Gregory Rocca, OP.
Nguồn: Rocca, Gregory.“St. Thomas Aquinas on Papal Authority”. Angelicum, tập 62, số 3 (1985): 472-484.
Chuyển ngữ: Nguyễn Chí Quốc, OP.
-- -- -- --
KHỞI ĐIỂM THẦN HỌC VỀ THẨM QUYỀN GIÁO HOÀNG
Trong phần thứ hai của tác phẩm Contra Errores Graecorum (Chống lại những sai lầm của người Hy Lạp), được viết vào năm 1263-1264 theo yêu cầu của Đức Giáo hoàng Urbanô IV, sau khi dành 31 chương để bảo vệ việc Giáo hội Tây phương thêm filioque (và bởi Đức Chúa Con) vào Kinh Tin Kính, thánh Tôma Aquinô bắt đầu trình bày về quyền tối thượng giáo hoàng (papal primacy):
Sai lầm của những người nói rằng vị đại diện Chúa Kitô, giáo chủ của Giáo hội Rôma, không có quyền tối thượng trên Giáo hội hoàn vũ, giống như sai lầm của những người nói rằng Chúa Thánh Thần không phát xuất từ Chúa Con. Vì chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa, thánh hiến Giáo hội và đánh dấu Giáo hội thuộc về Người thông qua Chúa Thánh Thần như một ấn chứng và dấu hiệu riêng... Và theo cách tương tự, vị đại diện Chúa Kitô, trong tư cách là tôi tớ trung tín, bằng quyền tối thượng và sự chăm sóc hướng dẫn của mình, phải gìn giữ Giáo hội hoàn vũ luôn quy phục Chúa Kitô[1].
Cách thức thánh nhân nối kết chặt chẽ vấn đề về quyền tối thượng giáo hoàng với vấn đề về sự phát xuất của Thánh Thần cho thấy rõ ràng rằng quyền tối thượng giáo hoàng có vai trò trung tâm, rõ ràng và cần thiết trong phẩm trật của Giáo hội Chúa Kitô. Quyền tối thượng giáo hoàng có nghĩa là “vị đại diện Chúa Kitô nắm giữ quyền bính tối cao trong toàn thể Giáo hội Chúa Kitô”[2], và rằng “Giám mục Rôma, Đấng kế vị thánh Phêrô và là vị đại diện Chúa Kitô, là người đứng đầu và cao trọng nhất trong tất cả các giám mục”[3]. Quyền tối thượng này bao hàm huấn quyền những gì thuộc về đức tin, vốn gắn liền với Giám mục Rôma “để xác định những gì thuộc về đức tin”[4]; nó cũng bao hàm quyền tài phán (jurisdictional authority), như chúng ta có thể thấy rõ từ những lời sau đây, được cho là phảng phất bóng dáng lời của Đức Giáo hoàng Bonifacê VIII trong tông sắc Unam Sanctam: “Việc phải quy phục Giám mục Rôma là điều cần thiết để được cứu rỗi”[5].
Những tác phẩm khác của thánh Tôma cũng xác nhận lập trường của Contra Errores Graecorum về bản chất và phạm vi của quyền tối thượng giáo hoàng. Trong Summa Contra Gentiles (Tổng luận phản bác dân ngoại), ngài lập luận rằng sự hiệp nhất của dân Thiên Chúa được thúc đẩy hiệu lực nhất dưới một thủ lãnh của Giáo hội và chế độ quân chủ là cách thức cai quản hiệu quả nhất[6]. Ở chỗ khác, ngài viết rằng “…đối với vị tư tế tối cao, đấng kế vị thánh Phêrô, vị đại diện Chúa Kitô, Giám mục Rôma, tất cả các vua của dân Kitô giáo quy phục như quy phục chính Chúa Giêsu Kitô vậy”[7]. Đối với thánh Tôma, Giáo hội được đồng nhất với toàn thể; do đó, trong khi quyền tài phán của Đức Giáo hoàng là trọn vẹn và phổ quát, thì “các giám mục nhận lãnh một phần trách nhiệm chăm lo Giáo hội, như những thẩm phán được đặt ở các thành phố riêng biệt”[8]; và chỉ có vị Giáo hoàng mới có quyền triệu tập và chuẩn nhận các công đồng[9]. Ngài ca ngợi đức tin tinh tuyền của Giáo hội Rôma:
Chỉ có Giáo hội của thánh Phêrô...luôn kiên vững trong đức tin. Thế mà ở các nơi khác trên thế giới hoặc không có đức tin hoặc đức tin bị pha trộn với nhiều sai lầm. Nhưng Giáo hội của thánh Phêrô thì mạnh mẽ trong đức tin và miễn nhiễm với các sai lầm. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì Chúa đã nói với Phêrô: “Thầy đã cầu nguyện cho anh, Phêrô, để anh khỏi mất đức tin”[10].
Đức Giáo hoàng có quyền tài phán phổ quát và là người lãnh đạo Giáo hội vốn vượt trội về đức tin so với tất cả các giáo hội khác. Vì vậy, thánh Tôma nói rằng Đức Giáo hoàng có quyền “để phán quyết dứt khoát những gì thuộc về đức tin, để tất cả có thể kiên vững trong đức tin”[11]. Thực vậy, ngay cả “việc công bố Kinh Tin Kính mới (cách nói tượng trưng) cũng chỉ thuộc thẩm quyền duy nhất của Đức Giáo hoàng: cũng như tất cả những gì liên quan đến toàn thể Giáo hội...”[12].
