai mang gánh nặng mục vụ, thì tôi bị chi phối về nhiều chuyện nên không thể dễ dàng hồi tâm được.
Thật vậy, tôi buộc phải suy xét vè các vấn đề của các Giáo Hội cũng như của các tu viện, nhiều lần tôi phải nghĩ tới nếp sống và hành vi của các cá nhân; hơn nữa, tôi còn phải giải quyết một số công việc của người dân, phải lo lắng vì quân man di xông vào giết chóc, phải đề phòng những con sói đang rình rập đàn chiên đã được ủy thác cho tôi. Có khi tôi phải lo đem lại những trợ giúp cần thiết cho chính những người có bổn phận tuân giữ kỷ luật tu trì; có lúc phải bình tĩnh chịu đựng những quân trộm cướp, nhưng cũng có lúc phải đối đầu với chúng để bảo trì đức ái.
Khi tâm trí còn bị phân tán và xâu xé vì phải nghĩ đến biết bao chuyện như thế, thì bao giờ tôi mới có thể hồi tâm để chỉ nghĩ đến việc rao giảng và không bỏ bê tác vụ công bố Lời Chúa? Vì điạ vị bó buộc tôi phải tiếp xúc với người đời, nên đôi khi tôi lơi lỏng trong việc giữ miệng lưỡi. Bởi nếu tôi luôn tự kiềm chế mình một cách nghiêm ngặt, thì tôi biết những kẻ yếu đuối sẽ xa lánh tôi,và chẳng bao giờ tôi lôi kéo được họ đến điều tôi mong ước. Cho nên tôi thường phải kiên nhẫn nghe cả những chuyện vô ích của họ. Thế nhưng, vì bản thân tôi cũng yếu đuối, nên dần dần tôi bị lôi cuốn vào những chuyện vô ích và bắt đầu thích nói những điều mà trước kia tôi chỉ nghe một cách miễn cưỡng; nơi mà trước kia tôi sợ ngã vào, thì nay tôi lại khoái nằm xuống.
Vậy tôi là ai và tôi thi hành nhiệm vụ canh gác như thế nào, nếu tôi không đứng trên núi cao là công việc phải làm, mà vẫn nằm bẹp dưới thung lũng là tính yếu đuối của tôi? Nhưng dù tôi bất xứng, thì Đấng tạo dựng và cứu chuộc loài người vẫn có khả năng ban cho tôi cả đời sống cao quý lẫn tài nói năng thuyết phục, bởi lẽ, vì yêu mến Người mà tôi không quản ngại nói về Người.[27]
23.- Các tổng lãnh thiên thần Micaen, Raphaen và Gaprien
Nên biết rằng “thiên sứ” là danh từ chỉ chức vụ chứ không chỉ bản tính, bởi các thánh thiên thần ở trên trời bao giờ cũng là thiên thần, nhưng không phải bao giờ cũng được gọi là “thiên sứ”. Các vị ấy chỉ là “thiên sứ” khi được sai đi loan báo một điều gì thôi. Các vị loan báo điều nhỏ thì gọi là “thiên sứ”, còn vị nào loan báo điều lớn thì gọi là “Tổng lãnh thiên sứ”.
Quả thế, không phải bất cứ “thiên sứ” nào cũng được sai đến với đức Trinh Nữ Maria, mà phải là tổng lãnh thiên sứ Gabrien, vì một thiên sứ cao cả đến loan báo một việc hệ trọng thì thật là chính đáng. Người ta cũng biết đến một số vị nhờ các tên riêng, để thấy được công việc của các ngài qua những danh xưng đó. Trong thành thánh trên trời, nơi tri thức đạt tới mức hoàn hảo nhờ ơn hưởng kiến Thiên Chúa toàn năng thì không cần có tên riêng, vì đâu phải không có tên mà ngôi vị các ngài không được biết đến. Nhưng chỉ khi nào đến với chúng ta để thi hành một tác vụ, thì ở giữa chúng ta các ngài mới mang tên gọi liên quan đến tác vụ đó. Vì thế, Micaen có nghĩa là “Ai bằng Thiên Chúa”, Gabrien có nghĩa là “Sức mạnh của Thiên Chúa”, và Raphaen có nghĩa là “Linh dược của Thiên Chúa”.