Rõ ràng là thánh Tôma không phải là người theo chủ nghĩa tối giản khi nói về quyền tối thượng giáo hoàng trong các lĩnh vực giáo huấn và quyền tài phán. Về quan điểm của thánh Tôma đối với tính ràng buộc trong giáo huấn của Đức Giáo hoàng, Yves Congar viết: “Do đó, thật là chính đáng khi xem ST II-II, q.1, a.10 là tuyên bố đầu tiên về điều sau này sẽ trở thành ý tưởng thần học, và sáu thế kỷ sau là tín điều về tính bất khả ngộ của magisterium (huấn quyền) của Đức Giáo hoàng”[13]. Avery Dulles viết rằng thánh Tôma là một trong những người khai sinh ra một nền giáo hội học mới chủ trương quyền tối thượng giáo hoàng (papalist ecclesiology), vốn “đề cao các đặc quyền của Đức Giáo hoàng”[14]. Với rất ít sự quan tâm đến nguyên tắc hiệp đoàn tính (collegiality), nên thánh Tôma ủng hộ một “giáo hội học hình kim tự tháp” dựa trên plenitudo potestatis (quyền bính trọn vẹn) của Đức Giáo hoàng[15]. Tóm lại, có vẻ như thánh Tôma ủng hộ một thuyết tuyệt đối về quyền bính và thẩm quyền giáo hoàng.
NHỮNG GIỚI HẠN CỦA QUYỀN TỐI THƯỢNG GIÁO HOÀNG
Cần nhìn nhận rằng, có lẽ quan điểm của thánh Tôma về quyền tối thượng giáo hoàng được tùy chỉnh ở những chỗ khác trong các tác phẩm của ngài, qua những tuyên bố nhằm trả lời các vấn nạn khác nhau đã hé lộ những khía cạnh của quyền tối thượng giáo hoàng không hoàn toàn phù hợp với một mô hình quyền bính tuyệt đối. Chắc chắn những gì Congar, Dulles và nhiều người khác đã nhận xét về giáo hội học của thánh Tôma là đúng và không thể tranh cãi: ngài là một người theo chủ trương bênh vực quyền giáo hoàng, một người ủng hộ mạnh mẽ quyền tối thượng giáo hoàng. Trong các tác phẩm của ngài, ta không tìm thấy bất kỳ thủ tục pháp lý nào có nội dung ràng buộc Đức Giáo hoàng, cũng không thấy bất kỳ cuộc thảo luận nào về tính hiệp đoàn theo nghĩa hiện đại. Nhưng có những chỉ dẫn trong tư tưởng của ngài cho thấy rằng chính quyền tối thượng giáo hoàng cũng bị giới hạn và được quy định bởi những nguyên tắc đạo đức, những nguyên tắc thiêng liêng và những nguyên tắc Kitô giáo; điều đó có nghĩa là thẩm quyền giáo hoàng không hoàn toàn tuyệt đối.
Thánh Tôma chưa bao giờ nói, thậm chí chỉ là đặt giả thuyết, về việc một vị Giáo hoàng bị phế truất hoặc từ chức. Ngài không công nhận sự tồn tại của một cơ quan pháp lý nào có thể xét xử Đức Giáo hoàng. Dù ngài tranh luận về lạc giáo, bội giáo, ly giáo và gương xấu[16], nhưng ngài chưa bao giờ xem xét những chuyện có thể xảy ra nếu một vị Giáo hoàng phạm những tội lỗi đó. Tuy nhiên, một kẻ cầm quyền thế tục có thể bị truất phế vì bội giáo[17], và các giáo sĩ[18], giám mục[19] có thể bị cách chức. Khi chú giải Tin Mừng Mát-thêu 18,9: “Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi”, thánh Tôma ngụ ý rằng “mắt anh làm cớ cho anh sa ngã” ám chỉ những người lãnh đạo trong Giáo hội, và kết luận: “Vì vậy, một vị giáo sĩ cao cấp nên bị phế truất hoặc một phó tế nên bị loại ra khỏi Giáo hội, hơn là để Giáo bị gương mù”[20]. Một nguyên tắc chung được nêu ra như thế, nhưng liệu có áp dụng cho Đức Giáo hoàng không?
Thánh Tôma thậm chí chưa bao giờ đặt vấn đề đó, có thể vì ngài không thể tưởng tượng ra một quy trình pháp lý xét xử Đức Giáo hoàng - ngay cả khi đó là một người tồi tệ - hoặc vì ngài không thể tưởng tượng ra một vị Giáo hoàng có thể gây gương xấu cho Giáo hội đến mức cần bị loại bỏ. Ngài rõ ràng đã giảm nhẹ hành động gây gương mù của Phêrô đối với người ngoại giáo tại Antiôkhia khi xảy ra tranh cãi với Phaolô. Ngài khẳng định rằng Phêrô không gây gương xấu một cách chủ động; thánh tông đồ chỉ hơi thiếu thận trọng, và những Kitô hữu gốc dân ngoại vì lỗi của chính họ đã bị gương mù thụ động mà không có lý do chính đáng[21]!
Giờ đây, chúng ta hãy xem xét cách thánh Tôma vận dụng những đoạn Kinh Thánh vốn được truyền thống sử dụng để điều chỉnh cái nhìn về con người và những giới hạn trong những diễn giải cực đoan về chủ nghĩa tuyệt đối giáo hoàng. Ngài giới hạn các chú giải của mình chỉ tập trung vào Phêrô, thế nhưng rõ ràng cũng có thể mở rộng những chú giải đó cho tất cả các vị Giáo hoàng.
Mt 26,69-75: Lúc đó ông Phêrô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giêsu, người Galilê đó chứ gì?”. Ông liền chối trước mặt mọi người mà nói: “Tôi không biết cô nói gì!”. Ông đi ra đến cổng, thì một người tớ gái khác thấy ông, liền nói với những người ở đó: “Bác này cũng đã ở với ông Giêsu người Nazarét đấy”. Nhưng ông Phêrô lại thề mà chối: “Tôi không biết người ấy”. Một lát sau, những người đứng đó xích lại gần ông Phêrô mà nói: “Đúng là bác cũng thuộc bọn họ. Cứ nghe giọng nói của bác là biết ngay”. Bấy giờ ông Phêrô liền thề độc mà quả quyết rằng: “Tôi thề là không biết người ấy”. Ngay lúc đó, có tiếng gà gáy. Ông Phêrô sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Thánh Tôma chỉ nói về mức độ nghiêm trọng và tầm mức tội lỗi của Phêrô, cùng với sự chân thành và chiều sâu của lòng sám hối sau đó của ngài. Một số người, như Bernard de Clairvaux, muốn biện minh cho Phêrô, ít nhất là không phạm tội trọng. Nhưng “phải nói rằng ông (Phêrô) đã phạm tội trọng; tuy nhiên, không phải vì ác ý, mà vì sợ chết[22]“.
Mt 18,18: Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy bảo thật anh em: Dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy”.
Thánh Tôma nhận ra rằng quyền ràng buộc và tháo cởi được ban cho tất cả các tông đồ trong bản văn này đã được trao cho Phêrô một cách riêng biệt trước đó. Tuy nhiên, điều này không làm suy giảm quyền tối thượng giáo hoàng.
Ở trên, những điều này được nói riêng với Phêrô; còn ở đây được nói với toàn thể Hội Thánh... Origen nói rằng ở đây Đức Giêsu nói “trên trời” (in caelo); nhưng khi nói với Phêrô, Đức Giêsu lại nói “trên các tầng trời” (in caelis), để cho thấy rằng Phêrô có quyền bính phổ quát. Còn ở đây, Người chỉ nói “trên trời” vì họ (các môn đệ khác) không có quyền bính phổ quát, mà chỉ có quyền hạn ở một số nơi (nhất định): vì Đức Giêsu đã ban cho Phêrô quyền phổ quát[23].
Người ta có thể mong đợi để thấy trong lời chú giải bản văn Mát-thêu này một sự khởi đầu của học thuyết về tính hiệp đoàn, tập trung vào vai trò của các giám mục. Nhưng thánh Tôma, người theo thuyết giáo hoàng, lại sử dụng đoạn này (dựa trên lối chú giải khá nghi ngờ của Origen) để một lần nữa bảo vệ tính phổ quát của thẩm quyền giáo hoàng.
Mt 16,22-23: Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”. Nhưng Đức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Satan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Thánh Tôma nhận thức được vấn đề: chỉ vài câu trước, Đức Giêsu đã nói với Phêrô rằng Người sẽ xây dựng Hội Thánh trên ông như trên một nền tảng vững chắc, và bây giờ lại gọi ông là satan. Làm sao có thể như vậy?
Thánh Giêrônimô nói rằng những điều Chúa hứa, Phêrô lúc đó vẫn chưa nhận được. Vì ông sẽ nhận được những điều ấy trong tương lai, nên Đức Giêsu vẫn có thể gọi ông là satan vào lúc đó. Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng Đức Giêsu muốn cho thấy con người tự thân có thể làm được gì và nhờ ơn Chúa thì có thể làm được gì: vì trước đó Phêrô nhận ra thần tính của Đức Kitô là nhờ ơn Chúa; nhưng khi Chúa rút lại ân sủng, thì bản chất yếu đuối con người lộ ra, nên Đức Giêsu gọi ông là satan. Vì thế, Chúa đôi khi muốn những người hoàn hảo sa ngã, để họ nhận ra bản chất yếu đuối của chính mình[24].
Câu cuối hàm chứa quan điểm chính yếu của thánh Tôma cho mục đích của chúng ta: Phêrô và (ngầm hiểu) tất cả những người kế vị ngài phải nhận ra con người yếu đuối của mình và (có vẻ như) cai quản Hội Thánh một cách phù hợp.
Gl 2,11-14: Nhưng khi ông Kêpha đến Antiôkhia, tôi đã cự lại ông ngay trước mặt, vì ông đã làm điều đáng trách. Thật vậy, ông thường dùng bữa với những người gốc dân ngoại trước khi có những người của ông Giacôbê đến; nhưng khi những người này đến, ông lại tránh né và tự tách ra, vì sợ những người được cắt bì. Những người Do Thái khác cũng theo ông mà giả hình giả bộ, khiến cả ông Banaba cũng bị lôi cuốn mà giả hình như họ. Nhưng khi tôi thấy các ông ấy không đi đúng theo chân lý của Tin Mừng, thì tôi đã nói với ông Kêpha trước mặt mọi người: “Nếu ông là người Do Thái mà còn sống như người dân ngoại, chứ không như người Do Thái, thì làm sao ông lại ép người dân ngoại phải xử sự như người Do Thái?”.