Mỗi khi có việc cần đến sức mạnh diệu kỳ, thì đức Micaen được phái tới, để nhờ hành động và danh hiệu của người, chúng ta hiểu được rằng không ai làm nổi việc mà chỉ có Thiên Chúa mới làm được. Bởi vậy, vì kiêu ngạo, kẻ cựu thù kia đã muốn nên giống Thiên Chúa, khi dám nói: “Ta sẽ lên trời, ta sẽ dựng ngai vàng của ta trên cả các vì sao của Thiên Chúa… ta sẽ nên như Đấng Tối Cao”. Trong ngày tận thế, lúc còn được thi thố sức mạnh của mình, trước khi chịu khổ hình đời đời kiếp kiếp, nó sẽ giao chiến với tổng lãnh thiên sứ Micaen, như lời thánh Gioan nói: “Có cuộc giao chiến với tổng lãnh thiên sứ Micaen”.
Cũng thế, thiên sứ Gabrien mệnh danh là “sức mạnh của Thiên Chúa” được sai đến với Đức Maria làm sứ giả loan báo Đấng đoái thương xuất hiện như một kẻ hèn mọn để chiến đấu chống những quyền lực trên không. Vậy phải nhờ “sức mạnh của Thiên Chúa” mà loan báo Đấng là Đức Chúa nắm giữ quyền lực và oai hùng khi xuất trận sắp ngự đến.
Như đã nói, thiên sứ Raphaen cũng được giải nghĩa là “linh dược của Thiên Chúa”, vì khi người chạm tới đôi mắt của ông Tobia như làm công việc chữa bệnh, thì người xua tan bóng tối là sự mù loà. Vậy gọi đấng được sai đến để chữa lành là “linh dược của Thiên Chúa”, thì thật là đích đáng.[28]
24.- Đến sau các nhà giảng thuyết
Anh em thân mến, Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta, khi thì dùng lời nói, lúc thì dùng việc làm mà dạy bảo chúng ta. Chính việc làm của Người là luật cho chúng ta, vì khi lặng lẽ làm một việc nào thì Người cho biết chúng ta phải làm gì. Quả vậy, Người sai các môn đệ từng hai người đi rao giảng là vì đức ái có hai điều luật: đó là mến Chúa và yêu người.
Chúa sai các môn đệ từng hai người đi rao giảng là Người kín đáo nhắc nhở cho chúng ta hiểu: ai không có đức ái đối với tha nhân, thì tuyệt đối không được lãnh nhiệm vụ rao giảng.
Thật là chí lý khi Tin Mừng viết: “Chúa sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến”. Quả thật, Chúa đến sau các kẻ Người sai đi rao giảng. Lời rao giảng đi trước rồi Chúa đến ngự trong tâm trí chúng ta. Nói khác đi, lời khuyên nhủ đi trước chuẩn bị cho tâm trí đón nhận sự thật. Vì thế, ngôn sứ Isaia cũng nói với các vị giảng thuyết: “Hãy mở một con đường cho Đức Chúa, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta”. Và tác giả thánh vịnh còn noí với họ: “Hãy dọn đường cho Đấng ngự lên từ nơi Người đã nằm xuống”. Chúa ngự lên từ nơi Người đã nằm xuống, vì Người đã nằm xuống trong cuộc thương khó, để khi từ đó chỗi dậy, Người biểu lộ vinh quang rực rỡ của Người. Chúa ngự lên từ nơi Người đã nằm xuống, vì khi chỗi dậy Người đã chà đạp cái chết mà Người đã mang lấy vào thân. Vậy, chúng tôi dọn đường cho Đấng ngự lên từ nơi Người đã nằm xuống, khi chúng tôi rao giảng vinh quang của Người cho anh em biết, để khi đến sau chúng tôi, Người chiếu sáng cõi lòng anh em bằng sự hiện diện đầy yêu thương của Người.
Chúng ta hãy nghe lời Người nói với các vị được sai đi rao giảng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ sai thợ ra gặt lúa về”. Quả vậy, mùa màng thì phong phú nhưng thợ gặt lại ít; chúng tôi không thể nói lên điều đó mà không cảm thấy lòng nặng trĩu ưu phiền, vì dù có người nghe những điều tốt lành nhưng lại thiếu người nói những điều ấy. Thế giới này đầy linh mục, nhưng trên cánh đồng truyền giáo, hiếm thấy người thợ đích thực của Thiên Chúa, vì chúng tôi lãnh chức linh mục, nhưng không chu toàn công việc của chức vụ đó.