Thánh Tôma không mong muốn thừa nhận rằng có bất kỳ tông đồ nào đã phạm tội trọng sau lễ Ngũ Tuần; nhưng có thể, như trong trường hợp của Phêrô ở đây, họ đã phạm tội nhẹ vì yếu đuối nơi con người. Ngài coi sự việc giữa Phêrô và Phaolô tại Antiôkhia như một bài học cho hàng giáo phẩm và giáo dân. Hàng giáo phẩm phải khiêm tốn để sẵn sàng được sửa lỗi, và giáo dân phải có can đảm sửa lỗi cho các ngài, nhất là khi lỗi ấy công khai[25]. Dịp để Phaolô quở trách Phêrô không phải là chuyện nhỏ hay không quan trọng, vì lẽ chân lý Tin Mừng đang bị đe dọa[26]. Do đó, Phaolô hoàn toàn chính đáng khi quở trách. Tuy nhiên, dù sự giả vờ của Phêrô tại Antiôkhia là một mối nguy thực sự đối với Tin Mừng, và mặc dù có trích dẫn lời của Đức Giáo Hoàng Lêô I rằng “gương sống hiệu quả hơn lời nói”, thì thánh Tôma cùng với thánh Augustinô vẫn tin rằng hành động của Phêrô chỉ là một tội nhẹ[27]. Ngài giảm thiểu gương xấu và không nêu nghi vấn nào trong sự việc này về thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng để giảng dạy bằng lời nói hoặc thể hiện bằng hành động một vấn đề của đức tin.
Ga 21,15-17: Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”. Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?”. Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”.
Thánh Tôma sử dụng bản văn này để cho thấy sự cần thiết về mặt thiêng liêng với bất kỳ vị nào trong hàng giáo phẩm, và càng cần thiết hơn nữa đối với Đức Giáo hoàng. Ngài nhấn mạnh với sự ràng buộc luân lý rằng hàng giáo phẩm phải chăm sóc đoàn chiên vì danh Chúa Kitô: “Vì nhiều người nhận chức vụ mục tử nhưng lại dùng nó như những người yêu chính mình. Thế mà ai không yêu Chúa thì không xứng đáng là một người thuộc hàng giáo phẩm; người xứng đáng hơn là người không tìm lợi ích riêng, mà tìm lợi ích cho Chúa Giêsu Kitô...”[28]. Thánh Tôma cho rằng lần hiện ra trong Ga 21 là lần cuối Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Sau ba lần chối Chúa trước đó của Phêrô, giờ đây Đức Giêsu yêu cầu thánh tông đồ ba lần tuyên xưng tình yêu. Phêrô được uốn nắn và gột sạch khi nhận lời cuối cùng của Chúa: “Và như thế, sứ vụ sau cùng của Hội thánh được trao cho một Phêrô đã trở nên khiêm nhường”[29]. Thánh Tôma ám chỉ rằng cách thức Chúa trao sứ vụ sau cùng của Hội Thánh cho Phêrô, cho thấy rằng Phêrô - và ngầm hiểu là các đấng kế vị ngài - phải thi hành sứ vụ của mình với tất cả tình yêu và lòng khiêm nhường.
Trong tư tưởng của thánh Tôma có những dấu hiệu cho thấy rằng quyền giáo huấn của Đức Giáo hoàng tự nó bị đánh giá bởi một luật bên ngoài chính nó, nên không hoàn toàn theo nghĩa là không chịu trách nhiệm với bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì khác ngoài chính mình. Thánh nhân viết rằng “một người không được đồng thuận với một vị nào trong hàng giáo phẩm giảng dạy chống lại đức tin, vì trong trường hợp này vị ấy không phù hợp với quy luật đầu tiên”[30]. Quy luật đầu tiên là gì? Nó thực chất là chân lý Thiên Chúa: “Tri thức con người không phải là quy luật của đức tin, nhưng phải là chân lý Thiên Chúa”[31]. Chân lý Thiên Chúa là điều được gìn giữ trước tiên trong đức tin của Hội Thánh hoàn vũ. Thánh Tôma thậm chí liên kết đức tin của Hội Thánh với lời hứa của Chúa dành cho Phêrô trong Lc 22,32, nói về “đức tin của Hội Thánh hoàn vũ, vốn không thể mất đi, như Chúa nói trong Lc 22,32: ‘Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất đức tin’”[32]. Điều đáng chú ý là ngài liên hệ lời hứa với Phêrô về sự vững vàng trong đức tin của Hội thánh hơn là với bản thân Phêrô; với thánh Tôma, Phêrô và Hội Thánh không bị chia cắt mà được nhìn nhận trong sự hiệp nhất bất khả phân. Do đó, tiêu chuẩn đo lường việc giảng dạy của bất kỳ vị nào trong hàng giáo phẩm (có lẽ kể cả Giáo Hoàng?) là chân lý Thiên Chúa như nó vẫn sống động trong đức tin của Hội Thánh hoàn vũ. Thế mà đức tin này được diễn đạt chủ yếu và trước tiên trong Kinh Thánh quy điển. Thánh Tôma dạy rằng các ngôn sứ và các tông đồ đã giảng và ghi lại những chân lý mà Đức Kitô đã mặc khải cho thế gian, và sự chân thực trong lời chứng của họ đã được xác nhận bởi các phép lạ và dấu chỉ từ Thiên Chúa. Và bây giờ, những người kế vị các ngôn sứ và các tông đồ cũng giảng dạy các chân lý đức tin, nhưng “chúng ta không tin những người kế vị họ trừ khi họ loan báo cho chúng ta những điều mà các ngôn sứ và các tông đồ đã để lại trong Kinh Thánh”[33]. Thật vậy, “Đức Giáo hoàng không thể hủy bỏ Kinh Thánh quy điển của các tông đồ và các ngôn sứ, vốn là nền tảng cho đức tin của Hội Thánh”[34].