Anh em thân mến, anh em hãy suy nghĩ, suy nghĩ lời này: “Anh em hãy xin chủ sai thợ ra gặt lúa về”. Vậy, xin anh em hãy cầu nguyện cho chúng tôi, để chúng tôi biết phục vụ anh em cho xứng, kẻo môi miệng chúng tôi biếng nhác nói lời khuyên nhủ, mà phải ra trước toà vị Thẩm Phán chí công, vì đã làm thinh không chu toàn nhiệm vụ rao giảng.[29]
[1] cf. Jn. 21, 16.
[2] le Pastoral I, 5
[3] Xem phụ lục 20
[4] Ex homiliis sancti Gregorii Magni papae in Ezechielem, Lib.1,11,4-6: CCL.142, pp. 170-172. x. Phụ Lục 22.
[5] Homelies sur l’Évangile, 25, 3 ; PL 76, 1191AD ; Trad. Gr. Quére Jaulmes, dans A. Hamman et Fr. Quére Jaulmes, Le Mystère de Pâques, Lettres chrétiennes, no 10, Paris 1965, pp. 294-295.
[6] Lettres IV, 17a, PL 76, 1075-1-78 (éd. critique M.G.H. Epist. I, p. 251 cf. PL 76, 1169Cd et 1174C/PL 75, 94AB et 224C.
[7] M.G.H., Epist II, Lettres XII, 6 À Jean, Sous-diacre de Ravenne,p. 353, 1,6-10 ; p. 352, 1, 15-19 ; Lettre XII, 16a, p. 363, 1-5 ; cf. PL 76, 785A. Toàn bộ các thư này không có ở trong Migne.
[8] Hom. sur Ezéchiel 1, 9-10, SC no 327, p. 147-249 ; trad. Ch. Morel.
[9] Homélies sur l’Évangile II, 35, 4-8, PL 76, 1261D-1264C. Đoạn cuối của trích đoạn ám chỉ thánh Cyprien.
[10] Livres maraux sur Job, XXVII, 79, PL. 4444C-446A ; Trad. Cl. Dagens, Saint Grégoire le Grand, p. 46.
[11] Hom. su Ezéchiel II, PL 76, 995AB. Trad. O. Clément, Sorces…, p. 214.
[12] Ex Homiliis sancti Gregorii Magni papae in Evangelia,Lib. 2, Hom. 16, 11-13 : PL. 76, 1272-1274.
[13] Moralia in Job, Lib. 13, 21-23 : PL. 75, 1028-1029.
[14] Ex Homiliis … Evangelia, Hom. 14, 3-6 :PL. 76, 1129-1130.
[15] Ex Epistolis…, Lib. 9, 36 : MGH, Epistola ad S. Augustinum Cantuarie- nsem episcopum, 2, 305-306.
[16] Moralia in Job, Lib. 1, 2.36 : PL. 75, 529-530, 543-544.
[17] Moralia in Job, Lib. 3, 15-16 : PL. 75, 606-608.
[18] Moralia in Job, Lib. 10, 7-8. 10 : PL. 75, 922. 925-926.
[19] Moralia in Job, Lib. 10, 47-48 : PL. 75, 946-947.
[20] Moralia in Job, Lib. 23, 23-24 : PL. 76, 265-266.
[21] Moralia in Job, Lib. 3, 39-40 : PL. 75, 619-620.
[22] Dialogi de vita et miraculis patrum Italicorum, Lib. 2, 33 : PL. 66, 194-196.
[23] Ex Homiliis.. in Evangelia, Hom.. 26, 7-9 : PL. 76, 1201-1202.
[24] Ex Homiliis… in Evangelia, Hom. 25, 1-2. 4-5 : PL. 76, 1189-1193.
[25] Regulae pastoralis liber, Lib. 2, 4 : PL. 77, 30-31.
[26] Ex Homiliis… in Evangelia, Hom. 17, 3, 14 : PL. 76, 1139-1140. 1146.
[27] Ex Homiliis sancti Gregorii Magni papae in Ezechielem, Lib. 1, 11, 4-6 : CCL. 142, 170-182.
[28] Ex Homiliis… in Evangelia, Hom. 34, 8-9 : PL. 76, 1250-1251.
[29] Ex Homiliis … in Evangelia, Hom. 17, 1-3 : PL. 76, 1139.