TÍNH BẤT KHẢ NGỘ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
Chúng ta đã ghi nhận ở trên rằng, Congar nhận ra trong Summa Theologica II-II, q.1, a.10 một sự gợi mở cho giáo thuyết về tính bất khả ngộ (infallibility) của Đức Giáo hoàng. Nhưng như chính Congar nhận thấy, vấn đề với thánh Tôma không đơn giản như vậy: trong tư tưởng của thánh Tôma, sự thật là Đức Giáo hoàng có thể quyết định dứt khoát về các vấn đề đức tin được đặt trong một cái nhìn tổng thể các bối cảnh mà nếu không có nó thì không có giá trị đích thực. Trước tiên, Congar chỉ ra rằng thánh Tôma chưa bao giờ xác định rõ ràng rằng Đức Giáo hoàng “non potest errare” (không thể sai lầm)[35]. Điều này không có nghĩa là không thể rút ra một giáo huấn về tính bất khả ngộ của Đức Giáo hoàng từ các tác phẩm của ngài, nhưng cho thấy rằng điểm nhấn ở đây không đặt vào sự không thể sai lầm như thế. Thực ra, thánh Tôma muốn tập trung vào sự bất khả ngộ về chính chân lý Thiên Chúa và vào sự vững chắc cũng như bất khả ngộ đức tin Hội Thánh, trong đó Đức Giáo hoàng là tiếng nói vững chắc và đại diện tối cao khi quyết định các vấn đề đức tin. Congar cho thấy rằng thánh Tôma không bao giờ dùng từ infallibilitas (tính bất khả ngộ) khi đề cập đến giáo huấn của Đức Giáo hoàng, mà thay vào đó ngài dùng từ này để diễn tả chân lý đầu tiên, là Thiên Chúa, hoặc để mô tả nội dung khách quan của những gì Kinh Thánh dạy hoặc Giáo hội tin[36]. Congar cũng nhấn mạnh việc thánh Tôma sử dụng phạm trù representation (đại diện), một khái niệm phổ biến vào thời của thánh nhân[37]. Đức Giáo hoàng là hiện thân cụ thể của thẩm quyền Giáo hội. “Thánh Tôma cho rằng Đức Giáo hoàng cá nhân hoá auctoritas (thẩm quyền) của Giáo hội; khi công bố một tín biểu, ngài chỉ đơn thuần làm cho đức tin của Giáo hội được biểu lộ”[38].
NHỮNG GIỚI HẠN TRONG QUYỀN TÀI PHÁN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG
Tuy nhiên, cũng có những khẳng định của thánh Tôma cho thấy quyền tài phán của Đức Giáo hoàng không hoàn toàn tuyệt đối: nghĩa là, có những điều nhất định mà Đức Giáo hoàng đơn thuần là không thể làm. Hơn nữa, thẩm quyền của ngài trong Giáo hội là quyền của một quản gia, chứ không phải là quyền của một người sở hữu hay ông chủ. Ở một chỗ khác, thánh Tôma xác quyết nguyên tắc rằng Đức Giáo hoàng “không được nói là có quyền bính tối cao đối với Thân Thể Chúa, nhưng đúng hơn là đối với Thân Thể Nhiệm Mầu”[39]. Thẩm quyền của Đức Giáo hoàng chỉ mở rộng trên Thân Thể Nhiệm Mầu. Nhưng ngay cả điểm này cũng có những giới hạn. Đức Giáo hoàng không thể thay đổi hoặc miễn chuẩn Thiên luật, nhưng chỉ có thể làm điều đó đối với nhân luật; và trong Thiên luật, thánh Tôma tính đến cả luật tự nhiên, các tín điều đức tin và các bí tích ân sủng[40]. Thẩm quyền của Đức Giáo hoàng cũng phải tôn trọng tất cả những điều này; ngài không bao giờ có thể bãi bỏ hoặc thay đổi chúng. Dĩ nhiên, một câu hỏi nảy sinh là: điều gì thuộc Thiên luật, và điều gì chỉ thuộc nhân luật? Chẳng hạn, thánh Tôma dạy rằng Đức Giáo hoàng không thể miễn chuẩn việc lãnh nhận Bí tích Rửa tội hay Hòa giải là điều cần thiết cho ơn cứu độ[41]; và liên quan đến việc miễn chuẩn các lời khấn dòng, ngài nói: “Đức Giáo hoàng không thể khiến cho một tu sĩ khấn dòng trở thành người không còn là tu sĩ nữa, mặc dù một số nhà giáo luật không thông thạo nói ngược lại”[42].
Đức Giáo hoàng không phải là vị quốc vương cai quản chỉ dựa vào ý chí của mình. Chẳng hạn, thánh Tôma khẳng định rằng bởi vì Đức Giáo hoàng có quyền bính tối cao, nên ngài có toàn quyền ban ân xá: “Ngài (Đức Giáo hoàng) có thể làm điều ngài muốn, miễn là có lý do chính đáng”[43]. Ngay cả trong việc thực thi thẩm quyền thích hợp, Đức Giáo hoàng vẫn bị ràng buộc phải theo lẽ phải, chứ không thể hành động tùy tiện hoặc theo cảm hứng thất thường. Cuối cùng, Đức Giáo hoàng không sở hữu hoặc thống trị Giáo hội như tài sản riêng của mình, nhưng chỉ phục vụ như người quản lý cao nhất để đem lại lợi ích cho Chúa Kitô. Điều này được thánh Tôma trình bày rõ ràng khi ngài bàn về tội buôn thần bán thánh và đặt câu hỏi liệu Đức Giáo hoàng có thể phạm tội mại thánh hay không. Một số người cho rằng Đức Giáo hoàng không thể phạm tội này, vì khi ngài trao ban ân huệ thiêng liêng để đổi lấy lợi ích vật chất, ngài chỉ trao ban điều thuộc về quyền của ngài, vì ngài là chủ của mọi sự trong Giáo hội. Thánh Tôma trả lời rằng, Đức Giáo hoàng có thể và thực sự phạm tội buôn thần bán thánh nếu ngài trao ban những điều thiêng liêng để đổi lấy lợi ích vật chất. “Bởi vì, mặc dù những sự thuộc về Giáo hội là của ngài như là người quản lý chính, nhưng chúng không phải là của ngài xét như là chủ nhân hay người sở hữu”[44].
KẾT LUẬN
Chúng ta hãy kết luận bằng cách đặt lại câu hỏi: Theo thánh Tôma Aquinô, liệu thẩm quyền giáo hoàng có những giới hạn nào không? Có thể đưa ra ba điểm để trả lời.
Thứ nhất, không thể xem thánh Tôma là một người chủ trương ủng hộ quyền tối thượng công đồng (conciliarist), cũng không thể tìm thấy mối liên hệ với chủ trương về quyền tối thượng công đồng trong các tác phẩm của ngài. Ngài là người ủng hộ quyền tối thượng giáo hoàng; ngài không hình dung ra các cơ cấu pháp lý có thể xét xử hoặc ràng buộc Đức Giáo hoàng; ngài không bàn về việc phế truất hay từ chức của Đức Giáo hoàng; thậm chí ngài cũng không đặt ra giả thuyết mà một số nhà giáo luật vào thời của ngài đã đặt ra về việc phải làm gì với một vị Giáo hoàng lạc giáo, bội giáo hay ly giáo. Tuy nhiên, Đức Giáo hoàng không có quyền lực tuyệt đối như một kẻ độc tài, nhưng chính ngài cũng bị ràng buộc và chịu sự chi phối của các nguyên tắc đạo đức và các nguyên tắc Kitô giáo: ngài phải khiêm nhường và phục vụ Giáo hội trong tình yêu; ngài phải nhớ rằng mình là con người yếu đuối giữa mọi người và phải hành động như vậy; ngài không sở hữu Giáo hội mà là người quản gia; ngài bị ràng buộc lương tâm bởi Thiên luật, luật tự nhiên, các chân lý đức tin và các bí tích ân sủng; quyền tối thượng trong giáo huấn của ngài cũng được hạn định bởi Kinh Thánh, đức tin của Giáo hội hoàn vũ và chân lý Thiên Chúa - ba yếu tố này là những quy tắc đức tin bất khả ngộ; huấn quyền của Đức Giáo hoàng không tách biệt khỏi Giáo hội, nhưng ngài đại diện cho toàn thể Giáo hội khi giảng dạy theo thẩm quyền; cuối cùng, Đức Giáo hoàng không phải là một quốc vương chuyên chế với một ý chí tự động trở thành đúng đắn và công bằng, nhưng việc điều hành Giáo hội của ngài phải được quy chiếu bởi lý trí, tình yêu và đức tin Kitô giáo. Những giới hạn này đối với quyền bính tuyệt đối của Đức Giáo hoàng là về mặt luân lý, thiêng liêng và liên quan đến đức tin Kitô giáo; chúng không mang tính pháp lý. Tuy nhiên, chính những giới hạn này tạo thành nền tảng cần thiết và cung cấp bối cảnh thần học đích thực cho việc hiểu đúng và quân bình các khẳng định có tính chất ủng hộ quyền giáo hoàng rõ nét của thánh Tôma.
Thứ hai, nối tiếp điểm thứ nhất: theo thánh Tôma, điều gì sẽ xảy ra nếu một vị Giáo hoàng hoàn toàn không đáp ứng việc thực thi các đòi hỏi luân lý và thiêng liêng Kitô giáo, là những điều vốn giới hạn và hạn định thẩm quyền của ngài? Chúng ta biết rằng thánh Tôma thừa nhận rằng một linh mục hay giám mục có thể rơi vào lạc giáo, bội giáo hay ly giáo. Liệu một vị Giáo hoàng cũng có thể rơi vào tình trạng tương tự? Chắc chắn là Đức Giáo hoàng cũng có thể phạm tội buôn thần bán thánh; ngài có thể bị khiển trách (như Phêrô) nếu ngài gây tổn hại cho Giáo hội một cách công khai do sự thiếu khôn ngoan, gây gương mù hoặc những lỗi luân lý khác. Nhưng chúng ta không biết liệu thánh Tôma có thực sự coi lạc giáo, bội giáo hay ly giáo là khả dĩ đối với Đức Giáo hoàng hay không. Như đã thấy, ngài thậm chí còn cố gắng giảm nhẹ vụ tai tiếng của thánh Phêrô ở Antiôkhia. Tuy nhiên, có lẽ thánh Tôma thừa nhận rằng Đức Giáo hoàng có thể trở nên vô luân hoặc bạo ngược: ngài chắc chắn có thể phạm tội; ngài có thể đi quá những giới hạn luân lý và Kitô giáo trong thẩm quyền của mình và qua đó gây tổn hại cho Giáo hội. Dù là do lạc giáo, ly giáo, bạo quyền hay một đời sống vô luân trầm trọng, nếu và khi một vị Giáo hoàng cai quản một cách bất trung, bất công (nghĩa là thiếu lý trí, tùy tiện và gây hại cho lợi ích thiêng liêng của Giáo hội)[45] hoặc gây tai tiếng, thì sao? Dựa trên các nguyên tắc của thánh Tôma, có vẻ không thể loại trừ a priori khả năng rằng một số vị Giáo hoàng vào một thời điểm nào đó có thể hành động một cách ngoan cố và thường xuyên chống lại chính những nguyên tắc luân lý và thiêng liêng Kitô giáo vốn hợp pháp hoá và hạn định thẩm quyền của ngài. Một thảm kịch như vậy cho Giáo hội là điều có thể xảy ra. Trong những trường hợp tương tự liên quan đến các giám mục hay linh mục, thánh Tôma nói rằng cần phế truất. Nhưng ngài chưa bao giờ bàn đến một hành động tương tự đối với Đức Giáo hoàng, có lẽ vì làm như vậy lập tức đòi hỏi phải thiết lập các thủ tục pháp lý sẽ có chức năng xét xử Đức Giáo hoàng, điều mà ngài, với tư cách là người ủng hộ quyền tối thượng giáo hoàng, không muốn làm. Tuy nhiên, những lập luận của thánh Tôma về các giới hạn luân lý và thiêng liêng đối với chính thể chuyên chế giáo hoàng cho thấy là trong trường hợp một biến cố thảm khốc như vậy xảy ra, người ta không thể đơn giản chấm dứt tình thế Giáo hội đang gặp phải bằng cách lập luận rằng Đức Giáo hoàng vượt trên mọi giới hạn khi thực thi quyền tối thượng. Ngược lại, chính các nguyên tắc của thánh Tôma sẽ cho phép người ta nhận ra tình trạng suy yếu nghiêm trọng của Giáo hội và tìm kiếm một giải pháp (dù là bất thường), dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Đấng mà vào thời điểm đó sẽ soi sáng cho Giáo hội con đường hướng tới một giải pháp bình an, nhưng không phải trước khi biến cố ấy xảy ra.
Cuối cùng, quan điểm của Tôma về quyền tối thượng giáo hoàng chỉ có thể được hiểu đầy đủ nếu đặt chức vụ Giáo hoàng trong tổng thể cấu trúc Giáo hội học của ngài, một Giáo hội học có tính Thánh Linh học và Kitô học mạnh mẽ, coi các yếu tố cơ chế của Giáo hội như là những phương tiện nhằm phát triển và hoàn thiện các yếu tố chính yếu của Giáo hội: ân sủng, đức tin, niềm hy vọng và sự hiệp nhất các Kitô hữu trong tình yêu[46]. Một nghiên cứu như vậy về Giáo hội học của thánh Tôma sẽ cho thấy rằng ngài phục vụ thần học tốt nhất khi đặt chức vụ Giáo hoàng (và do đó “giới hạn” chức vụ này trong phạm vi thần học) trong một Giáo hội được thấm nhuần và sống nhờ quyền năng và ân sủng của Thánh Thần.
-- -- -- -- --
[1] Thánh Tôma Auinô, Contra Errores Graecorum, Opera Omnia iussu Leonis XIII (Roma) tập 40a, phần 2, chương 32, 3-13.
[2] Sđd., chương 32, 15-16; cf. chương 35, 3-5: Giám mục Rôma nắm giữ quyền bính tương đương với quyền bính được Đức Giêsu trao cho Phêrô.
[3] Sđd., chương 32, 17-19.
[4] Sđd., chương 36, 3-4.
[5] “...subesse Romano pontifici, sit de necessitate salutis” (… phải quy phục Giám mục Rôma là điều cần thiết để được cứu độ). Sđd., chương 38, 3-4.
[6] Summa Contra Gentiles IV, 76. Tuy nhiên, ngài lập luận rằng cách thức cai quản hỗn hợp là tối ưu trong tác phẩm Summa Theologica (sau đây viết tắt là ST), I-II, 105, 1.
[7] De Regno ad Regem Cypri, Parma Edition (New York: 1950) tập 16, tr. 237.
[8] IV Sent., 20, 1, 4, 3.
[9] ST I, 36, 2, ad 2; cf. De Potentia 10, 4, ad 13.
[10] Collationes super Credo in Deum, Parma Edition (New York: 1950) tập 16, mục ix, tr. 148. Khi chú giải Mt 16,18 về cửa hoả ngục, thánh Tôma cho rằng những kẻ lạc giáo chính là các cửa hoả ngục sẽ không bao giờ thắng được Giáo hội, đặc biệt là Giáo hội của thánh Phêrô, bởi chỉ có Giáo hội của thánh Phêrô là không bị nhuốm màu lạc giáo. Do đó, ngài kết luận: “Tôi tin rằng (các Giáo hội) Tây phương phải tỏ lòng kính trọng tông đồ Phêrô hơn các tông đồ khác”. Lectura super Matthaeum, Parma Edition (New York: 1949) tập 10, tr. 155.
[11] ST II-II, 1, 10.
[12] Sđd..
[13] Yves Congar, “St. Thomas Aquinas and the Infallibility of the Papal Magisterium”, Thomist 38 (1974) 103.
[14] Avery Dulles, “The Spiritual Community of Man: The Church According to St. Thomas”, trong Calgary Aquinas Studies, ed. Anthony Parel (Toronto: Pontifical Institute of Medieval Studies, 1978) 142.
[15] Sđd., tr. 149-150.
[16] ST II-II 11; 12; 39; 43.
[17] ST II-II 12, 2.
[18] ST II-II 100, 6.
[19] ST II-II, 185, 4, ad 2.
[20] Lectura super Matthaeum, tr. 168.
[21] ST II-II, 43, 6, ad 2.
[22] Lectura super Matthaeum, tr. 260.
[23] Sđd., tr. 171.
[24] Sđd., tr. 157.
[25] Expositio et Lectura super Epistolas Pauli Apostoli, Parma Edition (New York: 1949) chương 13, tr. 395.
[26] “Occasio autem reprehensionis est non levis, sed iusta et utilis, scilicet periculum evangelicae veritatis” (Hơn nữa, lý do của sự khiển trách không phải là không quan trọng, nhưng là chính đáng và hữu ích, cụ thể là mối nguy đối với chân lý Tin Mừng). Ctg.
[27] Sđd., tr. 396.
[28] Lectura super Johannem, Parma Edition (New York: 1949), tập 10, tr. 640. “Mọi vị thuộc hàng giáo phẩm phải canh chừng những người thuộc quyền coi sóc của mình như là đoàn chiên của Đức Kitô, chứ không phải của bản thân họ” (tr. 641).
[29] Sđd., tr. 641.
[30] III Sent., 25, 2, 1, 4, ad 3.
[31] ST II-II, 2, 6, ad 3.
[32] Ctg.
[33] De Veritate 14, 10, ad 11.
[34] Contra Impugnantes Dei et Religionem, iussu Leonis XIII (Roma: 1970) tập 41, chương 4, 1392-1395).
[35] Congar, Sđd., tr. 102.
[36] Sđd., tr. 99-103; “Thực tế là thánh Tôma đã không bàn về tính bất khả ngộ trong magisterium của Đức Giáo hoàng. Hơn nữa, ngài cũng không biết đến cách sử dụng thuật ngữ magisterium (huấn quyền) theo nghĩa hiện đại” (tr. 102).
[37] Sđd., tr. 92-97.
[38] Sđd., tr. 96, điểm nhấn của Congar.
[39] IV Sent., 7, 3, 1, 3. Thông qua nguyên tắc này, thánh Tôma lập luận rằng Đức Giáo hoàng không thể chỉ bằng một sắc lệnh đơn giản để trao cho linh mục năng quyền truyền chức thánh, vì đó là đặc quyền riêng của giám mục liên quan đến Thân Thể Chúa. Nhưng ngài có thể trao cho linh mục năng quyền ban Bí tích Thêm Sức, vì theo cái nhìn của thánh Tôma, Bí tích Thêm Sức không liên quan đến Thân Thể Chúa, mà liên quan đến Thân Thể Nhiệm Mầu.
[40] Quaestiones Quodlibetales 4, 13.
[41] IV Sent., 17, 3 1 5.
[42] ST II-II, 88, 11. Thật trớ trêu khi các khuynh hướng hiện đại lại muốn trao cho Đức Giáo hoàng quyền bính tuyệt đối lớn hơn trong lĩnh vực này so với phạm vi mà chính thánh Tôma sẵn lòng thừa nhận. Do cách hiểu cứng rắn và ít mang tính lịch sử hơn về Thiên luật, thánh Tôma cũng có khuynh hướng thu hẹp thẩm quyền giáo hoàng trong địa hạt bí tích hơn so với cách hiểu hiện nay của chúng ta.
[43] IV Sent., 20, 1, 4, 3, điểm nhấn của tác giả.
[44] “Quamvis enim res Ecclesiae sint eius ut principalis dispensatoris, non tamen sunt eius ut domini et possessoris”. ST II-II, 100, 1, ad 7. Cf. IV Sent., 25, 3, 3, ad 2: “Quamvis res Ecclesiae sint aliquo modo Papae, non sunt tamen eius omnibus modis habendi, sicut illud quod ad manum habet” (Mặc dù những sự của Giáo hội theo một cách nào đó là của Đức Giáo hoàng, nhưng không phải mọi sự đều được coi là của ngài, chỉ tựa như một vật ngài nắm trong tay mà thôi).
[45] X. ST I-II, 90, 1-4, thánh Tôma trình bày các đòi hỏi của luật pháp dường như có thể áp dụng cho cả Giáo hội cũng như bất kỳ nơi nào khác.
[46] Để có cái nhìn đầy đủ hơn về Giáo hội học của thánh Tôma, xin xem bài viết của Dulles đã được đề cập trước đó; cũng như, Thomas R. Potvin, “Authority in the Church as Participation in the Authority of Christ according to St. Thomas”, Eglise et Theologie 5 (1974) 227-251; John Mahoney, “The Church of the Holy Spirit in Aquinas”, Heythrop Journal 15 (1974) 18-36; Yves Congar, “The Idea of the Church in St. Thomas Aquinas”, Thomist I (1939) 331-359; cũng như chương 3 trong The Mystery of the Church (Baltimore: Helicon, 1960).